Nắm bắt bí ẩn về bản chất con người trong “Sách cười và lãng quên” của Milan Kundera

Rate this post

Sách cười và lãng quên khám phá và nắm bắt những bí ẩn về bản chất con người trong sự biến đổi của tình huống. Cuốn sách gồm bảy câu chuyện được trình bày như bảy phần của một tổng thể (“Những bức thư bị mất”, “Mẹ”, “Các thiên thần”, “Những bức thư bị mất”, “Lítost”, “Các thiên thần”, “Biên giới”), xoay quanh các chủ đề về ký ức và tiếng cười, mở đầu cho cấu trúc tiểu thuyết bảy phần như một bản giao hưởng, đặc biệt có thể thấy ở tác phẩm nổi tiếng sau này của Kundera là Đời nhẹ khôn kham.

Sách cười và lãng quên

Cuốn sách chia làm bảy phần, như nhiều tác phẩm khác của ông, mỗi phần dịch chuyển chóng mặt từ một người đàn ông di cư với ký ức từng đem lòng yêu một người đàn bà xấu xí đến sự biến mất của một nhà lãnh đạo cộng sản, đến một người phụ nữ tìm cách lấy lại những lá thư cũ của chồng cô ở Prague, đến cả một hội thơ tưởng tượng của những thi hào, rồi thì có cả một phụ nữ bị lạc lên hòn đảo nơi lũ trẻ con cai trị,… Ngay trong mỗi phần cũng bị băm vụn ra đến vô kể, những giấc mơ trộn lẫn với những tự truyện, những sự kiện lịch sử, những trích đoạn về nữ quyền và những đoạn phê bình về trích đoạn ấy, những suy tư về tình dục, những đoạn rẽ ngang về một truyện ngắn của Thomas Mann, những phân cảnh mang màu sắc hiện thực huyền ảo, đâu đó cấu trúc của nó giống như một bức tranh trường phái Lập thể.

Sách cười và lãng quên

Trong bảy phần này, các khía cạnh khác nhau trong sự tồn tại của con người được Milan Kundera sắp xếp, phóng đại, thu nhỏ, nhấn mạnh, kiểm tra, phân tích và trải nghiệm. Mỗi câu chuyện lại có những tình tiết và nhân vật riêng (chỉ duy nhất một nhân vật xuất hiện lặp lại ở hai câu chuyện khác nhau), song vẫn có thể thấy rõ tính thống nhất của tác phẩm qua các chủ đề (ký ức và sự lãng quên, tiếng cười và bi kịch, v.v.), qua bối cảnh từng câu chuyện và nhất là lối kể chuyện mà ở đó Kundera đan xen các phần tự sự, các bình luận về những gì nhân vật làm và về cả các chủ đề ít nhiều liên quan đến câu chuyện, thậm chí có cả những ký ức được trình bày như tự truyện. Và nói tóm lại, bảy phần đó, đúng ra có thể được phát triển thành bảy cuốn sách độc lập với nhau, nhưng Kundera đã không làm thế, bởi cái ông muốn kể không phải là một số phận hay một câu chuyện hay một hành trình, cái ông muốn kể là “tính phức tạp trong sự tồn tại của con người giữa một thế giới hiện đại.” Nếu độc giả thấy bối rối, tốt thôi, đó là điều ông muốn ta cảm thấy. Dù nó cũng phải đánh đổi bằng một việc mà những nhà sáng tác ít thích thú nhất – tự biện giải cho mình, tự gợi ý một cách đọc cho cuốn sách của mình, điều Kundera lồng ghép trong phần cuối của tác phẩm, nếu như bạn có đủ kiên nhẫn đọc tới tận đó.

Như hầu hết những tác phẩm khác mà ông viết trước đó hoặc sau này, Sách cười và lãng quên chẳng thể đứng bên ngoài những biến động lịch sử. Chiếm phần trọng đại nhất trong mỗi tác phẩm của Kundera, luôn luôn, là cuộc truy tìm đến tận cùng bản ngã con người, nhưng bao giờ cuộc truy xét đó cũng chấm dứt trong nghịch lý.

Sách cười và lãng quên

Văn phong của Milan Kundera súc tích, giản dị nhưng lại sắc bén, đầy tính châm biếm. Ông chú trọng trong tiểu thuyết của mình nghệ thuật xây dựng tình thế nhằm làm nổi bật sự phi lí của đời sống cũng như những khoảng tăm tối trong thế giới nội tâm con người: “Toàn bộ sách này là một cuốn tiểu thuyết dưới hình thức những biến tấu. Những phần khác nhau của nó nối tiếp nhau như những chặng khác nhau của một cuộc hành trình dẫn vào bên trong một chủ đề, bên trong một tư tưởng, bên trong một tình huống duy nhất và độc nhất mà việc hiểu nó đối với tôi đã biến mất trong cõi xa xăm. Đây là cuốn tiểu thuyết về Tamina và khi Tamina rời khỏi sân khấu thì nó là cuốn tiểu thuyết cho Tamina. Nàng là nhân vật chính và thính giả chính, tất cả những câu chuyện khác là biến tấu của câu chuyện riêng của nàng và nhập vào nhau trong đời nàng như vào một tấm gương. Đây là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về sự lãng quên và về Praha, về Praha và về các thiên thần.”

Tờ The New York Times nhận định: “Sách cười và lãng quên được cho là một cuốn tiểu thuyết, mặc dù nó bao gồm một phần truyện thần tiên, một phần phê bình, một phần chính luận, một phần nhạc học, một phần tự truyện. Nó có thể được gọi là bất kỳ cái gì, bởi tổng thể cuốn sách đã là một thiên tài.” – John Leonard

Sách cười và lãng quên là một cuốn sách chống chỉ định cho những ai đang run lẩy bẩy khi ngó nghiêng vào cỗ máy vận hành thế giới, bởi đọc nó đi, và bạn sẽ càng chẳng hiểu gì hơn. Sự khó đọc của Sách cười và lãng quên có thể mô tả theo cách này: một người hoàn toàn mù âm nhạc bị ném vào giữa một buổi hòa nhạc cổ điển, âm nhạc lướt qua tai anh ta từ bốn phương tám hướng và anh ta không tài nào tìm ra một quy luật hay mẫu thức ở đó.

Sách cười và lãng quên

Cũng theo lời dịch giả Ngân Xuyên, “Các sách Milan Kundera in ở Việt Nam đều phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của ông. Bìa sách phải gửi sang Pháp cho ông duyệt. Bìa Sách cười và lãng quên này là bìa thứ 3 Nhã Nam gửi sang mới được ông đồng ý cho in. Không được ghi một thông tin nào về tác giả cũng như các lời đánh giá tác phẩm lên bìa và ở trang trong. Chỉ có tên tác giả, tên sách và phần ruột tác phẩm. Milan Kundera chỉ muốn độc giả đọc vào chính văn bản văn chương của mình, bỏ hết những thứ phụ trợ xung quanh. Bởi tiểu thuyết của ông như ông quan niệm và thực hành là phải viết sao cho không thể kể lại và không thể thay thế được. Vì vậy bản tiếng Việt ở phần chú về tác quyền có dòng ghi “All adaptations of Work for film, theatre, television and radio are stricly prohibited” (Mọi sự chuyển thể tác phẩm lên phim, sân khấu, truyền hình và phát thanh đều bị nghiêm cấm)”.

Loading...
error: Content is protected !!