Âm Thanh Và Cuồng Nộ

Lời giới thiệu
Trước
image
Chương 1
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
Tiếp

Âm Thanh Và Cuồng Nộ (The Sound and The Fury), Cuốn tiểu thuyết thứ tư của W. Faulkner, được ấn hành lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 10 năm 1929 đã mang đến cho ông danh tiếng lẫy lừng, đầu tiên là trong giới văn học, sau đó là trong quảng đại quần chúng. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, cuốn sách vẫn là một thách đố đầy quyến rũ cho bất kỳ độc giả nào muốn thâm nhập vào thế giới âm u, náo động, mãnh liệt và thấm đẫm tình người của W. Faulkner. Nhan đề cuốn sách được trích từ một câu thơ của W.Shakespeare, trong vở bi kịch Macbeth, cảnh 5 hồi 5; đó là một định nghĩa về cuộc đời “It is a tale told bắt an idiot, full of sound and fury, signifying nothing” (Đó là câu chuyện do một thằng ngốc kể, đầy những kêu la và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì).Thật vậy, phần thứ nhất của Âm thanh và Cuồng nộ là độc thoại nội tâm của một người đần độn bẩm sinh, gào khóc và điên giận, với những ý nghĩ rời rạc, mù mờ, chắp nối, hỗn độn, những hồi ức, liên tưởng nhảy cóc từ thời đỉêm này sang thời điểm khác, xuôi ngược trên dòng thời gian, lẫn lộn quá khứ, hiện tại, tương lai.

Để độc giả có thể theo dõi câu chuyện mà không nhất thiết phải tìm hiểu những kỹ thuật mới mẻ và phức tạp trong bút pháp của W. Faulkner như kỹ thuật dòng ý thức hay thời gian đồng hiện, chúng ta dựa theo lời giới thiệu của Maurice E. Coindreau trong bản dịch tiếng Pháp Le Bruit et la Fureur (Editions Gallimard, 1949) để cung cấp một chìa khoá giải mã những ẩn ngữ của W. Faulkner.

Câu chuyện diễn ra ở bang Mississippi, nước Mỹ, vào khoảng đầu thế kỷ XX, giữa các thành viên của một gia đình quý tộc miền Nam từ chỗ giàu sang và kiêu kỳ đã trở nên nghèo khổ và sa đoạ. Những nhân vật chính của gia đình quý tộc này gồm ba thế hệ: ông Jason Compson v bà vợ Caroline (tên thời con gái là Caroline Bascomb), cô con gái Candace (hay Caddy) và ba cậu con trai: Quentin, Jason và Maury (sau này gọi là Benjamin hay Benjy để khỏi làm ô danh ông cậu Maury Bascomb), sau cùng là cô cháu gái Quentin, con của Caddy. Sống với họ cũng có ba thế hệ những người hầu da đen: bà Dilsey và chồng là Roskus, với ba đứa con: T.P., Frony, Versh và sau cùng là Luster, con trai của Frony. Như vậy là có hai Jason và hai Quentin.

Theo dõi ngày tháng của chương sách, độc giả sẽ thấy một sự đảo lộn trật tự thời gian. Chương đầu tiên là chuyện xảy ra ngày 7 tháng 4 năm 1928. Chương thứ hai lùi lại mười tám năm, ngày 2 tháng 6 năm 1910. Chương thứ ba lại là ngày 6 tháng 4 năm 1928 và chương thứ tư là hai ngày sau đó, 8 tháng 4 năm 1928. Ba chương đầu là độc thoại nội tâm của ba nhân vật: Benjy – thằng khùng, Quentin và Jason, chỉ có chương cuối mới được kể ở ngôi thứ ba. Trong những độc thoại nội tâm của ba nhân vật này, chuỗi hồi ức và liên tưởng sẽ cung cấp dần dần cho độc giả các sự kiện xảy ra ở thì hiện tại hay quá khứ, và dần dần, những sự kiện đó sẽ dính kết, chắp nối, làm sáng tỏ câu chuyện cũng như chân dung các nhân vật.

Bố cục cuốn sách thường được các nhà nghiên cứu W. Faulkner so sánh với một bản giao hưởng thuộc trường phái ấn tượng mà các chủ đề xuất hiện, biến mất, tái hiện rồi lại biến mất cho đến khi bùng nổ trọn vẹn. các khó khăn ban đầu dường như đầy rẫy và khiến những độc giả thiếu kiên nhẫn sẽ chóng nản chí. Tuy nhiên, không cần phải hiểu cặn kẽ từng câu trong kiệt tác này mới có thể cảm nhận vẻ đẹp và sức quyến rũ của nó. Chính những vùng mờ tối, những mặt trái sáng, những mơ hồ lấp lửng sẽ dẫn dắt trí tưởng tượng của người đọc vào thế giới của W. Faulkner, một thế giới xao xuyến, chấn động và đầy bí ẩn như chính cuộc đời này vậy.

Và bây giờ, chúng ta sẽ phác hoạ sơ đồ từng chương:

– Chương thứ nhất (7/4/1928) Moderato.

Độc thoại nội tâm của Benjy. Hôm đó là sinh nhật lần thứ ba mươi của Benjy. Hắn đang ở ngoài sân với Luster, đứa trẻ da đen, mười bảy tuổi. Luster đánh mất đồng hai mươi lăm xu và đang đi tìm. Benjy bị đần dộn từ nhỏ, chỉ có những cảm giác sinh vật như ngửi, sờ..vvkg biết gì hơn. Nhưng hắn có một thế giới riêng đầy ấn tượng và cảm xúc mà hắn không bao giờ cảm thấynhững ngăn cản của khái niệm không gian và thời gian. Chuỗi ý nghĩ của Benjy không có logic mà chỉ được gợi lên từ những cảm giác ngẫu nhiên. Nghe tiếng gọi “caddie” ccz người chơi golf, Benjy nhớ đến người chị Caddy mà hắn rất yêu quý và hắn thét lên đau khổ. Khi chui qua hàng rào bị vướng, Benjy đột ngột lùi vào quá khứ – lúc còn nhỏ hắn cũng bị vướng rào như thế khi cùng chị Caddy mang lá thư tình của cậu Maury cho bà Patterson. Từ torng mớ hỗn mang những hồi ức, liên tưởng của anh khùng Benjy, hai sự kiện được lộ ra dần: đám tang bà nội, lúc Caddy lên bảy và đám cưới Caddy (25/4/1910). Độc thoại nội tâm mơ hồ, lộn xộn của Benjy làm xuất hiện những chủ đề sẽ xuyên suốt tác phẩm, có khi chỉ vài chữ hoặc một hình ảnh, một âm thanh…và độc giả sẽ nhớ lại ở những chương sau, khi chúng tái hiện với một ý nghĩa sáng tỏ hơn.

– Chương thứ hai (2/6/1910) Adagio.

Độc thoại nội tâm của Quentin Compson, ngày anh tự tử ở Harvard. Quentin ở trong trạng thái bị ám ảnh điên cuồng, bởi những ý nghĩ loạn luân và tự sát. Quentin ghen vì quá yêu cô em gáiCaddy, khi Caddy lấy Sidney Herbert Head vào ngày 25/4/1910. (Trước đó, Caddy đã có người tình là Dalton Ames, và khi Caddy cảm thấy mình có mang, cũng là lúc Caddy theo mẹ tới nghỉ ở vùng suối nước nóng French Lick để kiếm một người chồng). Những ý nghĩ bệnh hoạn điên cuồng dồn dập trong tâm trí Quentin cùng những hồi ức êm dịu mà đau đớn về Caddy làm Quentin hoảng sợ và cố bóp nghẹt (dòng thời gian trôi đi vĩnh viễn mà anh cố níu giữ bằng cách đập nát đồng hồ, sức hút mơ hồ của mặt nước rình rập trong chuyến đi cuối cùng của anh) và kết cục là Quentin đã tự buộc hai chiếc bàn ủi vào chân để trầm mình.

– Chương thứ ba (6/4/1928) Allergro.

Độc thoại nội tâm của Jason hôm hắn phát hiện ra cô cháu gái Quentin (Caddy bị chồng xua đuổi đã bỏ lại cho cha mẹ đứa con gái mới sinh đặt tên là Quentin để tưởng nhớ anh trai) theo một gã kép ở gánh hát rong. Jason săn lùng cháu khiến Quentin phải trốn nhà đi. Những ý nghĩ thù hận cay đắng của Jason quyện quanh những mảng dĩ vãng: đám tang ông bố Jason, sự phá sản của gia đình Compson, không khí nặng nề phủ lên cuộc sống của cô cháu gái Quentin, trên phông nền những sự kiện đời sống thị trấn nơi gia đình Compson cư trú và tại cửa hàng đồ sắt nơi Jason làm thuê.

– Chương thứ tư (8/4/1928)

Kể chuyện trực tiếp: Mở đầu chương này là tiết tấu Allegro Furioso đầy hằn học với sự kiện cô cháu gái Quentin trốn theo trai đã cuỗm theo ba nghìn đô la của ông cậu Jason, khiến Jason phải săn đuổi và rồi bị đánh. Tiếp theo là tiết tấu Andante Religioso đượm màu tôn giáo với buổi lễ Phục sinh ở nhà thờ của người da đen, rồi đến tiết tấu nhanh Allegro Barbaro và tận cùng bình yên trong tiết tấu chậm rãi Lento.

Bản giao hưởng The Sound and the Fury chỉ thiếu nét linh hoạt, vui tươi của một Scherzo. Từ đầu đến cuối vang rền tiếng kêu của Benjy từ âm vực thấp (rên rỉ, sướt mướt) tới âm vực cao (gào, rống, rú), đóng vai trò bộ trống trong dàn nhạc của W.Faulkner. còn nền hình tượng, đo là những khuôn mặt da đen, chứng nhân cho tấn bi kịch của gia đình Compson. Trong số đó, nổi bật gương mặt cao cả và nhẫn nại của Dilsey, bà vú nuôi đã cầm bánh lái con thuyền tan nát của gia đình Compson. Hình ảnh bà Dilsey ở đầu chương thứ tư, mộc mạc và kỳ vĩ, với một lương tri sáng láng, chính là hình ảnh tuyệt đẹp của CON NGƯỜI mà W. Faulkner đã sáng tạo và ngợi ca.

Để nói về những gian nan trong việc đọc W. Faulkner, độc giả có thể dẫn ra hàng trang sách không có dấu chấm câu, những đại từ nhân xưng ngôi thứ ba không rõ chỉ vào ai, những ẩn dụ rắc rối, bí hiểm… nhất là độc thoại nội tâm của Benjy. Anh chàng khùng này sống với thế giới cảm giác riêng, cảm nhận những sự kiện xảy ra như một con thú, ngửi thấy và sờ thấy các biến cố. Benjy ngửi thấy Caddy “có mùi như cây” khi Caddy còn trinh, và trong đám cưới của Caddy, Benjy đã đuổi theo chị tới tận phòng tắm, bắt chị đi tắm để khi trở ra lại có “mùi như cây” và sự tươi mát trinh nguyên như xưa. Khi Benjy cảm nhận sự bình an và hạnh phúc, hắn thấy những mảng sáng êm đềm trôi lướt qua và vạn vật được an bài “vật nào chỗ nấy”. Benjy phản ứng với thời gian chỉ bằng chuỗi âm thanh mơ hồ và đau đớn trải trên nhiều cung bậc, và tiếng kêu khóc triền miên, bất tận của Benjy – con người gần với cỏ cây, muông thú hơn hết – vang dội như thể kết tinh “mọi nỗi thống khổ dưới ánh mặt trời”.

Tác phẩm này của W. Faulkner, mặc dù đặt ra cho độc giả không ít khó khăn khi lĩnh hội, nhưng giá trị tự thân và ảnh hưởng lớn lao của nó đối với văn học hiện đại đã được khẳng định ngày càng mạnh mẽ.

Cùng với The Sound and the Fury, các tác phẩm khác của W. Faulkner như Sanctuary (Thánh đường), Light in August (Nắng tháng Tám), Absalom, Abasalom!.. đã để lại cho kho tàng văn học nhân loại những di sản vô giá. Giá trị của tác phẩm W. Faulkner không chỉ là những sáng tạo về kỹ thuật hay bút pháp mà chính là ở thông điệp nhân bản của ông gửi đến các thế hệ sau.

Trong quá trình dịch tác phẩm này, chúng tôi đã hết sức cố gắng để giữ được nhiều nhất không khí W. Faulkner trong văn phong, tuyệt đối tôn trọng cách viết của tác giả, từ những cung cách chấm câu đến lối nói lấp lửng…Tuy nhiên, việc đưa vào bản dịch tiếng Việt những biến âm trong lối nói của người Mỹ da đen là không thể, và điều đó sẽ làm nặng nề thêm tác phẩm vốn đã không dễ đọc.

Những dịch giả như M. E. Coindreau, khi chuyển tác phẩm này sang Pháp ngữ, mặc dù đã có may mắn được đích thân W. Faulkner bình luận những điểm “tối tăm” nhất trong cuốn sách, vẫn cố làm cho bản dịch của mình được trong sáng và phần nào dễ hiểu hơn, vì nhận thức rõ những khó khăn khi chuyển ngữ một tác phẩm như The Sound and the Fury. Các chú thích trong bản dịch tiếng Việt, chúng tôi cũng tham khảo từ bản Pháp ngữ của M.E. Coindreau. Phần phụ lục của Âm thanh và Cuồng nộ do W. Faulkner viết cho cuốn The Portable Faulkner và được đưa vào tác phẩm từ ấn bản năm 1946 (bản dịch Pháp ngữ lược bỏ phần này).

Những sai sót khi chuỷên một tác phẩm như The Sound and the Fury sang Việt ngữ là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi hy vọng rằng, độc giả vẫn có thể thưởng thức được vẻ đẹp độc đáo của bản giao hưởng văn xuôi này, dù là đọc qua một tấm gương ít nhiều mờ tối.
Người dịch.

Trước
image
Chương 1
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!