Âm Thanh Và Cuồng Nộ

PHỤ LỤC
Trước
image
Chương 14
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
Tiếp

COMPSON: 1699 – 1945

IKKEMOTUBBE. Một ông vua Mỹ bị thất nghiệp. Được gọi là “L Homme” (và đôi khi “de l homme”) bởi anh nuôi của ông, một Hiệp sĩ Pháp quốc sinh ra quá muộn nếu không đã có thể thuộc loại sáng chói nhất trong thiên hà lấp lánh những kẻ khốn kiếp thượng võ là các thống chế của Napoleon, người đã dịch cái danh hiệu bằng thổ ngữ Chickasaw có nghĩa là “Con Người” ra tiếng Pháp như trên, cách dịch này lại được chính Ikkemotubbe – vốn cũng là người thông minh, giàu trí tưởng tượng cũng như có óc nhận xét sắc sảo về tính cách, kể cả tính cách mình – đẩy xa hơn và Anh hoá nó thành “Doom” (Định mệnh). Người đã sang nhượng từ lãnh thổ bao la hoang phí của mình một dặm vuông ngon lành thuộc vùng đất hoang Bắc Mississippi vuông thành sắc cạnh như bốn góc của một chiếc bàn đánh bài (hồi ấy là rừng vì đó là những ngày xa xưa trước năm 1833 khi xuất hiện sao băng và Jefferson Mississippi còn là một ngôi nhà dài một tầng dựng láo nháo bằng gỗ súc trát bùn làm trụ sở của Đại Lý Chickasaw và thương điếm của ông) cho cháu của một người tị nạn Sctotland đã bị mất quyền lợi dòng dõi do gắn bó số phận mình với một ông vua bị phế truất. Khoản này là để chuộc lại phần nào quyền được đi lại yên ổn, bởi bất cứ phương tiện nào mà ông và dân chúng của ông thấy thích hợp, đi bộ hoặc cuỡi ngựa miễn là ngựa Chickasaw, đến miền tây hoang vu bây giờ gọi là Oklahoma: lúc đó chưa biết đến dầu mỏ.

JACKSON. Một tổ phụ da trắng vĩ đại với một thanh gươm. (Một đấu sĩ kỳ cựu, một con sư tử già gây gổ còm nhom hung dữ xác xơ bền bỉ bất diệt người đặt sự an lạc của quốc gia lên trên Nhà Trắng và đặt sự lành mạnh của chính đảng mới của mình lên trên cả hai vai và trên tất cả không phải là danh dự của vợ mình mà là cái nguyên lý khẳng định rằng danh dự phải được bảo vệ cho dù có hya không bởi vì đã được bảo vệ tức là có cho dù có hay không). Người chứng thực đóng dấu và phê chuẩn việc sang nhượng bởi chính tay mình trong căn lều vàng của mình ở Wassi Town, cũng chưa biết đến dầu mỏ: để một ngày kia những hậu duệ vô gia cư của kẻ bị phế truất sẽ rong ruổi say ngất ngư và hôn mê tuyệt vời ở nơi ẩn náu bụi bặm đã dành phần cho các lóng xương của họ trong những chiếc xe tang đặc chế sơn đỏ và những đầu máy xe lửa.

Đây là những người trong dòng họ Compson:

QUENTIN MACLACHAN. Con trai một chủ nhà in ở Glasgow, mồ côi và được họ hàng bên mẹ ở cao nguyên Perth nuôi lớn lên. Từ Culloden Moor chạy trốn sang Carolina với một thanh kiếm và một chiếc áo vải len kẻ ô ngày mặc đêm đắp, và chẳng có gì khác.

Năm tám mươi, bởi đã từng chống lại một vua Anh và thất trận, ông không muốn mắc phải sai lầm đó lần nữa nên lại đào thoát vào một đêm năm 1799, với đứa cháu trai thơ dại và chiếc áo len kẻ ô (thanh kiếm đã mất, cùng với con trai ông, cha của đứa cháu, trong một trận đánh của các trung đoàn Tarleton trên chiến trường Georgia khoảng một năm trước) tới Kentucky nơi một người láng giềng tên là Boon hoặc Boone gì đó đã lập một khu định cư.

CHARLES STUART. Bị kết tội, trục xuất và xoá tên tuổi cùng cấp bậc trong quân đoàn Anh. Bị bỏ lại vì đã chết trong một đầm lầy Georgia bởi chính đạo quân rút lui của mình và sau đó bởi một đội tiền quân Mỹ, nhưng cả hai đều lầm. ông vẫn giữ được thanh kiếm ngay cả lúc lê chiếc chân gỗ làm lấy và cuối cùng tìm thấy người cha và đứa con trai của mình bốn năm sau ở Harrodsburg, Kentucky, chỉ vừa kịp chôn cất cha và bước vào một thời kỳ dài tồn tại như một nhân cách phân lập trong khi vẫn cố là một nhà giáo, điều mà ông tin là sở nguyện của ông,đến khi rút cuộc vứt bỏ để trở thành một con bạc ông mới thực sự là mình và điều đó dường như không một Compson nào nhận thức được là mình mang sẵn cái máu cờ bạc liều lĩnh khát nước và chơi chì của dòng họ.

Cuối cùng ông cũng thành công trong cú liều không chỉ cái cổ họng mình mà cả an ninh của gia đình và sự toàn vẹn của tên tuổi mình để lại, bằng cách gia nhập một liên minh do một người quen biết tên là Wilkinson cầm đầu (một kẻ có tài năng đáng kể, có ảnh hưởng, trí tuệ và quyền lực) trong một mưu đồ tách rời toàn vùng thung lũng Mississippi khỏi Liên bang và sát nhập vào Tây Ban Nha. Đào thoát khi cái bong bóng vỡ tung (ai cũng biết nó sẽ vỡ ngoại trừ nhà giáo Compson), ông làm mình thành người duy nhất đào thoát khỏi xứ sở trong số những kẻ âm mu: chẳng thành phố do sự trả thù hay trừng phạt của chính quyền quốc gia mà ông mưu toan chia cắt mà là do sự trở cờ điên rồ của những kẻ liên minh trước kia giờ đây cuồng lên vì an toàn của bản thân. Ông không bị trục xuất khỏi Liên bang, ông tự rao lên là vô tổ quốc và ông bị tống cổ đi thực ra không phải vì tội mưu phản mà vì cái luận điệu om sòm ấy, đốt bằng mồm từng cây cầu sau lưng mình ngay cả khi chưa kiếm được chỗ nào xây cây cầu kế tiếp: vì vậy chẳng phải cảnh sát hiến binh hay một cơ quan dân sự nào mà chính là những kẻ đông đảng trước kia đã tung ra một chiến dịch đòi đuổi ông khỏi Kentucky và khỏi Liên bang, và nếu họ tóm được ông, chắc là sẽ đuổi ông ra khỏi thế giới nữa. Đào thoát trong đêm tối, theo đúng truyền thống gia đình, với đứa con trai và thanh gươm cũ và chiếc áo len kẻ ô.

JASON LYCURGUS. Người có lẽ bị thúc đẩy bởi cái tên hào nhoáng được đặt bởi một ông bố cẳng gỗ bất khuất nhạo báng chua chát kẻ mà có lẽ trong thâm tâm vẫn tin rằng sở nguyện của mình phải là một nhà giáo cổ đỉên, vào một ngày năm 1811 đã tới Natchez Trace với một đôi súng ngắn tốt, và một cái túi yên lép kẹp trên lưng một con ngựa cái thon nhỏ nhưng chạy khoẻ có thể sải hai furlong (khoảng 201m) đầu chưa đến nửa phút và hai furlong tiếp theo cũng gần tương tự, mặc dù chỉ có thế. Nhưng như vậy cũng đủ: ông đến Đại lý Chickasaw ở Okatoba (mà năm 1860 vẫn còn gọi là Cựu Jefferson) và không đi xa hơn nữa.

Người mà chỉ sau sáu tháng trở thành thư ký cho Đại lý, sau mười hai tháng thành cổ đông, tuy chính thức vẫn là thư ký mặc dù ông chủ thực sự của một nửa cơ ngơi mà giờ đây là một cửa hiệu bề thế được cuộc sau chặng đua của con ngựa cái với lũ ngựa của các thần dân trẻ tuổi của Ikkemotubbe, cuộc đua mà ông Compson, luôn thận trọng giới hạn trong một phần tư hay nhiều nhất là ba furlong, và nó mtp theo thì Ikkemotubbe sở hữu con ngựa cái nhỏ còn Compson sở hữu dặm vuông đất ngon lành về sau gần như là trung tâm thị trấn Jefferson hồi đó là rừng và hai mươi năm sau vẫn là rừng mặc dù đã có vẻ một công viên hơn là rừng rú với những khu lán trại của nô lệ, chuồng gia súc, vườn rau, thảm cỏ, lối đi dạo, tạ đình, được vẽ kiểu cũng bởi kiến trúc sư đã xây ngôi nhà có dãy cột và hàng hiên, đồ đạc được chở bằng tàu thuỷ từ Pháp và New Orleans sang và đến năm 1840 vẫn là dặm vuông đất nguyên vẹn (với không chỉ một ngôi làng da trắng giới hạn nó mà là cả một quận da trắng gần như bao quanh nó vì chỉ một vài năm là các hậu duệ và các thần dân của Ikkemotubbe không còn nữa, những kẻ sót lại không còn là những chiến sĩ hay thợ săn mà như những người da trắng – như những nông dân không còn du cư hoặc, ở một vài nơi, là chủ nhân những gi mà họ gọi là đồn điền và là kẻ sở hữu đám nô lệ cũng không còn du cư, những kẻ bẩn hơn người da trắng một chút, lười hơn một chút, tàn bạo hơn một chút – rốt cuộc ngay cả dòng máu hoang dã cũng biến mất chỉ còn đôi lúc xuất hiện ở hình dáng cái mũi của một gã da đen trên một toa chở bông hay một thợ xẻ gỗ da trắng hay một người bẫy thú hay thợ đốt lò đầu máyxe lửa), rồi được gọi là lãnh địa Compson, từ đó nó sinh ra đủ thứ hoàng thân, chính khách, tướng lãnh, giám mục, phục hận cho những Compson bị truất phế từ Culloden đến Carolina và Kentucky, rồi được gọi là dinh Thống đốc vì chắc cũng đến lúc nó sản xuất ra hay ít nhất cũng đẻ ra một thống đốc – lạii Quentin Maclachan, trùng tên với tổ phụ Culloden – và vẫn được gọi là dinh Cựu thống đốc ngay cả sau khi nó đã đẻ ra (1861) một tướng lãnh – (được gọi như thế theo thoả thuận và nhất trí từ trước của toàn thị trấn và toàn quận, như thể người ta đã biết ngay lúc đó và trước đó rằng ông cựu thống đốc là Compson cuối cùng kẻ động đến bất cứ việc gì cũng không hề thất bại ngoại trừ tuổi thọ, hoặc tự tử) – thiếu tướng Jason Lycurgus II, kẻ bại trận ở Shiloh năm 62 và lại bại trận mặc dù không đến nỗi tệ hại ở Resaca năm 64, kẻ đầu tiên cầm cố dặm vuông đất còn nguyên vẹn cho một tay đầu cơ chính trị người New England năm 66, sau khi thị trấn cũ bị tướng Liên bang Smith đốt cháy và thị trấn nhỏ mới, lúc đó phần lớn cư dân không phải là hậu duệ của dòng họ Compson mà là dòng họ Snopes, đã bắt đầu lấn sang và gặm dần nó khi ông thiếu tướng bại trận suốt bốn mươi năm sau đó bán dần từng mảnh, còn lại bao nhiêu đem cầm cố nốt; đến một ngày năm 1900, ông chết lặng lẽ trên một chiếc giường vải quân đội tại nơi cắm trại để săn thú và câu cá ở hạ lưu sông Tallahatchia nơi ông sống hầu hết những ngày cuối đời.

Và bây giờ ngay cả ông cựu thống đốc cũng đã bị quên lãng, những gì còn lại của dặm vuông xưa kia nay chỉ còn được gọi là khu Compson – tàn tích mọc đầy cỏ dại của những thảm cỏ và lối đi dạo xưa kia, ngôi nhà lẽ ra đã phải sơn lại từ rất lâu, dãy cột tróc lở ở hàng hiên nơi mà Jason III (được nuôi dưỡng để thành một luật sư và thực ra ông cũng có mở một văn phòng trên căn gác ở quảng trường, nơi chôn vùi trong những tủ hồ sơ bụi bặm một số tên tuổi kỳ cựu nhất trong quận – Holston và Sutpen, Grenier và Beauchamp và Coldfield – mỗi năm một phai mờ giữa những mê cung không đáy của pháp đình: và ai biết được giấc mơ trong trái tim bất diệt của thân phụ ông, giờ đây hoàn tất cái thứ ba trong ba hoá thân – một là con trai của một chính khách lỗi lạc và phong nhã, hai là vị tướng lãnh của những con người can đảm và hào hùng, ba là một thứ nguỵ – Daniel Boone – Robinson Crusoe được ưu đãi, người đã không trở lại tuổi thanh xuân vì thực ra ông cũng chưa hề rời khỏi tuổi thanh xuân ấy – rằng cái văn phòng luật sư đó lại là tiền sảnh của dinh Thống đốc với vẻ tráng lệ xưa kia) ngồi suốt ngày với một bình whisky và một chồng những Horace và Lyvi và Catullus đã quăn mép, soạn (nghe nói vậy) những bài tán tướng châm biếm và giễu cợt những kẻ đồng hương còn sống cũng như đã chết,người đã bán mảnh đất cuối cùng của sản nghiệp, ngoại trừ ngôi nhà, vườn rau chuồng gia súc đổ nát và một căn lều cho gia nhân nơi có gia đình Dilsey trú ngụ, cho một câu lạc bộ golf để lấy tiền cho cô con gái Candace làm đám cưới linh đình hồi tháng Tư năm 1910 và cậu con trai Quentin học một năm ở Harvard để rồi tự tử vào tháng Sáu tiếp theo, được gọi là khu Compson Cũ ngay cả khi gia đình Compson vẫn còn sống ở đó vào một buổi tối mùa xuân năm 1928 khi mà cô cháu chắt mấy đời của ông cựu thống đốc mới mười bảy tuổi không có họ cha hư hỏng sa đoạ ăn trộm của nam thân nhân cuối cùng còn lành mạnh của mình (ông cậu Jason IV) khoản tiền mà hắn bí mật kí cóp rồi leo xuống đường ống máng và bỏ trốn theo một gã bán hàng rong trong một gánh hát lưu diễn vỉa hè, và vẫn được gọi là khu Compson Cũ rất lâusau khi tất cả các dấu vết của dòng họ Compson đã tuyệt tích: sau khi bà mẹ goá mất và Jason IV, giờ đây không cần nể sợ Dilsey, tống đứa em trai khùng của hắn là Benjamin tới nhà thương điên tiểu bang ở Jackson và bán ngôi nhà cho một nông dân để anh ta làm nhà ăn trọ cho các nghị viên hội thẩm và các gã lái buôn lừa ngựa, và vẫn được gọi là khu Compson Cũ ngay cả sau khi ngôi nhà ăn trọ (và hiện nay cũng là sân golf) đã biến mất và dặm vuông xưa kia lại nguyên vẹn với hàng dãy những nhà trệt bằng gỗ bé nhỏ nửa thị tứ của tư nhân xây cất cẩu thả chen chúc.

Và đây:

QUENTIN III. Người đã yêu không phải cái thân xác của em gái mình mà là một vài khái niệm về phẩm giá của dòng họ Compson đặt một cách bấp bênh (anh ta biết thừa) và nhất thời vào cái màng trinh bé xíu mong manh của cô em như thể một mô hình thu giảm của cả quả địa cầu bao lao có thể giữ thăng bằng trên mũi một con hải cẩu được huấn luyện. Người đã yêu không phải cái ý tưởng về tội loạn luân mà anh ta không muốn phạm, mà là một vài khái niệm có tính cách trưởng lão về hình phạt đời đời kiếp kiếp của tội loạn luân: anh ta chứ không phải Thượng Đế, có thể bằng cách đó khiến mình và em gái mình cùng đoạ địa ngục, nơi anh ta có thể bảo vệ em gái mình mãi mãi và giữ em gái mình nguyên vẹn mãi mãi trong ngọn lửa vĩnh hằng.

Nhưng là người yêu cái chết hơn hết, người chỉ yêu cái chết, yêu và sống trong một sự tiên liệu có cân nhắc và hầu như đồi truỵ về cái chết như một kẻ tình nhân yêu và thận trọng kiềm chế trước cái thân xác đợi chờ ưng thuận thân thuộc dịu dàng không tin được của người mình yêu, đến khi anh ta không thể chịu đựng lâu hơn không phải sự kiềm chế mà là sự câu thúc và thế là quăng ném, lao mình, buông thả, chìm đắm. Tự tử ở Cambridge, Massachusetts, tháng Sáu, 1910, hai tháng sau đám cưới của cô em gái, trước hết còn đợi hoàn tất niên học dang dở cho bõ khoản học phí đóng trước, chẳng phải vì anh ta có các tổ phụ Culloden và Carolina và Kentucky xưa kia mà vì mảnh sót lại của dặm đất Compson cũ đã bán để chi phí cho đám cưới cô em gái và một năm học Harvard của anh ta, chưa kể cũng cô em gái ấy và cảnh tượng một ngọn lửa bùng cháy mà đứa em út của anh ta, khùng bẩm sinh, đã yêu thích.

CANDACE (CADDY). Bạc phận và biết điều đó, chấp nhận số phận không kiếm tìm cũng không trốn tránh. Yêu anh trai mình bất chấp anh, không phải chỉ yêu anh mà yêu trong con người anh đấng tiên tri cay đắng và viên phán quan không lay chuyển được không lung lạc được về điều mà anh ta cho là danh dự và định mệnh của gia đình, khi anh ta tưởng là mình yêu nhưng thực ra là thù ghét ở cô em gái mà anh ta xem như là cái bình mỏng manh thiên định để chứa niềm hãnh diện của gia đình và cái công cụ bẩn thỉu của nỗi ô nhục gia đình; không những thê, cô yêu anh không chỉ ở niềm thù hận mà còn ở một sự thật rằng anh không có khả năng yêu, chấp nhận rằng anh đánh giá cao hơn hết không phải là cô mà là sự trinh tiết của cô, cái mà chính cô là người gìn giữ và chẳng coi ra gì, cái chỗ nghẽn vật lý mỏng manh ấy đối với cô chẳng hơn gì một vảy móng tay.

Biết anh trai yêu cái chết hơn hết thảy và không ghen tị, dám (có lẽ do tính toán cân nhắc về cuộc hôn nhân của mình) đưa thuốc độc cho anh nếu phải làm như vậy. Có mang hai tháng với người đàn ông khác cô đã đặt tên cho đứa bé bất kể trai hay gái là Quentin theo tên anh trai mà cả hai (cô và anh trai) biết là kể như đã chết, khi cô lấy (1910) một thanh niên Indiana đủ các điều kiện lý tưởng mà cô và bà mẹ gặp trong một lần nghỉ mát ở French Lick mùa hè năm trước. Ly dị theo yêu cầu của người chồng năm 1911. Năm 1920 lấy một nhà sản xuất phim cỡ trung ở Hollywood California. Thoả thuận ly dị ở Mexico năm 1925. Biến mất ở Paris vào thời Đức chiếm đóng năm 1940, vẫn xinh đẹp và chắc cũng vẫn giàu có kể từ lúc cô biến mất suốt mười lăm năm đến nay đã bốn mươi tám tuổi, không ai nghe thấy tin gì về cô nữa.

Ngoại trừ một người đàn bà bé nhỏ và xám xịt như con chuột, chưa bao giờ lấy chồng, học cùng lớp với Candace Compson quatc những trường trung học thành phố và rồi suốt đời lo gìn giữ cuốn Hổ phách vĩnh cửu hết lớp bìa này đến lớp bọc khác rồi Jurgan và Tom Jones khởi tay bọn học sinh trung học lớp dưới rồi lớp trên chúng có thể với tay rút xuống từ các giá sách phía sau mà chẳng cần kiễng chân trong khi cô ta phải đứng trên một cái hộp để giấu sách đi. Một ngày năm 1943, sau gần một tuần lễ lơ đãng gần như ngẩn ngơ, mà ai bước chân vào thư viện lúc nào cũng thấy cô vội vã đóng ngăn kéo bàn và khoá lại, khiến cho các phu nhân của các ông chủ ngân hàng, các bác sĩ và các luật sư, vài người trong số đó cũng cùng từng học lớp trung học xưa kia, những người tới và rời khỏi thư viện vào các buổi chiều với những cuốn Hổ phách vĩnh cửu và các tập truyện của Thorne Smith gói ghém cẩn thận trong những tờ nhật báo Memphis và Jackson để không ai thấy, tin rằng cô ta sắp ốm và có lẽ sắp mất trí, cô đóng cửa thư viện và khoá lại vào giữa buổi chiều, xắc tay kẹp chặt dưới nách, hai gò má thường ngày nhợt nhạt bỗng ửng đỏ như lên cơn sốt vì quyết tâm, cô bước vào cửa hiệu cung cấp nông cụ nơi mà Jason IV đã khởi đầu bằng chân thư ký và giờ đây là ông chủ chuyên buôn bán bông sơi, đi thẳng vào cái hang tối om nơi chỉ có đàn ông bước chân vào – một cái hang lộn xộn kín mít và treo như thạch nhũ đủ cả nào cày nào dĩa nào bừa nào đai nào dây xích nào gióng xe nào cổ lừa nào thịt sườn nào giày rẻ tiền nào đồ thắng xe ngựa nào bột nào mật, tối om vì chứa đầy hàng hoá không bày ra mà lại giấu đi bởi người cung cấp cho các nhà nông Mississippi hay ít nhất là các nhà nông da đen Mississippi để chia một phần vụ mùa đã không muốn, đến khi mùa màng xong xuôi v vj ước lượng được gần đúng giá trị của nó, bày ra cho họ thấy những gì mà họ có thể nhận ra là mình cần nhưng chỉ cung cấp cho họ theo yêu cầu đặc biệt những gì mà họ không đến nỗi kêu cứu nhưng thật cần – và đi tới tận lãnh địa riêng biệt Jason phía sau: một khu vực có lan can vây quanh bừa bộn nào kệ nào hộc tủ chứa đầy biên lai cắm vào xiên sắt để bẫy bụi và xơ vải nào sổ sách nào mẫu bông với mùi pho mát mùi dầu hoả và mùi dầu yên cương nào cái lò sắt kinh tởm mà bã thuốc lá nhai nát đã được nhổ vào đấy gần một thế kỷ, cô đi tới cái quầy dài cao và dốc mà Jason đứng phía sau và, không nhìn lại những người đàn ông mặc quần yếm đã lặng lẽ thôi trò chuyện và thôi cả nhai khi cô bước vào, với vẻ đánh liều miễn cưỡng cô mở xắc tay và lục lọi lấy ra một cái gì đó rồi mở nó trên mặt quầy và đứng run rẩy hổn hển trong khi Jason cúi xuống xem – một tấm hình, một bức ảnh màu rõ ràng là cắt ra từ một tạp chí quảng cáo – tấm hình đầy những xa hoa tiền bạc và ánh nắng – một phông nền Cannebìere với núi non hàng cọ rặng bách và biển cả, một xe hơi thể thao mui trần mạ kền loại đắt tiền động cơ mạnh, gương mặt của người đàn bà để đầu trần nổi bật giữa những khăn choàng và áo khoác sang trọng, trẻ đẹp, lạnh lùng, bình thản và mê hoặc, bên cạnh là một người đàn ông đứng tuổi mảnh khảnh khôi ngô mang ngù vai và quân hiệu tướng tham mưu Đức – và cô gái già loắt choắt và xám xịt như chuột run rẩy và khiếp đảm vì sự táo gan của mình, nhìn đăm đăm qua anh chàng không vợ không con kẻ kết thúc một dòng họ dài dặc những con người hào hoa và kiêu hãnh ngay cả sau khi họ đã bắt đầu đánh mất sự chính trực và niềm kiêu hãnh để trở thành phù phiếm và tự thương hại, từ kẻ biệt xứ phải lìa bỏ quê cha đất tổ không có gì ngoài mạng sống của mình nhưng vẫn từ chối chấp nhận thất bại, đến kẻ đã hai lần thử thời vận bằng tính mạng và tên tuổi của mình cả hai lần đều thua cuộc vvj nghiêng mình chấp nhận kết cục đó, rồi đến kẻ chỉ với một góc con ngựa bé nhỏ tinh khôn làm phương tiện phục hận cho cha ông bị phế truất của mình đã đoạt được một lãnh địa, rồi đến ông thống đốc lỗi lạc và phong nhã rồi vị tướng lĩnh mặc dù thất bại trên chiến trường khi chỉ huy những con người gan dạ và hào hùng, ít ra cũng đã liều cả sinh mạng mình trong thất bại, đến kẻ nghiện rượu học thức và bán mảnh đất cuối cùng của di sản cha ông không phải để mua rượu mà để một trong những hậu duệ của mình ít ra cũng có một cơ hội tốt đẹp nhất trong cuộc đời theo như mình nghĩ.

“Caddy đấy!” cô thủ thư thì thào. “Mình phải cứu vớt chị ấy!”

“Cad đấy, phải!” Jason nói. Rồi hắn cười phá lên. Hắn đứng đó, cười sặc sụa trên tấm hình, trên gương mặt lạnh lùng xinh đẹp giờ đây đã quăn góc và nhàu nát sau một tuần cư trú trong ngăn kéo và xắc tay. Và cô thủ thư biết vì sao hắn cười, cô vẫn gọi hắn không gì khác hơn là ông Compson suốt ba mươi hai năm nay, kể từ cái ngày năm 1911 khi Candace, bị chồng đuổi, đã mang đứa con thơ về nhà, để con lại và ra đi ngay chuyến tàu sau, không trở lại lần nào nữa, và không chỉ có bà bếp da đen Dilsey, mà cả cô thủ thư cũng đoán ra chỉ bằng bản năng rằng Jason thế nào cũng lợi dụng cuộc đời đứa trẻ và cả cái vị thế bất hợp pháp của nó để tống tiền mẹ nó không những phải rời bỏ Jefferson suốt cuộc đời mà còn phải chỉ định hắn là người duy nhất toàn quyền giám hộ khoản tiền mà chị hắn sẽ gửi về để nuôi dưỡng đứa con, và đã từ chối nói bất cứ chuyện gì về hắn kể từ một ngày năm 1928, khi con bé leo xuống đường ống máng và trốn đi cùng gã bán hàng rong.

“Jason!” cô kêu lên. “Mình phải cứu vớt chị ấy! Jason! Jason!” – và vẫn kêu ngay cả khi hắn kẹp tấm hình giữa ngón cái và ngón trỏ ném qua quầy trả lại cô.

“Candace?” hắn nói. “Đừng làm tôi cười chứ. Con điếm này chưa tới ba mươi. Con kia bây giờ đã năm mươi rồi”.

Và thư viện vẫn khoá suốt ngày hôm sau, vào hồi ba giờ chiều, chân đau và rã rời nhưng vẫn không nản lòng vẫn kẹp chặt xắc tay dưới nách, cô rẽ vào một mảnh sân nhỏ ngăn nắp thuộc khu cư xá da đen ở Memphis và leo lên những bậc thềm một ngôi nhà nhỏ sạch sẽ và rung chuông rồi cửa mở và một người đàn bà đen chạc tuổi cô nhìn cô lặng lẽ. “Frony phải không?” cô thủ thư nói. “Cô nhớ tôi chứ – Melissa Meek ở Jefferson”.

“Vâng” cô da đen nói. “Mời chị vào. Chị muốn gặp má tôi?” và cô bước vào phòng, cái phòng ngủ sạch sẽ mà lộn xộn của một người da đen già, đầy mùi người già, đàn bà già, đàn bà da đen già, nơi người đàn bà ấy ngồi trong ghế xich đu cạnh lò sưởi mặc dù là tháng Sáu một ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy – một người đàn bà vốn to béo mặc chiếc áo vải in hoa sạch sẽ đã lợt màu và một chiếc khăn trắng tinh quấn quanh đầu trên đôi mắt mờ đục giờ đây gần như đã loà – và đặt tấm hình quảng cáo vào đôi bàn tay đen đủi, giống như tất cả những người đàn bà cùng chủng tộc, vẫn mềm mại và thanh tú như xưa, lúc bà ở tuổi ba mươi hoặc hai mươi thậm chí mười bảy.

“Caddy đấy!” cô thủ thư nói. “Đúng mà! Dilsey! Dilsey!”

“Cậu ấy bảo sao?” bà già da đen nói. Và cô thủ thư biết bà gọi ai là “cậu ấy”, cô thủ thư cũng chẳng ngạc nhiên khi không những bà già da đen biết người mà bà gọi là “cậu ấy” là ai, mà bà còn biết ngay lập tức là cô đã đưa tấm hình cho Jason xem.

“Bác biết hắn nói sao không?” cô khóc. “Khi biết chị ấy đang gặp nguy hiểm hắn bảo đúng là chị ấy đấy, cho dù cháu không đưa một tấm hình nào cho hắn xem. Nhưng sau khi hắn biết rằng có một ai đó, bất kỳ ai, ngay cả cháu, muốn cứu vớt chị ấy hoặc sẽ cố gắng để cứu vớt chị ấy, hắn lại bảo đây không phải chị ấy. Nhưng đúng mà! Nhìn xem!”

“Nhìn mắt tôi đây này” bà già da đen nói. “Làm sao tôi nhìn tấm hình này được?”

“Gọi Frony!” cô thủ thư khóc. “Cô ấy sẽ nhận ra ngay!” nhưng bà già da đen đã gấp cẩn thận tấm hình quảng cáo theo nếp gấp cũ và đưa trả lại.

“Mắt tôi không còn thấy gì nữa” bà nói. “Tôi không nhìn được”. Và thế là hết. Vào lúc sáu giờ cô chen lấn qua đám đông ở bến xe bus, xắc kẹp chặt dưới nách, tay kia cầm cuống vé tháng, và bị quét vào bãi đợi xe ầm ầm náo động như thuỷ triều suốt ngày đêm nơi chỉ có một ít dân thường đứng tuổi còn hầu hết là lính tráng và thuỷ thủ nhập ngũ hoặc về phép hoặc ra trận và những thiếu phụ vô gia cư, cùng gia quyến của họ, những người mà hai năm nay đã sống ngày này qua ngày khác trong những toa xe ngủ Pullman và nhà trọ nếu như gặp may và trong những toa xe lửa ngày chạy đêm nghỉ hoặc xe bus hoặc sân ga hoặc hành lang hoặc những chỗ nghỉ công cộng nếu không gặp may, dừng lại ít lâu đủ để đẻ rơi đẻ vãi trong những viện tế bần hay đồn cảnh sát rồi lại bỏ đi, và cô cố chen lên chiếc xe bus, nhưng vì bé nhỏ hơn hết thảy nên chân cô thỉnh thoảng mới chạm được xuống sàn xe tới lúc một bóng người (một người đàn ông mặc kaki, cô không nhìn rõ ai cả vì cô vẫn đang khóc) đứng dậy nhấc cả người cô lên đặt vào một cái ghế cạnh cửa sổ, ở đó, vẫn khóc lặng lẽ, cô có thể nhìn ra những phố xá trôi lướt qua rồi ở lại phía sau và giờ đây cô lại về nhà, yên ổn ở Jefferson nơi mà cuộc đời cũng sống với tất cả những đam mê náo động đau buồn cuồng nộ và thất vọng không thể hiểu nổi của nó, nhưng ở nơi đây vào lúc sáu giờ người ta có thể trùm chăn lên nó và ngay cả bàn tay nhẹ bỗng của một đứa trẻ cũng có thể cất nó lên các kệ sách vĩnh viễn êm ả giữa những phân loại mơ hồ rồi xoay ổ khoá đóng kín toàn thể và đêm không mộng mơ. Phải cô nghĩ và khóc lặng lẽ đúng là bà ấy không muốn nhìn không muốn biết đây có phải là Caddy hay không bởi vì bà ấy biết Caddy không muốn được cứu vớt không có bất cứ cái gì đáng được cứu vớt không có cái gì đáng để mất mà chị ấy không để mất.

JASON IV. Compson lành mạnh đầu tiên kể từ trước Culloden và (một kẻ độc thân không con cái) như vậy là người cuối cùng. Logic duy lý dè dặt và hơn nữa là một triết gia theo truyền thống khắc kỷ xưa: hắn không bận tâm chút nào đến Thượng Đế kiểu này hay kiểu nọ và chỉ nể cảnh sát do đó e ngại và tôn trọng duy nhất có bà già da đen, người nấu ăn cho hắn, kẻ thù truyền kiếp của hắn từ ngày hắn sinh ra đời và kẻ thù sống mái của hắn từ cái ngày năm 1911 khi bà ta cũng chỉ nhờ trực giác mà đoán biết rằng hắn lợi dụng cái vị thế bất hợp pháp của đứa cháu gái thơ dại để tống tiền mẹ nó. Kẻ không chỉ tách ra và đương đầu với những Compson khác mà còn cạnh tranh và đương đầu với những người họ Snopes là những kẻ đã chiếm cứ cái thị trấn nhỏ bé vào đầu thế kỷ khi những dòng họ Compson và Sartoris cùng quyến thuộc phai mờ dần ở đó (không phải Snopes, mà chính Jason Compson ngay khi bà mẹ mất – cô cháu gái đã leo xuống đường ống máng trốn đi khiến Dilsey không còn con chủ bài nào để nắm được hắn nữa – đã tống khứ đứa em trai khùng của mình cho nhà nước lo và bỏ ngôi nhà cũ, trước hết đem ngăn các phòng thênh thang từng một thời lộng lẫy thành những thứ mà hắn gọi là các căn hộ và bán tuốt cho một gã nhà quê mở làm quán trọ), mặc dù điều đó chẳng mấy khó khăn vì đối với hắn thì cả thị trấn cả thế giới và cả nhân loại nữa ngoại trừ hắn đều là Compson, chẳng thể giải thích nhưng hoàn toàn có thể thấy trước là không thể nào tin cậy họ được.

Bởi tất cả tiền bán đồng cỏ đã chi vào đám cưới của chị hắn và năm học Harvard của anh hắn, nên hắn phải dùng số tiền chính hắn bủn xỉn ky cóp từ khoản lương còm thư ký cửa hiệu để tự gửi mình theo học một trường ở Memphis dạy phân loại và đánh giá bông và từ đó tạo lập doanh nghiệp của mình, sau cái chết của ông bố nghiện ngập, hắn đảm nhận toàn bộ gánh nặng của một gia đình mục nát trong một ngôi nhà mục nát, nuôi dưỡng đứa em trai khùng cũng vì bà mẹ, hy sinh những lạc thú lẽ ra hắn có quyền và cũng đáng được hưởng và ngay cả những gì thiết yếu cho một kẻ độc thân ba mươi tuổi, để đời sống của mẹ hắn có thể được tiếp tục gần như trước kia, mà như vậy chẳng phải vì hắn yêu gì bà, mà (một kẻ lành mạnh luôn luôn như thế) chỉ vì hắn sợ bà bếp da đen người mà hắn không thể buộc thôi việc, ngay cả khi hắn cố tình không trả công hàng tuần cho bà, và mặc dù phải gánh vác tất cả, hắn vẫn xoay sở để dành được gần ba ngàn đô la (2840,5 đô la) như hắn trình báo vào cái đêm cháu gái hắn ăn trộm số tiền đó, những đồng xu đồng kền đồng nửa đô la khổ sở ky cóp, khoản tích luỹ không gửi vào ngân hàng vì đối với hắn ngay cả gã chủ ngân hàng cũng là một Compson, mà đem giấu vào ngăn kéo bàn giấy khoá chặt trong phòng ngủ hắn tự tay thu dọn giường nệm vì lúc nào hắn cũng khoá kín cửa phòng chỉ trừ lúc hắn ra vào.

Sau vụ thằng em khùng của hắn định loạng quạng với một con bé đi ngang qua cổng, hắn tự chỉ định mình làm giám hộ tên khùng mà không cho bà mẹ biết rồi nảy ra sáng kiến thiến tên khùng trước khi mẹ hắn biết thì người ngoài đã hay, và sau cái chết của bà mẹ năm 1933 là hắn rũ nợ vĩnh viễn chẳng những thoát khỏi thằng em khùng và ngôi nhà mà cả bà già da đen nữa, hắn dọn đến hai gian văn phòng với một loạt cầu thang bên trên cửa hiệu cung cấp chứa đầy sổ sách và mẫu bông, nơi mà hắn cải tạo thành phòng ngủ kiêm bếp kiêm buồng tắm, rồi cứ đến ngày nghỉ cuối tuần người ta lại thấy một người đàn bà to béo đẫy đà tóc hung mặt mũi tươi tỉnh suồng sã không còn trẻ lắm, đội những chiếc mũ tròn vẽ hoa cà (vào mùa lạnh) mặc áo lông thú giả, cả hai, gã lái bông trung niên và người đàn bà ở thị trấn người ta gọi đơn giản là cô bạn Memphis của hắn, tối thứ Bảy đi xem chiếu bóng trong phố sáng Chủ nhật leo lên cầu thang căn hộ với những túi giấy của hiệu tạp hoá đựng nào bánh mì nào trứng nào cam nào hộp súp, đầm ấm, âu yếm, quấn quýt, cho đến chiều hôm sau xe bus lại đưa cô ta về Memphis. Giờ đây hắn được giải thoát. Hắn tự do. “Năm 1865”, hắn thường nói, “Abe Lincoln giải phóng bọn da đen khỏi những Compson. Năm 1933, Jason Compson giải phóng những Compson khỏi bọn da đen”.

BENJAMIN. Tên cúng cơm là Maury, theo tên người em trai duy nhất của bà mẹ: một gã độc thân bảnh trai khoe khoang khoác lác vô công rồi nghề, kẻ vay mượn tiền nong của bất cứ ai, ngay cả Dilsey cho dù bà là một người da đen, gã vừa rút tay ra khỏi túi vừa hùng biện với bà rằng trong con mắt gã bà không chỉ là một thành viên trong gia đình chị gã, mà bà còn có tướng mệnh phụ dù sống ở đâu đi nữa và trong con mắt ai đi nữa. Sau cùng ngay cả bà mẹ cũng nhận thấy hắn như thế nào rồi v vkhóc lóc đòi phải đổi tên cho hắn, tên thánh đặt lại của hắn là Benjamin do Quentin anh trai hắn đặt (Benjamin, con út của chúng tôi, đã bán sang Ai Cập). Hắn yêu ba thứ: cánh đồng cỏ bị bán để làm đám cưới Candace và gửi Quentin đi học Harvard, Candace chị hắn, ánh lửa. Hắn chẳng mất thứ nào vì hắn đâu có nhớ chị hắn mà chỉ là sự mất chị, ánh lửa vẫn chập chờn ngời sáng như thế khi đi ngủ, còn cánh đồng cỏ bán đi lại hay hơn vì giờ đây hắn và T.P. Không những có thể đi men hàng rào vô thời hạn theo các cử động của những bóng người vung gậy golf với hắn chẳng có ý nghĩa gì, mà T.P. Còn dẫn chúng đến những bụi cỏ khóm cây nơi sẽ đột ngột xuất hiện trong bàn tay T.P. Những quả cầu nhỏ màu trắng có thể ganh đua với và thậm chí khắc phục được cái mà hắn cũng không biết là trọng lực và tất cả những định luật bất biến khi buông tay cho nó rớt xuống mặt sàn lát ván hay tường nhà sấy hay lối đi bằng bê tông. Bị thiến năm 1913. Bị gửi đến nhà thương điên tiểu bang ở Jackson năm 1933. Hắn chẳng có gì để mất lúc ấy nữa vì, cũng như với chị hắn, hắn đâu có nhớ cánh đồng cỏ mà chỉ là sự mất cái đó, và ánh lửa vẫn chập chờn ngời sáng như thế trong giấc ngủ.

QUENTIN. Kẻ cuối cùng. Con gái của Candace. Không có cha chín tháng trước khi chào đời, không tên khi sinh ra và đã mang cái phận số không chồng ngay từ giai đoạn phân bào quyết định giới tính. Lúc mười bảy tuổi, vào dịp kỷ niệm lần thứ một ngàn tám trăm chín mươi lăm ngày trước phục sinh của Thiên Chúa Chúng Ta, nó bám theo một ống máng từ cửa sổ căn phòng mà cậu nó đã khoá nhốt nó buổi trưa, sang cái cửa sổ gài chốt của căn phòng ngủ vắng người và khoá chặt của ông cậu, nậy một tấm ván và leo vào qua cửa sổ rồi dùng que cời lửa làm bật tung ngăn kéo bàn giấy đã khoá để lấy món tiền (không phải 2840,50 đô la mà khoảng bảy ngàn đô la và làm Jason phát cuồng lên, cơn điên giận bừng bừng không sao chịu nổi đêm hôm ấy và cứ định kỳ lại tái phát mà chỉ giảm bớt chút điều hoặc không chút nào suốt năm năm sau, làm hắn tin chắc rằng nó sẽ đánh gục hắn bất cứ lúc nào không hay, giết hắn chết tươi như bị đạn bắn hay sét đánh: mặc dù hắn bị mất trộm không phải ba ngàn đô la vặt vãnh mà là gần bảy ngàn đô la hắn cũng đành nín thít không dám hé răng với ai, bởi hắn bị mất trộm bảy ngàn đô la thay vì chỉ có ba mà chẳng thể nào chẳng khi nào được chứng thực – hắn không cần cảm thông – từ những kẻ không vô phúc đến mức đã có một con điếm làm chị lại có một con điếm khác làm cháu, cũng không thể trình báo cảnh sát, vì hắn mất bốn ngàn đô la không phải thuộc về hắn, thậm chí cũng không thể lấy lại ba ngàn kia bởi bốn ngàn trước không những là tài sản hợp pháp của cháu gái hắn như một phần số tiền mà mẹ nó gửi để nuôi dưỡng nó suốt mười sáu năm qua, mà số tiền ấy cũng không tồn tại ở đâu hết, chúng được ghi nhận chính thức là đã chi tiêu và xoá sổ trong báo cáo hàng năm hắn đệ trình lên Toà án quận, theo yêu cầu của những người chấp nhận cho hắn làm kẻ giám hộ và nuôi dưỡng; như vậy là hắn bị mất trộm không chỉ những khoản hắn ăn cắp được mà cả những khoản hắn dành dụm được nữa, lại bởi chính nạn nhân của hắn; hắn bị mất trộm không chỉ bốn ngàn đô la hắn đã ky cóp với cái giá của hy sinh và khước từ, mỗi lần một đồng kền một đồng xu suốt một thời gian gần hai chục năm trời, và cú này không thành phố fchỉ là do chính nạn nhân của hắn mà còn là một con ranh nó làm đánh vèo một cái, chẳng phải suy tính hay lập kế hoạch gì hết, thậm chí cũng chẳng biết hoặc chẳng để ý là sẽ vớ được bao nhiêu khi nó nậy tung cái ngăn kéo, và giờ đây hắn cũng không thể nhờ cảnh sát giúp đỡ; hắn đã luôn luôn tôn trọng cảnh sát, không bao giờ làm phiền đến họ, đóng thuế hàng năm cho họ ăn không ngồi rồi báo hại, không những thế, hắn cũng không dám tự săn lùng con mồi vì hắn có thể tóm được nó rồi nó sẽ tố ra, vậy là hắn chỉ còn phương cách duy nhất là mơ mộng hão huyền cứ thế trằn trọc đêm đêm mồ hôi ướt đẫm suốt hai năm, ba năm thậm chí bốn năm sau biến cố, đến khi hắn buộc phải quên giấc mơ ấy (là bất ngờ tóm cổ con bé, từ trong bóng tối vồ lấy nó, trước khi nó tiêu nhẵn món tiền và giết nó trước khi nó kịp há miệng kêu) rồi leo xuống cũng ống máng ấy trong bóng tối nhá nhem và bỏ trốn theo gã bán hàng rong đã bị kết án vì tội lấy hai vợ. Và rồi biến mất, dù nó có làm bất cứ trò trống gì đi nữa cũng sẽ không có chuyện cưỡi Mercedes mạ kền, dù nó có chụp hình gì đi nữa cũng sẽ chẳng có tướng tham mưu.

Và đó là tất cả. Những người sau đây không phải là Compson. Họ là những người da đen.

T.P. Trên phố Beale ở Memphis, diện những bộ đồ bảnh bao rực rỡ rẻ tiền kiên định do các ông chủ xí nghiệp hút máu ở Chicago và New York sản xuất riêng cho gã.

FRONY. Lấy một anh phu khuân vác trên xe Pullman, và tới sống tại St. Louis rồi sau đó trở lại Memphis sống cùng với mẹ khi Dilsey từ chối không chịu đi xa hơn.

LUSTER. Một gã trai, mười bảy tuổi. Không những có thể trông nom chu đáo và an toàn một anh khùng gấp đôi tuổi mình và gấp ba cỡ mình mà còn có thể thường xuyên giải trí cho hắn.

DILSEY.

Họ nhẫn nại.

Trước
image
Chương 14
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!