Aliosa đi về phía quảng trường Nhà thờ Lớn, đến nhà bà thương gia Morozova, nơi Grusenka ở. Từ sáng sớm Grusenka đã sai Fenia đến khẩn khoản mời anh tới nhà nàng. Hỏi Fenia, Aliosa được biết rằng từ hôm qua tiểu thư đã có vẻ lo lắng đặc biệt. Suốt hai tháng qua, sau khi Mitia bị bắt, Aliosa thường hay đến đây, khi thì tự ý đến, khi thì theo lời anh nhờ cậy. Ba ngày sau khi Mitia bị bắt, Grusenka ốm nặng và ốm gần năm tuần lễ. Có tuần nàng nằm mê man bất tỉnh. Mặt nàng đổi khác hẳn, gầy đi và vàng bủng ra, tuy gần hai tuần nay nàng đã ra khỏi nhà. Nhưng theo con mắt Aliosa, mặt nàng dường như càng hấp dẫn hơn, và khi đến nhà nàng, anh thích gặp luồng mắt nàng.
Trong ánh mắt nàng, có cái gì cứng rắn, tinh anh. Rõ ràng ở nàng đã có một sự đảo lộn về tinh thần, đã xuất hiện một quyết tâm không thay đổi, hiền lành, nhưng cao quý và dứt khoát. Giữa hai hàng lông mày, trên trán đã hằn rõ một vết nhăn nhỏ thẳng đứng, nó làm cho gương mặt dễ thương của nàng có vẻ trầm tư, thoạt nhìn gần như nghiệt ngã. Không còn dấu vết của sự nông nổi trước đây. Aliosa cũng lấy làm lạ rằng Grusenka vẫn giữ được nét vui vẻ trẻ trung của nàng sau tất cả tai hoạ đổ lên đầu nàng, một phụ nữ tội nghiệp, vừa trở thành vợ chưa cưới thì chồng bị bắt, rồi ốm đau, sự quyết định hầu như không tránh khỏi của toà đang đe doạ tương lai. Đôi mắt trước kia ngời lên kiêu hãnh bây giờ có phần dịu dàng, tuy rằng, tuy rằng… cặp mắt ấy thỉnh thoáng lại lóe lên đốm lửa dữ dội của mối lo ngại trước kia, nó không những không lụi tắt mà còn mạnh thêm trong lòng nàng.
Đối tượng của mối lo ngại đó vẫn là Ekaterina Ivanovna, trong thời gian ốm Grusenka thậm chí còn nói đến tên nàng trong cơn mê sảng. Aliosa hiểu rằng Grusenka ghen ghê gớm, ghen về Mitia đã bị bắt, tuy Ekaterina Ivanovna không hề đến nhà giam thăm Mitia lần nào, dù nàng có thể vào thăm bất cứ lúc nào nàng muốn. Tất cả những điều đó trở thành một nhiệm vụ khó khăn đối với Aliosa, bởi vì Grusenka chỉ thổ lộ nỗi niềm với anh mà thôi và không ngót xin anh khuyên bảo; đôi khi anh hoàn toàn không thể nói gì với nàng.
Anh lo ngại bước vào nhà nàng. Nàng đã ở nhà: nàng mới đi thăm Mitia về khoảng nửa giờ, và cứ xem nàng vụt đứng lên từ chiếc ghế bành đang ngồi để đón gặp Aliosa thì anh biết nàng nóng lòng chờ đợi anh như thế nào. Trên bàn có những con bài, người ta vừa chơi bài ở đây, trên chiếc đi văng bọc da ở bên kia bàn có trải nệm giường, Maximov mặc áo choàng, đội mũ chùm giấy, nửa nằm nửa ngồi trên đó, nom rõ là ốm yếu, nhưng mỉm cười ngọt ngào. Ông già tứ cố vô thân này, khi cùng Grusenka từ Mokroe về đây hai tháng trước đã ở lại nhà nàng và không rời khỏi nàng từ đấy. Hồi ấy, khi cùng nàng vượt qua mưa gió và bùn lầy về đến đây, người uớt sũng và sợ hãi, ông ta ngồi lên đi văng và im lặng nhìn nàng chằm chằm, với nụ cười van xin rụt rè. Grusenka vừa qua cơn đau xót ghê gớm và đã lên cơn sốt, nửa giờ đầu sau khi về đến nhà, nàng quên bẵng ông ta vì còn ngổn ngang nhiều mối lo.
Rồi bỗng nhiên nàng chăm chú nhìn ông ta: ông ta cười khúc khích một cách thảm hại và bối rối. Nàng gọi Fenia và bảo nó cho ông ta ăn. Suốt ngày hôm ấy, ông ta ngồi nguyên tại chỗ, hầu như không nhúc nhích; lúc trời tối và đóng cửa sổ rồi, Fenia hỏi cô chủ:
– Thưa cô, ông già sẽ nghỉ đêm ở đây ạ?
– Ừ trải giường cho ông ta trên đi văng. Grusenka đáp.
Hỏi chuyện ông ta kỹ hơn, Grusenka được biết rằng bây giờ ông ta thực chẳng có chỗ nào nương thân và “Ông Kanganov ân nhân của tôi đã nói thẳng với tôi rằng ông ấy không chứa tôi nữa và cho tôi năm rúp”. “Thôi được, thế thì ở lại đây vậy”, – Grusenka nói trong lúc buồn phiền và mỉm cười thông cảm. Ông già rúm người lại vì nụ cười của nàng và môi ông run run khóc vì biết ơn. Từ đó con người lang thang chuyên đi ăn nhờ ở đậu lưu lại nhà nàng.
Cả khi nàng ốm ông ta vẫn ở lại nhà. Fenia và mẹ cô ta, bà nấu bếp của Grusenka, không đuổi ông ta đi, vẫn cho ông ta ăn và để ông ta ngủ trên đi văng. Sau này Grusenka thậm chí quen với ông ta, và mỗi lần đi thăm Mitia về (vừa khỏi ốm, chưa khỏe hẳn, nàng đã đến thăm ông ta ngay), nàng ngồi nói chuyện linh tinh với “Macximuska” cho đỡ buồn, chỉ cốt để khỏi nghĩ đến nỗi đau xót của mình. Thì ra ông già biết nói chuyện, thành thử rốt cuộc ông ta trở nên cần thiết cho nàng. Nhất là Aliosa không phải ngày nào cũng đến, và lần nào cũng chỉ lưu lại một lát. Grusenka hầu như không tiếp ai. Ông già thương gia của nàng, thời gian này cũng ốm nằm bẹp, “sắp đi”, người ta nói trong thành phố, và quả thật ông ta qua đời chỉ một tuần sau phiên toà xử Mitia. Ba tuần trước khi qua đời, cảm thấy tận số đến nơi rồi, rốt cuộc lão cho gọi các con trai cùng vợ con chúng lên và bảo chúng túc trực bên mình. Từ phút ấy, lão ra nghiêm lệnh cho gia nhân không tiếp đón Grusenka nữa và nếu nàng có đến thì nhắn rằng: “Ông bảo bà cứ việc sống vui chơi lâu dài và quên ông đi”. Tuy vậy Grusenka hầu như ngày nào cũng cho người đến hỏi thăm sức khỏe ông ta.
– Cuối cùng chú đã đến! – Nàng kêu lên, vứt bỏ quân bài và vui sướng chào hỏi Aliosa, – vậy mà Macximuska cứ sợ rằng có lẽ chú sẽ không đến. A, tôi cần chú quá! Ngồi xuống đây, chú dùng gì, cà phê nhé?
– Vâng. – Aliosa vừa nói vừa ngồi xuống bên bàn. – Tôi đói ngấu.
– Này, Fenia, cho cà phê ra đây! – Grusenka gọi to. – Cà phê sôi đã lâu đang đợi chú đây, mang cả bánh nướng nữa, bánh nóng đấy nhé! Không, khoan đã, Aliosa, hôm nay chính vì món bánh nướng ấy mà sấm sét nổ ra với tôi. Tôi mang bánh vào nhà giam cho anh ấy, vậy mà chú có tin được không, anh ấy quăng trả lại và không ăn. Anh ấy quăng một chiếc xuống sàn và giẫm nát. Còn tôi nói: “Em sẽ cho người gác; nếu đến tối mà anh vẫn chưa ăn thì tức là lòng uất giận làm cho anh no rồi!” – nói đoạn tôi ra về. Chúng tôi lại cãi nhau, chú nên tin như vậy. Lần nào tôi đến cũng cãi nhau.
Grusenka nói một thôi một hồi, vẻ xúc động. Maximov lập tức trở nên rụt rè, mỉm cười, mắt nhìn xuống.
– Lần này cãi nhau về chuyện gì? – Aliosa hỏi.
– Tôi hoàn toàn không ngờ. Chú tưởng tượng xem, anh ấy ghen với “người cũ”: “Sao em lại bao nó. Vậy là em lại bắt đầu bao nó phải không?”. Anh ấy ghen suốt, cứ ghen suốt với tôi! Cả lúc ngủ lẫn lúc ăn đều ghen. Tuần trước thậm chí anh ấy còn ghen về Kuzma.
– Thế anh ấy biết chuyện “người cũ” à?
– Chắc thế. Anh biết ngay từ đầu, vậy mà hôm nay bỗng nổi cơn ghen và mạt sát tôi. Nói ra chỉ tổ nhục. Anh ấy thật là ngốc!
– Tôi ở đấy ra thì Rakitin đến. Có lẽ Rakitka xúi giục anh ấy, phải không? Chú nghĩ sao? – Nàng dường như lơ đãng nói thêm.
– Anh ấy yêu chị, thế đấy, rất yêu chị. Chính vì thế bây giờ anh ấy cáu kỉnh.
– Cáu kỉnh quá đi chứ, mai toà xử rồi mà. Tôi đến để nói với anh ấy một lời an ủi về phiên toà ngày mai, vì Aliosa ạ, cứ nghĩ đến chuyện ngày mai là tôi khiếp sợ rồi! Chú bảo là anh ấy cáu kỉnh, thế còn tôi, tôi bực đến đâu ấy chứ!
Vậy mà anh ấy nói về gã Ba Lan! Ngốc ơi là ngốc! Sao không ghen cả với Maximuska đây này.
– Vợ tôi cũng máu ghen ghê lắm. – Maximov nói chen vào.
– Ghen ông à? – Grusenka nhếch mép cười miễn cưỡng. – Ghen về ai kia chứ?
– Về các cô hầu phòng.
– Này, thôi đi, Macximuska, bây giờ tôi chẳng thiết cười đùa, thậm chí đang tức giận đây này. Đừng hau háu nhìn bánh nướng như thế, không có phần của ông đâu, ông ăn có hại đấy, tôi cũng không cho ông dầu thoa đâu. Phải chảm nom cả ông ta nữa chứ; cứ như nhà tôi là nhà cứu tế ấy, đúng vậy đấy. – Nàng cười phá lên.
– Tôi không xứng với ân đức của cô, tôi là kẻ hèn mọn, – Maximov nói bằng giọng đầy nước mắt. – Lẽ ra cô nên thi ân cho những người cần thiết hơn tôi.
– Ồ, ai cũng cần hết, Maximuska ạ, làm sao mà biết được ai cần hơn ai. Giá như đừng có gã sĩ quan Ba Lan ấy, Aliosa ạ, hôm nay gã cũng lại bày ra chuyện gã ốm kia chứ. Tôi đã đến thăm gã.
– Tôi sẽ gửi bánh nướng đến cho gã, tôi chưa gửi, nhưng Mitia đã buộc tội cho tôi thì tôi sẽ cố ý gửi cho gã, cố tình gửi cho gã! A kìa, Fenia mang thư đến. Quả đúng thế, lại của bọn Ba Lan, lại xin tiền!
Pan Muxxialovich quả thực lại gửi đến một lá thư cực dài và theo thói quen, rất đỗi kiểu cách, trong đó anh ta hỏi vay ba rúp.
Kèm theo thư là giấy biên nhận cam đoan trả trong ba tháng, cả pan Vrublepsky cũng ký dưới giấy biên nhận.
Grusenka đã nhận được nhiều lá thư kèm theo giấy biên nhận vay tiền như thế của “người cũ”. Việc đó bắt đầu ngay từ sau khi Grusenka bình phục, hai tuần trước. Nhưng nàng biết rằng trong thời gian nàng ốm, hai pan có đến hỏi thăm sức khỏe nàng. Lá thư thứ nhất Grusenka nhận được là một lá thư dài, viết trên tờ giấy viết thư khổ lớn, đóng con dấu gia huy lớn, lời lẽ tăm tối và kiểu cách ghê gớm, đến nỗi Grusenka chỉ đọc có một nửa và quẳng đi vì chẳng hiểu gì cả. Vả lại lúc ấy nàng chẳng còn bụng dạ đâu mà đọc thư. Sau bức thư thứ nhất, hôm sau lại tiếp đến bức thứ hai trong đó pan Muxxialovich hỏi vay nàng hai ngàn rúp trong thời gian ngắn nhất. Grusenka không trả lời lá thư ấy, tiếp đó đến cả loạt thư từ, mỗi ngày một lá, vẫn trịnh trọng và khoa trương như thế, nhưng số tiền hỏi vay dần dần giảm xuống, đến một trăm rúp, hai mươi nhăm rúp, cuối cùng Grusenka bỗng nhận được lá thư trong đó cả hai pan chỉ hỏi vay có một rúp và đính kèm theo giấy biên nhận, cả hai người cùng ký tên. Lần này Grusenka bỗng thấy thương tình, và lúc chạng vạng tối nàng chạy đến gặp gã Ba Lan. Nàng thấy hai người nghèo ghê gớm, gần như bần cùng, không có cái ăn, không có củi, không có thuốc lá, nợ tiền bà chủ nhà.
Hai trăm rúp được bạc của Mitia ở Mokroe đã mau chóng tiêu tan. Nhưng Grusenka ngạc nhiên thấy họ vẫn đón tiếp nàng với vẻ trịnh trọng kênh kiệu và ung dung, rất mực kiểu cách, lời lẽ khoa trương. Grusenka chỉ phì cười và cho “người cũ” mười rúp, sau đó nàng vừa cười vừa kể chuyện ấy với Mitia và Mitia hoàn toàn không ghen. Nhưng từ đó hai pan săn đón Grusenka, ngày nào cũng tống đến nàng loạt thư xin hỏi tiền, và lần nào nàng cũng cho một ít. Vậy mà bỗng nhiên hôm nay Mitia lại đâm ra ghen dễ sợ.
– Tôi thật ngu ngốc, tạt đến nhà gã, chỉ một phút thôi, trước khi đến thăm Mitia, bởi vì gã cũng ốm, gã pan trước kia của tôi ấy. Tôi cười và kể với anh Mitia: anh tưởng tượng xem, tôi nói, gã Ba Lan đánh ghi ta, định hát những bài trước kia, gã tưởng sẽ làm em cảm động và đi với gã… Thế là Mitia chồm lên mắng nhiếc om sòm… Đã thế thì tôi sẽ gửi bánh nướng cho các pan ấy! Fenia, họ sai con bé ấy đến phải không? Đây, hãy đưa cho nó ba rúp và lấy giấy gói cho nó mười chiếc bánh đem về, còn chú, Aliosa ạ, nhất định chú phải kể cho Mitia rằng tôi đã gửi bánh cho họ.
– Không đời nào tôi kể đâu. – Aliosa mỉm cười nói.
– Chà, chú tưởng anh ấy đau khổ chắc, anh ấy cố ý làm ra thế đấy thôi chứ anh ấy bất cần. – Grusenka thốt lên bằng giọng cay đắng.
– Sao lại cố ý! – Aliosa hỏi.
– Chú ngốc lắm, Aliosa ạ, thế này này, chú chẳng hiểu gì cả, mặc dù chú vốn thông minh, thế này nhé. Tôi không bực về việc anh ấy ghen tôi, nếu anh ấy hoàn toàn không ghen thì tôi sẽ rất bực. Tính tôi thế đấy. Tôi không bực về việc anh ấy ghen, tôi vốn tâm tính ác độc, bản thân tôi ghen rất dữ. Tôi chỉ bực về nỗi anh ấy hoàn toàn không yêu tôi và bây giờ cố ý làm ra bộ ghen, thế đấy. Tôi có mù đâu, tôi không nhìn thấy à? Bây giờ đột nhiên anh ấy lại nói với tôi về ả Katia ấy: ả tài khéo thế này thế nọ, vì tôi mà ả đã mời một bác sĩ từ Moskva về dự phiên toà, ả đã mời một luật sư giỏi bậc nhất về cãi cho anh ấy. Vậy là anh ấy yêu ả, có vậy anh ấy mới tâng bốc ả trước mặt tôi chứ, thật là trơ trẽn! Anh ấy có lỗi với tôi, vì thế anh ấy gây sự với tôi, để trước hết biến tôi thành kẻ có lỗi và đổ tội hết cho tôi; ý muốn nói: “trước tôi cô đã đi với gã Ba Lan, thế thì tôi cũng được quyền làm như vậy với Katia”. Thế đấy!
Anh ấy muốn trút hết tội lỗi lên đầu một mình tôi. Anh ấy cố ý gây sự, cố ý, tôi nói với chú thế đấy, có điều tôi.…
Grusenka không nói hết nàng sẽ làm gì, đưa khăn tay lên mắt và khóc nức nở.
– Anh ấy không yêu Ekaterina Ivanovna. – Aliosa nói cả quyết.
– Ừ, yêu thì không đâu, điều đó tự tôi nhanh chóng nhận ra ngay; – Grusenka nói, giọng đượm vẻ hăm dọa, bỏ khăn tay khỏi mặt. Mặt nàng méo xệch đi, Aliosa đau xót thấy khuôn mặt trắng trước kia nhu mì và vui vẻ hiền lành bỗng trở lên cau có và độc ác.
– Thôi nói những chuyện dớ dẩn ấy đủ rồi! – nàng bỗng ngắt lời đột ngột. – Vả lại tôi mời chú đến đây không phải nói những chuyện ấy, ngày mai, ngày mai sẽ ra sao? Chính đó là điều giày vò tôi! Chỉ mình tôi bị giày vò đau khổ mà thôi! Nhìn mọi người, tôi chẳng thấy ai nghĩ đến chuyện ấy, chẳng ai bận tâm đến. Ít ra chú cũng nghĩ đến chuyện ấy chứ? Ngày mai toà xét xử! Chú hãy nói đi, người ta sẽ xử thế nào? Đấy là thằng hầu, thằng hầu đã giết, thằng hầu! Trời ơi! Chẳng lẽ anh ấy sẽ bị xử tội thay cho thằng hầu và chẳng có ai bênh vực anh ấy? Còn thằng hầu thì hoàn toàn không bị đụng đến, thế là thế nào?
– Nó đã bị hỏi cung rất kỹ, – Aliosa trầm ngâm nói, – nhưng người ta kết luận rằng không phải nó là thủ phạm. Bây giờ nó đang ốm nặng. Nó ốm từ lúc lên cơn động kinh. Quả thực là nó ốm. – Aliosa nói thêm.
– Trời ơi, chú nên đến ông luật sư ấy và kể riêng cho ông ấy nghe về vụ việc. Nghe nói người ta mời ông luật sư với giá ba ngàn.
– Ba người chúng tôi chung nhau số tiền ba ngàn ấy, tôi, anh Ivan và Ekaterina Ivanovna, chị Katia còn bỏ riêng ra hai ngàn mời ông bác sĩ từ Moskva về. Luật sư Fetiukovich lẽ ra lấy nhiều hơn, nhưng vụ này đã đồn đại khắp cả nước Nga, tất cả các báo và tạp chí đều nói đến, nên Fetiukovich đồng ý đến chỉ để lấy tiếng mà thôi, bởi vì vụ án quá nổi tiếng. Hôm qua tôi đã nhìn thấy ông ta.
– Thế sao? Chú nói với ông ta rồi chứ? – Grusenka vội chen vào – ông ấy nghe mà không nói gì. Ông ấy bảo là ông ấy đã có chủ định. Ông ấy hứa sẽ chú ý đến lời tôi nói.
– Chỉ chú ý thôi à! A, một lũ bịp bợm! Chúng nó giết chết anh ấy mất. Thế còn bác sĩ, mời bác sĩ đến làm cái quái gì?
– Làm giám định. Người ta muốn chứng minh rằng anh ấy điên và giết người trong lúc mất trí, không hiểu gì hết. – Aliosa mỉm cười dịu dàng. – Nhưng anh Mitia không ưng chịu.
– Nhưng đấy là sự thật, nếu như anh ấy đã giết! – Grusenka kêu lên. – Lúc đó anh ấy mất trí, hoàn toàn mất trí, mà đấy hoàn toàn là lỗi tại tôi con đàn bà khốn kiếp! Có điều anh ấy không giết, không phải anh ấy giết! Vậy mà cả thành phố đều đổ cho anh ấy, bảo là anh ấy giết. Ngay cả Fenia cũng khai như thể anh ấy là hung thủ. Cả chuyện ở cửa hàng, cả gã viên chức nọ, rồi trước kia ở quán rượu người ta cũng nghe thấy anh ấy hăm doạ! Mọi người đều đổ tội cho anh ấy, tất cả đều la lối như vậy.
– Phải, lời khai buộc tội nhiều ghê gớm. – Aliosa cau có nhận xét.
– Còn Grigori. Grigori Vaxilievich cũng khăng khăng là cửa ra vào để mở, cứ một mực nói rằng chính lão nhìn thấy, không thể nào làm cho lão đổi ý được, tôi đã đến gặp lão, chính tôi đã nói với lão. Lão còn chửi bới nữa chứ.
– Phải, có lẽ đấy là lời khai buộc tội nặng nhất đối với anh tôi. – Aliosa nói.
– Còn về việc anh Mitia mất trí thì bây giờ anh ấy đúng là trong trạng thái như vậy đấy. – Grusenka bỗng nói, coi bộ lo ngại đặc biệt và bí ẩn. – Này, chú Aliosenka ạ, đã từ lâu tôi muốn nói với chú về chuyện ấy: ngày nào tôi cũng vào thăm anh ấy và tôi ngạc nhiên. Chú hãy nói với tôi đi, chú nghĩ thế nào: Bây giờ anh ấy bắt đầu luôn luôn nói về điểu gì đó. Anh ấy cứ nói hoài, nói hoài, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi nghĩ rằng anh ấy nói về một điều gì thông minh, tôi đần độn không hiểu nổi. Có điều anh ấy bỗng nói với tôi về trẻ con, về đứa trẻ nào đó, “tại sao trẻ em lại nghèo khổ?”. “Vì đứa trẻ đó bây giờ anh sẽ đi Sibir, anh không giết người, nhưng anh phải đi Sibir!”. Thế là thế nào, đứa nhỏ ấy là đứa nào, tôi chẳng hiểu tí gì hết. Tôi chỉ khóc rằng khi anh ấy nói, bởi vì anh ấy nói rất hay, chính anh khóc, làm tôi cũng khóc rồi anh ấy bỗng hôn tôi và giơ tay làm dấu thánh. Thế là thế nào, Aliosa, hãy nói cho tôi biết đấy là “đứa trẻ” nào? Không hiểu vì lý do gì Rakitin lại lui tới thăm anh ấy. – Aliosa mỉm cười. – Tuy nhiên, đấy không phải do Rakitin. Hôm qua tôi không đến chỗ anh ấy, hôm nay tôi sẽ đến. Không, đấy không phải tại Rakitin, đấy là vì chú Ivan Fedorovich làm anh ấy quẫn trí, chú ấy vẫn tới thăm anh ấy, vì thế đấy.
Grusenka nói và đột nhiên ngừng bặt. Aliosa nhìn nàng chằm chằm, sửng sốt.
– Sao? Ivan đến thăm anh ấy à? Chính anh Mitia nói với tôi rằng Ivan không đến lần nào.
– Chà… tôi vẫn cứ như thế thôi! Lại buột miệng lộ ra rồi! – Grusenka bối rối kêu lên, mặt bỗng đỏ bừng. – Khoan, khoan, Aliosa, hãy im lặng, thôi được, đã trót nói ra thì tôi nói hết sự thực: Ivan vào thăm anh ấy hai lần, lần thứ nhất ngay sau khi từ Moskva về đến đây, lúc ấy tôi chưa ốm, lần thứ hai cách đây, một tuần. Chú ấy dặn Mitia không được cho chú biết, cấm ngặt không được nói, dặn không được nói với ai, chú ấy đến vụng lén.
Aliosa ngồi trầm ngâm suy nghĩ và đã hiểu ra điều gì. Tin này rõ ràng làm anh sửng sốt.
– Anh Ivan không nói với tôi về vụ việc của anh Mitia – Aliosa chậm rãi nói – và nói chung suốt hai tháng qua anh ấy rất ít nói chuyện với tôi, mỗi khi tôi đến thì bao giờ anh ấy cũng bực bội về việc tôi đến, thành thứ đã ba tuần nay tôi không đến. Hừm…
– Nếu như cách đây một tuần anh ấy có đến thì quả là trong tuần này ở anh Mitia đã có sự thay đổi gì đó…
– Thay đổi, thay đổi! – Grusenka mau chóng hùa theo. – Giữa họ có một điều gì bí mật, một điều bí mật. Chính Mitia nói với tôi rằng có một điều bí mật, và chú ạ, một điều bí mật khiến Mitia không thể yên tâm được. Trước kia anh ấy vui vẻ, bây giờ anh ấy cũng vui vẻ, nhưng chú ạ, lúc anh ấy lắc đầu quậy quậy, đi lại trong phòng, dùng ngón tay phải xoắn tóc ở thái dương thì tôi biết trong lòng anh ấy không yên… tôi biết chứ! Thế mà trước kia anh ấy vui vẻ, hôm nay anh ấy cũng vui vẻ!
– Chị có nói là anh ấy cáu kỉnh phải không?
– Phải, anh ấy cáu kinh, nhưng vẫn vui vẻ. Phải, anh ấy cáu kỉnh, nhưng chỉ một lát lôi, rồi lại vui vẻ, sau đó lại cáu kỉnh. Mà chú Aliosa ạ, tôi luôn luôn ngạc nhiên về anh ấy: sắp tới đáng sợ như thế, mà đôi khi anh ấy cười hô hô về những chuyện vớ vẩn cứ như đứa trẻ thơ.
– Thế đúng thật là anh ấy dặn không được nói với tôi về Ivan chứ? Anh ấy bảo không được nói phải không?
– Đúng thế, anh ấy báo: không được nói. Cái chỉnh là anh ấy sợ chú, anh Mitia ấy mà. Vì thế ở đây có điều gì bí mật, chính anh ấy nói là điều bí mật… Aliosa thân mến, hãy đến đó xem: họ có điều gì bí mật, rồi đến nói cho tôi biết – Grusenka bỗng sôi lên và van vỉ. – Chú quyết định cho tôi đi, tội nghiệp thân tôi, để tôi biết số phận đáng nguyền rủa của tôi ra sao! Tôi mời chú đến là vì thế
– Chị nghĩ rằng điều ấy liên can đến chị à? Nếu vậy thì anh ấy đã từng nói với chị về điều bí mật.
– Tôi không biết. Có thể anh ấy muốn nói với tôi, nhưng không dám. Anh ấy báo trước. Có chuyện bí mật, nhưng nó là cái gì thì anh ấy không nói.
– Thế chị nghĩ thế nào?
– Tôi nghĩ gì ấy à? Đời tôi thế là hết rồi, tôi nghĩ thế đấy. Cả ba người vào hùa với nhau chuẩn bị cho tôi cái kết thúc ấy, bởi vì ở đây có Katia. Tất cả là do Katia, ả bày ra hết. “Cô ấy tài thế nọ, khéo thế kia”, nghĩa là tôi không bằng ả.
Anh ấy nói trước như thế báo trước cho tôi như thế. Anh ấy định bỏ tôi, tất cả bí mật chỉ là thế thôi! Cả ba người cùng nhau nghĩ ra cách ấy: Mitia, Katia và Ivan Fedorovich. Aliosa, tôi muốn hỏi chú đã lâu: một tuần trước anh ấy bỗng tiết lộ với tôi rằng Ivan mê Katia, bởi vì chú ấy thường đến với ả. Anh ấy nói có đúng sự thật không? Nói thật với tôi đi, đừng nể nang gì tôi cả.
– Tôi sẽ không nói dối chị đâu, Ivan không mê Ekaterina Ivanovna, tôi cho là như vậy.
– Ờ, tôi cũng cho là như vậy! Anh ấy nói dối tôi, thật là trơ trẽn, vậy đấy! Bây giờ anh ấy giở trò ghen tuông để sau này đổ lỗi hết cho tôi. Anh ấy ngốc nghếch lắm, giấu đầu hở đuôi, anh ấy bộc tuệch… Tôi sẽ cho anh ấy biết tay, sẽ biết tay tôi! “Em tin rằng anh đã giết bố” – anh ấy nói với tôi như vậy, nói với tôi, anh ấy trách móc tôi như vậy đó.
Chúa phù hộ anh ấy! Cứ chờ đấy, ra toà ả Katia sẽ khốn đốn với tôi! Trước toà tôi sẽ nói ra một điều… Tôi sẽ nói hết!
Nàng lại oà khóc chua xót.
– Tôi có thể tuyên bố dứt khoát với chị một điều, chị Grusenka ạ – Aliosa vừa nói vừa đứng lên. – Điều thứ nhất là anh ấy yêu chị, yêu nhất trần đời, chỉ yêu có một mình chị, điều này xin hãy tin tôi. Tôi biết. Tôi biết chắc, điều thứ hai tôi muốn nói với chị là tôi không muốn dò xét, còn nếu như hôm nay anh ấy tự nói ra với tôi thì tôi sẽ bảo thẳng với anh ấy là tôi đã hứa sẽ thuật lại với chị. Khi ấy tôi sẽ đến nói với chị ngay hôm nay. Có điều…, tôi cho rằng… chuyện này không dính gì đến Ekaterina Ivanovna, mà là bí mật về một điều gì khác kia. Chắc là như thế. Không có vẻ gì là dính dáng đến Ekaterina Ivanovna cả, tôi nghĩ là như thế. Còn bây giờ thì tạm biệt!
Aliosa xiết chặt tay nàng. Grusenka vẫn khóc. Anh thấy nàng chẳng mấy tin lời an ủi của anh, nhưng nàng hể hả vì đã trút được nỗi đau lòng, đã nói ra được. Để nàng ở lại trong trạng thái như thế anh không đành lòng, nhưng anh vội. Trước mắt còn nhiều việc phải làm.