Khi Aliosa lòng đầy lo lắng và đau đớn bước vào trai phòng của trưởng lão, thì anh đứng lại gần như ngạc nhiên: không phải là một người ốm đau sắp từ trần, cơ thể đã mê man (anh lo sợ sẽ gặp Cha trong tình trạng như thế), mà anh thấy Cha ngồi trong ghế bành, tuy đã suy kiệt, nhưng vẻ mặt tỉnh táo vui vẻ, khách đến thăm quây quần xung quanh và Cha khoan khoái khe khẽ chuyện trò với họ. Vậy mà Cha mới rời khỏi giường có mười lăm phút trước khi Aliosa tới; khách đã tụ tập trong phòng từ trước chờ Cha tỉnh dậy. Cha Paixi cả quyết với họ rằng “chắc chắn thầy sẽ trở dậy để một lần nữa chuyện trò với những người mà thầy yêu mến, chính thầy đã hứa như thế sáng nay”.
Cha Paixi tin chắc vào lời hứa ấy cũng như tin từng lời của vị trưởng lão sắp từ trần, đến nỗi nếu như Cha thấy thầy đã bất tỉnh hay thậm chí tắt thở, nhưng thầy đã hứa sẽ trở dậy để vĩnh biệt Cha thì có lẽ Cha sẽ không tin rằng thầy đã chết. Cha vẫn chờ đợi thầy mở mắt và thực hiện điều đã hứa. Buổi sáng, khi đi nằm nghỉ, trưởng lão Zoxima đã báo Cha: “Tôi sẽ không chết trước khi được nói chuyện với các vị lần nữa, những người tôi yêu dấu, được nhìn thấy những khuôn mặt đáng yêu của các vị, được một lần nữa thổ lộ tâm tình với các vị”. Những người họp mặt trong cuộc chuyện trò có lẽ là lần cuối cùng này của trưởng lão là những người bạn lâu năm trung thành nhất của Cha. Họ có bốn người: Cha Ioxif và Cha Paixi, Cha Mikhail – cha bề trên của tu xá, một người chưa già lắm, chẳng lấy gì làm thông thái, chức phận tầm thường nhưng tinh thần kiên định, có đức tin sắt đá và thuần phác, bề ngoài nom khắc nghiệt nhưng trong lòng chan chứa tình cảm tha thiết, tuy có lẽ ông che giấu tình cảm thiết tha của mình đến độ hổ thẹn vì nó. Người thứ tư đã già lắm rồi, một thầy tu khá giản dị, thuộc tầng lớp nông dân nghèo, thày dòng Afim, gần như không biết chữ, trầm lặng và hiền lành, ít khi nói năng với ai, khiêm nhường nhất trong những người khiêm nhường, có vẻ như một người suốt đời sợ hãi một điều gì vĩ đại và ghê rợn mà trí óc mình không tài gì hiểu nổi. Trưởng lão Zoxima rất yêu con người dường như luôn luôn run sợ này và suốt đời Cha tôn trọng ông lạ thường, tuy trong đời chẳng có ai mà Cha ít trò chuyện như ông này, mặc dù hồi xưa nhiều năm ròng Cha đã cùng ông ta phiêu bạt khắp nước Nga thiêng liêng. Thuở ấy đã lâu lắm rồi, cách đây đã bốn chục năm, khi Cha Zoxima mới bước vào con đường khổ tu của bậc tông đồ tại một tu viện nghèo chẳng có tiếng tăm gì ở Kostroma và ít lâu sau đó Cha theo thầy tu Afim bôn ba đây đó để quyên tiền cho tu viện nghèo của họ.
Mọi người, cả chủ lẫn khách, đều ở trong căn phòng thứ hai của trưởng lão, căn phòng có kê chiếc giường của Cha và như đã nói trước đây, phòng rất chật, thành thử cả bốn người (trừ chàng tập tu Porfin vẫn đứng) ngồi chen chúc quanh ghế bành của trưởng lão, trên những chiếc ghế dựa mang ở phòng kia vào. Đã sẩm tối, phòng được chiếu sáng bằng đèn nến thắp trước những bức tượng thánh. Thấy Aliosa bối rối đứng ở cửa, trưởng lão vui sướng mỉm cười với anh và giơ tay ra:
– Chào con, con ngoan yêu dấu của ta, con đã về rồi. Ta biết rằng con sẽ về mà.
Aliosa đến gần, rạp đầu chào sát đất và bật khóc. Tim anh như nứt vỡ, tâm hồn run rẩy, chỉ chực nức lên.
– Này con, khoan hẵng khóc, – trưởng lão mỉm cười, đặt tay lên đầu anh – con thấy đấy, ta vẫn ngồi nói chuyện, có thể ta còn sống hai mươi năm nữa, như người đàn bà tốt bụng, dễ thương người vùng Virsigone đã nói hôm qua, cái bà bế cô bé Lizaveta trên tay ấy mà. Lạy Chúa, hãy nhớ đến cả bà mẹ và cả cô bé Lizaveta! (Cha làm dấu thánh). Porfin, đã đem tiền bà ấy cúng đến nơi ta bảo rồi chứ?
Đấy là Cha nói đến sáu đồng hào mà người đàn bà vui tính tôn sùng Cha đã hiến để tặng “người phụ nữ nào nghèo hơn con”. Những món quyên cúng như thế là một hình phạt người ta tự nguyện nhận lấy để sám hối, nhất định là phải bằng tiền mình tự kiếm ra. Từ chiều, trưởng lão đã sai Porfin đến một người đàn bà vừa bị cháy nhà, một bà góa phải nuôi con, sau khi cháy nhà đã đi ăn xin. Porfin vội trình rằng việc đã làm tròn, anh đã giao cho góa phụ, đúng theo lệnh bề trên, “đây là quà của một bà từ thiện không quen biết”.
– Đứng lên, con yêu dấu, – trưởng lão nói tiếp với Aliosa. – Cho ta nhìn con một chút. Con đã về nhà và đã gặp người anh rồi chứ?
Aliosa lấy làm lạ vì trưởng lão hỏi một cách dứt khoát và đích xác như thế chỉ về một người anh thôi, nhưng là người anh nào: như vậy có lẽ chính vì người anh ấy mà hôm qua cũng như hôm nay thầy sai mình đi gặp.
– Con đã gặp một trong các anh, – Aliosa đáp.
– Ta muốn nói đến người anh cả của con mà hôm qua ta đã rạp đầu lạy sát đất.
– Anh ấy thì con gặp hôm qua, còn hôm nay con không thể nào tìm được anh ấy. – Aliosa nói.
– Hãy tìm cho bằng được, ngày mai con lại gặp tìm cho bằng được, mọi việc dẹp hết lại và tìm gấp. Có lẽ con sẽ còn kịp ngăn chặn một việc khủng khiếp! Hôm qua là ta rạp mình trước một đau khổ cực kỳ lớn sắp xảy đến cho anh ta.
Cha bỗng ngừng bặt, dường như nghĩ ngợi. Những lời kỳ lạ.
Cha Ioxif chứng kiến cảnh trưởng lão rạp đầu sát đất hôm qua, đưa mắt nhìn Cha Paixi.
Aliosa không nén nổi:
– Thưa Cha và thầy. – Aliosa nói, vô cùng xúc động, – lời thầy không rõ nghĩa chút nào cả… Nỗi đau khổ đang chờ anh con là thế nào ạ?
– Đừng tò mò. Hôm qua ta cảm thấy có một cái gì khủng khiếp qua cái nhìn của anh ta dường như bộc lộ toàn bộ số phận của anh ta. Anh ta có cái nhìn… khiến cho trong lòng ta bỗng chốc khiếp sợ vì anh ta đang sửa soạn cho mình một cảnh ngộ ghê gớm. Trong đời, một đôi lần ta đã thấy mấy người có vẻ mặt như thế… như bộc lộ toàn bộ số phận của họ, và số phận ấy, hỡi ôi, đã thành sự thực… Ta bảo con đến với anh ấy, Aliosa ạ, là vì ta nghĩ rằng khuôn mặt đầy tình anh em của con sẽ giúp anh ấy. Nhưng tất cả đều nhờ Chúa, số phận của tất cả chúng ta đều là do Chúa. “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất chẳng chết đi thì nó sẽ cứ ở một mình, nhưng nếu nó chết đi thì sẽ kết được nhiều quả”. Hãy ghi nhớ lấy điều đó. Còn con, Alecxei ạ, trong đời ta, đã nhiều lần ta thầm cầu phúc cho con vì con có gương mặt như thế, nhớ lấy nhé! – Trưởng lão nói, miệng mỉm cười hiền từ. – Ta dự tính cho con như thế này: con sẽ rời khỏi nơi đây, trong đời thế tục con sẽ là thầy tu. Sẽ có nhiều người chống đối con, nhưng ngay cả kẻ thù của con cũng sẽ yêu con. Cuộc đời sẽ đem đến cho con nhiều tai họa, nhưng cũng chính nhờ những tai họa ấy mà con sẽ hạnh phúc, và con sẽ cảm tạ cuộc đời và làm cho những người khác cũng phải cảm tạ cuộc đời – đấy là điều quan trọng hơn hết. Con là người như thế đấy. Thưa các cha và các thầy của tôi, – trưởng lão mỉm cười cảm động nói với các vị khách, – cho đến hôm nay chưa bao giờ tôi nói, ngay cả với Alecxei, về việc tại sao tôi yêu khuôn mặt trai trẻ của cậu ấy đến thế. Bây giờ tôi mới nói: đối với tôi khuôn mặt ấy như gợi nhớ và tiên tri. Trong buổi bình minh của đời tôi, thuở còn bé dại, tôi có một người anh chết giữa tuổi thanh xuân, trước mắt tôi, khi anh ấy mới có mười bảy tuổi. Sau này trải qua cuộc sống, tôi dần dần thấy rõ rằng trong số phận của tôi, người anh ấy dường như là sự chỉ bảo và định mệnh của đấng Tối cao, bởi vì nếu anh không xuất hiện trong đời tôi, nếu không có anh, thì tôi nghĩ rằng có lẽ không bao giờ tôi đi tu, không bước lên con đường cao quý này. Sự hiện thấy đầu tiên ấy đến với tôi thời thơ ấu và bây giờ khi chặng đường của tôi sắp chấm dứt thì hình ảnh ấy dường như lại hiện ra trước mắt. Lạ kỳ thay, thưa các cha và các thầy, khuôn mặt Alecxei không giống mặt anh tôi lắm, chỉ hơi giống thôi, nhưng tôi cảm thấy Alecxei giống anh tôi về phương diện tinh thần đến nỗi nhiều lần tôi coi Alecxei như người anh trẻ tuổi đã xuất hiện ở cuối con đường của tôi một cách bí ẩn để gợi nhớ lại quá khứ và thấu hiểu lẽ huyền nhiệm, đến nỗi thậm chí tôi ngạc nhiên về chính mình và về mơ ước kỳ lạ như thế của tôi: Hãy nghe đây, Porfin, – Cha nói với người tập tu vẫn hầu hạ Cha. – Nhiều lần ta thấy mặt con lộ vẻ buồn rầu vì ta yêu Alecxei hơn con. Bây giờ thì con biết tại sao như thế, nhưng ta cũng yêu cả con nữa, con nên biết điều đó, và đã nhiều lần ta rầu lòng thấy con buồn phiền.
Thưa các vị khách yêu quý, tôi muốn kể với các vị về người anh trẻ tuổi của tôi, bởi vì trong đời tôi không có sự hiện thấy nào quý giá hơn, có ý nghĩa tiên tri và cảm động hơn. Lòng đầy cảm kích, giây lát này tôi nhìn lại toàn bộ cuộc đời tôi, dường như tôi sống lại cả quãng đời ấy…
Ở đây tôi cần phải lưu ý rằng cuộc trò chuyện cuối cùng của trưởng lão với khách trong ngày cuối cùng của Cha có một phần còn lưu lại dưới hình thức ghi chép. Alecxei Fedorovich Karamazov ghi lại ít lâu sau khi trưởng lão tạ thế để làm kỷ niệm.
Nhưng có phải toàn bộ cuộc chuyện trò lúc ấy là như vậy hay trong ghi chép của mình, Alecxei đã điểm vào đó cả những cuộc chuyện trò trước kia của thầy mình thì tôi không nói chắc được, hơn nữa trong bản ghi chép, trưởng lão dường như nói liên tục từ đầu đến cuối, dường như Cha thuật lại đời mình thành một thiên truyện, kể với bạn bè mình, nhưng theo người ta thuật lại sau này thì chắc chắn là trên thực tế sự việc diễn ra hơi khác, bởi vì tối hôm ấy mọi người cùng chuyện trò, tuy khách ít ngắt lời chủ, nhưng vẫn góp chuyện, tham dự vào cuộc đàm thoại, thậm chí còn cho biết điều gì hay kể chuyện gì về mình, thêm nữa không thể có việc kể chuyện liên tục trong trường hợp này, vì trưởng lão đôi khi ngạt thở mất tiếng, thậm chí lên giường nằm nghỉ, mặc dù không ngủ thiếp đi và khách không rời khỏi chỗ.
Một vài lần giữa chừng, Cha Paixi đọc Phúc âm. Có điều đáng chú ý là trong số những người ấy, không ai cho rằng trưởng lão sẽ chết ngay đêm nay, nhất là trong buổi tối cuối cùng này của đời mình, sau giấc ngủ say ban ngày, trưởng lão dường như đột nhiên có một sức lực mới khiến cho Cha nói chuyện được với bạn bè suốt một thời gian dài. Đấy dường như là sự xúc động cuối cùng khiến cho trưởng lão tươi tỉnh lạ thường, nhưng không được bao lâu, vì Cha tắt nghĩ đột ngột. Nhưng chuyện ấy để sau. Bây giờ tôi muốn cho biết rằng tôi không trình bày hết mọi chi tiết của cuộc chuyện trò, mà chỉ bó hẹp ở câu chuyện trưởng lão kể, dựa theo bản thảo của Alecxei Fedorovich Karamazov. Như thế sẽ ngắn hơn, đọc không mệt lắm, tuy cố nhiên, tôi xin nhắc lại, có nhiều điều Alecxei lấy từ những cuộc chuyện trò trước và gộp cả lại.