Ở nhà bố ra, Aliosa bơ phờ chán nản hơn lúc đến. Ý nghĩ của anh cứ vụn ra, tản mạn, đồng thời anh sợ không dám liên kết chúng lại và rút ra một ý niệm chung từ những mâu thuẫn khổ ải mà anh đã trải qua trong ngày hôm đó. Anh đã đứng sát bên bờ tuyệt vọng, trước kia chưa bao giờ Aliosa cảm thấy như thế. Trùm lấp lên tất cả, lù lù như trái núi, là câu hỏi chủ yếu, ác nghiệt, không thể giải đáp được: câu chuyện giữa bố và anh Dmitri sẽ kết thúc ra sao khi có mặt người phụ nữ đáng sợ ấy?
Bây giờ chính anh đã chứng kiến. Anh đã có mặt lúc ấy và nhìn thấy hai người đối đầu với nhau. Nhưng người bất hạnh, bất hạnh hoàn toàn và ghê gớm, chỉ có thể là anh Dmitri: chắc chắn là tai hoạ đang rình anh. Cũng còn nhiều người khác liên can đến những chuyện ấy, có lẽ nhiều gấp bội so với điều Aliosa tưởng trước kia. Thậm chí có cái gì bí ẩn. Anh Ivan đã đi một bước đến với anh, Aliosa từ lâu vẫn mong muốn điều đó, thế mà giờ đây không hiểu sao anh cảm thấy bước làm thân ấy khiến anh hoảng sợ. Còn hai người phụ nữ kia? Kỳ lạ thật: ban nãy, trên đường đến nhà Ekaterina Ivanovna, anh bối rối lạ thường, vậy mà lúc này anh không cảm thấy gì hết, trái lại anh đi gấp đến gặp nàng, như mong chờ nàng sẽ chỉ bảo cho anh điều gì. Tuy nhiên, bây giờ nói lại với nàng những điều nhắn gửi rõ ràng là khó khăn hơn trước: vấn đề ba ngàn đồng đã được giải quyết dứt khoát, còn anh Dmitri bây giờ cảm thấy mình là kẻ bất lương và không còn chút hy vọng nào, tất nhiên sẽ không dừng bước trước bất cứ sự sa ngã nào. Thêm nữa anh còn bảo phải kể lại với Ekaterina Ivanovna tấn kịch vừa xảy ra ở nhà bố.
Đã bảy giờ và trời đã sẩm tối khi Aliosa đến nhà Ekaterina Ivanovna, nàng ở một ngôi nhà rất rộng và thuận tiện ở Phố Lớn.
Aliosa biết rằng nàng ở với hai bà cô. Một trong hai bà chỉ là cô của Agafia Ivanovna, chị nàng: đấy là bà cô trầm lặng ở nhà bố nàng, đã cùng với chị nàng chăm sóc nàng hồi nàng từ trường đại học về thăm bố. Bà cô kia là một bà quý phái ở Moskva, đài các và trang nghiêm, nhưng không có của cải. Nghe nói cả hai bà đều nhất nhất phục tùng Ekaterina Ivanovna và ở với nàng chỉ để cho có nghi thức, Ekaterina Ivanovna chỉ phục tùng ân nhân của mình, bà quan ở lại Moskva vì ốm đau và nàng có bổn phận mỗi tuần gửi cho bà hai lá thư cho biết tỉ mỉ vẻ bản thân nàng.
Khi Aliosa vào phòng ngoài và bảo người hầu phòng ra mở cửa cho anh vào trình chủ thì rõ ràng ở phòng khách người ta đã biết có anh đến (có lẽ người ta đã nhìn thấy anh từ cửa sổ).
Aliosa đột nhiên nghe thấy tiếng ồn ào, tiếng bước chân phụ nữ, sống áo sột soạt: có lẽ có hai hoặc ba phụ nữ lánh đi. Aliosa lấy làm lạ rằng anh đến gây nên sự xáo động như thế. Nhưng anh được mời vào phòng khách ngay. Đấy là một phòng lớn, bày biện nhiều đồ đạc trang nhã, không quê kệch chút nào. Có nhiều đi văng và trường kỷ, bàn lớn bàn nhỏ, trên tường có những bức tranh, những lọ hoa và đèn để trên bàn, nhiều hoa, có cả một bể cá cạnh cửa sổ. Quãng giờ này trong phòng hơi tối. Trên chiếc đi văng rõ ràng là ban nãy vừa có người ngồi, Aliosa nhìn thấy một tấm khăn choàng dài bằng lụa còn vương lại, còn trên bàn trước đi văng có hai chén sôcôla uống dở, bích quy, một đĩa pha lê đựng nho khô, màu xanh, và một cái đĩa khác đựng kẹo. Những thứ đem ra mời khách. Aliosa đoán ra là mình đến giữa lúc đang có khách và anh nhăn mặt. Nhưng vừa hay màn cửa vén lên và Ekaterina Ivanovna vội vã bước nhanh vào, hai tay giơ về phía Aliosa, miệng mỉm cười vui sướng. Lúc đó người hầu gái vào và đặt lên bàn hai cây nến sáng.
– Ơn nhờ Chúa, rốt cuộc chú đã đến! Suốt ngày hôm nay tôi chỉ cầu trời mong chú đến! Mời chú ngồi.
Sắc đẹp của Ekaterina Ivanovna đã từng làm Aliosa ngạc nhiên khi cách đây ba tuần, anh Dmitri đưa anh đến nhà nàng lần đầu tiên để giới thiệu hai người với nhau, vì Ekaterina Ivanovna rất muốn như vậy. Tuy nhiên, trong buổi gặp ấy, cuộc chuyện trò giữa hai người không được mặn mà. Thấy Aliosa quá bẽn lẽn, Ekaterina Ivanovna muốn để cho anh thoải mái và suốt thời gian ấy nàng chỉ nói chuyện với Dmitri Fedorovich, Aliosa im lặng, nhưng thấy rất rõ nhiều điều. Anh sửng sốt về dáng vẻ oai quyền, cử chỉ thoải mái mà vẫn kiêu hãnh, thái độ tự tin của cô gái kiêu kỳ này. Tất cả những đặc điểm đó đều hiển nhiên. Aliosa cảm thấy anh không cường điệu. Anh thấy rằng đôi mắt to, đen, sáng rực của nàng tuyệt đẹp và rất mực hài hoà với khuôn mặt trái xoan tái nhợt, thậm chí hơi bủng của nàng.
Nhưng đôi mắt ấy cũng như đường nét của đôi môi thanh tú tuy có cái gì cố nhiên có thể làm cho anh trai anh say mê ghê gớm, nhưng có lẽ không thể khiến tình yêu lâu bền được. Sau cuộc gặp gỡ, anh gần như nói thẳng tuột ý nghĩ của mình với Dmitri, khi anh Dmitri cử hỏi riết, vật nài anh đừng giấu giếm cảm tưởng của mình sau khi gặp vợ chưa cưới của anh ấy.
– Anh sẽ sống hạnh phúc với chị ấy, nhưng có lẽ là… hạnh phúc không êm đềm.
– Chính thế, chú ạ, những người như thế trước sau vẫn cứ thế, họ không chịu khuất phục số phận. Thế chú cho rằng tôi sẽ không yêu nàng mãi mãi à?
– Không, có thể anh sẽ yêu chị ấy mãi mãi, nhưng có lẽ sống với chị ấy không phải bao giờ anh cũng có hạnh phúc…
Lần ấy, khi bày tỏ ý kiến của mình, Aliosa đỏ mặt và tự giận mình đã nể anh mà nói ra những ý nghĩ “dớ dẩn”. Bởi vì vừa nói xong anh lập tức cảm thấy ý kiến của mình thật dớ dẩn. Thêm nữa anh hổ thẹn vì đã nói quyết như thế về một người phụ nữ.
Bây giờ mới thoạt nhìn Ekaterina Ivanovna chạy ra đón anh, anh càng ngạc nhiên hơn vì cảm thấy lần ấy mình đã lầm to. Lần này gương mặt nàng ngời lên vẻ đôn hậu hồn nhiên bất chợt, sự chân thành thật thà và nồng nhiệt.
Thay cho “cái tự hào và kiêu kỳ” trước kia đã làm cho Aliosa rất đỗi ngạc nhiên, bây giờ chỉ là nghị lực can trường cao quý và một niềm tự tin tươi sáng, mãnh liệt. Thoạt nhìn nàng, thoạt nghe nàng nói, Aliosa đã hiểu ngay rằng tình cảnh bi kịch của nàng trong quan hệ với người nàng yêu không còn là điều bí mật đối với nàng nữa, có lẽ nàng đã biết hết, không còn sót điều gì. Tuy nhiên, mặc dù gương mặt nàng rạng rỡ, đầy niềm tin vào tương lai, Aliosa cảm thấy mình có lỗi với nàng lắm lắm. Anh đã bị đánh bại và đồng thời bị quyến rũ. Ngoài ra, thoạt nghe nàng nói anh đã nhận thấy nàng đang xúc động ghê gớm, có lẽ là sự xúc động khác thường ở nàng, thậm chí gần giống như sự cuồng nhiệt.
– Tôi nóng lòng mong chú, vì chỉ có chú mới cho tôi biết được toàn bộ sự thật, không còn ai khác nữa!
– Tôi đến… – Aliosa ấp úng, rối trí. – Tôi… anh ấy bảo tôi đến…
– A, anh ấy bảo chú đến, tôi cũng linh cảm thấy thế mà. Bây giờ tôi biết cả rồi, biết cả rồi! – Ekaterina Ivanovna kêu lên, mắt long lanh. – Khoan đã, Alecxei Fedorovich, tôi sẽ nói trước cho chú biết vì sao tôi mong chú đến thế. Chú ạ, có lẽ tôi biết hơn chú nhiều; tôi không cần chú đem lại tin tức cho tôi. Tôi cần chú cho biết điều này kia: tôi cần biết cảm tưởng riêng cuối cùng của chú về anh ấy, tôi cần chú kể cho tôi biết – thật thẳng thừng không tô điểm, thậm chí thô lỗ cũng được thôi, thô lỗ thế nào cũng được. Chú thấy thế nào về anh ấy và tình cảnh của anh ấy sau khi gặp anh ấy hôm nay? Như vậy có lẽ còn hơn tôi trực tiếp nói chuyện với anh ấy, mà anh ấy có muốn đến gặp tôi nữa đâu. Chú hiểu tôi muốn gì ở chú chứ? Nào, anh ấy bảo chú đến gặp tôi có việc gì tôi cũng thừa biết là anh ấy bảo chú đến, hãy nói một cách giản dị, nói tiếng nói tối hậu đi!
– Anh ấy bảo tôi… gửi lời chào chị, nhắn rằng anh ấy sẽ chẳng bao giờ đến nữa… và gửi lời chào chị.
– Chào à? Anh ấy nói như thế, nói đúng như thế à?
– Vâng.
– Có lẽ là trong lúc vội vàng, tình cờ thốt ra, anh ấy đã dùng lời không đúng, không chọn đúng tiếng cần thiết chăng?
– Không, anh ấy dặn tôi nói lại đúng như thế: “Chào chị”. Sợ tôi quên, anh ấy dặn lại ba lần.
Ekaterina Ivanovna đỏ bừng mặt.
– Bây giờ chú phải giúp tôi, Alecxei Pavlovich, bây giờ tôi cần sự giúp đỡ của chú: tôi sẽ nói với chú tôi nghĩ thế nào, còn chú chỉ việc cho tôi biết tôi nghĩ thế có đúng hay không. Chú ạ, nếu anh ấy chỉ nói qua loa bảo chú gửi lời chào tôi, không khẩn khoản chờ chú nói lại, không nhấn mạnh từng lời thì thế là không còn gì nữa… Thế là chấm dứt!
Nhưng nếu anh ấy đặc biệt nhấn mạnh đến tiếng ấy, nếu anh ấy dặn kỹ chú đừng quên nói lại với tôi tiếng “chào” ấy thì như thế có lẽ là anh ấy đang bị kích động, mất bình tĩnh chăng? Anh ấy đã quyết định mà lại sợ hãi về quyết định của mình! Anh ấy không vững bước rời bỏ tôi, mà lăn xuống dốc. Nhấn mạnh tiếng đó có thể chỉ có nghĩa là nói mạnh cho ra vẻ can đảm…
– Chính thế, chính thế! – Aliosa sôi nổi xác nhận. – Bây giờ chính tôi cũng có cảm giác như thế.
– Nếu vậy thì anh ấy chưa đến nỗi hỏng hẳn! Anh ấy mới chỉ tuyệt vọng, nhưng tôi vẫn còn có thể cứu anh ấy.
Khoan, anh ấy có nói gì với chú về chuyện tiền nong, về ba ngàn rúp không?
– Chẳng những có nói, mà có lẽ đấy là điều làm anh ấy phiền muộn nhất. Anh ấy nói rằng bây giờ anh ấy mất hết danh dự và anh ấy bất cần gì nữa. – Aliosa hăm hở trả lời, anh cảm thấy bằng tất cả tấm lòng rằng hy vọng đang ngập tràn tim anh và có lẽ có lối thoát cho anh Dmitri của anh. – Nhưng chị… chị biết về số tiền ấy ư? – Anh bỗng nói thêm và ngừng bặt.
– Tôi biết từ lâu, và biết đích xác! Tôi đã đánh điện hỏi ở Moskva và biết từ lâu rằng người ta không nhận được tiền.
Anh ấy không gửi tiền đi nhưng tôi làm lơ. Tuần trước tôi được biết, anh ấy lại bí tiền… Trong việc ấy tôi chỉ có một mục đích: làm cho anh ấy biết anh ấy nên trở lại với ai và ai là người bạn trung thành nhất của anh ấy. Không, anh ấy không muốn tin rằng tôi là người bạn trung thành nhất của anh ấy, anh ấy không muốn hiểu tôi, anh ấy chỉ coi tôi là một người phụ nữ. Suốt tuần một mối lo ghê gớm giày vò tôi: làm thế nào để anh ấy không xấu hổ với tôi về việc đã tiêu phí ba ngàn rúp? Nghĩa là anh ấy cứ việc xấu hổ với mọi người và với bản thân, nhưng đừng xấu hổ với tôi.
Thì anh ấy vẫn nói hết với Chúa mà không xấu hổ kia mà. Làm sao cho đến giờ anh ấy vẫn không biết tôi có thể chịu đựng biết bao nhiêu vì anh ấy? Vì sao, vì sao anh ấy vẫn không biết tôi, vì lẽ gì anh ấy có thể không biết tôi sau tất cả những gì đã xảy ra? Tôi muốn cứu anh ấy mãi mãi. Cho dù anh ấy quên tôi là vợ chưa cưới của anh ấy! Vậy mà anh ấy sợ mất danh dự với tôi! Nhưng anh ấy có sợ bộc lộ với chú đâu, Alecxei Fedorovich? Vì sao cho đến giờ tôi vẫn không xứng đáng được như thế.
Câu sau cùng nàng nói qua hàng nước mắt: lệ trào ra trên mắt nàng.
– Tôi phải nói cho chị biết, – Aliosa nói, giọng cũng run run, – về việc vừa xảy ra giữa anh ấy và ba tôi. – Và anh kể lại tất cả màn kịch, kể lại rằng anh được sai đi xin tiền, Dmitri đã xông vào nhà đánh bố và sau đó khẩn khoản nhắc lại với anh về việc nhờ anh đến đây “gửi lời chào”… – Aliosa khẽ nói thêm.
– Thế chú tưởng tôi không chịu đựng nổi người phụ nữ ấy sao? Anh ấy tưởng tôi không chịu đựng nổi sao? Nhưng anh ấy không lấy cô ta đâu. – Nàng bỗng cất tiếng cười ngặt nghẽo. – Một người dòng họ Karamazov có thể giữ suốt đời ngọn lửa đam mê như thế chăng? Đấy là sự đam mê chứ không phải là tình yêu. Anh ấy không lấy cô ta, vì cô ta sẽ không lấy anh ấy… – Ekaterina Ivanovna lại cười một cách kỳ lạ.
– Có lẽ anh ấy lấy đấy. – Aliosa thốt lên một cách buồn rầu, mắt nhìn xuống.
– Anh ấy không lấy, tôi bảo với chú mà! Cô gái ấy là một thiên thần, chú có biết điều đó không? Chú biết! – Ekaterina Ivanovna kêu lên một cách hăm hở lạ thường. – Đấy là một hiện tượng quái dị nhất trong những cái quái dị! Tôi biết cô ấy thích quyến rũ, nhưng tôi biết cô ấy nhân hậu, cương quyết, cao quý. Sao chú nhìn tôi thế Alecxei Fedorovich. Có lẽ chú ngạc nhiên về lời tôi nói, hay chú không tin tôi chăng? Agrafena Alecxandrovna, thiên thần của tôi ơi. – Nàng bỗng lớn tiếng gọi một người nào, đồng thời nhìn sang một phòng khác. – Sang đây với chúng tôi, có Aliosa đây này, chàng trai dễ thương này biết hết mọi việc của chúng ta đấy, chị ra đi!
– Em vẫn đứng sau rèm chờ chị gọi đây. – Một giọng phụ nữ dịu dàng, thậm chí hơi quá ngọt ngào cất lên.
Màn cửa vén lên và… chính Grusenka tươi cười hớn hở đến gần bàn. Trong Aliosa như có cái gì giật bắn lên. Anh dán mắt vào cô ta, không dứt ra được. Cô ta đây, người phụ nữ khủng khiếp ấy đây – “con yêu tinh” theo lời anh Ivan cách đây nửa giờ đã buột miệng nói về cô ta. Tuy nhiên, đứng trước mặt anh là một người nom dường như hoàn toàn bình thường và giản dị – một phụ nữ phúc hậu, dễ thương, có thể gọi là đẹp, nhưng rất giống tất cả những phụ nữ đẹp “bình thường” khác! Thực ra, cô ta rất xinh, rất rất xinh là đằng khác – một vẻ đẹp Nga mà nhiều người say mê. Đấy là một phụ nữ tầm vóc khá cao, nhưng hơi thấp hơn Ekaterina Ivanovna (Ekaterina Ivanovna thuộc loại rất cao), đẫy đà, cử động mềm mại và êm nhẹ, cũng lả lướt ngọt lịm như giọng nói của nàng. Nàng đến gần, bước đi êm ru chứ không mạnh mẽ lanh lẹn như Ekaterina Ivanovna. Nàng nhẹ nhàng ngồi vào ghế bành, chiếc áo dài sang trọng bằng lụa đen khẽ sột soạt, và nàng uể oải choàng chiếc khăn len đắt tiền lên cái cổ tròn trĩnh trắng muốt và đôi vai rộng. Nàng hai mươi hai tuổi, khuôn mặt biểu hiện đúng cái tuổi ấy. Nước da rất trắng, ánh lên sự hồng nhạt cao quý. Khuôn mặt dường như hơi bè, hàm dưới hơi nhô ra một chút. Môi trên thanh mảnh, môi dưới hơi thưỡn ra, lớn gấp đôi và mòng mọng. Mái tóc màu vàng sẫm dày rậm tuyệt đẹp, lông mày màu lông chồn nâu và cặp mắt xanh xám tình tứ với hàng mi dài khiến cho người đàn ông thản nhiên và đãng trí nhất, cho dù gặp nàng trong đám đông, trong cuộc hội hè chen lấn, cũng nhất định phải dừng lại ngắm khuôn mặt ấy và rồi sẽ còn nhớ mãi. Trên khuôn mặt ấy, điều làm Aliosa ngạc nhiên nhất là cái vẻ trẻ thơ, hồn nhiên của nó. Nàng có cái nhìn như trẻ thơ, nàng biểu lộ niềm vui sướng như trẻ thơ, nàng đến gần bàn với thái độ chính như thế, “vui sướng” như thể đang mong đợi cái gì với sự tò mò nôn nóng và cả tin của trẻ thơ. Ánh mắt của nàng gieo niềm vui vào lòng người, Aliosa cảm thấy thế. Ở nàng còn có một cái gì mà Aliosa không thể hay không dám diễn giải cho rỏ rằng, nhưng có lẽ anh vẫn cảm thấy nó một cách vô thức, đấy là sự mềm mại, sự dịu dàng ấy của cử động thân thể, dáng uyển chuyển êm nhẹ như mèo của những cử động ấy. Tuy nhiên đấy là một thân hình mạnh mẽ và phốp pháp.
Dưới tấm khăn choàng lồ lộ đôi vai rộng đầy đàn, bộ ngực cao vẫn còn thanh xuân lắm. Tấm thân này có lẽ hứa hẹn dáng hình của tượng thần vệ nữ ở Mi lo tuy nhất định là tỷ lệ hơi thái quá, ta linh cảm như vậy. Nhìn Grusenka, những người am hiểu vẻ đẹp của phụ nữ Nga có thể nói trước không chút sai lầm rằng chỉ đến ba mươi tuổi là vẻ dẹp thanh xuân mơn mởn này sẽ mất sự hài hoà, sẽ mờ nhạt đi, mặt sẽ phị ra. quanh mắt và trên trán sẽ xuất hiện rất nhanh những nếp nhăn nhó, da mặt sẽ thô đi, có lẽ sẽ trở nên đỏ lựng – tóm lại, đây là một nhan sắc nhất thời, chóng tàn thường gặp chính ở phụ nữ Nga. Aliosa tất nhiên không nghĩ đến điều đó, nhưng mặc dù mê hồn trước vẻ đẹp ấy, anh vẫn có phần bực bội và dường như tiếc rẻ tự hỏi: tại sao nàng cứ kéo dài từng tiếng ra, không thể nói năng cho tự nhiên? Rõ ràng nàng cho rằng việc kéo dài các vần và âm thanh như vậy, đồng thời cố lấy giọng ngọt xớt tạo nên cho lời nói của nàng một vẻ đẹp. Cố nhiên đó là một thói quen xấu biểu hiện sự thô lậu, nó chứng tỏ sự giáo dục thấp kém, quan niệm sai lệch đã ăn sâu từ bé về sự thanh lịch. Tuy nhiên, Aliosa cho rằng lối nói õng ẹo ấy mâu thuẫn gần như không thể chấp nhận được với vẻ mặt hồn nhiên hớn hở như trẻ thơ ấy với ánh mắt long lanh hạnh phúc, hiền hoà của hài nhi ấy! Ekaterina Ivanovna tức khắc mời nàng ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện với Aliosa và hân hoan hôn mấy lần vào đôi môi tươi cười của nàng, tuồng như si mê nàng.
– Chúng tôi gặp nhau lần đầu đấy, chú Alecxei Fedorovich ạ. – Nàng nói một cách say sưa. – Tôi muốn hiểu rõ chị ấy, muốn nhìn thấy chị ấy, muốn đến nhà chị ấy, nhưng tôi vừa ngỏ ý thì chị ấy thân hành đến đây. Tôi vẫn biết rằng tôi và chị ấy sẽ giải quyết được hết mà, sẽ ổn thoả hết! Trái tim tôi linh cảm thấy thế… Người ta can ngăn tôi dừng làm như thế này, nhưng tôi cảm thấy là có kết quả và tôi đã không lầm. Grusenka đã nói rõ hết với tôi, cho biết mọi dự định, chị ấy là một thiên thần nhân hậu, chị ấy đã bay đến đây, đem đến sự yên ổn và niềm vui…
– Tiểu thư đã không khinh tôi, thưa tiểu thư kính mến. – Grusenka dài giọng nói như hát, miệng vẫn nở nụ cười vui sướng đáng yêu.
– Chớ có nói với tôi những lời như chế, hỡi con người duyên dáng có phép phù thuỷ kia ơi! Khinh chị ư. Tôi sẽ hôn làn môi dưới của chị lần nữa đây này. Nó hình như hơi mọng lên, vậy thì bây giờ nó sẽ càng mọng hơn nữa, mọng lên hơn nữa… Chú nhìn xem chị ấy cười đấy kia, Alecxei Fedorovich, nhìn thiên thần này lòng ta vui như mở hội… – Aliosa đỏ mắt và một cơn run rất nhẹ không ai nhận thấy truyền khắp cơ thể anh.
– Tiểu thư cưng chiều tôi, thưa tiểu thư quý hoá, nhưng có lẽ tôi hoàn toàn không xứng đáng với sự trìu mến của tiểu thư.
– Không xứng đáng! – Ekaterina Ivanovna lại kêu lên, vẫn hăm hở như thế. – Này, Alecxei Fedorovich, chú nên biết rằng chị em chúng tôi tuy ngông cuồng, thích thế nào làm thế, nhưng chúng tôi có trái tim kiêu hãnh, rất kiêu hãnh!
Chúng tôi cao quý, Alecxei Fedorovich ạ, chúng tôi hào hiệp, chú có biết thế không? Có điều là chúng tôi bất hạnh.
Chúng tôi quá sẵn sàng hy sinh tất thảy cho một người đàn ông có lẽ là không xứng đáng, hoặc nông nổi. Chúng tôi yêu một người cũng là sĩ quan, chúng tôi đã hiến dâng tất cả cho người đó, chuyện xảy ra đã lâu rồi, năm năm trước, vậy mà anh ta đã quên chúng tôi, đã lấy vợ. Bây giờ anh ta đã goá vợ, anh ba đã viết thư cho chúng tôi, bây giờ anh ta đang về đây, chú nên biết rằng chúng tôi chỉ yêu có người ấy, suốt đời vẫn chỉ yêu có người ấy! Người ấy sẽ đến và Grusenka sẽ hạnh phúc, còn suốt năm năm qua chị ấy đã đau khổ. Nhưng ai dám trách chị ấy, ai có thể khoe là đã được hưởng ân huệ của chị ấy! Chỉ có ông già thương gia liệt chân thôi, nhưng ông ta là người cha, người bạn, người che chở thì đúng hơn. Ông ta gặp chúng tôi giữa lúc chúng tôi đang tuyệt vọng, đau khổ, bị người yêu bỏ rơi… hồi đó chị ấy đã toan trẫm mình, ông già đã cứu chị ấy, đã cứu chị ấy!
– Tiểu thư bênh vực tôi nhiều quá, thưa tiểu thư quý hoá, tiểu thư quá vội vã trong mọi chuyện đấy. – Grusenka lại nói dài giọng.
– Tôi bênh chị ư? Chị mà lại cần tôi bênh ư, mà tôi lại dám bênh chị ư? Grusenka thiên thần của tôi, hãy đưa tay chị đây, hãy nhìn bàn tay mũm mĩm, xinh xắn mỹ miều này. Alecxei Fedorovich, chú biết không, chị ấy đã đem lại hạnh phúc cho tôi và làm tôi sống lại, bây giờ tôi sẽ hôn tay chị ấy, hôn cả mặt trước và lòng bàn tay, đấy, đấy, đấy! – Như say mê ngất ngây, nàng hôn ba lần bàn tay quả thực là mỹ miều, có lẽ là hơi quá mũm mĩm của Grusenka.
Grusenka chìa tay ra cho hôn, vừa cười khúc khích một cách bồn chồn vừa nhìn “tiểu thư quý hoá” và thích thú ra mặt về việc người ta hôn tay nàng như thế. “Có lẽ là bốc đồng quá đáng đấy” – Aliosa thoáng nghĩ. Anh đỏ mặt.
Suốt thời gian đó, trong lòng anh bồn chồn lạ thường.
– Đừng làm tôi xấu hổ, thưa tiểu thư quý hoá, ai lại hôn tay tôi trước mắt Alecxei Fedorovich như vậy.
– Tôi mà lại muốn làm chị xấu hổ ư? – Ekaterina Ivanovna nói, hơi ngạc nhiên. – A, bạn thân mến ơi, chị hiểu tôi sai quá đấy!
– Nhưng tiểu thư có lẽ cũng không hoàn toàn hiểu tôi, thưa tiểu thư quý hoá, có lẽ tôi xấu hơn tiểu thư tưởng. Tôi tâm tính xấu xa, thích thế nào làm thế ấy. Tôi quyến rũ Dmitri Fedorovich chỉ để chế nhạo anh ấy thôi, tội nghiệp anh ấy.
– Nhưng bây giờ chị sẽ cứu anh ấy. Chị đã hứa mà. Chị sẽ làm cho anh ấy tỉnh ngộ, chị sẽ cho anh ấy biết chị yêu một người khác từ lâu, bây giờ người ấy xin cưới chị làm vợ…
– Ồ, không, tôi không hứa điều gì như thế cả. Đấy toàn là những điều chính chị nói ra, chứ tôi không hứa hẹn gì cả.
– Như vậy là tôi hiểu chị chưa đúng. – Ekaterina Ivanovna khẽ thốt lên, dường như hơi tái mặt. – Chị đã hứa…
– Ồ không, thưa tiểu thư thiên thần, tôi chẳng hứa gì cả. – Grusenka ngắt lời, nói khẽ và đều đều, vẫn vui vẻ và hồn nhiên như trước. – Thưa tiểu thư đáng kính, bây giờ thì thấy rõ ràng đối với tiểu thư, tôi là một đứa xấu xa, lông bông, tôi cứ muốn thế nào là làm thế ấy. Ban nãy có lẽ tôi có hứa với tiểu thư điều gì đó, nhưng bây giờ tôi lại nghĩ: ngộ nhỡ tôi lại thích Mitia thì sao, có một lần tôi đã rất thích anh ấy, suốt một giờ tôi gần như thích anh ấy. Chưa biết chừng bây giờ tôi sẽ đến bảo anh ấy từ hôm nay đến ở với tôi… ấy tôi hay thay đổi bất thường như thế đó…
– Ban nãy chị nói… khác hẳn… – Ekaterina Ivanovna nói lí nhí.
– A, ban nãy! Tôi vốn mềm yếu, ngốc nghếch mà. Thử nghĩ mà xem, anh ấy đã phải chịu đựng biết bao nhiêu vì tôi! Biết đâu khi trở về nhà tôi bỗng động lòng thương anh ấy thì sao?
– Tôi không ngờ rằng…
– Chao ôi, thưa tiểu thư, so với tôi thì tiểu thư thật là nhân đức cao quý. Nhưng bây giờ có lẽ tiểu thư sẽ chán con ngốc này, vì tính nết của tôi như thế kia mà. Xin tiểu thư đưa bàn tay đáng yêu của tiểu thư cho tôi, tôi sẽ hôn tay tiểu thư như tiểu thư đã hôn tay tôi, tiểu thư đã hôn tay tôi ba lần, vậy thì tôi phải hôn tay tiểu thư ba trăm lần để đền đáp lại, để cho xong nợ. Cứ phải như thế đã, còn sau thì tuỳ trời; có thể tôi sẽ hoàn toàn là kẻ nô lệ của tiểu thư và sẽ hết lòng trăm sự chiều theo ý tiểu thư. Thôi thì trời muốn thế nào sẽ nên thế, không có bất cứ sự thoả thuận và hứa hẹn nào giữa chúng ta cả: Bàn tay xinh xắn, bàn tay tiểu thư thật đáng yêu, bàn tay xinh xắn, tiểu thư mới đáng yêu làm sao, tiểu thư của tôi là trang tuyệt thế giai nhân!
Grusenka nhẹ nhàng đưa bàn tay lên môi mình, thực ra với một mục đích kỳ lạ: “trả xong nợ” những cái hôn, Ekaterina Ivanovna không rút tay ra; lòng nàng chớm một niềm hy vọng rụt rè khi nghe lời hứa cuối cùng của Grusenka, tuy nó được diễn tả đến là kỳ quặc: cô ta sẽ chiều ý nàng như “một kẻ nô lệ”. Nàng nhìn một cách căng thẳng vào mắt Grusenka; nàng thấy trong đôi mắt ấy vẫn một vẻ hồn nhiên, cả tin ấy, vẫn sự vui vẻ tươi sáng ấy. Có lẽ cô ta quá ngây thơ!” – niềm hy vọng thoáng hiện trong trái tim Ekaterina Ivanovna. Trong lúc đó Grusenka như mê thích bàn tay xinh đẹp, chầm chậm đưa nó lên môi. Nhưng đến sát môi nàng bỗng giữ nó lại giây lát, như nghĩ ngợi gì.
– Tiểu thư biết không, thiên thần của tôi, – nàng bỗng nói kéo dài bằng một giọng hết sức dịu dàng và ngọt xớt. – Tiểu thư ạ, tôi sẽ không hôn tay tiểu thư nữa đâu. – Nàng bật cười, tiếng cười nhỏ nhẹ hết sức vui vẻ.
– Tuỳ chị thôi… chị làm sao thế? – Ekaterina Ivanovna bỗng giật mình.
– Tiểu thư hãy khắc sâu vào ký ức rằng tiểu thư đã hôn tay tôi, còn tôi không hôn tay tiểu thư. – Mắt nàng đột nhiên lóe lên. Nàng nhìn chòng chọc vào Ekaterina Ivanovna.
– Láo xược! – Ekaterina Ivanovna thốt lên, dường như chợt hiểu ra điều gì, nàng đỏ bừng mặt và đứng phắt dậy, Grusenka cũng thong thả đứng dậy.
– Rồi đây tôi sẽ kể cho Mitia nghe tiểu thư hôn tay tôi như thế nào, còn tôi không hôn tay tiểu thư. Anh ấy sẽ cười bằng thích!
– Đồ đểu, cút xéo!
– Chết nỗi, thật đáng hổ thẹn, tiểu thư ạ, đáng hổ thẹn biết bao, một người như tiểu thư mà dùng những lời như thế tiểu thư quý hoá ạ.
– Xéo đi, con đĩ! – Ekaterina Ivanovna gào lên. Mặt nàng biến dạng hẳn, run lên.
– Ừ thì làm đĩ đấy. Chính bản thân chị trước đây tối tối vẫn đến ve vãn bọn thanh niên ăn chơi để làm tiền, chị bán nhan sắc của mình, tôi biết thừa đi rồi.
Ekaterina Ivanovna thét lên, toan nhảy xổ vào Grusenka, nhưng Aliosa ra sức ghìm lại:
– Đứng yên, đừng nói gì hết! Đừng nói câu nào, đừng trả lời gì hết, chị ấy sẽ đi, chị ấy sẽ đi ngay bây giờ!
Ngay lúc đó, nghe tiếng kêu, hai bà cô của Ekaterina Ivanovna cùng với người hầu phòng chạy vào, họ đâm bổ đến với nàng.
– Tôi sẽ rời khỏi đây. – Grusenka nói, cầm lấy tấm khăn choàng trên đi văng. – Aliosa yêu mến, anh tiễn tôi nhé!
– Chị đi đi, đi mau đi! – Aliosa chắp tay van vỉ.
– Aliosa quý mến, anh đưa tiễn tôi về! Trên đường tôi sẽ nói với anh một điều tuyệt hay! Tôi bày ra màn kịch này để anh xem đấy! Đưa tôi về đi, bạn yêu quý, anh sẽ thấy thú vị mà.
Aliosa quay đi, hai tay xoay vặn vào nhau. Grusenka cười giòn giã, chạy ra khỏi nhà.
Ekaterina Ivanovna bị một cơn kích động thần kinh. Nàng nức nở, nghẹt thở. Mọi người cuống quít quanh nàng.
– Cô đã bảo cháu rồi mà, – bà cô lớn tuổi nói. – Cô đã can cháu đừng làm như thế… cháu quá hăm hở… sao lại có thể liều lĩnh như vậy được! Cháu không biết bọn nặc nô ấy đâu, nhất là con này, nó tệ hại nhất… Hừ, cháu chỉ theo ý cháu thôi.
– Đấy là con hổ cái. – Ekaterina Ivanovna la lên. – Sao chú lại giữ tôi, Alecxei Fedorovich, không thì tôi đã cho nó một trận!
Nàng không đủ sức giữ bình tĩnh trước mặt Aliosa, mà nàng cũng không muốn giữ bình tĩnh.
– Con ấy đáng đánh đòn, trên đoạn đầu đài, bằng tay đao phủ, trước công chúng…
Aliosa giật lùi về phía cửa.
– Nhưng Trời ơi! – Ekaterina Ivanovna bỗng kêu lên, đập hai tay vào nhau, – anh ấy mà lại thế! Anh ấy lại có thể bất nhân bất nghĩa đến như thế! Anh ấy đi kể với con khốn nạn ấy chuyện đã xảy ra hôm đó, vào cái ngày ác hại muôn đời đáng nguyền rủa nọ! “Cô đến bán sắc đẹp, tiểu thư quý hoá ạ!”. Nó biết! Anh chú là đồ đểu cáng, Alecxei Fedorovich. Aliosa muốn nói điều gì, nhưng không tìm được lời. Tim anh quặn thắt lại.
– Chú về đi, Alecxei Fedorovich! Tôi xấu hổ, thật là khủng khiếp! Ngày mai… tôi quỳ gối van xin chú, ngày mai chú đến đây! Đừng lên án tôi, thứ lỗi cho tôi, tôi chưa biết sẽ làm gì với bản thân mình đây.
Aliosa ra đường, chân bước lảo đảo. Anh cũng muốn khóc như Ekaterina Ivanovna. Bỗng nhiên có người hầu theo kịp anh.
– Tiểu thư quên không đưa cho cậu lá thư của bà Khokhlakova, thư nhận được từ bữa ăn trưa.
Như cái máy, Aliosa cầm lấy phong thư nhỏ màu hồng và gần như vô ý thức nhét vào túi.