Họ vào phòng gần như cùng một lúc với trưởng lão. Cha từ phòng ngủ đi ra. Trước đó, trong trai phòng đã có hai giáo sĩ ở tu xá đang chờ trưởng lão, một người là Cha thủ thư, người kia là Cha Paixi ốm yếu tuy chưa già, nghe nói là Cha rất thông thái.
Ngoài ra còn một người nữa cũng đứng chờ trong góc phòng (và sau đó vẫn cứ đứng suốt) một chàng trai khoảng hai mươi hai tuổi mặc áo lễ thường phục, chủng sinh và là nhà thần học tương lai, được tu viện và giáo đoàn bảo trợ vì lý do gì không rõ. Anh ta khá cao, mặt tươi tắn, gò má cao, mắt nhỏ màu nâu nhạt, thông minh và chăm chú.
Gương mặt lộ vẻ hết sức kính cẩn, nhưng vẫn đường hoàng, không ra dáng nịnh nọt. Anh ta thậm chí không cúi chào các vị khách vừa vào, vì không tự coi mình ngang hàng với họ, mà là kẻ thuộc hạ.
Trưởng lão Zoxima ra cùng với một người tập tu và Aliosa. Các giáo sĩ đứng lên cúi gập mình chào, những ngón tay chạm đất, rồi nhận phước lành, hôn tay Cha. Ban phước xong, trưởng lão cũng gập mình đáp lễ từng người, ngón tay chạm đất và xin từng người ban phước cho mình. Toàn bộ nghi lễ ấy diễn ra hết sức trang nghiêm, hoàn toàn không như một lễ thức hàng ngày nào đó, mà gần như là đậm đã tình cảm. Tuy nhiên Miuxov có cảm giác rằng tất cả những cái đó là có dụng ý răn bảo. Ông đứng trước tất cả những người cùng vào với ông. Có một điều ông đã cân nhắc kỹ từ tối hôm qua, dù quan điểm tư tưởng thể nào đi nữa, song để giữ lễ (vì ở đây có tục lệ như thế), phải đến cho trưởng lão ban phước, ít nhất cũng nhận ban phước, nếu không hôn tay. Nhưng thấy các giáo sĩ cúi chào và hôn tay, ông tức khắc đổi ý: trịnh trọng và trang nghiêm, ông cúi chào rất lễ độ nhưng theo kiểu thế tục và đến chỗ ghế ngồi. Fedor Pavlovich cũng làm như thế, lần này thì bắt chước y hệt Miuxov như một con khỉ. Ivan Fedorovich cúi chào rất trịnh trọng và lễ độ nhưng hai tay vẫn để thẳng theo mép quần, còn Kalganov bối rối đến nỗi quên cả chào. Trưởng lão đã giơ tay lên toan ban phước liền hạ tay xuống, cúi chào họ lần nữa rồi mời mọi người ngồi. Máu dồn lên má Aliosa, anh xấu hổ. Linh cảm chẳng lành của anh đã thành sự thật.
Trưởng lão ngồi xuống chiếc đi văng nhỏ bằng gỗ đỏ bọc da kiểu kích rất cổ, còn khách – trừ hai giáo sĩ – thì Cha mời ngồi ở phía tường đối diện, cả bốn người thành một dãy, trên bốn chiếc ghế bằng gỗ đỏ bọc da màu đen đã xơ xác lắm rồi. Các giáo sĩ ngồi hai bên, một người cạnh cửa ra vào, người kia cạnh cửa sổ. Anh chủng sinh, Aliosa và người tập tu vẫn đứng. Căn phòng chẳng rộng rãi chút nào và nom có vẻ ủ ê. Đồ vật và bàn ghế đều thô sơ, tồi tàn và chỉ là những thứ cần thiết nhất. Hai chậu hoa trên cửa sổ, trong góc có nhiều tranh thánh, một bức vẽ Đức Mẹ đồng trinh, kích thước rất lớn và có lẽ vẽ từ rất lâu trước cuộc ly giáo(1). Trước bức tranh leo lét một cây đèn thờ.
Cạnh bức tranh đó là hai bức tranh khác đóng trong những tấm khung lấp lánh, rồi cạnh đó là những thiên thần nhỏ thiếu vẻ tự nhiên, những quả trửng nhỏ bằng sứ, một cây thập giá bằng ngà voi với Materdolorosa(2) ôm lấy nó và mấy bức tranh khắc của các nghệ sĩ Ý vĩ đại ở các thế kỷ trước. Bên cạnh những tranh khắc duyên dáng và đắt tiền ấy là mấy bức in thạch bản kiểu dân gian Nga, hoạ hình các thánh, những bậc tuẫn đạo, các giáo sĩ thánh thiện có bán ở tất cả các chợ phiên với giá vài xu. Có mấy bức chân dung các tổng giám mục Nga thời nay và thời trước, nhưng ở các bức tường khác, Miuxov đưa mắt lướt nhanh một lượt tất cả những “lệ bộ” ấy, rồi chăm chú nhìn trưởng lão. Ông tự cho mình có con mắt tinh đời, đấy là chỗ yếu của ông, điều ấy dù sao cũng có thể tha thứ được, bởi lẽ ông đã ngoài năm mươi, cái tuổi mà một người thượng lưu thông minh và sung túc bao giờ cũng có ý thức tự tôn hơn, thậm chí đôi khi không chủ ý.
Thoạt đầu ông không ưa trưởng lão. Thật vậy, gương mặt trưởng lão có cái gì khiến nhiều người không ưa, chứ không chỉ riêng Miuxov. Đấy là một người tầm thước, lưng còng, chân rất yếu mới có sáu mươi lăm, nhưng bệnh tật làm cho nom già hơn nhiều ít ra là già hơn đến mười tuổi. Khuôn mặt rất gầy, chi chít những nếp nhăn li ti, nhất là quanh mắt. Mắt không to, nhạt màu, nhanh và sáng, tựa như hai cái chấm long lanh. Tóc hoa râm chỉ còn lưa thưa ở hai bên thái dương, râu cằm nhỏ và thưa, nhọn hoắt, đôi môi thường xuyên mỉm cười, mảnh như hai sợi dây. Mũi không dài, nhưng nhọn như mỏ chim.
“Mọi dấu hiệu đều cho thấy đây là một tâm hồn ác độc, nhỏ nhen và hợm hĩnh” – Miuxov thoáng nghĩ. Nói chung ông rất bực với chính mình.
Tiếng chuông đồng hồ giúp cho họ bắt đầu câu chuyện. Chiếc đồng hồ quả lắc nhỏ, rẻ tiền treo trên tường điểm nhanh một hồi mười hai tiếng.
– Đến giờ rồi, – Fedor Pavlovich kêu lên, – vậy mà thằng Dmitri Fedorovich nhà tôi vẫn chưa có mặt. Thay mặt nó tôi có lời xin lỗi, thưa trưởng lão thánh thiện! (Aliosa run bắn cả người lên vì mấy tiếng “trưởng lão thánh thiện”). Tôi thì khi nào cũng đúng giờ, từng phút một vì tôi luôn luôn nhớ rằng đúng giờ là lễ độ của bậc vương giả…
– Nhưng dù sao ông cũng không phải là vua. – Miuxov làu bàu, không nén nổi nữa.
– Vâng, đúng thể, không phải là vua. Mà ông tưởng tượng xem, Petr Alecxandrovich ạ, chính tôi cũng biết như thế, thề có trời! Thế mà tôi chẳng bao giờ chữa được cái thói nói năng lộp chộp! Trình Cha! – Ông ta thốt lên bằng một giọng phút chốc đầy cảm hứng. – Trước mặt Cha đây là một thằng hề, một thằng hề đích thực! Tôi xin tự giới thiệu như thế. Một thói quen cũ, than ôi! Còn đôi khi tôi nói dóc không đúng lúc thì đấy là có chủ ý, cốt để pha trò và làm cho mình trở nên dễ thương. Cần phải dễ thương, phải không ạ? Bảy năm trước tôi đến một thị trấn nhỏ có chút việc lặt vặt, thế là tôi kết bạn với mấy tay buôn cò con. Tôi đến ông ixpravnic(3) có việc nhờ vả ông ta và mời ông ta đến đánh chén với chúng tôi. Ông này cao lớn, to béo, tóc vàng hoe, cau có, té ra ông ta thuộc loại người nguy hiểm nhất trong những trường hợp như thế này: loại người có bệnh gan, đau gan. Tôi đến gặp thẳng ông ta, và các vị ạ, tôi giữ thái độ suồng sã kiểu thượng lưu: “Ông ixpravnic ạ, ông hãy là napravnic(4) của chúng tôi nhé!” – “Napravnic là cái gì?” – Ông ta nói. Tức thì tôi thấy ngay việc không xuôi rồi, ông ta vẫn nghiêm nghị, tôi không bỏ cuộc: “Tôi muốn bông đùa một chút thôi mà, sao cho mọi người cùng vui, ông Napravnic là nhạc trưởng trứ danh người Nga của chúng ta, mà muốn cho việc làm ăn của chúng tôi có nhịp điệu hài hoà thì chúng tôi cần có ông, đại loại như một nhạc trưởng ấy mà…”. Tôi giải thích và so sánh có lý đấy chứ, phải không ạ? “Xin lỗi, tôi là ixpravnic và tôi không cho phép ai dùng chức tước của tôi để chơi chữ – ông ta nói, rồi quay người bỏ đi. Tôi chạy theo ông ta, lớn tiếng nói: “Vâng, vâng, ông là ixpravnic chứ không phải là Napravnic”. Các vị ạ, công việc của chúng tôi thế là hỏng! Tôi thì vẫn cứ thế, bao giờ cũng thế đấy. Tôi cứ tự làm hại mình do nhã ý của mình! Nhiều năm trước, có lần tôi nói với một nhân vật có thế lực: “Bà nhà có máu buồn”(5), ý tôi định nói là nhạy cảm về mặt danh dự, về đạo đức, vậy mà ông ta bỗng hỏi lại tôi: “Ông đã cù bà ấy rồi à?” Tôi không nén được đột nhiên tôi nghĩ: ta hãy tỏ ra dễ thương: “Vâng, cù rồi ạ!” Thế là ông ta cù cho tôi một trận ra trò… Chuyện ấy xảy ra đã lâu lắm rồi, vì vậy tôi có kể lại cũng không xấu hổ; tôi vẫn cứ mãi mãi làm hại mình như thế!
– Thì bây giờ ông cùng đang làm như thế đấy! – Miuxov làu bàu với vẻ gườm ghét.
Trưởng lão lẳng lặng nhìn người này rồi người kia.
– Vậy ư? Ông có tưởng tượng được không, tôi cũng biết thế mà, ông Piotr Alecxandrovich ạ, và ông nên biết, thậm chí tôi linh cảm thấy rằng tôi đang làm gì ngay khi vừa mở miệng ra, mà ông ạ, thậm chí tôi linh cảm thấy rằng ông sẽ là người chỉ trích tôi trước tiên. Những lúc ấy, khi tôi thấy lối bông đùa của tôi không ăn khách thì trình Cha, miệng tôi khô đi đến nỗi hai má dính vào lợi dưới, gần như lên cơn co giật. Tôi như thế từ hỏi còn trai trẻ kia, hồi ấy tôi sống bám vào giới quý tộc, tôi kiếm miếng bánh bằng cách đó. Tôi là thằng hề chính cống, bẩm sinh, trình Cha, thì cũng như một thánh hài(6) ấy mà. Tôi không chối cãi rằng có lẽ quỷ nhập vào tôi, nhưng là loại quỷ cỡ nhỏ thôi, nếu là cỡ quan trọng hơn thì nó đã chọn nơi trú ngụ khác, song không chọn ông đâu. Petr Alecxandrovich, vì bản thân ông cũng chẳng đáng giá gì lắm. Nhưng tôi tin Thượng đế – chỉ gần đây tôi mới ngờ vực, nhưng bây giờ thì tôi ngồi đây chờ nghe nhưng lời cao cả. Trình Cha, tôi như nhà triết học Didero(7) vậy. Trình Cha thánh thiện, hẳn Cha biết thời nữ hoàng Ekaterina nhà triết học Didero đã đến gặp Đại Giáo chủ Platon(8), vừa vào ông ta nói thẳng luôn:
“Không có Thượng đế”. Vị giáo chủ liền giơ một ngón tay lên và trả lời: “Thằng điên tự nhủ với lòng rằng không có Thượng đế!”. Didero liền sụp ngay xuống chân Ngài: “Tôi tin ông ta la lên, – tôi xin nhận phép rửa tội”. Thế là người ta làm lễ rửa tội cho ông ta ngay tại đấy. Nữ công tước Dascova làm mẹ đỡ đầu, còn Pochomkin làm cha đỡ đầu(9)…
– Fedor Pavlovich, thật không thể chịu nổi! Chính ông cũng biết rằng ông nói dối, rằng cái chuyện tiếu lâm dớ dẩn ấy không đúng sự thực, ông vờ vĩnh như thế để làm gì? – Miuxov nói, giọng run run, không làm sao bình tĩnh được nữa.
– Suốt đời tôi linh cảm thấy đó là điều sai sự thật! – Fedor Pavlovich say sưa kêu lên. – Thưa các vị, tôi xin nói hết sự thật. Thưa trưởng lão cao cả! Xin thứ lỗi cho tôi, đoạn cuối, chuyện rửa tội cho Didero là tôi vừa mới bịa ra đấy, vừa nãy thôi, như tôi đã kể ấy, còn trước đây tôi không hề nghĩ đến. Tôi bịa ra cho câu chuyện thêm mặn mà. Tôi vờ vĩnh như thế, Petr Alecxandrovich ạ, là để cho mình thêm có duyên mà. Tuy vậy đôi khi chính tôi cũng chẳng hiểu để làm gì. Còn về Didero thì cái chuyện “Thằng điên đã nói” ấy, tôi được nghe các điền chủ ở đây kể lại có đến hai chục lần, hồi tôi còn trẻ và sống ở nhà họ. Với lại tôi cũng nghe được chuyện ấy ở bà Mavra Fominisna dì của ông nữa đấy, ông Petr Alecxandrovich ạ. Tất cả bọn họ cho đến giờ vẫn tin chắc rằng ông Didero vô thần đến Đại Giáo chủ Platon để tranh luận về Thượng đế…
Miuxov đứng lên, không những không kiên nhẫn được nữa, mà dường như mất tự chủ. Ông điên lên và biết rằng như thế chính ông đâm ra kỳ cục. Thực vậy, trong phòng đã xảy ra một việc không thể dung thứ được. Có đến bốn năm chục năm nay, từ thời các trưởng lão trước, khách khứa vẫn tụ tập trong căn phòng này, nhưng bao giờ cũng rất mực sùng kính, không bao giờ khác. Tất cả những ai được vào đây đều hiểu rằng đây là một ân huệ lớn đối với họ. Nhiều người quỳ xuống và cứ quỳ như thế suốt buổi viếng thăm. Nhiều nhân vật “cao sang”, thậm chí cả những người cực kỳ thông thái, lại cả một số người có tư tưởng tự do đến vì tò mò hay vì lý do khác, khi vào phòng tu cùng với mọi người hay được tiếp riêng, đều coi bổn phận trước hết của mình, không trừ một ai, là phải hết sức kính cẩn và tế nhị suốt trong buổi tiếp, nhất là ở đây không có chuyện tiền nong, mà chỉ có tình yêu và ân huệ từ một phía, còn phía kia là sự sám hối và niềm khao khát giải quyết một vấn đề khó khăn của tâm hồn hay một điều nan giải trong đời sống tình cảm riêng tư. Vì vậy, cái trò hề mà Fedor Pavlovich đột ngột giở ra, thái độ bất kính của ông ta đối với nơi này khiến cho những người có mặt tại đây, ít nhất là một số người trong bọn họ, phải băn khoăn và ngạc nhiên. Các giáo sĩ tuyệt nhiên không thay đổi vẻ mặt, nghiêm trang chăm chú chờ xem trưởng lão nói gì, nhưng dường như họ cũng đã sẵn sàng đứng như Miuxov. Aliosa muốn khóc: anh vẫn đứng, đầu cúi xuống. Điều anh cảm thấy lạ lùng nhất là anh Ivan Fedorovich, người duy nhất mà anh hy vọng, người duy nhất có thể dùng ảnh hưởng của mình ngăn bố lại – lúc này vẫn cứ ngồi không nhúc nhích trên ghế, gằm mặt xuống, rõ ràng là tò mò chờ xem chuyện này kết thúc ra sao, như thể anh hoàn toàn là người ngoài cuộc. Rakitin (chủng sinh) là chỗ rất quen biết và gân như thân với Aliosa, và Aliosa cũng không dám nhìn anh ta: anh biết rõ ý nghĩ của anh ta (tuy trong cả tu viện chỉ có Aliosa biết những ý nghĩ ấy).
– Thứ lỗi cho tôi, – Miuxov nói với trưởng lão. – Có lẽ Cha tưởng rằng tôi cũng dự phần nào cái trò hề đốn mạt này.
Sai lầm của tôi là tôi đã tin rằng ngay cả một người như Fedor Pavlovich cũng hiểu được bổn phận của mình khi đến hầu chuyện một người đáng kính ấy… Tôi không ngờ rằng tôi sẽ phải xin lỗi chính vì đã cùng vào với ông ta…
Petr Alecxandrovich không nói hết, và hết sức ngượng ngập, ông ta định ra khỏi phòng.
– Đừng bận tâm, tôi xin ông… – Trưởng lão bỗng đứng lên bằng đôi chân yểu ớt của mình, cầm lấy hai tay Petr Alecxandrovich kéo ông lại ngồi xuống ghế. – Xin cứ yên tâm. Tôi khẩn khoản xin ông cứ là khách của tôi. – Và Cha cúi chào, quay trở về chiếc đi văng của mình.
– Thưa trưởng lão cao cả, Cha cho biết tính lốp chốp của tôi có làm Cha phật ý không ạ? – Fedor Pavlovich bỗng hét toáng lên, hai tay nắm lấy tay ghế bành, như sẵn sàng nhảy chồm ra tuỳ theo câu trả lời.
– Tôi khẩn khoản xin ông đừng bận tâm và đừng ngại. – Trưởng lão nói với ông ta bằng giọng uy nghiêm… – ông đừng ngại, cứ coi như ở nhà mình. Cần nhất là đừng xấu hổ quá đáng về bản thân mình, bởi vì mọi sự đều do đó mà ra cả.
– Cứ như ở nhà à? Nghĩa là cứ tự nhiên à? Ồ, như vậy thì khí quá đấy, quá đáng đấy, nhưng tôi lấy làm cảm kích mà vâng theo ý Cha! Nhưng thưa Đức Cha đầy ơn phúc, Cha đừng khuyến khích tôi cứ tự nhiên. Cha chớ nên liều lĩnh… Mà chính tôi cũng sẽ không làm quá như thế đâu. Đấy là để giữ gìn cho Cha thôi, tôi bảo trước đấy. Thôi được, tất cả những gì tiếp theo vẫn còn chìm trong bóng tối, chưa biết rõ ra sao, tuy rằng một số người đã muốn bôi vẽ mặt cho tôi. Ấy là tôi nói về ông đấy, Petr Alecxandrovich ạ, còn với Đức Cha thánh thiện, tôi xin thưa: tôi tràn trề phấn khởi! – ông ta nhổm dậy, giơ hai tay lên – Phước cho cái bụng đã mang thai ngươi và đôi vú đã cho ngươi bú, đặc biệt là đôi vú! Ban nãy Cha vừa răn tôi: “Đừng quá xấu hổ về bản thân mình, bởi vì mọi sự đều do đó mà ra cả”.
Câu đó như đâm xuyên vào tôi, Cha đã đọc thấu ruột gan tôi. Chính thế, khi đến với mọi người, tôi cứ luôn luôn có cảm giác rằng tôi là kẻ đê mạt nhất và mọi người đều coi tôi là thằng hề, đã thế thì “ta sẽ làm hề thực cho mà xem, ta không sợ dư luận của các người, vì tất cả các người, không trừ một ai, đều đê mạt hơn ta!”. Bởi thế tôi mới là thằng hề, vì xấu hổ mà tôi thành thằng hề, ấy là vì xấu hổ. Chỉ vì đa nghi mà tôi khuấy đảo. Giá như tôi tin chắc rằng khi tôi đến, mọi người đều lập tức coi tôi là người thông minh nhất và dễ thương nhất thì trời ơi! Khi ấy tôi sẽ là người tốt biết bao.
– Thưa thầy! – Ông ta bỗng quỳ xuống. – Tôi phải làm gì để được hưởng đời sống vĩnh cửu? – Ngay cả lúc này cũng khó mà đoán chắc là ông ta đùa hay cảm động thực?
Trưởng lão ngẩng lên nhìn ông ta, và mỉm cười nói:
– Chính ông cũng biết từ lâu là phải làm gì, ông có đủ trí khôn: đừng say sưa rượu chè và đừng nói năng không dè lời, đừng ham mê sắc dục, nhất là đừng hám tiền, hãy đóng cửa các quán rượu của ông, nếu không đóng cửa hết được thì ít ra cũng hai – ba cái. Mà cái chính, điều căn cốt nhất là đừng nói dối.
– Tức là về chuyện Didero chứ gì?
– Không phải về chuyện Didero. Cái chính là đừng tự dối mình. Kẻ tự dối mình và nghe lời dối trá ấy thường đi đến chỗ không phân biệt được sự thật ở bản thân mình và xung quanh nữa, thế là họ, không còn tôn trọng cả bản thân mình và người khác. Một khi không tôn trọng ai thì cũng không còn yêu ai nữa, không còn tình yêu, họ dấn mình vào những đam mê và những thú vui thô lậu để khỏi trống rỗng và để giải trí, dần dần với những thói xấu của mình, họ rơi xuống hàng súc vật, tất cả là vì họ luôn luôn dối người và dối mình. Kẻ dối mình là kẻ dễ oán giận trước tiên.
Bởi vì oán giận đôi khi cũng rất dễ chịu, phải không? Có người biết rằng không ai xúc phạm mình, rằng xúc phạm là do y bịa đặt ra và vẽ vời thêm, tự y phóng đại lên cho thành chuyện, y bám lấy một lời nói và biến hạt đậu thành quả núi – chính y biết thế, nhưng y vẫn cứ là người trước nhất oán giận, oán giận đến độ thích thú, đến mức cảm thấy hết sức khoái trá và vì vậy đi đến chỗ oán thù thật sự… Nhưng ông đứng dậy, ngồi lên ghế đi, tôi khẩn cầu ông đấy, bởi vì tất cả những trò đó cũng là điệu bộ giả dối…
– Hỡi người đầy ơn phúc! Xin đưa tay cho tôi hôn. Chính thế, chính thế, oán giận thật là điều thích thú. Cha nói hay quá, tôi chưa từng nghe ai nói như thế. Chính thế, đúng là suốt đời tôi vẫn hay oán giận đến độ thích thú, oán giận do nhu cầu thẩm mỹ, bởi vì bị xúc phạm chẳng những thích thú, mà đôi khi còn đẹp đẽ nữa; – đây là điều thầy quên, thưa trưởng lão cao cả; đẹp đẽ! Điều này tôi sẽ ghi vào sổ tay! Còn nói dối thì dứt khoát là suốt đời tôi đã nói dối, hàng ngày hàng giờ. Tôi đích thực là sự dối trá và là cha của sự dối trá! Nhưng có lẽ tôi không phải là cha của sự dối trá, tôi cứ luôn luôn lẫn lộn, tôi là con của sự dối trá, thế cũng đủ rồi. Có điều… Thưa thầy, đấng thiên thần của tôi… đôi khi cũng có thể kể chuyện bịa về Didero! Didero không làm hại ai, nhưng có những lời có thể làm hại. Thưa trưởng lão cao cả, tiện đây xin thưa, có một điều tôi quên mất, đã hơn hai năm nay tôi quyết ý đến đây hỏi một chuyện, đến đây hỏi cho rõ thực hư, nhưng xin thầy bảo Petr Alecxandrovich đừng có ngắt lời tôi. Tôi xin hỏi: thưa Đức Cha cao cả, có phải là trong Treti- Minei (10) có kể câu chuyện một vị thánh có phép thần thông bị hành hạ vì việc đạo, cuối cùng ông ta bị chặt đầu, ông ta đứng dậy, nâng đầu mình lên và “nhã nhặn hôn cái đầu”, ông ta giữ nó trong tay, đi một lúc lâu và “nhã nhặn hôn nó”. Có phải thế không, thưa các Cha chính trực?
– Không, không đúng. – Trưởng lão nói.
– Trong tất cả các Treti-minei không có chuyện nào như thế cả ông nói về vị thánh nào, sách có viết như thế ư? – Cha thủ thư hỏi.
– Thánh nào tôi không biết. Tôi chẳng rõ nữa. Tôi bị đánh lừa. Tôi nghe người ta kể. Cha có biết ai kể không? Chính ông Petr Alecxandrovich Miuxov đây này, ông ấy ban nãy đã nổi cáu về chuyện Didero, vậy mà chính ông ấy kể chứ ai.
– Tôi không bao giờ kể chuyện ấy với ông, tôi chẳng nói chuyện với ông bao giờ cả.
– Đúng thế ông không kể với tôi; nhưng ông kể trong một cuộc vui trong đó có tôi, hơn ba năm nay rồi. Tôi nhắc đến nó vì câu chuyện buồn cười của ông đã làm lung lay đức tin của tôi, ông Petr Alecxandrovich ạ. Ông không biết, chứ tôi trở về nhà mà lòng tin lung lay và từ đó tôi ngày càng lảo đảo hơn. Đúng, ông Petr Alecxandrovich ạ, ông là nguyên nhân gây ra sự sa ngã lớn lao! Đây không còn là chuyện Didero nữa!
Fedor Pavlovich nổi nóng một cách bi thiết, tuy mọi người thấy rõ mười mươi là ông ta lại đóng kịch. Nhưng Miuxov vẫn bị châm đau.
– Vô lý quá, toàn là chuyện vô lý. – Ông ta làu bàu. – Có lẽ hồi nào tôi có nói thực đấy… nhưng không nói với ông.
Chính tôi cũng nghe lại. Tôi nghe chuyện đó ở Paris, một người Pháp nói rằng đâu như ở nước ta người ta đọc đoạn ấy trong Treti-minei vào buổi lễ… ông ta là người rất thông thái, chuyên nghiên cứu về thống kê của nước Nga… đã từng ở Nga lâu… Bản thân tôi không đọc Treti-minei… và sẽ không đọc… Thiếu gì chuyện người ta vui miệng nói trong bữa ăn?… Lúc ấy là trong bữa ăn…
– Vâng, các ông ăn, còn tôi thì mất đức tin! – Fedor Pavloviơ nhại.
– Tôi bận tâm gì đến đức tin của ông! – Miuxov toan quát lên, nhưng ông bỗng nén được, chỉ nói bằng giọng khinh miệt. – Đúng là ông bôi bẩn tất cả những gì ông chạm vào.
Trưởng lão đột nhiên đứng dậy.
– Xin lỗi các vị, tôi vắng mặt chỉ một lát thôi. – Trưởng lão nói với khách. – Người ta đợi tôi từ trước khi các vị đến kia.
Còn ông dù sao cũng đừng nói dối. – Gương mặt vui vẻ, Cha nói thêm với Fedor Pavlovich.
Trưởng lão ra khỏi phòng, Aliosa và người tập tu đâm bổ theo để đỡ Cha xuống thềm. Aliosa nghẹt thở, anh vui sướng được rời khỏi nơi đây, nhưng còn vui sướng vì thầy không bực bội và vẫn vui vẻ.
Trưởng lão ra hành lang để ban phước cho những người đang chờ mình. Nhưng Fedor Pavlovich vẫn cứ giữ được Cha lại ở cửa.
– Người đầy ơn phúc! – ông ta kêu lên giọng chứa chan tình cảm, – cho phép tôi hôn tay Cha lần nữa! Với Cha thì vẫn còn nói chuyện được, có thể sống được! Cha tưởng rằng xưa nay tôi vẫn nói dối và làm hề như thế sao? Trình Cha, vừa nãy là tôi xem có thể sống với Cha được không. Xem sự khiêm nhường của tôi có chỗ đứng bên cạnh sự kiêu hãnh của Cha không. Tôi xin cấp cho Cha tấm bằng khen: có thể sống với Cha được! Còn bây giờ tôi không nói nữa, tôi sẽ im lặng suốt. Bây giờ đến lượt ông nói, Petr Alecxandrovich, bây giờ ông là nhân vật chủ chốt ở đây… trong mười phút.
Chú thích
(1) Phái ly giáo xuất hiện ở Nga vào giữa thế kỷ XVII; nó là trào lưu chống lại cuộc cải cách của giáo chủ Nikon (1605-1681)
(2) Tiếng Latin: Đức Mẹ đau xót
(3) Ixpravnic – cảnh sát hương thôn thời Nga hoàng (N.D).
(4) E.F. Napravnic (1839-1916) – nhà soạn nhạc và là người chỉ huy dàn nhạc opera Peterburg
(5) Tiếng Nga “siokotlivi” nghĩa đen là “có máu buồn”, nghĩa bóng là “dễ chạm nọc” (N.D)
(6) Nguyên văn tiếng Nga “iurodivưi”, chỉ thầy tu khổ hạnh điên hoặc giả vờ điên, có tài tiên tri (N.D).
(7) Didero Đen (1713-1784), nhà văn, nhà triết học duy vật người Pháp
(8) Đức Giáo chủ ở Moskva (1737-1812) (N.D).
(9) Dascova Ekaterina Romanovna (1743-1810) là phụ tá thân cận của Ekaterina II trong cuộc đảo chính cung đình năm 1762. Dưới thời Ekaterina, bà đã từng là Chủ tịch Viện Hàn lâm Nga, đã gặp Didero.
Pochomkin Grigori Alecxandrovich (1739- 1791), nhà quân sự và chính khách Nga, súng thần của Ekaterina (N.D)
(10) Treti-minei (tiếng Hy Lạp là menaia, có nghĩa là hàng tháng) – bộ sách của nhà thờ có sự tích các thánh theo thứ tự các ngày tưởng niệm, những bài hát lễ, những lời răn dậy, những chuẩn tắc, những bài cầu nguyện cho từng ngày trong tháng và cho cả năm, bộ sách này xuất hiện vào thế kỷ XII (N.D).