Quả là anh không có thời gian. Ngay từ lúc chia tay với Liza, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc anh: phải bày ra một kế gì hết sức ranh mãnh để chộp được anh Dmitri ngay bây giờ, rõ ràng là anh ấy lẩn tránh anh. Không còn sớm sủa gì nữa, đã hơn hai giờ chiều rồi. Aliosa nóng lòng muốn trở lại tu viện với “đấng vĩ đại” sắp qua đời của mình, nhưng nhu cầu gặp Dmitri lấn át tất cả: trong óc Aliosa, cứ mỗi giờ qua anh càng tin chắc rằng một đại họa khủng khiếp không sao tránh khỏi sắp xảy ra. Đại họa gì và lúc này anh muốn nói gì với anh Dmitri, có lẽ không nói rõ được. “Cho dù ân nhân của ta qua đời mà không có ta ở đấy cũng không sao, nhưng ta không đến nỗi suốt đời tự trách mình rằng đáng lẽ ta có thể cứu được anh ấy mà không cứu; ta đã bỏ qua, vội vã về nhà. Ta làm như thế là tuân theo lời dạy bảo vĩ đại của thầy…”.
Kế hoạch của anh là rình chộp Dmitri một cách bất thình lình: trèo qua hàng rào vào vườn như hôm qua và ẩn trong cái chòi hóng mát ấy. “Nếu như anh ấy không có ở đấy, – Aliosa nghĩ – thì ta không nói gì với Foma cũng như với những người trong nhà, ta sẽ náu mình trong chòi và đợi, cho dù là đến chiều. Nếu như anh ấy vẫn rình Grusenka thì rất có thể là anh ấy sẽ vào chòi…”. Tuy nhiên, Aliosa không suy tính quá nhiều về kế hoạch, mà anh quyết định thực hiện, cho dù hôm nay anh không về được tu viện…
Mọi việc diễn ra không có trở ngại gì: anh trèo qua hàng rào gần như ở chỗ hôm qua, và kín đáo lẻn vào chòi. Anh không muốn để ai nhận thấy: cả bà chủ nhà, cả Foma (nếu anh ta hiện ở đây) có thể hùa với anh Dmitri và theo lệnh anh ấy, vì vậy sẽ không cho Aliosa vào, hay kịp thời báo trước cho Dmitri biết có người đang tìm anh và hỏi dò về anh. Trong chòi không có ai. Aliosa ngồi vào chỗ hôm qua của mình và chờ đợi. Anh nhìn một lượt cái chòi hóng mát, không hiểu sao anh thấy nó cũ nát hơn hôm qua nhiều, lần này anh cảm thấy nó thảm hại quá. Tuy nhiên, hôm nay trời cũng sáng sủa như hôm qua. Trên mặt chiếc bàn màu lục có in một vệt tròn, hẳn là dấu vết của ly rượu cognac sánh ra ngoài. Nhưng ý nghĩ vẩn vơ len vào óc Aliosa bao giờ mà chẳng thể, khi người ta phải chờ đợi đến phát chán: chẳng hạn tại sao khi đến đây anh lại ngồi đúng vào chỗ anh đã ngồi, chứ không phải chỗ nào khác?
Cuối cùng anh rất buồn, buồn và lo vì không biết rõ gì hết. Nhưng anh ngồi chưa được mười lăm phút thì đột nhiên, ở đâu đây rất gần có tiếng đàn ghi ta. Có ai ngồi đây hay chỉ vừa đến ngồi ở đấy, cách anh khoảng hai chục bước là cùng, đâu đó trong đám bụi cây. Aliosa chợt nhớ lại rằng hôm qua, lúc ở trong chòi đi ra, anh thoáng thấy ở trước mặt, phía bên trái, gần bờ rào một chiếc ghế băng cũ kỹ, màu lục giữa đám bụi cây. Vậy ra bây giờ có người đến ngồi đấy. Ai vậy?
Bỗng một giọng nam cao ngọt ngào cất tiếng hát, có tiếng đàn ghi ta đệm theo.
Với nàng hai chữ sắt son
Nguyện đời phù hộ cho con với nàng
với con hai chữ đá vàng
Nguyện trời phù hộ cho nàng với con
Nguyện trời phù hộ cho nàng với con
Nguyện trời phù hộ cho nàng với con
Tiếng hát ngừng lại. Một giọng nam cao của kẻ tôi đòi và lối hát uốn éo kiểu tôi đòi. Một giọng khác, giọng nữ, bỗng thốt lên âu yếm và dường như rụt rè, nhưng rất điệu: “Sao lâu lắm anh không đến chơi, anh Pavel Fedorovich? Anh khinh chúng tôi thế?”
– Đâu có, – tiếng đàn ông trả lời, tuy lễ độ, nhưng trước hết là với giọng đường bệ đanh thép, kiên gan. Rõ ràng người đàn ông ở thế hơn, còn người phụ nữ thì cầu cạnh.
– Người đàn ông hình như là Xmerdiakov. – Aliosa nghĩ, – ít ra nghe tiếng nói thì biết, còn người phụ nữ chắc là con gái bà chủ nhà này, cái cô ở Moskva về, có bộ áo đuôi dài và vẫn đến xin súp Agafia Ignatievna…”
– Tôi thích thơ lắm, nếu như vần điệu hay. – tiếng phụ nữ nói. – Sao anh không hát tiếp đi?
Người kia đáp lại:
Với tôi vương miện huy hoàng
Là đây xuân sắc của nàng bên tôi
Nguyện đời che chở lứa đôi
Rủ ban phước hạnh cho tôi với nàng
Rủ ban phước hạnh cho tôi với nàng
– Lần trước nghe hay hơn. – tiếng phụ nữ nói. – Anh hát về vương miện: “Là đây xuân sắc người tình bên tôi”. Nghe âu yếm hơn, chắc là hôm nay anh quên mất.
– Thơ với thẩn là cái trò vớ vẩn. – Xmerdiakov xẵng giọng.
– Ồ không, tôi rất thích thơ.
– Thơ thẩn đích thị là trò dớ dẩn. Cô thử nghĩ xem: trên đời có ai nói có vần được không? Nếu như tất cả chúng ta đều có vần điệu, cho dù là theo lệnh cấp trên đi nữa, thì liệu có thể nói được gì nhiều nào? Thơ không thiết thực, Maria Kondratievna ạ.
– Sao mà anh thông minh thế, sao chuyện gì anh chẳng hiểu hết vậy? – tiếng người phụ nữ càng có chiều tình tứ hơn.
– Tôi còn có thể thành đạt hơn nữa, còn có thể biết nhiều hơn nữa nếu như số tôi không đen đủi từ tấm bé. Không thế thì tôi đã thích đấu súng và giết chết cái thằng đã bảo tôi là kẻ hèn mạt vì tôi là đứa con không bố của Xmerdiasaia, ở Moskva người ta đã đập vào mặt tôi như thế, ấy là do Grigori Vaxilievich mà người ta kháo nhau như thế về tôi. Grigori Vaxilievich trách tôi, căm ghét việc tôi sinh ra đời, bác ấy bảo: “Mày làm mẹ mày đau xé ruột”.
Ừ thì cứ cho là thế đi, nhưng tôi cho rằng thà cứ giết tôi đi trong bụng mẹ để tôi đừng có mặt trên đời còn hơn. Ở chợ người ta nói đã đành, mà ngay cả mẹ cô cũng hết sức thiếu tế nhị kể với tôi rằng mẹ tôi tóc rối bù bê bết từng mảnh trên đầu, cao chỉ hai arsin “có rư”. “Có rư” là cái quái gì, sao không thể nói một cách bình thường là “già hai arsin một chút”, như mọi người vẫn nói? Nghe mà muốn ứa nước mắt, nước mắt mugich ấy mà, nếu có thể nói như vậy, muốn thống thiết nói ra những tình cảm mugich. Liệu gã mugich Nga có thể có tình căm thù ghét người có học không? Gã mugich vô học, vì vậy chẳng thể có tình cảm gì cả. Ngay từ tấm bé, cứ nghe thấy tiếng “có rư”, là tôi muốn lao đầu vào tường. Tôi căm thù cả nước Nga, Maria Kondratievna ạ.
– Nếu anh là học sinh sĩ quan hay một người lính khinh kỵ trẻ tuổi thì chắc anh sẽ không nói thế, mà sẽ tuốt gươm ra bảo vệ cả nước Nga.
– Nhưng tôi không muốn làm khinh kỵ, Maria Kondratievna ạ, trái lại tôi muốn giải ngũ hết lính tráng.
– Thế thì kẻ thù đến, ai sẽ bảo vệ chúng ta?
– Chẳng cần bảo vệ gì hết. Năm mười hai đã xảy ra cuộc xâm lăng lớn vào Nga của hoàng đế Pháp Napoléon đệ nhất, cha của vua Pháp hiện nay, và giá như hồi ấy người Pháp chinh phục được chúng ta thì thật là hay: một dân tộc thông minh sẽ chinh phục được một dân tộc rất đần độn và sát nhập nó với mình. Như vậy thì sẽ có một nền trật tự hoàn toàn khác.
– Thế thì ra họ hơn người của chúng ta à? Tôi thì tôi không đổi một chàng trai sang trọng của chúng ta lấy ba chàng trai người Anh đâu. – Maria Kondratievna thốt lên với giọng trìu mến, hắn là lúc này, nói những lời ấy, mắt cô nàng thẫn thờ.
– Chuyện yêu thích thì mỗi người mỗi khác.
– Anh cứ hệt như người ngoại quốc ấy, như một người ngoại quốc cao quý nhất, tôi nuốt thẹn mà nói với anh điều đó.
– Nếu cô muốn biết thì xin nói rằng về sự truỵ lạc thì cả bọn họ và người của chúng ta đều giống nhau. Toàn bọn lừa bịp cả, những người nước ngoài dù đi ủng bóng loáng, còn tên hèn mạt của ta thì sống trong bần cùng, bốc mùi hôi hám và không thấy như vậy có gì là xấu. Dân Nga thì phải cho ăn đòn, hôm qua Fedor Pavlovich nói đúng, tuy lão là thằng điên cùng với con cái lão.
– Nhưng Ivan Fedorovich thì anh kính trọng lắm, chính anh đã nói thế kia mà.
– Khốn nỗi họ coi tôi là một thằng hầu hôi hám. Họ cho rằng tôi có thể nổi loạn; họ nhầm. Nếu tôi có một số tiền kha khá, tôi đã biến khỏi đây từ lâu rồi. Dmitri Fedorovich tồi hơn bất cứ thằng hầu nào cả về phẩm hạnh, cả về trí thệ cũng như sự bần cùng và gã chẳng biết làm gì cả, vậy mà lại được mọi người trọng vọng. Ừ thì tôi chỉ là một kẻ nấu bếp, nhưng nếu gặp may tôi có thể mở một tiệm cà phê kiêm tiệm ăn ở Petrovka tại Moskva. Bởi vì tôi làm món ăn đặt riêng, ở Moskva trừ người ngoại quốc, không đầu bếp nào có thể nấu món ăn đặt riêng, Dmitri Fedorovich là một thằng khố rách áo ôm, vậy mà nếu gã thách con một vị bá tước quyền quý đấu súng, người đó sẽ nhận lời, nhưng gã có gì hơn tôi nào? Gã đần độn hơn tôi nhiều thì có. Gã đã phung phí cơ man nào là tiền mà chẳng được việc gì cả.
– Đấu súng chắc là hay lắm. – Maria Kondratievna bỗng nói.
– Hay cái quái gì?
– Thật là ghê rợn và dũng cảm, đặc biệt nếu hai sĩ quan trẻ tuổi cầm súng ngắn chĩa vào nhau vì một cô gái trẻ nào đó. Một cảnh tượng hấp dẫn. A, giá như người ta cho các cô gái vào xem, tôi muốn xem quá đi thôi.
– Hấp dẫn khi ta chĩa súng vào kẻ khác, còn nếu kẻ khác chĩa súng thẳng vào mặt ta thì ớn lắm. Cô sẽ bỏ chạy. Maria Kondratievna ạ.
– Chẳng lẽ anh cũng sẽ bỏ chạy ư?
Nhưng Xmerdiakov không buồn trả lời. Im lặng một lúc rồi tiếng đàn lại nổi lên và cái giọng kim lại véo von hát nốt khúc cuối:
Ta quyết chí ra đi tìm cuộc sống,
Ồi đô thành xao xuyến mộng phù hoa!
Há để đời tàn tạ mỗi ngày qua?
Liền đó một sự bất ngờ xảy ra: Aliosa bỗng hắt hơi. Ở chỗ chiếc ghế băng lập tức im bặt. Aliosa đứng lên và đi về phía họ.
Đích thị là Xmerdiakov, diện thật bảnh, tóc chải sáp bóng mượt và gần như quăn, giầy bóng loáng: Chiếc ghi ta đặt trên ghế băng. Người phụ nữ là Maria Kondratievna, con gái chủ nhà; cô ta mặc chiếc áo dài màu xanh nhạt, đuôi áo dài hai arsin; cô gái còn khá trẻ và coi cũng được, nhưng mặt tròn quá và nhiều tàn nhang đến đáng sợ.
– Anh Dmitri tôi sắp về rồi chứ? – Aliosa hỏi. – cố giữ giọng thật bình tĩnh.
Xmerdiakov chậm chạp rời ghế đứng lên, Maria Kondratievna cũng đứng lên.
– Tôi làm sao biết được cậu Dmitri đi về lúc nào, tôi là người canh giữ cậu ấy chắc? – Xmerdiakov khẽ đáp rành từng tiếng với vẻ khinh miệt.
– Tôi chỉ hỏi anh có biết không. – Aliosa giải thích.
– Tôi chẳng biết cậu ấy ở đâu và cũng không muốn biết.
– Vậy mà anh tôi nói với tôi rằng anh vẫn báo cho anh ấy biết mọi chuyện xảy ra ở trong nhà và hứa rằng khi nào Agrafena Alecxandrovna lại đây thì sẽ báo cho anh ấy.
Xmerdiakov chậm rãi ngước mắt nhìn Aliosa một cách điềm nhiên.
– Nhưng vừa rồi cậu làm thế nào vào được đây, cổng cài then kỹ lưỡng rồi kia mà? – Gã vừa hỏi vừa nhìn Aliosa chằm chằm.
– Từ ngoài ngõ tôi vượt rào vào thẳng trong chòi. Mong cô thứ lỗi, anh nói với Maria Kondratievna, – tôi cần tìm anh ấy thật gấp.
– Ôi cha, chúng tôi đâu dám phiền trách cậu, – Maria Kondratievna thích thú vì lời xin lỗi của Aliosa, nói dài giọng, – bởi vì chính cậu Dmitri Fedorovich cũng vẫn vào bằng cách ấy, chúng tôi chưa ai biết thì cậu đã ở trong chòi này rồi.
– Bây giờ tôi đang lùng tìm anh ấy, tôi rất muốn gặp anh ấy hay muốn cô cho biết anh ấy hiện ở đâu. Cô hãy tin tôi, có một việc cực kỳ quan trọng đối với anh ấy.
– Cậu ấy thường không nói với chúng tôi cậu ấy đi đâu. – Maria Kondratievna ấp úng.
– Nhà này với tôi là chỗ quen biết nên tôi mới đến đây, – Xmerdiakov lại lên tiếng, – thế mà ngay ở đây cậu ấy cũng cứ dồn ép tôi, luôn luôn vặn hỏi về ông nhà: ở nhà ra sao, ai đến ai đi, tôi có thể báo cho cậu ấy điều gì khác nữa không. Hai lần thậm chí cậu ấy dọa giết tôi.
– Giết là thế nào? – Aliosa ngạc nhiên.
Với cậu ấy thì chuyện đó có đáng gì, tính nết cậu ấy như thế kia mà, hôm qua chính cậu cũng thấy đấy. Cậu ấy bảo nếu tôi để cho cô Agrafena Alecxandrovna vào và ngủ đêm ở đấy thì tôi là kẻ mất mạng trước tiên. Tôi sợ cậu ấy lắm, chứ nếu không thì hẳn là tôi phải đi trình nhà chức trách. Có mà trời biết cậu ấy có thể gây ra chuyện gì.
– Mới rồi cậu ấy bảo anh Xmerdiakov: “Tao sẽ cho mày vào cối giã nát ra”. – Maria Kondratievna nói thêm.
– Nếu anh ấy nói là cho vào cối giã thì có lẽ chỉ là dọa chơi thế thôi,- Aliosa đáp. – Nếu tôi gặp được anh ấy bây giờ, tôi sẽ khuyên anh ấy cho…
– Tôi chỉ có thể cho cậu biết điều này thôi, – Xmerdiakov dường như chợt quyết định sau một lúc suy nghĩ. – Đôi khi tôi đến đây vì là chỗ hàng xóm xưa nay mà, sao lại không lui tới kia chứ. Mặt khác, sáng sớm hôm nay, Ivan Fedorovich sai tôi đến nhà cậu Dmitri ở phố Ozero, nhắn miệng bảo cậu ấy thế nào cũng đến tiệm ở quảng trường cùng ăn bữa trưa. Tôi đến, nhưng cậu Dmitri Fedorovich không có nhà, lúc ấy là tám giờ. “Ban nãy cậu ấy có về đây, nhưng đi rồi” – người cho thuê nhà báo tôi đúng như vậy. Hình như họ dặn nhau như thế. Bây giờ có lẽ cậu ấy đang ngồi ở tiệm với cậu Ivan Fedorovich bởi vì cậu Ivan không về nhà ăn trưa, ông Fedor Pavlovich đã ăn một mình cách đây một giờ và bây giờ đã đi nằm. Nhưng tôi khẩn khoản xin cậu đừng nói gì với cậu ấy về tôi và về việc tôi tiết lộ với cậu, vì cậu ấy sẽ giết tôi chỉ vì một chuyện không đâu.
– Anh Ivan hẹn anh Mitia đến tiệm ăn hôm nay à? – Aliosa nói nhanh, hỏi lại.
– Vâng, đúng thế.
– Ở tiệm “Thủ đô” trên quảng trường phải không?
– Chính đó.
– Rất có thể! – Aliosa kêu lên, hết sức xúc động. – Cảm ơn anh, Xmerdiakov, tin này rất quan trọng, tôi sẽ đến đấy ngay.
– Cậu đừng lộ ra là tôi nói nhé. – Xmerdiakov nói với theo.
– Ồ không, tôi vô tình tạt vào tiệm thôi, cứ yên tâm.
– Cậu đi đâu thế, để tôi mở cửa rào cho cậu. – Maria Kondratievna nói to.
– Không, lối này gần hơn, tôi lại vượt qua rào thôi.
Tin ấy làm Aliosa bàng hoàng. Anh đâm bổ đến tiệm ăn. Mặc áo thầy tu vào tiệm thì bất tiện, nhưng hỏi thăm ở cầu thang và nhờ gọi họ ra thì được. Nhưng anh vừa đến tiệm thì một cánh cửa sổ bỗng mở ra và chính anh Ivan từ cửa sổ gọi anh:
– Aliosa, chú lên đây với tôi ngay bây giờ được chứ? Tôi cảm ơn chú lắm đấy.
– Được chứ ạ, nhưng em không biết mặc như thế này mà vào thì có tiện không.
– Tôi ngồi phòng riêng mà, chú cứ lên thềm, tôi chạy xuống đón đây…
Lát sau Alecxei đã ngồi bên anh. Ivan ăn một mình ở đây.