Vậy là Mitia ngồi ngơ ngác nhìn những người có mặt, chẳng hiểu người ta nói gì với mình, bỗng chàng đứng dậy, giơ hai tay lên trời và gào to:
– Tôi vô tội! Tôi vô tội về vụ đổ máu ấy! Tôi không làm đổ máu cha tôi… Tôi muốn giết ông, nhưng tôi không cần tội giết cha! Không phải tôi!
Nhưng chàng vừa gào lên được mấy câu đó thì Grusenka từ sau rèm nhào ra và sụp xuống chân cảnh sát trưởng.
– Chính là tôi, là tôi, kẻ đáng nguyền rủa, lỗi tại tôi! – Nàng gào lên bằng giọng xé lòng xé ruột, nước mắt chan hoà, giơ hai tay về phía mọi người. – Chính tôi mà anh ấy giết! Chính tôi đã làm khổ anh ấy và đẩy anh ấy đến nước ấy!
Tôi đã làm khổ cả ông già tội nghiệp đã thiệt mạng, do sự độc ác của tôi, tôi đã gây nên nông nỗi ấy! Tôi có tội, tôi là kẻ đầu têu, tôi là thủ phạm chính!
– Đúng mày có tội! Mày là thủ phạm chính! Mày là đứa cuồng bạo, mày là con dâm đãng, mày là hung thủ chính. – Cảnh sát trưởng quát lên, giơ tay hăm doạ nàng, nhưng người ta nhanh chóng và kiên quyết kìm ông ta lại. Ông biện lý thậm chí ôm lấy ông ta.
– Như vậy thì mất hết trật tự, ông Mikhail Makarovich, – ông biện lý kêu lên, – ông gây trở ngại cho cuộc điều tra… làm hỏng việc… – ông ta gần như ngạt thở.
– Phải có biện pháp, phải có biện pháp, phải có biện pháp! – Cả Nikolai Parfenovich cũng sôi sục lên. – Không thì dứt khoát không thể làm gì được cả!…
– Các ông hãy xét xử cả hai chúng tôi đi! – Grusenka tiếp tục kêu lên như điên như dại, vẫn quỳ gối. – Hãy hành hình cả hai chúng tôi, bây giờ dù có phải chịu tử hình tôi cũng cùng đi với anh ấy!
– Grusenka, cuộc sống của anh, bầu máu của anh, nữ thánh của anh! – Mitia quỳ xuống cạnh nàng và ôm ghì lấy nàng – Đừng tin cô ấy! – Chàng thét lên. – Cô ấy chẳng có tội gì cả, chẳng dính líu gì đến máu đổ ra, hoàn toàn vô can!
Sau này chàng nhớ rằng mấy người đã giằng chàng ra khỏi nàng, đưa nàng ra ngoài, khi Mitia định thần lại thì thấy mình đã ngồi bên bàn. Đứng bên cạnh và phía sau chàng là mấy người có đeo thẻ kim loại. Đối diện với chàng, phía bên kia bàn, ngồi trên đi văng là viên dự thẩm Nikolai Parfenovich. Ông ta không ngớt khuyên chàng uống chút nước trong chiếc cốc để trên bàn: “Uống đi, nó sẽ làm ông tỉnh táo, sẽ làm ông bình tâm lại, ông đừng sợ, đừng lo!”, – ông ta nói thêm một cách hết sức nhã nhặn. Mitia nhớ rằng đột nhiên chàng bỗng hết sức để ý đến mấy chiếc nhẫn lớn, một chiếc nạm ngọc tím, chiếc kia nạm ngọc vàng chói, trong suốt óng ánh tuyệt đẹp. Mãi sau này chàng còn ngạc nhiên nhớ lại rằng những chiếc nhẫn ấy thu hút luồng mắt chàng không sao cưỡng lại được suốt mấy tiếng hỏi cung đáng sợ ấy, thành thử chẳng rõ vì sao chàng không thể rời mắt khỏi chúng và quên chúng đi như một vật hoàn toàn không thích hợp với cảnh ngộ của chàng. Ngồi ở phía bên trái Mitia, chỗ mà chập tối Maximov đã ngồi, bây giờ là ông biện lý còn phía bên tay phải Mitia, chỗ trước đây của Grusenka, bây giờ là một gã trẻ tuổi má hồng, mặc chiếc vét tông kiểu áo đi săn đã cũ nát, trước mặt gã là lọ mực và tờ giấy. Đấy là gã lục sự của ông dự thẩm mà ông ta đã đem theo đến đây. Cảnh sát trưởng bây giờ đứng bên cửa sổ ở đầu kia phòng, bên Kanganov, anh ta cũng ngồi trên chiếc ghế gần cửa sổ.
– Ông uống chút nước đi! – Viên dự thẩm nhắc lại một cách mềm mỏng đến lần thứ mười.
– Tôi uống rồi, thưa các ông, uống rồi… nhưng… sao kia, các ông cứ đè bẹp tôi đi, hành hình tôi đi, quyết định số phận tôi đi! – Mitia la lên, mắt trợn trừng, bất động nhìn xoáy vào viên dự thẩm.
– Như vậy ông nhất quyết rằng ông vô can về cái chết của cha ông, cụ Fedor Pavlovich, phải không? – Viên dự thẩm hỏi bằng giọng mềm mỏng, nhưng kiên gan.
– Vô can! Tôi có tội làm đổ máu người khác, máu một ông già khác nhưng không phải máu bố tôi. Tôi khóc thương ông già! Tôi đã giết chết ông già, giết chết, đánh gục… Nhưng thật khốn khổ nếu vì thế mà bị buộc tội về một vụ đổ máu khác, một vụ đổ máu ghê rợn mà tôi không liên can gì… Sự buộc tội ghê sợ, thưa các ông, như búa tạ choang vào trán! Nhưng kẻ nào giết bố tôi, kẻ nào giết? Kẻ nào có thể giết, nếu không phải là tôi? Phép lạ, điều vô lý, không thể có được!…
– Đúng kẻ có thể giết là… – Viên dự thẩm lên tiếng, nhưng biện lý Ippolit Kirinlovich (phó biện lý, nhưng để cho gọn, chúng tôi gọi ông là biện lý), đưa mắt trao đổi với viên dự thẩm, rồi nói với Mitia.
– Ông lo ngại vô ích về lão gia nhân Grigori Vaxilievich. Ông nên biết lão vẫn còn sống, đã tỉnh lại, và mặc dù bị ông đánh trọng thương, theo lời khai của lão và của ông bây giờ, nhưng lão chắc chắn sẽ sống, ít ra là theo ý kiến của bác sĩ.
– Vẫn sống? Thế là lão vẫn sống! – Mitia bỗng la lên, đập hai tay vào nhau. Gương mặt chàng rạng rỡ hẳn lên. – Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã làm phép lạ cứu giúp con, một kẻ tội lỗi và gian ác, thể theo lời cầu nguyện của con!… Vâng, vâng, đúng là theo lời cầu nguyện của tôi, tôi đã cầu nguyện suốt đêm!… – Chàng làm dấu thánh ba lần. Chàng gần như ngạt thở.
– Thì chính lão Grigori ấy đã khai với chúng tôi những điều hết sức nghiêm trọng về ông… – Viên biện lý nói tiếp, nhưng Mitia bật dậy ngay khỏi bàn.
– Xin một phút thưa các ông, vì Chúa xin cho tôi một phút thôi; tôi sẽ chạy đến gặp nàng để xin lỗi!
– Lúc này thì không thể được! – Nikolai Parfenovich gần như rít lên và cũng đứng phắt dậy. Mấy người đeo thẻ kim loại trên ngực ôm ghì lấy Mitia, nhưng tự chàng cũng ngồi xuống ghế…
– Thưa các ông, thật tiếc quá! Tôi muốn gặp nàng chỉ một lát thôi tôi muốn báo cho nàng biết máu đó đã được rửa sạch, máu đó suốt đêm qua đã giày vò trái tim tôi, bây giờ tôi không phải là kẻ giết người! Thưa các ông, nàng là vợ chưa cưới của tôi mà! – Chàng bỗng thốt lên bằng giọng hoan hỉ và sùng kính, đưa mắt nhìn tất cả mọi người. – Ôi, tôi cảm ơn các ông! Ôi, chỉ trong khoảnh khắc các ông đã làm tôi sống lại, đã hồi sinh cho tôi! Ông già ấy đã từng bế ẵm tôi, thưa các ông, đã tắm cho tôi trong chậu, khi tôi là đứa bé lên ba, bị mọi người ruồng bỏ, ông già ấy là cha đẻ của tôi…
– Như vậy là ông… – Viên dự thẩm lên tiếng.
– Thưa các ông, xin cho tôi một phút nữa. – Mitia ngắt lời, chống hai khuỷu tay lên bàn, hai tay bưng mặt. – Cho tôi nghỉ một chút, cho tôi nghỉ sức, thưa các ông. Tất cả những chuyện đó làm tôi bàng hoàng, choáng người, con người dù sao cũng không phải là tấm da mặt trống, thưa các ông.
– Ông nên uống thêm chút nước nữa đi… – Nikolai Parfenovich lại nói nhỏ.
Mitia bỏ tay ra và phá lên cười. Ánh mắt chàng hào hứng, chàng dường như đổi khác hẳn trong khoảnh khắc.
Phong thái của chàng cũng khác hẳn: chàng lại ngồi như một người bình đẳng với tất cả những người này, những người quen trước kia của chàng, như thể tất cả bọn họ họp mặt nhau vào buổi tối trong một nhóm thượng lưu nào đó, khi chưa có chuyện gì xảy ra. Nhân tiện xin nói thêm rằng Mitia vẫn được tiếp đón niềm nở ở nhà ông cảnh sát trưởng hồi ông mới đến vùng chúng tôi, nhưng về sau, đặc biệt tháng gần đây, Mitia hầu như không đến ông ta, còn cảnh sát trưởng, khi gặp chàng ngoài dường chẳng hạn thì mặt cau mày có, chỉ ngẩng đầu chào giữ lễ, Mitia rất để ý đến điều đó. Với viên biện lý thì chàng chỉ quen sơ, nhưng với bà vợ ông ta, một người nóng nảy và kỳ quái, thỉnh thoảng chàng vẫn đến thăm một cách hết sức tôn kính, mà chàng cũng chẳng biết chàng đến thăm bà ta để làm gì, bà ta bao giờ cũng tiếp chàng rất mực dịu dàng, không hiểu sao vẫn quan tâm đến chàng cho tới thời gian gần đây.
Viên dự thẩm thì chàng chưa kịp làm quen, nhưng đã gặp ông ta và thậm chí nói chuyện với ông ta một vài lần, cả hai lần đều tán về phụ nữ.
– Thưa ông Nikolai Parfenovich, cứ theo sự nhìn nhận của tôi thì ông là một vị dự thẩm rất tài tình, – Mitia bỗng cất tiếng cười vui vẻ bây giờ tôi sẽ giúp ông. Ôi, thưa các ông, tôi đã được hồi sinh… và xin các ông đừng chấp nếu tôi xử sự với các ông tự nhiên và thẳng thắn như thế. Với lại tôi hơi say, tôi nói thành thật với các ông đấy. Hình như tôi đã có hân hạnh… hân hạnh được gặp ông Nikolai Parfenovich tại nhà ông Miuxov người họ hàng của tôi… Thưa các ông, thưa các ông, tôi không dám tự coi là ngang bằng với các ông, tôi hiểu tôi đang ngồi trước mặt các ông với tư cách gì. Tôi đang phải chịu… nếu như Grigori đã khai cho tôi thì tôi phải chịu, ôi cố nhiên tôi phải chịu một sự nghi ngờ ghê gớm! Khủng khiếp, khủng khiếp, tôi hiểu điều đó! Nhưng ta đi vào việc thôi, thưa các ông, tôi sẵn sàng, và bây giờ ta sẽ làm xong trong nháy mắt, bởi vì, hãy nghe tôi, hãy nghe tôi, thưa các ông. Bởi vì tôi biết rằng tôi vô tội thì tất nhiên chúng ta sẽ xong trong nháy mắt! Phải thế không, phải thế không ạ?
Mitia nói nhanh và nhiều lời, nóng nảy, thổ lộ nỗi lòng, dường như coi những người nghe mình nói dứt khoát là những người bạn tốt của chàng.
– Vậy tạm thời, chúng tôi sẽ ghi rằng ông một mực bác bỏ điều buộc tội ông. – Nikolai Parfenovich nói bằng giọng nghiêm trang, quay về phía viên lục sự, nhỏ giọng đọc cho y viết.
– Ghi biên bản à? Các ông muốn ghi lại à? Được thôi, ghi đi, tôi đồng ý, tôi hoàn toàn đồng ý, thưa các ông…
Nhưng các ông thấy đấy… Hãy khoan, ghi thế này: “Hắn phạm tội hành hung, đánh trọng thương một ông già tội nghiệp, về việc này hắn có tội”. Với lại trong thâm tâm, tự đáy lòng tôi, tôi thấy mình có tội nhưng điều này không nên ghi, – chàng bỗng quay về phía viên lực sự, – đấy là đời tư của tôi, thưa các ông, điều đó không liên can đến các ông, đấy là nỗi lòng sâu kín… Nhưng về việc giết ông già thì tôi vô can! Đấy là một ý nghĩ mọi rợ! Đấy là ý nghĩ hoàn toàn mọi rợ… Tôi sẽ chứng minh với các ông, và các ông sẽ thấy ngay. Các ông sẽ cười, thưa các ông, chính các ông sẽ cười sự tình nghi của các ông…
– Hãy bình tĩnh lại, ông Dmitri Fedorovich. – Viên dự thẩm nhắc, rõ ràng muốn dùng sự bình tĩnh của mình chế ngự anh chàng bị kích động cực độ. – Trước khi tiếp tục cuộc hỏi cung, tôi muốn được nghe ông xác nhận, miễn là ông bằng lòng trả lời tôi xác nhận một sự thực là ông không ưa ông già Fedor Pavlovich đã quá cố, ông với ông già thường xuyên xích mích về chuyện gì đó… Tại đây, ít ra là mười lăm phút trước, hình như ông có buột miệng nói rằng ông muốn giết ông già: “Tôi không giết! – ông đã kêu lên, – nhưng tôi muốn giết!”
– Tôi kêu lên như thế à? Ồ, có thể lắm, thưa các ông! Vâng, khốn khổ, tôi muốn giết ông già, nhiều lần tôi muốn giết… khốn khổ thay, khốn khổ thay
– Ông có ý muốn… Ông có bằng lòng giải thích cho chúng tôi biết duyên cớ gì mà ông căm thù người thân sinh ra ông đến thế không?
– Giải thích cái quái gì, thưa các ông! – Mitia bực tức nhún vai, gằm mặt xuống. – Tôi không hề che giấu tình cảm của tôi, cả thành phố biết điều đó, tất cả những ai đến quán rượu đều biết. Mới đây ở tu viện, trong phòng của trưởng lão Zoxima tôi đã nói ra điều đó… Ngay hôm ấy, buổi tối, tôi đã đánh và suýt đánh chết ông già tôi và tôi đã thề sẽ còn đến nữa và sẽ giết ông, có những người chứng kiến… Ôi, cả nghìn người chứng kiến! Tôi gào ầm lên suốt cả tháng, cả bàn dân thiên hạ đều chứng kiến! Sự việc có thực, sự việc nói lên, gào lên, nhưng tình cảm, thưa các ông, tình cảm lại là chuyện khác. Các ông ạ, – Mitia cau mày, – tôi cho rằng về tình cảm thì các ông không có quyền hỏi tôi. Mặc dù các ông có quyền lực, tôi hiểu, nhưng đấy là việc của tôi, đấy là chuyện tâm tình riêng tư của tôi, nhưng… bởi vì trước đây tôi không che giấu tình cảm của tôi… chẳng hạn trong quán rượu, tôi đã nói với đủ mọi người, thì… thì bây giờ tôi cũng sẽ không giữ bí mật. Thưa các ông, các ông thấy đấy, tôi hiểu rằng trong trường hợp này có những chứng cứ ghê gớm buộc tội tôi: tôi đã nói với tất cả mọi người rằng tôi sẽ giết ông già, thế rồi bỗng nhiên ông ấy bị giết, như vậy thì tôi lâm vào cảnh ngộ như thế nào? Ha – ha! Tôi thứ lỗi cho các ông đấy, hoàn toàn bỏ qua cho các ông. Chính tôi cũng sửng sốt vô cùng, bởi vì nói cho cùng thì trong trường hợp này ai có thể giết ông già, nếu không phải là tôi! Có phải thế không? Nếu không phải tôi thì ai, còn ai nữa? Thưa các ông, – chàng bỗng kêu lên – tôi muốn biết, thậm chí tôi đòi hỏi cho tôi biết: ông già bị giết ở đâu? Bị giết như thế nào, bằng cái gì và như thế nào? Nói cho tôi biết đi. – Chàng hỏi nhanh, đưa mắt nhìn viên biện lý và viên dự thẩm.
– Chúng tôi tìm thấy ông già nằm ngửa trên sàn, trong phòng của ông, đầu bị đập bể.
– Ghê rợn quá, thưa các ông! – Mitia bỗng giật mình và chống khuỷu tay lên bàn, tay phải che mặt.
– Chúng ta sẽ tiếp tục. – Nikolai Parfenovich ngắt lời. – Vậy thì hồi ấy điều gì khiến ông căm thù ông già. Hình như ông công khai nói là vì ghen tuông phải không?
– Vâng, vì ghen tuông, và không phải chỉ vì ghen tuông.
– Cãi cọ về tiền nữa phải không?
– Vâng đúng, cả về tiền nữa.
– Hình như cãi cọ về ba ngàn rúp tiền thừa kế mà ông già còn thiếu ông phải không?
– Ba ngàn là thế nào! Nhiều hơn, nhiều hơn nữa kia – Mitia sừng sộ, – hơn sáu ngàn, có lẽ hơn mười ngàn. Tôi đã nói với tất cả mọi người, tôi đã làm toáng lên với tất cả mọi người. Nhưng tôi đã quyết định, đúng như thế, bằng lòng với ba ngàn rúp. Tôi cần đến mức cấp bách ba ngàn rúp ấy… thành thử cái gói ba ngàn rúp mà tôi biết là ông ta giấu dưới đệm, để tặng cho Grusenka, tôi dứt khoát cho rằng đấy là tiền đánh cắp của tôi, thế đấy các ông ạ, dù sao nó cũng là sở hữu của tôi…
Viên biện lý trao đổi một cái nhìn có ý nghĩa với viên dự thẩm và nháy mắt với ông ta mà không ai nhận thấy.
– Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này, – viên dự thẩm nói ngay, – bây giờ ông cho phép chúng tôi ghi nhận điểm đó: ông coi số tiền để trong phong bì ấy là tiền của ông.
– Cứ viết đi, thưa các ông, tôi hiểu rằng đấy lại là thêm một chứng cứ buộc tội tôi, nhưng tôi không sợ và chính tôi nói ra điều buộc tội tôi. Các ông nghe thấy đấy, chính tôi nói ra! Các ông thấy đó, hình như các ông nhìn nhận tôi là một kẻ khác hẳn với con người thật hiện tại của tôi. – Chàng bỗng nói thêm bằng giọng ảo não. – Người đang nói với các ông đây là một người cao quý, một nhân vật hết sức cao quý, mà cái chính là, – xin các ông đừng bỏ quên điều này, – tôi là kẻ đã làm vô số điều đê mạt, nhưng trước kia cũng như hiện nay vẫn là một người hết sức cao quý, một người mà trong thâm tâm, trong đáy lòng, ờ, tóm lại là tôi không biết diễn tả thế nào… Chính vì vậy mà tôi đau khố suốt đời, đau khổ vì khát khao sự cao quý, có thể nói là đau khổ vì sự cao quý, tôi là kẻ mang chiếc đèn lồng đi tìm nó như Diogien vậy, vậy mà suốt đời tôi chỉ làm những điều xấu xa, cũng như tất cả chúng ta, thưa các ông… nghĩa là chỉ có một mình tôi thôi, thưa các ông, không phải tất cả, mà chỉ có tôi thôi tôi nhầm, chỉ có tôi thế thôi, một mình tôi thôi… Thưa các ông, tôi đau đầu, – chàng nhăn mặt đau khổ, – các ông thấy đấy, tôi không ưa cái dáng ngoài của ông ta, nó có cái gì bất lương, huênh hoang, giày xéo lên tất cả những gì thiêng liêng, nhạo báng và vô đạo, kinh tởm, kinh tởm! Nhưng bây giờ, ông ta chết rồi thì tôi nghĩ khác.
– Nghĩ khác là thế nào?
– Không khác, nhưng tôi lấy làm tiếc rằng tôi đã căm thù ông già như thế.
– Ông ân hận à?
– Không, không phải là ân hận, đừng ghi như thế. Bản thân tôi không hay hớm gì, thưa các ông, thế đấy, bản thân tôi chẳng đẹp đẽ gì lắm, vì thế tôi không có quyền coi ông ấy là gớm guốc, thế đấy! Xin các ông cứ ghi như vậy.
Nói đoạn, Mitia bỗng có vẻ buồn bã lạ thường. Đã từ lâu, trong lúc trả lời viên dự thẩm, mỗi lúc chàng càng ảo não hơn.
Bỗng nhiên, đúng lúc ấy lại xảy ra một cánh tượng bất ngờ. Số là ban nãy người ta đã đưa Grusenka đi nơi khác, nhưng đưa đi không xa lắm, chỉ sang căn phòng thứ ba kể từ căn phòng xanh nơi đang hỏi cung Mitia. Đấy là một căn phòng nhỏ có một cửa sổ, liền sau căn phòng lớn mà hồi đêm người ta đã nhảy múa và ăn uống linh đình.
Nàng ngồi đấy một mình, cùng ở đấy với nàng chỉ có Maximov, ông ta kinh hoàng, khiếp sợ, cứ bám lấy nàng, như thể tìm sự cứu vớt ở đâu đó xung quanh nàng. Đứng ở cửa ra vào phòng này là một nông dân ngực đeo tấm thẻ kim loại. Grusenka khóc, và bỗng nhiên khi nỗi đau xót đã trở nên quá sức chịu đựng, nàng bật dậy, vung hai tay, gào váng lên: “Đau xót cho tôi, đau xót biết bao!” và lao ra khỏi phòng, chạy đến với Mitia của mình, hành động của nàng bất ngờ đến nỗi không ai kịp ngăn lại. Còn Mitia, nghe thấy tiếng gào của nàng, chàng giật mình, bật dậy, la lên và lao như tên bắn đến gặp nàng, dường như không còn biết gì nữa. Nhưng người ta lại không để cho họ xáp lại với nhau, tuy họ đã nhìn thấy nhau. Người ta giữ chặt tay chàng: chàng chống cự, vùng ra, phải ba – bốn người mới giữ được chàng. Người ta cũng giữ lấy nàng, Mitia thấy nàng gào thét giơ hai tay về phía chàng khi bị họ lôi đi.
Khi việc đã yên, chàng lại thấy mình ngồi ở chỗ cũ, bên bàn, đối diện với viên dự thẩm, và chàng quát lên với ông ta:
– Ông cần gì ở nàng? Ông làm khổ nàng để làm gì? Nàng vô tội, nàng vô tội!…
Viên biện lý và viên dự thẩm cố nói cho chàng yên tâm. Phải mất một thời gian, chừng mười phút; cuối cùng Mikhail Makarovich vội vã bước vào, vẻ xúc động, nói to với viên biện lý:
– Chúng tôi đã đưa cô ấy đi, cô ấy ở dưới nhà, thưa các ông, các ông cho phép tôi nói với con người khốn khổ này một lời thôi chứ ạ? Nói trước mặt các ông, trước mặt các ông!
– Xin mời, ông Mikhail Makarovich! – Viên dự thẩm trả lời, – trong trường hợp này chúng tôi không hề ngăn cản.
– Dmitri Fedorovich, anh nghe đây. – Mikhail Makarovich nói với Mitia, và khuôn mặt xúc động của ông ta thể hiện tình thương đầm ấm như tình cha con đối với kẻ bất hạnh này. – Tôi đã đích thân đưa cô Agrafena Alecxandrovna của anh xuống dưới nhà và giao cho mấy cô con gái chủ nhà, bây giờ ông già Maximov luôn luôn ở bên cô ta, và tôi đã khuyên nhủ được cô ta, anh nghe thấy chứ? Tôi đã khuyên nhủ cho cô ấy yên tâm, bảo cho cô ấy hiểu rằng anh cần phải tự bào chữa, vì vậy cô ấy đừng gây trở ngại cho anh, đừng làm anh buồn phiền, nếu không anh có thể rối trí và khai không đúng sự thật về anh, anh hiểu chứ? Tóm lại, cô ấy đã hiểu những điều tôi nói. Anh bạn ạ, cô ấy là người thông minh, tốt bụng, cô ấy đã toan hôn tay tôi, cầu xin tôi giúp anh. Chính cô ấy nhờ tôi đến đây nói với anh rằng anh cứ yên tâm về cô ấy, và anh bạn thân mến ạ, tôi cần đến nói lại với cô ấy rằng anh đã bình tĩnh và yên tâm về cô ấy. Vậy anh hãy bình tâm, anh nên hiểu điều đó. Tôi có lỗi với cô ấy, cô ấy là một tâm hồn Cơ Đốc giáo, vâng, thưa các ông, một người dịu hiền và hoàn toàn vô tội. Vậy phải nói với cô ấy như thế nào, anh Dmitri Fedorovich, anh có bình tĩnh hay không?
Ông già tốt bụng đã nói nhiều điều không cần thiết, nhưng nỗi đau xót của Grusenka, nỗi đau xót mang tình người đã làm cảm động tấm lòng tốt của ông ta, thậm chí ông ta rưng rưng nước mắt. Mitia đứng phắt dậy và chạy đến chỗ ông ta:
– Xin các ông thứ lỗi, xin phép các ông! – Chàng kêu lên. – Ông là một thiên thần, một thiên thần, ông Mikhail Makarovich, xin vì nàng mà tạ ơn ông! Tôi sẽ bình tĩnh, tôi sẽ vui vẻ, vì tấm lòng tốt vô biên của ông, xin ông nói lại hộ với nàng rằng tôi vui vẻ vui vẻ thậm chí bây giờ tôi sẽ cười, vì biết rằng nàng có ông là thần hộ mệnh. Tôi sẽ làm xong mọi việc ngay bây giờ và hễ được giải thoát là tôi sẽ đến với nàng ngay, nàng sẽ gặp tôi, hãy cứ đợi! Thưa các ông, – chàng bỗng quay về phía viên biện lý và viên dự thẩm, – bây giờ tôi sẽ phơi bày hết tâm hồn với các ông, tôi sẽ thổ lộ hết, chúng ta sẽ xong việc ngay tức khắc, kết thúc một cách vui vẻ, rốt cuộc chúng ta sẽ cười vui, sẽ cười chứ? Nhưng, thưa các ông, người phụ nữ ấy là bà hoàng của tâm hồn tôi! Ôi cho phép tôi nói điều đó, điều đó tôi xin thú thật với các ông… Vì tôi thấy rằng tôi đang nói với những người hết sức cao thượng: đấy là ánh sáng, đấy là điều thiêng liêng của tôi, giá mà các ông biết được! Các ông đã nghe thấy nàng kêu lên: “dù có chịu tử hình với anh em cũng cam lòng!”. Còn tôi, tôi đã đem lại cho nàng cái tội gì mà nàng yêu tôi như thế, tôi là một tên súc sinh vụng dại, nhục nhã, tôi có xứng với một tình yêu như thế không, có xứng để nàng cùng tôi đi tù khổ sai không? Để van xin cho tôi mà ban nãy nàng quỳ sụp xuống chân các ông, nàng là con người kiêu hãnh và chẳng có tội tình gì! Làm sao tôi có thể không tôn thờ nàng, không gào lên, lao đầu đến với nàng như ban nãy? Ôi, xin các ông thứ lỗi cho tôi! Nhưng bây giờ thì tôi được an ủi rồi!
Chàng gieo phịch xuống ghế, hai tay bưng mặt, oà khóc nức nở. Nhưng đấy là nước mắt hạnh phúc. Chàng sực tỉnh lại ngay tức khắc. Ông già cảnh sát trưởng rất hài lòng, và hình như mấy ông nhân viên pháp ly cũng vậy: họ cảm thấy cuộc hỏi cung bây giờ sẽ bước vào một giai đoạn mới. Cảnh sát trưởng ra rồi, Mitia trở nên vui vẻ.
– Nào, thưa các ông, bây giờ tôi thuộc quyền các ông, hoàn toàn thuộc quyền các ông… và nếu như không có tất cả những chuyện vặt vãnh ấy thì chúng ta sẽ thoả thuận được với nhau ngay thôi mà. Tôi lại nói đến những điều vặt vãnh rồi. Tôi thuộc quyền các ông, nhưng tôi cam đoan với các ông là giữa chúng ta phải có sự tin cậy lẫn nhau – tôi tin các ông và các ông tin tôi, – không thì chẳng bao giờ chúng ta có thể chấm dứt được. Tôi nói thế là vì các ông đấy. Ta vào việc đi, thưa các ông, ta vào việc thôi, cần nhất là các ông đừng bới móc tâm hồn tôi, đừng đem những chuyện vặt vãnh mà giày vò nó, hãy chỉ hỏi về vụ việc và sự kiện thôi, và tôi sẽ thoả mãn yêu cầu của các ông ngay.
Vứt quách những cái vặt vãnh đi!
Mitia kêu lên như thế. Cuộc thẩm vấn lại bắt đầu.