Nhưng Kolia đã chẳng buồn nghe nữa. Rốt cuộc nó đã có thể rời khỏi nhà. Ra khỏi cổng, nó nhìn xung quanh, nhún vai thốt lên: “Rét gớm!”, rồi đi thẳng trên đường phố, sau đó rẽ bên phải, theo một ngõ hẹp ra chợ. Gần đến một ngôi nhà ở khu chợ, nó dừng lại cạnh cổng, rút trong túi ra chiếc còi và thổi thật lực, như thể làm hiệu. Nó đợi không quá một phút, từ trong cửa rào một thằng bé nhẩy ra, thằng bé má hồng hào, trạc mười một tuổi, cũng mặc chiếc măng tô ấm, sạch sẽ, thậm chí bảnh bao. Đấy là thằng Xmurov, học lớp dự bị (Kolia Kraxotkin học trên nó hai lớp) con một viên chức phong lưu, hình như cha mẹ không cho phép nó chơi với Kraxotkin vì cho rằng Kraxotkin là thằng nghịch ngợm bạt mạng, bởi thế rõ ràng bây giờ nó lén ra gặp bạn. Chắc độc giả vẫn nhớ Xmurov là một đứa trong nhóm trẻ con trai mà hai tuần trước đã ném đá vào Iliusa qua con kênh và đã kể chuyện với Aliosa Karamazov về Iliusa.
– Em chờ anh suốt một giờ, anh Kraxotkin ạ. – Xmurov nói với vẻ kiên quyết, và hai thằng đi về phía khu chợ.
– Tao đến muộn. – Kraxotkin đáp. – Có vẻ vướng mắc. Đi với tao liệu mày có bị ăn đòn không?
– Sao lại thế, em có bị đánh đòn bao giờ đâu. Con Chuông rền cũng đi với anh à?
– Ừ con Chuông rền!
– Anh đem cả nó đến đấy chứ?
– Ừ.
– A, giá là Bọ dừa!
– Làm gì có Bọ dừa. Bọ dừa không còn nữa. Bọ dừa đã biệt tăm.
– Liệu có thể thế này được thì hay, – Xmurov bỗng dừng bước. – Iliusa nói rằng Bọ dừa cũng có bộ lông xù màu xanh xám khói như con Chuông rền, cứ nói đây là Bọ dừa, có thể nó tin chăng?
– Học trò thì đừng nói dối, đấy là điều thứ nhất. Cho dù là vì việc nghĩa đi nữa, đấy là điều thứ hai. Nhất là tao hy vọng rằng ở đấy mày sẽ không hở ra tí gì về việc tao đến.
– Ồ không, em hiểu chứ. Nhưng Chuông rền thì không an ủi được nó. – Xmurov thở dài. – Anh ạ, bố nó, ông đại uý “búi xơ mướpn” có nói với chúng em rằng hôm nay ông mang đến cho nó một con chó con nòi Medolian(1) thực sự mũi đen; ông ấy tưởng rằng làm như thế sẽ an ủi được Iliusa, nhưng chắc gì?
– Thế Iliusa ra sao?
– Ôi, nguy kịch lắm, nguy kịch lắm! Em cho rằng nó lao phổi. Nó vẫn tỉnh táo, chỉ khó thở, thở hổn hển. Hôm vừa rồi nó đòi đỡ nó đi dạo, người ta đi ủng cho nó, nó vừa bước đi đã ngã nhào. Nó nói: “Ồ, ba ơi, con đã bảo với ba rằng ủng của con không đi được mà, đôi ủng vẫn dùng đấy, trước đây đi cũng đã khó rồi mà”. Nó tưởng rằng do đôi ủng mà nó ngã, nhưng chỉ là do nó yếu sức đấy thôi. Nó không sống nổi một tuần nữa đâu. Bác sĩ Gherxenstube vừa đến thăm bệnh. Bây giờ gia đình họ giàu có rồi, họ có nhiều tiền.
– Bọn lừa bịp.
– Ai kia?
Các bác sĩ, tất cả bọn nhân viên y tế khốn kiếp nói chung, và tất nhiên là nói riêng nữa. Tao phủ nhận y học. Thứ đồ vô dụng. Tao nghiên cứu hết cả rồi. Nhưng sao chúng mày lại đa cảm vậy? Chúng mày kéo cả lớp đến thì phải?
– Không phải cả lớp, mà chỉ mươi đứa thôi, ngày nào cũng đến. Thế cũng tốt chứ.
– Tao ngạc nhiên về vai trò của Alecxei Karamazov trong chuyện này: ngày mai hay ngày kia anh ruột anh ta bị ra toà về một tội như thế, vậy mà anh ta có thời giờ để cùng chúng mày diễn cái trò đa cảm!
– Chẳng có gì là đa cảm cả. Bây giờ anh ấy đến dàn hoà với Iliusa đấy thôi.
– Dàn hoà à? Lối nói kỳ cục. Tuy nhiên tao không cho phép ai phân tích hành động của tao.
– Gặp anh, Iliusa sẽ vui mừng lắm đấy? Nó sẽ rất vui mừng được gặp anh! Nó không tưởng tượng rằng anh sẽ đến… Tại sao mãi anh không chịu đến? – Xmurov bỗng thốt lên một cách hăm hở.
– Chú mày ơi, đấy là việc của tao, chứ không phải việc của chú mày. Tao đến là vì tao muốn đến, còn chúng mày bị Alecxei Karamazov lôi đến đây, khác nhau chứ. Làm sao mày biết được, có thể tao đến hoàn toàn không phải để dàn hoà thì sao? Lối nói dớ dẩn.
– Không phải do Karamazov, hoàn toàn không phải do anh ấy. Chúng em tự ý đến đấy chứ, cố nhiên lần đầu đi cùng với Karamazov. Nhưng chẳng có gì là lạ cả, không có gì ngu ngốc. Lúc đầu một đứa đến, rồi đứa nữa. Bố nó thấy chúng em đến thì mừng lắm. Anh biết đấy, Iliusa mà chết thì ông ấy phát điên lên mất. Ông ấy biết là Iliusa sẽ chết.
Còn chúng em hết sức vui mừng vì đã dàn hoà được với Iliusa. Iliusa có hỏi về anh, nhưng không nói thêm gì. Hỏi, rồi im lặng. Bố nó sẽ phát điên lên hoặc treo cổ tự vẫn mất. Trước đây tính ông ấy cũng đã tàng tàng. Anh ạ, ông ấy là một người cao thượng, vì thế mới sinh ra sai lầm. Tất cả là tại cái gã giết cha đã đánh đập ông ấy.
– Dù sao Karamazov vẫn là câu đố bí ẩn đối với tao. Đáng ra tao có thể làm quen với anh ta từ lâu, nhưng có những trường hợp tao thích tỏ ra cao ngạo. Nhưng tao có một nhận định về anh ta, cần kiểm tra thêm và làm sáng tỏ.
Kolia im lặng, vẻ quan trọng; Xmurov cũng thế. Tất nhiên Xmurov tôn sùng Kolia Kraxotkin và không dám có ý coi mình ngang bằng với bạn. Bây giờ Xmurov rất quan tâm vì Kolia nói rằng nó “tự ý” đến, vậy là ở đây nhất định có điều gì bí ẩn khiến Kolia bất thần nảy ra ý định đến đúng vào ngày hôm nay. Hai đứa đi qua khu chợ, ở đây có nhiều xe tải từ nơi khác đến và nhiều gà vịt đem bán. Dưới những mái che các bà nhà hàng ở đây ngồi bán bánh mì tròn, chỉ và các thứ linh tinh. Những buổi họp chợ ngày chủ nhật đông như thế này ở thị trấn chúng tôi người ta gọi là chợ phiên, và có nhiều ngày chợ phiên như thế trong năm. Chuông rền chạy cỡn lên, xem ra hết sức vui vẻ, lúc thì tạt sang phải, lúc thì tạt sang trái, ngón cái này cái nọ. Gặp những con chó khác, chúng đánh hơi lẫn nhau một cách thích thú lạ thường theo môi phép tắc của loài chó.
Tớ thích quan sát thực tế, Xmurov ạ, – Kolia lên tiếng. – Mày có thấy khi chó gặp nhau chúng đánh hơi nhau như thế nào không? Giữa chúng có một quy luật tự nhiên phổ biển gì đó.
– Phải, cũng hơi kỳ cục.
– Không phải là kỳ cục, mày nói không đúng. Trong thiên nhiên không có cái gì là kỳ cục cả, bất kể con người cho là như thế nào do những thành kiến của mình. Nếu như chó có thể suy xét và phê phán thì hẳn là chúng sẽ tìm thấy trong quan hệ xã hội của con người, chủ của chúng, cũng có nhiều cái buồn cười như thế, nếu không phải là nhiều hơn gấp bội, còn nhiều hơn gấp bội nữa kia. Tao nhắc lại điều đó vì tao tin chắc rằng những cái ngu ngốc của chúng ta còn nhiều hơn gấp bội, còn nhiều hơn gấp bội nữa kia. Đấy là ý nghĩ của Rakitin, một ý nghĩ xuất sắc. Tao là người theo chủ nghĩa xã hội, Xmurov ạ.
– Thế nào là người theo chủ nghĩa xã hội? – Xmurov hỏi.
– Ấy là mọi người đều bình đẳng, tài sản là của chung, xoá bỏ hôn nhân, còn tôn giáo và luật thì ai muốn sao tuỳ ý, mọi cái khác cũng thế. Mày chưa đến tuổi hiểu được, còn sớm quá. Chà, lạnh gớm.
– Đúng! Mười hai độ. Ban nãy ba em đã xem nhiệt biểu.
– Mày biết đấy, Xmurov ạ, giữa mùa đông nếu nhiệt độ mười lăm độ, thậm chí mười tám độ, thì xem ra cũng không lạnh bằng bây giờ chẳng hạn, mới đầu mùa đông, bỗng nhiên rét bất ngờ, mười hai độ, mà tuyết cũng mới ít thôi.
Như vậy là người ta vẫn chưa quen, là do thói quen cả, trong mọi việc, kể cả trong quan hệ nhà nước và chính trị.
Thói quen là động lực chính. Nhưng kìa, tay nông dân kia nom buồn cười quá.
Kolia trỏ người nông dân cao lớn, mặc chiếc áo lông, gương mặt hồn hậu, đứng cạnh cỗ xe tải của mình, đập hai tay đeo bao vải vào nhau cho đỡ rét. Bộ râu dài màu vàng sẫm của ông ta sương giá bám trắng xoá.
– Bộ râu của người nông dân kia đóng băng cứng lại rồi! – Kolia nói to, giọng trêu chọc lúc đi qua gần đó.
– Nhiều người râu bị đóng cứng lại. – Người nông dân đáp với vẻ bình tĩnh, trịnh trọng.
– Đừng trêu chọc bác ta. – Xmurov nói.
– Không sao, ông ta không cáu đâu, ông ta là người tốt mà.
– Chào bác Matvei.
– Chào cậu.
– Bác là Matvei?
– Matvei. Thế cậu không biết?
– Không, tôi nói vu vơ thế thôi.
– Quái chưa. Cậu là học trò phải không?
– Học trò.
– Vẫn bị đánh đòn chứ?
– Không nhiều lắm, nhưng cũng có.
– Đánh đau không?
– Đau chứ.
– Đời thật đáng buồn! – Người nông dân thở dài, buồn thật lòng.
– Chào bác Matvei.
– Chào cậu. Cậu thật dễ thương.
Hai thằng tiếp tục đi.
– Tay nông dân này là người tốt. – Kolia nói với Xmurov. – Tao thích nói chuyện với người nông dân và bao giờ cũng vui sướng khi có dịp tỏ ra công bằng với họ.
– Tại sao anh nói dối là chúng ta vẫn bị đánh đòn? – Xmurov hỏi.
– Cần an ủi ông ta.
– Bằng cách nào kia?
– Xmurov ạ, tôi không thích người ta hỏi lại, nếu như nghe lần đầu không hiểu ngay. Có những điều không thể giải thích được. Theo quan niệm của người nông dân, học trò thường bị đòn và cần phải bị đánh đòn: học trò mà không bị đòn thì còn ra cái quái gì nữa? Thế mà tao lại đi bảo bác ta: ở trường chúng tôi học trò không bị đòn thì bác ta sẽ buồn phiền. Nhưng mày không hiểu điều đó đâu. Cần phải biết nói chuyện với người dân.
– Nhưng xin đừng chọc ghẹo họ, không thì lại xảy ra chuyện như chuyện con ngỗng nọ.
– Mày sợ à?
– Anh đừng cười, anh Kolia ạ, quả là em sợ. Ba em sẽ nổi giận ghê gớm. Em bị cấm không được đi với anh.
– Đừng lo, lần này sẽ không xảy ra chuyện gì đâu. Chào chị Natasa.
– Tôi có phải là Natasa đâu, tôi là Marfa. – Chị bán hàng the thé trả lời, chị ta chưa già tí nào.
– Marfa là cái tên hay, chào chị.
– Mày là thằng lỏi ranh, oắt tì mà đã chàng màng!
– Tôi không có thì giờ dây dưa với chị, chủ nhật sau chị sẽ kể những gì chị muốn kể. – Kolia xua tay, như thể chị ta ám nó, chứ không phải nó ám chị ta.
– Chủ nhật tao có gì cần kể lể với mày? Chính mày ám tao, chứ tao dây gì với mày, thằng ranh kia. – Marfa hét lên. – Phải cho mày một trận đòn, mày là cái thằng chuyên đi trêu chọc người ta!
Các bà các cô bày hàng bên cạnh Marfa phá lên cười, bỗng nhiên từ dưới cổng tò vò nhảy ra một người đàn ông cáu kỉnh, nom như một viên tài công của tiệm hàng, chứ không phải thương gia vùng này, mà là người nơi khác đến, y mặc áo kaftan màu xanh dài vạt, đội mũ lưỡi trai, còn trẻ, tóc xoàn màu vàng sẫm, mặt tái nhợt rỗ hoa. Y có vẻ bất bình đần độn, giơ nắm đấm đe doạ Kolia.
– Tao biết mày, – y la lên một cách cáu kỉnh, – tao biết mày!
Kolia chăm chú nhìn y. Nó không sao nhớ được đã có khi nào nó đụng độ với người này. Nhưng nó đã bao nhiêu lần đụng độ trên đường phố, nhớ sao hết được.
– Ngươi biết? – Nó hỏi với giọng mỉa mai.
– Ta biết mi! Ta biết mi! – Y nói như một thằng thộn.
– Càng tốt cho ngươi. Thôi, ta không có thời giờ, chào ngươi!
– Mày giở trò mất dạy hả? – Gã kia quát lên. – Mày lại giở trò mất dạy hả? Tao biết mày! Mày lại giở trò mất dạy chứ gì?
– Này, tao mà có giở trò mất dạy thì cũng không cần gì đến ngươi. – Kolia nói, dừng lại và tiếp tục chăm chú nhìn gã kia.
– Sao lại không cần gì đến tao.
– Ừ, chẳng can gì đến ngươi.
– Thế thì liên can đến ai, đến ai? Đến ai kia chứ?
– Bây giờ thì liên can đến Trifon Nikitich, chứ không liên can đến chú mày.
Trifon Nikitich nào? – Vẻ ngạc nhiên ngây ngô, vẫn nổi nóng, gã trân mắt nhìn Kolia, Kolia nhìn gã từ đầu đến chân với vẻ quan trọng.
– Chú mày đến nhà thờ Thăng thiên phải không? – Kolia bỗng hỏi một cách nghiêm nghị và dai dẳng.
– Nhà thờ Thăng thiên nào? Để làm gì? Không, không đến đấy – Gã trai hơi chưng hửng.
– Chú mày biết Xabaneev chứ? – Kolia nói tiếp, càng dai dẳng và nghiêm nghị hơn.
– Xabaneev nào? Không, ta không biết.
– Thế thì cút xéo đi cho rảnh! Kolia bỗng ngắt lời và quay ngoắt về bên phải, rảo bước đi con đường của mình, như thể khinh không thèm nói với một kẻ ngu độn đến nỗi không biết Xabaneev là ai.
– Này, đứng lại! Xabaneev nào? – Gã trai sực tỉnh, lại hết sức lo lắng, – Nó nói cái gì thế nhỉ? – Gã bỗng quay về phía mấy ả bán hàng, ngơ ngẩn nhìn họ.
Mấy người đàn bà phá lên cười.
– Thằng bé kỳ quặc. – Một ả nói.
– Nó nói Xabaneev nào ấy nhỉ? – Gã trai vung tay phải, vẫn lặp đi lặp lại như điên như cuồng.
– Chắc là Xabaneev làm cho nhà Kuzmitsev, hẳn là thế. – Một ả bỗng đoán ra.
Gã trai ngơ ngẩn trân mắt nhìn ả.
– Kuzmitsev à? – A kia bỗng hỏi lại. – Thế thì sao lại là Trifon được?
– Ông ta là Kuzma, chứ không phải là Trifon nhưng thằng nhỏ gọi tên người ấy là Trifon Nikitich, vậy thì không phải là ông ta.
– Ồ không phải là Trifon, cũng không phải là Xabaneev, đấy là Trijov, – Một ả thứ ba bỗng đỡ lời, từ trước đến giờ ả vẫn im tiếng và nghe một cách nghiêm trang. – ông ta tên là Alecxei Ivanovich Trijov, Alecxei Ivanovich.
– Đích thị là Trijov. – Ả thứ tư một mực xác nhận.
Gã trai sửng sốt, khi thì nhìn ả này, khi dù nhìn ả kia.
– Nhưng nó hỏi để làm gì kia chứ, nó hỏi làm gì kia chứ, hả bà con? – Gã kêu lên, gần như thất vọng. – “Có biết Xabaneev không?”. Có quỷ biết Xabaneev là cái cóc khô gì kia chứ?
– Anh đần quá, người ta bảo: không phải là Xabaneev, mà là Trijov, Alecxei Ivannovich Trijov, thế đấy! – Một ả bán hàng oai nghiêm quát lên với gã.
– Trijov nào? Là người nào kia chứ! Chị biết thì nói đi.
Cái người tóc dài, như cỗ bờm trên đầu, hỏi mùa hè ngồi ở chợ ấy.
– Tôi cóc cần gì Trijov của chị kia chứ, phải không bà con?
– Làm sao tôi biết anh cần Trijov để làm gì. Ai mà biết được anh cần ông ta làm gì. – Một ả khác phụ hoạ. – Chính anh phải biết anh cần gì ông ta thì anh mới gào lên như thế chứ? Thằng bé nói với anh chứ có nói với chúng tôi đâu, anh là con người đần độn. Thế anh không biết thật?
– Biết ai?
– Trijov.
– Quỷ xé xác thằng cha Trijov ấy cùng với chị đi! Tôi sẽ cho thằng ấy một trận đòn. Nó chế nhạo tôi!
– Đánh đòn Trijov ấy à? Hay là ông ta đánh anh một trận? Anh là thằng ngu, thế đấy!
– Không phải Trijov, không phải Trijov, chị là một mụ đàn bà độc ác, có hại, tôi sẽ đánh cho thằng bé một trận, thế đấy! Lôi nó lại đây, đưa nó lại đây, nó đã chế nhạo tôi.
Cánh đàn bà phá lên cười. Còn Kolia đã đi xa, vẻ mặt đắc thắng. Xmurov đi bên cạnh, ngoảnh lại nhìn đám người la hét ở đằng xa. Nó cũng rất vui vẻ, tuy vẫn e sợ vì lại cùng với Kolia dính vào một chuyện rầy rà.
– Anh hỏi hắn ta về Xabaneev nào vậy? – Nó hỏi Kolia, đồng thời cảm thấy trước câu trả lời.
– Làm sao tao biết được? Bây giờ bọn họ sẽ cãi vã om sòm đến chiều. Tao thích chọc tất cả bọn ngu ngốc trong mọi tầng lớp xã hội. Đấy, lại một thằng thộn nữa kìa, gã nông dân nọ. Mày nên biết, người ta vẫn bảo: “Không có kẻ nào đần độn hơn một người Pháp đần độn”, nhưng bộ mặt Nga cũng tự lộ ra ngay. Trên mặt hắn ta có chữ đề hắn ta là thằng ngốc không, gã nông dân ấy?
– Mặc người ta, anh Kolia ạ, ta cứ đi việc ta thôi.
– Tao không mặc kệ đâu, bây giờ tao sẽ bắt đầu. Này, chào bác nông dân!
Người nông dân lực lưỡng chậm rãi đi qua cạnh chúng, và hẳn là đã chếnh choáng say, khuôn mặt tròn chất phác, râu điểm bạc, ngẩng đầu lên nhìn thằng bé.
– Chào cậu, nếu như cậu không đùa bỡn, – Bác ta thong thả trả lời.
– Nếu tôi đùa thì sao? – Kolia bật cười.
– Đùa thì cứ đùa, tuỳ cậu thôi. Chẳng sao, cũng được thôi. Bao giờ cũng có thể bông đùa được.
– Tôi có lỗi, tôi đùa đấy.
– Chúa tha thứ cho cậu.
– Thế bác có tha thứ không?
– Có chứ, cậu đi đi.
– Bác khá lắm, có lẽ bác là một nông dân thông minh.
– Thông minh hơn cậu, – bất ngờ người nông dân trả lời bằng giọng vẫn trang trọng như trước.
– Chưa chắc. – Kolia hời chưng hửng.
– Tôi nói đúng.
– Mà có lẽ thế thật.
– Chính thế đấy, chú em ạ.
– Chào bác.
– Chào cậu.
– Nông dân cũng nhiều loại. – Kolia nói với Xmurov sau một lúc im lặng. – Tao đâu có biết là sẽ gặp một người nông dân thông minh. Tao bao giờ cũng sẵn lòng thừa nhận trí tuệ trong nhân dân.
Xa xa, chuông nhà thờ điểm mười một giờ rưỡi. Hai thằng rảo bước và đoạn đường còn lại khá dài đến nhà đại úy Xneghiriov, chúng đi nhanh và hầu như không nói chuyện. Cách nhà chừng hai mươi bước, Kolia dừng lại, bảo Xmurov vào gọi Karamazov ra cho nó.
– Phải thăm dò qua xem thế nào đã nhé. – Nó dặn Xmurov.
– Cần gì phải gọi ra, – Xmurov toan phản đối, – anh cứ việc vào họ sẽ rất vui mừng được gặp anh. Tội gì phải làm quen nhau ở ngoài trời giá rét?
– Tại sao cần gọi anh ta ra ngoài trời giá rét thế này thì tao biết chứ. – Kolia ngắt lời một cách độc đoán (nó rất thích giở giọng như thế với bọn “trẻ nhỏ”), và Xmurov vâng lệnh chạy đi làm nhiệm vụ.
Chú thích:
(1) loại chó nước Ý rất to, thường dùng làm chó săn – tên bắt nguồn từ Mediolaum – tên Latin của thành Milan (N.D).