Vào chỗ Liza, anh thấy cô nằm ngả trong chiếc ghế bành trước kia người ta dùng để đẩy cô đi hồi cô chưa đi lại được. Cô không nhúc nhích khi anh vào, nhưng cái nhìn tinh tường sắc sảo của cô xoáy vào anh. Mắt hơi tấy đỏ, mặt vàng bủng. Aliosa ngạc nhiên vì mới có ba ngày mà cô thay đổi nhiều quá, thậm chí gầy đi. Cô không chìa tay ra cho anh. Anh chạm nhẹ vào những ngón tay dài thanh mảnh của cô đặt bất động trên áo, rồi lẳng lặng ngồi xuống đối diện với cô.
– Em biết anh vội vào nhà giam. – Liza nói bằng giọng gay gắt, vậy mà mẹ em giữ anh hai tiếng đồng hồ, vừa rồi lại kể với anh chuyện giữa em và Iulia.
– Tại sao cô biết? – Aliosa hỏi.
– Em nghe trộm. Sao anh nhìn em chằm chằm vậy. Em, muốn nghe trộm thì em nghe, chẳng có gì xấu cả. Em không xin tha thứ.
– Cô có điều gì buồn phiền vậy?
– Trái lại, em rất vui sướng. Vừa rồi em lại nghĩ ngợi, đến lần thứ ba mươi rồi: may là em đã không nhận làm vợ anh nữa. Anh không thể làm chồng được nếu em lấy anh rồi nhờ anh mang thư của em đến cho người tình em yêu sau khi lấy anh thì anh sẽ mang thư đi, mà còn mang thư trả lời về nữa kia. Rồi đến năm bốn mươi tuổi, anh sẽ vẫn chuyển những lá thư như vậy của em.
Cô bỗng bật cười.
– Ở cô có cái gì độc ác, đồng thời lại có cái gì hồn nhiên. – Aliosa mỉm cười với cô.
– Hồn nhiên là ở chỗ em không xấu hổ với anh. Chẳng những không xấu hổ, mà còn không muốn hổ thẹn trước mặt anh nữa kia, chính là trước mặt anh! Aliosa ạ, tại sao em không kính trọng anh? Em rất yêu anh, nhưng không kính trọng anh. Nếu như em kính trọng anh thì em đã không nói mà chẳng hề xấu hổ, phải không nào?
– Đúng thế.
– Thế anh có tin rằng em không xấu hổ với anh không?
– Không. Tôi không tin.
Liza lại cười một cách nóng nảy, cô nói nhanh, láu táu:
– Em đã gửi kẹo vào cho anh Dmitri Fedorovich của anh ở nhà giam. Aliosa ạ, anh có biết anh tốt như thế nào không! Em sẽ yêu anh lắm lắm vì anh quá mau mắn cho phép em không yêu anh.
– Vì sao hôm nay cô cho gọi tôi, Liza?
– Em muốn cho anh biết một điều mong muốn của em. Em muốn một người nào sẽ hành hạ em, lấy em, rồi sau hành hạ, lừa dối em, bỏ em và đi xa hẳn. Em không muốn được hạnh phúc!
– Cô yêu thích sự mất trật tự à?
– Vâng, em thích sự mất trật tự. Em vẫn cứ muốn đốt nhà. Em tưởng tượng em sẽ lén đốt nhà, nhất là sẽ đốt vụng lén. Người ta dập lửa, còn nhà vẫn cháy. Em biết, nhưng im lặng. A, thật là dớ dẩn! Và chán ngán biết bao!
Cô ghê tởm vung tay.
– Gia đình cô sống giầu sang. – Aliosa khẽ nói.
– Nghèo khổ thì hơn à?
– Tốt hơn.
– Đấy là ông thầy tu mới chết của anh dạy bảo anh. Điều đó không đúng, cho dù em giàu có, còn mọi người đều nghèo khổ, em sẽ ăn kẹo và kem sữa thì em cũng sẽ không cho ai cả. A, anh đừng nói, đừng nói gì cả. – Cô xua tay, tuy Aliosa không hề mở miệng. – Trước đây anh đã nói tất cả những điều đó với em, em thuộc lòng hết. Chán ngán. Nếu em nghèo, em sẽ giết người, cho dù em giàu, em cũng sẽ giết người, ngồi không làm gì. Mà anh biết không, em muốn gặt hái, gặt lúa. Em sẽ lấy anh, còn anh sẽ trở thành người nông dân, người nông dân thực thụ, chúng ta sẽ có con ngựa con, anh có muốn không? Anh biết Kanganov chứ?
– Biết.
– Anh ấy luôn luôn mơ ước. Anh ấy bảo: thực ra sống để làm gì, mơ ước tốt hơn. Có thể mơ ước điều vui vẻ nhất, còn sống thì tẻ ngắt. Chẳng bao lâu nữa anh ấy sẽ lấy vợ, anh ấy đã tỏ tình với em. Anh biết đánh quay chứ?
– Biết.
– Anh ấy cứ như con quay ấy: thả cho quay và quất, quất thật lực bằng roi: lấy anh ấy thì suốt đời em sẽ phải quất anh ấy quay. Anh có xấu hổ vì ngồi chơi với em không?
– Không.
– Anh bực tức lắm vì em không nói điều thiêng liêng. Em không muốn là thánh. Phạm tội lớn nhất thì ở thế giới bên kia sẽ bị như thế nào? Anh hẳn phải biết chắc điều đó.
– Chúa Trời sẽ phán xử. – Aliosa chăm chú nhìn cô.
– Thì em cũng muốn thế. Em sẽ đến để người ta xử tội em, rồi em sẽ cười vào mặt tất cả bọn họ. Em rất muốn đốt nhà, Aliosa ạ, đốt nhà chúng ta, anh vẫn không tin em phải không?
– Sao lại thế? Có những đứa trẻ mới mười hai tuổi mà đã rất muốn đốt cái gì đó, thế là chúng đốt. Tuồng như một thứ bệnh.
– Không đúng, không đúng, có những đứa trẻ như thế thật, nhưng em không nói chuyện ấy.
– Cô coi cái ác là cái thiện: đấy là sự khủng hoảng giây lát, có lẽ đấy là do bệnh tật trước kia của cô.
– Anh khinh em đến thế kia đấy! Chẳng qua em không muốn làm điều thiện, em muốn làm điều ác, chứ chẳng có bệnh tật gì hết.
– Làm điều ác để làm gì?
– Để cho chẳng ở đâu còn lại cái gì nữa. A, tốt biết bao nếu như chẳng ở đâu còn lại cái gì nữa! Anh Aliosa ạ, đôi khi em định làm thật nhiều điều ác và cực kỳ xấu xa, một thời gian dài em sẽ làm lén lút, thế rồi bỗng nhiên mọi người đều nhận ra. Mọi người sẽ vây quanh em và trỏ vào em, còn em sẽ nhìn tất cả mọi người. Thật là thú vị. Tại sao lại thú vị đến thế, hả Aliosa?
– Thế đấy! Nhu cầu đè ép cái tốt đẹp, hay như cô nói, đốt cháy nó. Đấy là chuyện thường tình.
– Không phải em chỉ nói suông đâu, mà em sẽ làm.
– Tôi tin.
– Ôi anh nói “tôi tin” làm em yêu anh biết bao. Anh có nói dối bao giờ đâu. Có lẽ anh cho rằng em nói thế là cốt để trêu chọc anh phải không?
– Không, tôi nghĩ thế… tuy rằng có lẽ cô cũng có chút nhu cầu trêu chọc.
– Cũng có chút ít. Sẽ không bao giờ em nói dối anh. – Cô nói, mắt lóe lên một đốm lửa gì đó.
Điều khiến Aliosa sửng sốt nhất là thái độ nghiêm chỉnh của cô: bây giờ trên mặt cô không có chút giễu cợt hay bông đùa, tuy trước đây vẻ giễu cợt hay bông đùa không bao giờ rời bỏ cô ngay trong những phút “nghiêm chỉnh” nhất của cô.
– Có những lúc người ta thích phạm tội. – Aliosa trầm ngâm nói.
– Phải, phải! Anh đã nói đúng ý nghĩ của em, người ta thích, mọi người đều thích và bao giờ cũng thích, chứ không phải là “có những phút”. Anh ạ, về điểm này mọi người dường như đã giao hẹn với nhau cùng nói dối và từ đó luôn luôn nói dối. Mọi người đều nói rằng họ ghét cái xấu xa, nhưng trong thâm tâm đều thích nó.
– Thế cô vẫn đọc những sách tồi tệ ấy à?
– Vẫn đọc. Mẹ đọc giấu dưới đệm, em lấy trộm.
– Cô tự làm hư thân mà không biết xấu hổ à?
– Em muốn làm mình hư thân đi. Ở đày có một chú bé đã nằm trên đường ray cho đoàn tàu phóng qua. Một con người – hạnh phúc. Anh nghe đây nhé, bây giờ ông anh anh bị xử tội vì đã giết cha, và mọi người đều lấy làm thích rằng anh ấy đã giết cha.
– Thích là anh ấy đã giết cha?
– Thích chứ, mọi người đều thích. Ai nấy đều nói rằng thật là khủng khiếp, nhưng trong bụng thì rất khoái. Em là người đầu tiên thích thú.
– Lời cô nói về mọi người có một phần sự thật.
– Ồ anh mà lại có ý nghĩ như thế! – Liza hoan hỉ la lên, – anh là một thầy tu kia mà! Anh không thể tin được rằng em kính trọng anh đến thế nào đâu, Aliosa ạ, vì anh không bao giờ nói dối. À, em sẽ kể với anh một giấc chiêm bao kỳ cục của em: đôi khi em mơ thấy quỷ, ban đêm trong phòng em thắp một cây nến, bỗng nhiên có quỷ ở khắp nơi, trong mọi góc phòng, dưới gầm bàn, chúng mở cửa, ngoài cửa cũng có một đám quỷ, chúng muốn vào bắt em.
Chúng đã đến bắt lấy em. Đột nhiên em làm dấu thánh thế là tất cả bọn chúng tháo lui, chúng sợ, nhưng chúng không đi hẳn, mà đứng bên cửa và trong các xó nhà, chờ đợi. Tự nhiên em rất muốn cất tiếng chửi Chúa Trời, thế là em chửa rủa, và bọn chúng lại ùa đến, rất đỗi mừng rỡ, túm lấy em, em lại làm dấu thánh, chúng lại tháo lui hết.
Vui ghê lắm, đến lặng cả người đi.
– Tôi cũng có lần mơ thấy ý như thế. – Aliosa bỗng nói.
– Thật ư? – Liza ngạc nhiên kêu lên. – Này anh Aliosa ơi, anh đừng cười nhé, điều đó hết sức quan trọng; chẳng lẽ hai người khác nhau có cùng một giấc mơ sao?
– Đúng đấy, có thể lắm.
– Aliosa, em nói với anh là điều đó hết sức quan trọng. – Liza nới tiếp, ngạc nhiên quá đỗi. – Điều quan trọng không phải là giấc mơ, mà là giấc mơ của anh hệt như giấc mơ của em. Anh chẳng bao giờ nói dối em, bây giờ cũng thế, phải không? Anh không cười chứ?
– Sự thật là như vậy.
Liza có điều gì sửng sốt ghê gớm và im lặng một lát.
– Aliosa, anh hay đến thăm em, đến thường xuyên hơn nữa. – Cô bỗng thốt lên bằng giọng van vỉ.
– Tôi sẽ đến cô luôn luôn, suốt đời sẽ thường xuyên đến thăm cô – Aliosa trả lời kiên quyết.
– Em chỉ nói với một mình anh thôi đấy. – Liza lại lên tiếng. – Em chỉ tự nói với mình và với anh nữa thôi. Chỉ với một mình anh trong cả thế giới này. Và em thích nói với anh hơn với chính mình. Trước anh, em chẳng thấy xấu hổ chút nào. Aliosa, tại sao trước anh em lại không xấu hổ chút nào nhỉ? Aliosa này, có phải trong lễ “Vượt qua” bọn Do Thái đánh cắp trẻ em và đem cắt cổ không?
– Tôi không biết.
– Em có một quyển sách, em đã đọc về một vụ án ở đâu đó, một tên Do Thái cắt tất cả các ngón tay ở hai bàn tay một em bé bốn tuổi, rồi đóng đanh đứa bé lên tường, sau đó trước tòa y khai rằng đứa bé chết rất chóng vánh, sau bốn tiếng đồng hồ. Rất chóng vánh. Y nói: đứa bé rên xiết, rên rỉ suốt, còn y đứng ngắm nhìn. Thật là hay!
– Hay ư?
– Hay chứ. Đôi khi em nghĩ rằng chính em đóng đinh đứa bé. Nó bị treo và rên la, còn em ngồi trước mặt nó và sẽ uống nước dứa. Em rất thích nước dứa. Anh có thích không?
Aliosa lẳng lặng nhìn Liza. Khuôn mặt vàng ủng của cô bỗng méo đi, mắt rực lên.
– Anh ạ, sau khi đọc truyện về gã Do Thái ấy, suốt đêm em run lên, nước mắt giàn giụa. Em tưởng tượng đứa bé ấy kêu la rên xiết (bốn tuổi thì nó hiểu được rồi) và em không còn nghĩ gì đến nước quả nữa. Buổi sáng em gửi thư cho một người, yêu cầu người ấy thế nào cũng phải đến gặp em. Anh ấy đến, em kể với anh ấy về thằng bé và nước quả, kể hết, tất tật, và em nói rằng “thế là tốt”. Bỗng nhiên anh ấy bật cười và nói rằng việc ấy đúng là tốt. Rồi anh ấy đứng dậy ra về. Anh ấy ngồi chỉ có năm phút. Anh ấy khinh em phải không? Anh nói đi, Aliosa, anh ấy có khinh em không? – Cô vươn thẳng người lên đi văng, mắt long lên.
– Này, – Aliosa nói, vẻ xúc động. – Chính cô tự mời người ấy đến à?
– Chính em.
– Cô gửi thư cho anh ta?
– Gửi thư.
– Chỉ để hỏi về chuyện ấy, về đứa trẻ?
– Không, hoàn toàn không phải về chuyện ấy, không phải thế. Nhưng khi anh ấy đi vào, em nói ngay về chuyện ấy và hỏi. Anh ta trả lời, bật cười và đứng dậy ra về.
– Người đó làm như vậy với cô là ngay thẳng. – Aliosa khẽ nói.
– Thế anh ấy có khinh em không? Có cười em không!
– Không, bởi vì chính anh ấy tin chuyện nước quả. Anh ấy bây giờ cũng đang ốm nặng, Liza ạ.
– Phải, anh ấy tin. – Mắt Liza sáng lóe lên.
– Anh ấy không khinh ai hết. – Aliosa nói tiếp. – Anh ấy chỉ không tin ai thôi. Một khi anh ấy không tin thì cố nhiên không khinh bỉ.
– Vậy là không khinh cả em nữa? Cả em nữa?
– Cả cô nữa.
– Thế thì tốt! – Liza nghiến răng. – Khi anh ấy đi ra và bật cười, em cảm thấy sự khinh bỉ cũng có cái hay. Cả thằng bé bị chặt các ngón tay cũng có cái hay, cả sự khinh bỉ cũng có cái hay…
Cô cười thẳng vào mặt Aliosa một cách ác độc và nóng nảy.
– Này, anh Aliosa ạ, em muốn… Aliosa, cứu em với! – Cô gái bỗng bật dậy khỏi đi văng, lao bổ đến và ôm ghì lấy anh bằng cả hai tay. – Hãy cứu lấy em, – cô hầu như rên rỉ. – Điều em vừa nói với anh, em còn nói với ai trên đời này được kia chứ? Em nói đúng sự thật đấy, đúng sự thật đấy! Em sẽ tự giết mình, bởi vì em ghê tởm mọi thứ trên đời. Em ghê tởm tất cả, ghê tởm hết! Aliosa, tại sao anh chẳng yêu em chút nào.
-Không, anh yêu chứ! – Aliosa trả lời nồng nhiệt.
– Anh sẽ khóc em chứ, sẽ khóc em chứ?
– Sẽ khóc.
– Không phải khóc vì em từ chối, không làm vợ anh, mà chỉ là khóc thôi, khóc cho em thôi chứ!
– Anh sẽ khóc.
– Cảm ơn! Em chỉ cần nước mắt của anh thôi. Tất cả những người khác thì cứ mặc cho họ hành hình em, xéo đạp lên em, tất cả, tất cả không trừ một ai. Vì em chẳng yêu ai cả. Anh nghe chứ, chẳng yêu ai cả. Trái lại, em căm thù!
Anh đi đi. Aliosa, đã đến lúc anh đến thăm ông anh rồi! – Cô đột nhiên bứt khỏi anh.
– Cô ở lại đây một mình thế nào được? – Aliosa thốt lên, gần như sợ hãi.
– Đến thăm anh anh đi, nhà giam đóng cửa mất, đi đi, mũ của anh đây này! Hãy hôn anh Mitia, đi đi, đi đi!
Và cô gái gần như dùng sức đẩy anh ra cửa. Aliosa nhìn cô với vẻ băn khoăn đau xót, anh bỗng cảm thấy trong bàn tay phải của mình một lá thư, lá thư nhỏ bé gấp kỹ và niêm phong. Anh tức thời đọc được địa chỉ: Ivan Fedorovich Karamazov. Anh liếc nhanh nhìn Liza. Mặt cô gần như có vẻ hăm doạ:
– Chuyển hộ nhé, nhất định chuyển đến tay đấy! – Cô ra lệnh bằng giọng hung hăng và toàn thân run lên. – Ngay hôm nay, tức thời! Không thì em sẽ uống thuốc độc tự vẫn đấy! Em mời anh đến cốt là như thế.
Rồi cô đóng sập luôn cửa lại, cài then lách cách. Aliosa bỏ lá thư vào túi và đi thẳng ra cầu thang, không ghé qua chỗ bà Khokhlakova, thậm chí quên hẳn bà. Aliosa vừa đi khỏi, Liza lập tức rút then cài, hé mở cửa, cho một ngón tay vào khe cửa, sập cửa lại, ráng sức kẹp nát ngón tay. Mấy giây sau, rút tay ra, cô nhẹ nhàng, thong thả về chỗ ghế bành của mình, ngồi xuống, vươn thẳng toàn thân, chăm chú nhìn ngón tay tím đen và máu chảy ra từ dưới móng tay. Môi cô run run, và cô nói nhanh, lẩm bẩm một mình.
– Con hèn hạ, hèn hạ, hèn hạ, hèn hạ!