Tuy nhiên Ivan không ngồi phòng riêng. Đấy chỉ là một chỗ bên cửa sổ, ngăn ra bằng những tấm bình phong, những người bên ngoài vẫn không thể nhìn thấy người ngồi sau bình phong.
Đây là phòng đầu, qua đó mới vào các phòng khác, có quầy hàng ở dãy tường bên. Chốc chốc lại có những người hầu bàn chạy đi chạy lại. Khách ở đây chỉ có một ông già, một quân nhân xuất ngũ, ngồi uống trà trong góc phòng.
Nhưng trong các phòng còn lại thì vẫn là cảnh nhộn nhịp huyên náo thường có trong quán ăn tiếng thét gọi, tiếng mở chai bia, tiếng bia dọi vào nhau, tiếng đại phong cầm ồm ồm. Aliosa biết rằng Ivan hầu như không bao giờ đến quán này và nói chung anh không thích đến quán ăn. Như vậy, anh ấy có mặt ở đây, – Aliosa nghĩ, – chỉ để hẹn gặp anh Dmitri. Thế mà ở đây không có Dmitri.
– Tôi sẽ gọi cháo cá hoặc món gì cho chú, chú không thể chỉ sống bằng nước trà được. – Ivan nói như thế, hết sức hài lòng vì đã dụ được Aliosa lên. Bản thân chàng đã ăn xong và đang uống trà.
– Vâng, cho cháo cá, cháo cá xong rồi uống trà, tôi cũng đói ngấu rồi. – Aliosa vui vẻ nói.
– Thế còn mứt anh đào? Ở đây có mứt anh đào. Chú có nhớ thuở bé ở nhà Polenov chú thích mứt anh đào chứ?
– Vậy ra anh vẫn nhớ chuyện ấy à? Thế thì cả mứt nữa, bây giờ tôi cũng vẫn thích.
Ivan lắc chuông gọi hầu bàn và bảo đưa cháo cá, trà và mứt.
– Tôi vẫn nhớ, Aliosa ạ, tôi vẫn nhớ hồi ấy chú mười một tuổi, còn tôi mười lăm. Mười lăm và mười một, chênh nhau tới mức mà ở độ tuổi ấy anh em không bao giờ chơi với nhau. Thậm chí tôi không biết tôi có yêu chú không. Khi tôi ra Moskva, mấy năm đầu thậm chí tôi không nhớ đến chú. Rồi khi chú đến Moskva, hình như chúng ta có gặp nhau một lần ở đâu đó. Bây giờ tôi ở đây đã hơn ba tháng mà anh em ta chưa hề nói chuyện với nhau. Ngày mai tôi ra đi và trong lúc ngồi ở đây tôi nghĩ: làm thế nào gặp được chú ấy để chia tay, vừa hay chú đi ngang qua.
– Anh muốn gặp tôi lắm à?
– Muốn lắm, tôi muốn hiểu rõ chú và để cho chú hiểu rõ tôi. Hiểu nhau rồi thì chia tay. Theo tôi, tốt nhất là hiểu rõ về nhau trước khi chia tay. Tôi thấy suốt ba tháng ấy chú nhìn tôi như thế nào, trong mắt chú luôn luôn có một vẻ chờ đợi gì đó, đấy chính là điều tôi không chịu đựng nổi, vì thế tôi không làm thân với chú. Nhưng cuối cùng tôi đã biết quý trọng chú: một con người vững vàng. Chú nên biết rằng bây giờ tôi cười cợt nhưng tôi nói nghiêm chỉnh đấy.
Chú là người vững vàng, phải không? Tôi yêu những con người vững vàng như vậy, bất kể chỗ đứng của họ như thế nào, cho dù họ còn trẻ măng như chú. Cuối cùng tôi thấy cái nhìn chờ đợi của chú không đáng ghét nữa. Tôi lại rốt cuộc tôi yêu cái nhìn chờ đợi của chú… Hình như chú cũng yêu tôi vì lẽ gì đó, phải không Aliosa?
– Tôi yêu anh, anh Ivan ạ. Anh Dmitri bảo: Ivan là nấm mồ. Còn tôi thì tôi nói: Ivan là câu đố bí ẩn. Ngay bây giờ anh cũng vẫn là câu đố bí ẩn, nhưng tôi đã hiểu được chút gì đó về anh, mà mới từ sáng nay thôi!
– Điều gì vậy? – Ivan bật cười.
– Anh không giận chứ? – Cả Aliosa cũng bật cười.
– Sao nào?
– Tôi khám phá ra rằng anh vẫn trẻ trung như tất cả các chàng trai khác ở tuổi hăm ba, cũng tươi trẻ ngây thơ và dễ thương như thế, hơn nữa lại thực sự là non dại! Sao, điều đó không làm anh bực bội lắm chứ?
– Trái lại, tôi sửng sốt vì sự trùng hợp! – Ivan reo lên một cách vui vẻ và hăm hở. – Chẳng biết chú có tin không, sau cuộc gặp gỡ giữa chúng ta sáng nay ở chỗ cô ấy, tôi chỉ nghĩ về bản thân, về việc tôi hai mươi ba tuổi đầu rồi mà vẫn còn non nớt, vậy mà bây giờ đột nhiên chú đoán trúng và mở đầu chính từ đó. Lúc nãy ngồi đây tôi tự nhủ: cho dù tôi không tin ở cuộc sống nữa, cho dù tôi mất lòng tin vào người phụ nữ mà tôi yêu quý cho dù tôi không tin vào trật tự của thiên nhiên nữa, thậm chí tin chắc rằng tất cả chỉ là một mớ hỗn loạn đáng nguyền rủa, thậm chí là quỷ quái, cho dù tôi kinh hoàng về tất cả nỗi khủng khiếp do sự thất vọng của con người đem lại thì tôi vẫn cứ muốn sống và áp môi vào chén rượu trần ai, không rời khỏi nó cho đến khi uống cạn mới thôi! Tuy nhiên đến ba mươi tuổi chắc là tôi sẽ vứt bỏ nó dù chưa uống hết và sẽ ra đi… cũng chẳng biết là đi đâu. Nhưng cho đến năm ba mươi tuổi, tôi biết chắc là tuổi trẻ của tôi sẽ không hết – mọi nỗi thất vọng, mọi sự chán đời. Tôi tự hỏi nhiều lần: trên đời này có sự tuyệt vọng nào đè nén được niềm ham sống cuồng loạn và có lẽ là bất nhã đó trong tôi được không? Và tôi cả quyết là không có cái gì cả, tức là cho đến năm ba mươi tuổi, còn sau đó thì chính tôi không thiết nữa, tôi cho là như thế. Lòng ham sống đó, một số nhà luân lý nhãi ranh ốm lao cho là ti tiện, đặc biệt là những nhà thơ. Nó phần nào là đặc điểm của dòng họ Karamazov, đấy là sự thật, ham sống bất kể hoàn cảnh nào, ở chú nhất định cũng có cái đó, nhưng sao lại là ti tiện kia chứ? Trên hành tinh chúng ta vẫn còn rất nhiều lực hướng tâm, Aliosa ạ.
Tôi muốn sống, và tôi vẫn đang sống, tuy như vậy là bất chấp logic. Tuy tôi không tin vào trật tự thiên nhiên, nhưng tôi yêu quý những lộc non mùa xuân đang phơi mớ, còn dính nhựa, tôi yêu quý bầu trời xanh, tôi yêu quý con người mà đôi khi, tôi yêu quý kỳ công của con người, mặc dù có lẽ đã từ lâu tôi không tin vào kỳ công, nhưng theo thói quen cũ, tôi vẫn kính trọng trong lòng. Kìa, họ đã mang cháo cá cho chú, chú ăn ngon miệng nhé. Cháo cá tuyệt lắm, họ nấu rất khéo. Tôi muốn sang châu Âu, Aliosa ạ, từ đây ra đi, tôi biết rằng đến đấy tôi sẽ chỉ thấy một nghĩa trang, nhưng là một nghĩa trang thân thiết nhất, thế đấy! Những người quá cố thân thiết yên nghỉ ở đấy, mỗi phiến đá trên mộ họ đều nói lên cuộc đời sôi nổi đã qua, nói lên niềm tin say mê vào kỳ công, vào chân lý, vào cuộc đấu tranh và khoa học của họ, tôi biết trước là tôi sẽ sụp xuồng đất hôn những phiến đá ấy và khóc trên mộ của họ, mặc dù tôi thực lòng tin rằng đã từ lâu đấy chỉ là một nghĩa trang, không có gì hơn. Tôi sẽ khóc không phải vì thất vọng, mà chỉ vì nước mắt nhỏ ra sẽ làm tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ say sưa vì sự cảm kích của mình. Tôi yêu những lộc non mùa xuân đang phơi mở, còn dính nhựa, tôi yêu bầu trời xanh, thế đấy! Trí tuệ, logic không dính dáng gì đến, yêu bằng tâm can, bằng cõi lòng. Tôi nói lảm nhảm như vậy chú có hiểu được gì không, Aliosa? – Ivan bỗng cất tiếng cười.
– Hiểu quá đi chứ, anh Ivan: anh muốn yêu bằng tâm can, bằng cõi lòng, anh nói rất hay, tôi vô cùng vui mừng vì anh muốn sống như thế. – Aliosa kêu lên. – Tôi cho rằng người ta phải yêu cuộc sống hơn hết mọi thứ trên đời.
– Yêu cuộc sống hơn ý nghĩa của cuộc sống chứ?
– Hẳn là thế, yêu trước khi suy lý; như anh nói, nhất định là trước khi suy lý, chỉ khi ấy tôi mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, đã từ lâu tôi cảm thấy như thế. Anh đã làm được một nửa công việc, anh đã có một cái vốn: anh ham sống. Bây giờ cần cố gắng lo nốt nửa kia công việc, như vậy là anh được cứu rỗi.
– A chú tìm cách cứu tôi nhưng có lẽ tôi chưa chết đâu mà! Nửa thứ hai của chú thế nào?
– Làm sống lại những người đã chết của anh, mà có lẽ họ chưa hề chết bao giờ cả. Cho tôi chén trà. Tôi rất mừng là chúng ta nói chuyện với nhau, anh Ivan ạ.
– Tôi thấy chú đang có điều gì hào hứng. Tôi rất thích những professions de foi (1) của những người… tập tu như chú. Chú là người vững vàng, Alecxei ạ. Có thật là chú ra khỏi tu viện không?
– Quả có thế. Trưởng lão bảo tôi trở lại cõi tục.
– Như vậy thì ta sẽ còn gặp nhau trong cõi tục này cho đến năm ba mươi tuổi, khi tôi bắt đầu từ bỏ chén rượu đời.
Ông già nhà mình không muốn rời bỏ chén rượu đời cho đến năm bảy mươi tuổi, thậm chí ông mơ ước đến năm tám mươi, chính ông nói vậy, ông nói điều đó quá nghiêm chỉnh, tuy ông là một tay hề, ông đứng vững trên thói ham mê nhục dục của mình như đứng trên tảng đá… tuy rằng ngoài ba mươi tuổi, thực ra có lẽ không còn chỗ nào đứng chân được nữa, ngoài cái đó ra… Nhưng cố bám đến bảy mươi tuổi thì thật ti tiện, nên đến ba mươi thôi thì hơn: như vậy còn giữ được “cái mẽ cao quý” dù là tự lừa mình. Hôm nay chú không gặp Dmitri à?
– Không, nhưng tôi có gặp Xmerdiakov. – Và Aliosa kể vội vàng nhưng tỉ mỉ với Ivan về cuộc gặp gỡ Xmerdiakov, Ivan đột nhiên có vẻ rất lo ngại khi nghe anh kể, thậm chí còn hỏi lại một số điều.
– Nhưng nó nài nỉ tôi đừng nói với anh Dmitri rằng nó đã cho tôi biết về anh ấy. – Aliosa nói thêm.
Ivan cau mày nghĩ ngợi.
– Anh cau có là vì thằng Xmerdiakov ư? – Aliosa hỏi.
– Phải, vì nó. Quỷ tha ma bắt nó đi, quả là tôi muốn gặp Dmitri thật, nhưng bây giờ thì không cần nữa… – Ivan nói một cách miễn cưỡng.
– Anh sắp ra đi thực ư?
– Ừ!
– Thế chuyện anh Dmitri với ba rồi ra sao? Kết cục sẽ thế nào? – Aliosa lo lắng thốt lên.
– Chú vẫn cứ luẩn quẩn với chuyện ấy! Mà tôi cần gì đến đấy? -Tôi là người canh giữ anh Dmitri chắc? – Ivan cáu kỉnh độp lại, nhưng đột nhiên lại mỉm cười chua chát. – Câu trả lời của Caine(2) với Thượng đế về người em bị giết, phải không? Có lẽ lúc này chú nghĩ đến điều ấy phải không? Nhưng quái quỷ thật, quả thật tôi không thể ở lại để canh giữ hai người ư? Tôi đã làm xong việc của tôi và tôi đi. Chắc chú nghĩ rằng tôi ghen với anh Dmitri và ba tháng qua tôi cố tìm cách phỗng người đẹp Ekaterina Ivanovna của anh ấy. Ồ, quỷ ạ, tôi có việc của tôi. Tôi đã xong việc thì tôi đi. Vừa rồi tôi đã giải quyết xong việc của tôi, chú chứng kiến đấy.
Chuyện vừa rồi ở nhà Ekaterina Ivanovna ấy à?
– Ừ, ở chỗ cô ấy, tôi đã tức thời tự giải thoát. Thế thì đã sao kia chứ? Tôi bận tâm gì đến Dmitri kia chứ. Dmitri không dính dáng gì đến đây. Tôi có việc riêng của tôi với Ekaterina Ivanovna. Tự chú biết đấy, anh Dmitri xử sự như thể anh ấy đồng mưu với tôi. Thực ra tôi tuyệt nhiên không cầu xin gì anh ấy cả, chính anh ấy trịnh trọng nhường lại nàng cho tôi và cầu chúc cho chúng tôi. Thật là tức cười. Không, Aliosa, không, giá như chú biết bây giờ tôi cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào! Tôi ngồi ăn ở đây, và chú có tin không, tôi muốn gọi sâm banh để uống mừng giờ tự do đầu tiên của tôi. Hừ, ngót nửa năm, vậy mà bỗng nhiên trong chốc lát, trong chốc lát rũ bỏ được hết. Thậm chí mới hôm qua thôi tôi đâu có ngờ rằng nếu muốn thì có thể chấm dứt chuyện đó dễ như bỡn!
– Anh nói về tình yêu của mình như thế ư, anh Ivan?
– Tình yêu, nếu chú muốn gọi như thế thì cũng được, tôi đã mê một tiểu thư, một cô sinh viên đại học. Tôi đau khổ vì cô ấy, cô ấy hành hạ tôi. Tôi nát óc vì cô ấy… thế rồi bỗng nhiên tất cả tan biến. Lúc ở đấy tôi nói một cách hào hứng, thế mà khi ra khỏi nhà tôi phá lên cười, chú nên tin tôi. Không, tôi nói hoàn toàn thật đấy.
– Bây giờ anh nói chuyện ấy cũng rất mực vui vẻ. – Aliosa nhận xét, đồng thời chăm chú nhìn khuôn mặt quả thật là đã trở nên vui vẻ của anh.
– Tôi làm sao biết được rằng tôi hoàn toàn không yêu nàng kia chứ? Hề – hề. Vậy mà té ra là không yêu. Nhưng trước đây tôi thích nàng lắm đấy. Thậm chí lúc tôi thuyết lý hùng hồn tôi vẫn thích nàng lắm. Và chú biết không, bây giờ tôi cũng vẫn thích ghê lắm, ấy thế mà tôi bỏ nàng ra đi dễ dàng như vậy. Chú tưởng tôi nói phách phải không?
– Không. Nhưng có lẽ đấy không phải là tình yêu.
– Aliosa, – Ivan bật cười, – đừng có lý sự về tình yêu! Không đẹp cho chú đâu. Lúc ấy chú đột nhiên nói tuột ra, chà – chà! Tôi còn quên không hôn chú về việc ấy… Nàng làm tôi khổ tâm biết bao! Tôi ngồi đấy mà đúng là tan lòng nát ruột. Ôi chao, nàng biết tôi yêu nàng! Nàng yêu tôi chứ không phải là yêu Dmitri, – Ivan vui vẻ nhấn mạnh. – Dmitri chỉ là nỗi đau vò xé của nàng. Tất cả những gì tôi nói với nàng lúc ấy hoàn toàn là thật. Nhưng điều quan trọng nhất là có lẽ phải mười lăm hay hai mươi năm nữa nàng mới hiểu ra rằng nàng không hề yêu Dmitri, mà chỉ yêu tôi thôi, người mà nàng vẫn làm cho khổ sở. Mà có lẽ chẳng bao giờ nàng hiểu ra, mặc dù có bài học hôm nay. Như vậy càng tốt: tôi đã lìa bỏ nàng ra đi mãi mãi. A mà bây giờ nàng thế nào? Có chuyện gì sau khi tôi ra về?
Aliosa kể với anh về việc Ekaterina Ivanovna lên cơn thần kinh và hình như bây giờ vẫn còn bất tỉnh và mê sảng.
– Liệu bà Khokhlakova có nói dối không?
– Hình như không.
– Cần hỏi thăm xem. Tuy nhiên, chưa bao giờ có ai chết vì lên cơn thần kinh. Vả lại cũng tốt thôi. Chúa ban cho phụ nữ món ấy vì yêu họ. Tôi sẽ không đến đấy đâu. Lại đâm đầu đến làm gì.
– Nhưng lúc ấy anh đã nói với nàng là nàng chưa bao giờ yêu anh.
– Tôi cố ý nói thế đấy. Aliosa ạ, tôi sẽ gọi sâm banh, đề uống mừng tự do của tôi. Không, giá như chú biết tôi vui sướng dường nào.
– Không, anh ạ, chúng ta không nên uống thì hơn. – Aliosa nói. – Với lại tôi hơi buồn.
– Phải, chú buồn từ lâu rồi, tôi thấy điều đó từ lâu.
– Thế anh nhất quyết sáng mai đi à?
– Sáng ư? Tôi không nói là buổi sáng… Nhưng có lẽ là sáng. Chú có tin hay không, hôm nay tôi ăn ở đây chỉ là để khỏi phải ăn với ông già, tôi đã sớm ghét ông già đến thế rồi đấy. Nếu chỉ có ông ấy thôi thì tôi đã bỏ đi từ lâu rồi.
Thế làm sao chú lo lắng đến thế về việc tôi sắp ra đi? Từ giờ đến lúc tôi đi, anh em ta còn nhiều thời gian vô kể. Nó là vĩnh cửu, thiên thu bất tận!
– Ngày mai anh đi rồi thì vĩnh cửu cái quái gì?
– Nhưng với anh em ta thì có can gì đâu chứ? – Ivan bật cười. Ta vẫn còn kịp bàn chuyện của chúng ta, chuyện riêng của chúng ta, chúng ta đến đây để làm gì nhỉ? Sao chú lại có vẻ ngạc nhiên vậy? Chú trả lời đi: chúng ta gặp nhau ở đây để làm gì? Để nói về tình yêu với Ekaterina Ivanovna, về ông già và Dmitri à? Về nước ngoài à? Về tinh cảnh nguy ngập của nước Nga à? Về hoàng đế Napoleon à? Phải thế không, có phải vì thế không?
– Không, không phải vì thế.
Thế thì chính chú hiểu là để làm gì. Với người khác thì chẳng nói, chứ chúng ta là những kẻ còn non dại, chúng ta trước hết phải giải quyết những vấn đề muôn thuở, đó là mối bận tâm của chúng ta. Cả nước Nga trẻ tuổi bây giờ chỉ bàn về những vấn đề vĩnh cửu. Chính bây giờ, khi tất cả những người già bỗng dưng đều chú tâm vào những vấn đề thực tế. Vì lẽ gì suốt ba tháng ấy chú cứ nhìn tôi chờ đợi? Để hỏi tôi: “Tín ngưỡng của anh là gì” hay “Anh hoàn toàn không tín ngưỡng?” – Cái nhìn của chú suốt ba tháng trời chung quy lại là như vậy, phải không, Alecxei Fedorovich?
– Có lẽ thế – Aliosa mỉm cười. – Nhưng lúc này anh không cười nhạo tôi đấy chứ?
– Tôi mà cười ấy ư? Tôi không muốn làm rầu lòng người em đã suốt ba tháng trời nhìn tôi trong tâm trạng chờ đợi như thế, Aliosa, hãy nhìn thẳng vào tôi, chính tôi cũng đích thực là chú bé con như chú, chỉ khác cái là tôi không phải là người tập tu. Cho đến giờ những chú bé Nga làm gì? Nghĩa là nói một số người trong bọn họ? Chẳng hạn hãy xét cái quán ăn hôi hám này, họ kéo nhau đến đây, chúi vào một góc. Trước đó họ không hề biết nhau, rồi sau đó, khi rời khỏi nơi này, bốn chục năm nữa họ cũng sẽ không biết nhau, thế thì họ luận bàn cái gì khi chộp được một phút ngắn ngủi ở quán ăn? Họ bàn về những vấn đề vũ trụ: có Chúa Trời không, có linh hồn bất diệt không?
Những người không tin có Chúa Trời thì nói về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô chính phủ, về việc cải tạo toàn nhân loại theo một thể chế mới, như vậy thì sẽ vẫn là trò quỷ mà thôi, vẫn là những vấn đề ấy, nhưng nhìn từ đầu đằng kia. Thời buổi này ở ta có biết bao nhiêu chú thiếu niên Nga xuất sắc nhất chỉ làm mỗi cái việc là luận bàn về những vấn đề vĩnh cửu thôi. Phải thế không?
– Đúng, đối với người Nga chân chính thì vấn đề đầu tiên và trước hết cố nhiên là những vấn đề: có Chúa Trời không và có linh hồn bất diệt không, hay như anh nói, những vấn đề nhìn từ đầu đằng kia, mà thế là phải thôi. – Aliosa nói và vẫn với nụ cười hiền lành và dò xét ấy, nhìn Ivan chằm chằm.
– Này, Aliosa ạ, làm người Nga đôi khi không phải là khôn lắm đâu, nhưng không thể tưởng tượng nổi cái gì ngốc nghếch hơn việc mà lúc này những gã thiếu niên Nga đang bận tâm. Nhưng có một gã thiếu niên Nga mà tôi rất yêu mến.
– Anh dẫn chuyện đến là khéo. – Aliosa bỗng bật cười.
– Này, nói đi, cần bắt đầu từ đâu, ra lệnh đi, từ Chúa Trời ư? Có Chúa Trời hay không chứ gì?
– Tuỳ anh, muốn bắt đầu từ đâu cũng được, cho dù là “từ đầu đằng kia”. Hôm qua ở nhà ba, anh tuyên bố rằng không có Chúa Trời kia mà. – Aliosa nhìn anh với vẻ dò xét.
– Hôm qua trong bữa ăn ở nhà ông già, tôi cố ý nói vậy để trêu chọc chú mà thôi, và tôi thấy mắt chú nảy lửa.
Nhưng bây giờ tôi hoàn toàn sẵn lòng nói chuyện với chú và nói rất nghiêm chỉnh. Tôi muốn thoả thuận với chú, Aliosa, vì tôi không có bạn, tôi muốn thử tìm bạn. Này, chú tưởng tượng xem, có lẽ tôi thừa nhận là có Chúa Trời, – Ivan bật cười, – đấy là điều bất ngờ đối với chú, phải không?
– Vâng, tất nhiên, miễn là lúc này không phải anh đùa.
– “Đùa”. Hôm qua ở chỗ trưởng lão người ta bảo là tôi đùa. Này, chú em đáng yêu ạ, thế kỷ mười tám có một ông già trần tục nói rằng nếu như không có Chúa Trời thì phải bịa đặt ra Chúa Trời, s iln existaitpas Dieu il faudra it l inventer. Quả thật là con người bịa đặt ra Chúa Trời. Và điều lạ lùng, điều kỳ dị không phải là thực sự có Chúa Trời, điều kỳ dị ấy là ý nghĩ ấy – ý nghĩ cần phải có Chúa Trời – lại có thể len vào đầu một con vật hoang dã và hung dữ như con người, một ý nghĩ rất đỗi thiêng liêng, rất mực cảm động, khôn ngoan đến điều và làm vinh dự cho con người vô cùng. Về phần tôi thì đã từ lâu tôi quyết định không nghĩ đến chuyện con người sáng tạo ra Chúa Trời hay Chúa Trời sáng tạo ra con người. Dĩ nhiên tôi sẽ không điểm lại tất cả các tiên đề hiện nay của các chú thiếu niên Nga về vấn đề này, tất cả các tiên đề đó đều là suy ra từ những giả thuyết châu Âu; bởi vì cái mà ở đấy là giả thuyết thì lập tức trở thành tiên đề đối với chú thiếu niên Nga, mà chẳng phải chỉ với các chú thiếu niên thôi đâu, mà cả với các giáo sư của họ nữa, bởi vì điều rất thường có ở ta hiện nay là các giáo sư Nga cũng là những chú thiếu niên Nga. Vì thế tôi bỏ qua tất cả các giả thuyết. Bây giờ nhiệm vụ của tôi với chú là gì? Nhiệm vụ của tôi phải làm thế nào giải thích thật mau lẹ với chú về bản chất của tôi: tôi là người thế nào, tôi tin vào cái gì và hy vọng gì, thế chứ gì? Vì vậy tôi tuyên bố rằng tôi chấp nhận Chúa Trời một cách trực tiếp và giản dị. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều: nếu như có Chúa Trời và quả thực là Chúa Trời sáng tạo ra trái đất thì chúng ta hoàn toàn biết rằng Ngài tạo ra nó theo hình học Euclit, còn trí tuệ con người thì chỉ có khái niệm về ba chiều không gian. Thế nhưng trước kia và ngay cả bây giờ nữa vẫn có những nhà hình học và những nhà triết học, thậm chí cả những người lỗi lạc nhất trong bọn họ, hoài nghi về việc cả vũ trụ, hay rộng hơn nữa, mọi tồn tại được tạo nên chỉ theo hình học Euclỉt, thậm chí họ dám mơ ước rằng hai đường thẳng song song, mà theo Euclit thì không thể gặp nhau ở vô cực. Chú ạ, tôi đã quyết định rằng nếu như ngay cả điều đó tôi cũng không hiểu nổi thì sao tôi hiểu được về Chúa Trời. Tôi khiêm nhường thú nhận rằng tôi không có chút khả năng nào giải quyết được những vấn đề như thế, trí tuệ tôi là trí tuệ Euclit phàm trần, vì thế làm thế nào mà giải quyết vấn đề không phải của thế gian này. Mà tôi cũng khuyên chú đừng bao giờ nghĩ đến chuyện ấy, bạn tôi ạ, nhất là vấn đề có hay không có Chúa Trời. Đấy là những vấn đề vượt hẳn ra ngoài khả năng của cái trí tuệ chỉ có khái niệm về ba chiều. Vậy là tôi chấp nhận có Chúa Trời, chẳng những là sẵn lòng chấp nhận, mà còn chấp nhận cả sự anh minh và mục đích của Ngài mà chúng ta hoàn toàn không biết được, tôi tin vào trật tự, vào ý nghĩa của cuộc sống, tôi tin vào sự hài hoà vĩnh cửu mà một ngày ba chúng ta sẽ hoà nhập cả lại mà tạo nên, tôi tin vào Lời, tất cả vũ trụ hướng về Lời. Lời “ở nơi Chúa Trời” và Lời chính là Chúa Trời, vân vân và vân vân, cứ thế đến vô cùng. Người ta đã nói bao nhiêu lời về chuyện này. Dường như tôi đang ở trên con đường đúng, phải không? Chú hãy tưởng tượng rằng rốt cuộc thì tôi không chấp nhận thế giới này của Chúa Trời, tuy tôi biết là có Chúa Trời, nhưng tôi không dung nạp. Tôi chối bỏ không phải là Chúa Trời, chú nên hiểu điều đó, mà là thế giới do Chúa Trời tạo ra, tôi không chấp nhận thế giới của Chúa và không thể thuận tình chấp nhận được. Tôi xin nói rõ: Như một hài nhi, tôi tin chắc rằng những đau khổ rồi sẽ lành vết và qua đi, toàn bộ tính hài kịch đáng giận của những mâu thuẫn trong quan hệ giữa người với người sẽ tan biến như một ảo ảnh thảm hại như nguyên tử là sự bịa đặt bỉ ổi của trí óc Euclit yếu đuối và nhỏ mọn, và cuối cùng, đến phần chót của tấn trò đời, khi sự hài hòa vĩnh cửu ngự trị khắp nơi thì sẽ xuất hiện một cái gì quý giá đủ cho mọi trái tim, làm dịu hết mọi phẫn nộ, chuộc lại được mọi tội ác người đời và tất cả máu đã đổ ra, đủ để chẳng những có thể tha thứ mà còn biện bạch cho tất cả những gì đã xảy ra với người đời, cho dù là tất cả những cái đó sẽ thành sự thực, sẽ đến, nhưng tôi không chấp nhận và không muốn chấp nhận! Cho dù những đường song song sẽ gặp nhau và chính mắt tôi nhìn thấy; tôi nhìn thấy và tôi sẽ nói rằng chúng đã gặp nhau, nhưng tôi vẫn sẽ không chấp nhận! Đấy là bản chất của tôi, Aliosa ạ, đấy là luận đề của tôi. Tôi nói với chú hoàn toàn nghiêm chỉnh đấy. Tôi chủ tâm bắt đầu cuộc nói chuyện này giữa tôi và chú sao cho thật ngớ ngẩn, nhưng rồi dắt dẫn nó đến sự xưng tội của tôi, bởi vì chú cũng chỉ cần có thế thôi. Chú đừng bàn về Chúa, mà chỉ cần biết ông anh yêu mến của chú lấy gì làm lẽ sống. Thì tôi đã nói ra rồi đấy.
Ivan kết luận bài độc thoại tràng giang đại hải của mình, đột nhiên trong lòng chàng dậy lên một tình cảm đặc biệt, bất ngờ.
– Nhưng tại sao anh lại mở đầu “sao cho thật ngớ ngẩn”? – Aliosa hỏi, trầm ngâm nhìn anh.
– Đúng, thứ nhất là để tạo nên màu sắc đặc Nga: người Nga bàn luận về những đề tài ấy bao giờ cũng hết sức ngớ ngẩn. Hai nữa là càng ngớ ngẩn càng gần với thực tế. Càng ngớ ngẩn càng sáng rõ. Ngớ ngẩn thì ngắn gọn và chân chất, còn tinh khôn thì quanh co và lẩn trốn. Tinh khôn thì ti tiện, ngớ ngẩn thì ngay thẳng thật thà. Tôi đã đi đến chỗ bộc lộ sự thất vọng của tôi, và tôi trình bày sự thất vọng đó càng ngớ ngẩn càng có lợi cho tôi.
– Anh sẽ giải thích cho tôi biết vì sao anh “không chấp nhận thế giới này” chứ? – Aliosa nói.
– Ừ, cố nhiên, tôi sẽ giải thích, không có gì là bí mật, thì tôi cũng cốt thế mà thôi. Chú em tôi ơi, tôi không có ý làm hỏng chú và đẩy chú ra khỏi chỗ đứng vững chắc của chú, mà có lẽ tôi muốn dùng chú làm phương thuốc chữa bệnh cho mình. – Ivan bỗng mỉm cười, hoàn toàn như một đứa bé nhỏ tuổi hiền lành.
Chưa bao giờ Aliosa thấy anh có nụ cười như thế.
Chú thích
(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản, nghĩa là sự bộc lộ tín ngưỡng (N.D).
(2) Caine và Abel đềulà con của Eva với Adam. Caine giết em là Abel, vì ghen tỵ. Chúa Trời hỏi Caine về Abel, Caine đáp: “Tôi là người coi giữ em tôi sao?” (N.D).