C. Về người thầy tu Nga và người đó có thể có vai trò như thế nào.
Thưa các cha và các thầy, người thầy tu là gì? Trong giới có học vấn, ngày nay từ ấy được nói ra với ý giễu cợt, một số người còn dùng nó như lời thoá mạ. Càng về sau càng tệ hại hơn. Sự thật là ôi đáng tiếc thay, sự thật là trong giới tu hành cũng có nhiều kẻ ăn bám, dâm đãng và ham khoái lạc, nhiều kẻ lang thang trơ tráo. Những người có học trong giới thượng lưu vẫn chỉ vạch ra: “Các người là những kẻ lười biếng và vô ích sự trong xã hội, các người sống bằng lao động của người khác, các người là những kẻ hành khất trơ tráo”. Thế nhưng trong giới tu hành có bao nhiêu người khiêm nhường và hiền lành, khao khát sống cách biệt và nồng nhiệt cầu nguyện trong yên tĩnh. Người ta ít nói đến những người này, thậm chí lờ hẳn đi, và hẳn các vị sẽ hết sức ngạc nhiên nếu tôi nói rằng những người khiêm nhường và khao khát cầu nguyện trong cô tịch ấy có lẽ sẽ một lần nữa cứu nước Nga! Bởi vì những người sống trong cảnh thanh tĩnh, quả thực đã chuẩn bị sẵn sàng “cho một ngày và một giờ, cho một tháng và một năm”. Sống cô tịch, họ giữ được hình ảnh Chúa Kito huy hoàng và không hề bị xuyên tạc, trong sự thật thuần khiết của Chúa Trời, do các Cha đời xưa, các sứ đồ, các vị tuẫn đạo để lại và khi cần, họ sẽ phơi bày hình ảnh ấy trước sự thật đã lung lay của thế gian. Ý tưởng ấy thật là vĩ đại. Ngôi sao ấy sẽ ngời sáng ở phương Đông.
Tôi nghĩ như thế về thầy tu, phải chăng thế là lầm, là kiêu căng? Hãy nhìn cuộc sống của những người thế tục trong toàn bộ cái thế giới đã tự đặt mình lên trên đám con dân của Chúa mà xem, có phải trong thế giới đó hình ảnh và sự thật của Chúa đã bị xuyên tạc không? Họ có khoa học, nhưng khoa học chỉ là những gì phục vụ nhục thể. Còn thế giới tinh thần, phân nửa cao cả nhất của con người thì bị gạt bỏ hoàn toàn, bị trục xuất và người ta lấy thế làm hoan hỉ, thậm chí là căm thù nó. Thế gian đề xướng tự do, đặc biệt thời gian gần đây, và chúng ta nhin thấy gì trong cái tự do ấy của họ: chỉ là nô lệ và tự sát! Bởi vì người ta nói: “Có nhu cầu thì cứ thoả mãn bởi vì anh cũng có quyền như những người quyền quý và giàu có, đừng sợ thoả mãn nhu cầu, thậm chí cứ tăng thêm nữa lên” – đấy là chủ thuyết hiện nay của người đời. Người ta cho như thế là tự do. Quyền tăng thêm nhu cầu đưa đến kết quả gì?
Với người giàu thì đó là sống tách biệt và tự sát về tinh thần, với người nghèo thì đó là ghen tị và giết người, bởi vì người ta cho quyền có nhu cầu. Người ta cả quyết rằng thế giới ngày càng thống nhất, người với người ngày càng xích lại gần nhau trong tình anh em vì khoảng cách không gian được rút ngắn, tư tưởng được truyền đi trong không trung. Hỡi ôi đừng tin ở sự thống nhất như thế. Do hiểu tự do là sự gia tăng nhu cầu và mau chóng thoả mãn nhu cầu, người ta xuyên tạc bản chất của mình, bởi vì họ làm nảy sinh ra trong bản thân họ nhiều ham muốn và thói quen vô nghĩa và ngu ngốc, nhiều giả tưởng hết sức vô lý! Người ta sống chỉ để ghen tỵ với nhau, để thoả mãn nhục cảm và để vênh vang. Chiêu đãi và du ngoạn, ngựa xe, chức tước và kẻ hầu người hạ, những thứ đó được coi là thiết yếu đến mức có thể vì nó mà hy sinh cả tính mệnh, danh dự và lòng nhân, thậm chí có thể tự giết mình nếu như không thoả mãn được. Ở những người không giàu, ta cũng thấy như thế, còn người nghèo thì tạm thời dùng men say để dìm ngập nỗi uất hận không thoả mãn được nhu cầu và lòng ghen tỵ. Nhưng chẳng bao lâu, thay cho rượu, họ uống cả máu, người ta dẫn dắt họ đến chỗ ấy. Tôi xin hỏi các vị: người như thế có tự do không? Tôi biết “một chiến sĩ đấu tranh cho tư tưởng” đã kể với tôi rằng, một lần trong tù, anh ta bị cắt thuốc lá, sự thiếu thốn ấy hành hạ anh khổ sở đến nỗi anh suýt phản bội “tư tưởng” của mình chỉ cốt có thuốc lá hút. Vậy mà con người ấy vẫn nói: “Tôi đấu tranh cho nhân loại”. Thế thì anh ta sẽ đi đến đâu và anh ta có khả năng làm gì? Cùng lắm thì có được một hành động bột phát trong chốc lát, chứ không thể chịu đựng lâu dài được. Chẳng lấy gì làm lạ rằng thay cho tự do, người ta rơi vào vòng nô lệ, và thay cho việc phục vụ tình hữu ái và sự đoàn kết nhân loại, thì ngược lại, người ta lâm vào tình trạng chia rẽ và sống tách biệt, như ông khách bí ẩn và người thay của tôi đã nói với tôi hồi tôi còn trẻ. Vì thế ý tưởng phục vụ nhân loại, ý tưởng về tình anh em và sự thống nhất loài người ngày càng lụi tắt trên thế gian, lực tế nói đến ý tưởng đó thậm chí người ta còn giễu cợt, bởi vì làm sao từ bỏ được thói quen của mình, kẻ nô lệ ấy sẽ đi đâu, một khi hắn có cơ man nào là thói quen thoả mãn sổ nhu cầu do chính hắn tưởng tượng ra?
Hãn sống tách biệt, hắn thiết gì đến toàn cục. Kết quả là người ta tích cóp được nhiều đồ vật hơn, mà niềm vui thì ít đi. Con đường của người tu hành thì khác. Người ta chế nhạo sự tuân lời, ăn chay và nguyện kinh, thế nhưng đấy mới là con đường đi đến tự do thực sự, chân chính: tôi tự cắt bỏ những nhu cầu vô ích của tôi, tôi ghìm nén ý muốn đầy tự ái và kiêu căng của tôi, và đã lại nó bằng sự tuân lời, và như vậy, nhờ Chúa Trời giúp đỡ, tôi đạt được tự do tinh thần, và do đó cả sự vui vẻ về tinh thần! Ai trong hai loại người có khả năng suy tôn tư tưởng vĩ đại và phục vụ tư tưởng đó hơn – người giàu sống tách biệt hay người được giải thoát khỏi bạo quyền của đồ vật và thói quen? Người ta trách nhà tu hành sống cách biệt: “Anh sống cách biệt trong tu viện để tìm đường cứu rỗi, mà quên mất việc phục vụ anh hữu ái của nhân loại”. Nhưng ta hãy xem ai sốt sắng hơn với tình hữu ái? Bởi vì họ sống cách biệt, chứ không phải chúng tôi, nhưng họ không thấy điều đó. Ngay từ cổ xưa, những nhà hành đồng của nhân dân cũng từ chúng tôi mà ra, vậy tại sao bây giờ lại không thể có những người như thế? Những người ăn chay và những người kiêng nói khiêm nhường và hiền lành ấy đứng ra phục vụ sự nghiệp vĩ đại. Nhân dân sẽ cứu nước Nga. Từ muôn đời tu viện Nga vẫn đi với nhân dân. Nếu nhân dân sống cách biệt thì chúng tôi cũng sống cách biệt.
Nhân dân cùng chung tín ngưỡng với chúng tôi, mà ở nước Nga chúng ta, nhà hoạt động không tín ngưỡng không làm nên trò trống gì, cho dù người đó có tấm lòng chân thành và trí tuệ thiên tài. Hãy nhớ lấy điều đó. Nhân dân sẽ đương đầu với người vô thần và quật đổ kẻ đó, nước Nga chính giáo thống nhất sẽ xuất hiện. Hãy bảo vệ nhân dân và chăm sóc trái tim nhân dân. Hãy giáo dục nhân dân trong bằng an. Đấy là công quả của người tu hành, bởi vì dân ta mang Chúa trong bản thân mình.
f. Về chủ và tớ, chủ và tớ có thể là anh em tinh thần với nhau được không?
Nói có trời, dân chúng cũng không thoát khỏi tội lỗi. Sự đồi bại lan nhanh như lửa cháy trước mắt, hàng giờ, từ trên xuống… Cả trong dân chúng người ta cũng bắt đầu sống cách biệt nhau: phú nông và cường hào xuất hiện; thương gia ngày càng thèm khát danh vọng hơn, muốn tỏ ra mình có học vấn, tuy chẳng có học chút nào, vì thế họ ra mặt khinh miệt thói tục đời xưa, thậm chí xấu hổ về tín ngưỡng của cha ông. Họ lui tới các công tước, tuy họ chỉ là loại mugich hư hỏng. Dân chúng bại hoại vì say rượu và không thể từ bỏ được thói xấu đó. Họ tàn ác biết bao với gia đình, với vợ, thậm chí cả với con: chỉ vì rượu. Ở các xưởng máy tôi đã thấy cả những trẻ em mười tuổi: còm cõi, héo hắt và đã truỵ lạc. Gian nhà ngột ngạt, máy chạy ầm ầm, làm việc suốt ngày, những lời tục tĩu và rượu, rượu, phải những cái đó cần cho tâm hồn đứa trẻ nhỏ tuổi như vậy? Đứa trẻ ở tuổi ấy cần ánh sáng mặt trời, những trò chơi trẻ con, tấm gương sáng ở khắp nơi và một giọt tình yêu cho nó. Hãy làm sao cho không còn tình trạng ấy, thưa các vị đồng đạo, làm sao chấm dứt hẳn sự hành hạ trẻ em, các vị hãy dừng ra truyền dạy đạo lý, và gấp gấp lên. Nhưng Chúa Trời sẽ cứu nước Nga, bởi vì người dân đen tuy truỵ lạc và không còn thoái nổi ra khỏi vũng bùn tội lỗi hôi hám, nhưng họ vẫn biết rằng tội lỗi thối tha của họ bị Chúa Trời rủa xả và phạm tội như vậy là xấu xa. Vậy là nhân dân ta vẫn không ngừng tin vào sự thật, thừa nhận có Chúa và khóc vì cảm động.
Không như những kẻ ăn trên ngồi chốc. Những người này muốn dựa vào khoa học để tổ chức cuộc sống công bằng chỉ theo trí tuệ của mình, không cần đến Chúa Kito như trước nữa, và họ đã tuyên bố rằng không có tội ác,
cũng không có tội lỗi. Mà họ cũng có cái đúng của họ: bởi vì không có Chúa Trời thì làm gì có tội ác? Ở châu Âu, dân chúng nổi lên chống lại người giàu bằng bạo lực, các lãnh tụ của họ ở khắp nơi đều đưa họ đến chỗ gây đổ máu và dạy họ rằng sự giận dữ của họ là chính đáng. Nhưng “cơn tức giận của họ dáng rủa xa, vì nó tàn ác”. Còn nước Nga sẽ được Chúa Trời cứu vớt, như đã cứu vớt nhiều lần. Sự cứu rỗi ấy là nhờ ở nhân dân, ở đức tin và anh quy thuận cửa nhân dân.
Thưa các cha và các thầy, hãy gìn giữ đức tin của nhân dân, đây không phải là mơ ước đâu: suốt đời tôi sửng sốt vì nhận thấy nhân dân vĩ đại của chúng ta có một phẩm giá cao cả chân chính, chính mắt tôi, tôi có thể làm chứng, tôi nhìn thấy và ngạc nhiên, tôi nhìn thấy, mặc dù ở họ bốc mùi tội lỗi và họ nom như lũ hành khất. Họ không xun xoe nịnh bợ, mà đấy là sau hai thế kỷ nô lệ. Họ tự do trong dáng vẻ và cách cư xử mà không làm ai phật lòng. Họ không thù hằn và không ghen tỵ. “Anh quyền thế, anh giàu có, anh thông minh, anh tài ba, tốt thôi, cầu Chúa ban phước lành cho anh. Tôi kính trọng anh, nhưng tôi biết rằng tôi cũng là con người. Tôi kính trọng anh mà không ghen tỵ, điều đó cho anh thấy phẩm giá con người của tôi”. Thực ra họ không nói như thế (vì họ chưa biết nói như thế), nhưng họ hành động như thế, chính tôi nhìn thấy, chính tôi cảm nghiệm được điều đó, và không biết các vị có tin không: người Nga chúng ta càng nghèo nàn và thấp kém thì sự thật cao cả càng lồ lộ ở họ, bởi vì những người phú hộ và cường hào phần nhiều đâm ra truỵ lạc, lỗi lớn là do sự thờ ở và thiếu chú ý của chúng ta! Nhưng Chúa sẽ cứu con dân của Ngài, bởi vì nước Nga vĩ đại là ở sự quy thuận của mình. Tôi mơ ước nhìn thấy và dường như đã nhìn thấy rõ rệt tương lai của chúng ta: rồi đây, ngay cả người giàu đồi truỵ nhất của chúng ta rốt cuộc cũng sẽ xấu hổ với người nghèo về sự giàu có của mình, còn người nghèo thấy sự khiêm nhường đó. sẽ hiểu và vui lòng nhường nhịn người giàu, sẽ trìu mến đáp lại sự xấu hổ cao quy của người giàu. Các vị hãy tin rằng cuối cùng sẽ như thế: tình thế đang đi theo chiều hướng ấy. Chỉ có bình đẳng trong phẩm giá tinh thần của con người, điều ấy chỉ chúng ta mới hiểu. Người ta coi nhau như anh em thì sẽ có tình anh em, mà chưa có tình anh em thì không bao giờ người ta chia nhau của cải được ổn thoa. Chúng ta giữ gìn hình ảnh đấng Kito, hình ảnh sẽ ngời sáng trước cả thế gian như viên kim cương quý giá! A men, a men!
Thưa các cha và các thầy, có lần một việc rất cảm động đã xảy ra với tôi. Trong thời kỳ hành hương, một lần ở thị xã N, tôi gặp người lính hầu trước kia của tôi, Afanaxi, từ hồi tôi chia tay với anh ta đến lúc ấy đã tám năm. Tình cờ nhìn thấy tôi ở chợ, anh ta nhận ra, chạy đến với tôi, và trời ơi, anh ta mừng rỡ quá, đâm bổ đến với tôi: “Cha ơi, đại nhân ơi, đại nhân đây ư? Có phải Cha đấy không?”. Anh ta dẫn tôi về nhà. Anh ta đã giải ngũ, đã lấy vợ, có hai đứa con lít nhít. Vợ anh ta buôn thúng bán mẹt ở chợ. Căn buồng nhỏ của anh ta nghèo nàn, nhưng sạch sẽ, vui tươi Anh ta mời tôi ngồi, đặt ấm xamôva, cho đi gọi vợ về, cứ như thể tôi đến là một ngày hội đối với anh ta. Anh ta dem các con ra “Xin Cha ban phước cho các cháu”. – “Tôi đâu đáng ban phước cho các cháu, – tôi trả lời anh ta, – tôi là một thầy tu bình thường bé mọn, tôi sẽ cầu Chúa cho các cháu, còn về anh, Afanaxi Pavlovich ạ, bấy nay ngày nào tôi cũng cầu khấn cho anh, kể từ hôm ấy, bởi vì mọi sự đều từ anh mà ra”. Và tôi đã gắng hết sức giải thích cho anh ta. Con người đến lạ: anh ta nhìn tôi và vẫn không thể hình dung được rằng, tôi, chủ cũ của anh ta, một sĩ quan, bây giờ lại ở trước mặt anh ta trong bộ dạng như thế, y phục như thế, thậm chí anh ta khóc. “Tại sao anh khóc, – tôi bảo anh ta, – tôi không thể nào quên anh được, anh nên mừng cho tôi mới phải, bạn thân mến ạ, vì con đường tôi đi là con đường vui sướng và tươi sáng”. Anh ta không nói gì, chỉ thốt lên tiếng “ồ” ngạc nhiên và lắc đầu cảm động nhìn tôi. “Còn tài sản của Cha thì sao?” – anh ta hỏi. Tôi trả lời anh ta: “Tôi cũng cho tu viện, những người tu hành chúng tôi sống chung với nhau”. Uống trà xong, tôi từ giã gia đình anh ta, đột nhiên anh ta đưa cho tôi đồng năm mươi kopek cúng cho tu viện và hối hả giúi vào tay tôi một đồng nữa, tôi thấy cũng là năm mươi kopek. Anh ta nói: “Đây là biếu Cha, Cha là người hành hương, còn đi đây đi đó có thể sẽ có lúc cần đến, thưa Cha”. Tôi nhận tiền, cúi chào hai vợ chồng và ra đi, lòng vui sướng, trên đường tôi nghĩ: “Bây giờ cả hai chúng ta, cả anh ta ở nhà và ta đang đi trên đường, hẳn là đều thốt lên hai tiếng kêu ngạc nhiên và mỉm cười sung sướng, trong lòng tưng bừng rộn rã, gật gù nhớ lại trời đã run rủi cho chúng ta gặp nhau như thế nào”. Từ đó tôi không hề gặp lại anh ta. Trước kia tôi là chủ, anh ta là tôi tớ của tôi, còn bây giờ chúng tôi âu yếm hôn nhau, chứa chan cảm kích, giữa chúng tôi đã đạt tới sự hoà hợp vĩ đại của con người với nhau. Tôi đã nghĩ nhiều về sự việc đó, còn bây giờ tôi nghĩ thế này: chẳng lẽ lại không thể quan niệm được rằng sự hoà hợp vĩ đại và chân chất ấy, đến kỳ hạn của nó, sẽ được thực hiện ở khắp nơi, giữa người Nga chúng ta với nhau? Tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra, thời hạn đã gần rồi.
Về những người tôi tớ thì tôi nói thêm như sau: trước đây, hồi trai trẻ, tôi thường hay cáu với họ: “Chị bếp đưa lên món ăn nóng quá, lính hầu không chải áo cho tôi”. Nhưng tôi chợt tỉnh ngộ nhờ một ý nghĩ của người anh mến thương của tôi mà tôi đã được nghe hồi còn bé: “Tôi có đáng được người ta hầu hạ không, tôi có quyền xử tệ với họ chỉ vì họ nghèo khổ và tăm tối không?”. Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng những ý nghĩ đơn giản nhất, rõ rành rành như vậy lại đến với trí óc chúng ta muộn như vậy. Trên thế gian này không thể không có người làm tôi tớ, nhưng hãy làm sao cho về phương diện tinh thần, người đày tớ của anh sẽ tự do hơn là anh ta không làm đầy tớ. Tại sao tôi lại không thể là đầy tớ của đầy tớ tôi, và làm sao cho y không nhìn thấy điều đó về phần tôi thì không chút kiêu ngạo, còn về phần y không hề nghi ngờ. Tại sao người đầy tớ của tôi lại không thể được coi như họ hàng của tôi, để cuối cùng tôi sẽ lấy làm vui sướng mà tiếp nhận y vào gia đình tôi? Ngay cả bây giờ điều đó cũng có thể thực hiện được lắm chứ, nhưng nó là cơ sở để thiết lập sự hoà hợp vĩ đại sau này khi con người sẽ không tìm đầy tớ cho mình và không muốn biến những người tương tự như mình thành đầy tớ như hiện nay, mà trái lại, sẽ hết lòng mong muốn chính mình làm đầy tớ cho mọi người theo Phúc âm. Phải chăng là mơ tưởng khi nghĩ rằng cuối cùng con người sẽ tìm thấy niềm vui chỉ trong công đức khai hoá và từ thiện, chứ không phải trong những thú vui tàn ác như hiện nay – trong sự hưởng thự vô độ dâm đãng, bêu ngạo, khoe khoang và ghen ghét vượt lên đầu nhau? Tôi tin chắc rằng đấy không phải là mơ mộng và đã gần đến lúc ấy rồi. Người ta cười và hỏi: bao giờ thì đến lúc ấy và liệu có bao giờ như thế được không? Tôi thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hoàn thành sự nghiệp vĩ đại ấy cùng với đấng Kito.
Trên trái đất này, trong lịch sử loài người có biết bao nhiêu ý tưởng mà mười năm trước là không thể tưởng tượng nổi, vậy mà bỗng nhiên lại xuất hiện khi thời hạn bí ẩn của nó đã đến, và những ý tưởng ấy sẽ truyền lan khắp trái đất? Với chúng ta cũng sẽ như thế dân tộc ta sẽ ngời sáng trước cựu thế giới và toàn dân thiên hạ sẽ nói: “Phiến đá bị những người xây dựng loại ra sẽ trở thành phiến đá nền tảng”. Và ta có thể hỏi chính những kẻ giễu cợt: nếu là chúng tôi mơ mộng thì bao giờ các người dựng nên được toà nhà của mình và tổ chức được cuộc sống công bằng chỉ nhờ trí tuệ của các người, không cần đến đấng Kito? Nếu họ khẳng định rằng chính họ, trái lại, đang đi đến sự hoà hợp thì thực ra chỉ có những người hết sức ngây thơ trong bọn họ mới tin được, đến nỗi ta có thể ngạc nhiên về sự ngày thơ đó.
Thực ra họ mơ tưởng ngông cuồng hơn chúng ta. Họ toan tính tổ chức cuộc sống công bằng, nhưng khước từ đấng Kito, rốt cuộc họ sẽ làm thế gian ngập máu, bởi vì máu gọi máu, kẻ vung kiếm sẽ chết vì kiếm. Nếu như không có lời hứa của đấng Kito thì họ sẽ tiêu diệt nhau cho đến khi trên thế gian chỉ còn có hai người. Và do thói kiêu căng, hai con người cuối cùng này sẽ không thể báo được nhau, người nọ sẽ giết người kia, rồi kẻ còn lại cũng sẽ tự giết mình. Điều đó sẽ xảy ra thực sự, nếu như không có lời hứa của dâng Kito sẽ ngăn chặn tình trạng đó vì tình yêu những người hiền lành và quy thuận. Hồi ấy, khi còn mang quân phục sĩ quan, sau cuộc đấu súng, tôi có nói về những kẻ tôi tớ trong xã hội, và tôi nhớ, mọi người đều ngạc nhiên về tôi, họ nói: “Thế thì chúng tôi phải mời đầy tớ ngồi lên đi văng và dâng trà cho họ ư?”. Tôi trả lời họ: “Sao lại không, ít ra thỉnh thoảng làm như thế”. Thế là mọi người cả cười. Câu hỏi của họ thật nông nổi, còn câu trả lời của tôi thì mập mờ, nhưng tôi cho rằng trong đó cỏ một phần sự thật.