Grusenka ở một nơi nhộn nhịp nhất trong thành phố, gần quảng trường Nhà thờ Lớn, nhà bà Morozova, vợ goá một thương gia. Nàng thuê một gian nhà gỗ nhỏ đầu hồi, liền với sân. Nhà Morozova là một toà nhà đá rộng lớn, hai tầng, đã lâu đời và rất xấu xí, ở đó có bà chủ đã già với hai cô cháu gái đã đứng tuổi mà không chồng, họ sống tách biệt với bên ngoài. Bà ta chẳng cần phải cho thuê gian nhà phụ ở sân nhưng mọi người đều biết rằng bà ta cho Grusenka ở (từ bốn năm trước) chỉ để chiều lòng người họ hàng của mình là thương gia Xamxonov, ông già công khai nuôi bao Grusenka. Người ta nói rằng khi đưa “ái phi” của mình đến, ông già hay ghen muốn nhờ con mắt soi mói của bà lão theo dõi hành vi của cô gái mới đến thuê nhà.
Nhưng con mắt soi mói chẳng bao lâu hoá ra vô ích, rốt cuộc Morozova thậm chí ít khi gặp Grusenka và chẳng để mắt làm rầy nàng nữa. Thực ra, đã bốn năm qua kể từ khi ông già đưa cô gái mười tám tuổi, rụt rè bẽn lẽn, mảnh dẻ, gầy nhom, tư lự và buồn rầu từ tỉnh lị về nhà này, từ bấy đến nay đã bao nhiêu nước chảy qua. Thế nhưng ở thành phố chúng tôi chẳng ai rõ mấy lai lịch cô bé này, ngay thời gian gần đây người ta cũng chẳng biết gì hơn, thậm chí cả khi đã rất nhiều người để ý đến “trang tuyệt sắc” này, qua bốn năm Agrafena Alecxandrovna đã trở thành một mĩ nhân như thế đấy. Chỉ nghe đâu rằng hồi mới mười bảy tuổi, nàng đã bị một kẻ nào lừa dối, đâu như một gã sĩ quan, sau đó gã bỏ rơi luôn. Gã sĩ quan bỏ đi và lấy vợ ở đâu không rõ, còn Grusenka lâm vào cảnh nhục nhã và bần cùng.
Nghe nói tuy Grusenka được ông già cứu ra khỏi cảnh cùng túng, nhưng nàng vốn là con nhà tử tế, hình như thuộc giới tăng lữ, nàng là con gái một viên trợ tế tạm nghỉ việc hay đại loại như thế. Thế rồi trong bốn năm trời, cô bé mồ côi đa cảm, tủi hận, đáng thương đã trở thành một phụ nữ Nga xinh đẹp, hồng hào, đẫy đà, tính tình bạo dạn và cương quyết, kiêu căng và trâng tráo, thạo kiếm tiền, keo kiệt và thận trọng, không rõ bằng cách ngay thẳng hay lừa lọc, nhưng theo người ta nói thì đã gây được một khoản vốn riêng. Có một điều mọi người đều biết chắc: khó mà gần được Grusenka, ngoài ông già bao nàng thì trong suốt bốn năm trời chưa có lấy một người nào có thể khoe là đã được nàng ban ân huệ. Đấy là sự thật hiển nhiên, vì đã có nhiều người theo đuổi phải bỏ cuộc, đặc biệt hai năm gần đây. Mọi mưu toan đều uổng công, một số người chẳng những phải tháo lui mà còn bị chê cười và mang nhục do sự khước từ cương quyết và cợt nhạo của cô nàng trẻ tuổi khó tính. Người ta còn biết rằng cô nàng, đặc biệt năm gần đây, đã bắt đầu chạy “phe”, và về mặt này nàng có khả năng lạ thường, thành thử rốt cuộc nhiều người gọi nàng là ả Do Thái thực thụ. Không phải nàng cho vay lãi, người ta biết rằng có thời gian nàng cùng với Fedor Pavlovich Karamazov mua hối phiếu với giá rẻ mạt, bằng một phần mười giá trị của nó, rồi sau đó có những lần lại bán được nguyên giá. Xamxonov ốm yếu, năm gần đây hai chân sưng phù không đi lại được, goá vợ, một bạo chúa đối với các con tin đã trưởng thành, nhà tư bản lớn, một người keo kiệt và khe khắt, nhưng lại chịu ảnh hưởng mạnh của cô gái được ông ta bao bọc, thoạt đầu ông ta rất nghiệt ngã với nàng, bắt nàng sống kham khổ, “ăn chay tu đạo”, như những kẻ hay giễu cợt đã nói. Nhưng Grusenka đã tự giải phóng, đồng thời vẫn làm cho ông già tin tưởng vô hạn ở sự chung thuỷ của nàng. Ông già này là một nhà kinh doanh lớn (bây giờ đã qua đời), cũng là một người có tính cách khác thường, cái chính là keo kiệt và sắt đá, tuy Grusenka đã chinh phục được ông ta đến mức ông ta không thể sống không có nàng (chẳng hạn hai năm gần đây là như thế) nhưng ông ta vẫn không cho nàng một khoản vốn lớn, thậm chí nàng dọa bỏ ông ta, ông ta cũng không lay chuyển. Nhưng ông ta cũng cho nàng một khoản vốn nhỏ, khi biết điều đó mọi người ngạc nhiên. “Cô khá tinh khôn, – ông ta nói khi cho nàng tám ngàn đồng, – cô tự lo liệu lấy mà làm ăn, nhưng nên biết rằng ngoài số chu cấp hàng năm như trước, cho đến khi tôi chết cô cũng không được thêm gì đâu, và trong di chúc tôi cũng không cho gì nữa”. Ông ta giữ lời: khi chết ông ta để lại tất cả cho các con trai mà suốt đời ông ta vẫn bắt phải ở với mình, coi ngang hàng như bọn đầy tớ, cùng với vợ con họ, còn Grusenka thậm chí không được nhắc đến trong di chúc. Những chuyện đó sau này người ta đã biết. Bằng cách khuyên nàng sử dụng “vốn riêng” như thế nào, ông ta đã giúp nàng khá nhiều và chỉ dẫn “công việc” cho nàng. Khi Fedor Pavlovich Karamazov thoạt đầu có quan hệ với Grusenka do một “phi vụ” tình cờ, sau lại đâm ra mê nàng đến mất trí – điều mà chính ông ta không ngờ – thì ông già Xamxonov, lúc ấy đã kề miệng lỗ, cười nhạo thoả thích. Đáng chú ý là suốt thời gian Grusenka có quan hệ với ông già của mình, nàng dường như hoàn toàn thật lòng với ông ta, và đây dường như là người duy nhất trên đời mà nàng đối xử thật tâm như vậy. Gần đây nhất, khi Dmitri Fedorovich xuất hiện với mối tình của mình, ông già không cười nữa. Trái lại, có lần ông đã nghiêm trang khuyên Grusenka: “Nếu chọn một trong hai người, bố hay con trai, thì hãy chọn ông già, nhưng nhất định phải bắt lão già đểu giả cưới cô hẳn hoi, mà trước hết là phải cho cô một khoản vốn. Nhưng đừng thân mật quá với gã đại uý, kẻo rồi không thoát ra được đâu”. Đấy là lời ông già dâm đãng nói với Grusenka khi ông ta cảm thấy mình sắp chết đến nơi và quả nhiên, năm tháng sau ông ta từ trần. Xin nói qua rằng mặc dù trong thành phố chúng tôi nhiều người biết sự kình địch lố lăng, quái đản giữa hai cha con nhà Karamazov vì Grusenka, nhưng không mấy người hiểu ý nghĩa thực sự của mối quan hệ giữa ông già và con trai. Ngay cả hai người đầy tớ gái của Grusenka (sau khi đã xảy ra thảm hoạ mà sau này tôi sẽ nói đến) đã khai trước toà rằng Agrafena Alecxandrovna tiếp Dmitri Fedorovich chỉ vì sợ, bởi chàng “doạ giết” nàng. Nàng có hai đầy tớ gái, một bà nấu bếp rất già, trước hầu hạ trong gia đình cha mẹ nàng, bà ta ốm yếu và gần như điếc, và cháu gái bà ta, một cô bé mười hai tuổi linh lợi, là hầu phòng của Grusenka.
Grusenka sống rất tằn tiện và nhà cửa bày biện rất thanh bạch. Gian nhà phụ nàng ở chỉ có ba phòng, kê những bàn ghế cổ lỗ bằng gỗ hồng sắc kiểu những năm hai mươi, của bà chủ nhà cho mượn. Khi Rakitin và Aliosa vào thì đã sẩm tối, nhưng nhà chưa lên đèn, Grusenka nằm trong phòng khách, trên chiếc đi văng lớn thô kệch, lưng tựa làm giả màu gỗ hồng sắc, đi văng cứng với lớp da bọc cũ nát, thủng lỗ. Nàng ngả đầu lên hai chiếc gối trắng nhồi lông chim. Nàng nằm ngửa, duỗi dài, không nhúc nhích, hai tay đệm dưới đầu. Nàng mặc trang phục như đang chờ đón ai, áo dài lụa đen, đầu đội chiếc mũ nhẹ viền đăng ten gài chiếc kim vàng nặng nề. Đúng là nàng đang chờ ai, nom buồn bã và bồn chồn, mặt hơi tái, môi và mắt hừng hực, ngón chân phải nóng nảy gõ vào tay đi văng. Rakitin và Aliosa vừa đến, trong nhà đã hơi hoảng loạn: nghe tiếng động ở phòng ngoài, Grusenka nhảy ngay xuống khỏi đi văng và sợ hãi la lên: “Ai đấy?” Nhưng cô hầu gái đã đón khách và lập tức trả lời chủ:
– Không phải cậu ấy đâu ạ, mấy người khác, khách này thì không sao ạ.
“Cô ấy có chuyện gì vậy?” – Rakitin lẩm bẩm, cầm tay Aliosa kéo vào phòng khách. Grusenka đứng bên đi văng, dường như vẫn sợ hãi. Một mảng tóc tết bím màu hạt dẻ sẫm đổ ra khỏi mũ, xoã xuống vai bên phải, nhưng nàng không để ý đến và không sửa lại, cho đến khi nhìn kỹ hai người khách và nhận ra họ.
– A, anh đấy ư, Rakitin? Anh làm tôi hết hồn. Ai đi với anh thế? Trời ơi, anh đưa ai đến thế này! – Nhận ra Aliosa, nàng kêu lên.
– Thắp nến lên đi! – Rakitin nói, vẻ suồng sã ra dáng một người thân thuộc có quyền sai bảo trong nhà.
– Nến… cố nhiên là thắp nến… Fenia, đem cây nến đến đây… Ồ lại chọn lúc này mà đưa anh ấy đến! – Nhưng lại kêu lên, gật đầu với Aliosa và quay về phía tấm gương, nhanh nhẹn đưa hai tay lên sửa lại bím tóc. Dường như nàng không hài lòng.
– Không vừa ý cô ư? – Rakitin hỏi, gần như mếch lòng.
– Anh làm tôi hoảng sợ, Rakitin ạ, thế thôi. – Grusenka mỉm cười quay về phía Aliosa. – Anh đừng sợ tôi, Aliosa thân mến ạ, anh đến tôi mừng quá đi, anh là người khách bất ngờ của tôi. Còn anh làm tôi sợ quá, Rakitin ạ, tôi cứ tưởng Mitia xộc vào. Thế này nhé, ban nãy tôi đánh lừa anh ấy và bắt anh ấy thề danh dự là tin tôi, thế nhưng tôi đã nói dối anh ấy. Tôi bảo anh ấy rằng tôi đến Kuzma Kuzmitr, ông già của tôi, tôi sẽ đi suốt buổi tối, cùng với ông già tính tiền đến đêm. Tuần nào tôi cũng đến ông ấy tính toán sổ sách suốt một buổi tối. Chúng tôi ở trong buồng khoá cửa lại: ông ấy gảy bàn tính, còn tôi ngồi ghi sổ, ông ấy chỉ tin tôi thôi. Mitia tin rằng tôi ở đấy, thế mà tôi lại đóng cửa ngồi nhà, chỉ chờ một tin đưa đến. Sao Fenia lại cho các anh vào kia chứ! Fenia, Fenia! Chạy ra mở cổng nhìn xung quanh xem đại úy có lảng vảng quanh đâu đây không? Có lẽ anh ấy nấp rình, tôi sợ chết đi được!
– Không có ai đâu, cô Agrafena Alecxandrovna ạ, vừa nãy cháu đã nhìn khắp xung quanh, chốc chốc cháu lại đến nhòm qua khe cửa chính cháu cũng sợ run lên đây này.
– Cửa chớp có đóng không, Fenia? Mà buông rèm xuống đi, thế này này! – Nàng tự tay buông những tấm rèm nặng,
– kẻo thấy có ánh sáng, anh ấy xông vào đấy. Hôm nay tôi sợ anh Mitia nhà anh. Aliosa ạ, – Grusenka nói to, lo lắng, nhưng tuồng như có phần hân hoan.
– Tại sao hôm nay cô lại sợ Mitenka? – Rakitin hỏi. – Mọi khi cô có sợ anh ta đâu, anh ta van chịu cho cô sai khiến kia mà.
– Tôi đã bảo với anh là tôi đang đợi một tin báu ngọc mà, vì thế bây giờ tôi chẳng can gì đến Mitenka. Với lại anh ấy cũng không tin rằng tôi đến Kuzma Kuzmitr, tôi cảm thấy điều đó. Hẳn là bây giờ anh ấy đang phục trong vườn phía sau nhà Fedor Pavlovich để rình tôi. Nếu anh ấy đã phục ở đó thì tức là sẽ không đến đây, vậy thì càng hay! Quả thật là tôi đã đến Kuzma Kuzmitr, Mitia cùng đi với tôi đến đấy, tôi bảo với anh ấy rằng tôi sẽ ở đấy đến nửa đêm và lúc ấy nhất định anh ấy phải đến đưa tôi về. Anh ấy về tôi ngồi ở chỗ ông già khoảng mươi phút rồi về đây, tôi sợ quá chạy hộc tốc để khỏi gặp anh ấy.
– Thế cô diện như thế này để đi đâu? Cô đội cái mũ gì kỳ vậy?
– Sao anh lại tò mò thế, Rakitin! Tôi bảo với anh là tôi đang chờ tin mà. Nhận được tin là tôi vút đi ngay, các anh sẽ không còn thấy mặt mũi tôi đâu nữa. Tôi mặc đẹp để sẵn sàng đi ngay.
– Cô đi đâu?
– Biết nhiều chóng già đấy.
– Gớm chưa. Nom vui mừng hớn hở… Chưa bao giờ tôi thấy cô như thế. Diện như đi vũ hội. – Rakitin nhìn nàng từ đầu đến chân.
– Anh có hiểu gì mấy về vũ hội.
– Cô thì hiểu lắm à?
– Tôi đã từng xem vũ hội. Hơn hai năm trước Kuzma Kuzmitr cưới vợ cho con trai, tôi đứng ở hàng lan can nhìn xem. Nhưng mà Rakitin ạ, nói chuyện với anh làm quái gì, khi có một ông hoàng như thế này đang đứng đây. Một vị khách quý! Aliosa thân mến, tôi nhìn anh mà không tin; trời ơi, anh mà lại đến nhà tôi mới lạ chứ! Thực tình mà nói, tôi không sao ngờ tới, trước đây tôi không bao giờ tin rằng anh có thể đến nhà tôi. Kể thì đến bây giờ không phải lúc, nhưng tôi rất vui mừng! Ngồi xuống đi văng đi chỗ này này, thế, vầng trăng non của tôi ơi. Nói thực là tôi vẫn chưa hiểu rõ… Chà – chà, Rakitin, giá như hôm qua hay hôm kia anh đưa anh ấy đến thì hay biết mấy!… Nhưng thôi, thế này tôi cũng mừng lắm rồi. Mà có lẽ bây giờ lại càng hay, giữa lúc này, chứ không phải hôm kia…
Nàng ngồi thụp ngay xuống đi văng cạnh Aliosa, nhìn anh, vẻ thán phục ra mặt. Quả thật nàng vui mừng, nàng không nói dối. Mắt nàng rực lên, môi nàng cười, nhưng là cái cười hiền hậu, vui vẻ. Aliosa thậm chí không ngờ nét mặt nàng đôn hậu thế… Trước ngày hôm qua anh ít gặp nàng, anh có một quan niệm ghê sợ về nàng, còn hôm qua anh bàng hoàng kinh hãi về cái trò quỷ quyệt và độc ác của nàng chống lại Ekaterina Ivanovna và rất đỗi ngạc nhiên vì bây giờ bỗng nhiên anh thấy nàng khác hẳn, thật bất ngờ. Mặc dù lòng trĩu nặng nỗi đau xót riêng; vô tình mắt anh chăm chú nhìn nàng. Mọi cử chỉ của nàng dường như cũng khác hẳn hôm qua, dễ thương hơn: lối nói hầu như không còn cái giọng đường mật hôm qua, cử động không ẻo lả và kiểu cách như thế nữa… mà tất cả đều giản dị, hồn nhiên, động tác nhanh gọn, tin cậy, nhưng nàng có vẻ xúc động lắm.
– Trời ơi, tất cả những điều ấy đều xảy đến hôm nay, thật thế. – Nàng lại thủ thỉ. – Tại sao thấy anh đến tôi lại vui sướng như thế, chính tôi cũng không biết nữa, Aliosa ạ. Anh có hỏi, tôi cũng không biết!
– Cô không biết tại sao cô vui sướng à? – Rakitin nhếch mép cười – Trước đây cớ gì cô cứ nài tôi: dẫn anh ấy đến đi, tôi có mục đích riêng.
– Trước đây tôi có mục đích khác, bây giờ thì thôi rồi, không phải lúc nữa rồi. Tôi sẽ thết đãi các anh, thế đấy. Bây giờ tôi trở nên tốt bụng. Rakitin ạ. Anh ngồi xuống đi. Rakitin, đứng làm gì? Anh đã ngồi rồi ư? Ai chứ Rakitin thì không quên bản thân mình đâu. Aliosa ạ, bây giờ anh ta đang ngồi trước mặt chúng ta, vậy mà còn bực bội là làm sao, tôi không mời anh ta ngồi trước khi mời anh. Rakitin, tôi dễ mếch lòng lắm, đến là dễ mếch lòng! – Grusenka bật cười. – Đừng cáu. Rakitin, lúc này tôi hiền thôi mà. Sao anh nom buồn thế, Aliosa, hay anh sợ tôi? – Nàng nhìn vào mắt anh với vẻ giễu cợt vui vẻ.
– Anh ấy đang có sự đau xót. Không được thăng bậc.
– Cấp bậc gì?
– Trưởng lão của anh ấy bốc mùi khó ngửi.
– Bốc mùi sao kia? Anh định nói chuyện vớ vẩn, nhảm nhí gì vậy.… Im đi, đồ ngốc. Aliosa, cho tôi ngồi lên đùi anh nào, thế! – Nàng tức khắc nhỏm người và vừa cười vừa ngồi tót lên đùi Aliosa, như con mèo nũng nịu, tay phải âu yếm choàng lấy cổ anh. – Tôi sẽ làm anh vui thú, anh chàng ngoan đạo của tôi ạ! Ồ không, anh cho phép tôi ngồi trên đùi anh mà không giận thực ư? Anh bảo một câu là tôi nhảy xuống ngay.
Aliosa lặng thinh. Anh ngồi không dám động đậy, anh nghe thấy lời Grusenka nói: “Anh bảo một câu là tôi nhảy xuống ngay”, nhưng anh không trả lời, như chết lặng đi. Nhưng anh không có cái cảm giác mà Rakitin chờ đợi và tưởng tượng ra cho anh trong lúc này: anh ta ngồi ở chỗ của mình hau háu nhìn bằng con mắt dâm đãng. Nỗi đau xót ghê gớm trong tâm hồn nuốt chửng mọi cảm giác có thể nảy sinh trong tâm khảm Aliosa, và nếu như lúc này anh có thể hoàn toàn hiểu rõ mình thì hẳn anh sẽ đoán ra rằng anh được bọc một lớp giáp sắt hết sức vững chắc chống lại mọi sự cám dỗ. Tuy nhiên, mặc dù lúc này tâm hồn anh đang rối loạn đến tê dại và trong lòng hết sức đau xót, bất giác anh vẫn ngạc nhiên về một cảm giác mới mẻ kỳ lạ: người phụ nữ này, người phụ nữ “đáng sợ” này bây giờ chẳng những không làm anh sợ như trước, nỗi sợ nảy sinh trong anh trước đây mỗi khi tơ tưởng đến phụ nữ, nếu như một mơ ước như thế thoáng hiện trong tâm hồn anh, nhưng trái lại, người phụ nữ này, mà anh sợ hơn hết thảy, đang ngồi trên đùi anh và ôm anh, bây giờ bỗng nhiên lại khơi dậy trong anh một tình cảm hoàn toàn khác, bất ngờ và đặc biệt, một cảm giác tò mò hơi lạ thường, hết sức mãnh liệt và chân tình đối với nàng, và không một chút sợ hãi, không một chút kinh hoàng như trước kia, đấy là điều quan trọng nhất bất giác làm anh ngạc nhiên.
– Thôi chuyện trò nhăng nhít thế đủ rồi. – Rakitin lớn tiếng nói. – Đưa sâm banh ra đây thì hơn, cô nợ tôi đấy, cô thừa biết đi rồi!
– Đúng là tôi nợ anh, Aliosa ạ, tôi có hứa rằng nếu anh ta rủ được anh đến thì ngoài mọi cái khác ra, tôi sẽ khao sâm banh. Ừ, thì sâm banh, tôi cũng sẽ uống! Fenia, Fenia, đưa sâm banh ra đây lấy cái chai Mitia để lại ấy, chạy nhanh lên. Tôi tuy bủn xỉn, nhưng cũng bỏ ra một chai không phải để mừng Rakitin đâu, anh là cây nấm, còn Aliosa là ông hoàng! Tuy bây giờ tôi chẳng bụng dạ đâu nghĩ đến chuyện ấy, nhưng thôi được, tôi sẽ uống với các anh, tôi muốn phá phách một chầu!
– Cô nói “lúc này” là thế nào, “tin” gì vậy, có bí mật không đấy? – Rakitin lại tò mò chêm lời, cố làm ra vẻ không để ý gì đến những lời châm chọc tới tấp phóng vào anh ta.
– Ồ chẳng phải là điều bí mật, chính anh cũng biết đấy, – Grusenka nói với vẻ lo ngại, quay đầu về phía Rakitin và hơi ngã người tách khỏi Aliosa, tuy vẫn ngồi trên đùi anh, một tay quàng cổ anh. – Chàng sĩ quan trở về, Rakitin ạ, chàng sĩ quan của tôi trở về.
– Tôi có nghe nói, nhưng đã về gần đến thế rồi kia à?
– Hiện giờ ở Mokroe và sẽ báo tin đến đây ngay, anh ấy đã viết thư cho tôi, tôi vừa nhận được ban nãy. Tôi đang chờ tin đây.
– Lạy Chúa! Sao lại ở Mokroe?
– Kể thì dài lắm, mà thôi miễn anh đi!
– Bây giờ thì sầu cho Mitenka! Anh ta có biết không?
– Biết thế nào được! Chẳng biết tí gì! Biết thì anh ấy giết. Nhưng bây giờ tôi cũng chẳng sợ gì nữa, bây giờ tôi không sợ mũi dao của anh ấy. Im đi. Rakitka, đừng nhắc đến Dmitri Fedorovich: anh ấy làm tan nát trái tim tôi. Lúc này tôi không muốn nghĩ gì đến chuyện ấy. Nhưng tôi có thể nghĩ tới Aliosa, tôi đang nhìn Aliosa đây này… Mỉm cười với tôi đi, bạn thân yêu, vui lên đi, hãy mỉm cười đi về sự ngu ngốc của tôi, về niềm vui sướng của tôi… Anh ấy mỉm cười rồi! Mỉm cười rồi! Anh ấy nhìn mới âu yếm làm sao. Anh Aliosa ạ, tôi vẫn cứ tưởng anh giận tôi về chuyện xảy ra hôm kia với cô tiểu thư ấy. Tôi là đồ chó má, thế đấy… Có điều như thế vẫn là hay. Bất kể như thế là xấu hay tốt – Grusenka bỗng nhếch mép cười, và một nét tàn bạo thoáng hiện trong nụ cười của nàng. – Mitia kể lại với tôi rằng cô ả gào lên: “Phải cho nó ăn đòn!”. Tôi đã chọc cô ta một vố điếng người. Cô ta mời tôi đến vì muốn thắng tôi, định phỉnh tôi bằng một miếng sôcôla… Không, như vậy tốt thôi. – Nàng lại mỉm cười – Thế mà tôi vẫn cứ sợ anh giận tôi.
– Mà có thế thật. – Rakitin chen vào, ngạc nhiên thật sự. – Aliosa ạ, hoá ra cô ta sợ anh thật đấy, mặc dù anh chỉ là chú gà con, với anh thì anh ấy mới là chú gà con, Rakitin ạ… bởi vì anh không có lương tâm, thế đấy! Còn tôi, anh biết không, tôi yêu anh ấy bằng tâm hồn, thế đấy! Aliosa, anh có tin là tôi yêu anh bằng tất cả tâm hồn không?
– Cô là đồ trơ trẽn! Cô ta tỏ tình với anh đấy, Alecxei ạ!
– Thì sao, tôi yêu anh ấy đấy.
– Thế còn anh chàng sĩ quan? Thế còn cái tin báu ngọc từ Mokroe?
– Chuyện ấy khác, chuyện này khác.
– Đúng là miệng lưỡi đàn bà!
– Đừng chọc tức, Rakitin, – Grusenka sôi nổi đáp, – việc ấy khác việc này khác. Tôi yêu Aliosa một cách khác. Của đáng tội, Aliosa ạ, trước đây tôi có một ý định ranh ma với anh. Tôi là đứa hèn hạ, cuồng bạo thật, nhưng có những lúc tôi coi anh là lương tâm của tôi, Aliosa ạ. Tôi vẫn cứ nghĩ: “Ta là một đứa xấu xa, con người như thế hẳn phải khinh bỉ ta”. Hôm kia, khi từ nhà cô ả chạy về đây, tôi nghĩ như thế. Tôi đã để ý đến anh từ lâu, Aliosa ạ, Mitia cũng biết, tôi đã nói với anh ấy. Mitia thì anh ấy hiểu. Anh có tin không chứ, Aliosa ạ, quả thật là đôi khi nhìn anh tôi thấy xấu hổ, tôi xấu hổ về bản thân tôi… Tại sao tôi cứ nghĩ đến anh và từ bao giờ, tôi không biết và không nhớ…
Fenia vào, đặt lên bàn chiếc khay có chai rượu đã mở nút và ba cốc đã rót rượu.
– Sâm banh đây rồi! – Rakitin reo lên. – Cô xúc động và mất bình tĩnh, Agrafena Alecxandrovna ạ. Cô uống một cốc rồi sẽ khiêu vũ cho mà xem. Chà-chà, có cái việc này mà bọn họ cũng không biết làm, – anh ta nhìn chỗ sâm banh, nói thêm, – bà già rót sẵn rượu ở bếp, chai thì mở nút, rượu lại ấm nữa chứ. Nào thôi, uống tạm đi vậy.
Anh ta tới gần bàn, cầm lấy cái cốc, uống cạn một hơi và tự rót cho mình cốc nữa.
– Mấy khi được thưởng thức sâm banh, – anh ta vừa liếm mép vừa nói, – nào, Aliosa, cầm lấy cốc đi, ra mặt tài trai đi chứ.
– Chúng ta uống mừng cái gì nhỉ? Mừng cổng thiên đàng ư? Cầm cốc lên, Grusa, cô cũng uống mừng cổng thiên đàng đi!
– Cổng thiên đàng nào kia?
Nàng cầm cốc. Aliosa cầm lấy cốc của mình nhắp một ngụm, rồi đặt xuống.
– Không, tôi không uống thì hơn! – Anh mỉm cười hiền lành.
– Thế mà đã huênh hoang! – Rakitin quát lên.
– Nếu vậy thì tôi cũng không uống, – Grusenka nói, – mà tôi cũng chẳng muốn uống kia. Uống đi, Rakitin, một mình uống hết cả chai đi. Aliosa có uống thì tôi mới uống.
– Bắt đầu làm nũng rồi đấy! – Rakitin trêu chọc. – Mà nàng vẫn ngồi trên đùi chàng kia mà! Anh ta đang đau xót, còn cô thì có sao đâu? Anh ta nổi loạn chống lại Chúa Trời của mình, định chén xúc xích…
– Sao lại thế?
– Trưởng lão chết hôm nay, trưởng lão Zoxima, một vị thánh.
– Trưởng lão Zoxima chết rồi! – Grusenka kêu lên. – Trời ơi, thế mà tôi không biết! – Nàng sùng kính làm dấu. – Trời ơi, thế mà tôi đang làm gì đây, tôi ngồi trên lòng anh ấy!
Nàng bỗng bật dậy như sợ hãi, từ trên đùi Aliosa nhảy ngay xuống, đến ngồi xuống đi văng. Aliosa ngạc nhiên nhìn nàng một lúc lâu, gương mặt anh dường như sáng lên.
– Rakitin, – anh bỗng nói to và cương quyết, – đừng trêu chọc tôi bảo tôi nổi loạn chống lại Chúa Trời của tôi. Tôi không muốn gây thù oán gì với anh, vậy anh cũng nên tốt bụng hơn mới phải. Tôi đã mất một của báu mà anh chưa bao giờ có, vì thế bây giờ anh không thể phán xét tôi được. Tốt hơn hết là hãy nhìn chị ấy đây này: anh có thấy chị ấy thương tôi như thế nào không? Tôi đến đây tìm một tâm hồn độc ác, nhưng tôi tìm thấy người chị chân tình, một tâm hồn biết yêu… Bây giờ chị ấy thương tôi, Agrafena Alecxandrovna, tôi nói về chị đấy. Giờ đây chị đã vực dậy tâm hồn tôi.
Môi Aliosa run run, hơi thở nghẹn lại. Anh ngừng lời.
– Làm như cô ấy đã cứu anh không bằng! – Rakitin cất tiếng cười hằn học. – Vậy mà cô ấy muốn ăn tươi nuốt sống anh đấy, anh có biết thế không?
– Thôi đi, Rakitin! – Grusenka bỗng bật dậy. – Cả hai anh đều im đi. Bây giờ tôi sẽ nói hết: Aliosa, anh đừng nói nữa, bởi vì lời anh nói làm tôi xấu hổ, bởi vì tôi độc ác, chứ không phải tốt bụng, tôi thế đấy. Còn anh, Rakitin, anh im đi, bởi vì anh nói dối. Đúng là tôi đã có ý định đê mạt, tôi muốn ăn tươi nuốt sống anh ấy, còn bây giờ thì anh nói dối, bây giờ hoàn toàn không phải thế… tôi không muốn nghe anh nói gì nữa, Rakitin ạ! – Tất cả những điều đó Grusenka nói với vẻ xúc động lạ thường.
– Cả hai đều nổi điên! – Rakitin rít lên ngạc nhiên nhìn cả hai người, – như những kẻ loạn trí, cứ như thể ta lọt vào một nhà điên. Họ làm cho nhau mủi lòng, họ sẽ oà khóc bây giờ đây!
– Tôi sẽ khóc, tôi sẽ khóc! – Grusenka lẩm bẩm. – Anh ấy gọi tôi là chị, tôi sẽ không bao giờ quên điều đó! Có điều là, Rakitin ạ, tôi hay độc ác nhưng đã có lần tôi cho người khác một nhánh hành.
– Nhánh hành nào kia? Hừ, quái quỷ, đúng là anh ấy loạn trí rồi!
Rakitin ngạc nhiên thấy hai người hoan hỉ và anh ta bực tức, đáng ra anh ta có thể hiểu được rằng đối với cả hai người này, tất cả những gì có thể làm rung động tâm hồn họ đều trùng khớp nhau, điều không mấy khi xảy ra trong đời. Nhưng Rakitin vốn rất nhạy với tất cả những gì đụng chạm đến anh ta, lại rất thô bạo khi hiểu tình cảm và cảm giác của người khác, một phần vì tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, một phần vì anh ta hết sức ích kỷ.
– Này Aliosa thân mến ạ, – Grusenka bỗng phá lên cười một cách nóng nảy, nói với Aliosa, – ấy là tôi đã khoe với Rakitin là tôi đã từng cho một nhánh hành, nhưng với anh thì tôi không khoe khoang đâu, tôi kể với anh nhằm một mục đích khác. Đấy chỉ là một chuyện ngụ ngôn, nhưng là một chuyện ngụ ngôn hay, hồi còn bé tôi đã được Matriona kể cho nghe, Matriona là người nấu bếp cho tôi bây giờ ấy mà. Chuyện thế này này: Ngày xưa có một người đàn bà cực kỳ độc ác. Mụ chết đi không để lại một đức tính tốt nào cả. Quỷ bắt mụ ném xuống hồ lửa. Vị thần hộ mệnh của mụ nghĩ mãi: phải nhớ ra một đức tính tốt của mụ để trình với Chúa Trời: mụ đã nhổ một nhánh hành trong vườn ra đem cho một phụ nữ hành khất. Chúa Trời phán truyền: hãy lấy chính nhánh hành ấy đưa cho mụ ở dưới hồ, bảo mụ bám lấy nếu ngươi kéo được mụ lên thì mụ được lên thiên đàng, nếu nhánh hành đứt thì mụ cứ ở đấy. Thần chạy đến chìa cho mụ nhánh hành: này, mụ kia, nắm lấy – thần nói. Và thần thận trọng kéo mụ lên và đã gần kéo hẳn được mụ lên bờ, nhưng những kẻ tội lỗi khác ở dưới hồ thấy mụ được kéo lên liền bám cả lấy mụ đề cùng được thoát nạn. Mụ đàn bà này độc ác vô cùng, mụ dùng chân đạp họ: “Thần kéo ta lên, chứ không kéo các người, nhánh hành của ta chứ không phải của các người”. Mụ vừa nói câu đó thì nhánh hành đứt liền. Mụ rơi tõm xuống hồ và bị lửa thiêu đến tận bây giờ. Thần khóc và bỏ đi. Câu chuyện ngụ ngôn ấy như thế đấy Aliosa ạ, hãy ghi lòng tạc dạ, vì tôi chính là mụ đàn bà cực kỳ độc ác ấy. Tôi khoe với Rakitin rằng tôi đã có một nhánh hành, còn với anh thì tôi sẽ nói khác: cả đời tôi chỉ cho được có một nhánh hành, tất cả đức hạnh của tôi chỉ có thế.
Vậy thì anh đừng có khen tôi, Aliosa ạ, đừng cho là tôi tốt bụng, tôi độc ác độc ác hết sức, anh mà khen tôi là làm cho tôi xấu hổ đấy. Thôi được, tôi sẽ thú nhận hết. Anh nghe đây, Aliosa: tôi rất mong nhử được anh đến đây và đã nài Rakitin, hứa trả cho anh ta hai mươi nhăm rúp nếu anh ta lôi được anh đến. Khoan, Rakitin, đợi đấy! Nàng bước nhanh đến gần bàn, mở ngăn kéo, lấy ví tiền, rút ra tờ hai mươi nhăm rúp.
– Tầm bậy! Quá ư tầm bậy! – Rakitin sững sờ, kêu lên.
– Cầm lấy đi, Rakitin, xong nợ nhé, chắc là anh không khước từ đâu, chính anh đòi hỏi kia mà. – Và nàng quẳng cho anh ta tờ giấy bạc.
– Tội gì mà không lấy, – Rakitin nói bằng giọng trầm lặng, rõ ràng là ngượng ngập, nhưng vẫn làm ra bộ hiên ngang để che giấu sự hổ thẹn, – sẽ có ích cho chúng ta, đời có những đứa ngu ngốc chỉ là để làm lợi cho người thông minh.
– Còn bây giờ thì anh im đi, Rakitin, tất cả những điều tôi sắp nói bây giờ không phải để cho lỗ tai anh đâu. Ngồi vào góc này và im mồm đi, anh không yêu chúng tôi, thế thì im đi.
– Cớ gì tôi phải yêu các người kia chứ? – Rakitin cằn nhằn, không che giấu sự hằn học. Anh ta nhét tờ hai mươi nhăm rúp vào túi hết sức sạn mặt với Aliosa. Anh ta trù tính sẽ lấy tiền công sau này, như thế Aliosa sẽ không biết gì, bây giờ vì xấu hổ mà anh ta tức giận. Cho đến lúc này anh ta vẫn thấy rằng khôn nhất là đừng cãi lại Grusenka, mặc dù tất cả những lời châm chọc của nàng, vì nàng vẫn có một quyền lực nào đó đối với anh ta. Nhưng bây giờ thì anh ta cáu:
– Vì lẽ gì mà yêu các người kia chứ, cả hai anh chị đã làm gì cho tôi?
– Yêu là yêu thế thôi, như Aliosa đây này.
– Anh ta yêu cô như thế nào và đã có gì chứng tỏ rằng anh ta luôn luôn nghĩ đến cô?
Grusenka đứng giữa phòng, nói một cách hăm hở, giọng phấn khích như loạn thần kinh:
– Anh im đi, Rakitin, anh không hiểu gì về chúng tôi đâu! Và không được gọi tôi bằng cô, tôi không cho phép, sao anh dám cả gan như thế! Ngồi vào góc kia và im đi, như thằng hầu của tôi ấy. Còn bây giờ, Aliosa ạ, tôi sẽ nói hết sự thật chỉ với anh thôi, để anh thấy tôi là đồ súc sinh như thế nào! Tôi không nói với Rakitin đâu, mà nói với anh đấy. Tôi muốn làm hại đời anh, Aliosa ạ, đấy là một sự thật lớn lao, tôi đã quyết như thế. Ý muốn ấy của tôi mạnh mẽ đến nỗi tôi đã bỏ tiền ra mua Rakitin để anh ta đưa anh đến đây. Vì sao tôi muốn như thế? Aliosa ạ, anh chẳng biết gì hết, thấy tôi anh quay mặt đi, khi đi qua gần tôi, anh gằm mặt xuống, còn tôi thì trước đó tôi đã nhìn anh một trăm lần, tôi đã hỏi mọi người về anh. Gương mặt anh khắc sâu trong tim tôi: “Anh ta khinh mình, tôi nghĩ, thậm chí anh ta không buồn nhìn mình”. Cuối cùng chính tôi cảm thấy ngạc nhiên về bản thân tôi: vì sao ta sợ chú bé này?
Ta sẽ ăn tươi nuốt sống gã và cười vui thoả thích. Tôi tức tối lắm, điều này chẳng biết anh có tin không: Ở đây không ai dám nói và nghĩ tới chuyện đến Agrafena Alecxandrovna để bờm xơm giăng gió, tôi chỉ có ông già ấy thôi, tôi bị ràng buộc với ông ta và bán mình cho ông ta, quỷ Sa tăng buộc chúng tôi có duyên nợ với nhau, ngoài ra không còn ai khác. Nhìn anh, tôi quyết định: ta sẽ nuốt sống anh chàng này. Sẽ nuốt sống và cười thoả thích. Anh thấy đấy, tôi là con chó dữ, vậy mà anh gọi tôi bằng chị! Bây giờ thì người đàn ông mà tôi oán hận đã về, bây giờ tôi ngồi đợi tin. Anh có biết người đó đã gây cho tôi nỗi oán hận như thế nào không? Năm năm trước Kuzma đã đưa tôi về đây, tôi chỉ ngồi lì một chỗ, tránh mặt mọi người, để không ai nhìn thấy tôi và nghe tiếng tôi, tôi khẳng khoeo, ngốc nghếch, chỉ ngồi khóc, suốt nhiều đêm không ngủ, tôi nghĩ: “Bây giờ anh ta ở đâu, anh chàng đã gây cho tôi nỗi oán hận ấy? Hẳn là bây giờ anh ta đang cùng ả khác chế nhạo tôi, tôi nghĩ, miễn là có lúc gặp được anh ta: tôi sẽ trả thù anh ta, trả thù ghê gớm!”. Ban đêm tôi úp mặt vào gối khóc nức nở và cứ nghĩ mãi về chuyện ấy, tôi cố tình vò xé trái tim tôi, gặm nhấm mối căm giận anh ta cho nguôi nỗi lòng: “Ta sẽ trả thù anh ta, sẽ trả thù thật ghê gớm!”. Đôi khi tôi thét lên như vậy trong bóng tối. Cứ chợt nhớ lại rằng tôi chẳng làm gì anh ta mà bây giờ anh ta chế nhạo tôi, và có lẽ đã quên hẳn tôi, không còn nhớ gì đến tôi nữa là tôi từ trên giường, nhảy xuống sàn, nước mắt chan hoà vì cảm thấy mình bất lực, run lên bần bật cho đến rạng sáng. Buổi sáng trở dậy, tôi càng như con chó dữ, tôi sẵn lòng nuốt tươi cả thế giới. Rồi sau đó, anh biết không: tôi bắt đầu dành dụm một số vốn, tôi đâm ra tàn nhẫn, thân hình đẫy ra, chắc anh tưởng tôi đã khôn lên chứ gì? Ồ không, điều này cả vũ trụ không ai nhìn thấy và biết được: khi bóng đêm buông xuống, vẫn như một con nhóc năm năm về trước, đôi khi tôi nằm nghiến răng suốt đêm: “Ta sẽ trả thù gã, ta sẽ trả thù gã, – tôi nghĩ”. Anh có nghe tôi nói không đấy? Vậy thì bây giờ anh hiểu tôi: một tháng trước đột nhiên tôi nhận được lá thư: anh đã goá vợ, anh ta về đây, muốn gặp tôi. Lúc ấy tôi nghẹt thở, trời ơi, và tôi bỗng nghĩ: anh ta đến, huýt một tiếng sáo gọi tôi và tôi sẽ như con chó con bò lết đến với anh ta, con chó bị đánh, biết lỗi. Tôi nghĩ điều đó và không tin mình nữa: “Ta có phải là kẻ đê hèn hay không, ta có chạy đến với gã không”. Suốt tuần nay tôi tự giận mình ghê gớm, còn tức giận hơn cả năm năm trước. Bây giờ, Aliosa ơi, anh có thấy tôi dữ tợn, điên ruột như thế nào không, tôi nói hết sự thật với anh rồi đấy! Tôi giỡn Mitia để khỏi chạy đến đây.
Im đi, Rakitin, không phải anh có quyền phán xét tôi, tôi không nói với anh. Trước khi các anh đến, tôi nằm đây chờ đợi, nghĩ ngợi, quyết định số phận của mình, và không bao giờ các anh biết được tâm tình tôi lúc ấy thế nào. Không, Aliosa, hãy nói với cô tiểu thư ấy đừng tức giận về chuyện hôm kia… Cả thế gian không ai biết được lúc này tôi thế nào và không thể biết được… Có lẽ hôm nay tôi sẽ mang theo con dao, tôi vẫn chưa quyết định…
Nói ra điều “ai oán” ấy, Grusenka không nén lòng được, không nói hết lời đã đưa hai tay lên bưng mặt, gieo mình xuống đi văng, úp mặt vào gối khóc nức nở như trẻ nhỏ. Aliosa đứng dậy và đến gần Rakitin.
– Misa, – anh nói – đừng giận. Chị ấy xúc phạm anh, nhưng đừng giận. Anh có nghe chị ấy nói đấy chứ? Không thể đòi hỏi quá nhiều ở con người, phải nhân từ hơn…
Aliosa nói điều đó trong tâm trạng kích động không sao kìm nén được. Anh cần nói ra lời và anh nói với Rakitin. Nếu như không có Rakitin, anh sẽ kêu lên một mình. Nhưng Rakitin nhìn với vẻ giễu cợt, và Aliosa bỗng ngừng lại.
Đấy là vì ban nãy người ta đã làm cho đầu óc anh đầy ắp trưởng lão của anh và bây giờ anh phóng trưởng lão của anh vào tôi, Aliosa người của Chúa ạ. – Rakitin nói, mỉm cười căm hờn.
– Đừng chế nhạo, Rakitin, đừng giễu cợt khi nói về người quá cố: Cha cao cả hơn tất cả mọi người trên trái đất này!
– Aliosa la lên, giọng nghe như khóc. Tôi nói với anh không phải như một phán quan xét xử anh, mà như một bị cáo hèn hạ nhất. Tôi là gì trước chị ấy? Tôi đến đây để tự huỷ hoại mình và nói: “Thôi được mặc!”, là vì tôi hèn nhát, còn chị ấy đau khổ suốt năm năm, thế mà một người vừa đến nói với chị ấy một lời thành thật, chị ấy đã tha thứ hết, quên hết và khóc! Người gây cho chị ấy mối hận lòng đã trở lại, gọi chị ấy, và chị ấy tha thứ hết cho anh ta, vui sướng mau mau đến với anh ta, chị ấy sẽ không mang theo con dao đâu, không mang đâu! Không, tôi không cao cả được như thế! Tôi không biết anh có được như thế không, Misa ạ, nhưng tôi thì không! Hôm nay tôi vừa thâu nhận được bài học ấy. Chị ấy cao hơn chúng ta và có tình yêu… Trước đây anh có từng được nghe những gì chị ấy vừa kể với chúng ta không? Không, chưa từng được nghe; nếu được nghe thì anh đã hiểu hết từ lâu rồi cả người phụ nữ bị xúc phạm hôm nọ cũng sẽ tha thứ cho chị ấy! Người phụ nữ ấy sẽ tha thứ, nếu nàng biết chuyện… và nàng sẽ biết… Tâm hồn ấy vẫn chưa nguôi dịu, cần nương nhẹ nó… và trong tâm hồn ấy có lẽ tiềm tàng một kho báu…
Aliosa im tiếng, bởi vì anh nghẹn thở. Rakitin, mặc dù tức giận tràn hông, cũng ngạc nhiên trân mắt nhìn. Anh ta không ngờ Aliosa hiền lành lại tuôn ra một tràng như vậy.
– Một trạng sư mới ra mắt! Anh mê cô ta chăng? Phải, ông thầy tu của chúng ta quả thực đã mê cô, cô thắng rồi! – Anh ta gào lên, cất tiếng cười trơ trẽn.
Grusenka cất đầu khỏi gối, nhìn Aliosa với nụ cười cảm kích ngời sáng trên khuôn mặt bỗng nhiên húp lên vì khóc.
– Mặc anh ta, Aliosa ạ, anh là thiên thần của tôi, anh biết anh ta thế nào rồi đấy, nói với anh ta làm gì, Mikhail Oxipovich ạ, – nàng nói với Rakitin, – tôi muốn xin lỗi vì đã mắng mỏ anh, nhưng bây giờ tôi lại không muốn nữa.
Anh Aliosa, đến đây với tôi, ngồi xuống đây, anh hãy nói cho tôi biết (nàng lại cầm tay Aliosa, mỉm cười và nhìn vào mắt anh), anh hãy nói với tôi đi: tôi có yêu người đó không? Tôi có yêu con người phụ bạc ấy không? Trước khi anh đến đây, tôi nằm trong bóng tối, luôn luôn chất vấn trái tim mình: ta có yêu người ấy không? Anh giải đáp cho tôi đi.
Aliosa, đã đến lúc rồi; anh định thế nào thì sẽ nên thế. Tôi có nên tha thứ cho anh ta không?
– Chị đã tha thứ rồi còn gì? – Aliosa mỉm cười nói.
– Quả thật là tôi đã tha thứ. – Grusenka trầm ngâm thốt lên. – Một trái tim hèn hạ biết bao! Mừng cho trái tim hèn hạ của tôi! – Nàng bỗng chộp lấy cốc rượu trên bàn, uống một hơi, rồi thẳng tay ném xuống sàn. Chiếc cốc vỡ tan, tiếng loảng xoảng dội lên.
Một nét tàn bạo thoáng hiện trong nụ cười của nàng.
– Mà có lẽ tôi chưa tha thứ đâu, – nàng bỗng nói bằng giọng dậm doạ, mắt gằm xuống đất, như thể tự nói với mình.
– Có lẽ trái tim chỉ mới có ý định tha thứ. Tôi sẽ còn chống cưỡng lại con tim. Anh Aliosa ạ, tôi quá yêu những giọt lệ năm năm qua của tôi… Có lẽ tôi chỉ yêu nỗi oán giận của tôi, chứ không phải là yêu anh ta!
– Tôi không muốn ở địa vị anh ta tí nào! – Rakitin lầu bầu.
– Anh sẽ không bao giờ được ở địa vị như anh ta đâu, Rakitin ạ. Anh sẽ khâu giầy cho tôi, Rakitin, tôi sẽ dùng anh vào việc như thế, người phụ nữ như tôi không bao giờ cái ngữ anh hòng mong được đâu… Mà ngay cả anh ta có lẽ cũng không hòng…
– Anh chàng kia ấy ư? Thế thì cô diện ngất như thế để làm gì? – Rakitin châm chọc cay độc.
– Đừng chê trách tôi mặc đẹp, Rakitin, anh chưa biết hết nỗi lòng tôi đâu! Nếu tôi muốn, tôi sẽ vứt bỏ bộ cánh này, bỏ ngay lúc này. – Nàng quát lên, giọng sang sảng. – Anh không biết bộ cánh này để làm gì đâu, Rakitin! Có thể tôi sẽ đến gặp anh ta và nói: “Anh đã thấy tôi như thế này bao giờ chưa?”. Khi anh ta bỏ tôi, tôi chỉ là một con bé mười bảy tuổi, khẳng khiu, ốm o, hay khóc mà. Tôi sẽ đến ngồi sát vào anh ta, quyến rũ anh ta, khơi bùng lên ngọn lửa tình trong anh ta: “Anh thấy bây giờ tôi như thế nào rồi đấy, – tôi sẽ nói, – thôi, chịu suông tình suông vậy nhé, tôn ông của tôi ơi, của ngon không đến miệng ngài đâu!” Có lẽ bộ cánh này là để dùng vào việc ấy đấy, Rakitin ạ. – Grusenka kết thúc với tiếng cười hằn học. – Tôi là kẻ dữ dội, cuồng bạo, Aliosa ạ. Tôi sẽ vứt bỏ bộ cánh đẹp, tôi sẽ huỷ hoại bản thân, huỷ hoại sắc đẹp, tôi sẽ đốt cháy mặt, dùng dao rạch mặt, rồi sẽ đi ăn xin. Nếu tôi muốn, bây giờ tôi sẽ không đến với ai hết, nếu tôi muốn thì ngày mai tôi có thể gửi trả Kuzma tất cả những gì ông ta tặng tôi, tất cả tiền nong của ông ta, còn tôi sẽ suốt đời đi làm thuê công nhật… Anh nghĩ rằng tôi sẽ không làm như thế, không dám làm như thế phải không, Rakitin? Tôi sẽ làm, tôi sẽ làm, tôi có thể làm ngay bây giờ, miễn là đừng chọc tức tôi còn anh chàng kia thì tôi sẽ đuổi cổ đi, gí nắm tay vào mũi hắn, hắn đừng hòng tơ màng gì đến tôi!
Mấy lời sau cùng nàng gào lên trong cơn thác loạn, nhưng rồi lại không nén lòng được, đưa hai tay lên bưng mặt, nhào xuống úp mặt vào gối và run lên trong tiếng nức nở. Rakitin đứng dậy.
– Về thôi, – anh ta nói, – muộn rồi, người ta sẽ không cho vào tu viện đâu.
Grusenka bỗng bật dậy.
– Anh về ư, Aliosa! – Nàng kêu lên, đầy vẻ ngạc nhiên chua xót – Anh đối xử với tôi như thế sao: anh làm xáo động tâm hồn tôi, giày vò nó, thế rồi đêm nay tôi vẫn chỉ trơ trọi một mình.
– Anh ta ngủ đêm ở nhà cô sao được? Nhưng nếu anh ta muốn thì tuỳ! Tôi về một mình! – Rakitin bỡn cợt cay độc.
– Im đi, kẻ tâm địa độc ác, – Grusenka cuồng nộ quái lên. – Chưa bao giờ anh nói được với tôi những lời như anh ấy vừa nói.
– Anh ta đã nói gì đặc biệt với cô nào? – Rakitin làu nhàu vẻ cáu kỉnh.
– Tôi không biết, tôi không rõ, tôi chẳng rõ anh ấy đã nói với tôi điều gì khác thường, nhưng trái tim tôi rung động, anh ấy đã làm đảo lộn trái tim tôi… Anh ấy là người đầu tiên, người duy nhất thương tôi, thế đấy! Thiên thần của tôi ơi, sao trước đây anh không đến, – nàng bỗng quỳ thụp trước Aliosa, như trong cơn thác loạn, suốt đời tôi chờ mong một người như anh, tôi biết rằng một người như thế sẽ đến và tha thứ cho tôi. Tôi biết sẽ có một người nào đó yêu tôi, dù tôi là đứa con gái nhơ nhuốc, yêu tôi không phải vì sự ô nhục của tôi.
– Tôi đã làm được điều gì đáng kể cho chị đâu? – Aliosa mỉm cười cảm động, trả lời, cúi xuống gần nàng và dịu dàng cầm tay nàng. – tôi đã cho một nhánh hành, một nhánh hành nhỏ xíu, chỉ thế thôi, chỉ thế thôi…
Nói xong, anh bật khóc. Đúng lúc ấy ở phòng ngoài có tiếng ồn ào, có người nào vào nhà. Grusenka chồm dậy, như trong cơn sợ hãi khủng khiếp. Fenia sầm sập chạy vào, reo lên:
– Thưa cô cô yêu quý ơi, người đưa tin đã đến! – Cô hầu reo lên vui vẻ, thở hồng hộc. – Có xe ngựa từ Mokroe đến đón cô, Timofei đánh cỗ xe tam mã, họ sẽ đổi ngựa ngay bây giờ… Có thư, thư, thưa cô, thư đây này!
Cô bé cầm lá thư, vừa reo vừa vung lên. Grusenka giằng lấy lá thư và đem lại gần cây nến. Đấy chỉ là mẩu thư ngắn, có mấy dòng, nàng đọc xong trong nháy mắt.
– Anh ấy gọi! – Nàng la lên, mặt tái mét, méo xệch đi trong một nụ cười đau đớn, – anh ấy huýt sáo! Bò lết lại đây, con chó con!
Nhưng nàng chỉ lưỡng lự giây lát; bỗng nhiên máu dồn lên đầu và hai má nàng đỏ lựng.
– Tôi sẽ đi! – Nàng bỗng kêu lên. – Năm năm của tôi! Vĩnh biệt! Vĩnh biệt Aliosa, số phận đã định rồi… Các anh đi đi, đi đi, rời khỏi nhà tôi đi, để tôi khỏi nhìn thấy các anh nữa!… Grusenka đã bay vào cuộc đời mới… Anh cũng đừng để bụng oán giận tôi, Rakitin ạ. Có lẽ tôi đi đón cái chết! Ôi chao! Tôi như say rượu.
Nàng đột nhiên chạy vào phòng ngủ, bỏ mặc hai người.
– Hừ, bây giờ cô nàng thiết gì chúng ta nữa! – Rakitin càu nhàu – Ta đi đi, không thì tiếng la hét của đàn bà sẽ lập tức đập vào tai bây giờ, tôi chán ngấy nhưng tiếng la hét đầy nước mắt ấy lắm rồi…
Aliosa thẫn thờ để cho mình bị kéo đi. Ngoài sân có cỗ xe, người ta đang tháo ngựa, đi đi lại lại trong ánh sáng của cây đèn lồng, bận rộn ríu rít. Một cỗ xe tam mã mới được đưa vào cổng.
Nhưng Aliosa và Rakitin vừa xuống khỏi tam cấp thì cửa sổ buồng ngủ của Grusenka bỗng mở ra và nàng hét với theo Aliosa, giọng ngân vang:
– Aliosa thân mến, gửi anh lời chào Mitenka, nói với anh ấy đừng để bụng oán giận con bé độc ác này. Hãy nhắn hộ tôi nói với anh ấy rằng: “Grusenka đã về tay một thằng xỏ lá, chứ không thuộc về anh, một con người cao quý!”. Và hãy nói thêm rằng Grusenka đã yêu anh ấy trong một giờ, vẻn vẹn có một giờ thôi, nhưng từ nay anh ấy hãy nhớ suốt đời một giờ ấy, hãy bảo rằng Grusenka ra lệnh cho anh ấy nhớ suốt đời…
Nàng dứt lời, giọng đầy tiếng nức nở. Cửa sổ sập lại.
– Hừm! Hừm! – Rakitin vừa cười vừa lẩm bẩm. – Ả đã cắt cổ Mitenka mà lại còn ra lệnh cho anh ta phải nhớ suốt đời. Đúng là thú dữ!
Aliosa không trả lời gì cả, tuồng như không nghe thấy. Anh rảo bước đi cạnh Rakitin, như thể vội vã lắm. Anh dường như mê man, bước đi như cái máy. Rakitin bỗng cảm thấy đau buốt như thể có ai thọc ngón tay vào vết thương còn mới nguyên của anh ta. Vừa rồi, khi đưa Aliosa đến nhà Grusenka, anh ta không ngờ đâu như thế; sự thể hoàn toàn không đúng như anh ta hết sức mong muốn.
– Gã sĩ quan ấy của cô ta là người Ba Lan. – Anh ta nói, cố nén lòng. – Bây giờ gã hoàn toàn không phải là sĩ quan, mà là một viên chức thuế quan ở Sibir, tại một nơi nào vùng biên giới với Trung Quốc, thằng cha Ba Lan này hẳn là một gà hèn kém. Đâu như gã đã mất chỗ làm. Bây giờ gã nghe nói Grusenka đã có vốn tiếng, vì thế gã trở lại, tất cả phép lạ là ở đấy.
Aliosa lại như thể không nghe thấy, Rakitin không nén nổi nữa:
– Sao, anh đã làm cho một kẻ tội lỗi tin theo đạo rồi hả? – Rakitin cười với Aliosa một cách độc ác. – Anh đã làm cho một con điếm trở lại con đường chính đạo phải không? Anh đã đuổi được bảy con quỷ rồi chứ gì? – Thì ra những phép lạ mà chúng ta chờ đợi là thế, nó đã diễn ra!
– Thôi đi, Rakitin. – Lòng đầy đau khổ, Aliosa đáp.
– Bây giờ anh “khinh” tôi về chuyện hai mươi nhăm rúp ban nãy chứ gì? Mi đã bán người bạn chân chính, ý anh muốn nói thế. Nhưng anh không phải là Chúa Kito, còn tôi không phải là Juda.
– Ơ kìa, Rakitin, tôi cam đoan với anh rằng tôi đã quên chuyện ấy rồi. – Aliosa kêu lên. – Chính anh lại nhắc đến…
Nhưng Rakitin đã điên tiết lên:
– Quỷ xé xác tất cả các người đi! – Anh ta bỗng tru tréo lên. – Quái lạ, tôi lại dây vào với anh làm gì kia chứ! Từ nay trở đi tôi không thèm biết đến anh nữa. Anh đi một mình đi, con đường của anh đây này!
Anh ta quay ngoắt sang phố khác, bỏ mặc Aliosa một mình trong bóng tối. Aliosa ra khỏi thành phố, vượt qua cánh đồng về tu viện.