Anh em nhà Karamazov

Chương 4 – Thánh ca & bí mật
Trước
image
Chương 74
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
  • Chương 51
  • Chương 52
  • Chương 53
  • Chương 54
  • Chương 55
  • Chương 56
  • Chương 57
  • Chương 58
  • Chương 59
  • Chương 60
  • Chương 61
  • Chương 62
  • Chương 63
  • Chương 64
  • Chương 65
  • Chương 66
  • Chương 67
  • Chương 68
  • Chương 69
  • Chương 70
  • Chương 71
  • Chương 72
  • Chương 73
  • Chương 74
  • Chương 75
  • Chương 76
Tiếp

Khi Aliosa kéo chuông cổng nhà giam thì đã muộn lắm rồi (ngày tháng mười một ngắn ngủi lắm). Thậm chí đã bắt đầu tối.

Nhưng Aliosa biết rằng người ta sẽ cho anh vào gặp Mitia không gây khó dễ gì. Ở thành phố chúng tôi, sự việc cũng như ở mọi nơi khác. Mới đầu, sau khi làm xong việc điều tra sơ bộ, họ hàng và một số người khác vào thăm Mitia phải theo một số thủ tục cần thiết, nhưng về sau, chẳng những có sự nới lỏng, mà đối với một số người, ít ra là những người năng tới thăm Mitia, tự nhiên có những ngoại lệ. Thậm chí đôi khi trong cuộc gặp gỡ với kẻ bị giam trong căn phòng dành riêng cho việc đó người ta hầu như bỏ mặc cho họ nói chuyện tay đôi. Tuy nhiên, những người được biệt đãi như vậy rất ít: chỉ có Grusenka, Aliosa, và Rakitin. Với Grusenka thì viên cảnh sát Mikhail Makarovich dành ơn huệ đặc biệt. Ông ta ân hận vì đã quát tháo nàng ở Mokroe. Rồi khi đã biết thực chất của sự việc, ông ta thay đổi hẳn ý nghĩ về nàng. Một điều lạ lùng: tuy ông tin chắc là Mitia phạm tội, nhưng trong thời gian giam giữ chàng, ông ta đối với chàng ngày càng mềm mỏng hơn: “Có lẽ anh ta là người có tâm địa tốt nhưng vì nghiện rượu và sống bừa bãi, đâm ra hư hỏng!”. Trong lòng ông ta, sự khiếp sợ nhường chỗ cho sự thương hại.

Còn về Aliosa thì viên cảnh sát rất yêu anh và đã quen anh từ lâu. Rakitin về sau có thói quen rất năng đến thăm Mitia, trở thành một trong những người thân nhất của các “tiểu thư nhà ông cảnh sát”, như anh ta vẫn gọi họ, và hàng ngày anh ta vẫn lui tới với họ. Anh ta lại dạy học ở nhà ông quản ngục, một ông già tử tế, tuy rất cứng rắn trong công vụ. Aliosa lại quen biết ông quản ngục từ lâu, được biệt đãi, ông ta thích bàn luận với anh về “những điều bí hiểm”. Với Ivan Fedorovich thì ông già không phải chỉ là kính trọng, mà thậm chí còn sợ, chủ yếu là sợ những lý lẽ của anh, tuy bản thân ông là một triết gia lớn, tất nhiên là “bằng đầu óc của mình”. Nhưng với Aliosa, ông yêu mến lạ lùng. Năm gần đây, ông già chăm đọc ngụy Phúc âm và luôn luôn cho người bạn trẻ biết những cảm tưởng của mình. Trước đây ông vẫn đến tu viện gặp anh và nói chuyện hàng giờ với anh cũng như với các tu sĩ. Tóm lại, nếu Aliosa đến nhà giam muộn, anh chỉ việc ghé vào chỗ ông quản ngục là xong ngay. Hơn nữa mọi người lính canh ở nhà tù đều quen Aliosa. Người gác cố nhiên không e ngại gì, miễn là cấp trên cho phép.

Khi có người gọi, bao giờ Mitia cũng rời phòng giam của mình xuống chỗ gặp mặt. Vừa vào phòng, Aliosa chạm trán ngay với Rakitin đang từ giã Mitia. Cả hai đều nói to. Mitia tiễn anh ta, cười cái gì không rõ, còn Rakitin tuồng như càu nhàu. Đặc biệt thời gian gần đây, Rakitin không thích gặp Aliosa, hầu như không nói năng với anh, thậm chí chào hỏi anh một cách miễn cưỡng. Bây giờ thấy Aliosa vào, anh ta cau mày đưa mắt nhìn đi nơi khác, như bận cài cúc chiếc áo măng tô ấm cổ lông to rộng. Rồi anh ta lập tức tìm chiếc ô của mình.

– Không nên quên cái gì của mình! – Anh ta lầu bầu, chỉ cốt để nói điều gì.

– Chớ nên quên cả cái của người khác! – Mitia bông lơn và phá lên cười về câu đùa sắc sảo. Rakitin nổi nóng tức thì.

– Anh nên dành lời khuyên đó cho họ Karamazov nhà anh, những kẻ muốn bám lấy chế độ nông nô, chứ không phải là dành cho Rakitin! – Anh ta bỗng quát lên, giận run người.

– Anh sao thế. Tôi đùa đấy mà! – Mitia kêu lên. – Hừ, quái nhỉ! Tất cả bọn họ đều thế cả. – Chàng nói với Aliosa, hất đầu về phía Rakitin đang rảo bước ra nhanh. – Hắn ngồi đây mãi, cười nói vui vẻ, thế mà bỗng nhiên sục sôi lên! Thậm chí không gật đầu chào chú, như thể là xích mích lớn với chú. Sao chú đến muộn thế? Không phải là anh chờ mong chú nữa, mà khao khát chú suốt cả sáng nay. Nhưng thôi! Ta tranh thủ gỡ lại quãng thời gian đã mất.

– Anh ta năng đến anh lắm phải không? Anh chơi thân với anh ta phải không? – Aliosa nghiêng đầu về phía cửa Rakitin vừa đi ra.

– Chơi thân với Rakitin ấy à. Không, không hẳn thế. Mà thân với hắn thế nào được, cái đồ súc sinh ấy! Hắn cho tôi là… kẻ… đê hèn. Hắn không biết đùa, đấy là cái chính. Hắn không bao giờ biết đùa. Bọn này tâm hồn khô khan, tầm thường và khô khan, hệt như những bức tường nhà tù khi tôi mới đến đây và nhìn thấy lần đầu tiên. Nhưng hắn thông minh, hắn là kẻ thông minh. Này, Alecxei, bây giờ thì mất đầu đến nơi rồi!

Chàng ngồi xuống ghế và kéo Aliosa ngồi xuống bên cạnh.

– Phải, ngày mai tòa xử. Sao, thế anh không có chút hy vọng nào à? – Aliosa rụt rè hỏi.

– Chú nói về chuyện gì kia chứ? – Mitia nhìn em, cái nhìn vu vơ – A, chú nói về phiên tòa! Hừ, đồ quỷ! Nãy giờ chúng ta toàn nói nhảm chuyện vớ vẩn, toàn nói về phiên tòa, còn điều trọng yếu nhất thì tôi lại không nói với chú. Phải, ngày mai tòa xử, có điều anh nói về phiên tòa không phải là về chuyện mất đầu, mà là mất những cái nằm trong đầu kia. Tại sao chú nhìn anh với vẻ mặt phê phán như thế?

– Anh nói chuyện gì kia, Mitia?

– Ý tưởng, ý tưởng, thế đấy! Đậu đước học(1). Đậu đước học là gì?

– Đậu đước học? – Aliosa ngạc nhiên.

– Phải, một môn khoa học, nó là cái gì vậy?

– Vâng, có một môn khoa học như thế… nhưng… thú thật là lôi không thể giải thích cho anh rõ được.

– Rakitin biết, Rakitin biết nhiều lắm. Quỷ xé xác hắn đi! Hắn sẽ không đi tu đâu. Hắn định đi Peterburg. Hắn bảo rằng về đấy hắn là một cây bút phê bình, nhưng theo khuynh hướng cao thượng. Ừ được, hắn có thể giúp ích cho đời và công thành danh toại. Chà, bọn chúng rất thánh trên con đường công danh. Thây kệ cái đậu đước học! Anh đi đứt mất rồi. Alecxei ạ, chú là người của Chúa mà! Anh yêu chú hơn hết. Lòng anh đau quặn thương chú, thế đấy. Cac Becna là ai?

– Cac Becna à? – Aliosa lại ngạc nhiên.

– Không, không phải Cac, khoan, tôi nhầm: Clodo Becna. Đấy là cái gì! Hoá học chắc?
– Chắc là một nhà bác học. – Aliosa đáp. – Thú thật với anh, tôi cũng chẳng có thể nói gì nhiều về ông ta. Tôi chỉ nghe nói ông ta là nhà bác học, còn là nhà bác học gì thì tôi không biết.

– Quỷ tha ma bắt ông ta đi, tôi cũng không biết nốt. – Mitia giở giọng thô lỗ. – Một tên đê tiện nào đó, nhiều phần chắc như vậy tất cả bọn chúng đều là lũ đê tiện. Rakitin sẽ luồn lọt xoay xở. Rakitin sẽ tìm ra khe hở để luồn lọt, Becna cũng thế. A, những tên Becna! Chúng sinh sôi nảy nở nhung nhúc!

– Anh làm sao thế? – Aliosa hỏi với vẻ khẩn khoản.

– Hắn muốn viết về tôi, viết một bài về tôi, coi đó là bước đầu bước vào làng văn, chính hắn giải thích với tôi như thế. Đấy sẽ là một bài mang màu sắc xã hội chủ nghĩa. Quỷ tha ma bắt hắn đi, màu sắc gì thì màu sắc, tôi cóc cần.

Hắn không ưa chú Ivan, căm ghét chú ấy, hắn cũng không nương nhẹ cả chú nữa. Tôi không đuổi hắn đi, vì hắn là người thông minh. Nhưng rất tự cao tự dại. Ban nãy tôi bảo hắn: “Người của dòng họ Karamazov không phải là những kẻ đê tiện, mà là các triết gia, vì mọi người Nga chân chính đều là triết gia, anh tuy có học hành, nhưng không phải là triết gia, mà là thứ ròi bọ”. Hắn cười, cười một cách độc ác Tôi bảo hắn: de mưxbbux(2) non est disputandum(3), pha trò hay đấy chứ! Ít ra tôi cũng đã xộc vào lĩnh vực cổ điển, phải không? – Mitia bỗng cười rộ.

– Vì sao anh bảo là anh đi đứt! Anh vừa nói như thế phải không? – Aliosa ngắt lời.

– Vì sao đi đứt à! Hừm! Thực ra… xét chung toàn bộ thì tôi thương Chúa Trời!

– Thương Chúa Trời như thế nào?

– Chú thử tưởng tượng xem: trong đầu có dây thần kinh, trong não này có những dây thần kinh (cái thứ quái quỷ ấy!)… những dây thần kinh ấy có đuôi, hễ những đuôi ấy rung động… nghĩa là thế này này, tôi nhìn cái gì đó, thế là những cái đuôi ấy rung động… chúng rung động là hình ảnh xuất hiện, không phải xuất hiện, không phải xuất hiện ngay, mà là một khoảnh khắc nào đó, một giây sau, một thời cơ xuất hiện, không phải là một thời cơ, quỷ tha ma bắt nó đi, một hình ảnh, nghĩa là một đối tượng hay một sự biến, ờ quái quỷ, vì thế tôi chiêm nghiệm, rồi tôi suy nghĩ, bởi vì dây thần kinh có những cái đuôi, chứ hoàn toàn không phải vì tôi có tâm hồn, chứ không phải tôi là hình ảnh của ai và giống ai đó, tất cả những cái đó là chuyện dớ dẩn. Chú ạ, Rakitin hôm qua đã giải thích cho tôi điều đó tôi như phải bỏng. Khoa học thật là tuyệt diệu, Aliosa ạ! Rồi sẽ có con người, điều đó thì tôi hiểu… Dù sao tôi vẫn thương Chúa Trời!

– Thế thì tốt. – Aliosa nói.

– Thương Chúa Trời là tốt à? Hoá học, chú em ạ, hoá học! Chẳng làm gì được đâu, thưa đức cha, hãy tránh ra một chút, hoá học đang đi kia kìa! Rakitin rất không ưa Chúa Trời, chẳng ưa tí nào! Đấy là chỗ đau nhất của tất cả bọn họ! Nhưng họ che giấu. Họ nói dối. Giả vờ giả vịt. “Sao, sẽ đưa ý đó vào bài phê bình chứ?” – Tôi hỏi. “Có, tất nhiên là người ta sẽ không cho đăng” – hắn vừa nói vừa cười. “Như vậy thì con người sẽ ra sao? – tôi hỏi. Không có Trời tức là không có cuộc đời sau này à? Thế thì bây giờ mọi việc đều được phép làm, có thể làm được tất cả mọi việc à?” – Thế anh không biết ư? – Hắn nói. Hắn cười. – “Người thông minh có thể làm được tất, – hắn nói, – người thông minh biết bắt tôm, thế còn anh, anh giết cha, bị sa lưới pháp luật và rục xương trong tù!”. Hắn nói với tôi như thế đấy. Một thằng đểu bẩm sinh! Trước kia những thằng như thế tôi lăng cổ đi, bây giờ thì tôi nghe nó nói. Hắn nói nhiều điều xác đáng. Hắn viết cũng thông minh. Chừng một tuần trước hắn đọc cho tôi nghe một bài, tôi chép lại ba dòng, khoan khoan, đây này.

Mitia thong thả rút trong túi áo gilê ra một mẩu giấy và đọc:
“Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần phải đặt cá tính của mình tách rời khỏi hiện thực của mình”. Chú có hiểu không?

– Không, tôi không hiểu.

Aliosa tò mò nhìn Mitia và nghe anh nói.

– Tôi cũng không hiểu… Tối tăm và mơ hồ, nhưng thông minh. “Mọi người bây giờ đều viết thư thế, bởi vì hoàn cảnh như thế” – Hắn nói. Người ta sợ hoàn cảnh, thằng khốn kiếp, hắn còn làm thơ ca ngợi cái chân bà Khokhlakova nữa kia, ha-ha-ha!

– Tôi có nghe nói, – Aliosa nói.

– Chú được nghe rồi à? Chú được nghe thơ về cái chân bà Khokhlakova à?

– Không.

– Tôi có bài thơ ấy đây, tôi sẽ đọc cho chú nghe. Chú không biết đâu, tôi sẽ không kể với chú làm gì, cả một câu chuyện. Thằng vô lại! Ba tuần trước hắn nảy ra ý định trêu ghẹo tôi: “Anh sa chân vào tù như một thằng ngốc vì ba ngàn rúp, còn tôi sẽ bòn được một trăm năm chục ngàn kia, tôi sẽ cưới bà goá và sẽ mua một tòa nhà bằng đá ở Peterburg”. Và hắn kể với tôi về việc hắn tán tỉnh bà Khokhlakova, còn bà ta thì ngay từ thời còn trẻ đã không thông minh, đến tuổi bốn mươi thì bà ta chẳng còn tí thông minh nào. “Bà ta tính đa cảm, – hắn ta nói, – rất mực đa cảm, vì thế tớ sẽ cưa bằng được bà ta. Tớ sẽ lấy bà ta, đưa về Peterburg, rồi ở đấy tớ sẽ xuất bản một tờ báo”. Hắn thèm đến nhỏ rãi ra, nom đến tởm, không phải thèm bà Khokhlakova, mà thèm một trăm năm mươi ngàn đó. Hắn cả quyết với tôi, cả quyết với tôi: hắn đến tôi hàng ngày: đang đổ dần, hắn nói. Hắn hớn hở vui mừng. Thế mà bỗng nhiên hắn bị đuổi cổ ra: Perkhotin Petr Ilych đã thắng thế, cừ lắm! Tôi sẵn lòng hôn cái bà ngu ngốc ấy vì ba ta đã đuổi hắn ra! Chính thời kỳ hắn hay đến thăm tôi, hắn đã làm bài thơ đó. “Lần đầu tiên tôi chịu bẩn tay làm thơ, để phỉnh nịnh, tức là vì công việc hữu ích. Chiếm được vốn tiếng của con mụ ngu ngốc ấy, tôi có thể đem lại lợi ích cho người dân”. Bọn này vẫn lấy lợi ích của dân chúng để biện bạch cho mọi việc đốn mạt chúng làm! “Dù sao cũng còn hơn những gì Puskin của các anh đã viết – hắn nói, – vì tôi đã đưa được nỗi đau xót của người dân ngay cả vào thơ bông đùa”. Nói về Puskin thì tôi hiểu. Nếu quả thực hắn ta có tài thì sao lại chỉ viết về những đôi chân kia chứ! Hắn tự hào về bài thơ của hắn lắm! Bọn này giàu tự ái lắm, rất giàu tự ái! “Mong người yêu của tôi khỏi đau chân” – hắn đặt nhan đề như vậy, thằng láu gớm!

Ôi bàn chân nhỏ ấy

Bàn chân hum húp sưng

Bác sĩ tới chạy chữa

Băng bó làm hỏng chân.

Tôi chẳng nhớ tiếc những bàn chân

Mặc cho Puskin ngâm vịnh

Tôi tiếc cho mái đầu xinh

Chẳng hiểu nổi tư tưởng.

Đầu có hiểu chút ít

Nhưng chân đau quấy rầy

Chân ơi mau lành bệnh

Để đầu sáng láng ra.

Thằng đểu, đểu giả hết cấp, thế nhưng thơ của thằng xỏ lá lại vui nhộn. Và quả thật là có chen vào “nỗi đau nhân tình”. Bị đuổi cổ ra, hắn cáu lắm. Hắn nghiến răng nghiến lợi!

– Hắn đã trả thù được rồi. – Aliosa nói. – Hắn viết một bài báo về bà Khokhlakova.

Aliosa kể qua loa với anh về bài đăng trên tờ “Tin đồn”.

– Đích là hắn, hắn đấy! – Mitia cau mày xác nhận. – Chính hắn đấy! Bài của thông tin viên đấy… tôi biết… chúng nó đã viết bao nhiêu điều nhơ nhuốc về Grusa chẳng hạn!… Cả về Katia nữa… Hừm!

Mitia lo ngại đi đi lại lại trong phòng.

– Anh ạ, tôi không ở đây lâu được. – Aliosa nói, sau một lúc im lặng. – Ngày mai là một ngày trọng đại, khủng khiếp đối với anh: Chúa Trời sẽ phán xét anh… tôi lấy làm ngạc nhiên, anh cứ đi đi lại lại và không nói về vụ việc, mà toàn nói chuyện đâu đâu.

– Không, đừng ngạc nhiên. – Mitia nóng nảy ngắt lời. – Can gì tôi không phải nói về con chó hôi thối ấy? Về kẻ giết người ấy? Chúng ta nói với nhau về chuyện ấy đủ rồi. Tôi không muốn nói về cái thằng thối tha Xmerdiakov nữa!

Trời sẽ giết nó, đấy rồi chú xem, chú im đi!

Mitia xúc động đến gần Aliosa và bỗng hôn anh. Mắt chàng rực lên.

– Rakitin không hiểu nổi điều đó. – Chàng nói, tất cả con người chàng toát ra niềm hân hoan. – Nhưng chú thì chú sẽ hiểu hết. Chính vì thế mà tôi khao khát mong chú đến. Chú ạ, đã từ lâu tôi muốn nói với chú nhiều điều ở đây, giữa những bức tường tróc lở này, nhưng tôi vẫn không nói về điều chính yếu nhất: hình như vẫn chưa đến lúc. Bây giờ đã đến hạn chót để tôi thổ lộ với chú. Chú ạ, hai tháng gần đây tôi cảm thấy tôi là con người khác hẳn, một con người mới đã sống lại trong tôi. Nó vẫn ở trong tôi, nhưng chưa bao giờ xuất hiện, nếu sấm không nổ vang. Sợ thật!

Dù có phải hai mươi năm đào quặng dưới hầm mỏ, tôi cũng không sợ, bày giờ tôi sợ cái khác kia: làm sao để con người mới không lìa bỏ tôi! Có thể tìm thấy ở đấy, trong hầm mỏ, dưới đất, bên cạnh mình, ngay trong tên giết người bị tù khổ sai một trái tim người và sống hoà hợp với trái tim ấy, bởi vì ngay cả ở đấy cũng có thể sống, yêu và đau khổ! Có thể phục hồi, làm sống lại trái tim đã chết trong con người khổ sai, có thể chăm sóc trái tim ấy nhiều năm và cuối cùng có thể đưa một tâm hồn cao đẹp, một ý thức khổ đau ra khỏi chốn tội lỗi, khiến nó được hưởng ánh sáng, khôi phục một thiên thần, làm sống lại người anh hùng! Những người như thế nhiều lắm, có tới hàng trăm, và tất cả chúng ta đều có lỗi với họ. Tại sao trong lúc như thế này tôi lại mơ thấy “trẻ con”? “Vì sao trẻ con nghèo khổ?” Đấy là sự tiên tri cho tôi vào lúc này! Vì “trẻ con” mà tôi sẽ đi đày bởi vì tất cả mọi người đâu có tội với “tất cả mọi người”.

Với tất cả “bọn trẻ”, vì có những đứa trẻ bé và trẻ lớn. Tất cả là “trẻ con”. Vì tất cả mọi người mà tôi sẽ đi đày, cũng cần phải có một người nào chịu đau khổ vì tất cả mọi người chứ. Tôi không giết cha, nhưng tôi cần phải chịu cảnh đi đày. Tôi chấp nhận. Tất cả những ý nghĩ ấy đã đến với tôi ở đây… giữa những bức tường tróc lở này. Mà số người đó đông lắm, có tới hàng trăm, ở dưới hầm mỏ, tay cầm búa. Ờ phải, chúng tôi sẽ bị xiềng xích, sẽ không được tự do, nhưng khi ấy, trong nỗi đau xót lớn lao của chúng tôi, chúng tôi sẽ sống lại trong niềm vui sướng, không có nó thì con người không sống nổi, mà nhất định là có Chúa Trời, vì Chúa ban phát niềm vui, đấy là đặc ân vĩ đại của Chúa… Trời ơi, con người hãy tiêu tan trong cầu nguyện! Ở dưới mặt đất mà không có Chúa Trời thì tôi sẽ ra thế nào? Rakitin nói dối: nếu xua đuổi Chúa Trời khỏi mặt đất thì chúng ta sẽ gặp Ngài dưới hầm ngầm! Tù khổ sai mà không có Chúa Trời thì không chịu nổi, còn khó chịu đựng hơn người không bị khổ sai! Và khi ấy, chúng tôi, những người sống dưới hầm, sẽ từ trong lòng đất hát lên bài tụng ca Chúa Trời ban phát niềm vui! Chúa Trời và niềm vui sướng do Ngài ban phát muôn năm! Tôi yêu Ngài!

Nói xong những lời kỳ quái ấy, Mitia gần như nghẹt thở. Chàng tái người đi, môi run run, nước mắt ứa ra.

– Không, sự sống tràn đầy, sự sống có cả ở dưới đất! – Chàng lại bắt đầu nói. – Alecxei, chú không thể tin được bây giờ tôi muốn sống như thế nào đâu, sự thèm khát sống và nhận thức đã nảy sinh trong tôi chính giữa bốn bức tường long lở này! Rakitin không hiểu điều này, hắn chỉ muốn xây căn nhà để cho thuê. Tôi mong chờ chú. Thế nào là đau khổ? Tôi không sợ đau khổ, dù có nhiều đến đâu mặc lòng. Bây giờ tôi không sợ, trước kia thì tôi sợ. Chú ạ, ra trước tòa có lẽ tôi sẽ không trả lời… Tôi có cảm giác rằng bây giờ tôi có đủ nghị lực để vượt qua tất cả, chịu đựng mọi đau khổ, miễn là chốc chốc lại tự nhủ: ta vẫn hiện hữu! Trong ngàn nỗi cực khổ ta vẫn hiện hữu, quằn quại trong sự tra tấn – nhưng tôi hiện hữu! Bị trói vào cột, tôi vẫn hiện hữu tôi nhìn thấy mặt trời, hay không nhìn thấy mặt trời, tôi vẫn biết rằng mặt trời hiện hữu. Còn biết thế nào là mặt trời, đấy là cả cuộc đời. Aliosa, chú là thiên thần của tôi, các thứ triết lý khác nhau giết chết tôi, quỷ tha ma bắt chúng đi! Chú Ivan…

– Anh Ivan làm sao kia? – Aliosa ngắt lời, nhưng Mitia không nghe rõ.

– Chú ạ, trước đây tôi không hoài nghi chút nào cả, nhưng tất cả những cái đó tan ra trong tôi. Có lẽ chính bởi vì những ý tưởng chưa từng biết sục sôi trong tôi nên tôi say rượu, tôi đánh nhau, tôi nổi khùng. Chỉ để thoả mãn những ý tưởng đó, tôi đánh nhau chỉ đề chế ngự, đè ép những ý tưởng ấy. Chú Ivan không phải là Rakitin, chú ấy che giấu những ý tưởng. Chú Ivan là con Xpanh, chú ấy im lặng, lúc nào cũng im lặng. Còn tôi bị Chúa giày vò. Chỉ có điều ấy giày vò tôi. Nếu không có Chúa Trời thì sao? Nếu như Rakitin nói đúng rằng trong loài người, ý tưởng là cái nhân tạo thì sao? Khi ấy, nếu không có Chúa Trời thì con người là chủ trái đất, chủ tòa nhà thế giới. Tuyệt vời! Nhưng không có Chúa Trời thì con người đức hạnh thế nào? Đấy là câu hỏi! Tôi luôn luôn tự hỏi về tất cả những điều đó. Bởi vì như vậy thì nó sẽ yêu ai. Con người ấy? Nó sẽ phải tạ ơn ai, sẽ hát thánh ca ngợi khen ai? Rakitin cười. Rakitin nói rằng không có Chúa Trời vẫn có thể yêu loài người được. Cái thằng hỉ mũi không sạch ấy chỉ có thể cả quyết như vậy, còn tôi không thể hiểu gì được cả. Rakitin thì dễ sống thôi, hôm nay hắn nói với tôi: “Tốt hơn hết là anh hãy lo mở rộng quyền công dân của con người hay ít ra về việc không tăng giá thịt bò; yêu nhân loại cách ấy giản dị hơn và gần gũi hơn là các thứ triết lý của anh”. Tôi đáp lại hắn: “Nếu không có Chúa thì cậu sẽ tăng giá đùi bò khi có dịp, bỏ ra một kopek cậu sẽ thu về một rúp”. Hắn cáu. Bởi vì thế nào là đức hạnh? – Trả lời tôi đi, Alecxei. Tôi có một đức hạnh, người Trung Quốc có một đức hạnh khác nhau, như vậy đức hạnh là cái tương đối.

Đúng hay không? Hay không phải là cái tương đối? Câu hỏi quỷ quyệt! Chú đừng cười nếu tôi nói rằng hai đêm nay tôi không ngủ vì vấn đề ấy. Bây giờ tôi ngạc nhiên chỉ vì người ta sống mà không nghĩ gì đến chuyện ấy. Hư không! Ivan không có Chúa. Chú ấy có ý tưởng. Ý tưởng ấy vượt quá tầm hiểu biết của tôi. Chú ấy im lặng. Tôi cho rằng chú ấy là hội viên Tam Điểm. Tôi hỏi chú ấy, chú ấy im lặng. Tôi muốn uống nước ở nguồn mạch của chú ấy, chú ấy im lặng. Chỉ có một lần chú ấy thốt lên lời.

– Anh ấy nói gì? – Aliosa vội vã đứng lên.

– Tôi bảo chú ấy: nếu thế thì mọi việc đều được phép làm. Phải không? Chú ấy chau mày: “Fedor Pavlovich cha chúng ta là một con lợn, nhưng ông ấy suy nghĩ đúng”. Chú ấy nói lảng như thế. Chỉ nói thế thôi. Như thế còn hơn Rakitin.

– Đúng, – Aliosa chua chát xác nhận. – Anh ấy đến anh bao giờ?

– Chuyện ấy để sau, bây giờ nói chuyện khác. Cho đến giờ tôi hầu như chưa nói gì với chú về Ivan. Tôi cứ hoãn cho đến phút chót. Khi nào việc của tôi kết thúc và đã tuyên án, tôi sẽ nói với chú một số điều, tôi sẽ nói hết. Có một việc khủng khiếp… Chú sẽ là quan tòa của tôi trong việc này. Còn bây giờ thì đừng nói gì về chuyện ấy, bây giờ thì im lặng. Chú nói về ngày mai, về tòa án, còn chú có tin không, tôi chẳng biết gì cả.

– Anh đã nói chuyện với viên luật sư ấy rồi chứ?

– Luật sư làm quái gì! Tôi đã nói hết với y. Một tên láu cá người thủ đô, Becna! Có điều y không tin tôi mảy may. Y tin rằng tôi đã giết, chú tưởng tượng xem, tôi nhìn thấy như thế. “Nếu vậy, – tôi hỏi, – ông cãi cho tôi làm gì!”. Cóc cần chúng nó. Họ còn mời bác sĩ, họ muốn chứng minh tôi là thằng điên. Tôi không cho phép. Ekaterina Ivanovna muốn “làm trọn” bổn phận của mình. Gắng hết sức lực! Mitia mỉm cười cay đắng. – Độc ác như con mèo cái! Một trái tim tàn bạo! Cô ta biết tôi nói về cô ta ở Mokroe như thế nào, rằng cô ta là một phụ nữ “có cơn giận vĩ đại”! Người ta đã nói lại với cô ta. Phải, lời khai ngày một nhiều thêm, như cát biển! Grigori cứ khăng khăng một mực.

Grigori chính trực, nhưng ngu ngốc. Nhiều người chính trực vì rằng họ ngu ngốc. Ý nghĩ ấy là của Rakitin. Grigori là kẻ thù của tôi… Có kẻ mà ta coi là thù có lợi hơn coi là bạn. Tôi nói về Ekaterina Ivannovna ấy. Tôi sợ, ôi tôi sợ rằng trước tòa cô ta sẽ kể chuyện cô ta cúi rạp xuống tạ ơn về bốn ngàn năm trăm đồng! Cô ta quyết trả hết nợ, cho đến đồng xu nhỏ. Tôi không muốn sự hy sinh của cô ta. Họ sẽ làm tôi xấu hổ trước tòa. Tôi sẽ chịu đựng được. Hãy đến gặp cô ta, Aliosa, van xin cô ta đừng nói điều đó tại tòa. Không được? Quỷ quái, thây kệ, tôi sẽ chịu đựng được!

– Tôi không thương cô ta. Chính cô ta muốn. Tên ăn cắp phải chịu những gì nó đáng chịu. Alecxei ạ, tôi sẽ nói những điều của tôi. – Chàng lại mỉm cười chua chát. Có điều… có điều Grusenka, Grusenka, trời ơi! Vì lẽ gì bây giờ nàng phải chịu lấy đau khổ như vậy! Chàng bỗng kêu lên, nước mắt ứa ra. – Grusenka, giết chết tôi, ý nghĩ về nàng giết chết tôi, giết chết tôi! Ban nãy nàng vừa ở đây…

– Chị ấy vừa kể với tôi. Hôm nay chị ấy buồn phiền về anh lắm.

– Tôi biết. Tính nết tôi như thế thì đáng cho quỷ xé xác đi. Tôi ghen. Nàng đi rồi tôi mới ân hận, tôi đã hôn nàng. Tôi không xin nàng tha thứ.

– Tại sao anh không xin chị ấy tha thứ? – Aliosa kêu lên.

Mitia bỗng phá lên cười hầu như vui vẻ.

– Chúa phù hộ chú, chú bé đáng yêu, đừng bao giờ cầu xin người phụ nữ mình yêu tha lỗi cho mình! Đặc biệt là người phụ nữ mình yêu, dù ta có lỗi với nàng thế nào đi nữa! Bởi vì phụ nữ, chú ạ, có quỷ biết được thế là thế nào, ít ra tôi biết rõ họ! Chú hãy thử nhận lỗi với nàng xem, “tôi có lỗi, thứ lỗi cho tôi, bỏ quá cho tôi”, thế là những lời trách móc trút xuống như mưa! Họ sẽ không bao giờ tha thứ một cách thẳng thắn và giản dị, họ sẽ hạ ta xuống thành mớ giẻ rách, sẽ kể lể những điều thậm chí không có, sẽ ghi nhận hết, không quên một điều gì, lại còn thêm thắt vào nữa, chỉ đến khi ấy họ mới tha thứ. Mà đấy là người phụ nữ tốt nhất trong tất cả những phụ nữ! Nàng sẽ giở những ngón tai ác nhất để hành hạ ta và trút hết lên đầu ta, tôi xin nói với chú, cái thói lột da người nằm trong bọn họ, không trừ một ai, trong những thiên thần ấy, mà thiếu họ thì ta không sống nổi đâu! Chú em thân mến ạ, tôi nói với chú một cách thẳng thắn và đơn giản: mỗi người tử tế phải có một người đàn bà dưới gót giày mình. Đấy là niềm tin của tôi; không phải là niềm tin, mà là tình cảm. Người đàn ông phải hào hiệp, cái đó không bôi nhọ người đàn ông. Không bôi nhọ người anh hùng, không coi nhọ Cezas! Không, chú đừng xin tha thứ, không bao giờ, tuyệt nhiên không. “Hãy nhớ lấy nguyên tắc: ông anh Mitia của chú, kẻ chết vì đàn bà, dạy chú. Không, tốt hơn hết là tôi không xin Gruska tha thứ, mà phải có cái gì xứng với nàng. Tôi tôn sùng nàng, Alecxei, tôi tôn sùng nàng! Khốn nỗi nàng không nhìn thấy điều ấy, không, đối với nàng tình yêu vẫn còn là ít. Nàng làm tôi khắc khoải, bằng tình yêu nàng làm tôi khắc khoải. Trước kia thì nói làm gì! Trước kia tôi chỉ bị dằn vặt bởi những ngoắt ngoéo ma quỷ còn bây giờ tôi đã tiếp nhận cả tâm hồn nàng vào tâm hồn tôi và qua nàng, chính tôi trở thành con người! Liệu người ta có làm lễ kết hôn cho chúng tôi hay không? Không thì tôi chết vì ghen tuông mất. Ngày nào tôi cũng mơ thấy một điều gì… Nàng nói gì với chú về tôi!

Aliosa kể lại những lời trước đó của Grusenka. Mitia nghe tỉ mỉ, hỏi lại nhiều điều và hài lòng.

– Thế ra nàng không giận vì tôi ghen. – Chàng kêu lên. – Đúng là đàn bà! “Chính tôi có trái tim tàn bạo”. Ôi chao, tôi yêu những người tàn bạo như thế, tuy tôi không chịu được sự ghen tuông, không chịu nổi! Chúng tôi sẽ có ngày đánh nhau. Nhưng tôi sẽ yêu nàng vô hạn. Người ta có làm lễ kết hôn cho chúng tôi không nhỉ? Tù khổ sai có được làm lễ kết hôn không nhỉ? Dấu hỏi đấy. Không có nàng thì tôi không sống nổi…

Mitia nhăn nhó đi lại trong phòng. Trong phòng gần như đã tối đen. Chàng bỗng lo ngại ghê gớm.

– Thế nàng nói là có sự bí mật à, sự bí mật à? Ba người chúng tôi đồng mưu chống lại nàng à, cả Katia cũng can dự vào à? Không, không phải thế. Ở đây em lầm, sự sai lầm ngu dại của đàn bà! Aliosa thân mến, thôi được. Tôi sẽ kết lộ với chú điều bí mật của tôi!

Chàng đưa mắt nhìn khắp các phía, nhanh chóng tới gần Aliosa đứng trước chàng và thì thầm với vẻ bí mật, tuy thực ra chẳng ai có thể nghe thấy chàng: ông già gác ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế băng, và không lời nào có thể lọt đến tai người lính gác.

– Tôi sẽ phơi bày với chú tất cả bí mật của tôi! – Mitia hối hả thì thầm. – Tôi muốn sau này sẽ hỏi chú, vì không có chú thì làm sao tôi giải quyết được. Chú là tất cả đối với tôi. Tuy tôi nói rằng Ivan cao hơn tất cả chúng ta, nhưng chú là thiên thần của tôi. Chỉ có chú mới giải quyết được. Có lẽ chú là cao nhất, chứ không phải là Ivan. Chú ạ, đây là vấn đề của lương tâm, lương tâm cao cả nhất, bí mật quan trọng đến độ tôi không thể tự mình giải quyết được mà cứ hoãn lại chờ chú. Tuy nhiên bây giờ quyết định thì còn sớm, bởi vì phải chờ bản án: khi có bản án rồi, chú sẽ quyết định số phận của tôi. Bây giờ thì đừng quyết định; bây giờ tôi sẽ nói với chú, chú nghe thôi chứ đừng quyết định gì cả. Chú cứ im lặng. Tôi sẽ không nói hết với chú. Tôi sẽ chỉ nói với chú ý tưởng, không cần chi tiết, còn chú cứ im lặng. Không hỏi, không cử động, đồng ý không? Tuy nhiên, trời ơi, tôi giấu mắt chú vào đâu bây giờ? Tôi sợ mắt chú nói ra quyết định, tuy chú im lặng. Ôi chao, tôi sợ! Aliosa nghe đây: chú Ivan đề nghị tôi bỏ trốn. Tôi không nói hết chi tiết: mọi việc đều tính trước, mọi việc đều được thu xếp. Chú đừng nói gì đừng quyết định. Trốn sang Mỹ cùng với Grusa. Không có Grusa, thì tôi không sống nổi! Người ta có cho nàng theo tôi không? Chú Ivan bảo rằng không. Mà không có Grusa thì tôi sống dưới đất với cây búa sao nổi? Chỉ còn nước dùng cây búa đập vỡ tan đầu mình ra thôi! Chỉ còn lương tâm nữa chứ? Tôi chạy trốn đau khổ! Chúa đã chỉ dẫn cho tôi, tôi bác bỏ sự chỉ dẫn, có con đường giải thoát, tôi lại rẽ vòng về bên trái. Ivan nói rằng sang Mỹ, “có thiện chí” là có thể ích lợi cho đời hơn là dưới hầm đất? Mỹ là cái gì, Mỹ lại là hư không! Và ở Mỹ cũng có nhiều trò bịp bợm, tôi nghĩ thế. Tôi chạy trốn sự đóng đanh câu rút! Bởi vì, tôi nói với chú, Alecxei ạ, chỉ một mình chú hiểu được tôi, ngoài ra không có ai khác, đối với người khác đấy là sự ngu xuẩn, mê sảng, đấy là tất cả những gì tôi đã nói với chú về bài thánh ca. Người ta sẽ bảo tôi phát điên hoặc tôi là thằng ngốc. Nhưng tôi không phát điên, cũng không phải là thằng ngốc. Cả Ivan cũng hiểu về bài thánh ca, chú ấy hiểu, nhưng không trả lời về điều đó và im lặng. Chú ấy không tin bài thánh ca. Đừng nói, đừng nói: tôi nhìn thấy ánh mắt chú như thế nào: chú đã quyết định. Đừng quyết định, hãy khoan thứ cho tôi, không có Grusenka tôi không thể sống được, hãy chờ tòa xét xử đã!

Mitia dứt lời, như cuồng loạn. Chàng đưa cả hai tay nắm lấy hai vai Aliosa và nhìn chằm chằm vào mắt Aliosa bằng cập mắt hau háu nảy lửa của mình.

– Tù khổ sai không được kết hôn ư? – Chàng nhắc lại lần thứ ba bằng giọng van vỉ.

Aliosa nghe với vẻ hết sức ngạc nhiên và bàng hoàng sâu sắc.

– Hãy nói với tôi một điều – Anh thốt lên. – Ivan nài nỉ anh phải không, ai nghĩ ra điều ấy trước tiên?

– Chú ấy, chú ấy nghĩ ra, chú ấy năn nỉ! Suốt thời gian dài chú ấy không đến thăm tôi, bỗng nhiên tuần trước chú ấy đến và đi luôn vào vấn đề ấy. Chú ấy nhất quyết như vậy. Không phải là cầu van, mà ra lệnh. Chú ấy tin chắc tôi sẽ nghe theo, mặc dù tôi đã bộc lộ hết nỗi lòng của tôi với chú ấy như với chú, nói cả về bài thánh ca. Chú ấy kể với tôi về việc tổ chức thế nào, thu thập tin như thế nào, nhưng chuyện ấy để sau. Đến loạn thần kinh lên mất. Cái chính là tiền: mười ngàn đồng tổ chức chuyến đi trốn, hai mươi ngàn anh mang theo sang Mỹ với mười ngàn đồng chúng ta sẽ tổ chức cuộc trốn tù tuyệt diệu, chú ấy nói.

– Và anh ấy dặn anh không được nói với ai? – Aliosa hỏi.

– Tuyệt nhiên không được nói với ai, cái chính là không được nói với chú: nhất quyết không được nói với chú! Đúng là chú ấy sợ chú, vì chú là lương tâm của tôi. Đừng nói với chú ấy rằng tôi đã nói với chú, đừng nói nhé!

– Anh nói có lý. – Aliosa quyết định. – Không thể giải quyết gì trước khi tòa ra bản án. Sau khi tòa xét xử, tự anh sẽ có quyết định. Khi ấy tự anh sẽ tìm thấy con người mới trong mình, con người ấy sẽ quyết định.

– Một người mới hay Becna, người ấy sẽ quyết định theo kiểu kiểu Becna. Bởi vì hình như tôi cũng là một Becna đáng khinh bỉ! – Mitia cười chua chát.

Nhưng lẽ nào anh không hy vọng được tha bổng?

Mitia nhún vai một cách kích động và lắc đầu.

– Aliosa thân mến, đến lúc chú về rồi! – Mitia bỗng vội vã. – Viên coi ngục đang gào thét ngoài kia, y sắp vào đây đấy.

Muộn rồi mất trật tự. Ôm lấy tôi mau lên, hôn đi, làm dấu thánh cho tôi đi chú em thân mến, làm dấu thánh cho tôi…
Họ ôm hôn nhau.

– Còn chú Ivan, – Mitia bỗng nói, – chú ấy đề nghị tôi bỏ trốn, và bản thân chú ấy tin rằng tôi đã giết!

Nụ cười buồn rầu hiện rõ trên môi chàng.

– Anh hỏi xem anh ấy tin hay không? – Aliosa hỏi.

– Không, tôi không hỏi. Tôi toan hỏi, nhưng không thể được, không đủ sức. Nhưng đằng nào cũng thế thôi, nhìn mắt chú ấy tôi biết. Thôi, vĩnh biệt!

Lần nữa họ hôn nhau vội vàng, Aliosa đã toan ra thì Mitia bỗng lại gọi anh:

– Hãy đứng trước mặt tôi, thế!

Chàng lại nắm chặt lấy hai vai Aliosa. Mặt chàng tái mét đi, thành thử trong bóng tối nom rất rõ mặt tái đi. Môi chàng méo xệch, mắt nhìn chằm chằm vào Aliosa.

– Aliosa, chú nói hoàn toàn thật với tôi đi, như trước Chúa Trời vậy: chú có tin là tôi đã giết hay không? Chú, bản thân chú, chú có tin hay không? Nói hoàn toàn thật, đừng nói dối! Chàng thét lên với em một cách điên loạn.

Aliosa như lặng người đi, còn trong tim anh như có, cái gì nhọn sắc xuyên qua.

– Hoàn toàn tin rằng anh… – Chàng lắp bắp, rồi trí.

– Nói thật, đừng nới dối! – Mitia lặp lại.

Không một phút nào tôi tin rằng anh là kẻ giết người. – Aliosa buột ra từ lồng ngực bằng giọng run run, và anh giơ tay phải lên như kêu gọi Chúa Trời làm chứng cho lời mình nói. Vẻ hạnh phúc tức khắc ngời ngợi trên mặt Mitia.

– Cảm ơn chú! – Chàng thốt lên bằng giọng kéo dài, như buông hơi thở sau cơn ngất lịm. – Bây giờ chú làm tôi sống lại rồi. Chú có tin không: cho đến lúc nãy tôi vẫn sợ không dám hỏi chú, chính là hỏi chú, hỏi chú! Thôi đi đi, đi đi!

Chú làm tôi vững tâm chịu đựng ngày mai, Chúa ban phước cho chú! Thôi, đi đi, hãy yêu Ivan! – Mitia bật ra tiếng sau cùng.

Aliosa đi ra, nước mắt chan hoà. Sự ngờ vực đến như thế của Mitia, sự thiếu tin cậy của Mitia cả đối với anh, Aliosa, tất cả những điều đó phơi bày ra trước Aliosa cái vực thẳm của nỗi đau xót và thất vọng không lối thoát trong tâm hồn người anh của anh mà trước kia anh không ngờ tới. Sự đồng cảm sâu sắc, vô lượng bỗng tức thời xâm chiếm và hành hạ anh. Trái tim bị đâm xuyên của anh đau kinh khủng. “Hãy yêu Ivan!” – Anh nhớ tới lời vừa nãy của Mitia. Anh đến nhà Ivan. Mới buổi sáng anh rất cần gặp Ivan. Không kém gì cần gặp Mitia, Ivan giày vò anh, còn bây giờ, sau khi gặp Mitia, anh càng cần gặp Ivan hơn bao giờ hết.

Chú thích:

(1) Đạo đức học. Mitia nói sai (N.D)

(2) Về tư tưởng.

(3) Người ta không tranh cãi (tiếng Latin).

Trước
image
Chương 74
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
  • Chương 51
  • Chương 52
  • Chương 53
  • Chương 54
  • Chương 55
  • Chương 56
  • Chương 57
  • Chương 58
  • Chương 59
  • Chương 60
  • Chương 61
  • Chương 62
  • Chương 63
  • Chương 64
  • Chương 65
  • Chương 66
  • Chương 67
  • Chương 68
  • Chương 69
  • Chương 70
  • Chương 71
  • Chương 72
  • Chương 73
  • Chương 74
  • Chương 75
  • Chương 76
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!