Mitia chạy đi đâu? Dễ biết thôi: “Nàng có thể ở đâu, nếu không phải là ở nhà Fedor Pavlovich. Ở nhà Xanuonov ra, nàng chạy thẳng đến với ông già, bây giờ thì rõ rồi. Mưu mô, lừa dối rõ rành rành…”. Tất cả những ý nghĩ ấy quay cuồng như lốc trong óc chàng. Chàng không chạy đến sân nhà Maria Kondratievna. “Chẳng nên đến đấy, hoàn toàn không nên: không được có một hành động nhỏ nhặt nào gây lo ngại… chúng sẽ phi báo ngay, sẽ phản ta… Maria Kondratievna hiển nhiên là âm mưu với ông già, Xmerdiakov cũng thế, chúng bị mua chuộc cả rồi!” Chàng có một dự định khác: chàng đi vòng thật xa, qua đường ngõ vòng quanh nhà bố, đi hết phố Dmitrovskaia, rồi vượt qua cây cầu nhỏ và vào cái ngõ hẻm phía sau nhà, ngõ này vắng, không nhà cửa, một phía có hàng rào vườn nhà Fedor Pavlovich. Ở đây chàng chọn một chỗ, hình như chính là chỗ mà theo câu chuyện truyền tụng chàng đã biết thì Lizaveta Xmerdiasaia đã vượt tường. “Nếu ả vượt qua được, – không biết vì sao chàng thoáng nghĩ, – thì tại sao ta lại không vượt qua nhỉ?”. Quả thực chàng nhảy lên và tức khắc khéo léo bám một tay vào bờ tường, rồi kiên quyết đu lên, ngồi vắt vẻo trên bờ tường như người cưỡi ngựa. Gần đây, trong vườn có nhà tắm hơi, nhưng từ trên tường có thể nhìn thấy những cửa sổ sáng đèn. “Đúng rồi, đèn sáng trong phòng ngủ của ông già, nàng ở đấy!” và chàng nhảy xuống vườn. Tuy chàng biết Grigori ốm, có lẽ cả Xmerdiakov cũng ốm thật, chẳng ai nghe thấy tiếng động của chàng, nhưng bản năng vẫn khiến chàng nép mình cho kín, dừng im tại chỗ, nghe ngóng. Nhưng xung quanh lặng phắc như tờ và như trêu ngươi, không gian hoàn toàn yên tĩnh không một phẩy gió.
“Chỉ có cái yên lặng thì thầm”, – không hiểu sao câu thơ ấy chợt đến trong trí nhớ, – miễn sao không ai nghe thấy tiếng động khi ta vượt tường, hình như không. – Đứng một lát rồi chàng nhẹ nhàng đi trên cỏ trong vườn; vòng qua những cây to và bụi cây, chàng đi một lúc lâu, rón rén từng bước, lắng nghe từng bước chân mình. Chàng đi chừng năm phút thì đến chỗ cửa sổ, sáng ánh đèn. Chàng nhớ rằng ở đấy, ngay dưới những cửa sổ có mấy bụi cơm cháy và tú cầu to cao, um tùm. Cửa lớn ra sân ở phía bên trái mặt nền đóng kín, chàng đã chú tâm xem xét kỹ lúc đi qua đó. Cuối cùng chàng đến được chỗ bụi cây và nấp ở đấy. Chàng nín thở. “Bây giờ phải chờ một lát, – chàng nghĩ, – nếu họ đã nghe thấy tiếng bước chân ta và bây giờ lắng tai nghe thì để cho họ không nghi ngờ gì… chỉ cần đừng ho, đừng hắt hơi…”.
Chàng chờ khoảng hai phút, nhưng tim đập dồn dập, rồi có lúc chàng gần như nghẹn thở. “Không, nhịp tim đập sẽ không trở lại bình thường đâu, – chàng nghĩ. – ta không thể đợi lâu hơn nữa”. Chàng đứng trong bóng tối sau bụi cây, nửa phía trước bụi cây được ánh sáng cửa sổ chiếu sáng. “Tú cầu, quả tú cầu đẹp xiết bao!” – chàng thì thầm, không biết vì sao. Rón rén từng bước êm ru, chàng đến gần cửa sổ và nhón chân lên. Cả phòng ngủ của Fedor Pavlovich bày ra trước mắt chàng như trên lòng bàn tay. Đấy là căn phòng nhỏ ngăn đôi suốt chiều ngang bằng mấy tấm bình phong màu đỏ, “bình phong Tàu”, như Fedor Pavlovich vẫn gọi. “Bình phong Tàu, – Mitia thoáng nghĩ, – còn đằng sau bình phong là Grusenka”. Chàng nhìn kỹ Fedor Pavlovich. Ông mặc chiếc áo choàng mới bằng lụa kẻ sọc, thắt dây lưng bằng lụa hai đầu có núm tua, Mitia chưa từng thấy ông mặc chiếc áo ấy bao giờ. Dưới cổ áo choàng ló ra bộ đồ lót sạch tinh sang trọng, chiếc sơ mi vải mỏng hàng Hà Lan, cúc vàng. Đầu ông vẫn bịt tấm khăn màu đỏ mà Aliosa đã từng nhìn thấy. “Ông già diện ghê” – Mitia nghĩ, Fedor Pavlovich đứng gần cửa sổ, có vẻ đăm chiêu, thình lình ông ngẩng đầu lên, lắng tai nghe một chút, rồi chẳng nghe thấy gì, ông tới gần bàn, rót nửa ly cognac và uống. Đoạn ông thở căng lồng ngực, lại đứng một lát, lơ đãng tới gần tấm gương trên tường, đưa tay phải vén tấm khăn đỏ quấn trên trán lên một chút, nhìn kỹ những vết thâm tím và những mảng vảy vẫn còn lại. “Ông già chỉ có một mình, – Mitia nghĩ, – nhiều phần chắc là chỉ có một mình”. Fedor Pavlovich rời, khỏi tấm gương, đột nhiên quay về phía cửa sổ và nhìn ra ngoài, Mitia tức khắc nhảy vào bóng tối.
“Có lẽ cô ả ở sau tấm bình phong, ngủ rồi cũng nên” – tim chàng nhói lên. Fedor Pavlovich lùi xa cửa sổ. “Ông già nhìn ra cửa sổ trông ngóng cô nàng, như vậy là nàng không có ở đây: cớ gì ông ấy nhìn vào bóng tối?… nghĩa là đang sốt ruột điên lên đây?”. Mitia lập tức nhao tới và lại nhìn vào cửa sổ. Ông già đã ngồi bên bàn, nom buồn thỉu buồn thiu. Cuối cùng ông chống khuỷu tay, bàn tay phải áp vào má. Mitia hau háu quan sát.
“Ông già chỉ có mỗi một mình, một mình! – Chàng lặp lại. – Nếu có nàng ở đấy thì vẻ mặt ông đã khác”. Lạ lùng thay: việc nàng không có ở đây bỗng lại làm cho lòng chàng sôi lên một nỗi bực tức vô lý, kỳ quặc. “Không phải ta bực vì nàng không có mặt ở đây, – Mitia nhận định và tự trả lời liền – mà bởi vì ta không thể biết chắc nàng có đây hay không?”. Sau này chàng nhớ lại rằng lúc ấy trí óc chàng sáng sủa lạ thường và chàng cân nhắc mọi việc hết sức tỉ mỉ nắm bắt từng nét nhỏ. Nhưng nỗi buồn phiền vì không biết chắc và sự phân vân tăng nhanh lạ thường trong lòng chàng. “Rút cục thì nàng có đây hay không có đây?” – chàng tức sôi lên. Bất thình lình chàng cả quyết đưa tay gõ khe khẽ vào khung cửa sổ. Chàng gõ theo quy ước của ông già với Xmerdiakov: hai tiếng thong thả, tiếp đến ba tiếng mau: túc-túc- túc, nghĩa là “Grusenka đã đến”. Ông già giật mình, ngẩng đầu lên, đứng phắt dậy, đâm bổ đến cửa sổ. Mitia lùi vào bóng tối, Fedor Pavlovich mở cửa và thò cả đầu ra ngoài.
– Grusenka, em đấy ư? Có phải em đấy không? – ông nói bằng giọng gần như thì thầm, run run. – Em ở đâu đấy, mẹ tôi ơi, thiên thần bé bỏng của tôi, em ở đâu đấy? – ông già xúc động ghê gớm, thở hổn hển.
“Ông ấy có mỗi một mình!” – Mitia quyết định.
– Em ở đâu đấy? – ông già lại lớn tiếng gọi và thò hẳn đầu lẫn vai ra ngoài, nhìn bốn phía, bên phải và bên trái, – lại đây! Tôi đã có sẵn quà tặng em rồi, lại đây, tôi sẽ cho xem!…
“Ông già nói về cái phong bì đựng ba ngàn rúp đấy”, – Mitia thoáng nghĩ.
– Kìa, em ở đâu đấy?… Hay ở bên cửa ra vào? Tôi mở ngay đây…
Ông già suýt nhào ra khỏi cửa sổ, nhìn về phía bên phải, phía có cửa ra vào vườn, cố nhìn kỹ trong bóng lối. Chắc chỉ giây lát nữa là ông sẽ chạy ra mở cửa lớn, không chờ Grusenka đánh tiếng trả lời. Mitia đứng nhìn ở phía bên, không động đậy. Cả khuôn mặt trông nghiêng đáng ghét của ông già, cái yết hầu thây lẩy, cái mũi khoằm hớn hở chờ đợi khoái lạc, cặp môi, tất cả đều được soi tỏ trong ánh sáng chênh chếch của ngọn đèn ở bên trái căn phòng.
Mitia bỗng tức điên lên: “Đấy, kẻ tình địch của ta, kẻ làm khổ ta, kẻ làm khổ đời ta!”. Đấy là cơn tức giận điên cuồng bất ngờ đầy hằn thù mà chàng cảm thấy trước và đã báo cho Aliosa trong cuộc nói chuyện với em trong chòi hóng mát bốn ngày trước, khi chàng trả lời câu hỏi của Aliosa: “Sao anh có thể nói rằng anh sẽ giết cha?”
“Tôi không biết, tôi không biết, – lúc ấy chàng nói, – có thể tôi không biết, mà có thể tôi sẽ giết. Tôi sợ rằng bộ mặt ông già vào đúng lúc ấy sẽ làm tôi căm ghét. Tôi căm ghét cái yết hầu của ông ta, cái mũi ông ta, vẻ giễu cợt trơ trẽn của ông ta. Tôi ghê tởm. Đấy chính là điều tôi sợ, ngộ nhỡ tôi không nén được”.
Sự ghê tởm mỗi lúc một tăng, đến mức không thể chịu đựng nổi, Mitia không còn biết thế nào là phải nữa và rút phăng chiếc chày đồng trong túi ra.
“Lúc ấy Chúa đã ngăn giữ tôi, – sau này chính Mitia nói như vậy”. Đúng lúc ấy Grigori Vaxilievich đang ốm chợt thức giấc trên giường mình. Tối hôm ấy lão đã chữa bệnh bằng cái cách mà Xmerdiakov đã kể với Ivan Fedorovich, nghĩa là để vợ đánh gió cho mình bằng thứ rượu thuốc bí truyền cực mạnh, phần còn lại thì lão uống trong lúc vợ lầm rầm đọc bài “cầu nguyện” gì đó cho lão, đoạn lão đi ngủ. Marfa Ignatievna cũng uống, nhưng vì không quen uống rượu, mụ lăn ra ngủ say như chết bên cạnh chống. Nhưng thật là bất ngờ, đương đêm Grigori thình lình thức giấc, nghĩ ngợi một lát, rồi liền đó lại cảm thấy đau buốt ghê gớm ở ngang lưng, nhưng lão cứ ngồi dậy trên giường.
Nhưng rồi lão lại ngẫm nghĩ điều gì, đứng dậy và nhanh chóng mặc quần áo. Có lẽ lão cảm thấy lương tâm cắn rứt vì mình nằm ngủ, nhà không có ai canh gác “trong thời khắc nguy hiểm như thế này”. Xmerdiakov kiệt lực sau cơn động kinh, nằm không động đậy trong căn buồng nhỏ bên cạnh Marfa Ignatievna không nhúc nhích. “Bà lão đuối sức rồi”, – Grigori Vaxilievich nghĩ khi nhìn vợ và vừa rên vừa đi ra tam cấp. Cổ nhiên lão muốn đứng ở tam cấp mà nhìn xung quanh, vì lão không còn đủ sức đi nữa, lưng và chân phải đau không thể chịu nổi. Nhưng lão chợt nhớ ra rằng lúc tối chưa khoá cửa vườn. Lão là con người chu đáo và cẩn thận từng ly từng tí, con người của trật tự được quy định một lần cho mãi mãi và của thói quen nhiều năm. Khập khiễng và oằn oại vì đau, lão xuống bậc tam cấp và đi về phía vườn. Đúng là cửa vườn mở toang. Lão bước vào vườn như cái máy: có lẽ nào mường tượng ra hay quả thật đã nghe thấy một âm thanh gì đó, nhưng khi nhìn về phía bên trái, lão thấy cửa sổ buồng chủ bỏ ngỏ, không thấy ai ở đấy, chẳng có ai ngó ra. “Tại sao cửa sổ mở, bây giờ không phải là mùa hè!”. Grigori nghĩ và bất thình lình, đúng lúc ấy, trước mặt lão có cái gì khác thường động đậy trong vườn. Hình như có một người chạy qua trong bóng tối, cách lão chừng bốn chục bước, lướt đi rất nhanh như cái bóng.
“Trời ơi!”
Grigori thốt lên, choáng người, quên cả đau ngang lưng, lao lên chặn đường kẻ đang chạy. Lão băng lối tắt, rõ ràng lão thuộc đường trong vườn hơn kẻ kia. Kẻ đó chạy về phía nhà tắm, vòng ra phía sau, nhảy lên tường… Grigori vẫn dõi nhìn, không để mất hút và cắm đầu chạy. Lão chạy đến chân tường, đúng lúc kẻ kia đã leo lên. Grigori điên tiết gào lên, xông tới, hai tay túm chặt lấy chân kẻ kia.
Đúng rồi, linh cảm không đánh lừa lão, lão nhận ra hẳn, chính hắn, “thằng hung đồ giết cha”.
– Thằng giết cha! – Lão già hét toáng lên, nhưng chỉ kịp hét lên câu đó thôi; lão bỗng gục xuống như bị sét đánh.
Mitia lại nhảy xuống vườn, cúi xuống xem lão bị đánh thế nào. Tay Mitia cầm chiếc chày đồng, như cái máy chàng quăng nó xuống cỏ. Cái chày rơi cách Grigori hai bước, nhưng không rơi xuống cỏ, mà ở trên lối đi, chỗ dễ thấy nhất.
Trong mấy giây, chàng nhìn lão già nằm trước mắt chàng. Đầu lão già đẫm máu; Mitia đưa tay sờ. Sau này chàng nhớ rõ ràng lúc ấy chàng rất muốn “biết chắc” chàng có đánh vỡ sọ lão già không, hay chỉ làm lão ngất đi thôi.
Nhưng máu chảy xối xả, tia máu nóng hổi thoáng chốc đã tưới đẫm những ngón tay run rẩy của Mitia. Chàng nhớ mình đã rút trong túi ra chiếc mùi xoa mới trắng tinh mà chàng mang theo khi đến nhà bà Khokhlakova và ấp nó vào đầu lão già, ngơ ngẩn cố lau máu trên trán và trên mặt. Nhưng chỉ thoáng chốc chiếc khăn đã đẫm máu. “Trời ơi, ta làm thế này để làm gì nhỉ? – Mitia chợt tỉnh ngộ. – Nếu ta đã đánh vỡ sọ thì làm thế nào mà biết được… với lại bây giờ đằng nào chẳng thế thôi! – Chàng nói thêm bằng giọng tuyệt vọng; – đã đánh chết lão thì thây kệ… Cứ mặc lão nằm đấy!” – chàng nói to và phọt lên bờ tường, nhảy xuống ngõ hẻm và cắm đầu chạy. Chiếc khăn tay đẫm máu nắm chặt trong bàn tay phải, chàng vừa chạy vừa nhét nó vào túi sau chiếc áo ngoài. Chàng chạy thục mạng, và mấy người qua đường gặp chàng trên đường phố tăm tối sau này nhớ lại rằng đêm hôm ấy họ đã gặp một người chạy như điên. Chàng lao như bay vào nhà bà Morozova. Trước đó, ngay sau khi chàng đi khỏi, Fenia đã đâm bổ đến gặp bác gác sân Nazar Ivanovich, van xin bác ta “vì Chúa Kito” mà “đừng cho đại uý vào nhà nữa, dù là hôm nay hay ngày mai”. Nazar Ivanovich ưng thuận, nhưng rủi thay, bà chủ lại gọi bác ta lên có việc, đang đi gặp người cháu trai, một gã hai mươi tuổi mới ở quê lên, bác ta bảo gã coi sân, nhưng lại quên không dặn về việc ông đại úy.
Đến cổng, Mitia gõ cửa. Gã trai nhận ra chàng ngay: Mitia đã nhiều lần cho gã tiền trà thuốc. Gã lập tức mở cửa cho chàng vào, mỉm cười vui vẻ, vội vàng niềm nở báo cho chàng biết “Agrafena Alecxandrovna hiện không có nhà”.
– Cô ấy ở đâu, Prokho? – Mitia bỗng dừng lại.
– Cô ấy mới đi thôi, khoảng hai giờ trước, đi Mokroe, với Timofei!
– Đi làm gì? – Mitia quát lên.
– Cháu làm sao mà biết được, cô đến với một ngài sĩ quan nào đó ông ta gọi cô ấy đến và cho xe ngựa với đón…
Mitia bỏ rơi gã trai và chạy xộc vào chỗ Fenia như người điên.