Hồi ấy anh mới có hai mươi mốt (anh Ivan của anh ta hai mươi tư, anh cả Dmitri của họ hai mươi tám). Trước hết xin nói rằng chàng trai ấy, Aliosa, không phải là người cuồng tín, và theo ý tôi ít ra cũng không phải là người theo thuyết thần bí. Tôi xin nói trước ý kiến đầy đủ của tôi: anh chỉ là một người nhân ái vượt trước thời đại mình, và anh ham mê con đường tu hành là vì bây giờ duy có nó làm xáo động mạnh trí tưởng tượng của anh và anh hình dung đấy có thể nói là lý tưởng để thoát khỏi bóng tối của lòng hận thù đã bùng nổ trên trần gian mà vươn tới ánh sáng của tình yêu trong tâm hồn anh. Con đường đó lôi cuốn được anh chỉ là vì trên đường anh đã gặp một người mà anh cho là siêu phàm: trưởng lão(2) Zoxima trứ danh của tu viện chúng tôi, người mà anh quyến luyến với tất cả mối tình đầu nồng nhiệt của trái tim không hề biết thoả nguyện. Tuy nhiên, tôi không chối cãi rằng ngay hồi ấy anh đã rất kỳ dị, thậm chí kỳ dị từ trong nôi. Ờ mà ở trên tôi đã kể rằng anh mồ côi mẹ từ hồi mới lên ba. Sau này anh nhớ rõ hình ảnh mẹ suốt đời, khuôn mặt, những cứ chỉ âu yếm, “hệt như mẹ vẫn sống, đang đứng trước mặt tôi”.
Những kỷ niệm như thế có thể khắc sâu vào tâm khảm (điều này ai cũng biết) từ thuở bé dại hơn, thậm chí từ năm lên hai, nhưng suốt đời chúng chỉ như những chấm sáng trong bóng tối, hay như một mảnh con bị dứt ra từ tấm tranh rất lớn đã lụi tàn và đã biến mất, chỉ còn để lại một mảnh nhỏ ấy thôi. Với Alecxei, sự thể đúng như vậy: anh nhớ như in một chiều hè êm ả, cửa sổ mở, ánh tà dương chênh chếch (nhưng tia sáng chênh chếch ăn sâu vào tâm trí hơn hết), trong góc phòng một bức ảnh thánh với cây đèn thờ thắp sáng ở phía trước và mẹ anh quỳ trước bức ảnh, khóc nức nở như lên cơn thần kinh, gào rú bồng anh trên tay, ôm ghì lấy anh làm anh đau cả người và cầu khấn Đức Mẹ đồng trinh ban ơn lành cho anh, hai tay nâng bổng anh lên gần bức ảnh như dâng anh cho Mẹ che chở…
Bỗng nhiên người vú chạy vào và hoảng hốt giằng lấy anh. Một cảnh tượng phi thường! Giây lát ấy Aliosa ghi sâu vào ký ức gương mặt mẹ: anh nói rằng khuôn mặt ấy bị kích động cực độ, nhưng đẹp tuyệt vời theo chỗ anh nhớ được. Nhưng ít khi anh thố lộ với ai kỷ niệm ấy. Thời thơ ấu và thanh niên, anh ít thổ lộ tâm tình, thậm chí ít nói, nhưng không phải vì không tin người, không phải vì nhút nhát hay vì tính tình ủ dột ưa cô độc, hoàn toàn trái lại là đằng khác, đấy là vì một cái gì hoàn toàn khác, dường như vì một mối bận tâm sâu kín nào đó không liên can gì đến người khác, nhưng cực kỳ quan trọng đối với anh, khiến anh dường như quên cả mọi người. Nhưng anh yêu mến mọi người: dường như suốt đời anh hoàn toàn tin người mà chẳng bao giờ có ai coi anh là kẻ ngờ nghệch hay ngây thơ. Ở anh có cái gì lên tiếng nhắn nhủ (và sau này suốt cả đời cũng vẫn thế) rằng anh không muốn phán xét người khác, anh không muốn phán xử và không phán xử gì ai hết. Thậm chỉ có vẻ như anh dung thứ hết, tuyệt không chê trách gì cả, tuy thường thường anh rất đỗi buồn rầu đau xót. Hơn thể, về mặt này anh đã đạt tới mức không còn ai có thể làm anh ngạc nhiên hay sợ hãi, mà anh như thế ngay từ thời mới bước vào tuổi thanh xuân. Về nhà bố năm hai mươi tuổi, lọt đúng vào cái ổ trụy lạc nhuốc nhơ, anh, một người trinh tuyền và trong trắng, chỉ lẳng lặng lánh đi khi thấy những cảnh không thể chịu nổi, nhưng không hề tỏ vẻ khinh bỉ hay chê trách một ai. Ông bố trước kia là kẻ ăn chực nên nhạy cảm và rất dễ chạnh lòng, mới đầu có thái độ nghi ngại và cau có với anh (“nó cứ lẳng lặng, nhưng suy xét nhiều”), tuy vậy chẳng bao lâu lão lại rất hay ôm hôn anh, chỉ khoảng sau hai tuần là cùng, thực ra nước mắt và sự xúc cảm của lão chỉ là tình cảm trong cơn say, nhưng rõ ràng là lão yêu con thành thật và sâu đậm, một kẻ như lão cố nhiên chưa từng yêu ai như vậy.
Vả chăng tất cả mọi người đều yêu mến chàng trai ấy, bất kể anh có mặt ở đâu, kể từ thuở anh còn bé thơ. Hồi ở nhà vị ân nhân nuôi dạy mình, Efim Petrovich Polenov, anh đã được mọi người trong gia đình yêu mến đến mức họ hoàn toàn coi anh là người ruột thịt. Ấy là anh đến gia đình ấy từ lúc còn bé dại, ở cái tuổi mà đứa trẻ chưa thể có sự tính toán ranh mãnh, thói láu cá vặt, chưa biết cái nghệ thuật xu nịnh và lấy lòng khiến người ta phải yêu mình.
Vậy là năng khiếu khiến người ta đặc biệt yêu mến mình nằm ngay trong bản thân anh, có thể nói nó ở ngay trong thiên tính của anh, hồn nhiên, không giả tạo. Anh ở trường cũng thế, vậy mà dường như anh thuộc loại trẻ thường, hay làm cho chúng bạn ngờ ngại, đôi khi bị chúng chế giễu, có thể còn bị căm ghét. Chẳng hạn, anh thường tư lự và thích lánh riêng ra. Ngay từ tấm bé anh đã thích lánh riêng ở một chỗ để đọc sách, tuy thế chúng bạn yêu anh đến mức có thể nói dứt khoát là anh được toàn thể mọi người yêu mến suốt thời gian đi học. Anh ít khi nô nghịch, thậm chí ít khi vui vẻ, nhưng nhìn mọi người thấy ngay rằng đấy tuyệt nhiên không phải vì tính hay bực bội, trái lại anh là người ôn hoà và phân minh. Không bao giờ anh muốn tỏ ra trội hơn các bạn cùng lứa. Có lẽ chính vì thế chẳng bao giờ anh sợ ai, thế nhưng chúng bạn hiểu ngay rằng anh không kiêu hãnh về sự gan dạ của mình, mà coi bộ như anh không hiểu rằng anh can đảm và gan dạ. Anh không bao giờ để bụng thù oán. Có khi một giờ sau khi bị xúc phạm, anh đã trả lời kẻ xúc phạm mình hay chính anh nói chuyện trước với hắn, vẻ mặt tin cậy và tươi sáng như không có gì xảy ra. Mà không phải là anh làm ra vẻ vô tình quên đi hay cố ý tha thứ cho sự xúc phạm, chẳng qua anh không coi đó là sự xúc phạm, điều đó làm chúng bạn yêu quý và cảm phục anh. Anh chỉ có một đặc điểm khiến cho bọn học trò ở tất cả các lớp, từ lớp thấp nhất đến lớp cao nhất, thường xuyên muốn trêu ghẹo anh. Đấy là cái tính cả thẹn và tinh khiết kỳ quái, quá đáng của anh. Anh không thể nghe nổi một số lời nhất định và một số cuộc bàn tán nhất định về phụ nữ. Những lời và những cuộc bàn tán “nhất định” ấy, rủi thay lại là không thể trừ bỏ được trong các trường học. Những gã thiếu niên tâm hồn và trái tim trong trắng, hầu như con nít, thường rất thích nói riêng với nhau trong lớp và thậm chí nói công nhiên về những việc, nhưng cảnh và hình ảnh mà ngay cả lính tráng không phải bao giờ cũng dám nói, hơn thế nữa nhiều điều lính tráng không biết và không hiểu, nhưng lại quen thuộc với bọn trẻ con rất non dại của xã hội tri thức thượng lưu chúng ta. Đây có lẽ chưa phải là sự đồi bại về đạo đức, cũng chưa phải là sự trâng tráo thực sự, dâm dật, tự bên trong, nhưng là sự trâng tráo bề ngoài, nó thường được chúng coi là cái gì tinh tế, ý vị hiên ngang và đáng bắt chước. Thấy “Aliosa Karamazov” vội dùng ngón tay nút hai tai lại khi nghe nói đến “cái ấy”, đôi khi chúng cố ý xúm lại quanh anh, giằng tay anh khỏi tai, thét vào cả hai tai anh nhưng lời tục tĩu, còn anh vằng ra, thụp xuồng sàn, nằm xuống, bưng kín mặt, mà vẫn không nói với chúng một lời nào, không mắng lại, lẳng lặng chịu đựng. Rồi cuối cùng chúng để anh yên, không chế anh là “con nhãi ranh” nữa, không những thế còn tỏ ra tiếc cho anh về khoản này. Nên nói thêm là trong lớp, anh bao giờ cũng thuộc loại trò giỏi, nhưng không bao giờ đứng nhất lớp.
Khi Efim Petrovich qua đời, Aliosa còn học hai năm nữa, ở trường tỉnh. Bà vợ Efim Petrovich đau buồn khôn nguôi, hầu như ngay sau khi chồng mất liền đưa cả nhà toàn là phụ nữ sang Ý một thời gian dài, còn Aliosa đến ở với hai người đàn bà trước kia anh chưa từng gặp mặt, là những người họ xa của Efim Petrovich, nhưng anh ở đấy theo điều kiện thoả thuận như thế nào thì chính anh cũng không biết. Một đặc điểm tiêu biểu, thậm chí rất tiêu biểu của anh là không bao giờ bận tâm đến chuyện mình sống bằng tiền của ai. Về điểm này anh trái ngược hẳn với anh Ivan của mình, người đã qua cảnh nghèo khổ trong hai năm đầu ở đại học, phải tự làm nuôi thân, từ tấm bé đã cay đắng cảm thấy mình sống bằng miếng bánh ăn nhờ, miếng bánh của ân nhân. Nhưng hình như không thể phán xét quá nghiêm khắc điểm đó trong tính cách của Alecxei, bởi vì bất cứ ai dù chỉ hơi biết anh thì khi nảy ra câu hỏi về chuyện ấy, thảy đều tin chắc rằng anh thuộc loại dở điên dở dại dù có đột nhiên được hưởng cả một gia sản thì cũng dễ dàng hiến tặng luôn khi có lời cầu xin, hoặc hiến cho công việc từ thiện, hoặc thậm chỉ có khi cho một kẻ bịp bợm khôn khéo, nếu như hắn xin xỏ.
Nói chung anh dường như hoàn toàn không biết giá trị đồng tiền, tất nhiên không phải là theo nghĩa đen. Khi được người ta cho tiền tiêu vặt (mà anh không bao giờ xin) thì hàng tuần liền anh không biết dùng tiền làm gì, hoặc không hề biết dè sẻn gì hết, tiêu phăng trong nháy mắt. Petr Alecxandrovich Miuxov, một người rất kỹ tính về mặt tiền nong và về sự chính trực tư sản, sau này, khi đã xem xét kỹ Alecxei, có lần đã thốt lên câu danh ngôn về anh như sau: “Đây có lẽ là người duy nhất trên thế gian mà nếu bỗng nhiên bị bỏ mặc một mình, không có chút tiền nong nào trong một thành phố lạ một triệu dân thì anh ta cũng không khốn đốn, không chết đói chết rét, bởi vì tức khắc sẽ có người cho ăn và thu xếp cho, mà nếu không ai thu xếp cho thì anh ta cũng sẽ tự thu xếp được ngay, chẳng phải gắng gỏi gì hết và cũng không một chút quỵ luỵ, còn người giúp anh ta không hề cảm thấy đó là gánh nặng, trái lại có lẽ còn coi đó là niềm thích thú”.
Anh không theo hết bậc trung học: còn một năm nữa hết cấp, anh bỗng nói với hai bà kia rằng anh về nhà bố có việc, một việc mà anh chợt nghĩ ra. Hai bà rất lưu luyến anh, không muốn để anh đi. Đi đường không tốn kém lắm, hai bà không cho anh cầm cố chiếc đồng hồ gia đình vị ân nhân tặng anh trước khi ra nước ngoài, họ chu cấp tiền nong hậu hĩ cho anh, còn tặng anh cả bộ áo ngoài và đồ lót. Nhưng anh trả lại cho họ nửa số tiền, bảo với họ rằng anh nhất quyết muốn đi toa hạng ba. Về đến thị trấn nhà, khi bố hỏi: “Sao chưa học xong đã bỏ về?”, anh không trả lời gì hết, mà như người ta nói, anh trở nên tư lự khác thường.
Chẳng bao lâu đã rõ ràng anh đi tìm mộ mẹ. Thậm chí về sau anh tự thú nhận rằng mình về chỉ vì việc ấy. Nhưng chưa chắc anh về chỉ vì lý do ấy. Nhiều phần chắc hơn cả là chính anh không biết và không thể nào giải thích được rằng trong tâm hồn anh bỗng nhiên dậy lên một điều gì không thể cưỡng lại nổi lôi cuốn anh đi lên con đường mới chưa hề biết, nhưng không sao tránh khỏi.
Fedor Pavlovich không thể chỉ cho con ngôi mộ người vợ thứ hai của y, vì chưa bao giờ y đến thăm mộ vợ, kể từ khi hạ huyệt, và vì lâu năm rồi y quên bẵng mất nơi mai táng…
Xin nói thêm về Fedor Pavlovich. Một thời gian dài trước đó y không ở thành phố chúng tôi. Ba bốn năm trước khi người vợ thứ hai qua đời, y đến miền nam nước Nga và cuối cùng dừng ở Odessa, sống tại đây mấy năm liền.
Theo chính lời y, thoạt đầu y làm quen với “nhiều người Do Thái, cả đàn ông, đàn bà lẫn trẻ con, gái trai đủ cả” và cuối cùng, chẳng những y được người Do Thái tiếp nhận “mà cả người Israel nữa”(3). Hẳn là trong quãng đời này của mình, y đã phát triển được tài nghệ đặc biệt ky cóp và bòn rút tiền. Y trở lại thị trấn chúng tôi chỉ mới ba năm trước khi Alecxei về. Những người quen trước kia thấy y già đi nhiều, tuy tuổi chưa lấy gì làm cao lắm. Y cư xử không tao nhã hơn, mà có phần trâng tráo hơn. Chẳng hạn anh hề trước kia bỗng có nhu cầu láo xược muốn biến người khác thành hề. Y thích chơi bời đĩ điếm thậm chí còn bỉ ổi hơn trước. Chẳng bao lâu sau y trở thành người sáng lập ra nhiều quán rượu mới trong vùng.
Người ta cho rằng có lẽ y có đến một trăm ngàn tiền vốn hay chỉ kém chút ít. Nhiều người trong thành phố và trong hạt vay nợ y, tất nhiên là phải có vật cầm cố hoàn toàn chắc chắn. Gần đây y có hơi phị ra, có phần mất ung dung, mất tự chủ, thậm chí trở nên hơi xốc nổi, bắt tay vào việc này rồi lại xọ sang việc khác, đầu óc phân tán và ngày càng say sưa bét nhè, và nếu như không có Grigori, vẫn người gia nhân ấy bây giờ cũng đã già đi nhiều, trông nom y, đôi khi gần như một người hướng dẫn thì có lẽ Fedor Pavlovich sẽ không sống nổi nếu không có sự chăm sóc đặc biệt. Alecxei về nhà dường như có ảnh hưởng đến y về mặt đạo lý ở con người già trước tuổi này, có cái gì từ lâu đã lụi tắt trong tâm hồn dường như bỗng thức tỉnh: “Con có biết không – Y thường chăm chú nhìn Aliosa và nói – con giống bà ấy, cái bà ngộ dại ấy mà”. Y gọi người vợ quá cố, mẹ Alecxei như vậy.
Cuối cùng gia nhân Grigori chỉ cho Alecxei mộ “người ngộ dại”. Lão đưa anh ra nghĩa trang thành phố, và ở một góc xa tít, lão chỉ cho anh tấm bia mộ bằng gang rẻ tiền, nhưng chỉn chu, có ghi cả tên tuổi, tước hiệu, năm mất của người quá cố, bên dưới thậm chí có đề bài thơ bốn câu đại loại như thứ thơ cổ thường thấy trên mộ người trung lưu. Điều đáng ngạc nhiên là tấm bia này do Grigori đặt. Chính lão bỏ tiền ra dựng tấm bia trên mộ người đàn bà “ngộ dại” đáng thương, sau khi đã rầy rà chủ nhiều lần về nấm mộ ấy và cuối cùng Fedor Pavlovich bỏ đi Odessa, thây kệ chẳng những là mồ mả, mà thậm chí mọi kỷ niệm của mình.
Đứng trước mộ mẹ, Alecxei không biểu lộ sự thương cảm đặc biệt nào cả; anh chỉ cúi đầu ủ rũ lắng nghe câu chuyện nghiêm trang và phải lẽ của Grigori về việc dựng bia mộ, rồi bỏ đi không thốt lên lời nào. Từ đó, có lẽ thậm chí suốt năm anh không đến nghĩa trang lần nào. Nhưng các việc nhỏ nhặt ấy cũng đã tác động đến Fedor Pavlovich và tác động khá độc đáo. Y bỗng đem một nghìn rúp cúng vào tu viện để cầu nguyện cho linh hồn vợ mình, không phải người vợ thứ hai, mẹ Alecxei, “người ngộ dại”, mà là người vợ thứ nhất, Adelaida Ivanovna, người đã đánh đập y. Ngay chiều hôm ấy, y uống rượu say và thoá mạ các tu sĩ trước mặt Alecxei. Bản thân y không tin đạo chút nào, có lẽ cả đời y chưa từng thắp một cây nến trước tượng thánh. Những con người như thế đôi khi có những cơn bột phát kỳ lạ do những tình cảm bất ngờ và những ý nghĩ bất ngờ.
Như tôi đã nói, y tự dưng phì hẳn ra. Mặt y hồi ấy trở thành một thứ bằng chứng lồ lộ về tính chất và thực chất cuộc đời đã qua của y. Ngoài những túi thịt chảy dài dưới cặp mắt nhỏ bé lúc nào cũng trâng tráo, nghi kỵ, giễu cợt cùng vô số nếp nhăn sâu hoắm trên khuôn mặt bé choắt nhưng béo múp, ẩn dưới cái cằm nhọn còn thây lẩy một cái hầu to tướng, nhung nhúc thịt và thuôn thuôn, như cái túi đựng tiền, khiến cho mặt y có vẻ dâm dật ghê tởm. Thêm vào đó còn có cái miệng rộng của loài thú ăn thịt với cặp môi mọng để lộ ra những mảnh nhỏ còn sót lại của hàm răng đen sì hầu như đã hư nát hết. Hễ bắt đầu nói là y phun nước bọt ra. Thế nhưng y thích pha trò về khuôn mặt của mình, mặc dù hình như y hài lòng về nó. Đặc biệt y thường trỏ cái mũi không to lắm, nhưng rất mảnh, sống gồ hẳn lên: “Cái mũi La Mã chính cống, – y nói – lại thêm cái yết hầu này thì mặt tôi đích thị là khuôn mặt của một nhà quý tộc La Mã thời suy tàn”. Hình như y lấy thế làm hãnh diện.
Chẳng bao lâu sau khi tìm được mộ mẹ, Alecxei bỗng nói với bố ông anh muốn vào tu viện, các thầy tu sẵn lòng nhận anh vào. Anh giải bày với bố rằng đây là nguyện vọng thiết tha nhất của anh và anh khẩn khoản xin bố trang trọng cho phép với tư cách là người sinh ra anh. Lão già biết rằng trưởng lão Zoxima lánh mình trong tu thất đã có ảnh hưởng đặc biệt đến “thằng bé hiền lành” của mình.
– Vị trưởng lão đó cố nhiên là người ngay thẳng nhất trong các thầy tu ở đây. – Lão nói, sau khi đã yên lặng trầm ngâm nghe Aliosa, tuy nhiên lão hầu như không ngạc nhiên vẻ điều cầu xin của con. – Hừm, thì ra con muốn vào đấy, thằng bé hiền lành của ta! – Lão đã chếnh choáng hơi men và bỗng mỉm cười, nụ cười toét miệng, dở tỉnh dở say, nhưng không thiếu phần ranh mãnh và quỷ quyệt của con sâu rượu. – Hừm, thì ta cũng đã cảm thấy trước rằng cuối cùng rồi con sẽ đi đến cái nước ấy, con có thể tưởng tượng được không? Con đeo đuổi chí hướng ấy. Ừ thôi cũng được, con có hai ngàn rúp vốn riêng đây, còn ta không bao giờ bỏ rơi con, thiên thần của ta ạ, ngay bây giờ ta cũng sẽ góp cho con đủ số tiền cần thiết nếu người ta đòi hỏi. Nhưng nếu người ta không đòi hỏi thì tội gì, phải không? Con có tiêu gì nhiều, chẳng qua chỉ như con hoàng yến, mỗi tuần hai hạt là đủ! Hừm.… Con ạ, ở gần tu viện đó có một xóm mà cả bàn dân thiên hạ đều biết là ở đấy chỉ toàn “vợ thầy tu”, người ta gọi họ như thế đấy, khoảng ba chục mống, ta ước chừng như thế… Ta đã đến đấy, kể cũng thú vị, tất nhiên là xét trong loại của nó, để đổi món cho đỡ ngán. Tệ cái là chỉ rặt của Nga, không có cô ả người Pháp nào, mà lẽ ra có thể có lắm chứ, bọn họ khối tiền. Đánh hơi thấy thì các ả ấy sẽ kéo đến. Còn ở đây thì không có gì, ở đây không có các vợ thầy tu, thầy tu có khoảng hai trăm. Tu hành chăm chỉ. Trai giới thực sự. Ta thừa nhận… Hừm.… Thế ra con muốn đi tu à? Thế thì ta tiếc cho con, Alecxei ạ, thực đấy, không biết con có tin không, ta yêu con… Tuy vậy đây cũng là dịp thuận lợi: con sẽ cầu nguyện cho chúng ta, những kẻ tội lỗi, chúng ta ở đây phạm quá nhiều tội lỗi. Ta vẫn nghĩ: rồi đây ai sẽ cầu nguyện cho ta? Trên đời có người nào như thế không? Con yêu dấu của ta về khoản ấy ta đần kinh khủng, có lẽ con không tin chứ gì? Đần kinh khủng. Này con ạ, về mặt đó, thì ta rất đần, nhưng ta cứ nghĩ suốt nghĩ suốt, thỉnh thoảng thôi, tất nhiên, không phải là luôn luôn. Ta nghĩ: nhất định quỷ sẽ dùng móc lôi ta đi khi ta qua đời. Nhưng ta lại nghĩ: móc ư? Chúng lấy đâu ra thứ đó. Làm bằng gì? Sắt ư? Rèn ở đâu? Chúng có một xưởng làm móc chắc? Có lẽ các tu sĩ ở viện cho rằng địa ngục có trần. Ta sẵn lòng tin là có địa ngục, miễn là nó không có trần: như vậy xem ra thanh nhã hơn, có văn hoá hơn, nghĩa là theo tinh thần đạo Lute(4). Thực ra thì có trần hay không cũng thế thôi chứ gì? Nhưng điều khỉ gió chính là ở chỗ đó! Này nhé, nếu như không có trần thì tức là cũng không có móc.
Mà nếu không có móc thì tức là phèo hết, thế là lại không cách gì tưởng tượng nổi: ai sẽ lôi ta đi, bởi vì nếu ta không bị lôi đi thì còn quái gì lẽ phải trên đời này nữa chứ? Il faudrait les inventer(5), nhưng cái móc ấy, cốt để dùng cho ta, cho một mình ta thôi, bởi vì, Aliosa ạ, giá như con biết được ta là kẻ vô liêm sỉ như thế nào…!
– Vâng, ở đấy không có móc, – Aliosa chăm chú nhìn bố, khẽ nói một cách nghiêm trang.
– Phải, phải, chỉ có bóng của những cái móc treo thôi. Ta biết, ta biết. Như một người Pháp đã miêu tả địa ngục: “Tôi đã thấy cái bóng của người đánh xe dùng cái bóng của chiếc bàn chải cọ cái bóng của cỗ xe”. Con yêu dấu của ta, làm sao con biết là không có móc? Khi nào đến ở với các thầy tu thì con sẽ hát giọng khác thôi. Mà thôi, đi đi, hãy tìm cho ra sự thật rồi về kể cho ta nghe: dù có sang thế giới bên kia cũng nhẹ nhõm hơn nếu biết chắc ở đó có cái gì. Vả lại con ở với các thầy tu sẽ đứng đắn hơn ở với lão già say rượu và một lũ gái non… mặc dù sẽ không có gì đụng được đến con vì con là đấng thiên thần mà. Có lẽ ngay ở đấy cũng sẽ không có gì đụng được đến con, chính bởi vậy mà ta cho phép con đi, vì ta hy vọng như thế. Con là người biết xét suy. Con sẽ cháy lên một thời gian rồi sẽ tắt, sẽ khỏi bệnh và trở về nhà. Ta sẽ đợi con: vì ta cảm thấy con là người duy nhất trên đời không kết tội ta, con yêu dấu của ta, ta cảm thấy điều đó mà, ta không thể không cảm thấy điều đó!…
Thậm chí lão khóc rưng rức. Lão là người đa cảm, lão độc ác và đa cảm.
Chú thích
(1) Tên gọi thân mật Alecxei.
(2) “Xtaresta” (tiếng Nga) dùng để chỉ nhà tu hành đã đạt đến trình độ khổ tu cao siêu, ở Nga chế độ trưởng lão xuất hiện vào khoảng thế kỷ 14. Ý nghĩa của từ này sẽ được tác giả giải thích kỹ sau này (mục 5.) (N.D).
(3) Trong nguyên bản dùng hai từ “gid” và “evrei” đều là người Do Thái, nhưng tư “gid” mang sắc thái khinh miệt, tôi dịch là “người Do Thái”, còn từ “evrei” dịch là “người Israel” (N.D).
(4) Lute Martin (1483-1546), một lãnh tụ cải cách tôn giáo, sáng lập đạo Lute, đạo Lute là một trào lưu thanh giáo, đặc điểm của nó chỉ là thừa nhận Kinh Thánh bác bỏ truyện thánh (N.D)
(5) Tiếng Pháp trong nguyên bản, nghĩa là “phải bịa ra chúng”, đây là nhại câu nói nổi tiếng của Voltare: “Nếu không có Thượng đế thì phải bịa ra cho có”.