Đúng là lúc anh đến bố vẫn ngồi ở bàn ăn. Như lệ thường, bữa ăn dọn trong phòng khách, tuy nhà có phòng ăn hẳn hoi. Đây là căn phòng lớn nhất, đồ đạc bày biện với tham vọng tạo nên phong cách cổ. Đồ gỗ rất cổ, màu trắng, lớp bọc rất cũ kỹ, màu đỏ, bằng thứ vải pha lụa. Ở các khoảng tường giữa các cửa sổ có đặt nhưng tấm gương với những bộ khung cầu kỳ chạm khắc theo lối cổ, cũng màu trắng thếp vàng. Trên các bức tường bọc giấy bồi trong nhiều chỗ đã nứt rạn, có treo hai bức chân dung lớn: chân dung của một công tước nào không rõ ba mươi năm trước đã từng là tổng đốc tỉnh nhà, và chân dung một giáo chủ cũng đã qua đời từ lâu. Ở góc phía trước có mấy bức ảnh thánh, ban đêm trước ảnh thắp ngọn đèn thờ… cốt để sáng phòng hơn là để thờ phụng. Fedor Pavlovich thường đi ngủ rất muộn, quãng ba, bốn giờ sáng, trước giờ đó ông ta thường đi lại trong phòng hay ngồi suy nghĩ trong ghế bành. Điều đó đã thành thói quen. Ông ta thường ngủ một mình trong nhà, cho gia nhân xuống nhà ngang, nhưng nhiều khi vẫn để tên hầu Xmerdiakov ở lại với mình, hắn ngủ ở phòng ngoài trên một chiếc hòm dài.
Lúc Alecxei đến, bữa ăn đã xong, nhưng người nhà đang đưa mứt và cà phê lên. Sau bữa ăn Fedor Pavlovich thích dùng đồ ngọt với cognac, Ivan Fedorovich cũng ngồi ở bàn và uống cognac. Gia nhân Grigori và Xmerdiakov đứng bên bàn. Rõ ràng là cả chủ lẫn tớ đều hào hứng vui vẻ lạ thường.
Fedor Pavlovich cười hô hố; ngay từ phòng ngoài Alecxei đã nghe thấy tiếng cười chói tai rất quen thuộc của bố và nghe tiếng cười, anh kết luận rằng bố chưa say chút nào và lúc này là lúc ông dễ tính nhất.
– Nó đây rồi, nó về đây rồi! – Fedor Pavlovich gào lên, đột nhiên hết sức vui mừng khi thấy Aliosa. – Vào đây với chúng ta, ngồi xuống đi, dùng cà phê nhé, cà phê là món chay mà anh, cà phê nóng, tuyệt lắm nhé! Ta không thết con cognac, con ăn chay mà, nhưng con muốn uống, con muốn phải không? Không, ta cho con uống rượu mùi thì hơn, rượu mùi trứ danh! Xmerdiakov, ra tủ lấy đi. Ở ngăn thứ hai bên phải, chìa khoá đây, nhanh lên!
Aliosa từ chối.
– Thì cũng cứ mang ra, con không uống thì chúng ta uống, – Fedor Pavlovich mặt mày hớn hở. – Nhưng này, con đã ăn chưa?
– Con ăn rồi ạ. – Aliosa nói, thực ra anh mới chỉ ăn một miếng bánh mì và uống một cốc nước kvaz ở bếp nhà Cha viện trưởng.
– Con yêu quý! Cừ lắm! Nó sẽ uống cà phê. Có phải hâm lại không? Ồ không, vẫn nóng sôi. Cà phê trứ danh, Xmerdiakov pha đấy Xmerdiakov của ta là một nghệ sĩ về món cà phê, bánh nướng kulêbik(1) và cả món cháo cá nữa, chỉ cần cho biết trước. A mà khoan, ta đã báo con hôm nay mang hết nệm gối về hẳn nhà phải không? Con mang chăn nệm về rồi chứ? Hê – hê hê!…
– Không, con không mang về. – Aliosa cũng nhếch mép cười.
– Thế nhưng con sợ, lúc ấy con sợ, con sợ phải không? Ồ, con yêu quý của ta, ta nỡ lòng nào làm con phiền lòng.
Này, Ivan ạ, khi nó nhìn vào mắt ta và cười như thế này này thì ta chịu không nổi, chịu không nổi. Nhìn thấy nó là ta nở cả ruột gan, ta yêu nó! Aliosa, đến đây ba ban phước cho con trai của ba nào.
Aliosa đứng lên, nhưng Fedor Pavlovich đã đổi ý.
– Không, không, bây giờ ta chỉ làm dấu thánh cho con thôi, nào, ngồi xuống. Này nhé, bây giờ con sẽ thích thú, mà chính là về một đề tài con ưa thích. Con sẽ tha hồ mà cười. Con lừa cái Balaam(2) của chúng ta đã bắt đầu nói, mà nói ra nói kia chứ! Con lừa Balaam là thằng hầu Xmerdiakov. Nó còn trẻ, mới hai mươi tư, tính tình rất khó gần và lầm lì. Không phải là nó thô lậu hay có điều gì hổ thẹn, không, trái lại nó ngạo mạn và dường như khinh miệt cả thiên hạ. Nhưng không thể không nói đôi lời về nó, mà chính là lúc này. Nó được Marfa Ignachievna và Grigori Vaxilievich nuôi dạy, nhưng lớn lên nó là đứa trẻ “hết sức vô ơn”, nói như Grigori, nó thích lánh riêng một mình, ẩn trong xó tối nhìn đời. Thuở bé nó rất thích treo cổ mèo, rồi làm lễ chôn cất hẳn hoi. Nó choàng tấm khăn trải giường lên người làm áo thụng thầy tu, vừa hát vừa đưa đi đưa lại cái gì đó trên xác con mèo như chao bình hương. Việc đó nó làm lén lút giấu rất kín. Có lần Grigori bắt được nó đang làm cái trò ấy và quật nó một trận rất đau. Suốt tuần nó chúi vào một xó nhà và gườm gườm nhìn ra. “Nó không yêu chúng ta, con quái vật này, – Grigori nói với Marfa Ignatievna – mà nó cũng chẳng yêu ai. Mày mà là người ư, – đột nhiên lão nói thẳng với Xmerdiakov, – mày không phải là người, mày từ hơi ẩm nhà tắm mà nảy nòi ra, thế đấy…”.
Sau này mới rõ rằng Xmerdiakov không bao giờ tha thứ cho lão những lời đó. Grigori đã dạy cho nó biết đọc và đến năm nó mười hai tuổi, lão bắt đầu dạy nó sự tích Kinh Thánh. Nhưng đấy là việc thành công cốc. Có lần, mà mới chỉ trong buổi học thứ hai hay thứ ba, thằng bé bỗng nhếch mép cười mỉa mai.
– Mày cười cái gì? – Grigori hỏi, hầm hè nhìn nó qua cặp kính.
– Không ạ. Chúa Trời tạo ra thế giới trong ngày đầu, còn mặt trời, mặt trăng và sao thì đến ngày thứ tư mới tạo ra.
Vậy ngày đầu tiên lấy đâu ra ánh sáng?
Grigori ngây người. Thằng bé nhìn thấy với vẻ giễu cợt. Ngay trong ánh mắt của nó đã có cái gì cao ngạo. Grigori không nén nổi. “Ánh sáng ở đây ra này!” – lão quát lên và cho nó cái tát trời giáng. Tháng bé chịu đựng, không thốt lên lấy một lời. Nhưng lại chúi vào xó nhà mấy ngày. Chẳng hiểu sao sau đó một tuần, nó bỗng phát bệnh động kinh lần đầu tiên trong đời, và chứng bệnh ấy suốt đời không buông tha nó. Biết việc này, Fedor Pavlovich bỗng có cái nhìn khác đối với thằng bé. Trước kia ông ta thờ ơ với nó, tuy không bao giờ mắng chửi, và mỗi khi gặp bao giờ ông ta cũng cho nó một xu. Lúc hứng chí, đôi khi ông ta bảo đem cho nó món đồ ngọt gì đó trên bàn ăn của mình.
Nhưng khi biết nó mắc bệnh, ông ta bắt đầu chăm nom nó, ông mời bác sĩ, muốn chạy chữa cho nó, nhưng hoá ra bệnh nó không thể chữa được. Trung bình nó lên cơn mỗi tháng một lần, kỳ hạn không nhất định. Cơn cũng mạnh yếu khác nhau: có những cơn nhẹ, có những cơn rất nặng. Fedor Pavlovich nghiêm cấm Grigori đánh đập thằng bé và cho nó lui tới nhà trên với mình. Tạm thời ông ta cũng cấm không được bắt nó học hành gì cả nhưng có lần hồi nó đã mười lăm, Fedor Pavlovich thấy nó vơ vẩn cạnh tủ sách và đọc tên sách qua ô kính. Fedor Pavlovich có khá nhiều sách, khoảng hơn một trăm cuốn, nhưng chưa ai thấy ông ta đọc sách bao giờ. Ông ta lập tức trao chìa khoá tủ cho Xmerdiakov: “Thế thì đọc đi, mày làm thủ thư cho tao còn hơn là đi tha thẩn ngoài sân, ngồi mà đọc sách đi.
Đọc cuốn này này” – và Fedor Pavlovich lấy cho nó cuốn “Nhưng buổi chiều ở một ấp gần Dikanki”(3).
Thằng bé đọc hết, nhưng không thích, không lần nào mỉm cười trái lại đọc xong nó cau có.
– Sao? Không buồn cười à? – Fedor Pavlovich hỏi. Xmerdiakov im lặng.
– Trả lời đi, thằng ngốc.
– Toàn những chuyện bịa đặt. – Nó cười khẩy, nói lí nhí.
– Cút xéo đi, cái thứ tôi đòi có khác. Khoan đã, đây là cuốn “Lịch sử thế giới” của Xmaragdov, viết toàn sự thật thôi, đọc đi.
Nhưng Xmerdiakov không đọc được nổi mười trang của Xmaragdov, vì cảm thấy chán quá. Thế là tủ sách lại khoá kín. Ít lâu sau Marfa và Grigori kể với Fedor Pavlovich rằng thằng này bỗng dưng trở nên rất lạ, tự dưng có tính hay kinh tởm: ngồi trước đĩa súp, nó cảm thìa khuấy tìm mãi, cúi xuống nhìn kỹ, múc một thìa giơ ra ánh sáng.
– Có con gián ư? – Có lần Grigori hỏi.
– Hay con ruồi – Marfa nói.
Gã trai ưa sạch sẽ không lần nào trả lời, nhưng với bánh mì, và mọi món ăn khác cũng đều như thế: nó dùng đĩa giơ miếng ăn ra chỗ sáng, xem xét kỹ như soi kính hiển vi, cân nhắc chán rồi mới đưa vào mồm. “Gớm chưa, rõ ra tuồng cậu ấm con nhà”
Grigori lầu bầu nhìn nó. Nghe nói về đức tính mới nảy sinh của nó, Fedor Pavlovich lập tức quyết định dùng nó làm đầu bếp và gửi nó đi học ở Moskva. Sau mấy năm học ở đấy, nó trở về, mặt nom khác hẳn đi. Nó già đi nhanh lắm, mặt nhăn nheo quá so với tuổi, nước da vàng bủng, nom nó như một kẻ bị hoạn. Về tính tình thì cũng vẫn gần như trước khi đi Moskva, vẫn ưa cô độc, không mảy may cảm thấy cần giao du với ai cả. Ở Moskva, theo lời người ta kể lại, nó cũng lầm lầm lì lì như trước; bản thân Moskva không rõ vì sao rất ít làm nó hứng thú, thành thử nó chỉ biết được một đôi điều, còn mọi cái khác nó không hề để ý đến, thậm chí nó có đi nhà hát một lần, nhưng lúc về nó không nói chẳng rằng, coi bộ không ưng ý. Nhưng khi ở Moskva trở về, nó ăn vận tươm tất, áo đuôi tôm và đồ lót sạch sẽ, ngày nào nó cũng hai lần tự tay chải quần áo cẩn thận, còn ủng của nó là đôi ủng sang trọng bằng da bê, nó rất thích đánh ủng bằng một loại xi đặc biệt của Anh, thành thử đôi ủng lúc nào cũng bóng loáng như gương. Nó trở thành một tay nấu bếp thượng thặng, Fedor Pavlovich ấn định đền công cho nó, hầu như toàn bộ số tiền đó Xmerdiakov tiêu hết vào việc sắm quần áo, kem mặt, nước hoa, v.v.… Nhưng với phụ nữ, hình như nó cũng coi khinh chẳng kém gì coi khinh giới đàn ông, nó làm bộ đạo mạo, gần như không thể đến gần được. Fedor Pavlovich bắt đầu nhìn nó bằng con mắt khác. Độ này cơn động kinh của nó xảy ra thường xuyên hơn và nặng hơn, những ngày ấy Marfa Ignatievna thay nó nấu ăn và Fedor Pavlovich không vừa ý chút nào.
– Vì sao mày lên cơn nhiều hơn trước? – Đôi khi ông nhìn chòng chọc vào mặt gã đầu bếp mới, hỏi. – Mày nên lấy vợ đi thì hơn, mày có muốn lấy vợ không?
Nghe những lời đó, Xmerdiakov chỉ tái mặt đi vì bực tức, nhưng không trả lời gì hết. Fedor Pavlovich phẩy tay bỏ đi.
Có lần Fedor Pavlovich say rượu để rơi xuống vũng bùn sân nhà ba tờ một trăm rúp vừa nhận được, mãi đến hôm sau ông ta mới nhớ đến. Ông ta vừa đâm bổ đi lục tìm các túi áo thì những tờ giấy bạc ấy đã nằm trên bàn của ông ta, đủ cả ba tờ. Ở đâu ra?
Xmerdiakov nhặt được và để lên đấy từ hôm qua. “Này chú mày ạ ta chưa từng thấy ai như chú mày”. – Khi ấy Fedor Pavlovich chỉ nói gọn lỏn như vậy và thưởng cho nó mười rúp. Cần nói thêm rằng chẳng những ông ta tin nó ngay thẳng, mà chẳng rõ vì sao còn yêu nó, tuy với ông ta nó cũng gườm gườm như với người khác, và lúc nào cũng im lặng. Họa hoằn lắm nó mới mở miệng. Lúc ấy nếu có người nào nhìn nó mà nảy ra câu hỏi: thằng cha này quan tâm đến chuyện gì và nó hay nghĩ đến điều gì nhiều hơn cả thì quả tình là không thể tìm ra câu giải đáp. Thế nhưng nhiều khi ở trong nhà hay ở sân, hay ở ngoài đường nó bỗng dừng lại, trầm ngâm và đứng như thế có đến mười phút. Nhà tướng số nhìn kỹ nó hẳn sẽ nói rằng ở đây chẳng có suy tư nghĩ ngợi gì hết, mà chỉ là một trạng thái chiêm nghiệm. Hoạ sĩ Kramxkoi có một bức tranh đặc sắc nhan đề “Người chiêm nghiệm” một cánh rừng mùa đông, trên con đường chạy qua rừng một người nông dân mặc chiếc áo kaftan rách rưới, đi dép bện bằng cỏ cây, đứng trơ trọi một mình giữa nơi cô tịch, nom như đang suy tưởng, nhưng anh ta chẳng hề nghĩ ngợi gì, mà đang “chiêm nghiệm”. Nếu như đụng vào anh ta, anh ta sẽ giật mình nhìn ta, như chợt tỉnh giấc, nhưng chẳng hiểu gì cả.
Sự thực thì anh ta tỉnh hẳn ngay, nhưng nếu hỏi anh ta nghĩ ngợi gì mà đứng như thế thì chắc hẳn anh ta sẽ chẳng nhớ được gì, nhưng hẳn là anh ta vẫn giữ trong lòng cái cảm tưởng đã có trong lúc chiêm nghiệm. Nhưng cảm tưởng ấy rất quý báu đối với anh ta, chắc là anh ta tích luỹ chúng mà không để ý đến mà không hề có ý thức gì – cố nhiên cũng không biết là vì sao và để làm gì. Có thể sau khi tích luỹ cảm tưởng trong nhiều năm, đột nhiên anh ta sẽ vứt bỏ hết và đi Jeruzalem, lang thang đi tìm sự cứu rỗi, có thể anh ta đột nhiên sẽ đốt làng quê mình, mà cũng có thể hai việc cùng xảy ra đồng thời. Trong dân gian có khá nhiều kẻ chiêm nghiệm. Có lẽ Xmerdiakov là một trong những kẻ chiêm nghiệm như vậy, có lẽ hắn cũng háo hức tích luỹ cảm tưởng mà gần như không biết để làm gì.
Chú thích
(1) bánh nướng nhân thịt, cá, v.v… (N.D).
(2) Theo huyền thoại thánh, con lừa cái của nhà tiên tri Ballaam bỗng cất tiếng nói (Thành ngữ này tương tự như “Cóc mở miệng” của ta (N.D)
(3) Tập truyện ngắn của nhà văn Nga nổi tiếng N. Gogol (N.D)