Anh em nhà Karamazov

Chương 7 – Ngoài trời thoáng đãng
Trước
image
Chương 31
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
  • Chương 51
  • Chương 52
  • Chương 53
  • Chương 54
  • Chương 55
  • Chương 56
  • Chương 57
  • Chương 58
  • Chương 59
  • Chương 60
  • Chương 61
  • Chương 62
  • Chương 63
  • Chương 64
  • Chương 65
  • Chương 66
  • Chương 67
  • Chương 68
  • Chương 69
  • Chương 70
  • Chương 71
  • Chương 72
  • Chương 73
  • Chương 74
  • Chương 75
  • Chương 76
Tiếp

Không khí ở đây trong sạch, chứ ở cung điện của chúng tôi thì thật là tù hãm, hiểu theo mọi nghĩa. Chúng ta đi thủng thẳng thôi thưa ông. Tôi rất muốn thu hút sự quan tâm của ông.

– Tôi cũng có một việc rất quan trọng muốn nói với ông… – Aliosa nói. – Có điều tôi không biết bắt đầu từ đâu.

– Làm gì mà không biết được rằng ông đến tôi là có việc. Không có việc thì hẳn là chẳng bao giờ ông quá bộ đến nhà tôi. Chẳng lẽ ông đến chỉ để mách tội thằng bé nhà tôi thôi à? Không có nhẽ? Nhân tiện xin nói về thằng bé: tôi không thể nói rõ mọi ngọn ngành với ông được, nhưng bây giờ tôi sẽ miêu tả cho ông thấy cảnh tượng ấy. Ông ạ, mới một tuần trước thôi, búi xơ mướp dày rậm hơn – tôi nói về bộ râu của tôi đấy; người ta gọi bộ râu của tôi là búi xơ mướp mà, chủ yếu là bọn học trò. Thế này nhé, hôm ấy anh Dmitri Fedorovich của ông túm râu tôi lôi từ quán rượu ra quảng trường, đúng vào lúc tan học, thằng Iliusa cùng ra về với chúng bạn. Thấy tôi như thế, nó chạy bổ đến với tôi: “Ba ơi”, nó la lên, “Ba ơi!”. Nó níu lấy tôi. Ôm tôi, muốn giằng tôi ra, gào lên với kẻ làm nhục tôi: “Buông ra, buông ra, đây là ba tôi, ba tôi, tha thứ cho Người” – nó gào lên như thế: “Xin hãy tha thứ”. Nó cũng níu lấy ông ta bằng đôi tay nhỏ bé, và hôn tay ông ta, hôn chính bàn tay ấy… Tôi nhớ giây phút ấy, khuôn mặt lúc ấy, tôi không quên và không bao giờ quên được!

– Tôi thề với ông, – Aliosa kêu lên, – anh tôi sẽ bày tỏ với ông sự hối hận thành thực nhất, đầy đủ nhất, thậm chí là quỳ gối ngay trên quảng trường ấy…

– A ha, đấy mới là dự định, không phải trực tiếp từ ông ta, mà chỉ là do sự cao quý của cái tim nồng nhiệt của ông mà có. Đáng ra ông nên nói luôn như thế thì hơn. Không, nếu vậy hãy cho phép tôi nói nốt về tinh thần nghĩa hiệp và thượng võ của anh ông, bởi vì hôm ấy ông ta đã bộc lộ rõ. Sau một chập túm râu tôi lôi đi, ông ta buông tôi ra: “Mi là sĩ quan, – ông ta nói, – ta cũng là sĩ quan nếu mi tìm được một người đứng đắn ra làm chứng thì bảo người đó đến tìm ta, ta sẽ cho mi được toại ý, mặc dù mi là kẻ vô lại!” Ông ta nói thế đấy. Đích thị là tinh thần hiệp sĩ! Sau đó tôi ra về với thằng Iliusa, nhưng cái cảnh tượng gia đình truyền kiếp ấy mãi mãi hằn lại trong tâm hồn nó. Không, như vậy thì chúng tôi còn là quý tộc đâu nữa. Thì ông cứ suy xét xem, ông vừa ở nhà tôi ra, ông thấy gì? Ba phụ nữ, một người bại liệt và lẩn thẩn, một người bại liệt và gù, người thứ ba đi lại được, nhưng quá thông minh, sinh viên, đang háo hức trở lại Peterburg để đi tìm quyền lợi cho phụ nữ trên bờ sông Neva. Về Iliusa thì tôi không nói, nó mới có chín tuổi, đơn thương độc mã, bởi vì nếu tôi chết đi thì cả nhà tôi sẽ ra sao, tôi chỉ hỏi ông câu ấy thôi?

Bởi vậy nếu tôi thách đấu với ông ta mà chẳng may ông ta giết chết tôi thì cơ sự sẽ ra sao? Cả nhà tôi sẽ ra sao?

Tệ hại hơn nữa, nếu không bị giết chết, mà chỉ tàn tật: không làm gì được nữa, mà vẫn cần ăn, khi ấy ai nuôi tôi, ai sẽ nuôi cả nhà? Hay Iliusa sẽ phải thôi học để ngày ngày đi ăn xin? Đối với tôi, thách đấu ông ta là như thế đấy, chỉ là chuyện dớ dẩn, có vậy thôi.

– Anh ấy sẽ xin lỗi ông, sẽ khấu đầu dưới chân ông giữa chốn đông người. – Aliosa lại kêu lên, ánh mắt rực lửa.

– Tôi muốn kiện ông ta, – đại uý nói tiếp, – nhưng ông hãy giở bộ luật của chúng ta ra mà xem, dù tôi có được kiện thì kẻ làm nhục tôi có phải bồi thường cho tôi nhiều lắm không? Đã thế Agrafena Alecxandovna còn gọi tôi đến và quát mắng: “Đừng có mà dại! Người mà kiện anh ấy thì ta sẽ làm tóe loe ra cho cả bàn dân thiên hạ biết rằng anh ấy đánh ngươi là vì ngươi lừa bịp, như vậy thì chính ngươi sẽ bị lôi ra toà”. Chỉ có Trời biết ai sai khiến tôi lừa bịp và cái thứ tôm tép như tôi hành động như thể là theo lệnh của ai – chẳng phải là do chính cô ta và cụ Fedor Pavlovich sai bảo hay sao? Cô ta còn nói thêm: “Ta sẽ đuổi cổ nhà ngươi đi, nhà người sẽ không kiếm được đồng nào của ta nữa. Ta sẽ nói với ông thương gia của ta, (cô ta gọi ông già ấy là: ông thương gia của ta) ông ấy cũng sẽ đuổi cổ nhà ngươi đi”. Tôi nghĩ: nếu như cả ông thương gia cũng đuổi tôi nữa thì tôi kiếm sống bằng cách nào? Tôi chỉ có hai người thôi, bởi vì cụ Fedor Pavlovich nhà ông chẳng những không tin cậy tôi nữa vì một nguyên nhân khác, mà dựa vào những giấy biên nhận của tôi hiện đang ở trong tay cụ, cụ còn muốn đưa tôi ra tòa. Vì thế tôi đành ngậm miệng, ông đã thấy cái hang chuột của tôi rồi đấy. Bây giờ xin hỏi: thằng Iliusa nó cắn ngón tay ông có đau không? Ở nhà tôi không dám hỏi kỹ trước mặt nó.

– Đau lắm. Em ấy rất tức tối. Em ấy trả thù tôi vì tôi là người của gia đình Karamazov, bây giờ thì tôi hiểu rõ rồi.

Nhưng giá như ông thấy em nó ném đá với bọn bạn học như thế nào. Nguy hiểm lắm, trẻ con nó dại dột, một hòn đá có thể choang vỡ đầu.

– Nó cũng bị trúng một hòn rồi đấy chứ, không vào đầu, nhưng vào ngực, phía trên tim một chút, tím bầm, về đến nhà nó khóc rên rỉ, rồi nó ốm.

– Ông nên biết là chính em ấy đánh trước, vì căm uất thay cho ông mà em ấy phát khùng lên, chúng nó bảo em đã rút dao díp đâm vào mạng sườn một thằng bé tên là Kraxotkina…

– Tôi có nghe nói, nguy hiểm thật. Kraxotkina là một viên chức ở đây, có thể rầy rà đấy…

– Tôi khuyên ông, – Aliosa hăm hở nói tiếp, – nên cho em ấy nghỉ học ở nhà một thời gian, để cho em nó nguôi nguôi… cho cơn tức giận đó qua đi.

– Giận dữ! – Viên đại uý tiếp lời. – Đúng là giận dữ. Một đứa bé mang trong lòng cơn giận dữ vĩ đại. Ông không biết những điều đó đâu. Hãy để tôi kể lại thật rõ câu chuyện ấy. Số là sau khi xảy ra việc ấy, tất cả bạn học trò ở trường đều trêu chọc nó, gọi nó là búi xơ mướp. Bọn học trò là ác lắm kia: để riêng từng đứa thì chúng là thiên thần, tụ tập với nhau, đặc biệt là ở trường, thì chúng thường rất ác. Chúng bắt đầu trêu chọc Iliusa, khơi dậy trong nó đức tính cao quý. Một đứa con trai bình thường, yếu đuối sẽ cam chịu, xấu hổ về bố mình, còn thằng này một mình chống lại tất cả để bênh vực bố. Bênh vực bố và bảo vệ chân lý, bảo vệ sự thật. Bởi vì khi nó hôn tay anh ông và la lên với ông ta: “Thứ lỗi cho ba tôi, thứ lỗi cho ba tôi”, nó phải dằn lòng biết chừng nào, điều đó chỉ có Chúa Trời biết, tôi biết. Thế đấy, con cái chúng tôi – không phải con cái các ông, mà con cái chúng tôi, con của những kẻ nghèo khổ, bị khinh miệt, nhưng cao quý, – con cái chúng tôi biết rõ sự thật trên trái đất ngay từ khi mới có chín tuổi đầu. Những người giàu làm sao mà biết được: suốt đời họ không tìm hiểu sâu sắc như thế, còn thằng Iliusa nhà tôi thì ngay lúc nó hôn tay ông ta trên quảng trường nó đã thấu hiểu toàn bộ chân lý, ngay lúc ấy. Chân lý ấy đã nhập vào nó và làm nó mang thương tích suốt đời, – ông đại uý nói một cách hăng say và như điên cuồng, nắm tay phải đấm vào lòng bàn tay trái như muốn diễn tả cụ thể “chân lý” gây thương tích cho Iliusa của ông như thế nào. – Ngay hôm ấy nó lên cơn sốt, mê sảng suốt đêm. Suốt ngày hôm ấy nó ít nói với tôi, thậm chí hoàn toàn im lặng, tôi để ý thấy nó cứ nhìn tôi hoài từ trong cái xó của nó, nó luôn luôn xán đến gần cửa sổ, làm như học bài, nhưng tôi thấy nó chẳng màng gì đến bài vở đâu. Hôm sau tôi uống rượu, tôi chẳng còn nhớ gì mấy, tôi thật là tội lỗi, là vì đau xót mà. Mẹ nó khóc. – Tôi yêu mẹ nó lắm, – chỉ vì đau khổ mà tôi phung phí những đồng tiền cuối cùng. Thưa ông, xin chớ khinh tôi; ở nước Nga chúng ta những người say rượu là người tốt bụng nhất. Những người tốt bụng nhất ở nước ta là người say rượu. Hôm ấy tôi nằm bẹp và chẳng nhớ đến Iliusa nữa, nhưng chính hôm ấy, ở trường từ sáng chúng bạn đã chế giễu nó; hét vào mặt nó: “Búi xơ mướp, người ta túm búi xơ mướp của bố mày lôi ra khỏi quán rượu còn mày chạy bên cạnh và xin tha thứ”. Hôm sau nữa, nó đi học về, tôi thấy mặt nó thất thần, tái xanh tái xám. Tôi hỏi: “Con làm sao thế?” Nó lặng thinh. Ở nhà thì không thể chuyện trò gì được, mẹ và các chị nó sẽ xen vào ngay, các chị nó đã biết ngay từ hôm đầu tiên. Varvara Nikolaevna đã cằn nhằn tôi: “Ba là thằng hề, ba mà có làm được việc gì cho ra hồn ư?” – “Đúng thế, tôi nói, Varvara Nikolaevna ạ, chúng ta thì làm sao có được cái gì cho ra hồn kia chứ?”. Lần ấy tôi lảng tránh bằng cách như thế. Đến chiều tôi đưa thằng bé đi dạo chơi. Ông nên biết rằng ngay từ trước đấy, chiều nào tôi với nó cũng đi dạo chơi, trên chính con đường mà tôi với ông đang đi đây này, từ cổng rào nhà chúng tôi đến tận tảng đá lớn nằm trơ trọi trên đường bên hàng rào kia kìa, bắt đầu từ đó là bãi chăn thả của thành phố: một nơi rất hoang vắng và tuyệt đẹp. Hai bố con tôi đi với nhau, tay nắm tay, như thường lệ; tay nó nhỏ nhắn, ngón tay thanh mảnh, lạnh giá, nó vẫn bị đau ngực mà. “Ba ơi, nó nói, ba!” – “Gì kia?” – tôi nói: tôi thấy mắt nó quắc lên. “Ba ơi, nó làm nhục ba quá, ba ơi” – “Làm thế nào được, Iliusa” – tôi nói. “Đừng chịu nhịn nó ba ạ, đừng chịu. Bọn ở trường con bảo rằng nó cho ba mười rúp để ba chịu cho nó làm như vậy” – “Không, tôi nói, Iliusa ạ, bây giờ ba không đời nào lấy tiền của nó”. Thế là nó run cả người lên, vồ lấy tay tôi mà hôn. “Ba ơi, nó nói, ba thách nó quyết đấu đi, ở trường chúng nó chọc tức con, bảo ba là hèn nhát, không dám thách đấu, mà sẽ nhận mười rúp của nó”. – “Ba không thể thách đấu với nó, Iliusa ạ”, tôi đáp và trình bày vắn tắt với nó tất cả những gì mà tôi vừa nói với ông. Nghe xong nó nói: “Ba ơi, ba, dù sao ba cũng đừng chịu dàn hoà; khi nào lớn lên con sẽ thách đấu và con sẽ giết nó!” Mắt nó quắc lên, nảy lửa. Dẫu sao tôi cũng là người bố, phải nói cho nó biết sự thật. Tôi bảo nó: “Giết người là phải tội, dù là trong trận thách đấu đi nữa”. – “Ba ơi, nó nói, ba, khi nào lớn lên con sẽ quật ngã nó, con sẽ dùng kiếm đánh bật kiếm của nó đi, con xông tới quật ngã nó, vung kiếm lên vào bảo nó: bây giờ tao có thể giết mày, nhưng tao tha cho mày, cứ giở hồn!” Ông thấy đấy, thưa ông, ông nên biết trong hai ngày ấy những gì đã diễn ra trong đầu nó, ngày đêm nó chỉ nghĩ đến cuộc báo thù ấy, ban đêm hẳn là nó nói mê về chuyện ấy. Mãi đến khi nó đi học về bị đánh đau, ấy là ngày hôm kia, tôi mới biết hết, và ông nói phải, tôi sẽ không cho nó đến trường ấy nữa.

Tôi được biết là một mình nó chống lại cả lớp và nó thách thức tất cả mọi người, nó điên tiết lên, tim nó bừng bừng lửa hận, tôi sợ cho nó. Bố con tôi lại đi dạo. “Ba ơi, nó hỏi, ba ơi, có phải những người giàu là người mạnh nhất trên đời phải không?” – “Đúng, tôi nói, Iliusa ạ, trên đời không có ai mạnh hơn người giàu”. “Ba ơi, nó nói, rồi con sẽ giàu có, con sẽ trở thành sĩ quan và sẽ đánh bại mọi địch thủ. Nga hoàng sẽ ban thưởng cho con, khi ấy con về với ba và không kẻ nào dám… “.

Nó im lặng một lát rồi nói, môi nó vẫn run run như trước: “Ba ơi, nó nói, cái thành phố của chúng ta sao mà tồi quá đi thôi, ba ạ!” “Đúng, tôi nói, Iliusetrka, thành phố của chúng ta chẳng lấy gì làm tử tế lắm”. – “Ba ơi, chúng ta chuyển sang thành phố khác đi, nó nói, đến một thành phố tử tế, ở đó không ai biết chúng ta”. “Chúng ta sẽ đi, tôi nói, sẽ đi, Iliusa ạ, bao giờ ba dành dụm đủ tiền thì đi”. Tôi vui mừng vì có dịp làm cho nó quên đi những ý nghĩ đen tối và tôi cùng với nó mơ ước dọn nhà sang tỉnh khác, chúng tôi sẽ mua một con ngựa và một cỗ xe. “Chúng ta sẽ để mẹ và các chị ngồi xe, che nắng che gió cho họ, còn bố con ta sẽ đi bên cạnh, thỉnh thoảng ba sẽ cho con lên xe, còn ba sẽ đi bên cạnh, vì cần giữ sức ngựa, không thể cả nhà ngồi xe được, chúng ta sẽ lên đường”. Nó thích quá, cái chính là sẽ có ngựa nhà và tự mình điều khiển ngựa. Ai chẳng biết trẻ con Nga sinh ra đã mê ngựa. Bố con tôi huyên thuyên hồi lâu. Tạ ơn Chúa, tôi nghĩ, ta đã làm cho nó khuây khoả, đã an ủi được nó. Đấy là chiều hôm kia, chiều hôm qua thì khác hẳn. Buổi sáng nó lại đến trường, lúc về nó rầu rĩ, rất đỗi rầu rĩ. Buổi chiều tôi cầm tay nó, dẫn đi dạo, nó im lặng không nói gì. Gió hây hây thổi, mặt trời đã khuất, đã cảm thấy không khi mùa thu, trời đã tối, bố con tôi đi, cả hai đều buồn rầu. “Này, con ơi, tôi nói, chúng ta sửa soạn lên đường như thế nào đây?” – tôi định trở lại câu chuyện hôm qua. Nó lặng thinh. Tôi cảm thấy những ngón tay nhỏ bé của nó run lên trong tay tôi. Bố con tôi đến tận chỗ tảng đá này, như bây giờ đây, tôi ngồi xuồng tảng đá này, còn trên trời người ta thả diều, tiếng diều u-u, vi vút, khoảng ba mươi chiếc. Bây giờ là mùa thả diều mà. “Này, Iliusa ạ, tôi nói, bố con ta cũng nên đem chiếc diều năm ngoái ra thả đi thôi. Ba sẽ chữa lại, con cất nó ở đâu rồi?” Thằng con tôi im lặng, nhìn đi nơi khác, nó đứng bên cạnh tôi.

Gió bỗng nổi lên vù vù, cuốn tung cát bụi… Nó bỗng nhảy bổ lên, hai tay ôm chầm lấy cổ tôi ghì thật chặt. Ông biết đấy, trẻ con mà trầm lặng và kiêu hãnh, cố nén khóc thật lâu thì khi gặp nỗi đau xót lớn, không nén nổi nữa, nước mắt sẽ tuôn ra như suối, chứ không phải là bình thường. Nó bỗng khóc như mưa, nước mắt âm ấm tưới đẫm cả mặt tôi. Nó khóc rưng rức, run bần bật, như lên cơn kinh giật, nép mình vào tôi, tôi ngồi trên tảng đá “Ba ơi, nó gào lên, ba ơi, ba thân yêu, nó làm nhục ba!” Tôi cũng nức nở cùng với nó, hai bố con tôi ngồi ôm lấy nhau mà run lên.

“Ba ơi, nó nói, ba ơi!” – “Iliusa, – tôi nói với nó – Iliusetrka!”. Chẳng ai nhìn thấy chúng tôi lúc ấy, chỉ có trời nhìn thấy có lẽ trời sẽ ghi nhận cho tôi. Ông hãy cảm ơn ông anh ông, Alecxei Fedorovich ạ. Không, tôi sẽ không đánh con trai tôi để làm vừa lòng ông đâu.

Ông ta chấm dứt vẫn bằng những lời lẽ độc ác và điên khùng như ban nãy. Nhưng Aliosa cảm thấy ông ta đã tin cậy mình và nếu không phải là anh, mà là một người khác thì ông ta sẽ không “nói chuyện” và không cho biết những điều ông ta vừa nói ra. Điều đó làm Aliosa phấn chấn, anh cảm động đến ứa nước mắt.

– Ôi tôi muốn hòa giải với con trai ông quá! – Anh kêu lên. – Giá như ông dàn xếp được việc đó…

– Chắc chắn là như thế. – Đại úy nói lí nhí.

– Nhưng thôi gác chuyện ấy lại, có một việc khác hẳn, ông nghe đây nhé, – Aliosa nói tiếp, – ông nghe đây nhé.

Người ta nhờ tôi nói với ông việc này: chính anh Dmitri tôi đã lăng nhục cả người vợ chưa cưới của mình, một cô gái rất mực cao quý mà chắc là ông cũng có nghe nói đến. Tôi có quyền tiết lộ với ông sự lăng nhục ấy, thậm chí tôi có bổn phận làm như thế, bởi vì, sau khi việc ông bị xúc phạm và biết hoàn cảnh khó khăn của ông, chị ấy nhờ tôi… mới vừa rồi thôi… mang đến cho ông một món tiền trợ giúp ông, đấy là tiền của chị ấy… của riêng chị ấy, không phải của Dmitri, anh tôi đã bỏ chị ấy, hoàn toàn không phải của anh, cũng không phải của tôi, em anh ấy, không phải của ai hết, mà là tiền của chị ấy, chỉ của chị ấy thôi! Chị ấy khấn khoản mong ông nhận sự giúp đỡ của chị… cả ông và chị ấy cùng bị xúc phạm bởi con người đó… Chị ấy nhớ đến ông chỉ sau khi đã bị anh Dmitri xúc phạm cũng đau như ông! Đây coi như người em gái giúp đỡ ông anh… Chị ấy nhờ tôi nói với ông nhận cho hai trăm rúp này, xin coi chị ấy như người em gái. Không ai biết chuyện này, không thể có những lời đơm đặt nhảm nhí được… hai trăm rúp ấy đây, tôi thề với ông là ông phải nhận, nếu không… nếu không thì mọi người trên đời đều là thù địch lẫn nhau!

Nhưng trên đời vẫn có những người anh em.: ông có tấm lòng cao thượng… ông phải hiểu điều đó, ông phải hiểu…

Aliosa chìa ra cho ông ta hai tờ giấy bạc một trăm rúp ngũ sắc mới toanh. Lúc ấy hai người đứng ngay bên tảng đá lớn cạnh hàng rào, xung quanh không có ai. Hình như hai tờ giấy bạc gây cho ông đại úy một ấn tượng ghê gớm: ông ta giật mình, nhưng lúc đầu dường như chỉ vì ngạc nhiên: ông ta không hề tưởng tượng đến chuyện như thế, không hề chờ đợi một kết cục như thế. Dù sao trong chiêm bao ông ta cũng không mơ ước được ai giúp đỡ, mà lại với số tiền lớn như thế. Ông ta cầm lấy hai tờ giấy bạc và khoảng một phút gần như không thể trả lời được, mặt ông thoáng có một vẻ gì mới mẻ.

– Đấy là tiền đưa tôi, đưa tôi, ngần ấy tiền, hai trăm rúp! Chu cha! Bốn năm trời tôi chưa từng trông thấy số tiền lớn như thế, trời ơi! Và cô ấy bảo coi như cô ấy là em gái… thật thế chứ, thật thế chứ?

– Tôi thề với ông rằng tất cả những điều tôi nói với ông đều là sự thật! – Aliosa kêu lên. Ông đại úy đỏ mặt.

– Này, ông bạn thân mến ơi, hãy nghe đây, nếu tôi nhận thì tôi có phải là kẻ đê hèn không? Ông không coi tôi là kẻ đê hèn chứ, hả ông Alecxei Fedorovich? Không, ông Alecxei Fedorovich, ông hãy nghe đây, hãy nghe cho hết nhé, – ông ta vội vã, chốc chốc lại chạm cả hai tay vào Aliosa, – ngoài miệng ông khuyên tôi nhận, coi như tiền của “em gái” gửi cho, nhưng trong lòng, trong thâm tâm, ông không khinh tôi nếu như tôi nhận chứ?

– Ồ không, không! Tôi xin viện sự cứu rỗi ra mà thề với ông là không có như vậy đâu! Không bao giờ có ai biết được, chỉ có chúng ta thôi: tôi, ông, chị ấy và một phu nhân, bạn thân của chị ấy. Bà bạn cũng chẳng sao.

– Ông nghe đây, ông Alecxei Fedorovich, nghe cho đầy đủ nhé, bây giờ đã đến lúc cần phải nghe cho trọn bởi vì ông không thể hiểu được hai trăm rúp ấy có ý nghĩa thế nào đối với tôi đâu, – con người tội nghiệp nói tiếp, dần dần chuyển sang một trạng thái hân hoan cuồng loạn và gần như man rợ. Ông ta như rối trí, nói năng cực kỳ vội vã hấp tấp như sợ người ta không để ông nói hết. – Ngoài ra đây là tiền có được một cách chính đáng, do cô “em gái” đáng kính và thánh thiện gửi cho, ông có biết rằng bây giờ tôi có thể chữa bệnh cho vợ tôi và Ninotrka, con bé thiên thần gù lưng của tôi không? Bác sĩ Gherxenstube đã có lòng tốt đến nhà tôi thăm bệnh cho cả hai mẹ con suốt một giờ.

“Tôi không hiểu gì cả, ông nói”, nhưng nước khoáng có bán tại hiệu thuốc ở đây (ông đã kê đơn cho dùng thứ này) chắc chắn sẽ có lợi cho bà ấy, và bác sĩ cũng cho đơn thuốc ngâm chân. Nước khoáng giá ba mươi kopek một chai, có lẽ cần uống bốn chục chai. Tôi đã cầm đơn để lên xichđông dưới bức ảnh thánh và cho đến giờ nó vẫn nằm ở đấy.

Còn Ninotrka thì theo đơn bác sĩ cho, phải tắm nước nóng pha một dung dịch gì đó, hàng ngày sáng và tối, nhưng nhà cửa chúng tôi như thế, không có người giúp việc, không ai giúp đỡ, không có chum vại, không có nước thì chữa theo cách ấy sao được? Ninotrka bị tê thấp toàn thân, tôi chưa nói ông biết điều đó, ban đêm nó đau nhức cả nửa người bên phải, đau đớn khổ sở, vậy mà ông có tin được không, thiên thần của tôi gắng chịu để khỏi làm phiền chúng tôi, không rên để khỏi làm chúng tôi thức giấc. Chúng tôi ăn uống gặp chăng hay chớ, kiếm được gì ăn nấy, còn Nina chọn miếng tồi nhất, chỉ dáng vứt cho chó ăn, nó nói: “Tôi không đáng ăn miếng ấy, tôi ăn báo cô mọi người, tôi là gánh nặng cho cả nhà”. Ấy là tôi muốn miêu tả cái quan điểm thiên thần ấy. Chúng tôi phục dịch nó, nó lấy thế làm đau lòng: “Tôi không đáng được như thế, không đáng được chăm sóc tôi là một kẻ tàn phế vô ích sự” – nhưng nó mà lại không đáng là thế nào, tính dịu dàng thiên thần của nó là phước lành Thượng đế ban cho tất cả chúng tôi, không có nó, không có lối ăn nói dịu dàng của nó thì nhà chúng tôi sẽ là cái địa ngục, nó làm cho cả Varia cũng dịu tính dịu nết đi. Còn Varvara Nikolaevna thì ông cũng dừng chê trách, nó cũng là một thiên thần, cũng bất hạnh. Nó về nhà từ mùa hè, vốn liếng có mười sáu rúp đấy là tiền công nó dạy học và dành dụm để làm tiền tàu xe, để đến tháng chín, tức là bây giờ đây thì có tiền trở lại Peterburg. Vậy mà chúng tôi tiêu lẹm hết vào tiền của nó và bây giờ nó không có tiền để trở về đấy nữa, thế đó. Mà nó cũng không thể trở lại nơi ấy, bởi vì nó phải làm lụng như con tù khổ sai để giúp nhà, nó phải làm quần quật như trâu ngựa vì chúng tôi đi mua cái gì cũng nó, rồi nào là sữa chua mọi đồ dùng, giặt giũ, cọ sàn, đỡ mẹ lên giường nằm, mà mẹ thì khó tính khó nết, động một tí là khóc, bà ấy điên mà!… Bây giờ với hai trăm rúp ấy tôi có thể thuê người làm, ông có hiểu không, Alecxei Fedorovich, tôi có thể chữa bệnh cho những người thân thương, tôi sẽ cho cô sinh viên trở lại Peterburg, tôi sẽ mua thịt bò, lập chế độ ăn mới. Trời ơi, đấy là mơ ước.

Aliosa hết sức vui sướng vì mình đã đem lại cho người khác biết bao hạnh phúc, vì con người đáng thương này ưng thuận để người ta đem lại hạnh phúc cho mình.

– Khoan đã, ông Alecxei Fedorovich, khoan, – ông đại uý lại vồ lấy một ước mơ mới chợt hiện ra với ông và lại nói liến thoắng như phát rồ phát dại, – ông có biết không, bây giờ có lẽ tôi với Iliusa quả thật sẽ thực hiện được ước mơ của mình, bố con tôi sẽ mua một con ngựa, một cỗ xe có mui, mà là ngựa ô, nó nhất quyết muốn có ngựa ô kia và chúng tôi sẽ lên đường như hôm kia tôi đã miêu tả. Ở tỉnh K, tôi có quen một luật sư, bạn từ thuở nhỏ, ông có nhắn tôi qua một người tin cậy rằng nếu tôi đến chỗ ông thì ông sẽ thu xếp cho tôi một chân thư ký văn phòng, chưa biết đâu ông ấy có thể tìm việc cho tôi thật sự… Thế thì sẽ để nhà tôi và Ninotrka lên xe, Iliusetrka thì cho điều khiển ngựa, còn tôi sẽ đi bộ, sẽ đưa cả nhà đến nơi. Trời ơi, nếu tôi thu hồi được món nợ không hy vọng gì đòi lại thì có lẽ cũng sẽ đủ cho chuyến đi ấy.

– Đủ chứ, đủ chứ! – Aliosa kêu lên. – Ekaterina Ivanovna sẽ còn gửi thêm tiền cho ông, muốn bao nhiêu cũng có, mà ông ạ, tôi cũng có tiền, ông cần bao nhiêu cứ lấy, cứ coi tôi như người con, người bạn, sau này ông sẽ hoàn lại tôi… (Rồi ông sẽ giàu có rồi ông sẽ giàu có!). Ông có biết không, không bao giờ ông có thể nghĩ ra điều gì đắc sách hơn là chuyển sang tỉnh khác đâu! Đấy là sự cứu thoát cho ông, cái chính là cho con trai ông và ông ạ, nên mau mau lên, trước mùa đông, khi trời chưa lạnh, rồi ông sẽ viết thư cho chúng tôi, chúng ta sẽ vẫn cứ là anh em…

Không, đấy không phải là mơ ước!

Aliosa muốn ôm lấy ông ta, anh đắc ý quá. Nhưng nhìn ông ta, anh bỗng dừng lại: ông ta đứng đấy, cổ vươn dài, môi trề ra, mặt tái mét cuồng nộ, môi mấp máy như muốn nói gì; không phát ra âm thanh, vậy mà môi bỗng mấp máy, thật kỳ lạ.

– Ông làm sao thế! – Không hiểu sao Aliosa bỗng giật mình.

– Alecxei Fedorovich… tôi… ông, – ông ta nói lắp bắp, nhìn thẳng vào Aliosa một cách hung hãn và lạ lùng với vẻ kiên quyết của một người ngã nhào từ trên cao xuống, thế nhưng môi dường như vẫn mỉm cười, – tôi… ông… ông có muốn tôi làm cho ông xem một trò ảo thuật ngay bây giờ không! – ông ta thì thầm nói nhanh và kiên quyết, giọng càng hổn hển hơn.

– Trò ảo thuật gì?

– Rồi ông sẽ thấy, – viên đại uý vẫn nói thì thầm, miệng ông ta méo lệch về bên trái, mắt trái nheo nheo, ông ta vẫn nhìn chằm chằm vào Aliosa, như bị hút vào anh.

– Ông làm sao thế, trò quỷ thuật nào kia? – Anh la lên, sợ hãi thật sự.

– Thế này này, xem đây! – Viên đại uý bỗng rít lên.

Ông ta chìa ra trước mặt anh hai tờ giấy bạc ngũ sắc mà suốt thời gian nói chuyện ông ta vẫn nắm chắc ở góc giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải, rồi ông ta hung hăng cầm lấy chúng, vò nát và xiết chặt trong bàn tay phải.

– Ông thấy rồi đấy, thấy rồi đấy! – ông ta rít lên với Aliosa, mặt tái mét, điên cuồng rồ dại, giơ cao nắm tay thẳng cánh ném cả hai tờ giấy bạc nhàu nát xuống cát, – ông thấy rồi chứ? – ông ta lại rú lên, trỏ ngón tay vào chúng, – như thế đấy!… bỗng nhiên, ông ta nhấc cao chân phải hung hãn nhảy tới dùng gót giầy chà đạp lên hai tờ giấy bạc cứ mỗi lần nện gót lại nghẹn ngào kêu lên: Tiền của ông đấy! tiền của ông đấy! Tiền của ông đấy! – Đột nhiên ông ta nhảy lùi lại và vươn thẳng người trước Aliosa. Tất cả bộ dạng của ông biểu lộ một vẻ kiêu hãnh khôn tả.

– Ông hãy về nói lại cho những người sai ông đến đây biết rằng búi xơ mướp không bán danh dự của mình, – ông ta quát lên, một tay giang ra. Rồi ông ta quay ngoắt đi và bỏ chạy, nhưng chưa được năm bước ông ta bỗng quay cả toàn thân lại, vẫy chào Aliosa. Rồi chạy chưa được năm bước nữa, ông ta quay lại lần cuối cùng, lần này thì không còn nụ cười mếu máo nữa, trái lại khuôn mặt run rẩy chan hoà nước mắt. Ông ta gào lên bằng một giọng thảm thiết, nghẹn ngào, đứt quãng:

– Tôi sẽ nói gì với thằng con tôi nếu như tôi nhận món tiền của các người đền bù cho sự nhục nhã của tôi?

Nói xong ông ta bỏ chạy và lần này không quay lại nữa. Aliosa nhìn theo ông ta, lòng buồn khôn xiết. Ôi, anh hiểu rằng cho đến phút chót ông ta vẫn không biết rằng ông ta vò nát và vứt đi những tờ giấy bạc. Ông già không quay lại lần nào nữa, Aliosa không muốn chạy theo và cũng không muốn gọi ông ta, anh biết tại sao. Khi ông ta đã khuất dạng, Aliosa nhặt hai tờ giấy bạc lên. Hai tờ giấy nát nhàu, bẹp gí, bị nhấn sâu vào cát, nhưng vẫn nguyên lành, thậm chí còn sột soạt như mới khi Aliosa trải chúng ra, vuốt cho phẳng. Vuốt phẳng rồi, anh gấp chúng lại, cho vào túi và về báo cho Ekaterina Ivanovna biết kết quả việc anh làm theo sự nhờ cậy của nàng.

Trước
image
Chương 31
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
  • Chương 51
  • Chương 52
  • Chương 53
  • Chương 54
  • Chương 55
  • Chương 56
  • Chương 57
  • Chương 58
  • Chương 59
  • Chương 60
  • Chương 61
  • Chương 62
  • Chương 63
  • Chương 64
  • Chương 65
  • Chương 66
  • Chương 67
  • Chương 68
  • Chương 69
  • Chương 70
  • Chương 71
  • Chương 72
  • Chương 73
  • Chương 74
  • Chương 75
  • Chương 76
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!