Tuy vậy chàng cũng đã nói. Vừa bước vào phòng khách, gặp Fedor Pavlovich, chàng bỗng hoa tay nói tướng lên: “Con lên buồng con đây, không vào với ba đâu”, rồi chàng đi luôn, thậm chí không nhìn đến bố. Rất có thể là lúc ấy chàng rất đỗi thù ghét ông bố, nhưng sự biểu lộ tình cảm thù địch một cách sỗ sàng như thế thật bất ngờ cả đối với Fedor Pavlovich.
Rõ ràng là ông già có điều gì muốn nói ngay với con, nên ông có ý ra đón gặp con ở phòng khách: nghe thấy câu nói nhã nhặn như thế ông lẳng lặng dừng lại và vẻ giễu cợt nhìn theo con lên cầu thang cho đến khi con khuất dạng hẳn.
– Cậu ấy làm sao thế? – ông nói nhanh, hỏi Xmerdiakov vào theo Ivan Fedorovich.
– Cậu ấy tức giận cái gì đó, ai mà biết được. – Hắn lúng búng nói lảng.
– A, đồ quỷ! Mặc cho nó tức giận! Đem ấm xamôva lên, rồi mày cũng tháo lui luôn đi, nhanh lên! Không có gì mới à?
Thế là bắt đầu những câu căn vặn mà ban nãy Xmerdiakov vừa than phiền với Ivan Fedorovich, nghĩa là vẫn về người con gái mà ông ta đang mong chờ, ở đây chúng ta sẽ bỏ qua những điều căn vặn ấy. Nửa giờ sau, cửa nhà đã đóng kỹ, và ông già điên gàn đi đi lại lại một mình qua các buồng, hồi hộp chờ mong năm tiếng gõ cửa quy ước sẽ vang lên, thỉnh thoảng lại nhìn ra những khung cửa sổ tăm tối và chẳng thấy gì ngoài màn đêm.
Đã khuya lắm rồi mà Ivan Fedorovich vẫn chưa ngủ, vẫn nghĩ ngợi. Đêm ấy chàng đi nằm muộn, khoảng hai giờ sáng. Nhưng chúng tôi sẽ không thuật lại tất cả dòng suy nghĩ của chàng, vả lại chưa đến lúc thâm nhập vào tâm hồn này: rồi sẽ đến lượt nó.
Mà cho dù có muốn thử tường thuật lại thì việc đó cũng rất rắc rối, bởi vì đây không phải là những ý nghĩ, mà là một cái gì rất đỗi vu vơ, cái chính là quá xao xuyến. Chính chàng cảm thấy mình đã mất hết mọi đầu mối. Chàng bị dằn vặt bởi những mong muốn kỳ lạ và hoàn toàn bất ngờ, chẳng hạn: quá nửa đêm, một ý muốn khẩn thiết không thể chịu đựng nổi xui khiến chàng xuống dưới nhà, mở cửa, đến gian đầu hồi đánh cho Xmerdiakov một trận, nhưng nếu hỏi cớ gì thì hẳn bản thân chàng dứt khoát và không đưa ra được một lý do nào đích xác, ngoại trừ lý do là chàng căm ghét thằng hầu này; nó là một tên xấc láo nhất trên đời đã xúc phạm nặng nề đến chàng. Mặt khác, đêm hôm ấy, nhiều lần tâm hồn chàng cảm thấy một sự rụt rè nhục nhã không sao giải thích nổi, nó khiến cho chàng bỗng mất hết mọi sức lực (chàng cảm thấy thế). Đầu nhức nhối và quay cuồng: Có cái gì đáng căm hờn làm cho chàng đau lòng, dường như là định trả thù một kẻ nào. Chàng căm ghét cả Aliosa khi nhớ đến cuộc chuyện trò mới đây với cậu em, có những lúc chàng thù ghét cả chính bản thân mình. Chàng gần như quên bẵng mất Ekaterina Ivanovna, sau này chàng rất đỗi ngạc nhiên về việc này, nhất là chàng vẫn nhớ như in rằng mới sáng hôm qua chàng còn phách lối khoe trước Ekaterina Ivanovna rằng ngày mai chàng sẽ đi Moskva, còn trong thâm tâm, ngay khi ấy chàng đã tự nhủ: “Tào lao, mi sẽ không đi, mi sẽ không dễ dứt tình như mi đang huênh hoang lúc này đâu”.
Mãi sau này, khi nhớ tới đêm hôm ấy, Ivan Fedorovich đặc biệt ghê tởm nhớ lại rằng chàng đột ngột đứng dậy khỏi đi văng và len lén, dường như rất sợ người ta nhìn thấy mình, mở cửa đi ra cầu thang, lắng tai nghe ở phía dưới, nghe ngóng bố động đậy và đi lại ở các căn buồng dưới, – nghe một lúc lâu, đến năm phút, trong tâm trạng tò mò kỳ lạ, nín thở, tim đập thình thịch, mà chàng làm thế để làm gì, rình nghe để làm gì, cố nhiên chính chàng cũng không biết. “Hành động” ấy sau này suốt đời chàng gọi nó là “đê mạt” và suốt đời, trong đáy sâu của tâm hồn, chàng coi đó là hành động hèn hạ nhất trong đời mình. Trong những giây phút ấy, thậm chí chàng không hề cảm thấy căm ghét bố chút nào, và không hiểu tại sao chàng chỉ hết sức tò mò, ông già đang đi lại ở phía dưới như thế nào, đại khái lúc này ông phải làm gì, chàng đoán và nghĩ rằng ở dưới ấy hẳn ông đang ngó ra những ô cửa sổ tối om, đột ngột dừng lại ở giữa phòng và chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi tiếng gõ cửa, Ivan Fiođorovich đã ra cầu thang hai lần để nghe ngóng. Khi tất cả đã im ắng và Fedor Pavlovich đi nằm, khoảng hai giờ, Ivan Fedorovich cũng đi nằm nhất quyết muốn ngủ luôn, vì chàng cảm thấy mệt phờ. Quá thật chàng ngủ thiếp đi ngay và ngủ say ly bì, không mộng mị gì hết, nhưng chàng thức giấc sớm, khoảng bảy giờ, khi trời đã rạng sáng. Mở mắt ra, chàng ngạc nhiên cảm thấy mình tràn trề một sinh lực lạ thường, chàng bật ngay dậy và nhanh chóng mặc quần áo, rồi lấy valy của mình, và lập tức vội vã xếp hành lý. Vừa may hôm qua chị thợ giặt đã trả hết quần áo lót. Ivan Fedorovich thậm chí mỉm cười khi nghĩ rằng mọi việc đều khớp nhau như thế, không có gì làm chậm chuyến ra đi bất ngờ. Chuyến ra đi quả là bất ngờ. Tuy hôm qua Ivan Fedorovich có nói (với Ekaterina Ivanovna, Aliosa, rồi với Xmerdiakov) rằng ngày mai chàng sẽ đi, nhưng hôm qua lúc đi nằm, chàng nhớ rất rõ ràng lúc ấy chàng không nghĩ đến chuyện ra đi, ít ra chàng hoàn toàn không có ý nghĩ rằng buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là chàng đâm bổ đi xếp valy. Cuối cùng valy và túi du lịch đã sẵn sàng. Đã gần chín giờ khi Marfa Ignatievna lên phòng chàng, hỏi một câu mà ngày nào bà ta cũng hỏi: “Cậu dùng trà ở buồng này hay xuống dưới nhà?” Ivan Fedorovich xuống dưới nhà, coi bộ gần như vui vẻ, tuy rằng trong lời nói và cử chỉ của chẳng có cái gì như tán loạn và hối hả.
Chàng niềm nở chào ông bố, thậm chí đặc biệt hỏi thăm sức khỏe, nhưng không đợi bố trả lời xong, tuyên bố luôn rằng một giờ nữa mình đi Moskva, đi hẳn, và xin ông già cho người đi lấy ngựa. Ông già nghe tin đó không chút ngạc nhiên, bất nhã đến mức quên cả tỏ ra buồn rầu vì con trai ra đi; đã thế bỗng nhiên ông lại bắt đầu lo tính công chuyện, vì đúng lúc ấy ông chợt nhớ tới một việc riêng khẩn thiết.
– Chà chà! Con kỳ thật! Thế mà hôm qua con không nói… nhưng thôi, ta sẽ dàn xếp với nhau ngay bây giờ. Con hãy giúp ba một việc cực kỳ quan trọng, con thân yêu của ba, con hãy rẽ qua Tresniasnia. Từ ga Volovia rẽ về bên trái, chỉ độ mười hai dặm là đến Tresniasnia ngay thôi mà.
– Thưa ba, con không thể giúp được: đường đến ga tám chục dặm, mà xe lửa rời ga đi Moskva lúc bảy giờ tối, chỉ vừa đủ thời gian đến kịp giờ tàu chạy.
– Ngày mai, không thì ngày kia đi cũng được chứ sao, còn hôm nay thì hãy về Tresniasnia. Có tốn công sức gì lắm đâu mà làm cho ba yên lòng! Nếu không có việc cần phải ở đây thì chính ba đã đi từ lâu rồi, bởi vì đây là việc gấp và vô cùng quan trọng, nhưng lúc này thì ba không vắng mặt ở đây được… Con ạ, ở đấy có phần rừng của ba, hai lô, ở Beghisev và Diatki, vùng hoang vu. Nhà Maxlov, ông già và con trai, đều là thương gia, chỉ trả có tám ngàn để đốn gỗ, mãi đến năm ngoái mới có một người muốn mua, y trả mười hai ngàn, nhưng y không phải người ở đây đấy là điểm đáng chú ý. Bởi vì bố con Maxlov tài sản có tới hàng trăm ngàn, họ tự ý đặt ra luật lệ: họ định thế nào là phải theo như thế, ở đây không có kẻ nào dám gành ghẹ với họ. Thứ năm trước, Cha Ilinssky có gửi thư báo cho ba biết Gorskin đã tới, hắn cũng là lái buôn, ba biết hắn, điều quý giá là hắn không phải người ở đây, mà ở Pogrebov, nghĩa là hắn không sợ Maxlov, vì hắn không phải người ở đây. Hắn trả mười một ngàn, con nghe rõ chứ?
Cha xứ viết trong thư rằng hắn chỉ ở đây một tuần lễ. Vì vậy con nên đi thương lượng với hắn hộ ba.
– Thì ba cứ viết thư cho Cha xứ, Cha sẽ thương lượng hộ cho.
– Cha xứ không làm được việc này, cái gay là ở đấy. Cha xứ không tinh trong việc này. Cha là con người vàng ngọc, ba sắp gửi Cha giữ hộ hai mươi ngàn rúp mà không lấy giấy biên nhận, nhưng Cha không tinh trong việc này, có thể nói là rất ngờ nghệch, rất dễ bị lừa. Ấy vậy mà Cha là một học giả đấy, con thử tưởng tượng xem. Gorskin nom bề ngoài có vẻ nhà quê, mặc áo chẽn lưng dài vạt màu xanh, nhưng hắn là thằng hết sức đểu cáng, đấy là cái gay cho chúng ta: hắn hay nói dối, cần lưu ý điểm này. Đã hai năm nay hắn vẫn nói rằng vợ hắn đã chết và hắn đã lấy vợ khác, nhưng làm gì có chuyện đó, con tưởng tượng xem: vợ hắn đâu có chết, vẫn sống sờ sờ ra đấy và cứ ba ngày lại nện cho hắn một trận. Vì vậy bây giờ cần biết hắn trả giá mười một ngàn là nói thật hay nói dối?
– Thế thì con chẳng được việc gì đâu, con cũng không thạo.
Gượm, hãy khoan, con giải quyết được đấy, vì ba sẽ cho con biết mọi đặc điểm của tay Gorskin này, ba giao thiệp với hắn đã lâu. Con ạ, cứ nhìn bộ râu hắn thì biết: râu hắn màu hung, nom đến tởm, lưa thưa. Nếu bộ râu rung rung, mà hắn nói và giận dữ thì thế là được, hắn nói thật, muốn dàn xếp cho được việc. Còn nếu hắn vuốt râu bằng tay trái và cười cợt thì tức là hắn muốn lừa gạt, giở trò bịp bợm. Đừng bao giờ nhìn vào mặt hắn, nhìn mặt thì không rõ được gì đâu, chỉ như làn nước tối sẫm, thằng bịp, cứ nhìn bộ râu. Ba sẽ viết mấy chữ đưa con chuyển cho hắn.
Gã Gorskin ấy, tên thật không phải là Gorskin đâu, mà là Liagavyi, nhưng con đừng gọi hắn là Liagavyi, hắn giận đấy(1). Nếu thương lượng xong với hắn và thấy ổn thì viết thư về ngay cho ba. Chỉ cần viết thế này thôi: “Hắn không nói dối”. Cứ đòi mười một ngàn, bớt một ngàn là cùng. Con thứ nghĩ xem: tám và mười một, chênh nhau ba ngàn. Ba ngàn ấy ba coi như của bắt được có dễ tìm được người mua đâu, mà ba cần tiền ghê lắm. Con cho biết là việc nghiêm chỉnh thì ba sẽ đích thân đi ngay và giải quyết cho xong, sẽ có cách thu xếp được thời gian. Còn bây giờ ba đến đấy làm gì, ngộ Cha xứ bịa ra thì sao? Thế nào, con có đi không?
– Ồ, con không có thời gian, ba miễn cho.
– Ôi chao, làm ơn giúp ba, ba sẽ ghi nhớ. Các anh thật nhẫn tâm, thế đấy! Một hai ngày với con là gì? Con đi đâu bây giờ, đến Vơnizơ hả? Trong hai ngày Vơnizơ của con không đổ sụp đâu. Ba muốn bảo Alecxei đi, nhưng những việc ấy Alecxei hiểu quái gì? Ba nhờ con chỉ vì con là người thông minh ba thấy chứ. Con không buôn gỗ, nhưng con có con mắt tinh đời. Chỉ cần nhìn rõ: hắn nói có thật không. Ba bảo là cứ nhìn bộ râu: râu rung rung tức là thật.
– Ba cứ muốn đẩy con về cái vùng Tresniasnia chết tiệt ấy à? – Ivan Fedorovich gắt lên, nhếch mép cười hằn học.
Fedor Pavlovich không thấy rõ sự hằn học không muốn thấy, ông bám lấy nụ cười:
– Vậy là con đi chứ hả, đi chứ? Ba sẽ viết ngay mấy chữ cho con cầm đi.
– Con không biết con có đi hay không, con không biết, dọc đường con sẽ quyết định.
– Sao lại dọc đường, quyết ngay đi. Con thân yêu, quyết ngay đi! Hễ thoả thuận được, con viết cho ba vài dòng, đưa cho Cha xứ, Cha sẽ gửi ngay giấy của con cho ba. Xong việc rồi ba không giữ con đâu, con cứ đi Vơnizơ. Cha xứ sẽ cho xe của Cha đưa con trở lại Volovia…
Ông già hoan hỉ thật sự, viết vội lá thư ngắn, cho đi gọi xe ngựa, lấy đồ nhắm, cognac. Hễ ông già vui sướng, bao giờ ông cũng cởi mở tâm tình, lần này ông dường như dè dặt. Chẳng hạn ông không có lấy một lời về Dmitri Fedorovich. Cuộc chia ly hoàn toàn không làm ông cảm động, vì thế dường như ông không có gì để nói. Ivan Fedorovich nhận thấy rất rõ điều đó: “Ông già chán ngấy ta rồi”, – chàng nghĩ thầm – Chỉ khi tiễn con ra đến bậc tam cấp, ông già dường như mới hỏi rối rít, định hôn.
Nhưng Ivan Fedorovich vội chia tay ra bắt, rõ ràng để tránh cái hôn. Ông già hiểu ngay và tức khắc dừng lại:
– Thôi, Chúa phù hộ con. Chúa phù hộ con! – ông đứng trên tam cấp nhắc lại. – Con sẽ còn về thăm ba nữa chứ?
Cứ về nhé, ba sẽ rất vui sướng. Thôi, Chúa Kito ở cùng con.
Ivan Fedorovich lên xe ngựa.
– Chào con, Ivan, đừng xỉ vả ba nhiều quá nhé! – ông bố gào lên lần cuối cùng…
Tất cả gia nhân đều ra tiễn: Xmerdiakov, Marfa và Grigori. Ivan Fedorovich cho mỗi người mười rúp. Khi chàng đã ngồi vào xe, Xmerdiakov đâm bổ tới sửa lại tấm thảm.
– Ngươi thấy đấy… ta đi Tresniasnia… – Ivan Fedorovich bỗng buột thốt ra, cũng lại tự dưng buột miệng như hôm qua, mà lại kèm theo tiếng cười nóng nảy. Sau này chàng còn nhớ mãi.
– Như vậy là người ta nói đúng: nói chuyện với người thông minh quả là thú vị. – Xmerdiakov trả lời chắc nịch, nhìn Ivan Fedorovich một cách thấm thía.
Xe chuyển bánh và phóng đi. Tâm hồn người đi rối bời, nhưng chàng hau háu nhìn xung quanh – đồng ruộng, đồi, cây cối đàn ngỗng bay cao trên bầu trời sáng sủa, Bỗng nhiên chàng cảm thấy hết sức thư thái. Chàng thử bắt chuyện với người đánh xe và trong câu trả lời của gà mugich có cái gì khiến chàng hết sức quan tâm, nhưng lát sau chàng nhận ra rằng tất cả đều ra ngoài tai và thực anh chàng chẳng hiểu người đánh xe nói gì.
Chàng im lặng, thế này cũng tốt rồi: không khí trong lành, tươi mát, hơi lạnh, bầu trời sáng sủa. Hình ảnh Aliosa và Ekaterina Ivanovna thoáng qua trong tâm trí. Nhưng chàng mỉm cười nhẹ nhàng và nhẹ nhàng thổi vào những hình bóng đáng yêu, làm những hình ảnh ấy tan biến: “Rồi sẽ đến lượt họ” – chàng nghĩ.
Họ nhanh chóng đến trạm, thay ngựa và phóng về Volovia. “Tại sao lại nói chuyện với người thông minh quả là thú vị, ý hắn muốn nói gì?” – Chàng bỗng nghẹn thở. – “Mà sao ta lại bảo cho hắn biết ta đi Tresniasnia?”. Đến ga Volovia, Ivan xuống xe, những người đánh xe vây quanh chàng. Họ ngã giá đi Tresniasnia, mười hai dặm đường qua các làng, xe ngựa tư.
Chàng bảo đóng ngựa. Chàng toan vào nhà trạm, chàng nhìn xung quanh, tìm người phụ nữ trưởng trạm, rồi bỗng nhiên chàng trở ra bậc tam cấp.
– Không đi Tresniasnia nữa. Này các chú, bây giờ tôi phải lên xe lửa, có muộn mất không?
– Xin lĩnh ý ông. Thắng xe chứ ạ?
– Làm ngay đi. Trong các anh có ai ngày mai về thành phố không?
– Có chứ ạ. Mitri đây này.
– Mitri, anh giúp tôi một việc được chứ? Anh đến ba tôi, cụ Fedor Pavlovich Karamazov ấy mà, nói với ba tôi rằng tôi không đi Tresniasnia đâu. Được chứ?
– Xin vâng, tôi sẽ đến. Tôi biết cụ Fedor Pavlovich đã lâu lắm rồi.
– Đây gửi anh tiền trà thuốc, vì ba tôi có lẽ sẽ không cho anh tiền đâu…
– Đúng là cụ sẽ không cho, – cả Mitri cũng bật cười. – Cảm ơn ông, nhất định chúng tôi sẽ đến…
Bảy giờ tối Ivan lên xe lửa về Moskva. “Vứt hết mọi chuyện trước đây, đoạn tuyệt vĩnh viễn với thế giới trước đây, sao cho không bao giờ còn nhận được tin tức hay hồi âm của nó nữa: đi vào thế giới mới, đến những chốn mới, không ngoái nhìn lại!”.
Nhưng thay cho niềm hân hoan, bóng tối bỗng mỉm lên tâm hồn chàng, còn trong tim nhức nhối một nỗi đau xót mà cả đời chưa bao giờ chàng cảm thấy như thế. Chàng nghĩ ngợi suốt đêm: xe lửa phóng như bay, mãi đến rạng sáng khi xe vào Moskva, chàng dường như mới chợt tỉnh.
– Ta là thằng đê tiện! – Chàng tự nhủ.
Sau khi tiễn con đi. Fedor Pavlovich rất hài lòng. Suốt hai giờ liền ông ta cảm thấy mình gần như hạnh phúc và ông uống cognac. Nhưng đột nhiên trong nhà xảy ra một việc hết sức đáng bực và khó chịu cho tất cả mọi người, khiến cho Fedor Pavlovich vô cùng bối rối: Xmerdiakov xuống hầm nhà chẳng hiểu có việc gì và té nhào từ bậc trên cùng.
Còn may là lúc ấy Marfa Ignatievna ở sân và nghe thấy kịp thời. Mụ không nhìn thấy hắn ngã, nhưng nghe thấy tiếng kêu, tiếng kêu đặc biệt kỳ lạ, nhưng mụ đã biết từ lâu, – tiếng kêu của kẻ động kinh ngã trong lúc lên cơn. Hắn lên cơn lúc bước xuống bậc thang và bất tỉnh lăn nhào xuống, hay trái lại vì ngã và chấn động mà bệnh động kinh vốn có lại phát ra thì không thể hiểu rõ được, nhưng họ tìm thấy hắn nằm dưới đáy hầm nhà, co quắp, giật dội, quằn quại, miệng sùi bọt. Thoạt đầu người ta tưởng chắc chắn hắn phải gãy tay hay gãy chân, và bị dập xương, nhưng “nhờ trời phù hộ”, nói theo lời Marfa Ignatievna; không sao cả, có điều phải khó khăn mới khiêng được hắn lên, chính Fedor Pavlovich có mặt suốt từ đầu đến cuối khi họ làm việc đó, ông cũng giúp một tay, rõ ràng ông sợ hãi và dường như bối rối. Tuy nhiên người bệnh vẫn không tỉnh lại: cơn động kinh có lúc tạm ngừng, nhưng rồi lại tái phát, và mọi người đều cho rằng sẽ lại y như năm ngoái khi hắn vô ý ngã từ gác trang xuống. Người ta nhớ lại rằng lần ấy hắn đã được chườm đầu bằng nước đá. Trong hầm nhà, vẫn còn tìm thấy nước đá, Marfa Ignatievna lấy ra chườm cho hắn, gần tối Fedor Pavlovich cho đi mời bác sĩ Gherxenstube, ông ta đến ngay. Sau khi thăm bệnh cẩn thận (đây là một bác sĩ cẩn thận và chu đáo nhất tỉnh, một ông già nhỏ bé hết sức đáng kính), ông kết luận rằng đây là một cơn bất thường và “có thể nguy hiểm”, hiện thời ông chưa hiểu hết, nhưng sáng mai, nếu những thuốc ông cho bây giờ không hiệu nghiệm, ông sẽ cho dùng các thứ khác.
Người bệnh được đưa vào gian đầu hồi, trong căn phòng cạnh phòng Grigori và Marfa Ignatievna. Tiếp đó, suốt ngày Fedor Pavlovich phải chịu hết rủi ro này đến rủi ro khác: Marfa Ignatievna nấu ăn bữa chiều, so với món súp do Xmerdiakov nấu thì xúp của mụ “chẳng khác gì nước rửa bát”, còn thịt gà thì xác đến nỗi không tài nào nuốt nổi.
Đáp lại những lời trách móc cay đắng nhưng đích đáng của chủ, mụ cãi rằng mụ đã già lắm rồi và mụ không được học nấu bếp. Đến tối lại xảy chuyện đáng lo khác: Fedor Pavlovich được hay rằng Grigori ốm đã ba ngày nay, bây giờ gần như liệt giường, đau sụn lưng. Ông già dùng bữa trà thật sớm, rồi đóng kín cửa ở trong nhà một mình. Ông ở trong trạng thái chờ đợi xao xuyến và khiếp sợ. Số là đúng tối hôm nay ông chờ Grusenka gần như chắc chắn sẽ tới. Ít ra ngay từ sáng, Xmerdiakov gần như cam đoan với ông rằng “cô ấy hứa nhất định sẽ tới”. Tim ông già máu dê đập rộn, ông đi đi lại lại qua các căn phòng trống vắng, lắng tai nghe. Cần nghe cho tinh: có thể Dmitri Fedorovich rình cô ả ở quanh đâu đây, nếu cô ả gõ cửa sổ (đã ba ngày nay Xmerdiakov cam đoan với ông rằng hắn đã dặn cô ta gõ cửa ở đâu và vào lối nào), khi ấy phải mở cửa thật mau, không để ả phải nán lại ở phòng ngoài một giây nào, kẻo cô ả sợ hãi chạy mất thì hỏng. Fedor Pavlovich lăng xăng bận rộn, nhưng chưa bao giờ trái tim ông đắm trong niềm hy vọng ngọt ngào như vậy, gần như có thể nói chắc là lần này nhất định cô nàng sẽ đến!…
Chú thích
(1) Ligavyi là một giống chó tai cúp, mõm to (N.D).