Thưa các ông, – chàng lên tiếng, vẫn xúc động như thế, – số tiền ấy… tôi muốn thú nhận hết… đấy là tiền của tôi.
Mặt viên biện lý và viên dự thẩm dài ra, họ hoàn toàn không ngờ lại như thế.
– Sao lại là tiền của ông được, – Nikolai Parfenovich ấp úng, – mới lúc năm giờ chiều, theo lời thú nhận của ông…
– Ồ, thây kệ nó cái năm giờ chiều và lời thú nhận của tôi, bây giờ vấn đề không phải ở đấy! Đó là tiền của tôi, của tôi, mà là tiền tôi đã đánh cắp… không phải tiền của tôi, mà là tiền tôi đã đánh cắp, số tiền ngàn rưỡi, tôi mang nó bên mình, nó luôn luôn ở bên mình tôi…
– Vậy ông lấy ở đâu?
– Ở cổ thưa các ông, đeo bên cổ, cái cổ này này… Nó ở bên cổ tôi, tôi khâu nó vào miếng vải, đeo ở cổ này này, đã lâu rồi, một tháng nay, tôi đeo nó bên cổ mà xấu hổ nhục nhã!
– Nhưng số tiền ấy… Ông chiếm hữu của ai?
– Ông muốn nói là “ăn cắp” chứ gì? Bây giờ thì cứ dùng lời lẽ thẳng thừng. Vâng, tôi cho rằng số tiền ấy dù sao vẫn cứ là tiền ăn cắp, còn nếu ông muốn thì đúng là tiền tôi đã “chiếm đoạt”. Nhưng theo tôi thì đó là tiền ăn cắp. Tối hôm qua thế là tôi đã ăn cắp hẳn.
– Tối hôm qua? Nhưng ông vừa nói rằng ông… xoay được đã một tháng nay!
– Đúng, nhưng không phải là tiền của cha tôi, không phải của cha tôi, xin các ông đừng lo, không phải tôi đánh cắp của cha tôi, mà của nàng. Để tôi kể và đừng ngắt lời. Chuyện này thật đau lòng. Các ông ạ, một tháng trước Ekaterina Ivanovna Verkhovxeva, trước đây là vợ chưa cưới của tôi mời tôi đến… Các ông biết nàng chứ?
– Biết chứ, ông nói đi.
– Tôi biết là các ông biết nàng. Một tâm hồn rất mực cao quý, cao quý nhất trong những tâm hồn cao quý, nhưng căm thù tôi đã lâu, đã lâu lắm rồi… và căm thù thế là đích đáng, đích đáng!
– Ekaterina Ivanovna? – Viên dự thẩm hỏi lại. Viên biện lý cũng hết sức ngạc nhiên.
– Ôi, xin đừng nói tên nàng ra làm gì! Tôi nói ra khiến nàng dây vào vụ này thì tôi thật là đê tiện. Vâng, tôi thấy rằng nàng căm ghét tôi từ lâu… ngay từ lần đầu, ngay từ lần nàng đến chỗ tôi ở… Nhưng thôi, đủ rồi, các ông không đáng được biết chuyện ấy, mà cũng chẳng cần biết nữa kia… Chỉ cần biết rằng một tháng trước nàng đã gọi tôi đến, đưa cho tôi ba ngàn đồng nhờ đi gửi cho cô chị nàng và một người họ hàng ở Moskva (làm như nàng không thể tự đi gửi được!), còn tôi… đấy chính là vào cái giờ ác hại của đời tôi, khi tôi… Tóm lại khi tôi mới yêu một người khác, nàng hiện đang ở đây, đang ngồi ở dưới kia, Grusenka… lần ấy tôi đưa nàng đến Mokroe này và trong hai ngày đã ăn chơi vung vãi hết nửa số ba ngàn đáng nguyền rủa ấy tức là ngàn rưỡi, nửa còn lại tôi giữ bên mình. Nửa còn lại mà tôi giữ ấy tôi đeo bên cổ, như đeo lá bùa, hôm qua tôi đã phá ra và tiêu xài hết. Số tám trăm rúp còn lại hiện ở trong tay ông, ông Nikolai Parfenovich ạ, đấy là tiền còn lại của số ngàn rưỡi hôm qua.
– Xin hỏi, như thế là thế nào, vì một tháng trước ông đã tiêu ở đây ba ngàn, chứ không phải là ngàn rưỡi, mọi người đều biết như thế kia mà?
– Ai biết? Ai đếm? Tôi giao cho ai đếm?
– Xin lỗi, chính ông đã nói với mọi người rằng lần ấy ông xài hết đúng ba ngàn rúp.
– Quả là tôi có nói, nói với cả thành phố, và cả thành phố đều nói lại như vậy, và mọi người đều cho rằng tôi đã vung tay ăn chơi phung phí hết ba ngàn rúp ở Mokroe này. Có điều tôi tiêu không phải là ba ngàn, mà là ngàn rưỡi rúp, còn ngàn rưỡi nữa tôi khâu vào cái bọc đeo bên cổ. Thế đấy, các ông ạ, số tiền hôm qua là ở đấy ra…
– Gần như là chuyện thần kỳ…, – Nikolai Parfenovich lầu bầu.
– Xin hỏi, – Cuối cùng viên biện lý nói, – trước đây ông có nói chuyện đó với ai không, tức là về ngàn rưỡi mà ông giữ lại một tháng trước ấy?
– Tôi chẳng nói với ai cả.
– Lạ thật. Thế ra ông không nói gì với ai cả?
– Tuyệt không nói với ai cả.
– Nhưng tại sao ông lại im lặng như thế? Cái gì xui khiến ông giữ bí mật như vậy? Tôi sẽ nói rõ hơn: rốt cuộc ông đã cho chúng tôi biết điều bí mật mà ông coi là rất đỗi “nhục nhã”, tuy thực ra, cố nhiên chỉ là nói một cách tương đối, hành động ấy, việc chiếm dụng tạm thời, ít ra theo quan điểm của tôi, chỉ là một hành động hết sức nông nổi, nhưng không lấy gì làm nhục nhã lắm, nếu chú ý đến tính cách của ông… Thì cứ cho đó là hành động hết sức đáng chê trách đi, tôi đồng ý, nhưng đáng chê trách vẫn chưa phải là nhục nhã… Nghĩa là thực ra tôi muốn nói: rằng trong tháng này, về ba ngàn đồng ấy của bà Verkhovxeva mà ông đã tiêu hết thì nhiều người đã đoán biết, chẳng cần ông thú nhận, chính tôi cũng đã nghe câu chuyện huyền hoặc đó… Chẳng hạn ông Mikhail Makarovich cũng có nghe nói. Thành thử, đấy không phải là chuyện huyền hoặc, mà là chuyện ngồi lê đôi mách của cả thành phố. Thêm nữa, có những dấu hiệu cho thấy rằng chính ông, nếu tôi không lầm, đã thú nhận với ai đó về số tiền ấy của bà Verkhovxeva… Vì thế ông làm tôi hết sức ngạc nhiên vì cho đến bây giờ, đến tận phút này, ông vẫn coi số tiền ngàn rưỡi mà ông để lại là một bí mật phi thường thậm chí cho rằng gắn liền với điều bí mật của ông là một sự khủng khiếp nào đó. Không thể tưởng tượng nổi rằng một bí mật như thế lại khiến ông bị dằn vặt đến thế khi phải nói ra… bởi vì ban nãy ông vừa gào lên rằng thà đi tù khổ sai còn hơn là thú nhận…
Viên biện lý im tiếng. Ông ta nóng nảy. Ông ta không giấu giếm sự bực bội, gần như là hằn học của mình, và trút ra hết mọi điều tích tụ trong lòng, thậm chí không quan tâm đến lối nói văn vẻ, ông ta nói rời rạc, thậm chí lộn xộn.
– Sự nhục nhã không phải là số tiền ngàn rưỡi, mà là ở chỗ tôi đã để riêng nó ra từ số tiền ba ngàn. – Mitia nói bằng giọng cương quyết.
– Nhưng thế là thế nào, – viên biện lý mỉm cười một cách cáu kỉnh, – có gì là nhục nhã khi mà trong số ba ngàn đồng đã lấy của người ta một cách đáng chê trách, hay nói theo ý ông là lấy một cách nhục nhã, ông tự ý để riêng ra một nửa số tiền? Điều quan trọng là ông đã chiếm đoạt ba ngàn đồng, chứ không phải ông đã dùng nó như thế nào. Nhân tiện xin hỏi: Tại sao ông lại làm như thế, nghĩa là để riêng ra nửa số tiền? Để làm gì, nhằm mục đích gì, ông có thể giải thích cho chúng tôi được không?
– Ồ thưa các ông, tất cả là ở mục đích! – Mitia kêu lên, – Để riêng ra là do ý đồ đê tiện, nghĩa là có mưu tính, mà trong trường hợp này mưu tính là đê tiện… Sự đê tiện ấy kéo dài suốt một tháng!
– Thật khó hiểu.
– Tôi ngạc nhiên về các ông. Tuy nhiên tôi sẽ nói rõ thêm nữa, quả thật có lẽ là khó hiểu. Các ông chú ý theo dõi nhé: tôi chiếm đoạt ba ngàn đồng người ta giao cho tôi vì tin ở danh dự của tôi, tôi dùng nó để ăn chơi và đã tiêu hết vào việc ăn chơi, sáng hôm sau tôi đến gặp nàng và nói: “Katia, tôi có lỗi, tôi đã tiêu hết ba ngàn đồng của em vào việc ăn chơi”, – thế nào, được, chứ? Không, không được, – bất lương và hèn nhát, đồ thú vật, không biết tự kiềm chế mình đến mức hoang dã thú vật, phải thế không? Nhưng dù sao vẫn không phải là kẻ ăn cắp phải không? Không hẳn là tên ăn cắp, không hẳn thế, các ông đồng ý chứ! Ăn chơi phung phí, chứ không ăn cắp! Bây giờ đến trường hợp thứ hai, càng lợi thế hơn, xin các ông chú ý theo dõi, kẻo có thể tôi lại lẫn lộn đầu óc cứ quay cuồng, – vậy, đây là trường hợp thứ hai: tôi chi phung phí ở đây có một ngàn rưỡi, nghĩa là nửa số tiền. Hôm sau tôi đến nàng, mang theo nửa số tiền ấy, “Katia, hãy nhận lấy nửa số tiền này, tôi là thằng khốn kiếp, một thằng đê tiện xốc nổi, vì tôi đã ăn chơi phung phí hết nửa số tiền, vì vậy tôi có thể vung phí nốt nửa số còn lại này, cầm lấy để tôi khỏi sa vào tội lỗi lần nữa”. Nếu làm như vậy thì sao? Gì thì gì, tôi là thú vật, là thằng đê tiện, chứ không phải là thằng ăn cắp, không hẳn là thằng ăn cắp, bởi vì nếu là thằng ăn cắp thì chắc chắn sẽ không đem trả nửa số còn lại, mà chiếm lấy. Nàng thấy rằng tôi đã mang trả một nửa thì sẽ mang trả cả số còn lại, nghĩa là suốt đời tôi sẽ tìm cách, sẽ làm lụng kiếm cho ra số tiền ấy và trả lại. Như vậy tôi là thằng đê tiện, nhưng không phải là tên ăn cắp, không là tên ăn cắp, các ông muốn thế nào thì tuỳ ý chứ tôi không phải là tên ăn cắp!
– Cứ cho là có một sự khác nhau nào đó đi, – viên biện lý nhếch mép cười lạnh lùng, – Nhưng dù sao vẫn có điều lạ lùng: Ông lại coi đó là sự khác nhau trọng đại.
– Phải, tôi thấy đó là sự khác nhau trọng đại! Bất cứ ai cũng có thể là một kẻ đê tiện, và có lẽ người nào cũng đê tiện, nhưng không phải ai cũng có thể là kẻ cắp, chỉ có kẻ đê tiện mạt hạng mới có thể ăn cắp. Tôi không thể phân tích rành rẽ những sự tinh tế như thế… Có điều ăn cắp là hèn mạt nhất trong sự hèn mạt, tôi tin chắc như thế. Hãy nghe tôi: tôi mang tiền suốt một tháng bên mình, ngày mai tôi có thể quyết tâm trả lại, như thế tôi không còn là kẻ đê tiện nữa, nhưng tôi không thể quyết được, thế đấy, tuy ngày nào tôi cũng hạ quyết tâm, ngày nào tôi cũng thúc đẩy mình: “quyết định đi, quyết định đi, thằng đê tiện”, vậy mà cả tháng tôi vẫn không quyết được, thế đấy! Sao, theo các ông thì như thế có tốt không?
– Cứ cho rằng như thế chẳng lấy gì làm hay ho lắm, điều đó tôi hiểu rất rõ, – Viên biện lý trả lời dè dặt. – Và nói chung ta hãy gác lại mọi sự bàn cãi về những điểm tế nhị và khác biệt ấy, nếu như ông cũng thấy rằng nên đi vào công việc thực tế thì hơn. Cái chính là ông vẫn chưa chịu giải thích cho chúng tôi, tuy chúng tôi đã hỏi: vì cớ gì lúc đầu ông chia số tiền ba ngàn ấy ra làm hai phần, ăn chơi hết một nửa, còn một nửa thì cất giấu đi? Ông giấu để làm gì, thực ra ông định dùng số tiền ấy làm gì? Tôi cứ muốn biết điều đó đấy, ông Dmitri Fedorovich ạ?
– À, đúng vậy! – Mitia kêu lên, đập tay vào trán, – Xin lỗi, tôi làm các ngài phiền lòng, trong khi đáng ra phải nói ngay, vào điểm chính, nếu vậy thì các ngài đã hiểu ngay, mục đích, mục đích ấy mới chính là điều nhục nhã. Các ngài ạ, ông già nhà tôi, bây giờ đã qua đời, cứ làm rầy Agrafena Alecxandrovna, còn tôi ghen, tôi cho rằng nàng lưỡng lự giữa tôi và ông già; ngày nào tôi cũng nghĩ ngộ nhỡ bỗng nhiên nàng quyết định, ngộ nhỡ nàng sẽ thôi không làm khổ tôi nữa và nói với tôi: “Em yêu anh, chứ không yêu ông già, hãy đưa em đi tới nơi cùng trời cuối đất” vậy mà tôi chỉ có hai mươi kopek thì lấy đâu ra tiền mà đưa nàng đi, biết làm thế nào, thế là tong hết. Khi ấy tôi chưa biết rõ nàng, chưa hiểu nàng, tôi tưởng nàng cần tiền và sẽ tha thứ cho sự bần cùng của tôi. Thế là tôi nảy ra ý quỷ quyệt: đếm riêng ra nửa số ba ngàn, lạnh lùng dùng kim khâu vào một mảnh vải, với một dự tính riêng, khâu từ trước khi nhậu nhẹt say sưa, khâu xong rồi, tôi đem nửa số còn lại đi ăn uống say sưa! Thật là đê tiện! Bây giờ thì các ông hiểu rồi chứ?
Viên biện ý phá lên cười ầm ĩ, viên dự thẩm cũng thế.
– Theo tôi, ông tỏ ra biết điều và có đạo đức vì đã tự kiềm chế được và không ăn chơi hết số tiền đó. – Nikolai Parfenovich cười hi hí, – ở đây có gì ghê gớm lắm đâu?
– Vấn đề là tôi đã ăn cắp, thế đấy! Trời ơi, các ông chậm hiểu đến phát khiếp lên được! Suốt thời gian tôi mang số tiền ấy khâu trước ngực, ngày nào giờ nào tôi cũng tự bảo: “Mi là tên ăn cắp, mi là tên ăn cắp!”. Vì thế mà trong tháng này tôi đâm ra hung bạo, vì thế mà tôi đã đánh nhau ở quán rượu, ấy là vì tôi cảm thấy mình là thằng ăn cắp!
Thậm chí với Aliosa, em trai tôi, tôi cũng không đủ can đảm thổ lộ về số tiền ngàn rưỡi ấy: tôi cảm thấy mình là kẻ đê tiện, lừa bịp! Nhưng các ông nên biết rằng suốt thời gian mang số tiền đó bên mình, ngày nào giờ nào tôi cũng tự nhủ: “Không, Dmitri Fedorovich, có lẽ mi chưa phải là tên ăn cắp”. Tại sao? Chính là vì ngày mai mi có thể đến và trả ngàn rưỡi đó cho Katia. Mãi đến hôm qua tôi mới quyết định xé cái bọc vải ra, khi từ chỗ Fenia đến Perkhotin, trước đó tôi vẫn chưa dám, xé ra xong là lập tức tôi trở thành thằng ăn cắp, rành rành là thằng ăn cắp, không còn chối cãi gì được nữa, suốt đời là một kẻ bất lương. Tại sao? Là vì xé cái bọc vải ấy ra là tôi đã xé cả mơ ước đến gặp Katia và nói: “Tôi là thằng đê tiện, nhưng không phải là thằng ăn cắp”. Bây giờ thì các ông hiểu đấy, hắn là các ông hiểu!
– Tại sao đúng tối hôm qua ông đã quyết định làm như thế? – Nikolai Parfenovich ngắt lời.
– Tại sao? Câu hỏi thật buồn cười: bởi vì tôi đã quyết tự vẫn vào năm giờ sáng, tại đây, lúc rạng đông: “Đằng nào thì cũng chết, tôi nghĩ, dù là chết như kẻ đê tiện hay người cao quý!”
Nhưng mà không phải thế, không phải là như nhau! Chẳng biết các ông có tin tôi không; thưa các ông, điều dằn vặt tôi nhất đêm hôm ấy không phải là việc tôi đã đánh chết lão bộc và có thể bị đày đi Sibir, vậy thì tôi bị dằn vặt từ khi nào? Khi tình yêu của tôi thành tựu, bầu trời lại mở ra trước mặt tôi! Ôi, điều đó làm tôi đau khổ, nhưng không bằng nỗi đau khổ kia. Dẫu sao cũng không đau khổ bằng việc rút cục tôi đã xé cái bọc trước ngực ra lấy tiền đi tiêu phung phí hết, thật là việc làm đáng nguyền rủa, như vậy tôi hoàn toàn là thằng ăn cắp! Ôi, thưa các ông tôi nhắc lại với các ông mà trái tim ra máu: trong đêm ấy tôi đã học được nhiều điều! Tôi học được rằng không thể sống với ý thức mình là kẻ đê tiện, cũng không thể chết mà vẫn biết mình là kẻ đê tiện… Không, thưa các ông, chết cũng phải chết một cách chính trực!…
Mitia tái người đi. Mặt chàng tiều tụy, phờ phạc, mặc dù chàng nóng nảy vô cùng.
– Tôi bắt đầu hiểu ông, Dmitri Fedorovich. – Viên biện lý dài giọng, nói một cách mềm mỏng, thậm chí dường như thông cảm, – nhưng ông muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, chứ theo tôi thì chỉ là do thần kinh… thần kinh của ông bệnh hoạn, vậy đấy. Chẳng hạn, tại sao tuy muốn giải thoát khỏi những dằn vặt ghê gớm, gần một tháng trời ông không đến trả lại ngàn rưỡi rúp cho người đã tin cậy ông mà trao nó cho ông và sau khi đã nói cho nàng rõ sự tình, với tình cảnh của ông lúc bấy giờ, một tình cảm khủng khiếp như ông miêu tả, ông lại không thử dùng một phương kế nảy ra trong óc một cách rất đỗi tự nhiên, là sau khi tỏ ra cao thượng thú nhận với nàng sai lầm của mình, ông hỏi vay nàng số tiền ông cần dùng, mà nàng vốn rộng lượng, lại thấy ông bối rối như thế, hẳn nàng sẽ không từ chối ông, đặc biệt nếu ông viết giấy biên nhận, hay cuối cùng đưa ra sự bảo đảm mà ông đã đề nghị với ông thương gia Xamxonov và bà Khokhlakova? Cho đến giờ ông vẫn cho rằng đấy là sự bảo đảm có giá trị kia mà?
Mitia bỗng đỏ mặt:
– Chẳng lẽ các ông coi tôi là kẻ đê tiện đến thế? Không lẽ nào các ông nói nghiêm chỉnh… – Chàng phẫn nộ thốt lên, nhìn vào mắt viên biện lý và dường như không tin rằng đấy là lời ông ta nói ra.
– Tôi cam đoan với ông là tôi nói nghiêm chỉnh đẩy… Tại sao ông nghĩ rằng không nghiêm chỉnh? – Đến lượt viên biện lý ngạc nhiên.
– Ôi, như thế thì đê tiện quá! Thưa các ông, các ông có biết rằng các ông giày vò tôi không! Thôi được, tôi sẽ kể hết với các ông, đành vậy, bây giờ tôi sẽ thú nhận với các ông tất cả mưu mô thâm hiểm của tôi, nhưng để làm cho các ông xấu hổ, chính các ông sẽ ngạc nhiên vì những tình cảm của con người có thê đan quyện với nhau mà đi đến chỗ hèn mạt như thế. Các ông nên biết rằng chính tôi đã tính đến cái kế sách ấy, chính cái kế sách mà ông vừa nói ra ấy, ông biện lý ạ! Phải, thưa các ông, tôi đã có ý nghĩ ấy trong cái tháng đáng nguyền rủa ấy, tôi gần như đã quyết định đến Chúa, tôi đê tiện đến mức ấy đấy! Nhưng đến gặp nàng, nói với nàng sự phản bội của mình, và để đi đến sự phản bội ấy, để thực hiện sự phản bội ấy, để có tiền chỉ cho sự phản bội ấy mà lại hỏi xin tiền của nàng (xin tiền, các ông nghe thấy chứ, xin tiền!) và lập tức bỏ nàng trốn đi với kẻ tình địch của nàng, người căm ghét nàng và xúc phạm nàng, xin lỗi, ông điên rồi, ông biện lý ạ!
– Tôi không điên, nhưng cố nhiên do nóng nảy mà tôi không nghĩ đến… tính ghen ấy của đàn bà… nếu như quả thực ở đây có chuyện ghen tuông như ông nói… Vâng, có lẽ ở đây có cái gì thuộc loại đó. – Viên biện lý nhếch mép cười.
– Nhưng làm như thế thật đáng ghê tởm, – Mitia hung hăng đấm tay xuống bàn, – như thể thì bỉ ổi quá, đến nỗi tôi không biết gọi nó là gì nữa! Các ông biết không, nàng có thể cho tôi số tiền ấy, nàng sẽ cho, chắc là sẽ cho, cho để trả thù, để hưởng khoái lạc trả thù, cho để khinh miệt tôi, vì nàng cũng là một tâm hồn thâm hiểm, một phụ nữ hay nổi giận ghê gớm! Còn tôi sẽ lấy tiền, ôi, tôi sẽ lấy, rồi thì suốt đời… trời ơi! Các ông thứ lỗi cho tôi đã hét lên như thế, vì mới đây thôi tôi vẫn còn nghĩ tới cách ấy, mới hôm qua thôi, chính cái đêm tôi loay hoay với Liagavyi, rồi hôm qua, vâng, cả ngày hôm qua, tôi vẫn nhớ mà, cho đến tận lúc xảy ra sự việc này…
– Sự việc nào kia? – Nikolai Parfenovich xen vào với vẻ tò mò, nhưng Mitia không nghe rõ.
– Tôi đã thú nhận với ông một điều ghê gớm, – chàng kết luận một cách rầu rĩ. – Các ông nên đánh giá cho đúng, thưa các ông. Mà đánh giá thôi chưa đủ, các ông nên biết quý trọng điều đó, nếu không, nếu điều đó không làm rung động tâm hồn các ông thì đúng là ông không tôn trọng tôi, thưa các ông, tôi nói với các ông như thế đấy, tôi chết vì xấu hổ mất, vì đã thổ lộ tâm tình với những người như các ông! Ôi, tôi sẽ tự sát! Tôi đã thấy rằng các ông không tin tôi! Sao, các ông muốn ghi như vậy? – Chàng la lên, bây giờ đã có vẻ sợ hãi.
– Ghi cái điều ông vừa nói ấy, – Nikolai Parfenovich ngạc nhiên nhìn chàng, – nghĩa là cho đến giờ cuối cùng ông vẫn còn định đến bà Verkhovxeva hỏi vay số tiền ấy… Tôi cam đoan với ông rằng đó là lời khai rất quan trọng đối với chúng tôi, ông Dmitri Fedorovich ạ, tức là về toàn bộ sự việc đã xảy ra ấy… và đặc biệt quan trọng đối với ông.
– Xin các ông, Mitia vung hai tay lên, – ít ra ông cũng đừng ghi điều đó, phải biết xấu hổ chứ! Có thể nói là tôi đã xé đôi tâm hồn tôi trước các ông, còn các ông lợi dụng cơ hội đó, thọc ngón tay qua chỗ rách, lục lọi cả hai nửa… Trời ơi!
Chàng thất vọng đưa hai tay che mặt.
– Đừng quá lo như vậy, Dmitri Fedorovich, – Viên biện lý kết luận, – tất cả những gì ghi lại bây giờ sẽ được đọc lại cho ông nghe, chỗ nào ông không đồng ý, chúng tôi sẽ sửa lại theo lời ông, bây giờ lần thứ ba tôi nhắc lại với ông câu hỏi: có thật là không một ai, không người nào được nghe ông nói về số tiền ông khâu trong bọc không? Tôi xin nói với ông là điều đó hầu như không thể hình dung nổi.
– Không một ai, không một ai, tôi đã nói rồi, không thì ông đã không hiểu được gì! Hãy để tôi yên.
– Thôi được điểm này cần phải làm sáng rõ, ta còn nhiều thời gian để làm việc đó, nhưng ông hãy suy xét kỹ đi: chúng tôi có đến hàng chục bằng chứng là chính ông đã lan truyền, thậm chí nói toang toang ở khắp nơi rằng ông đã tiêu vung hết ba ngàn đồng, ba ngàn, chứ không phải ngàn rưỡi, còn bây giờ, khi có số tiền hôm qua, ông cũng đã để cho nhiều người biết rằng ông lại mang theo ba ngàn…
– Các ông có trong tay không phải hàng chục, mà hàng trăm bằng chứng, hai trăm bằng chứng, hai trăm người đã nghe thấy, thậm chí một nghìn người đã nghe thấy! – Mitia kêu lên.
– Ông thấy đấy, tất cả mọi người đều làm chứng, tiếng “tất cả” phải có ý nghĩa gì chứ?
– Chẳng có nghĩa gì cả, tôi nói dối, còn mọi người đều nói dối theo tôi.
– Thế ông phải “nói dối” như thế để làm gì, ông giải thích thế nào?
– Có quỷ biết được. Có lẽ vì huênh hoang… thế thôi… lấy mẽ là đã vung ra nhiều tiền để ăn chơi… Có thể là để quên đi số tiền khâu vào miếng vải… phải, chính thế đấy… quái quỷ… đã bao nhiêu lần ông đặt ra câu hỏi ấy? Ừ, tôi đã nói dối, có vậy thôi, tôi đã nói dối một lần và không muốn cải chính. Vì lẽ gì đôi khi người ta vẫn nói dối?
– Đấy là vấn đề rất khó giải quyết, ông Dmitri Fedorovich ạ, cái chuyện vì sao người ta nói dối ấy mà. – Viên biện lý nói với giọng nghiêm trang. – Nhưng ông hãy cho biết, gói tiền mà ông gọi là gói bùa đeo ở cổ ấy có to không?
– Không, không to.
– Chẳng hạn nó to bằng ngần nào?
– Bằng tờ bạc trăm gấp đôi.
– Có lẽ tốt nhất là ông cho chúng tôi xem mảnh vải ấy chăng? Hẳn ông còn giữ ở đâu trong người.
– Hừ… quái quỷ… dớ dẩn làm sao… Tôi không biết nó hiện ở đâu.
– Nhưng xin hỏi: ông tháo ở cổ ra tại nơi nào và vào thời gian nào? Vì chính ông đã khai rằng ông không về nhà kia mà?
– Lúc tôi từ nhà Fenia đến nhà Perkhotin, dọc đường tôi đã tháo ở cổ ra và lấy tiền.
– Trong bóng tối à?
– Cần gì ánh sáng. Tôi làm việc ấy bằng một ngón tay, trong nháy mắt.
– Không cần kéo, ở ngoài đường?
– Hình như trên quảng trường, nói chung là trên quảng trường! Có quỷ biết được trên quảng trường nào. Mà các ông cần biết điều đó để làm gì?
– Điều đó cực kỳ quan trọng, ông Dmitri Fedorovich ạ: đó là những vật chứng có lợi cho ông, sao ông không muốn hiểu nhỉ?
– Ai giúp ông khâu cái túi ấy một tháng trước đây?
– Chẳng ai giúp, tự tôi khâu lấy.
– Ông biết khâu à?
– Người lính có thể biết khâu, ở đây chẳng cần khéo tay gì hết.
– Ông lấy đâu ra vải, tức là mảnh giẻ mà ông đã khâu vào ấy.
– Ông không giễu cợt đấy chứ?
– Tuyệt nhiên không, chúng tôi hoàn toàn không thiết cười đùa, ông Dmitri Fedorovich ạ.
– Tôi không nhớ đã lấy mảnh vải ở đâu?
– Làm sao lại không nhớ điều đó được?
– Thực tình là tôi không nhớ, có thể tôi đã xé đồ lót ra.
– Hay lắm: ngày mai người ta có thể tìm thấy vật ấy ở nhà ông có thể là chiếc sơ mi mà ông đã xé ra một mẩu.
Mảnh ấy bằng vải gì: vải gai hay trúc bâu.
– Có quỷ biết được. Khoan đã… Hình như tôi chẳng xé ở cái gì ra cả. Nó bằng vải trúc bâu… Hình như tôi dùng cái mũ trùm của bà chủ.
– Cái mũ trùm của bà chủ à?
– Vâng, tôi đã lấy trộm của bà ta.
– Sao lại lấy trộm.
– Các ông ạ, tôi nhớ ra rồi, có lần tôi đã lấy trộm một chiếc mũ trùm làm giẻ, có lẽ là để lau bút. Tôi lấy lén, vì đấy là miếng giẻ chẳng đáng gì, tôi lấy và đã khâu túi đựng ngàn rưỡi rúp… Hình như tôi khâu bằng chính miếng giẻ ấy.
Miếng vải trúc bâu đã giặt bằng ngàn lần.
– Ông nhớ chắc như thế chứ?
– Không biết chắc. Hình như thế. Mà cần quái gì kia chứ!
– Nếu vậy bà chủ nhà của ông ít ra có thể nhớ rằng bà ta đã mất vật ấy chứ?
– Hoàn toàn không, bà ta có vô khối thứ đó. Một miếng giẻ cũ, tôi nói với các ông thế đấy, miếng giẻ cũ không đáng một xu.
– Còn kim chỉ thì ông lấy ở đâu?
– Chấm dứt thôi, tôi không muốn nói nữa. Đủ rồi! – Rút cục Mitia nổi cáu.
– Kể cũng lạ, ông lại hoàn toàn không nhớ rằng ông vứt… lá bùa ấy ở chỗ nào trên quảng trường.
– Thì ngày mai ông cho người đi quét quảng trường đi, may ra tìm thấy đấy. – Mitia nhếch mép cười. – Đủ rồi, thưa các ông, đủ rồi! – Chàng quyết định bằng giọng kiệt lực. – Tôi thấy rõ là các ông không tin tôi! Không tin mảy may nào cả! Lỗi tại tôi, chứ không phải ở các ông, không nên xọc vào. Cần gì tôi lại dơ dáng đi thú nhận với các ông điều bí mật của tôi nhỉ! Thật là trò cười cho các ông, cứ nhìn mắt của ông là đủ thấy. Ông biện lý ạ, chính ông đã đẩy tôi đến nước ấy! Ông hãy hát mừng thắng lợi đi, nếu có thể được… Các ông thật đáng nguyền rủa, các ông hành hạ tôi!
Chàng cúi đầu, hai tay bưng mặt. Viên biện lý và viên dự thẩm im lặng. Lát sau chàng ngẩng đầu lên và ngơ ngẩn nhìn họ. Mặt chàng lộ vẻ thất vọng tột độ, chàng ngồi im lặng một cách hiền lành, dường như không còn ý thức được gì nữa. Thế nhưng cần phải chấm dứt công việc: cần chuyển ngay sang việc hỏi các nhân chứng. Đã tám giờ sáng. Nến đã tắt từ lâu. Mikhail Makarovich và Kanganov, suốt thời gian hỏi cung, cứ ra vào luôn, bây giờ cả hai đã ra hẳn. Viên biện lý và dự thẩm cũng có vẻ cực kỳ mệt mỏi.
Buổi sáng u ám, mây phủ kín bầu trời, mưa như trút nước. Mitia thẫn thờ nhìn ra cửa sổ.
– Tôi có thể nhìn qua cửa sổ được không? – Đột nhiên chàng hỏi Nikolai Parfenovich.
– Ồ, ông thích nhìn bao lâu tuỳ ý.
Mitia đứng lên và tới gần cửa sổ. Mưa quất vào những ô kính nhỏ màu lá mạ. Ngay dưới cửa sổ là con đường bẩn thỉu, và xa hơn nữa, trong làn mưa mờ mịt, là những dãy nhà đen xỉn, xác xơ, xấu xí mà mưa làm cho càng đen xỉn và xác xơ hơn nữa. Mitia nhớ đến “Fobut tóc vàng” và việc chàng định tự sát khi xuất hiện tia sáng mặt trời đầu tiên. “Có lẽ tự sát vào một buổi sáng như thế này lại hơn”, – chàng nhếch mép cười và bỗng vẫy tay từ trên xuống dưới quay về phía “những kẻ hành hạ” mình.
– Thưa các ông! – Chàng kêu lên. – Tôi thấy là tôi đi đứt rồi. Nhưng còn nàng? Hãy nói cho tôi biết về nàng, tôi van các ông, nàng có phải chịu tội cùng với tôi không? Nàng vô tội, hôm qua trong lúc rối trí nàng gào lên rằng “lỗi tại nàng cả”. Nàng không có lỗi gì hết, không có lỗi gì hết! Suốt đêm tôi đau lòng, khi ngồi với các ông ở đây… Liệu các ông có thể nói cho tôi biết: rồi đây các ông sẽ xử với nàng ra sao?
– Ông hãy hoàn toàn yên tâm về chuyện ấy, ông Dmitri Fedorovich ạ. – Viên biện lý trả lời ngay, vội vã trông thấy. – Hiện thời chủng tôi không thấy có lý do đáng kể nào đem lại sự phiền phức gì cho người mà ông rất mực quan tâm.
Trong quá trình phát triển sau này của sự việc, tôi hy vọng rằng sẽ vẫn như thế… Trái lại, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được theo hướng ấy. Ông cứ hoàn toàn yên tâm.
– Thưa các ông, tôi cảm ơn các ông, tôi vẫn biết rằng dù thế nào đi nữa, các ông vẫn là những người chính trực và công bằng. Các ông đã cất cho tôi gánh nặng trong tâm hồn… Thế bây giờ chúng ta làm gì nào? Tôi sẵn sàng.
– Cần phải gấp lên. Cần chuyển ngay sang hỏi những người làm chứng. Nhất thiết phải hỏi trước mặt ông, vì thế…
– Ta có nên dùng chút trà đã không? – Nikolai Parfenovich ngắt lời.
– Ta đáng được dùng trà lắm chứ!
Họ quyết định rằng nếu ở dưới nhà có sẵn trà (vì Mikhail Makarovich chắc chắn đã đi dùng trà) thì cùng nên làm mỗi người một cốc, rồi sẽ tiếp tục. Còn dùng bừa trà và “ăn lót dạ” thực sự thì để lúc nào thư thư đã. Đúng là ở dưới nhà có trà và lát sau người ta đã mang lên. Lúc đầu Mitia khước từ cốc trà mà Nikolai Parfenovich nhã nhặn mời chàng, nhưng sau chính chàng xin trà và uống một cách thèm thuồng. Nói chung nom chàng suy kiệt lạ thường. Có thể nghĩ rằng với sức lực dũng sĩ như chàng, thì một đêm ăn chơi lu bù có nghĩa gì, cho dù là sau đó lại trải qua những cảm xúc hết sức mãnh liệt đi nữa. Nhưng chính chàng cảm thấy mình ngồi không vững, đôi lúc mọi vật dường như chuyển dịch và chao đảo trước mặt chàng. “Chỉ thiếu chút nữa là ta mê sảng” – chàng nghĩ bụng.