Thế là bắt đầu cuộc ăn chơi cuồng loạn, bữa tiệc long trời lở đất. Grusenka là người trước tiên gào lên đòi rượu vang: “Tôi muốn uống, uống thật say như lần trước, anh nhớ không, Mitia, anh có nhớ hồi ấy ở đây chúng ta làm quen với nhau như thế nào chứ!”. Mitia như cơn mê sảng và linh cảm thấy “hạnh phúc của mình”. Tuy nhiên Grusenka không ngừng xua đuổi chàng đi chỗ khác: “Anh đi đi, vui chơi đi, bảo họ nhảy nhót đi, vui chơi đi, chơi cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời”, như hồi nọ ấy, như hồi nọ ấy!”. Nàng tiếp tục la lên. Nàng bị kích động ghê gớm.
Mitia lại bổ đi cắt đặt mọi việc. Bọn con hát tụ tập ở phòng bên. Căn phòng họ vẫn ngồi cho đến lúc này là căn phòng chật chội, ngăn đôi bằng tấm rèm vải hoa, sau tấm rèm cũng là một chiếc giường đồ sộ có nệm lông chim xốp và một chồng gối cao ngất cũng bọc vải hoa. Trong cả bốn căn phòng “sạch sẽ” của nhà này, phòng nào cũng có giường. Grusenka ngồi ngay ở cửa, Mitia đã đem đến đấy cho nàng một chiếc ghế bành: nàng ngồi ở chỗ như “lần ấy”, ngày mà lần đầu tiên họ ăn chơi tung trời ở đây, và từ chỗ này, nàng nhìn người ta hát nữa. Bọn con hát tụ tập ở đây vẫn là những ả lần trước; những người Do Thái mang violon và đàn xita cũng đã đến, cuối cùng cỗ xe chở rượu và thực phẩm mà họ nóng lòng mong đợi đã tới nơi. Mitia tíu tít. Cả những người ngoài – đàn ông và đàn bà – cũng vào phòng xem người ta vui chơi, họ đã đi ngủ, nhưng thức giấc và linh cảm thấy sẽ được thết đãi chưa từng thấy như tháng trước. Mitia chào hỏi và ôm hôn những người quen, nhớ lại những khuôn mặt, mở chai rượu và rót cho bất kỳ ai. Chỉ có bọn con gái rất hám sâm banh, đàn ông thích rhum và cognac hơn, đặc biệt là rượu pân nóng. Mitia bảo pha sôcôla cho bọn con gái và đặt ba ấm xamôva đun nước sôi suốt đêm để pha trà và có sẵn rượu pân cho bất cứ ai đến chơi; thích thì cứ việc dùng: xin mời. Tóm lại, bắt đầu một sự lộn xộn và lố lăng. Nhưng Mitia như cá gặp nước, và càng lố lăng thì Mitia càng náo nức. Lúc ấy nếu một người nông dân nào xin tiền thì hẳn chàng sẽ rút cả tập giấy bạc ra và phân phát lung tung ngay, không thèm đếm. Vì thế, có lẽ để giữ cho Mitia, chủ quán Trifon Borisưch luôn luôn quanh quẩn bên chàng, đêm hôm ấy hình như ông ta định không ngủ, ông ta uống ít (chỉ làm một cốc nhỏ rượu pân) và chăm chú bảo vệ lợi ích của Mitia theo cách riêng của ông ta. Những lúc cần thiết, ông ta dịu dàng và xun xoe can ngăn chàng, không để chàng vung “xì gà và rượu vang” cho bọn nông dân như “hồi ấy” và cầu trời, nhất là đừng cho họ tiền, ông ta rất bực tức vì bọn con gái uống rượu mùi và ăn kẹo: “Chúng toàn là lũ chấy rận thôi mà, ông Dmitri Fedorovich ạ, – ông ta nói, – tôi thì cứ đá cho mỗi đứa một cái mà chúng còn phải coi đó là vinh dự kia, bọn chúng là như thế đấy!”. Mitia một lần nữa lại nhớ đến Andrei và bảo mang rượu pân ra cho anh ta. “Ban nãy ta đã làm anh ta mếch lòng” – chàng lặp lại bằng giọng yếu ớt và cảm kích.
Kanganov không muốn uống, và thoạt đầu anh ta rất không ưa bài hợp ca của bọn ca hát, nhưng sau khi uống thêm hai cốc sâm banh nữa, anh ta vui nhộn hẳn lên, đi qua các phòng, cười và gặp ai cũng khen, cái gì cũng khen, cả bài, cả nhạc. Maximov sung sướng và chếnh choáng, trỏ Kanganov mà bảo Mitia: “Anh chàng dễ thương quá, một chú bé tuyệt diệu!”. Mitia hân hoan chạy tới hôn Kanganov và Maximov. Ôi, chàng linh cảm thấy biết bao điều; nàng vẫn chưa nói gì đặc biệt với chàng, thậm chí rõ ràng có ý chưa nói vội, chỉ thỉnh thoảng nhìn chàng bằng cặp mắt âu yếm, nhưng cháy bùng. Cuối cùng nàng bỗng nắm chặt tay chàng kéo mạnh về phía mình. Lúc ấy nàng vẫn ngồi trên ghế bành cạnh cửa.
– Lúc mới vào sao anh lại như thế, hả? Lúc ấy, nom anh ghê gớm quá!… Em sợ khiếp lên. Anh mà lại muốn nhường em cho hắn à? Anh muốn nhường thật ư?
– Anh không muốn phá vỡ hạnh phúc của em! – Mitia ngây ngất nói lắp bắp. Nhưng nàng cũng chẳng cần anh trả lời.
– Thôi, anh đi đi… vui chơi đi. Nàng lại xua đuổi anh, – và đừng khóc, em sẽ lại gọi anh.
Chàng chạy đi, nàng lại bắt đầu nghe hát và xem người ta nhảy, mắt vẫn dõi theo Mitia, bất kể chàng ở đâu, nhưng mười lăm phút sau nàng lại gọi, chàng lại chạy tới.
– Bây giờ anh hãy ngồi cạnh em, anh kể cho em nghe anh làm thế nào biết được em đến đây; ai là người đầu tiên nói cho anh biết?
Mitia bắt đầu kể lại hết, kể lộn xộn, rời rạc, nồng nhiệt, nhưng kỳ lạ, khi kể chàng thường đột nhiên cau mày và ngừng lại.
– Sao anh lại cau có? – Nàng hỏi.
– Không sao… anh để lại ở đấy một người ốm. Giá như người đó bình phục, nếu anh biết người ấy đang bình phục thì anh sẵn lòng hy sinh mười năm sống!
– Thôi mặc người đó, nếu như y ốm đau. Có phải anh muốn ngày mai sẽ dùng súng tự sát phải không, ngốc ơi là ngốc, sao vậy? Em yêu những người rồ dại như anh, – nàng nói thỏ thẻ, lưỡi đã líu lại. – Vì em anh sẽ làm tất cả mọi việc chứ? Sao? Chàng ngốc của em ơi, ngày mai anh muốn tự sát thật ư! Không, khoan đã ngày mai có thể em sẽ nói với anh một lời. Anh muốn em nói ngay hôm nay chứ gì? Không, hôm nay em không muốn… Thôi đi đi, bây giờ thì đi đi, vui chơi đi.
Nhưng, có một lần nàng gọi anh đến, xem ra có vẻ băn khoăn lo lắng.
– Vì sao anh buồn? Em thấy là anh buồn… Không, em thấy chứ. – Nàng nói, nhìn chằm chằm vào mắt chàng bằng cái nhìn sắc sảo. – Tuy anh ôm hôn mấy tay nông dân và gào thét, nhưng em nhìn thấy một điều gì. Không, anh vui chơi đi, em vui, vậy thì anh cứ vui chơi đi… Ở đây em yêu mến một người, anh có đoán được ai không?… Đấy, nhìn kìa: chú bé của em đã ngủ gục, say rồi, anh ta là người chân tình.
Nàng nói về Kanganov: anh ta quả thực đã say, ngủ ngồi ngay trên đi văng. Anh ta ngủ thiếp không phải chỉ vì đã ngấm hơi men, không hiểu vì sao anh ta bỗng cảm thấy rất buồn, hay như anh ta nói, anh ta “chán ngán”. Tiếng hát của các cô ả rốt cuộc làm anh ngấy hết sức, càng nốc rượu vào thì lời ca tiếng hát của họ càng dần dần trở nên tục tĩu, phóng đãng. Cả điệu vũ của họ cũng thế: hai cô ả hoá trang thành gấu, còn Xtepanida, một cô ả linh lợi, tay cầm gậy, điều khiển họ “làm trò” cho khách xem.
“Vui lên, Maria, – cô ả quát lên, – không thì ăn gậy!”. Hai con gấu nằm vật xuống sàn, coi rất thô bỉ, khiến cho đám đàn ông đàn bà đủ hạng tụ tập ở đây cười ầm lên. “Mặc cho họ vui, mặc cho họ vui, – Grusenka nói với giọng bề trên, vẻ mặt hết sức vui sướng. – Có được một ngày như thế này thì sao không vui lên nhỉ?” Kanganov thì coi bộ như bị thứ gì nhơ bẩn vấy vào người.
“Nhơ nhuốc quá tất cả những thứ tiện dân ấy, – anh ta nói, bỏ đi nơi khác, – đấy là những trò chơi xuân của họ, khi họ thức suốt đêm hè chờ mặt trời mọc!”. Nhưng anh ta đặc biệt ghét một bài hát “mới” có đoạn điệp khúc khoái hoạt theo điệu vũ về một gã quý tộc đi thử các cô gái:
Ông quý tộc lựa lời ướm thử
Xem các nàng có thích ông không?
Nhưng các cô gái thấy rằng không thể yêu ông quý tộc:
Lấy ông quý tộc chỉ tổ ăn đòn
Mà em chẳng có yêu ông quý tộc
Rồi một chàng Zigan đi qua, và cũng ướm thử:
Gã Zigan liều lời ướm thử
Xem các nàng có khoái gã không?
Nhưng không thể yêu gã Zigan được:
Gã Zigan rồi sẽ ăn cắp
Còn tôi đây khốn khổ trăm bề
Rất nhiều người đi qua đều ướm hỏi, kể cả một anh lính:
Anh lính cũng lựa lời ướm hỏi
Xem các nàng có thích anh không”.
Nhưng anh lính cũng bị khinh đứt:
Anh lính còng lưng đeo ba lô
Để cho em lẽo đẽo theo sau…
Tiếp đó là câu hết sức tục tĩu, hát lên công khai, khiến công chúng khoái trá cuồng nhiệt. Cuối cùng đến lái buôn:
Gã lái buôn lựa lời ướm hỏi
Xem các nàng có thích anh không?
Thì ra các nàng rất thích lái buôn, bởi vì rằng:
Lái buôn một vốn mười lời
Em sẽ sống như bà hoàng trong cung điện.
Kanganov nổi khùng:
– Bài hát cũ rích rồi, – anh ta nói to, – mà ai làm ra bài ấy! Chỉ còn thiếu tay chủ đường sắt hay một tên Do Thái đi qua và ướm hỏi các nàng nữa thôi: chắc hẳn họ sẽ vơ được tất cả các ả. – Gần như tức tối, anh ta lập tức tuyên bố là anh ta chán ngấy, anh ta ngồi xuống đi văng và ngủ liền. Khuôn mặt tuấn tú của anh ta hơi nhợt nhạt và ngả lên gối đi văng.
– Xem kìa, anh ta xinh trai đấy chứ, – Grusenka nói, kéo Mitia tới chỗ Kanganov, – ban nãy em đã chải tóc cho anh ta, tóc anh ta mềm như lanh và dày…
Nàng cúi xuống gần anh ta, âu yếm hôn lên trán anh ta.
Kanganov thoáng mở mắt, nhìn nàng, nhóm dậy và hỏi, vẻ hết sức lo lắng:
– Maximov đâu?
– A, ra đó là người mà anh ta cần, – Grusenka bật cười, – hãy ngồi với tôi một lát đã, Mitia, anh chạy đi gọi Maximov cho anh ta đi.
Thì ra Maximov không rời khỏi mấy cô gái, chỉ thỉnh thoảng chạy đi lấy cho mình cốc rượu mùi, ông ta đã uống hai cốc sôcôla. Mặt ông ta đỏ lựng, mũi tía lên, mắt ươn ướt, khoái trá.
Ông ta chạy tới và tuyên bố rằng bây giờ ông ta muốn nhảy điệu “chiếc thùng tắm ngồi” theo “một điệu nhạc”.
– Hồi tôi còn nhỏ tuổi, người ta đã dạy cho tôi tất cả những điệu vũ thượng lưu cao quý ấy…
– Anh đi đi, đi với ông ấy đi, Mitia, em sẽ ngồi đây xem ông ấy nhảy thế nào.
– Còn tôi, tôi cũng đi xem, – Kanganov kêu lên, khước từ đề nghị của Grusenka một cách hết sức ngây thơ. Mọi người đều đi xem. Maximov quả thực nhảy điệu vũ của mình, nhưng ngoài Mitia, chẳng có ai thực sự mê thích.
Điệu này chỉ có động tác nhảy tâng tâng lên, chân ngoẹo sang bên, đế giày hếch lên phía trên, mỗi lần nhảy Maximov lại vỗ tay vào để giày. Kanganov chẳng thích chút nào, còn Mitia thậm chí hôn kẻ nhảy điệu vũ.
– Cảm ơn, ông mệt rồi, có lẽ ông muốn món gì ở đây, kẹo nhé? Hay xì gà?
– Một điếu thuốc lá.
– Ông muốn uống chăng?
– Tôi thích rượu mùi… Ở đây có kẹo sôcôla không? Trên bàn có vô số thứ kia, hãy chọn thứ gì ông thích, ông anh thân mến của tôi ạ.
– Ồ không, tôi thích món gì có vang… loại cho người già ấy mà… Hi hi!
– Không, ông anh ạ, không có những thứ đặc biệt như thế.
– Này ông ơi, – lão già bỗng ghé sát tận tai Mitia, – con bé Manuska kia kìa, hi hi, làm thế nào cho tôi bắt quen với nó, nhờ lòng tốt của ông…
– Lại còn muốn món đó kia nữa! Không, ông anh ạ, ông nói nhảm rồi đấy.
– Tôi chẳng làm hại ai cả. – Maximov lầm bầm, giọng ảo não.
– Thôi được, được. Ông anh ạ, ở đây người ta chỉ hát múa thôi, nhưng thôi, đồ quỷ! Đợi đấy… Hãy chén đi đã, ăn, uống, vui chơi đi. Có cần tiền không?
– Sau này có khi cần. – Maximov mỉm cười.
– Tốt, tốt…
Đầu Mitia bừng bừng như lửa đốt. Chàng ra phòng ngoài, lên hàng bao lơn bằng gỗ bao quanh nhà ở bên trong, phía sân, một phần của toàn bộ kiến trúc. Không khí tươi mát làm chàng phấn chấn lên. Chàng đứng một mình trong bóng tối, và bỗng hai tay ôm đầu. Những ý nghĩ tản mát của chàng bỗng liên kết lại, mọi cảm giác hoà làm một, và tất cả tạo nên ánh sáng. Thứ ánh sáng đáng sợ, khủng khiếp! “Nếu tự tay tọng viên đạn vào đầu thì không làm lúc này còn lúc nào nữa? – ý nghĩ thoáng qua trong óc chàng. – Đi lấy khẩu súng lục và chấm dứt đời mình ngay trong cái xó tăm tối bẩn thỉu này”. Chàng lưỡng lự một phút. Lúc trước, khi phóng xe như bay đến đây, chàng bỏ lại sau lưng mình sự nhục nhã, chàng đã đánh cắp tiền của người khác, và máu đã đổ ra, máu… Nhưng lúc ấy chàng nhẹ nhõm hơn, ôi, nhẹ nhõm hơn! Bởi vì khi ấy thế là hết cả rồi: chàng đã mất nàng, đã chịu để cho kẻ khác phỗng mất nàng, đối với chàng, nàng đã chết, đã biến mất, ôi, khi ấy đối với chàng bản án nhẹ nhàng hơn, ít ra chàng cũng cho rằng không tránh khỏi, cần thiết bởi thế chàng còn lưu lại cõi đời này làm gì nữa? Nhưng bây giờ! Bây giờ đâu có như lúc ấy! Bây giờ ít ra cũng đã loại hẳn được một bóng ma, một con ngáo ộp: người “trước kia” của nàng, kẻ không thể gạt bỏ được, kẻ có vai trò định mệnh ấy đã biến mất, không để lại dấu vết gì. Con ma đáng sợ ấy đột nhiên đã biến thành một cái gì nhỏ mọn, hết sức buồn cười; chàng đã tự tay đem nó vào buồng ngủ và nhốt nó ở đấy. Nó không bao giờ trở lại được nữa. Nàng xấu hổ, bây giờ nhìn mắt nàng, chàng thấy rõ nàng yêu ai. Chính bây giờ mới đáng sống… vậy mà không thể được, không thể được, ôi, ác nghiệt thay! “Lạy Chúa, xin Chúa làm cho kẻ bị đánh gục dưới chân tường sống lại! Xin Chúa tránh cho con cái chán đời ghê sợ ấy Lạy Chúa, Ngài vẫn làm phép lạ cho những kẻ tội lỗi như con đấy thôi! Ô, nếu như lão già còn sống thì sao nhỉ? Ôi, lúc ấy ta sẽ xoá sạch mọi vết nhục, ta sẽ trả lại số tiền đã đánh cắp, cho dù phải moi dưới lòng đất lên… Sẽ không còn dấu vết ô nhục nào, chỉ riêng trong tim ta là nó còn mãi mãi thôi! Nhưng mà không, không, ôi những mơ ước đớn hèn không thể nào thực hiện được! Ôi, thật là ác nghiệt!”.
Nhưng, dù sao, dường như vẫn có một tia hy vọng lóe lên với chàng trong bóng tối. Chàng lao bổ vào phòng, đến với nàng, lại đến với nàng, bà hoàng của chàng suốt đời! “Một giờ, một phút tình yêu của nàng lại chẳng đáng giá tất cả cuộc đời còn lại sao, dầu là tình yêu trong nỗi đau khổ quằn quại nhục nhã?!” Câu hỏi dữ dội ấy vò xé trái tim chàng. “Đến với nàng, với riêng nàng thôi, nhìn thấy nàng, nghe nàng nói và không nghĩ ngợi gì cả, quên hết mọi sự trên đời, cho dù chỉ đêm nay thôi, giờ này thôi, một khoảnh khắc thôi!”. Ở cửa phòng ngoài trên bao lơn, chàng chạm trán với chủ quán Trifon Borisưch. Chàng cảm thấy ông ta có vẻ ảo não, lo ngại, hình như ông ta tìm chàng.
Kìa, ông Trifon Borisưch, ông tìm tôi phải không?
– Không, không phải tìm ông. – Chủ quán đột nhiên có vẻ sững sờ, – tôi tìm ông làm gì? Nhưng nãy rồi… Ông ở đâu?
– Sao nom ông rầu ra thế. Bực tức gì chăng? Chờ một chút. Ông sắp được đi ngủ rồi… Mấy giờ rồi!
– Gần ba giờ! Có khi hơn ba giờ rồi cũng nên.
– Chúng tôi sắp xong rồi, sắp xong rồi.
– Dạ, không sao. Muốn bao lâu cũng được…
“Hắn làm sao thể nhỉ?” – Mitia thoáng nghĩ và chạy vào phòng, nơi các cô gái đang vũ. Nhưng không có nàng ở đấy.
Trong phòng xanh cũng không có nàng; chỉ có một mình Kanganov ngủ gật trên đi văng. Mitia nhìn ra sau rèm: nàng ở đấy. Nàng ngồi trong góc phòng, trên chiếc rương, cúi gập mình, hai tay và đầu đặt trên chiếc giường cạnh đấy, khóc một cách chua xót, cố hết sức cầm lòng và nén tiếng khóc để người ta khỏi nghe thấy. Thấy Mitia, nàng vẫy chàng lại và khi chàng chạy tới nàng nắm chặt lấy tay chàng.
– Anh Mitia, anh Mitia, trước đây em yêu anh ta! – Nàng thì thầm với chàng, – yêu hết lòng, suốt năm năm trời, suốt thời gian ấy! Em yêu anh ta hay chỉ yêu nỗi uất hận của mình? Không, yêu anh ta! Ôi chao, yêu anh ta. Em nói rằng em chỉ yêu nỗi uất hận của mình chứ không yêu anh ta là nói dối đấy! Anh Mitia ạ, hồi ấy em mới mười bảy tuổi, mà anh ta đối với em rất mực dịu dàng, vui tính, còn hát cho em nghe nữa… Hay hồi ấy em trẻ dại ngu ngốc nên mới nhìn nhận anh ta như thế… Còn bây giờ, trời ơi, đây không còn là con người ấy nữa, hoàn toàn không phải. Nhìn mặt, em không nhận ra anh ta. Khi ngồi xe của Timofei đến đây, suốt dọc đường em cứ nghĩ mãi: “Mình sẽ gặp anh ta như thế nào, sẽ nói gì, mình và anh ta sẽ nhìn nhau như thế nào?…”. Tâm hồn em chết lặng đi, vậy mà anh ta như hắt cả chậu nước bẩn vào em. Anh ta nói như thầy giáo: câu nào cũng rất đỗi thông thái, quan trọng, anh ta đón gặp em với thái độ khệnh khạng đến nỗi em đâm ra luống cuống. Không chen vào được lời nào nữa. Mới đầu em tưởng anh ta ngượng với gã Ba Lan cao kều nọ. Em ngồi nhìn họ và nghĩ: tại sao bây giờ mình không còn biết nói gì, với anh ta nhỉ? Anh ạ, ấy là vợ anh ta đã làm hỏng anh ta, vì người đàn bà ấy mà anh ta bỏ em… Chính ả đã làm cho anh ta khác tính khác nết đi. Anh Mitia, xấu hổ biết bao! Ôi, em xấu hổ, anh Mitia ạ, xấu hổ, ôi, em xấu hổ suốt đời! Đáng nguyền rủa thay năm năm ấy, thật đáng nguyền rủa! – Và nàng lại nước mắt lã chã, nhưng không buông tay Mitia ra, vẫn nắm chặt tay anh.
– Anh Mitia thân yêu, khoan đã, đừng đi, em có một lời muốn nói với anh, – nàng thì thầm và bỗng ngước mặt lên với chàng. – Này anh, anh hãy nói cho em biết em yêu ai? Ở đây em yêu một người. Người nào? Anh nói cho em biết đi. – Khuôn mặc húp lên vì khóc của nàng ngời lên một nụ cười, cặp mắt long lanh trong bóng tối lờ mờ. – Lúc ấy người đó vào đây như một con chim ưng, khiến tim em rơi rụng. “Ngốc ơi là ngốc, người cô yêu đấy chứ ai” – trái tim em lập tức thì thầm bảo em. Anh vào là tất cả được rọi sáng. “Nhưng anh ấy sợ cái gì kia chứ?” – em nghĩ. Mà đúng là anh sợ, sợ lắm, không nói được nữa kia. Không phải anh ấy sợ bọn họ, em nghĩ, anh ấy có biết sợ ai kia chứ? Đấy là anh ấy sợ mình, em nghĩ, chỉ sợ có em thôi. Thì con Fenia đã kể với chàng ngốc của em rằng em đã hét qua cửa sổ với Aliosa rằng em đã yêu Mitenka trong một giờ ngắn ngủi và bây giờ em đi yêu… một người khác, Mitia, Mitia, em thật ngốc nghếch, làm sao em có thể nghĩ rằng sau khi đã yêu anh mà em còn yêu một người khác! Anh tha thứ cho em chứ, Mitia? Anh có tha thứ cho em không? Anh yêu em chứ? Có yêu không?
Nàng bật dậy và hai tay giữ lấy vai chàng. Mitia hân hoan đến nghẹn lời, nhìn vào mắt nàng, mặt nàng, nhìn nụ cười của nàng, và bỗng ôm ghì lấy nàng, hôn lấy hôn để.
– Anh tha thứ cho em đã làm khổ anh chứ? Vì uất giận mà em hành hạ tất cả. Vì uất hận mà em cố tình làm cho ông già nhà anh phát điên… Anh có nhớ một lần anh uống rượu ở nhà em và đập vỡ cái cốc không? Em nhớ mãi lần ấy và hôm nay em cũng đập vỡ chiếc cốc, em uống vì “trái tim hèn hạ của mình”. Mitia, con chim ưng của em, sao anh không hôn em đi? Anh hôn một cái rồi lùi ra, nhìn và nghe… Nghe em làm gì! Hôn em đi, hôn thắm thiết vào, thế! Yêu thì phải yêu như thế! Bây giờ em sẽ là nô lệ của anh, nô lệ suốt đời! Làm nô lệ thật là vui thú!… Hôn đi! Đánh em đi, hành hạ em đi, muốn làm gì em thì làm… Ôi, đúng là cần phải hành hạ em. Dừng lại! Khoan đã, để sau, em không muốn như thế… – Nàng bỗng đẩy chàng ra. – Anh đi đi, Mitka, bây giờ em sẽ đi uống rượu, em muốn say, trong cơn say em sẽ nhảy múa, em muốn thế, em muốn thế!
Nàng vùng ra khỏi tay chàng sau tấm rèm. Mitia theo ra, như người say. “Bây giờ dù có xảy ra chuyện gì cũng mặc, mặc kệ, ta sẵn lòng đánh đổi cả thế giới lấy một phút này” – chàng thoáng nghĩ. Grusenka quả thật đã làm một hơi cạn cốc sâm banh và rất say. Nàng ngồi xuống chiếc ghế bành, vẫn ở chỗ trước kia, miệng mỉm cười ngây ngất. Hai má nàng đỏ lựng, môi hừng hực, đôi mắt long lanh mờ đi, cái nhìn say đắm của nàng đầy sức cuốn hút. Ngay cả Kanganov cũng cảm thấy có cái gì nhói buốt trong tim, anh ta đến gần nàng.
– Anh có biết ban nãy tôi hôn anh, lúc anh đang ngủ không? – Nàng ấp úng nói với anh ta. – Bây giờ tôi say, thế đấy… Anh không say ư? Còn anh Mitia không uống gì ư? Sao anh không uống, anh Mitia, em uống, vậy mà anh không uống…
– Anh say! Chàng uống cũng say… say em, còn bây giờ anh muốn say vì rượu.
Chàng uống thêm cốc nữa và, điều này chính chàng cảm thấy là lạ lùng, chỉ một cốc cuối cùng ấy làm cho chàng say, chàng say đột ngột, còn trước đó chàng vẫn tỉnh, chàng nhớ mà. Từ lúc đó tất cả quay cuồng xung quanh chàng, như trong cơn mê sảng. Chàng đi lại, cười, nói chuyện với tất cả mọi người, dường như không biết mình làm gì. Chỉ có một cảm giác bất động và cháy bỏng chốc chốc lại tác động đến chàng “như hòn than bỏng trong tâm hồn” – sau này chàng nhớ lại.
Chàng tới gần nàng, ngồi xuống cạnh nàng, nhìn nàng, nghe nàng… Nàng trở nên lắm lời ghê gớm, gọi tất cả mọi người đến với mình, đột nhiên gọi một cô ca xướng lại, ôm hôn cô ta rồi để cô ta đi, hay có khi nàng làm dấu thánh cho một cô. Chỉ chút nữa là nàng có thể khóc. “Ông già bé nhỏ” làm nàng rất vui, nàng gọi Maximov như vậy. Chốc chốc ông ta lại chạy tới hôn ngón tay nàng, “hôn từng ngón một và cuối cùng ông ta nhảy một điệu theo một bài hát cổ mà chính ông ta hát lên. Đặc biệt ông ta hăm hở nhảy theo điệp khúc:
Lợn ủn ỉn, ủn ỉn
Bê be be, be be
Vịt càng cạc, càng cạc
Ngỗng kíu kíu, kíu kíu
*
Gà mái tây tung tăng dạo chơi
Tiu ru ru, ru ru, ả quạc mồm la lối
Ai ai, quạc mồm la lối!
– Cho ông ta cái gì đi, anh Mitia! – Grusenka nói, – tặng ông ta thứ gì, ông ta nghèo. Ôi, những người nghèo, những người khốn khổ!… Anh Mitia ạ, em sẽ vào nhà tu. Không, nói cho đúng ra, đến một lúc nào đó em sẽ đi tu. Hôm nay Aliosa đã nói với em những lời mà em nhớ suốt đời… Phải… Hôm nay chúng ta cứ nhảy múa đi đã. Ngày mai ta sẽ đi tu, còn hôm nay ta cứ nhảy múa. Tôi muốn nghịch ngợm, các bạn ơi, thì có sao đâu, Chúa sẽ tha thứ. Nếu tôi là Chúa Trời, tôi sẽ tha thứ cho hết thảy mọi người: “Hỡi những người tội lỗi dễ thương của tôi ơi, từ hôm nay ta sẽ tha thứ cho tất cả”. Còn tôi sẽ đi cầu xin tha thứ: “Các người ơi, hãy tha thứ cho ả ngu ngốc này, thế đấy”. Tôi là con thú, vậy đấy. Nhưng tôi muốn cầu nguyện! Tôi đã chìa ra một nhánh hành. Một kẻ ác độc như tôi mà cũng muốn cầu nguyện! Anh Mitia, để cho họ nhảy múa, đừng ngăn cản. Mọi người trên thế gian này đều tốt, không trừ một ai! Sống trên đời thật tốt đẹp. Chúng ta xấu xa, nhưng sống trên đời thật tốt đẹp. Chúng ta vừa xấu vừa tốt vừa xấu vừa tốt. Không, các bạn nói đi, tôi sẽ hỏi các bạn, tất cả hãy đến đây cho tôi hỏi; các bạn nói cho tôi biết điều này: tại sao tôi tốt như thế? – Grusenka nói rủ rỉ, mỗi lúc một say hơn và cuối cùng nàng tuyên bố thẳng rằng bây giờ chính nàng muốn nhảy múa. Nàng rời ghế đứng lên và loạng choạng.
– Anh Mitia, đừng cho em uống rượu nữa, em có đòi cũng đừng cho. Rượu không đem lại sự yên ổn. Tất cả quay cuồng, cả bếp lò, tất cả quay cuồng. Em muốn nhảy. Cứ để mọi người nhìn xem em nhảy như thế nào… em nhảy giỏi và đẹp lắm…
Đấy là ý định thực sự: nàng rút chiếc khăn tay trắng vải nõn ra, cầm góc chiếc khăn để vung vẩy khi múa. Mitia lăng xăng, các cô gái im lặng, chuẩn bị đồng thanh hát vang bài vũ khúc khi có cái vẫy tay đầu tiên. Được biết chính Grusenka muốn nhảy, Maximov khoái trá kêu ré lên, đến trước mặt nàng vừa hát vừa nhảy cẫng lên:
Đôi chân thon nhỏ, đôi lườn núng nính
Cái đuôi bé xíu cong vút cong.
Nhưng Grusenka vẫy khăn tay xua lão đi:
– Suỵt! Anh Mitia, tại sao họ không đến? Bảo tất cả mọi người đến… xem. Gọi cả những người bị nhốt nữa… Vì sao anh nhốt họ? Hãy bảo họ rằng em sẽ múa, họ ra mà xem em múa.
Mitia, với dáng đi của người say rượu, đến chỗ cánh cửa khác, đến cửa gọi các pan.
– Này các anh… Podvyxotsky! Ra đi, cô ấy muốn nhảy múa, cô ấy gọi các anh.
– Đồ đểu! – Một trong hai gã thét lên đáp lại.
– Mày còn là thằng đểu hơn kia! Mày là thứ người rơm bé mọn.
– Thế đấy! Anh đừng có nhạo báng nước Ba Lan. – Kanganov nói bằng giọng dạy đời, anh ta cũng đã quá say.
– Im đi, chú bé! Tôi bảo nó là thằng đểu thì không phải bảo cả nước Ba Lan là đểu giả. Một thằng đểu chưa làm nên nước Ba Lan. Im đi chú bé kháu khỉnh, ăn kẹo đi.
– Chà, họ kỳ quá! Cứ như thể họ không phải là người. Vì sao họ không muốn dàn hoà? – Grusenka nói và bước ra nhảy múa.
Ban đồng ca hát vang lừng: “A, ngôi nhà của tôi, ngôi nhà của tôi”. Grusenka ngửa đầu ra sau, môi hé mở, mỉm cười, vẫy khăn tay, và bỗng nhiên lặng người đi tại chỗ, đứng giữa phòng, vẻ ngơ ngác.
– Tôi yếu sức… – Nàng nói, giọng suy kiệt. – Xin lỗi, tôi yếu sức tôi không thể… Tôi có lỗi…
Nàng cúi chào ban đồng ca, rồi lần lượt cúi chào bốn phía:
– Tôi có lỗi… Xin thứ lỗi cho tôi…
– Tiểu thư hơi say, tiểu thư xinh đẹp hơi say. – Tiếng nói lao xao.
– Nàng quá chén. – Maximov cười hì hì, giải thích với các cô gái.
– Anh Mitia, đưa em đi… mang em đi, anh Mitia. – Grusenka thốt lên, không còn chút sức lực nào nữa.
Mitia lao bổ tới, bế nàng lên và mang báu vật của mình vào sau tấm rèm.
“Bây giờ thì ta rút đi thôi”. – Kanganov nghĩ và ra khỏi căn phòng màu xanh, khép cả hai cánh cửa lại. Nhưng trong phòng lớn cuộc ăn nhậu vẫn tiếp tục và càng náo nhiệt hơn. Mitia đặt Grusenka xuống giường và hôn như gắn vào môi nàng.
– Đừng động đến em… – Nàng thỏ thẻ nói bằng giọng van vỉ – đừng động đến em, lúc này em chưa phải là của anh… Em đã nói rằng em là của anh, nhưng anh đừng động đến em… hãy nương nhẹ… Chúng nó ở đây, chúng nó ở gần đây thì không thể được. Hắn ở đây. Ở đây thì thật tởm…
– Anh vâng lời em! Anh không hề có ý nghĩ… anh tôn sùng em!… – Mitia lắp bắp. – Phải, ở đây thì thật tởm. Ôi, thật đáng khinh! – Và vẫn không buông nàng khỏi vòng tay, chàng quỳ xuống cạnh giường.
– Em biết, anh tuy hung hăng, nhưng anh là con người cao quý – Grusenka thốt lên một cách khó nhọc. – Phải làm sao cho lương thiện… từ nay trở đi sẽ sống lương thiện, chúng ta sẽ là những người lương thiện, chúng ta sẽ là những người tốt bụng, không phải là con thú, mà là người tốt bụng… Hãy đưa em đi nơi khác, đi thật xa, anh nghe thấy không… Em không muốn ở đây mà muốn đi xa, đi thật xa…
– Ờ phải, phải, nhất định rồi! – Mitia ôm ghì lấy nàng. – Anh sẽ đưa em đi, chúng ta sẽ bay đi biệt tích… ôi, lúc này anh sẵn sàng đổi cả cuộc đời lấy một năm thôi, miễn là biết rõ về đám máu ấy.
– Máu nào? – Grusenka băn khoăn lặp lại.
– Chẳng có gì đâu! – Mitia nghiến răng. – Grusenka, em muốn phải sống cho lương thiện, vậy mà anh là tên ăn cắp.
Anh đã ăn cắp tiền của Katia… Nhục nhã, nhục nhã!
– Tiền của Katia ư? Của cô tiểu thư ấy ư? Không, anh không ăn cắp. Trả lại cho ả, lấy tiền của em mà trả… Sao anh lại hét lên! Bây giờ cái gì của em là của anh. Chúng ta cần gì tiền? Tiền thì rồi chúng ta cũng sẽ ăn chơi phung phí hết… Ta phải có thứ tiền mà ta sẽ phung phí kia. Tốt hơn hết là anh và em sẽ đi cày ruộng. Em muốn làm đất bằng chính hai bàn tay này. Cần lao động, anh nghe thấy chứ. Aliosa bảo thế. Em sẽ không phải là người tình của anh, em sẽ trung thành với anh, em sẽ là nô lệ của anh, em sẽ làm lụng để phục dịch anh. Chúng ta sẽ đến gặp cô tiểu thư kia, sẽ cúi đầu xin cô ta tha lỗi, rồi sẽ ra đi. Cô ta mà không tha thứ thì chúng ta cũng cứ đi. Anh sẽ mang tiền trả cô ta, và anh hãy yêu em… Chứ không yêu cô ta. Đừng yêu cô ta nữa. Anh mà yêu cô ta thì em sẽ bóp chết cô ta… Em sẽ dùng kim chọc lòi hai mắt cô ta ra…
– Anh yêu em, chỉ yêu một mình em thôi, dù ở Sibir anh cũng yêu…
– Đi Sibir làm gì? Mà thôi, nếu anh muốn thì Sibir cũng được đằng nào cũng thế… Chúng ta sẽ làm việc… Ở Sibir có tuyết. Em thích ngồi xe chạy trên tuyết, và nghe tiếng nhạc ngựa… Anh nghe thấy chứ, có tiếng nhạc ngựa rung lên đấy… tiếng nhạc ngựa ở đâu vậy nhỉ? Có ai đi xe tới, tiếng nhạc ngựa im rồi.
Kiệt lực, nàng nhắm mắt lại và đột nhiên dường như ngủ thiếp đi một lát. Quả thật có tiếng nhạc ngựa ở nơi nào xa xa, rồi bỗng ngưng bặt. Mitia cúi đầu xuống ngực nàng. Chàng không để ý thấy tiếng nhạc ngựa đã ngừng, cũng không để ý thấy tiếng hát cũng ngừng đột ngột và tiếng hát cùng tiếng ồn ào say rượu cũng lặng hắn, cả ngôi nhà bất thần im phăng phắc.
Grusenka mở mắt.
– Cái gì thế, em ngủ à? Đúng… tiếng nhạc ngựa… em ngủ và mơ thấy em ở trong chiếc xe trượt tuyết… nhạc ngựa vang rền, còn em thiu thiu ngủ. Em ở trên xe với người yêu, hình như em đi với anh. Đi thật xa… Em ôm hôn anh, áp sát vào anh, hình như em lạnh, còn tuyết sáng loá… Anh ạ, khi ban đêm tuyết lấp lánh và có ánh trăng soi thì em tưởng như mình không còn ở trên mặt đất… Em thức giấc, còn tình yêu ở bên em, sung sướng làm sao!…
– Ở bên em, – Mitia nói lý nhí, hôn áo, ngực, tay nàng. Bỗng nhiên chàng cảm thấy có điều gì lạ lùng: chàng có cảm giác nàng nhìn thẳng về phía trước, nhưng không nhìn chàng, không nhìn vào mặt chàng, mà nhìn qua đầu chàng, cái nhìn chăm chú và đờ đẫn kỳ lạ. Mặt nàng bỗng lộ vẻ ngạc nhiên, gần như sợ hãi.
– Anh Mitia, có ai ở đằng kia nhìn chúng ta đấy? – Nàng bỗng thì thầm. Mitia quay lại và thấy quả thực có người nào vén rèm và hình như rình họ. Mà đâu như không phải một người. Chàng bật dậy và bước nhanh tới chỗ kẻ đang nhìn.
– Lại đây, xin mời lại đây gặp chúng tôi. – tiếng người nào nói không to, nhưng cương quyết, dứt khoát, Mitia từ sau rèm bước ra, đứng không nhúc nhích. Cả căn phòng đầy người, nhưng không phải những người ban nãy, mà là những người khác. Chàng thấy lạnh sống lưng và giật mình.
Thoáng chốc chàng nhận ra ngay tất cả những người ấy. Kia là, một ông già cao, mập, mặc bành tô và đội mũ có huy hiệu – đấy là cảnh sát trưởng Mikhail Makarovich. Còn cái người ốm “ốm ho lao” y phục sang trọng, chái chuốt, “bao giờ ủng cũng bóng loáng”, kia là tay phó biện lý. “Ông ta có chiếc đồng hồ trị giá bốn trăm rúp, đã từng cho ta xem”. Còn cái người khá trẻ, bé nhỏ đeo kính, Mitia chỉ không nhớ họ ông ta, nhưng chàng biết ông ta, đã nhìn thấy ông ta: đấy là viên dự thẩm của toà án, “tốt nghiệp trường luật”, mới về đây. Còn kia là viên cánh sát khu vực, Mavriki Mavrikich, người này chàng biết, chỗ quen biết với chàng. Thế còn những người mang thẻ số kia, họ đến đây làm gì? Còn hai người nông dân nào nữa… Còn kia, ở cửa là Kanganov và Trifon Borisưch…
– Thưa các ông… Chuyện gì thế, các ông? – Mitia thốt lên, dường như mất tự chủ, dường như ngoài ý muốn, chàng kêu to gào toáng lên:
– Tôi hi…ể.…u!
Người trẻ tuổi đeo kính bỗng đến ra phía trước, tới gần Mitia nói bằng giọng uy nghi, nhưng tuồng như hơi hấp tấp:
– Chúng ta có việc với ông… tóm lại, tôi yêu cầu ông đến đây, đến đây, đến đi văng này… Có việc khẩn cấp cần cho ông biết.
– Ông già! – Mitia kêu lên trong trạng thái điên loạn. – ông già và máu ông ta!… Tôi hi-ể-u!
Mềm nhũn, chàng ngã ngồi xuống chiếc ghế cạnh đấy.
– Mi hiểu à? Mi đã hiểu! Thằng giết bố, con quái vật, máu ông bố già của mi đang gào thét đòi trừng phạt mi! – Lão cảnh sát trưởng đột nhiên gầm lên, tiền sát tới chỗ Mitia. Ông ta điên tiết, mặt đỏ gay và run lên.
– Không được thế! – Người trẻ tuổi nhỏ bé kêu lên. – Mikhail Makarưch, Mikhail Makarưch! Làm thế không đúng, không đúng! Xin để một mình tôi nói thôi… Tôi không thể ngờ ông lại làm như thế…
– Nhưng đấy là cơn mê loạn, thưa các ông, cơn mê loạn! – Viên cảnh sát trưởng kêu lên. – Hãy nhìn hắn xem: ban đêm say rượu với một con điếm, người còn vấy máu cha… Mê loạn! Cơn mê loạn
– Ông Mikhail Makarưch thân mến, tôi khẩn khoản xin ông kiềm chế tình cảm, – viên phó biện lý nói nhanh, nhỏ giọng, – nếu không tôi sẽ buộc lòng phải…
Nhưng viên dự thẩm nhỏ bé không để ông ta nói hết câu, ông ta nói to với Mitia bằng giọng cứng rắn, nghiêm trang:
– Ông đại uý xuất ngũ Karamazov, tôi phải tuyên bố với ông rằng ông bị buộc tội giết cha ông, cụ Fedor Pavlovich Karamazov, vừa bị giết đêm hôm nay…
Ông ta còn nói gì nữa, cả viên biện lý hình như cũng chen vào câu gì, nhưng Mitia nghe mà chẳng hiểu gì cả. Chàng ngơ ngác nhìn tất cả bọn họ…