Người ta bắt đầu hỏi các nhân chứng. Nhưng chúng tôi sẽ không thuật lại tỉ mỉ như ở các phần trước. Vì thế chúng tôi sẽ bỏ qua việc Nikolai Parfenovich cho từng nhân chứng được gọi đến biết rằng họ phải khai đúng sự thật và theo lương tâm của mình, sau này họ phải nhắc lại lời khai có tuyên thệ. Cuối cùng mỗi nhân chứng phải ký biên bản lời khai của mình v.v… Chúng tôi chỉ ghi nhận rằng những người hỏi cung vẫn tập trung toàn bộ chú ý vào vấn đề ba ngàn rúp ấy, nghĩa là ba ngàn hay ngàn rưỡi trong lần đầu, lần ăn chơi đầu tiên của Dmitri Fedorovich ở Mokroe này cách đây một tháng, và hôm qua, trong cuộc ăn chơi lần thứ hai, chàng có ba ngàn hay ngàn rưỡi. Hỡi ôi, mọi lời chứng, không trừ một lời nào, đều bất lợi cho Mitia, không một lời nào có lợi cho chàng, một số lời thậm chí còn đưa ra những sự kiện mới, gần như điếng người bác bỏ lời khai của chàng.
Người được hỏi đầu tiên là Trifon Borisovich. Đứng trước các nhà chức trách, ông ta không hề sợ hãi, trái lại, ông ta tỏ vẻ phẫn nộ nghiêm khắc, nghiệt ngã đối với bị can và như vậy càng có vẻ chân thực và đường hoàng. Ông ta nói ít, dè dặt, chờ người ta hỏi, trả lời đích xác và chín chắn. Ông ta khai một cách cương quyết không ngần ngừ rằng một tháng trước, số tiền chàng tiêu ở đây không thể dưới ba ngàn, rằng tất cả nông dân ở đây sẽ khai họ đã nghe chính miệng “Dmitri Fedorovich” nói về ba ngàn đồng: “Chỉ riêng bọn gái Zigan đã được anh ta ném cho cơ man nào là tiền. Dễ đến hơn ngàn rúp”.
– Có lẽ không đến năm trăm. – Mitia rầu rĩ bác lại. – có điều tôi không đếm, lúc ấy tôi say, tiếc thật…
Lần này Mitia ngồi xoay nghiêng về phía họ, lưng quay về tấm rèm, nghe với vẻ ủ rũ, dáng bộ buồn rầu và mệt mỏi, như muốn nói: “Kệ, các người muốn khai gì thì khai, bây giờ ta cóc cần!”.
– Chi cho chúng đến hơn một ngàn, Dmitri Fedorovich ạ. – Trifon Borisovich kiên quyết bác bỏ. – Ông tung bừa ra, chúng nhặt lên, bọn chúng là lũ ăn cắp và bịp bợm, bọn ăn cắp ngựa, người ta đã đuổi chúng khỏi đây, không thì có lẽ chúng sẽ khai ra chúng vớ được của ông bao nhiêu. Lần ấy chính mắt tôi nhìn thấy số tiền trong tay ông, tôi không đếm, ông không trao cho tôi đếm, đúng thế, nhưng ước lượng bằng mắt thì tôi nhớ là hơn ngàn rưỡi nhiều…
Ngàn rưỡi thế nào được! Chúng tôi đã từng biết đến tiền, chúng tôi xét đoán được chứ…
Về số tiền hôm qua thì Trifon Borisovich nói thẳng rằng ngay khi vừa ra khỏi xe, Dmitri Fedorovich đã bảo với ông ta rằng chàng mang theo ba ngàn rúp.
– Có chắc đúng thể không, Trifon Borisovich, – Mitia phản đối, có thật đúng là tôi đã nói với ông rằng tôi mang theo ba ngàn rúp không?
Anh có nói, Mitia Fedorovich ạ. Nói trước mặt Andrei. Andrei vẫn còn ở đây, chưa đi, gọi hắn vào đây. Còn ở căn phòng nơi bọn con hát ăn uống, chính anh đã gào lên rằng anh tiêu ở đây đến nghìn thứ sáu, kể cả số tiền lần trước, cố nhiên là phải hiểu như thế. Xtepan và Xemion cũng nghe thấy, cả Petr Fomich Kanganov lúc ấy đứng cạnh anh có lẽ cũng còn nhớ…
Lời khai về nghìn thứ sáu gây ấn tượng phi thường đối với những người hỏi cung. Họ thú cái điều mới mẻ này; ba với ba là sáu, vậy là ba nghìn lần ấy với ba nghìn lần này là sáu, hoàn toàn rõ ràng.
Họ hỏi tất cả những nông dân mà Trifon Borisovich đã chỉ ra. Xtepa và Xemion, anh đánh xe Andrei và Petr Fomich Kanganov.
Những người nông dân và những người đánh xe không do dự xác nhận lời khai của Trifon Borisovich. Ngoài ra, theo lời Andrei, đặc biệt họ ghi về cuộc chuyện trò ở dọc đường giữa anh ta với Mitia:
“Anh nghĩ sao. Dmitri Fedorovich sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục, ở thế giới bên kia tôi có được tha thứ hay không?”. “Nhà tâm lý” Ippolit Kirinlovich nghe hết tất cả những điều đó với nụ cười tế nhị và cuối cùng, ông ta bảo “đính vào hồ sơ” cả lời khai ấy về chuyện Dmitri Fedorovich sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục.
Được gọi, Kanganov miễn cưỡng bước vào, cau có, thái độ thất thường, anh ta nói chuyện với viên biện lý và Nikolai Parfenovich như thể lần đầu bên trong đời anh ta gặp họ, tuy anh quen họ từ lâu và anh ta với họ thấy nhau hàng ngày. Mới đầu anh ta nói “chẳng biết gì chuyện ấy và không muốn biết”. Nhưng anh ta có nghe nói về nghìn thứ sáu, và anh ta thừa nhận trong lúc ấy anh ta đứng cạnh Mitia. Theo anh ta thì “tôi không biết” số tiền Mitia có trong tay là bao nhiêu. Về việc mấy người Ba Lan chơi bài gian thì anh ta xác nhận. Khi người ta hỏi lại tỉ mỉ, anh ta nói rõ ràng sau khi mấy người Ba Lan bị đuổi ra, quả thật quan hệ giữa Mitia với Agrafena Alecxandrovna có chuyển biến và chính nàng nói rằng nàng yêu chàng. Về Agrafena Alecxandrovna thì anh ta bày tỏ ý kiến một cách dè dặt và tôn trọng, như thể nàng là người thuộc tầng lớp cao quý nhất; thậm chí không lần nào dám gọi nàng là “Grusenka”. Mặc dù chàng trẻ tuổi tỏ ra ghê tởm phải khai khẩu cung, Ippolit Kirinlovich hỏi anh ta khá lâu và chỉ nhờ anh ta mà ông biết được mọi chi tiết của cái gọi là “thiên tình sử” của Mitia đêm ấy.
Mitia không ngắt lời Kanganov lần nào. Cuối cùng người ta buông tha anh ta, và anh ta đi ra với vẻ phẫn nộ ra mặt.
Người ta hỏi cung cả mấy gã Ba Lan. Tuy họ đã đi nằm, nhưng suốt đêm không ngủ được và khi các nhà chức trách đến thì họ nhanh chóng mặc quần áo và sửa sang cho chỉnh tề vì hiểu rằng nhất định người ta sẽ gọi họ. Họ vào với vẻ đường hoàng, tuy không phải không có chút sợ hãi. Người giữ vai trò chính, tức là pan nhỏ bé, là một viên chức bậc mười đã hồi hưu, làm thú y sĩ ở Sibir, họ là Muxxialovich. Còn pan Vrublepsky là một nha sĩ thực hành làm nghề tự do. Ngay sau khi vào mặc dù người đặt ra câu hỏi là Nikolai Parfenovich, họ cứ trả lời Mikhail Makarovich đứng ở phía bên, vì tưởng ông ta là người cao cấp nhất đứng đầu ở đây và nói câu nào cũng “thưa pan đại tá”.
Mikhail Makarovich phải bảo mấy lần họ mới hiểu ra rằng chỉ cần trả lời Nikolai Parfenovich thôi. Thì ra họ nói tiếng Nga rất sõi, chỉ trừ cách phát âm mấy từ. Về quan hệ của mình đối với Grusenka, trước kia và hiện nay, pan Muxxialovich nói một cách nồng nhiệt và kiêu hãnh đến nỗi Mitia lập tức mất bình tĩnh và quát lên rằng chàng không cho phép “thằng đê tiện” nói như vậy trước mặt mình. Pan Muxxialovich lập tức lưu ý đến từ “thằng đê tiện” và yêu cầu ghi vào biên bản. Mitia sôi tiết lên.
– Thằng đê tiện, thằng đê tiện! Cứ ghi vào, và ghi thêm rằng dù là lập biên bản, tôi vẫn cứ nói toáng lên là “thằng đê tiện”! – Chàng gào lên.
Nikolai Parfenovich tuy có ghi vào biên bản nhưng trong trường hợp lôi thôi này, ông ta tỏ ra thạo việc một cách đáng khen và biết cách dàn xếp: sau khi nghiêm khắc nhắc nhở Mitia.
Ông ta lập tức thôi không hỏi gì nữa về khía cạnh lãng mạn của sự việc và chuyển sang điều chính yếu. Một lời khai của các pan khiến các nhân viên điều tra chú ý lạ thường: đấy chính là việc ở căn phòng nhỏ bên kia, Mitia đề nghị trả cho pan Muxxialovich ba ngàn đồng để y từ bỏ Grusenka, bảy trăm trao ngay, còn hai ngàn ba trăm đồng thì “sáng mai, ở thành phố”, chàng thề danh dự, tuyên bố rằng ở Mokroe này chàng không có số tiền như thế, tiền ở trong thành phố. Trong lúc nóng nảy Mitia cãi lại rằng chàng không nói ngày mai sẽ trao tiền ở thành phố, nhưng pan Vrublepsky xác nhận lời khai, còn bản thân Mitia, nghĩ một lát, rồi cau có nhận rằng chuyện ấy chắc là có, lúc ấy chàng quá nóng nảy, vì vậy có thể là chàng đã nói như vậy. Viên biện lý bám lấy lời khai: về mặt điều tra thì rõ ràng là (và sau đó quả thật người ta đã suy ra như vậy) một nửa hay một phần số tiền ba nghìn đã lọt vào tay Mitia quả thực có thể giấu ở đâu đó trong thành phố, thậm chí có thể ở nơi nào ngay tại Mokroe, như vậy đã sáng tỏ được một điều khó xử đối với việc điều tra là chỉ tìm thấy trong người Mitia có tám trăm rúp – điều này, cho đến nay, tuy là chứng cứ duy nhất và khá nhỏ mọn, nhưng vẫn phần nào có lợi cho Mitia. Bây giờ dù chứng cứ duy nhất có lợi cho chàng đã sụp đổ. Viên biện lý hỏi: anh sẽ lấy đâu ra số tiền hai nghìn ba trăm còn lại để ngày mai trao trả cho pan, khi chính anh khẳng định, rằng anh chỉ có một ngàn rưỡi, thế mà anh lại lấy danh dự cam đoan với pan; Mitia trả lời một cách rắn rỏi rằng hôm sau chàng muốn đề nghị với “gã Ba Lan” không phải là tiền mặt, mà là chứng thư nhượng quyền bất động sản Tresniasnia của chàng, điều mà chàng đã đề nghị với Xamxonov và Khokhlakova. Viên biện lý thậm chí mỉm cười về “sự mưu tính ngây thơ”.
– Thế ông tưởng họ chịu nhận “cái quyền” ấy thay cho số tiền mặt hai nghìn ba trăm rúp?
– Nhất định họ sẽ ưng thuận. – Mitia nồng nhiệt ngắt lời. – Ờ, nhận cái đó anh ta có thể vớ được không phải hai ngàn, mà là bốn, thậm chí sáu ngàn đồng! Anh ta sẽ lập tức tập hợp các luật sư, những người Ba Lan và Do Thái của mình, và bắt ông già phải nhả cho anh ta không phải là ba nghìn, mà toàn bộ Tresniasnia.
Tất nhiên, lời khai của pan Muxxialovich được ghi hết sức đầy đủ vào biên bản. Đến đây hai người Ba Lan được cho ra ngoài. Về việc đánh bài gian thì hầu như không nhắc đến. Nikolai Parfenovich rất đỗi biết ơn họ đã giúp mình và không muốn gây rắc rối cho họ về những chuyện vặt vãnh, hơn nữa đây chỉ là chuyện cãi vã trong cơn say, trong lúc chơi bài mà thôi. Đêm hôm ấy thiếu gì những trò ăn chơi bậy bạ… Thành thử số tiền hai trăm rúp vẫn nằm trong túi hai người Ba Lan.
Sau đó họ gọi ông già Maximov. Ông ta vào, coi bộ rụt rè, bước từng bước ngắn, áo quần lôi thôi và nom rất buồn.
Suốt thời gian vừa qua ông ta ở dưới nhà, bên Grusenka, ông ta lẳng lặng ngồi với nàng và “chốc chốc lại khóc sụt sịt, lau mắt bằng chiếc khăn tay màu xanh kẻ ô vuông”, như Mikhail Makarovich kể sau này. Thành thử chính nàng lại dỗ dành an ủi ông ta. Ngay từ đầu, lão đã ứa nước mắt nhận là lão có lỗi đã mượn của Dmitri Fedorovich “mười rúp, do nghèo quá”, và lão sẵn sàng trả lại…
Nikolai Parfenovich hỏi thẳng: lão có nhận rõ Dmitri Fedorovich có trong tay bao nhiêu tiền không, vì lão đứng gần chàng hơn ai hết khi nhận tiền cho vay từ tay chàng, dù lão trả lời kiên quyết là khoảng “hai mươi ngàn”.
– Thế trước đây ông đã từng thấy hai mươi ngàn ở đâu bao giờ chưa? – Nikolai Parfenovich mỉm cười, hỏi.
– Có chứ, tôi thấy rồi, nhưng không phải là hai mươi, mà bảy ngàn, khi vợ tôi cầm cố cái ấp của tôi. Bà ấy chỉ cho tôi xem từ xa, khoe với tôi. Một tập rất to, toàn bạc trăm. Tiền của Dmitri Fedorovich cũng toàn bạc trăm.
Lát sau người ta để lão ra. Cuối cùng đến lượt Grusenka. Rõ ràng người thẩm vốn e ngại sự xuất hiện của nàng có thể gây tác động mạnh đến Dmitri Fedorovich và Nikolai Parfenovich thậm chí ấp úng nói mấy lời khuyên nhủ chàng, nhưng để trả lời ông ta, Mitia chỉ lẳng lặng nghiêng đầu tỏ ý rằng “sẽ không xảy ra chuyện lộn xộn”. Chính Mikhail Makarovich đưa Grusenka vào. Vẻ mặt nàng nghiêm khắc và cau có, bề ngoài gần như bình tĩnh, nàng nhẹ nhàng ngồi xuống cái ghế người ta trỏ cho nàng, đối diện với Nikolai Parfenovich. Nàng tái mét, tưởng như nàng rét, nàng quấn thật khít tấm khăn san đen. Quả thật khi đó nàng bắt đầu hơi ớn lạnh – bắt đầu một bệnh lâu dài mà nàng nhiễm phải từ đêm đó: Vẻ nghiêm nghị của nàng, cái nhìn thẳng và nghiêm chỉnh, phong cách điềm tĩnh gây ấn tượng rất thuận lợi cho tất cả mọi người. Nikolai Parfenovich hậm chí hơi “say mê”. Sau này, khi kể lại, ông ta thú nhận rằng chỉ từ lúc ấy, ông ta mới hiểu người phụ nữ này “xinh đẹp” như thế nào, trước đây ông có nhìn thấy nàng, nhưng vẫn cho nàng chỉ là “một gái làng chơi ở quận huyện”. Cô ta có phong thái một người thuộc giới thượng lưu cao quý, – có lần ông ta khoái trá nói trong một nhóm mấy vị mệnh phụ. Nhưng sau khi nghe ông ta nói, người ta cực kỳ phẫn nộ và gọi ông ta là “đồ trẻ ranh”, điều đó lại khiến ông ta hết sức hài lòng. Khi vào phòng, Grusenka dường như chỉ thoáng nhìn Mitia, còn chàng lo lắng nhìn nàng, nhưng dáng vẻ của nàng khiến chàng yên tâm hơn. Sau mấy câu hỏi và mấy lời khuyên cần thiết đầu tiên, Nicolai Parfenovich tuy hỏi ngắc ngớ, nhưng vẫn lễ độ, hỏi nàng: “Chị có quan hệ thế nào với trung úy xuất ngũ Dmitri Fedorovich Karamazov?”. Grusenka trả lời khẽ giọng và cương quyết:
– Anh ấy quen tôi, tháng vừa rồi tôi tiếp anh như một người quen.
Về những câu hỏi tò mò tiếp sau đó, nàng trả lời thẳng thắn, hoàn toàn bộc trực rằng tuy “có những giờ” nàng thích chàng, nhưng nàng không yêu chàng, nàng quyến rũ chàng vì “anh độc ác bỉ ổi” của nàng, cũng như nàng quyến rũ “Ông già” vì thấy Mitia rất ghen với Fedor Pavlovich và với mọi người về nàng, nàng chỉ coi đó là một trò tiêu khiển.
Nàng chẳng bao giờ muốn đến với Fedor Pavlovich, mà chỉ giễu cợt ông ta. “Suốt tháng trước tôi chẳng bận tâm gì đến họ; tôi chờ một người khác, người có lỗi với tôi… Có điều tôi nghĩ, – nàng kết luận, – ông không việc gì phải tò mò về điều đó, và tôi cũng chẳng cần trả lời ông, vì đấy là việc riêng của tôi”.
Thế là Nikolai Parfenovich hành động một cách không chậm trễ: ông ta thôi không tập trung vào những điểm “lãng mạn” mà chuyển thẳng sang việc nghiêm chỉnh, nghĩa là vẫn về vấn đề quan trọng nhất ấy: ba ngàn đồng. Grusenka xác nhận rằng ở Mokroe tháng trước thực sự đã tiêu hết ba ngàn đồng, và tuy nàng không đếm tiền, nhưng nàng nghe chính Dmitri Fedorovich nói là ba ngàn đồng.
– Ông ấy nói riêng với chị hay có mặt người khác, hay chị chỉ nghe ông ấy nói với người khác trước mặt chị? – Viên biện lý hỏi luôn.
Grusenka đáp lại rằng nàng nghe thấy cả trước mặt mọi người, cả khi nói với những người khác, cả khi chàng nói riêng với nàng.
– Ông ấy nói riêng với chị một lần hay nhiều lần? – Viên biện lý lại hỏi, và được biết rằng Grusenka nghe nói nhiều lần, Ippolit Kirinlovich rất hài lòng về lời khai ấy, tiếp tục hỏi thêm nữa thì té ra rằng Grusenka cũng biết tiền ấy Dmitri Fedorovich nhận ở Ekaterina Ivanovna.
– Có lần nào chị nghe nói tháng trước không phải tiêu hết ba ngàn, mà ít hơn, và Dmitri Fedorovich cất giữ lại cả nửa số tiền không?
– Không, tôi chưa từng nghe nói như thế. – Grusenka trả lời, tiếp đó được biết rằng trái lại, suốt tháng ấy Mitia thường nói với nàng rằng chàng chẳng có xu nào cả. “Anh ấy vẫn chờ nhận được tiền ông già đưa cho”. – Grusenka kết luận.
– Có lần nào ông ta nói trước mặt chị,., hoặc là buột miệng hoặc là trong lúc tức giận, – Nikolai Parfenovich xen vào,
– rằng ông ấy có ý định sát hại ông già không?
– Ôi, anh ấy có nói! – Grusenka thở dài.
– Một lần hay mấy lần?
– Anh ấy nhắc tới mấy lần, lần nào cũng giận dữ.
– Chị có tin rằng anh ấy sẽ làm không?
– Không, không bao giờ tôi tin! – Nàng trả lời kiên quyết. – Tôi hy vọng ở đức tính cao quý của anh ấy.
– Thưa các ông, – Mitia bỗng la lên, – Cho phép tôi trước mặt các ông nói với Agrafena Alecxandrovna chỉ một lời thôi.
– Nói đi. – Nikolai Parfenovich cho phép.
– Agrafena Alecxandrovna, – Mitia nhún mình trên ghế, – hãy tin Chúa ở trong anh, anh không phạm tội giết cha ngày hôm qua!
Nói xong, Mitia lại ngồi xuống ghế. Grusenka nhổm dậy và cũng kính cẩn làm dấu thánh trước ảnh thờ.
– Sáng danh Chúa! – Nàng thốt lên bằng giọng nồng nhiệt, thấm thía, và vẫn chưa ngồi về chỗ, quay về phía Nikolai Parfenovich, nói thêm – Bây giờ anh ấy nói gì, ông nên tin! Tôi biết anh ấy, anh ấy có thể nói ba lăng nhăng, hoặc để pha trò, hoặc vì ương bướng, nhưng không bao giờ lừa dối, làm trái lương tâm. Anh ấy sẽ thẳng thắn nói sự thật, các ông hãy tin như thế.
– Cảm ơn Agrafena Alecxandrovna, em đã nâng đỡ tâm hồn anh! – Mitia đáp lại bằng giọng run run.
Khi người ta hỏi về số tiền hôm qua, nàng nói rằng nàng không biết là bao nhiêu, nhưng nàng nghe chàng nói nhiều lần với mọi người là chàng mang theo ba nghìn. Còn về việc tiền ở đâu ra thì chàng nói riêng với một mình nàng rằng chàng “ăn cắp” của Ekaterina Ivanovna, khi ấy nàng bảo với chàng rằng chàng không ăn cắp, số tiền ấy ngày mai cần trả lại. Viên biện lý cứ nài hỏi số tiền chàng nói là đã ăn cắp của Ekaterina Ivanovna là số tiền nào, đấy là số tiền hôm qua hay ba ngàn đã tiêu ở đây tháng trước nàng đáp rằng số tiền tháng trước, nàng hiểu như thế.
Cuối cùng người ta để cho Grusenka ra, Nikolai Parfenovich mau miệng bảo với nàng rằng ngay bây giờ nàng có thể trở lại thành phố và nếu như ông ta có thể giúp nàng điều gì, chẳng hạn nếu nàng cần xe ngựa hay muốn ông ta đi cùng thì… Ông ta…
– Tạ ơn ông, – Grusenka nghiêng mình trước ông ta, – Tôi đi với ông già điền chủ này, tôi sẽ đưa ông ấy về, còn bây giờ tôi sẽ đợi ở dưới nhà, nếu các ông cho phép, để biết các ông quyết định thế nào về anh Dmitri Fedorovich.
Nàng ra, Mitia yên tâm, thậm chí có vẻ phấn chấn, nhưng chỉ một lát thôi. Mỗi lúc sự suy yếu kỳ lạ về thể lực càng choán lấy chàng. Mắt chàng nhắm lại vì mệt mỏi. Cuộc thẩm vấn các nhân chứng rốt cuộc đã xong. Người ta bắt đầu soạn thảo biên bản chính thức. Mitia đứng lên, rời khỏi ghế ngồi vào góc phòng, phía tấm rèm, nằm xuống chiếc hòm lớn trải tấm thảm của nhà chủ và ngủ liền. Chàng mơ thấy một giấc chiêm bao lạ lùng, hoàn toàn không hợp tình hợp cảnh lúc này. Dường như chàng đang ngồi trong chiếc xe đi trên thảo nguyên, nơi trước kia chàng phục vụ trong quân ngũ đã lâu lắm rồi, một người nông dân đánh xe chở chàng đi trên cánh đồng lầy lội. Hình như Mitia lạnh, bấy giờ là đầu tháng mười một, tuyết xuống từng bông lớn ẩm ớt, chạm mặt đất là tan ngay. Người nông dân hăng hái đánh xe, vung roi quất đen đét, ông ta có bộ râu dài màu vàng sẫm: chưa già lắm, khoảng năm mươi tuổi, mặc chiếc áo nông dân bằng vải len thô. Kia đã gần đến một thôn, những căn nhà đen thui một nửa số nhà đã cháy rụi, chỉ còn lổn nhổn những súc gỗ xà đã thành than. Ở cổng thôn, có những phụ nữ đứng thành hàng trên đường, cả một dãy dài, người nào cũng gầy rộc, hốc hác, mặt nâu sạm, đặc biệt có một người đứng ở rìa đường, gầy giơ xương, tầm vóc cao, nom khoảng bốn mươi tuổi, nhưng có lẽ chỉ hai mươi nhăm, mặt dài ngoằng, gày võ, bế một đứa trẻ đang khóc, ngực hẳn là lép kẹp, không một giọt sữa. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt, giơ hai tay ra, đôi tay trần trụi, bàn tay nắm lại, tái xám.
– Sao họ khóc? Vì sao họ khóc vậy nhỉ? – Mitia hỏi, lúc xe phóng như bay qua chỗ họ.
– Đứa con đỏ, – người đánh xe trả lời chàng, – đứa nhóc khóc.
Mitia sửng sốt vì bác ta nói theo kiểu nông dân, – “đứa con đỏ” chứ không nói là “đứa bé”. Và chàng lấy làm thích vì người nông dân nói như vậy, nghe đáng thương hơn.
– Nhưng vì sao nó khóc? – Mitia nài hỏi, như một chàng ngốc. – Tại sao tay nó để trần, tại sao không mặc ấm cho nó?
– Nó rét cóng, quần áo nó giá băng, vì thế nó không đủ ấm.
– Nhưng tại sao lại thế? Tại sao? – Mitia ngờ nghệch vẫn chưa chịu thôi.
– Họ nghèo, nhà bị cháy, không có bánh mì, họ đứng ở chỗ hoả hoạn ăn xin để cho người qua đường dễ động lòng thương.
– Không, không, – Mitia dường như vẫn chưa hiểu. – Bác nói đi “tại sao những bà mẹ bị cháy nhà lại đứng đây, tại sao có những người nghèo, tại sao có đứa trẻ nghèo, tại sao thảo nguyên trơ trụi, tại sao người ta không hôn nhau, tại sao người ta không hát những bài ca vui sướng, tại sao họ đen nhẻm đi vì tai họa độc địa, tại sao họ không cho em bé ăn?”.
Chàng cảm thấy rằng tuy mình hỏi những câu điên rõ, vô nghĩa, nhưng nhất định chàng muốn hỏi như thế đúng là cần hỏi như thế. Chàng còn cảm thấy rằng trong lòng chàng dậy lên mối cảm kích chưa từng có, nó khiến chàng muốn khóc và chàng muốn làm một điều gì đó cho mọi người, để đứa bé đừng khóc nữa, để cả bà mẹ đen nhẻm của đứa bé cũng đừng khóc, để từ lúc này không ai rơi lệ nữa, chàng muốn làm điều đó ngay lúc này, không trì hoãn, với tất cả mãnh liệt của huyết khí Karamazov.
– Em sẽ ở bên anh, bây giờ em sẽ không bỏ anh, suốt đời em sẽ đi cùng anh. – Những lời âu yếm, đầy tình cảm của Grusenka vang lên bên tai chàng. Tim chàng bùng cháy và khao khát một thứ ánh sáng nào không rõ, chàng bỗng muốn sống nữa, đi vào một con đường nào chưa rõ, nhằm tới thứ ánh sáng mới đang mời gọi, và mau mau, mau mau lên, ngay bây giờ, lúc này!
– Gì thế? Đi đâu? – Chàng kêu lên, mở mắt và ngồi dậy trên chiếc hòm của mình, như tỉnh lại sau cơn ngất, và mỉm cười hớn hở. Nikolai Parfenovich đứng cạnh chàng, mời chàng nghe và ký biên bản. Mitia đoán ra rằng chàng đã ngủ một giờ hay hơn nữa, nhưng chàng không nghe Nikolai Parfenovich đọc. Chàng bỗng sửng sốt vì dưới đầu chàng có chiếc gối không hề có lúc chàng mệt lả nằm xuống chiếc hòm.
– Ai đã đặt chiếc gối dưới đầu tôi vậy nhỉ? Người nào tốt đến thế? – Chàng kêu lên, lòng chan chứa niềm hân hoan biết ơn, giọng như khóc, như thể đấy là một việc làm ơn vô giá cho chàng. Nhưng rồi vẫn không biết được người tốt bụng ấy là ai, chắc là ai đó trong số người chứng kiến, có lẽ là viên lục sự của Nikolai Parfenovich có lòng thương đã bảo đem gối đầu cho chàng, nhưng tất cả tâm hồn chàng run lên, ứa nước mắt. Chàng tới gần và tuyên bố rằng chàng sẽ ký bất cứ cái gì.
– Tôi đã mơ một giấc mơ đẹp, thưa các ông. – Chàng thốt lên bằng giọng hơi lạ lùng, vẻ mặt khác hẳn đi, dường như ngời lên niềm vui sướng.