Bác Sĩ Zhivago

Phần 3 – Cây Noel ở gia đình Sventiski
Trước
image
Chương 3
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
Tiếp

Một hôm, và mùa đông giáo sư Alexandr Gromeko mua tặng bà Anna Ivanovna một chiếc tủ đựng quần áo kiểu cổ. Tủ làm bằng gỗ mun, khổ quá lớn, không khiêng lọt vào cửa nào cả. Người ta phải tháo tủ ra từng phần để chuyển vào, rồi nghĩ xem nên kê ở đâu. Các buồng ở tầng dưới thì rộng rãi, nhưng tủ quần áo để đấy không phải lối, còn các buồng trên lầu thì quá hẹp. Đành dọn dẹp ở chỗ đầu cầu thang bên trên, gần cửa buồng của chủ nhân.

Bác Macken, người chuyên lo quét dọn sân xướng và canh cổng, được chủ trao cho việc lắp tủ. Bé Mariana sáu tuổi, lẽo đẽo theo bố. Macken cho con một que kẹo bạch nha. Nó đưa lên mũi hít hít ròi vừa mút kẹo vừa liếm các ngón tay, nó đứng xem bố làm việc, mặt có vẻ phụng phịu.

Thoạt đầu công việc êm xuôi. Chiếc tủ dần dần thành hình trước mắt bà Anna. Nhưng đến lúc chỉ còn lắp nốt nóc tủ là xong, thì chẳng hiểu vì cớ gì bà Anna lại muốn giúp Macken một tay. Bà đứng lên đáy tủ – đáy tủ khá cao – và không hiểu lóng ngóng thế nào nên mất thăng bằng, lại đẩy cái thành tủ mới chỉ đặt hờ vào mộng, có dây thòng lòng giữ cho vững. Cái nút dây tuột ra, mấy tấm gỗ đổ cả xuống, và bà Anna bị ngã đập lưng xuống sân rất đau.
Macken vội chạy lại:
– Trời ơi, bà chủ có làm sao không? Khổ quá, bà cứ để mặc cháu có phải hơn không. Bà thử nắn các xương xem có việc gì không. Ấy cái xương mới quan trọng, còn phần thịt mềm chả nhằm nhò gì, dễ mọc đầy ra, người ta vẫn bảo, chỉ đàn bà mới cần da thịt nở nang thôi.

Đoạn bác quay sang mắng bé Mariana đang khóc nhè:
– Cái con bé này, có câm mồm đi không? Hỉ mũi đi rồi xéo về nhà với mẹ.

Rồi bác lại nói với bà chủ:
– Khổ quá, bà tưởng mình cháu không lắp nổi cái tử cổ lỗ sĩ này hay sao? Chắc bà ngỡ cái mã cháu chỉ biết quét tước là giỏi, nhưng thật ra thì nghề mộc mới đúng là nghề của cháu đấy. Nói bà không tin, chứ chả thiếu gì các loại bàn ghế, tủ quần áo, tủ buýp phê, đã qua tay cháu, ấy là nói chuyện đánh véc- ni hoặc phân biệt đâu là gỗ hồng sắc, đâu là gỗ hồ đào. Dạo trước, những đám nhà giàu, nói bà tha lỗi, muốn gả con gái cho cháu cứ là hàng đống, mà cháu hụt cả, chỉ vì cái tội mê chất cay thôi bà ạ.

Macken kéo một chiếc ghế bành tới và dìu bà chủ lên ghế. Bà Anna vừa ngồi xuống, vừa suýt xoa xoa bóp chỗ bị đau.

Macken dựng lại mấy tấm ván đổ, và cuối cùng, khi đã lắp xong nắp tử, bác nói:
– Chỉ còn cánh tủ nữa là đâu vào đấy, đem đi dự đấu xảo được rồi.

Bà Anna không ưa chiếc tủ. Với hình dáng và kích thước kếch sù, nó giống một cỗ quách lớn hay một lăng mộ. Vốn dễ tin điềm gở, bà Anna thấy sợ. Bà đặt tên cho cái tủ ấy là “mộ Ascon”. Thật ra bà muốn ám chỉ con tuấn mã của Olex, con ngựa đã làm chủ thiệt mạng 1. Vì đọc nhiều loại sách một cách không có hệ thống, bà đã lẫn lộn những khái niệm gần nhau.

Vì lần ngã đó mà sau này bà Anna bị bệnh phổi.

Suốt tháng mười một năm một ngàn chín trăm mười một, bà Anna Ivanovna phải nằm liệt giường vì bệnh sưng phổi.

Sang mùa xuân năm sau, Yuri, Misa và Tonia sẽ cùng mãn khoá, tốt nghiệp đại học. Yuri học y khoa, Tonia học luật, còn Misa thì học ban văn – triết.

Trong tâm trí Yuri, mọi thứ đều xê dịch, lẫn lộn và vô cùng độc đáo, từ các quan điểm, thói quen đến các năng khiếu bẩm sinh. Chàng có tính mẫn cảm lạ lùng và có lối cảm thụ, tri giác hết sức mới mẻ.

Tuy rất thiên về nghệ thuật và sử học, chàng đã chọn nghề y một cách dễ dàng. Chàng cho rằng nghệ thuật không phải là một nghề, giống như tính vui vẻ bẩm sinh hoặc chất đa sầu đa cảm không thể tạo nên nghề nghiệp. Chàng mê môn vật lý và vạn vật học, và phát hiện rằng trong đời sống thực tế phải làm một nghề giúp ích cho xã hội. Vì lẽ đó, chàng đã chọn ngành y.

Cách đây bốn năm, dạo còn theo học năm thứ nhất, suốt một học kỳ chàng chuyên nghiên cứu giải phẫu dưới tầng hầm trường Đại học. Một cầu thang quanh co dẫn xuống tầng hầm giải phẫu. Tại đây, các sinh viên chúi đầu làm việc, hoặc theo nhóm, hoặc riêng từng người. Có anh nấp sau các bộ xương lủng lẳng, nhai đi nhai lại bài vở, lật đi lật lại các trang sách giáo khoa nhàu nát, có anh lãng lẽ mổ xác chết trong một góc, có anh đùa nghịch, làm hề, nói chuyện khôi hài hoặc đuổi theo lũ chuột chạy hàng đàn trong nhà xác. Dưới ánh tranh tối tranh sáng, cái xác chết vô danh, trần truồng, sáng như lân tinh, đập vào mắt người ta: những thanh niên chán đời tự tử không có ai nhận xác, nghiên cứu thiếu nữ chết đuối, xác còn nguyên vẹn. Chất muối ôxít nhôm tiêm vào làm cho những cái xác đó có vẻ trẻ ra và mập hơn. Người ta mổ chúng ra, cắt thành từng mảnh nhỏ. Và cái đẹp của thể xác con người vẫn còn đó trong cả những mảnh nhỏ nhất, thành thử đứng trước một cánh tay hay một khuỷu chân đã chặt ra, người ta vẫn còn kinh ngạc như đứng trước tử thi của nàng tiên cá bị ném trên bàn kẽm. Mùi formalin và phenol nồng nặc trong tầng hầm, chỗ nào cũng cảm thấy sự hiện diện điều bí ẩn, bắt đầu từ số phận bất định của những xác chết đương nằm dài nơi kia và kết thúc bằng bí mật của sự sống chết đang tự do ngự trị nơi đây như ở ngay nhà nó hoặc tại bản doanh của nó.

Tiếng nói của điều bí ẩn ấy át tất cả những gì còn lại, cứ ám ảnh, cảm trở việc giải phẫu của chàng. Nhưng nhiều điều khác trong cuộc sống cũng cản trở chàng hệt như vậy. Chàng đã quen hẳn rồi, nên cũng chẳng thấy lo ngại nữa.

Yuri biết suy tưởng và viết văn. Từ dạo còn học trung học, chàng đã mơ ước viết văn xuôi, như một cuốn “tiểu sử” trong đó chàng có thể gửi gắm, như nhét vào đó các gói thuốc nổ được nguỵ trang kỹ, những gì kỳ thú nhất từ tất cả mọi điều chàng từng kịp chứng kiến và suy xét. Nhưng chàng còn quá trẻ đè viết một tác phẩm như thế. Chàng bèn làm thơ thay vì viết văn xuôi, tương tự một hoạ sĩ suốt đời vẽ phác thảo để chuẩn bị tiến tới bức hoạ lớn hằng ôm ấp.

Những vẫn thơ ấy, Yuri tha thứ cho cái tội xuất hiện của chúng là nhờ chúng có khí phách và độc đáo. Hai phẩm chất đó khí phách và độc đáo, Yuri coi là đại diện chân chính của chất hiện thực trong các ngành nghệ thuật, tất cả các thứ còn lại chỉ là chung chung, hão huyền và vô ích.

Yuri hiểu rằng người cậu ruột đã có ảnh hưởng đến mức nào tới việc hình thành các nét tính cách chính của chàng.
Cha Nicolai đang sống ở Lozana. Trong những cuốn sách cha đưa xuất bản tại đó, bằng tiếng Nga hay tiếng nước khác, cha đã phát triển tư tưởng cố cựu của cha về lịch sử như về một vũ trụ thứ hai do loài người tạọ dựng, nhờ hai hiện tượng “thời gian” và “ký ức” để trả lời cho hiện tượng “chết”. Linh hồn của các cuốn sách đó là Kitô giáo, được hiểu theo kiểu mới; còn hậu quả trực tiếp của chúng là tư tưởng mới về nghệ thuật.

Phạm vi các tư tưởng đó tác động đến Misa còn nhiều hơn tới Yuri. Chính do ảnh hưởng của các tư tưởng ấy mà Misa đã chọn môn triết học làm nghề chuyên môn của mình. Misa vẫn đi nghe các bài giảng thần học ở khoa của anh và thậm chí tính đến việc sau đó chuyển sang học viện thần học.

Nhưng nếu ảnh hưởng của cha Nicolai thúc đẩy Yuri tiến bước và giải phóng chàng, thì nó lại trói buộc Misa. Yuri hiểu cái gốc Do Thái của Misa đóng vai trò như thế nào trong những niềm mê say rất cực đoan của Misa. Vì phép tế nhị và vì nể bạn, chàng không có thể ngăn các đự định lạ lùng của Misa. Nhưng nhiều khi chàng muốn Misa đi theo chủ nghĩa kinh nghiệm, gần gũi đời sống hơn.

Một buổi tối cuối tháng mười một, Yuri ở trường đại học về nhà muộn, mệt lử vì từ sáng chưa ăn gì. Người ta cho chàng biết: hôm nay cả nhà bị một phen hoảng hồn vì bà Anna Ivanovna lên cơn co giật. Phải mời mấy vị bác sĩ đến. Lúc đầu, các vị ấy khuyên nên đón linh mục tới cho bà, sau lại thôi. Hiện bà đã tỉnh và thấy dễ chịu hơn, bà dặn lúc nào Yuri về thì bảo đến gặp bà ngay. Yuri vâng lời, tới ngay buồng bà, không kịp thay quần áo.

Căn buồng còn dấu vết cơn hoảng loạn vừa qua. Một nữ y tá đang yên lặng, nhẹ tay dọn dẹp các thứ trên chiếc tủ con ở đầu giường. Những chiếc khăn giấy lau miệng vò nhàu, những chiếc khăn mặt ướt dùng để ấp nước, còn quăng bừa bộn. Nước trong ống nhổ phớt hồng vì có máu, nổi lều bều các mẩu ống tiêm và các túi bông trương nước. Bệnh nhân đầm đìa mồ hôi, đang đưa lười liếm cặp môi khô. Mặt bà hốc hác hẳn so với lúc sáng, khi Yuri chào bà để đến trường.

Yuri nghĩ thầm: “Có lẽ chuẩn bệnh lầm chăng? Đủ mọi triệu chứng của bệnh viêm tiết xơ huyết. Hình như đây là bệnh biến”. Sau khi chào bà Anna, nói vài lời khích lệ chung chung mà người ta vẫn dùng trong trường hợp tương tự, chàng bảo cô y tá lui ra, rồi một tay bắt mạch cho bà Anna, tay kia thò vào túi áo tugiuaca lấy ống nghe bệnh. Bà Anna lắc đầu, ngụ ý khỏi cần, Yuri hiểu rằng bà cần ở chàng việc khác kia. Cố gắng hết sức, bà Anna lên tiếng:
– Họ định làm lễ rửa tội… Cái chết đã chực sẵn… Nó có thể đến bất cứ lúc nào… Khi người ta đi nhổ một cái răng, người ta còn sợ đau, còn chuẩn bị tinh thần. Đằng này không phải một cái răng, mà là toàn bộ thân thể, toàn bộ cuộc đời… sự sống… rắc một cái, rút ra ngoài, như lấy kìm mà nhổ… Nhưng cái đó là gì?… Chẳng ai biết… Nên tôi lo buồn và sợ lắm.

Bà Anna nói đến đấy thì ngừng lời. Nước mắt giàn giụa, Yuri không nói gì. Lát sau, bà nói tiếp:
– Cậu là người có tài… Mà tài năng, thì… phải khác người. Cậu phải biết một cái gì đấy… Hãy nói tôi nghe đi… Cho tôi yên tâm đôi chút.

Yuri đáp:
– Cháu biết nói gì với bà bây giờ?

Chàng cựa mình bối rối, đứng dậy đi vài bước rồi lại ngồi xuống.

– Trước hết, cháu cam đoan với bà rằng ngày mai bà sẽ thấy dễ chịu hơn, có các triệu chứng khiến cháu dám quả quyết như vây. Hơn nữa, cháu sẽ nói về cái chết ý thức, sự hồi sinh… Bà muốn biết quan niệm của cháu về phương diện tự nhiên học? Có lẽ để dịp khác chăng? Không, ngay bây giờ ạ? Vâng, tùy bà. Nhưng có điều phải nói ngay, chưa chuẩn bị trước, thì hơi khó cho cháu.

Và Yuri đã ứng khẩu cả một bài giảng thực sự, mà chính chàng cũng phải lấy làm ngạc nhiên.

– Sự hồi sinh. Dưới dạng thô thiển nhất, như người ta vẫn dùng để an ủi những kẻ hèn yếu, quan niệm ấy xa lạ với cháu. Và những lời Chúa Kitô đã nói về người sống và người chết, cháu luôn luôn hiểu theo nghĩa khác. Người ta sẽ xếp đâu cho hết cái số cơ man bao nhiêu là người dồn lại từ bao nhiêu thiên niên kỷ? Cả vũ trụ cũng chẳng có đủ chỗ chứa họ, khiến chúa Trời, cái Thiện và Lý chí hẳn sẽ phải cuốn gói rút lui, nếu không muốn bị đè bẹp trong cảnh chen chúc tham lam của loài vật. Tuy nhiên, lúc nào cũng có một cuộc sống giống như thế tràn ngập cả vũ trụ, liên tục được đổi mới từng giờ qua muôn vàn cách kết hợp và biến hoá. Như bà đây chẳng hạn, bà vẫn lo lắng tự hỏi liệu bà sẽ có hồi sinh hay không, song thực ra thì bà đã sống lại rồi, ngay khi bà vừa cất tiếng khóc chào đời, mà bà không biết đấy thôi. Khi bà thấy đau, hỏi rằng thể xác có cảm nhận sự suy nhược của nó hay không? Nói cách khác, ý thức của bà sẽ ra sao? Nhưng trước tiên hãy xác định ý thức là gì đã. Chúng ta thử xét xem nào. Muốn dùng ý thức bắt mình ngủ đi, thì chắc chắn sẽ bị mất ngủ. Cố gắng cảm nhận một cách có ý thức sự tiêu hoá của mình, thì sẽ không thoát khỏi căn bệnh rối loạn thần kinh. Ý thức là một độc dược, một phương tiện tự đầu độc đối với ai đem áp dụng nó cho bản thân mình. Ý thức là thứ ánh sáng toả ra bên ngoài, ý thức soi sáng con đường trước mặt để ta khỏi vấp ngã. Ý thức là ánh đèn pha đặt trước đầu máy xe lửa đang chạy. Nếu ai đem quay nó rọi vào trong, tai nạn ắt phải xảy ra.

Vậy ý thức của bà sẽ ra sao? Cháu xin nhắc lại: Ý thức của bà, vâng, của bà. Nhưng bà là cái gì đã chứ? Đấy, tất cả vấn đề là ở đó Ta hãy xem xét. Bà thấy bà là thế nào, bà đã có ý thức về bộ phận nào trong thành phần của mình? Về thận, về gan, về mạch máu? Không, dù bà có cố nhớ lại đến mấy chăng nữa, luôn luôn bà bắt gặp bản thân mình trong các biểu hiện hoạt động, ở bên ngoài, trong những việc do tay bà làm ra, trong gia đình, trong những người khác. Còn bây giờ, xin hãy chú ý lắng nghe. Con người hiện diện trong những người khác, đó chính là linh hồn con người. Đấy, bà là thế đó; đấy là cái mà ý thức của bà suốt đời đã thở, đã ăn, đã uống. Đấy là linh hồn của bà, sự bất tử của bà, cuộc sống của bà trong những người khác Và nếu vậy thì sao? Bà đã sống trong những người khác, thì bà cũng sẽ sống mãi trong những người khác. Và có gì đâu nếu cái đó sau đấy sẽ được gọi là ký ức. Đó vẫn là bà đã đi vào thành phần của tương lai.

Cuối cùng, còn điểm này nữa. Chẳng có gì đáng lo ngại. Không hề có cái chết. Cái chết không phải việc của chúng ta.

Còn vừa rồi bà nhắc đến tài năng. Cái đó là chuyện khác, cái đó là chuyện của chúng ta, đang mở ra cho chúng ta. Và tài năng, hiểu theo nghĩa cao cả và bao quát nhất, chính là món quà của cuộc sống.

Thánh Giăng đã nói: “sự chết sản xuất không có”, và đây bà xem, lập luận của Ngài rất đơn giản. Sự chết sẽ không có, bởi lẽ dĩ vãng đã trôi qua. Cũng gần như Ngài muốn nói rằng: sẽ không có sự chết, bởi vì người ta đã thấy cái đó, cái đó đã cũ và chán ngấy, còn bây giờ cần có cái mới, và cái mới ấy chính là cuộc sống vĩnh cửu.

Yuri đi đi lại lại trong phòng khi nói những lời đó. Chàng bước tới bên giường, đặt tay lên đầu bà Anna và bảo: “Bà hãy ngủ đi!”. Lát sau, bà Arưla đã ngủ say…

Yuri nhẹ chân bước ra, bảo chị hầu phòng Egorovna gọi cô y tá vào buồng trông coi người bệnh. Chàng nghĩ thầm: “Quái lạ mình trở thành một gã dại bịp mất rồi. Mình chữa bệnh bằng cách huyên thuyên và đặt tay lên người bệnh”.

Hôm sau, bà Anna thấy dễ chịu hơn.

Bà Anna cảm thấy mỗi ngày một đỡ. Trung tuần tháng chạp, bà gượng ngồi dậy, nhưng bà vẫn còn yếu lắm. Người ta khuyên bà cứ nằm cho đến khi khỏi hẳn.

Bà thường gọi Yuri cùng Tonia đến nghe bà kể chuyện hàng giờ về thời thơ ấu của bà ở Varykino, trong trang trại của ông nội bà, nằm trên bờ sông Rưn và tại miền Ural. Yuri và Tonia chưa tới đó bao giờ, nhưng qua lời bà Anna, Yuri dễ dàng hình dung khu điền trang với năm nghìn mẫu tây ừng hiểm trở, lâu đời, âm u, có dòng sông chảy xiết, lòng sỏng lởm chởm đá, đôi chỗ thọc vào rừng như những mũi dao lượn lách, và những bờ dốc hiểm trở phía bờ bên trang trại nhà Cruyghe.

Vừa rồi, người ta đặt may cho Yuri và Tonia bộ trang phục dạ hội đầu tiên trong đời họ – cho Yuri một bộ lễ phục màu đen, còn cho Tonia một cái áo dài bằng vải tatăng màu sáng, cổ để hở đôi chút. Hai cô cậu dịnh mặc các thứ ấy lần đầu vào ngày hai mươi bảy, dịp tổ chức cây Nôen hàng năm tại gia đình Sventitski.

Tiệm may nam và nữ mang hàng đến trả cùng một hôm. Yuri và Tonia mặc thử và lấy làm ưng ý. Cả hai chưa kịp thay áo khác thì bà Anna cho Egorovna đến gọi. Họ vội qua phòng bà trong bộ trang phục mới.

Trông thấy hai cô cậu, bà Anna chống khuỷu tay ngồi dậy, bảo hai người đi đi lại lại cho bà coi, rồi nói:
– Đẹp lắm. Rất tuyệt. Thợ đã may xong, mà tôi chẳng biết gì cả Tônia, quay phía sau cho mẹ xem nào. Được không sao hết. Mẹ tưởng là gấu áo hơi bị nhăn. Các con có biết mẹ gọi các con đến làm gì không. Nhưng trước hết, Yuri này, tôi muốn nói đôi lời với cậu đã.

– Thưa bà, cháu biết. Chính cháu đã bảo người ta đưa bà xem bức thư đó. Bà cũng đồng ý với cha Nicolai, bà cho rằng cháu không nên từ chối. Xin bà cứ để cháu trình bày đôi lời. Bà đừng nói nhiều, kẻo mệt. Cháu xin giải thích tất cả để bà rõ.

Mặc dù bà cũng đã biết chuyện đó rồi.

Vậy điều thứ nhất là hiện giờ đang có vụ kiện tụng về gia tài cha cháu để lại, một vụ kiện dằng dai chỉ để nuôi béo các ông luật sư và thu án phí, nhưng thật ra làm gì có gia tài Zhivago, mà chỉ toàn là nợ nần với đủ chuyện rắc rối, đấy là chưa nói đến việc bởi móc bao nhiêu cái xấu xa ra. Ví thử được thừa hưởng cái gì đáng tiền, cháu dại gì mà chẳng nhận, lại đem biếu không cho toà án kia chứ? Nhưng vấn đề là người ta cố tình thổi phồng vụ này, và càng tìm hiểu sâu chuyện đó, cháu càng thấy tốt hơn cả là nhường hết quyền lợi của mình về một gia tài chẳng hề có mấy kẻ muốn tranh giành cùng mấy tên mạo danh tham lam. Về những yêu sách của một madame Alice nào đó đang sống tại Paris với mấy đứa con mang họ

Zhivago, cháu có nghe nói từ lâu. Nhưng sau còn có những kẻ khác cũng nhòm ngó gia tài đó. Những kẻ ấy, không rõ bà thế nào, chứ cháu mới được biết gần đây thôi.

Hoá ra, hồi mẹ cháu còn sống, cha cháu có mê một phụ nữ mơ mộng và kỳ dị là quận chúa Stonubova – Enrisi. Bà ta có một đứa con trai với cha cháu, hiện lên mười, đặt tên là Epgarap. Bà quận chúa ấy thích ẩn cư. Bà ta cứ ở lỳ với đứa con trong một biệt thự ở ngoại ô thành phố Omsk, và không rõ mẹ con bà ta sống bằng gì. Người ta đã cho cháu xem ảnh biệt thự ấy. Đó là một ngôi nhà xinh xắn, có năm cửa sổ lắp kính nguyên tấm, và có các hình đắp nổi trên gờ tường. Suốt thời gian gần đây, cháu luôn có cảm tưởng là năm chiếc ghế cửa sổ ngôi nhà đó, qua hàng ngàn dặm xa xôi chia cách nước Nga ở châu Âu với xứ Sibiri, đang dõi theo cháu với cái nhìn thâm hiểm và sớm muộn cũng sẽ đẩy cháu vào cảnh rủi ro. Thế thì hơi đâu mà lo đến cái gia tài tưởng tượng, đến những kẻ nhận vơ đến sự nham hiểm và ganh ghét của họ? Đấy là chưa kể đến cái dám luật sư.

Bà Anna nói:
– Dù vậy, cũng không nên từ chối. – Rồi bà nhắc lại câu hỏi ban nãy – Hai con có biết mẹ gọi đến để làm gì không? Mẹ nhớ ra tên nó rồi. Hai con còn nhớ cái thằng cha gác rừng mẹ kể hôm qua chứ? Nó đúng là Văc. Nghe lạ tai lắm phải không? Nó đúng là một ông ba bị trong rừng, da đen thui thủi, râu ria xồm xoàm, thêm cái tên – Văc! Mặt mũi nó chẳng ra hình thù gì, vì một lần nó suýt bị gấu xé xác, may thoát được. ấy dân vùng đó đều thế cả. Với những cái tên tương tự. Một âm thôi. Nghe vang và mạnh. Văc, hoặc Lup, hoặc Phập chẳng hạn. Nghe đây các con nghe đây. Có bữa con sen vào bẩm có áp và Phùng đến, nghe như khẩu súng hai nòng của ông nội nổ liền hai phát, thế là cả nhà chạy ào xuống bếp. Ở dưới ấy, các con thử tưởng tưởng, thì ra là gã bán than ở cửa rừng đem đến một chú gấu còn sống, và bác phu gác đường đem trình một mẩu quặng làm mẫu. Thế là ông nội cho mỗi đứa một tờ biên lai để họ sang văn phòng lĩnh tiền, bột mì hay đạn, tuỳ từng trường hợp. Và ngay trước cửa sổ là rừng rồi. Lại còn tuyết nữa, dày vô kể! Chất cao hơn mái nhà!

Bà Anna lại lên cơn ho. Tonia nói:
– Thôi mẹ đừng kể nữa rồi lại ho.

Yuri cũng tiếp lời, khuyên bà đừng nói nữa.

– Không sao. Chuyện vặt ấy mà. À tiện thể nói luôn kẻo quên. Con Egonorovna có mách mẹ rằng hình như hai đứa ngần ngại, chưa dám quyết định ngày mốt có nên đi dự cây Nôen hay không. Mẹ chẳng muốn nghe cái chuyện ngần ngại ấy nữa đâu! Các con không biết xấu hổ à? Rồi cậu Yuri này, đốc tờ gì mà kỳ thế? Vậy là quyết định dứt khoát rồi nhé. Hai đứa phải đi dự đấy, khỏi bàn luận lôi thôi. Nhưng bây giờ hãy trở lại câu chuyện lão Văc. Hồi còn trẻ, nó, cái thằng cha Văc ấy làm thợ rèn. Trong một cuộc ẩu đả, nó bị lòi ruột ra ngoài. Nó bèn làm bộ ruột mới, bằng sắt, thay vào? Yuri, sao cậu ngốc thế? Tưởng tôi không hiểu hả? Dĩ nhiên đấy là nói theo nghĩa bóng. Nhưng dân chúng kể đúng như thế này.

Bà Anna lại ho, lần này cơn ho kéo dài, không sao dứt được khiến bà nghẹt thở.

Cùng một lúc, Yuri và Tonia vội chạy lại chỗ bà. Hai người đứng sát vai nhau bên giường. Bà Anna vẫn ho sù sụ, nắm lấy tay hai cô cậu ấp vào nhau và giữ như thế một lúc. Sau đó, khi đã thở và nói được như thưởng, bà bảo:
– Nếu mẹ có mệnh hệ gì, hai con đừng xa nhau. Trời sinh ra hai con để sống với nhau. Hai con hãy cưới nhau. Vậy là mẹ đã đính hôn hai con với nhau rồi đấy, – bà nói thêm rồi oà lên khóc.

Mùa xuân năm một ngàn chín trăm lẻ sáu, trước khi qua năm cuối cùng ban trung học, Lara đã đi lại với Komarovski tính ra được sáu tháng rồi, nàng không thể chịu đựng thêm nữa. Hắn rất khéo lợi đụng tâm trạng ủ ê của nàng, và khi cần đến, hắn lại kín đáo và tế nhị gợi nhắc nàng về sự ô nhục của nàng. Những sự gợi nhắc ấy đẩy Lara vào cái tình trạng bối rối mà những kẻ hảo ngọt dâm đãng, muốn có ở người đàn bà.

Tình trạng bối rối ấy cứ đẩy nàng đi sâu mãi vào cơn ác mộng nhục dục, một cơn ác mộng khiến nàng rợn tóc gáy mỗi lúc tỉnh ra. Những mâu thuẫn trong cơn điên rồ ban dêm thật vô cùng khó hiểu, lúc ấy mọi sự đều đảo lộn và vô lý: giữa lúc đang đau nhói lại cười ha hả, giằng co và từ chối lại có nghĩa là ưng thuận, và bàn tay kẻ hành hạ lại được phủ đầy những cái hôn hàm ơn.

Tưởng chừng chuyện đó sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng vào mùa xuân, trong một buổi học cuối niên khoá, Lara ngồi nghĩ miên man, rằng đến mùa hè sắp tới, cái cảnh ấy sẽ còn xảy ra thường xuyên hơn vì nàng được nghỉ hè, không đến trường, mà trường học vốn là chỗ trú ẩn cuối cùng của nàng để tránh mặt Komarovski. Thế là nàng nhanh chông đi tới một quyết định sẽ thay đổi cuộc đời nàng trong một thời gian dài.

Buổi sáng hôm đó trời oi bức, báo hiệu sắp có giông. Các cửa sổ lởp học đều mở rộng. Ngoài kia, thành phố rì rầm, lúc nào cũng một điệu nghe như tiếng đàn ong bay quanh tổ. Từ sân trường vọng vào tiếng trẻ con chơi đùa. Mùi cỏ dưới đất và mùi mầm cây non làm váng đầu như mùi bánh rán bị xém và mùi rượu vốtca trong ngày lễ tống tiễn mùa đông.

Thầy dạy sử đang giảng về cuộc chinh phạt Ai Cập của Napoléon. Lúc thầy kể đến cuộc đổ bộ ở Phơrêgluyt, trời bỗng tối sầm, rồi những tia chớp sáng lòe nhằng nhịt, những tiếng sấm xé toang bầu trời. Cùng với không khí mát dịu, các luồng cát và bụi cũng qua cửa sổ tràn vào lớp học. Hai cô nữ sinh vốn quen tính bợ đỡ liền tranh nhau chạy ra hành lang gọi người đóng cửa sổ. Khi hai cô mở cửa chạy ra, một luồng gió đã cuốn tung tất cả các tờ giấy thấm làm cho chúng bay lả tả khắp phòng.

Các cửa sổ đã được đóng lại. Mưa rào đổ xuống, một trận mưa rào ở thành phố, bẩn thỉu, trộn đầy bụi bậm, Lara xé một tờ giấy trong cuốn vở và viết cho cô bạn Nadia Kologrivova ngồi cùng bàn:
“Nadia ơi, mình cần tổ chức một cuộc sống độc lập với mẹ mình. Nadia hãy giúp mình tìm chỗ dạy tư ở nhà nào trả lương kha khá một chút. Gia đình cậu quen biết nhiều người giàu có”.

Nadia cũng dùng cách đó trả lời:
“Ba mẹ mình đang tìm cô giáo cho con Lipa. Hãy đến nhà mình mà ở. Như thế sẽ rất tuyệt! Cậu biết đấy, ba mẹ mình rất quý cậu!”

Lara sống đã hơn ba năm ở gia đình Kologrivov như sau một luỹ đá che chở: Không ai, kể cả mẹ và em trai, có thể đến đây quấy phá nàng. Càng ngày nàng càng thấy xa họ, và họ cũng chẳng cho nàng hay tin gì về họ.

Lavrentin Mikhailovich Kologrivov là một nhà kinh doanh lớn thuộc thế hệ mới, có óc thực tế, tài giỏi và thông minh. Đối với cái chế độ đang lỗi thời, ông có cái ác cảm vừa của một triệu phú thừa khả năng mua đứt cả ngân khố quốc gia, vừa của một thường dân đã vươn tới đỉnh cao sang. Ông che giấu ở nhà mình những người hoạt động bí mật, ông thuê luật sư bào chữa cho các bị cáo chính trị, và như người ta vẫn nói đùa, chính ông cấp vốn cho cách mạng, tổ chức đình công ngay trong xưởng máy của ông, để lay chuyển chính cái địa vị tư bản của ông. Lavrenti là một tay thiện xạ, rất mê săn bắn, và suốt mùa đông năm một ngàn chín trăm lẻ năm, ngày chủ nhật nào ông cũng đến khu rừng Seribriarylyi và đảo Losin để tập bắn cho anh em nghĩa quân.

Đấy là một người tuyệt vời. Bà Seraphima Philipovna, vợ ông, cũng xứng đôi với ông. Lara rất kính phục hai ông bà. Và mọi người trong gia đình Kologrivov cũng đều yêu mến nàng như người ruột thịt.

Lara sống yên ổn, vô tư ở gia đình ấy được hơn ba năm, thì bỗng nhiên một hôm cậu em trai Rodion đến gặp nàng.
Cậu ta đứng nhún nhẩy trên đôi cẳng dài như một gã công tử bột, nói giọng mũi và kéo dài từng tiếng cho thêm phần quan trọng, cậu ta kể cho bà chị biết rằng đám học viên sĩ quan cùng khoá đã góp tiền để mua tặng phẩm cho viên giám đốc nhà trường, họ đã trao tiền cho cậu ta đi chọn mua món quà đó. Và số tiền ấy, cậu ta đã nướng sạch vào sòng bạc từ ngày hôm kia.

Kể đến đấy, cậu ta gieo cái thân xác cao lênh khênh xuống chiếc ghế bành mà khóc hu hu.

Nghe chuyện, Lara thấy lạnh cả gáy. Rodion lại sụt sịt kể tiếp:
– Hôm qua, em có đến gặp ông Komarovski. Ông ta nhất định không cho vay, nhưng ông ta bảo rằng nếu chị muốn… Ông ta bảo, tuy chị không còn yêu gia đình nữa, chị vẫn còn quyền lực rất mạnh đối với ông ta… Chị Lara ơi… Chị chỉ cần nói một tiếng là được… Chị hiểu cho, nếu không xong việc này, thì em sẽ nhục nhã biết chừng nào, sẽ bôi nhọ danh dự sĩ quan đến chừng nào… Chị hãy tới gặp ông ta đi… chị có mất gì đâu kia chứ? Nhờ ông ta… Chắc chị không muốn để em phải trả bằng máu cái số tiền bị mất ấy…

– Hừ… trả bằng máu… Danh dự sĩ quan… – Lara phẫn uất nhắc lại; vì quá xúc động, nàng đứng dậy đi lại trong phòng. – Thế còn tôi, tôi không phải là sĩ quan, tôi không có danh dự, và người ta muốn làm gì tôi thì làm hả? Cậu có hiểu cậu đòi hỏi tôi điều gì không? Cậu có hiểu lão ta đề xuất cái gì với cậu hay không? Mấy năm trời nay tôi cắm cúi làm lụng, mất cả ăn ngủ mới xây dựng nên, đùng một cái người ta đến đạp đổ cái rụp, cóc cần gì hết. Thôi, xéo đi đâu thì xéo, bắn một phát vào đầu mà tự tử cho xong. Việc gì đến tôi? Thế cậu cần bao nhiêu?

Sau đôi chút ngập ngừng. Rodion trả lời:
– Sáu trăm chín mươi rúp và ít lẻ, thôi cứ gọi cho tròn bảy trăm.

– Rodion! Cậu đúng là điên rồi! Cậu có hiểu cậu vừa nói gì không? Cậu nướng hết những bảy trăm rúp kia ư?

Rodion! Rodion! Cậu có biết, một người bình thường, như tôi chẳng hạn, nếu có làm ăn lương thiện, thì phải mất bao nhiêu lâu mới dành dụm nổi ngần ấy tiền hay không?

Ngừng một lát, nàng nói thêm, giọng lạnh nhạt, xa lạ:
– Thôi được! Để tôi thử xem. Ngày mai cậu tới đây. Và nhớ mang theo khẩu súng mà cậu định dùng để tự sát. Cậu phải giao nó cho tôi quyền sử dụng. Với một số đạn kha khá vào nhớ đấy!

Món tiền ấy, nàng đã vay của ông Lavrenti Kologrivov.

Công việc ở gia đình Kologrivov không đến nỗi vất vả gì. Lara vẫn có thời giờ học hết ban trung học, theo học đại học với kết quả khả quan và năm sau là năm một ngàn chín trăm mười hai, nàng sẽ thi lấy bằng.

Mùa xuân năm 1911, cô Lipa, học trò của nàng đã tốt nghiệp trung học. Cô đã đính hôn với một kỹ sư trẻ tuổi tên là Phrizenden thuộc một gia đình khá giả. Cha mẹ cô cùng đồng ý với sự lựa chọn của cô, nhưng chưa bằng lòng cho cô kết hôn quá sớm như thế và khuyên cô hãy đợi ít lâu nữa. Điều đó đã gây ra cảnh xích mích đáng buồn. Lipa là một thiếu nữ quen được chiều chuộng, tính nết đỏng đảnh. Cô con gái yêu của gia đình cứ cãi lại dấm dẳn với cha mẹ và khóc lóc ầm ĩ.

Ở gia đình giàu sang này, Lara được coi như ruột thịt, mọi người không hề nhắc nhở gì đến món nợ mà nàng đã vay để đưa cho Rodion.

Món nợ ấy, đáng lẽ Lara đã trang trải xong từ lâu, nhưng nàng có những khoản tiêu pha thường xuyên mà nàng giấu không cho ai biết tiêu vào việc gì.

Nàng giấu Pasa, kín đáo gửi tiền cho cha của chàng là bác Pavel Antipop đang bị lưu đày ở xứ Sibiri; nàng giúp đỡ mẹ chàng, một người đàn bà khó tính và hay đau ốm. Ngoài ra, nàng giúp luôn cả Pasa, bằng cách kín đáo giấu cậu, trả bù những khoản tiền ăn và tiền buồng mà chàng phải trả cho chủ trọ.

Pasa kém Lara một hai tuổi, yêu Lara mê mệt và nàng bảo gì cũng nghe. Cũng vì nàng nằn nì mà sau khi tốt nghiệp trung học, chàng đã học thêm tiếng La tinh và Hi Lạp để thi vào ban Văn trường Tổng hợp. Lara mơ ước kết hôn với chàng trong năm tới, khi cả hai đoạt được văn bằng của chính phủ, rồi đưa nhau đến một tỉnh lỵ nào đó ở miền

Ural làm nghề dạy học – chàng ở trường nam, nàng thì ở trường nữ sinh.

Pasa sống trong một căn phòng mà Lara đích thân tìm thuê cho chàng, tại một ngôi nhà mới xây của một cặp vợ chồng người chủ nhà đằm tính, nằm trên đường Camecghe, gần rạp hát Nghệ thuật.

Mùa hè năm 1911, Lara đã đi Dublianka nghỉ lần cuối cùng với gia đình Kologrivov. Nàng mê nơi đó hơn cả gia đình chủ nhân. Mọi người biết vậy, nên mỗi dịp đi nghỉ hè là lại có một mật ước với nàng. Khi chuyến xe lửa nóng bức và lem luốc khói than đã rời cái ga xép, chuyển bánh chạy tiếp, và trước clnh bao la, yên tĩnh, ngát hương, Lara cảm động tới mức không nói nên lời. Thường thì mọi người để nàng đi bộ một mình đến khu trại Dublianka. Trong khi ấy, người ta chất hành lý lên chiếc xe ngựa, và bác xà ích của trại mặc sơ mi đỏ bên trong chiếc gilê bắt đầu kể cho ông bà chủ vừa leo lên xe những tin tức ở địa phương trong thời gian vừa qua.

Lara đi dọc đường xe lửa, trên con đường mòn in dấu chân bao nhiêu kẻ lang thang và khách hành hương, rồi quẹo xuống con đường chạy tắt cánh đồng dẫn tới khu rừng. Đến đây nàng dừng lại, lim dim mắt, khoan khoái hít lấy hít để không khí thơm tho, trong lảnh của cảnh quan quanh nàng.

Không khí ấy, Lara cảm thấy nó thân thiết hơn cả cha mẹ, êm dịu hơn cả người tình, ý nhị hơn sách vở. Trong giây lát, ý nghĩa của sự tồn tại mở ra với nàng. Nàng đến đây, nàng nhận thức là để tìm hiểu vẻ đẹp mê hồn của đất và gọi đúng tên mọi sự vật còn nếu nàng không đủ sức làm việc ấy, thì vì tình yêu cuộc sống, nàng sẽ sinh những đứa con thay nàng làm việc đó.

Mùa hè năm ấy, khi về đến Dublianka, nàng cảm thấy kiệt sức vì quá nhiều công việc mà trước đó nàng đã tự chuốc vào thân mình. Tính nết nàng thay đổi một cách dễ dàng.

Động một tí là nàng nghi ngờ, trái hẳn bản tính vốn có của nàng. Xưa nay nàng được tiếng là không chấp vặt, thế mà bây giờ nàng đâm ra để ý đủ chuyện nhỏ nhặt.

Ông bà Kologrivov không muốn để nàng rời khỏi gia đình họ. Nàng vẫn được yêu mến như cũ. Nhưng từ khi Lipa tự lực được rồi, thì Lara thấy mình thành người thừa trong gia đình này. Nàng từ chối nhận tiền công. Người ta ép nàng phải nhận. Mà nàng thì cũng cần tiền. Trong khi làm khách ở đây, lại đi tìm công ăn việc làm ở ngoài thì e không tiện, và thực ra cũng là một điều không thực hiện nổi.

Nàng thấy địa vị mình thật oái oăm và không thể kéo dài mãi. Nàng cứ nghĩ rằng mình là gánh nặng cho mọi người, có điều là người ta không để lộ cho nàng biết điều đó. Nàng đâm ra căm ghét chính mình. Nàng muốn lánh đi đâu đấy, trốn xa gia đình Kologrivov, chạy trốn chính nàng, nhưng theo ý nàng, trước khi lánh đi phải trả cho xong món nợ kia đã, mà hiện giờ thì nàng chẳng biết lấy đâưra tiền để trả nợ. Nàng cảm thấy mình là một con tin vì lỗi của Rodion, vì số tiền đã bị cậu ta tiêu phí một cách ngu xuẩn kia, và sự phẫn uất vì bất lực khiến lòng nàng bồn chồn không yên.

Chuyện gì nàng cũng ngỡ là dấu hiệu chứng tỏ người ta coi khinh nàng. Nếu những người quen của gia đình Kologrivov tới thăm, có tỏ thái độ quan tâm hơn một chút đến nàng, thì nàng ngỡ họ coi nàng như một “đứa con nuôi” ít hy vọng, một miếng mồi dễ kiếm. Còn nếu họ không nói đến nàng, thì nàng cho rằng họ coi nàng chỉ là một con số không, chẳng đáng để ý đến làm gì.

Dù vậy, những cơn buồn bực, nghi ngờ ấy cũng không cản trở Lara tham dự các cuộc giải trí của nhóm bạn hữu đông đúc thường tụ họp ở trại Dublianka. Nàng tắm sông, bơi lội, đi chơi thuyền, dự các buổi picnic tổ chức ban dêm ở bên kia sông, nàng cùng mọi người đốt pháo bông và khiêu vũ. Nàng đóng vai trong các vở kịch nghiệp dư và đặc biệt hăng hái tham gia các cuộc thi bắn bia bằng súng Mauser (tuy nhiên, nàng thích dùng khẩu súng của Rodion vì nó nhẹ hơn), nàng bắn rất trúng và đôi khi nói đùa rằng nàng lấy làm tiếc mình phận nữ nhi, không được phép đấu súng với kẻ khác. Nhưng Lara càng vui đùa bao nhiêu thì lại càng thấy buồn chán bấy nhiêu. Chính nàng cũng không biết nàng muốn gì nữa.

Tâm trạng ấy càng trở nên tồi tệ hơn khi trở về Moskva. Ngoài sự buồn bực, lại còn thêm các mối bất hoà nho nhỏ với Pasa (nàng tránh không để xảy ra cãi cọ nặng nề với Pasa, vì nàng coi chàng là nơi nương tựa cuối cùng của mình. Gần đây Pasa tỏ ra tự tin hơn. Thỉnh thoảng trong câu chuyện, giọng chàng có vẻ dạy đời, khiến nàng thấy tức cười và buồn phiền.

Pasa, Lipa, ông bà Kologrivov, tiền bạc – tất cả những thứ đó quay cuồng trong đầu óc nàng, Lara chán đời. Nàng bắt đầu điên. Nàng tính vứt bỏ hết thảy những gì quen thuộc, đã từng nếm trải, và khởi đầu một cái gì mới lạ. Với tâm trạng ấy, trong ngày Nôen năm 1911, nàng đã đi đến một quyết định tai hại. Nàng nhất quyết rời bỏ ngay gia đình Kologrivov, xây dựng một cuộc sống độc lập và cô độc, và yêu cầu Komarovski phải xuất tiền cho nàng thực hiện ý định đó. Nàng tưởng rằng sau tất cả những chuyện đã xảy ra giữa hai người, và sau mấy năm nàng giành được tự do kia, thì Komarovski phải giúp đỡ nàng một cách hào hiệp, trong sạch và không vụ lợi, khỏi cần giải thích dài dòng.

Với mục đích ấy, chiều tối ngày hai mươi bảy tháng chạp, nàng đến phố Petrovka. Lúc ra đi, nàng đã lắp đạn vào khẩu súng của Rodion, kéo chốt an toàn xuống rồi nhét vào trong cái bao tay, với ý định sẽ bắn Komarovski nếu hắn từ chối, hiểu nhầm lếu láo hoặc hạ nhục nàng.

Trong tâm trạng cực kỳ bối rối, nàng đi qua những dãy phố đang mừng lễ mà chẳng để ý gì xung quanh. Phát súng dự định đã nổ trong tâm hồn nàng, hoàn toàn không cần biết nó nhắm vào ai. Phát súng ấy là điều duy nhất nàng ý thức được.

Nàng nghe thấy tiếng nổ của nó suốt dọc đường. Đó là phát súng nhắm vào Komarovski, vào chính nàng, vào số phận của nàng và vào cây sồi mọc ở khu rừng thưa tại Dublianka với cái mặt bia khắc trên vỏ cây đó.

Mụ Emma Ernestovna định giơ tay giúp nàng cởi áo. Nàng vội nói:
– Chớ có động đến cái bao tay đấy!

Mụ Emma bỡ ngỡ, chỉ biết kêu lên những tiếng ồ, à.

Komarovski đi vắng. Mụ Emma vẫn tiếp tục mời Lara vào trong phòng và cởi áo khoác ngoài.

– Không. Tôi vội lắm. Ông ấy đâu?

Mụ Emma đáp rằng ông chủ được mời đi dự cây Nôen.

Cầm địa chỉ trong tay, Lara vội chạy xuống dưởi nhà, qua chiếc cầu thang tối, có những hình hiệu nhiều màu trên kính cửa sổ, cái cầu thang nhắc rằng nhớ đến rõ ràng mọi chuyện.

Nàng đi đến khu cư xá Hàng Bột, tìm tới gia đình Sventitski.

Trở ra phố lần thứ hai này, Lara mới để ý đến cảnh vật xung quanh. Nàng đi giữa thành phố, giữa mùa đông, giữa chiều tối.

Trời lạnh buốt. Đường phố bị phủ một một lớp băng đen, dày như đáy chai bia vỡ. Riêng việc thở cũng thấy đau đau rồi.

Không khí chứa đầy sương giá xám xịt, tựa hồ nó dùng bộ râu lởm chởm mà quệt mà cọ, y hệt chiếc khăn quàng cổ bằng lông màu xám cứ cọ cọ vào miệng nàng. Nàng bồi hồi rảo bước trên những đường phố vắng vẻ. Có các làn khói bốc ra ở cửa các quán cà phê và quán ăn rẻ tiền. Từ trong sương mù nhô ra những bộ mặt của khách bộ hành, bị giá lạnh đỏ như tôm luộc, những cái mũi ngựa, nhiều mồm chó xồm xoàm đầy tuyết đóng. Những cưa sổ phủ một lớp tuyết dày trông như trát phấn, và trên mặt kính mò thấy chập chờn ánh sáng chiếu ra từ các cây Nôen thắp đèn xanh đỏ, hình bóng những người đang vui đùa trong phòng, trông như các bức tranh mờ chiếu lên mặt vải trắnh căng trước ảo đăng.

Đến phố Camecghe, Lara dừng lại.

– Không thể đi nổi nữa, gục xuống đây mất.

Câu nói bật ra thành tiếng ở miệng nàng.

– Mình sẽ lên nhà kể tất cả cho chàng biết, – nàng nghĩ thế sau khi đã trấn tĩnh và đẩy cánh cửa nặng nề của chiếc cổng lớn.

Mặt đỏ lên vì cố gắng, lưỡi đưa sang một bên má, Pasa đứng trưởc gương, đang vất vả và luồn cái cổ áo và cài chiếc khuy cứ tuột mãi, không chịu vào trong lỗ khuyết bột cứng quèo của cái yếm sơ mi. Chàng sửa soạn đi chơi, chàng còn trong sạch và thực thà đến nỗi khi Lara đẩy cửa bước vào không gõ lrước, chàng lấy làm bối rối vì bị bắt gặp đang loay hoay với cái khuy áo. Chàng nhận thấy ngay vẻ xúc động của nàng. Nàng đi không vững. Chân nàng lúng nhùng trong cái gấu váy như thể đang lội nước.

Chàng lo lắng vội chạy ra đón:

– Em làm sao thế? Có chuyện gì vậy?

– Anh hãy ngồi xuống đây với em. Cứ để nguyên áo thế mà ngồi xuống đây. Cứ mặc dở thế cũng được. Em đang vội. Đừng động đến cái bao tay. Anh đợi em chút xíu. Nào, quay mặt ra đằng kia!

Chàng nghe theo. Lara đang mặc bộ y phục kiểu Anh- cát- lợi. Nàng cởi áo jắckét, mắc lên chiếc đinh, rút khẩu súng của Rodion ở bao tay ra bỏ vào túi áo jắckét rồi trở lại ngồi trên đi- văng và bảo Pasa:
– Bây giờ anh có thể quay lại. Thắp cho em cây nến và tắt điện đi.

Lara thích trò chuyện trong ánh sáng mờ ảo của ngọn nến. Pasa luôn trữ sẵn cho nàng một bao nến còn nguyên.

Chàng thay một cây nến mới vào mẩu nến còn lại trên chân nến, đặt ở bệ cửa sổ rồi thắp lên. Một luồng ánh sáng êm dịu toả khắp phòng. Lớp băng phủ bên ngoài kính cửa sổ bắt đầu tan thành một vòng tròn đen đen.

– Anh Pasa này, – Lara nói – Em đang gặp nhiều khó khăn. Anh cần giúp em vượt qua mới được. Đừng lo sợ, cũng đừng hỏi han cặn kẽ, chỉ cần anh chớ nghĩ rằng chúng mình cũng như hết thảy mọi người. Anh đừng có sao nhãng. Em luôn luôn ở trong tình thế nguy ngập. Nếu anh yêu em và muốn em khỏi bị chết, ta nên kết hôn ngay.

– Thì anh vẫn luôn luôn ước mong điều đó mà, – Pasa ngắt lời nàng. – Em cứ định luôn bây giờ, lúc nào cũng được, anh sẵn sàng. Nhưng em thử nói qua cho anh biết, em làm sao thế đừng để anh phải đoán mò khổ lắm.

Nhưng Lara đã lảng sang chuyện khác, kín đáo né tránh câu trả lời trực tiếp Họ còn ngồi trò chuyện khá lâu, toàn là về những vấn đề chẳng đính dáng gì tới nguyên nhân gây ra nỗi buồn của Lara.

Mùa đông năm đó, Yuri bận viết một luận văn về hệ thống thần kinh võng mạc, để dự kỳ thi tuyển của trường Đại học Tổng hợp, mong đoạt huy chương vàng. Tuy chỉ học liệu pháp đại cương, song về mắt thì Yuri hiểu biết sâu xa như một bác sĩ nhãn khoa tương lai.

Hứng thú đối với môn sinh lý thị giác đó thể hiện các phương diện khác trong bản tính của chàng – năng khiếu sáng tạo và các suy tưởng của chàng về bản chất của hình tượng nghệ thuật, về cách xây dựng ý tưởng lô- gic.

Tonia và Yuri đang đi xe trượt tuyết đến dự cây Nôen ở gia đình Sventitski. Hai người đã trải qua sáu năm bên nhau từ cuối thờ thơ ấy sang tuổi thanh niên. Họ biết nhau từng li từng tí. Họ có những thói quen chung, có lối trao đổi riêng những câu ý vị ngắn ngủi và cách trả lời nhau bằng một tiếng khịt mũi nhẹ. Lúc này họ cũng đang nói chuyện với nhau theo kiếu ấy môi mím lại vì lạnh, chỉ trao đổi vào nhận xét ngắn ngủi. Và mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.

Yuri thì nhớ ra là ngày thu tuyển luận văn đã tới gần nên chàng phải khẩn trương viết cho xong, nhưng trong cảnh bận rộn của dịp lễ cuối năm, – cảnh này cảm thấy rõ ràng ngoài đường phố, – dòng suy nghĩ của chàng cứ nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác.

Các sinh viên ban Văn khoa xuất bản một tờ tạp chí in bằng máy quay tay do Misa Gordon đứng chủ bút. Cách đây đã lâu, Yuri có hứa viết cho họ một bài về Blok 2. Toàn bộ giới thanh niên ở hai kinh đô 3 đều mê thơ Blok, nhưng chàng và Misa thì mê đặc biệt.

Tuy nhiên, dòng tư tưởng của Yuri không ngừng lại ở đó. Chiếc xe vẫn chạy, hai người chúi cằm vào trong cổ áo lông, xoa xoa đôi tay cóng lạnh va mỗi người nghĩ một đằng. Song ý nghĩ của họ gặp nhau ở một điểm.

Câu chuyện xảy ra hôm rồi ở phòng bà Anna Ivanovna đã biến đổi cả hai người. Tựa hồ họ sáng ra và nhìn nhau bằng con mắt khác trước.

Tonia, người bạn cố giao, người mà Yuri vẫn tưởng mình đã hiểu vô cùng tường tận ấy, hoá ra lại là một đối tượng khó hiểu và phức tạp nhất trong số hết thảy những gì chàng có thế hình dung, – Tonia là phụ nữ. Nếu cố gắng tưởng tượng đôi chút, Yuri có thể hình dung mình là một anh hùng từng leo tới đỉnh Ararát 4 một nhà tiên tri, một người chiến thắng một cái gì cũng được, nhưng không thể là một người phụ nữ.

Thế mà cái trách nhiệm khó khăn và cao cả hơn tất thảy đó, Tonia đã nhận gánh vác trên đôi vai gầy gò, yếu ớt của nàng (giờ thì chàng thấy Tonia có vẻ mảnh dẻ, yếu đuối, dù nàng vẫn là một cô gái hoàn toàn khoẻ mạnh). Và chàng thấy tràn ngập lòng thông cảm tha thiết cùng sự ngạc nhiên dè dặt, vốn là khởi đầu của sự say mê.

Những thay đổi đúng như thế cũng đã xảy ra trong quan hệ của Tonia đối với Yuri.

Yuri nghĩ rằng họ bỏ nhà đi chơi như thế là điều không nên. Mong sao không xảy ra chuyện gì trong lúc họ vắng mặt.

Và chàng nhớ lại, khi hay tin và Anna trở bệnh, hai cô cậu lúc ấy đã sắp ra xe, bèn đến ngay phòng bà Anna xin được ở lại nhà. Một lần nữa bà Anna lại làm ầm lên, bắt cô cậu phải đi.

Yuri và Tonia luồn ra phía sau tấm màn che, chỗ khung cửa sổ lõm vào, để xem ngoài trời thế nào. Lúc họ bước ra, hai mảnh tấm màn tuyn vướng vào quần áo họ. Thứ vải màn nhẹ và dễ mắc, vướng theo Tonia mấy bước, trông như chiếc khăn choàng mỏng của cô dâu. Ai nấy cười rộ lên. Chưa ai nói gì, song mọi người trong phòng lúc này đều có liên tưởng như vậy Yuri nhìn quanh và thấy đúng những gì lúc nãy, trước chàng, Lara đã thấy. Tiếng động do xe trượt tuyết của họ phát ra ồn ào đến mức phi tự nhiên, và cứ vang vọng quá lâu dưới những hàng cây bị tuyết phủ ở trong vườn và ngoài phố.

Những cửa sổ có ánh sáng bên trong chiếu ra qua lớp tuyết bám trên mặt kính, giống như những hộp trang sức đựng toàn loại ngọc tôpát màu khói. Bên trong các cửa sổ ấy là sinh hoạt ấm cũng, thiêng liêng của Moskva, với những cây thông ngày lễ sáng nhấp nháy, có khách khứa tụ họp nhau, mang mặt nạ, vui đùa như điên và chơi trò ú tim, tìm vòng.

Bỗng Yuri chợt nghĩ rằng Blok chính là hiện tượng Lễ Giáng sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống nước Nga, trong sinh hoạt của thành phố phía Bắc 5 và trong văn chương hiện đại dưới bầu trời đầy sao của đường phố thời nay và quanh cây nến sáng trưng ở phòng khách của thế kỷ này. Yuri cho rằng khỏi cần bất cứ bài báo nào về Blok, mà chỉ nên vẽ cảnh sùng kính các vị pháp sư theo kiểu người Nga, tương tự các bức hoạ của người Hà Lan, có băng tuyết, lũ thó sói và cánh rừng thông âm u.

Xe chạy trên đường Camecghe, Yuri chú ý đến hốc mắt đen giữa đám tuyết bao phủ một cửa sổ. Ánh lửa của cây nến rọi qua hốc mắt ấy, chiếu xuống đường phố như một ánh mắt có ý thức tựa hồ ngọn lửa dõi theo khách qua lại để rình bắt ai vậy “Cây nến cháy sáng trên bàn. Cây nến cháy sáng”… – Yuri thầm thì đoạn mở đầu một cái gì mơ hồ, chưa thành hình, với hy vọng phần tiếp theo sẽ tự nó đến một cách thoải mái, khỏi gượng ép. Nhưng nó không đến.

Không biết từ thời nào, cây Nôen ở gia đình Sventitski được tổ chức theo kiểu này: quãng mười giờ, khi trẻ con đã đi ngủ, sẽ thắp cây Nôen thứ hai cho thanh niên và người lớn để vui chơi đến sáng. Những người đứng tuổi thì đánh bài suốt đêm trong phòng khách kiến trúc theo kiểu Pompê, ba phía là tường, nối dài phòng lớn và dược ngăn cách bằng một tấm màn che dày, nặng, mắc vào các vòng lớn bằng đồng. Rạng sáng thì tất cả cùng dùng bữa tối.

– Sao anh chị đến muộn thế? – Cậu Giooc, cháu của ông bà Sventitski, hỏi hai người. Cậu ta chạy qua cửa chính vào buồng trong để gặp chủ nhân. Yuri và Tonia cũng quyết dịnh vào đó chào ông bà chủ nhà: nhân lúc đang cởi áo, hai người ngó vào phòng khách lớn.

Một cây thông khoác mấy dãy đèn sáng rực xung quanh hta hồ đang thở ra những luồng hơi nóng. Những người không dự cuộc khiêu vũ thì đang đi lại sát gót nhau mà trò chuyện bên cây thông, tạo thành mọt bức tường đen, giữa tiếng áo quần sột soạt.

Ở vòng trong, những người khiêu vũ đang quay cuồng một cách hăng hái. Koka Kornakov, học trò trường lít- sê 6, con ngài Phó trưởng lý, đứng ra điều khiển cuộc khiêu vũ chỉ huy mọi người quay tròn, xếp thành ìtng cặp hoặc thành chuỗi dài nắm tay nhau. Cậu ta gào tướng lên từ đầu đến cuối phòng: “Grand rond! Chaine chinoise!” 7. Mọi người tuân theo răm rắp. “Une valse, sil vous plait!” 8, cậu ta hét về phía người chơi đàn, đoạn ở đầu vòng một cậu ta dẫn cô bạn nhảy của mình “à trois temps, à deux temps” 9, mỗi lúc một chậm dần và bớt đà, cuối cùng chỉ còn giẫm nhẹ chân tại chỗ, như tiếng vang sắp tắt của bài valse. Và tất cả vỗ tay, rồi người ta bưng kem và nước giải khát ra cho đám người ồn ào náo động ấy. Các cô các cậu tạm ngừng cười nói một lát, uống lấy uống để các ly nước quả ép, nước chanh ướp lạnh và vừa đặt ly xuống khay đã lại cười nói hò la gấp mười lần trước, tựa hồ uống phải chất gây cười.

Tonia và Yuri không ghé vào phòng khách, mà đi vào phòng của ông bà chủ ở phía trong.

Các phòng riêng của ông bà Sventitski ngổn ngang những đồ đạc mà người ta chuyển từ phòng khách vào phòng lớn cho rộng chỗ. Nơi đây là “cái bếp” thần diệu của chủ nhân, là khi chứa các món quà Nôen kỳ lạ, thoang thoảng mùi sơn và hồ dán, bừa bộn các cuộn giấy màu và hàng dống những cái hộp đựng các ngôi sao và nến dự trữ để trang trí cây thông Nôen.

Hai ông bà Sventitski đang ghi chữ số vào các món quà, tên người lên những mảnh giấy cứng chỉ chỗ ngồi ở bàn ăn và viết các vé xổ số. Giúp phụ một tay có Giooc, nhưng anh ta thường nhầm lẫn khi đánh số, khiến hai ông bà càu nhàu bực bội. Thấy Yuri và Tonia đến, hai ông bà mừng ghê ghớm. Họ biết cô cậu từ thời cô cậu còn nhỏ, nên không khách sáo gì hết, họ trao ngay công việc đó cho cô cậu.

– Bà Felisata nhà tôi không hiểu rằng những việc này phải liệu từ trước, ai lại để đến lúc khách mời đã tới giữa cuộc vui mới làm. ối chà chà, cái cậu Giooc ngớ ngẩn này lại đánh số lộn rồi! Đã bảo là các hộp kẹo đã đầy thì để lên bàn, còn hộp không thì đặt xuống đi- văng, thế mà ông tướng lại để lẫn lung tưng.

– Bác rất mừng là bệnh tình của bà Anna đã thuyên giảm, bà Felisata nói. – Hai bác ở đây lo cho bà ấy quá.

Vâng, nhưng bà nó ơi, bà Anna đang mỗi ngày một yếu thêm, bệnh tình nguy hiểm hơn, bà nó có hiểu không, vậy mà bà nó toàn nói devant – derriece 10.

Yuri và Tonia bị cầm chân ở nhà trong với Giooc và hai ông bà già tới nửa buổi dạ hội.

Suốt thời gian hai người ở nhà trong với ông bà Sventitski, thì Lara ở ngoài phòng lớn. Nàng không ăn vận theo kiểu đi dự khiêu vũ và nàng cũng chẳng quen biết ai ở đây Song lúc thì nàng vô tình như người trong mộng, để cho Koka Kornakov kéo nàng nhảy, lúc thì nàng cứ thơ thẩn khắp phòng như một kẻ mất hồn.

Đã một đôi lần nàng do dự dừng chân, ngập ngừng ở cửa phòng khách, hy vọng Komarovski đang ngồi quay mặt ra, sẽ trông thấy nàng. Nhưng hắn cứ chăm chú nhìn cỗ bài cầm trong tay trái, giơ phía trước mặt như tấm mộc chắn; hoặc hắn không nhìn thấy nàng thực, hoặc hắn giả vờ không thấy. Lara nghẹn thở vì giận. Lúc ấy, một cô gái mà Lara không quen biết, từ phòng lớn bước vào phòng khách. Komarovski dưa mắt ngắm cô ta, – cái nhìn ấy Lara đã biết thừa từ lâu. Cô ta sung sướng mỉm cười với hắn, mặt đỏ ửng lên, có vẻ hớn hở. Thấy vậy Lara, suýt kêu lên thành tiếng. Mặt nàng đỏ bừng vì xấu hổ, đỏ đến cả trán và cổ. “Một nạn nhân nữa”, – nàng nghĩ. Như trong một tấm gương, Lara nhìn thấy mình với toàn bộ câu chuyện yêu đương của mình. Nhưng nàng vẫn chưa bỏ ý định nói chuyện với Komarovski, và quyết đợi lúc thuận tiện hơn sẽ thi hành kế hoạch của mình. Nàng cố trấn tĩnh và trở lại phòng lớn.

Chỗ bàn chơi bài của Komarovski còn ba vị nữa. Một vị ngồi ngay cạnh hắn là cha của gã thanh niên ăn mặc đỏm dáng học trò trường lít- sê, vừa mời nàng nhảy điệu valse. Lara đã kết luận như vậy sau đôi ba câu trao đổi với cậu ta lúc nhảy quanh phòng. Còn cái bà cao cao, tóc đen, mặc bộ đỏ đen, cặp mắt lbng lanh quái dị, cổ ngỏng lên như cổ rắn, trông rõ chướng, chốc chốc lại từ phòng khách qua phòng lớn, nơi con trai bà ta đang hăng hái hoạt động, rồi lại chạy sang phòng khách, nơi ông chồng đang chơi bài, thì chính là mẹ của Koka Kornakov. Sau cùng, Lara vô tình được biết cô gái đã khuấy dục quá khứ trong lòng nàng lúc nãy chính là em gái Koka và những ước đoán của nàng về cô ta là vô căn cứ.

“Kornakov”, – Koka ngay từ đầu đã tự giới thiệu tên mình với Lara. Nhưng nàng nghe chưa rõ. “Kornakov”, cậu ta nhắc lại lần nữa, khi đã lướt xong vòng cuối cùng và đưa nàng về ghế, cúi chào nàng.

Lần này thì Lara nghe rõ – Kornakov, Kornakov, – nàng ngẫm nghĩ – Cái tên này nghe quen quen. Gợi nhớ một điều không hay. Rồi nàng cũng nhớ ra. Kornakov là lão phó biện lý ở Viện tư pháp Moskva. Chính lão ta đã đọc bản cáo trạng kết tội nhóm công nhân hoả xa, trong đó có bác Tiverzin. Lara từng nhờ ông Lavrenti Kologrivov đến gặp lão ta để tìm cách lấy lòng và dẹp bớt sự hung hăng của lão ta tại phiên toà, nhưng không có kết quả. “À ra thế! Thế. Thế đấy. Kỳ thật đấy, Kornakov. Kornakov”.

Lúc ấy, có lẽ khoảng một hay hai giờ sáng, Yuri thấy ù tai.

Sau khi tạm nghỉ để khách khứa sang phòng ăn dùng nước trà với bánh ngọt, cuộc khiêu vũ lại tiếp tục. Bây giờ, khi nến trên cây thông sắp lụi, không ai đến thay cây mới nữa.

Yuri lơ đãng đứng giữa phòng, nhìn Tonia nhảy với một người lạ. Khi ngang qua chỗ Yuri, nàng dùng chân hất cái đuôi áo quá dài của nàng cho nó quật lại phía sau rồi, như một con cá nàng lặn biến vào đám đông đang khiêu vũ.

Nàng nhảy rất hăng. Trong lúc tạm nghỉ, ngồi bên phòng ăn, Tonia không uống trà, chỉ ăn quít cho đỡ khát, nàng luôn tay bóc các mảnh vỏ quít thơm phức. Chốc chốc, nàng lại rút trong thắt lưng hoặc tay áo ra một chiếc mùi- xoa vải ba- ht nhỏ xíu như một đoá hoa của loài cây ăn quả, để lau các giọt mồ hôi hai bên khoé miệng và giữa các ngón tay dính dâm dấp.

Rồi vừa nói luôn miệng, nàng lại, như một cái máy, nhét mảnh khăn vào thắt lưng hoặc vào nẹp áo. Lúc này nàng đang nhảy với một người không quen biết.

Mỗi khi quay người đụng phải Yuri khiến chàng né ra và nhíu mày, Tonia lại tinh nghịch bóp khẽ cánh tay chàng và mỉm cười đầy ý nghĩa. Trong một lần bóp tay như thế, chiếc mu- soa của nàng ở lại trong lòng bàn tay Yuri. Chàng áp khăn lên môi và nhắm mắt lại. Chiếc khăn toả mùi thơm của vỏ quýt hoà với mùi bàn tay nóng hổi của Tonia, thành một thứ mùi đặc biệt, đầy quyến rũ. Đây là điều mới mẻ trong đời chàng, chàng chưa cảm thấy nó bao giờ, nó xuyên vào người chàng từ đầu xuống chân. Mùi thơm ấy có cái ngây thơ của trẻ con, cái tha thiết thân tình và hợp lý như một lời thì thầm trong bóng tối.

Yuri đứng đó, áp mặt vào chiếc khăn trong lòng bàn tay mà thở.

Đột nhiên có tiếng súng nổ vang trong nhà.

Mọi người đều quay về phía tấm màn che ngăn cách phòng lớn với phòng khách. Sau một phút yên lặng, người ta bắt đàu nhốn nháo. Ai nấy chạy đi chạy lại và kêu lên. Một số chạy theo Koka Kornakov về phía vừa phát ra tiếng súng.

Nhưng từ phòng khách người ta cũng đang dồn ra, có tiếng đe doạ, tiếng la khóc, tiếng cãi cọ, ngắt lời nhau.

– Sao cô ấy lại làm thế? Sao cô ấy lại làm thế? – Komarovski nhắc đi nhắc lại một cách tuyệt vọng.

– Boris, ông vẫn sống chứ? Boris, ông còn sống đấy chứ? – bà vợ Kornakov kêu lên như điên. – Người ta bảo có bác sĩ Drokov trong số khách mời ở đây. Vậy ông ấy đâu? Ông Drokov đâu? Trời ơi, cứ mặc tôi. Các vị ấy cho rằng chỉ bị sây sát nhưng đối với tôi, đấy là lẽ sống của cả cuộc đời tôi. Trời ơi. Ông Boris, khổ thân ông, một người dám vạch mặt chỉ tên cái lũ tội phạm ấy! Nó đấy, đúng cái con ấy đấy, đồ chó, bà thì móc mắt mày ra, con khốn nạn. Giờ thì mày hết đường chạy trốn! Ông Komarovski, ông bảo sao kia? Nó định nhắm vào ông? Không, tôi không thể chịu.

Ông Komarovski, tôi đang đau khổ thế này, xin ông đừng nói vậy, tôi chẳng còn bụng dạ nào nghe ông nói đùa. Koka ơi, con nghĩ sao? Nó bắn ba con… Phải. Nhưng ơn Chúa che chở… Koka, Koka!

Đám đông từ phòng khách tuồn sang phòng lớn. Ông phó biện lý Boris Kornakov đi giữa họ, lớn tiếng nói đùa và quả quyết với mọi người rằng ông chẳng bị sao cả. Một chiếc khăn ăn sạch sẽ ấp lên chỗ xước da rơm rớm máu ở bàn tay trái của ông. Giữa một nhóm khác ở phía sau một chút, người ta đang nắm chặt tay Lara dẫn đi.

Yuri sửng sốt khi nhìn thấy nàng. Đúng nàng rồi. Và lần này cũng lại trong một hoàn cảnh lạ lùng. Cũng vẫn gã đàn ông tóc hoa râm kia! Nhưng bây giờ thi Yuri đã biết ông ta. Đó là luật sư Komarovski nổi tiếng, có dính líu tới vụ kiện tụng về gia tài Zhivago. Người ta có thể không chào nhau, nên ông ta và Yuri làm ra vẻ không quen biết nhau. Còn nàng, hoá ra chính nàng đã nổ súng ư? Vào ông phó biện lý? Có lẽ, nàng là một người hoạt động chính trị. Tội nghiệp. Nàng sẽ bị hành hạ mất thôi. Nàng đẹp quá, đẹp một cách kiêu kỳ. Còn tụi kia? Chúng đang bẻ quặt tay nàng mà điệu đi như một tên ăn cắp bị bắt quả tang!

Nhưng Yuri thấy ngay là mình lầm. Lara đứng không vững. Người ta phải dìu nàng để nàng khỏi ngã khuyu, và phải vất vả lắm mới dìu được nàng tới chiếc ghế bành gần nhất nàng gục ngay xuống.

Yuri đã chạy tới chỗ nàng, định làm cho nàng tỉnh lại, nhưng chàng nghĩ rằng trước hết nên tỏ vẻ quan tâm đến người được coi là nạn nhân của cuộc mưu sát thì tiện hơn.

Chàng bèn lại gần Kornakov và nói:
– Vừa rồi người ta muốn tìm một bác sĩ. Tôi có thể giúp ông được. Xin ông cho tôi xem tay. Ô, ông may mắn lắm.

– Không sao cả, tôi thấy chẳng cần phải băng bó nữa. Tuy nhiên bôi một chút i- ốt thì tốt hơn. À, bà Felisata đang tới kìa. Rồi, để hỏi xem nhà có sẵn i- ốt không?

Bà Felisata và Tonia đang rảo bước đến chỗ Yuri. Cả hai đều thất sắc. Họ bảo chàng hãy bỏ tất cả đấy và đi mặc áo khoác ngay, người nhà đến tìm chàng và Tonia, ở nhà có chuyện chẳng lành. Yuri sợ hãi, đoán rằng đã xảy ra điều tệ hại nhất. Chàng quên hết mọi sự trên đời, chạy vội đi mặc áo ngoài.

Khi hai người về đến phố Sipsep- Vragiec, qua cổng lớn chạy bổ lên nhà, bà Anna Ivanovna đã tắt thở. Thần chết đã tới cách đây mười phút. Bà chết vì một cơn nghẹn thở kéo dài, hậu quả của bệnh phù phổi cấp tính không được phát hiện kịp thời. Mấy giờ đầu tiên, Tonia gào khóc như điên, vật vã trong những cơn mê sảng, không còn nhận biết bất cứ ai. Hôm sau nàng tỉnh hơn, chịu nghe lời khuyên dỗ của cha và của Yuri, nhưng nàng chỉ có thể trả lời bằng cách gật đầu, vì mỗi lần nàng há miệng ra thì cơn đau khổ lại dâng lên, mạnh như cũ, và những tiếng kêu gào lại tự bật ra trong lồng ngực cứ như thể nàng bị quỷ ám.

Sau mỗi bài kinh cầu hồn, nàng lại quỳ phục hàng giờ cạnh thi thể mẹ, hai cánh tay to đẹp ôm vòng lấy một góc quan tài cùng với mép chiếc mễ kê bên dưới và các vòng hoa phủ bên trên. Nàng không để ý đến những người xung quanh.

Nhưng khi mắt nàng chợt gặp ánh mắt của những người thân, thì nàng vội vã đứng dậy, bước vội ra ngoài, cố nén tiếng khóc nức nở, bỏ chạy về phòng riêng ở trên lầu, rồi nằm vật xuống giường mà trút ra gối cơn tuyệt vọng đang sôi sục trong lòng.

Nỗi đau buồn, những giờ phút đứng túc trực bên linh cữa, sự thiếu ngủ, những bài kinh cầu hồn vang trầm, ánh sáng chói mắt của những cây nến đốt suốt đêm ngày và bệnh cảm lạnh mà chàng bị nhiễm trong mấy hôm đó đã dẫn đến trạng thái lộn xộn êm dịu, mê sảng, thanh thoát và bi ai phấn chấn trong tâm hồn Yuri.

Mười năm về trước, khi mẹ chàng qua đời, chàng còn là một cậu bé. Chàng vẫn nhớ khi ấy chàng đã khóc sướt mướt vì đau khổ và khinh sợ như thế nào. Nhưng bây giờ điều cốt yếu không phải là chàng. Bấy giờ chàng mới chỉ hiểu lờ mờ rằng có một Yuri nào đấy và cái tay Yuri ấy chính là chàng, cái tay Yuri ấy hiện hữu một cách riêng biệt và đáng được lưu tâm hoặc có đôi chút giá trị. Bây giờ, điều cốt yếu là cái đang hiện diện ở xung quanh, ở bên ngoài chàng. Thế giới bên ngoài vây bọc chàng, hiểm trở và hiển nhiên như một khu rừng, và Yuri đã bị chấn động trước cái chết của mẹ chàng đến thế, chính là vì hai mẹ con chàng bị lạc vào khu rừng đó, thế mà bỗng chốc chàng bơ vơ một thân một mình, không thấy mẹ đâu nữa. Hợp nên khu rừng ấy là tất cả mọi sự vật trên thế gian – những đám mây, những biển cửa hiệu trong thành phố, những quả cầu trên chòi gác cứu hoả, những người phi ngựa đằng trước chiếc kiệu Đức Mẹ Đồng Trinh (đầu họ để trần, chỉ dùng có miếng vải che tai thay vì đội mũ). Hợp nên khu rừng ấy là tủ kính các cửa hàng trong các siêu thị, là bầu trời đêm cao thăm thẳm với các ngôi sao, với Chúa và các Thánh.

Cái bầu trời cao thăm thẳm ấy đã sà xuống phòng con nít của chàng, thấp đến nỗi đỉnh của nó chạm vào vạt áo của chị vú em, khi chị kể đến một điều gì thiêng liêng. Lúc ấy nó trở nên gần gũi và quen thuộc như ngọn cây phi tử lúc người ta vin cành nó xuống khe mà hái quả. Nó dường như ngâm mình trong chiếc chậu mạ vàng ở phòng con nít của chàng và sau khi đã tắm trong lửa và vàng, nó hoá thành bài kinh ban mai hoặc buổi lễ misa ở cái nhà thờ nhỏ mà mà chị vú em dẫn chàng tới. Ở đấy những ngôi sao trời thở thành những ngọn đèn thờ, Chúa Trời biến thành Cha, và tất cả mọi người đều có chức sắc tương xứng với năng lực. Nhưng điều chủ yếu là cái thế giới có thực của người lớn và cái thành phố vây bọc chàng như một khu rừng âm u. Hồi đó, Yuri tin vào vị Chúa của khu rừng ấy, như tin vào người kiểm lâm, với tất cả lòng tin mù quáng của mình.

Bây giờ thì khác hẳn. Trong mười hai năm học vừa qua, ở trường phổ thông và đại học, Yuri đã nghiên cứu thời thượng cổ và kinh bổn, các truyền thuyết và các thi nhân, các khoa học về quá khứ và về thiên nhiên, như người ta tìm hiểu tập ký sự gia đình hay tập gia phả. Bây giờ chàng chẳng phải sợ gì hết, cả sự sống lẫn cái chết, mọi thứ trên đời, mọi vật hiện hữu đều là câu chữ trong ngữ vựng của chàng. Chàng cảm thấy mình đứng ngang hàng với vũ trụ và đã dự các giờ kinh cầu hồn cho bà Anna Ivanovna với thái dộ khác hẳn so với hồi người ta làm lễ cầu hồn cho mẹ chàng. Ngày ấy chàng mê muội đi vì đau đớn, chàng run rẩy cầu nguyện. Còn bây giờ chàng coi buổi lễ này như bản thông báo trực tiếp hướng tới chàng và liên quan trực tiếp đến chàng. Chàng lắng nghe bài kinh và đòi nó phải có ý nghĩa rõ ràng, như người ta đòi hỏi điều đó ở mọi việc làm bất kỳ. Và không hề có chút sùng đạo nào trong cảm giác kế thừa của chàng đối với những sức mạnh tối cao của trời và đất những sức mạnh mà chàng từng nghiêng mình kính cẩn trước chúng như trước các bậc tiền bối vĩ đại của chàng.

“Lạy Chúa chí thánh lạy Chúa quyền phép, lạy Chúa là Đấng bất diệt, xin hãy thương lấy chúng con”. Cái gì vậy?
Chàng đang ở đâu thế này? Lễ đưa tang. Người ta đang cử hành lễ đưa tang. Tỉnh dậy đi thôi. Lúc hơn năm giờ sáng, chàng đã nằm vật xuống cái đi- văng này, quần áo vẫn để nguyên. Chắc là chàng lên cơn sốt. Mọi người tìm kiếm chàng khắp nhà, và không ai đoán biết chàng đang ngủ mê mệt trong một cái góc kín đáo, bị lấp đằng sau những giá sách cao đến tận trần nhà.

“Yuri! Cậu Yuri ơi!” – tiếng bác canh cổng Macken gọi chàng ở đâu đây, ngay gần chỗ chàng nằm. Lễ di cữu đã bắt đầu bác Macken phải mang các vòng hoa xuống đường, thế mà bác hm kiếm mãi vẫn chẳng thấy Yuri, đã vậy bác lại còn bị nhốt trong phòng ngủ, nơi các vòng hoa chất cao như núi, vì cánh cửa tủ quần áo tự dưng mở ra chặn mất lối ra vào.

– Macken! Macken! Yuri! – người ta đang gọi ở nhà dưới.

Macken lập tức thanh toán cái chướng ngại vật chắn đường và bưng mấy vòng hoa chạy xuống cầu thang.

“Lạy Chúa chí thánh, lạy Chúa quyền phép, lạy Chúa là đấng bất diệt”, – tiếng kinh trầm dịu vang vang trên đường phố và đọng lại ở đó, tựa hồ người ta dùng một chiếc lông đà điểu phe phẩy trong không trung khiến tất cả đều đang đung đưa: những vòng hoa và khách qua đường, những- đầu ngựa có chòm lông cắm trên, bình hương ở đầu sợi dây trong tay vị linh mục, đất trắng tuyết dưới chân.

– Yuri! Trời ơi, đây rồi. Dậy đi chứ, cậu cả, – bà Sura Sledinghe cuối cùng cũng đã tìm ta chàng và đang lay gọi. – Cậu làm sao thế? Lễ đưa tang rồi. Cậu đi cùng chúng tôi chứ?
Tất nhiên rồi.

Nghi lễ cầu hồn đã chấm dứt. Đám người hành khất đứng sát vào nhau thành hai hàng, cứ giậm hết chân nọ đến chân kia cho đỡ rét. Chiếc xe tang, chiếc xe ngựa trần chở các vòng hoa, chiếc xe của gia đình Cruyghe lúc lắc, từ từ chuyển bánh.

Những người xà ích tiến lại gần cửa nhà thờ hơn. Bà Sura Sledinghe bước ra, nước mắt đầm đìa, vén chiếc mạng ướt lên và đưa mắt nhìn những người xà ích đang đứng thành một hàng dài, như bà muốn kiếm tìm ai. Lúc bà trông thấy những người phu khiêng của sở mai táng, bà hất hàm gọi họ và dẫn họ vào trong nhà thờ, số người từ trong nhờ thờ bước ra mỗi lúc một đông.

– Thế là đã đến lượt bà Anna Ivanovna. Bà ấy đã bỏ chúng ta, tội nghiệp, bà ấy đã rút phải tấm vé đi xa.

– Phải, thế là bà ấy đi khuất rồi, tội nghiệp. Thôi từ rày bà ấy sẽ được yên nghỉ.

– Bà chị có xe riêng hay là đi xe số mười một?

– Đứng lâu chồn cả chân. Ta đi bộ một quãng rồi hãy lên xe.

– Bà chị có để ý đến thái độ của lão Phupkov không? Lão ta cứ nhìn xác bà Anna mà khóc sướt mướt, sụt sịt mãi. Trong khi chồng bà Anna đứng ngay ở đấy…

– Thì suốt đời lúc nào lão ta cũng theo đuổi bà ấy mà lại.

Người ta trao đổi với nhau những chuyện đại loại như thế trong khi đến nghĩa địa ở cuối thành phố.

Hôm nay là cao điểm của một đợt rét dữ dội. Một ngày nặng nề bất động, một ngày cóng lạnh ghê gớm, không còn sức sống, một ngày mà thiên nhiên dường như đã tự định trước cho tang lễ. Lớp tuyết hơi bẩn tựa hồ rọi qua lớp vải đang buông rủ; từ đằng sau các hàng rào, những cây thông ướt át, tối sẫm như thứ bạc bị ố, nhìn ra, trông như chúng khoác bộ đồ tang 11.

Nghĩa địa đáng ghi nhớ đằng xa kia cũng chính là nơi đã mai táng bà Maria Nicolaevna. Mấy năm gần đây, Yuri không ra thăm mộ mẹ. “Mẹ ơi?” – Từ xa nhìn về phía mộ mẹ, chàng thầm thì gọi với một giọng gần giống như thuở nào.

Những người đi đưa đám trịnh trọng tách ra thành ừng nhóm, bước vào những lối nhỏ được quét dọn sạch sẽ, chạy ngoằn ngoèo khúc khuỷu không hợp cho nhịp bước đều đều bi ai. Ông Alexandr cầm tay dìu Tonia. Nàng bận đồ tang rất hợp. Đi sau là gia đình Cruyghe.

Băng giá lồm xồm như rêu mốc phủ trên các chỏm hình vòm của những cây thánh giá và trên các bức tường màu hồng của tư viện. Ở một góc sân kín đáo của tu viện, trên những sợi dây chăng từ tường bên này sang tường bên kia để phơi quần áo có những chiếc sơ mi ống tay nặng trĩu, những tấm khăn trải bàn màu hoa đào, khăn trải giường giăng lệch và vắt nưởc chưa kỹ. Yuri nhìn kỹ về phía đó và chàng nhận ra đấy là địa điểm trên khu đất của tu viện, nơi năm xưa chàng từng thấy cơn bão tuyết hoành hành, nay đã xây sửa mới thêm.

Yuri đi nhanh một mình, vượt trước những người khác nên thỉnh thoảng phải dừng chân để chờ họ. Để đáp lại sự huỷ hoại do cái chết gây ra trong đám người đang chậm bước ở đằng sau chàng, chàng muốn mơ ước và suy nghĩ, gọt giũa các hình thức, sáng tạo nên cái đẹp, và ý muốn của chàng là khẩn thiết, không gì ngăn cản được, như nước cứ cuồn cuộn trong phễu đòi chảy xuống dưới. Hơn lúc nào hết, giờ đây chàng hiểu rõ rằng nghệ thuật bao giờ cũng theo đuổi hai mục đích.

Nó luôn luôn suy ngẫm về cái chết và qua đó, luôn luôn sáng tạo ra sự sống. Nghệ thuật cao cả, nghệ thuật chân chính, cái được gọi là sách Khai thị 12 của thánh Giăng, và cái đang viết cuốn sách đó cho trọn vẹn.
Yuri đã nếm trước cái thú, khi mà chàng được thoát khỏi khung cảnh ở gia đình và ở trường đại học vài ba ngày, đã viết các vần thơ tưởng nhớ hương hồn và Anna Ivalôpna, và chàng sẽ đưa vào đó tất cả những ý tưởng nảy ra trong óc chàng lúc ấy, tất cả những điều ngẫu nhiên, tình cờ mà cuộc sống sẽ gợi ý cho chàng: đôi ba nét đặc sắc, đáng quý của bà Anna quá cố, hình ảnh Tonia trong bộ tang phục; vài quan sát về đường phố khi từ nghĩa địa trở về; những thứ khăn áo phơi ở chỗ xưa khi bão tuyết rừng rú rít trong đêm tối và cậu bé Yuri từng khóc nức nở.

1 Olex, một ông hoàng xứ Kiev bị một con rắn từ đầu con ngựa quý của ông chui ra cắn chết “Con tuấn mã Olex” là đầu đề một bài thơ dài của Puskin.
2 A. A. Blok (1880 – 1921), nhà thơ Nga nổi tiếng.
3 Ngụ ý Petersburg và Moskva.
4 Ngọn núi lửa, cao 5165 mét ở Thổ Nhĩ Kỳ, giáp giới Armenia và Iran.
5 Ngụ ý thành Petersburg, nơi Blok sống.
6 Loại trường trung học dành cho con em quý tộc ở nước Nga cũ.
7 Pháp văn trong nguyên bản “Vũng rộng? Chuỗi xích Tàu!”.
8 Pháp văn trong nguyên bản “Hãy chơi điệu Valse”.
9 Pháp văn trong nguyên bản “Vào nhịp ba, vào nhịp hai”.
10 Pháp văn trong nguyên bản “Ngược hẳn lại”.
11 Ở châu Âu, màu đen là màu tang tóc.
12 Sách Khải thị của Giăng một trong những sách Tân ước, tác phẩm văn chương cổ nhất của Kitô giáo còn giữ lại được. Chứa đựng những lời tiên tri về “ngày tận thể” “ngày phán xử cuối cùng” phản ánh tâm trạng nổi loạn của dân cư những tỉnh phía đông bị Nhà nước La Mã đô hộ.

Trước
image
Chương 3
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!