Bên ngoài, Klemmer để mặc mái tóc vàng phấp phới phía sau, trong khi lao vào nhà xí nam, nơi cậu hứng nửa lít nước thẳng từ vòi vào miệng. Nhưng với cơ thể chịu nước của cậu thì không có sự tàn phá nào quá lớn. Cậu xối nước tung tóe vào mặt. Dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn xuống, dòng nước trong sạch chảy từ đầu nguồn và dừng ở mặt Klemmer. Tất cả những gì đẹp đẽ ta đều kéo vào bùn, cậu thầm nghĩ. Dòng nước lừng lẫy nhưng ngày nay hơi chút độc hại của thành Vienne đã bị lãng phí. Klemmer kỳ cọ bàn tay với sức mạnh mà lúc này chàng không biết dùng cho việc gì khác. Chàng lấy nước rửa lá vân sam màu xanh miễn phí – luôn luôn thêm chút nữa và lai chút nữa. Cậu phun và súc òng ọc. Cậu lặp lại quá trình rửa ráy. Cậu vẩy tay tứ tung rồi dội nước cả vào đầu.
Miệng cậu phát ra những âm thanh nhân tạo ngoài vẻ nghệ thuật ra không mang một ý nghĩa nhất định nào. Vì cậu đang thất tình. Cũng vì nguyên do này, cậu bẻ ngón tay và vặn khớp. Cậu ngược đãi bệ tường phía dưới cửa sổ đóng kín nhìn ra sân sau những mũi giầy, nhưng chàng cũng không giải thoát được những gì đang kìm giữ trong mình. Một vài giọt từ trên người cậu bắn ra, nhưng phần còn lại vẫn trong thùng chứa và đang dần thiu rữa, vì cậu không đến được với nửa kia bến đậu đích thực của mình. Vâng, không nghi ngờ gì nữa, Walter Klemmer yêu thật rồi! Thật ra không phải lần đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải lần cuối cùng. Nhưng cậu không được đáp lại.
Cảm giác của chàng không được trả lời. Điều đó làm chàng ghê tởm và chứng minh bằng cách khạc đờm ra và nhổ thật vang vào bệ rửa mặt. Nhau thai tình yêu của Klemmer. Cậu văn chặt vòi nước đến mức người đến sau ở vòi này chắc chắn không thể mở được ra, trừ phi anh ta cũng là một người chơi dương cầm và do vậy có khớp xương và những ngón tay cứng như thép. Vì không được dội đi nên phần đờm còn sót lại do Klemmer nhổ ra vẫn lơ lửng ở chỗ thoát nước – ai nhìn rõ, thấy nó rõ.
Ngay lúc đó, một sinh viên dương cầm (hoặc đại khái cùng loại) mặt tái như xác chết lao vào – ngay sau bài thi vượt rào – một trong các phòng và nôn thốc tháo vào bệ xí, hệt như một thảm họa tự nhiên. Một trận động đất đang cuộn trào trong cơ thể cậu, quá nhiều thứ đã sụp đổ, bao gồm cả kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Cậu thí sinh đã kìm nén lo âu quá lâu vì cuối cùng thầy hiểu trưởng cũng có mặt trong kỳ thi. Bây giờ thì lo âu mạnh mẽ đòi lại vị trí của nó, bắn thẳng vào hố xí. Cậu thí sinh làm hỏng khúc nhạc nửa cung, ngay khi bắt đầu cậu đã chơi với nhịp điệu gấp đôi, chẳng ai cứu giữ được cả Chopin cũng chịu. Klemmer khinh bỉ nhìn cửa phòng vệ sinh đang đóng, đằng sau cậu bạn đồng môn đang đấu tranh với Tào Tháo đuổi. Một nghệ sĩ dương cầm chịu ảnh hưởng quá lớn bởi cơ thể, không thể làm nên cơm cháo gì khi biểu diễn. Chắc chắn nó coi âm nhạc chỉ như một công cụ và coi trọng một cách không cần thiết khi một trong mười dụng cụ cầm tay của nó trở nên vô dụng. Giai đoạn này Klemmer đã vượt qua, cậu chỉ quan tâm nhiều đến nội dung thực sự bên trong mỗi bản nhạc. Thí dụ cậu thấy chẳng có gì cần phải bàn cãi về tính mạnh tăng tiến trong các bản Sonate cho dương cầm của Beethoven, vì người ta phải cảm nhận lấy nó, gợi ý cho thính giả nhiều hơn là chơi nó. Klemmer thậm chí còn tiết kiệm được hàng giờ về giá trị tinh thần của một bản nhạc, điều thật ra rất gần tầm với nhưng chỉ những người dũng cảm nhất chạm được đến. Nó tới từ những biểu hiện và cảm giác chứ không chỉ mỗi cấu trúc. Cậu nhấc cao túi nhạc và – để nhấn mạnh luận đề của mình – thả thật mạnh vài lần xuống bệ sứ rửa mặt, để tiêu nốt chút sức lực cuối cùng – lỡ chẳng may còn sót lại. Nhưng Klemmer hoàn toàn trống rỗng – như cậu để ý thấy. Câu đã tiêu phí hoàn toàn cho người đàn bà này, Klemmer nói theo một tiểu thuyết lừng danh. Cậu đã làm mọi điều với nàng. Bây giờ ta phải vượt qua, Klemmer nói. Cậu đã dâng cho nàng phần tốt đẹp nhất của mình, cũng chính là tất cả con người cậu. Cậu thậm chí còn diễn giải nhiều lần về con người mình. Bây giờ cậu chỉ còn mong ước một điều duy nhất, ngày nghỉ cuối tuần bơi thuyền thật khỏe, để tìm lại mình. Có thể Erika Kohut đã quá tàn héo để có thể hiểu cậu. Cô ta chỉ nắm được một vài phần chứ không phải toàn bộ con người vĩ đại.
Đứa học sinh chơi hỏng bản nhạc nửa cung lê ra khỏi phòng vệ sinh và đứng trước gương. Được an ủi đôi chút từ hình ảnh phản chiếu mờ mờ, nó vuốt tóc điệu nghệ, cái vuốt cuối cùng để cân bằng lại những gì đôi tay nó đã không thể. Walter Klemmer tự an ủi nghĩ, chính cô giáo cậu cũng thất bại trong sự nghiệp nghệ sĩ, sau đó cậu khạc – cách hàng cây số cũng nghe được – đám nước bọt cuối cùng mà tâm trạng cậu còn sản sinh ra xuống đất. Cậu bạn đồng môn nhìn giận dữ xuống bãi nước bọt, vì cậu đã quen với sự trật tự ở nhà. Nghệ thuật và trật tự – những họ hàng đối địch. Klemmer rút hừng hực hàng tá giấy lau tay từ trong hộp, vo tròn thành một búi lớn và ném lệch một li ông cụ ra ngoài thùng rác, tính lệch sang một bên và quá nhẹ ngay bên cạnh người bạn thất bại. Đứa này kinh hãi hai lần liên tục và lần này vì sự lãng phí tài sản công cộng thuộc thành phố Vienna. Nó xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản, chủ một cửa hàng thực phẩm nhỏ, và nếu nó không đỗ trong kỳ thi tới nó sẽ phải quay trở về đó.
Và rồi bố mẹ nó sẽ không tiếp tục nuôi nó nữa. Nó sẽ phải chuyển từ một nghệ sĩ sang thành một thương gia, và chắc chắn sẽ được nhắc lại trong giấy báo hỷ. Vợ cậu và lũ trẻ sẽ phải trả giá nặng nề cho hậu quả này. Vậy là việc buôn bán và ước muốn thay đổi vẫn giữ nguyên. Những ngón tay chuối mắn sưng đỏ vì lạnh, vì thường phải giúp việc trong cửa tiệm sẽ co lại như móng chim săn mồi mỗi khi chủ nhân nó nghĩ lại chuyện này.
Walter Klemmer để trái tim lên đầu thật hợp lý và kĩ càng nhẩm lại những người đàn bà mà cậu từng sở hữu và bán lại với giá rẻ. Cậu đều giải thích cho họ rất kĩ càng. Điều đó thì không cần phải tiếc, những người đàn bà nên học cách khám phá, cho dù phải đau đớn. Nếu sau đó một người đàn ông không muốn dính vào, anh ta cũng có thể bỏ đi mà không nói một lời. Cái ăng ten của người đàn bà rung rinh căng thẳng trong không khí, như râu xúc giác, thì đàn bà đúng là sinh vật đầy cảm xúc. Không lý trí nào chế ngự ở họ, ngay trong cách biểu diễn dương cầm cũng thấy. Đàn bà thường làm mọi thứ theo gợi ý của khả năng, điều đó khiến họ thỏa mãn. Klemmer lại thuộc túyp người luôn muốn đi đến tận gốc rễ vấn đề.
Walter Klemmer biết rõ, rằng chàng muốn tiếp nhận cô giáo. Do vậy, cậu muốn chinh phục nàng. Klemmer như một con voi dẫm nát hai viên gạch lát trắng chỉ với ý nghĩ rằng mối tình này chẳng nên cơm cháo gì. Ngay lập tức cậu rầm rập từ nhà vệ sinh như tàu tốc hành Arlberg lao ra từ đường hầm cùng tên tiến vào phong cảnh mùa đông lạnh băng bị lấn át bởi lý chí. Phong cảnh này lạnh lẽo như vậy một phần vì Erika Kohut đã không chịu thắp lên một ngọn đèn nhỏ bé nào. Klemmer khuyên nàng nên suy nghĩ nghiêm túc về những triển vọng còm cõi của mình. Một thanh niên trẻ tuổi vừa tan nát cõi lòng vì nàng. Lúc này đây họ đang cùng chung một nền tảng suy nghĩ, nhưng nếu chúng bỗng nhiên biến mất thì một mình Klemmer sẽ ở trên chiếc canô của cậu.
Trên đường quanh nhạc viện, lúc này đã không một bóng người, vang tiếng bước chân cậu. Cậu nhún mạnh từ bậc này tới bậc kia như một quả bóng cao su, từng bước, từng bước và từ từ tìm thấy lại tâm trạng vui vẻ vẫn kiên nhẫn chờ đợi cậu. Không còn một tiếng động nào sau cánh cửa phòng nhạc của cô Kohut. Thỉnh thoảng sau giờ học, nàng vẫn ở lại chơi thêm một chút nữa vì cây dương cầm của cô ở nhà dở hơn nhiều. Điều đó cậu đã nghe được.
Cậu khẽ chạm vào tay nắm cửa để có được chút gì mà cô giáo vẫn sờ chạm hàng ngày, nhưng cái cửa đứng yên lặng lẽ và câm lặng. Nó không lùi lại dù chỉ một milimet vì đã bị khóa chặt. Giờ học đã kết thúc. Nàng lúc này đã đi được nửa đường về với bà mẹ mốc meo, nàng chui rúc cùng trong cái tổ. Nơi hai người đàn bà gần như không ngừng va chạm và đày đọa nhau. Mặc dầu vậy họ vẫn không thể tách rời khỏi nhau, ngay cả trong kỳ nghỉ, họ cãi nhau ỏm tỏi ngay cả trong nhà nghỉ mát ở Sreier. Và đã như vậy từ hàng thập kỉ nay! Thật là một hoàn cảnh bệnh hoạn với một người phụ nữ nhạy cảm, người – ngay cả khi xét về mọi phương diện – thật ra vẫn chưa hề già.
Klemmer nghĩ hết sức tích cực như vậy về người tình của mình ở vị trí chờ đợi, trong khi về phía mình cậu khởi hành về nhà bố mẹ nơi cậu cùng sống. Ở nhà cậu sẽ yêu cầu một bữa tối đặc biệt hậu hĩnh, vì một mặt, để tiếp lại nhiên liệu hôm nay đã tiêu phí vì nàng Kohut, mặt khác, sáng ngày mai cậu phải tập thể thao từ sớm tinh mơ. Mặc kệ là loại thể thao gì, nhưng có lẽ lại là câu lạc bộ chèo thuyền. Klemmer có một thôi thúc hoàn toàn cá nhân là muốn hoạt động đến mệt lử và cùng lúc hít thở không khí tinh sạch, không phải thứ đã bị hàng nghìn người trước cậu hít vào rồi lại thở ra. Thứ không khí trong đó Klemmer không phải hít vào khói động cơ và thực phẩm rẻ tiền của những người trung lưu khác bất kể cậu có muốn hay không. Thứ cậu muốn chính là không khí vừa được chế xuất từ cây cối vùng Alpen nhờ diệp lục. Cậu sẽ lái xe đến vùng Steier, nơi tối tăm và hoang vu nhất. Ở đó, gần một đập nước cũ, cậu sẽ hạ xuồng xuống nước. Một vết da cam lòe loẹt nhìn thấy từ đằng xa, chính là áo cứu hộ, mảnh chắn và mũ bảo hiểm. Cậu sẽ bắn vào giữa hai cánh rừng, nay chỗ này, sau đã lại chỗ kia, nhưng luôn một hướng: tiến lên phía trước, theo dòng con suối dữ. Phải tránh khỏi đá thật tốt. Không lật! Và đồng thời còn phải giữ đúng nhịp độ. Một bạn đồng đội, ở đây là bạn chèo thuyền, theo ngay phía sau cậu, nhưng trong môn thể thao này, người ta sẽ không bám đuổi và càng không vượt qua cậu. Tình đồng đội kết thúc ở đó, khi người này đe dọa vượt lên. Một đồng đội có mặt ở đây để cậu đo sức mạnh của riêng mình với sự yếu kém của người kia để tăng cường sự phát triển. Với mục đích này, Walter Klemmer tìm kiếm kĩ lưỡng từ trước những tay chèo ít tập luyện. Cậu thuộc loại người không thích thua cuộc trong các trò chơi thể thao. Nên cậu cáu giận cô Kohut cũng vì vậy. Nếu bị thua trong một cuộc đấu khẩu, cậu không vứt khăn chịu thất bại mà giận dữ phun vào mặt đối thủ cả đống lổn nhổn nôn ọe ra gồm xương xẩu, tóc tai chưa tiêu hóa, đã sỏi, cỏ sống. Cậu lơ đãng nhìn chăm chăm cố moi óc tìm tất cả những gì còn có thể nói ra và những gì đành phải nén lại rồi bỏ khỏi đấu trường trong cơn cuồng nộ.
Lúc này – vì đang ở ngoài phố – cậu lôi tình yêu dành cho cô Kohut từ túi quần sau ra. Vì tình cờ cậu đang hoàn toàn một mình và không có ai để khuất phục trong thể thao, cậu trèo lên mối tình – như leo lên một cái thang dây vô hình -, đến đỉnh điểm, nơi thuộc về cả thể chất và tinh thần.
Bằng những bước nhảy dài cậu phóng qua ngõ Johannegasse, đến phố Kärntnerstraβe và đi dọc phố Kärntnerstraβe đến Ring. Hàng dãy tàu điện nối đuôi nhau như khủng long trước cửa nhà hát tạo thành một rào chắn tự nhiên trước mặt Klemmer. Hàng rào này khó có thể vượt qua, và do vậy, bất chấp tính táo bạo, Klemmer đành phải theo thang cuốn đi xuống đường hầm vượt qua ngã tư trước nhà hát.
Một lúc trước đó, hình bóng Erika Kohut vừa lướt qua cổng. Nàng nhìn thấy cậu trai trẻ vụt qua, và như một con sư tử cái, nào leo lên tàu theo dấu cậu. Chuyến đột nhập của nàng không ai thấy, không ai nghe và như vậy coi như không hề xảy ra. Nàng không thể biết rằng, cậu ở trong nhà xí lâu đến vậy, nhưng nàng đã chờ. Đã chờ. Hôm nay cậu phải qua chỗ cô. Chỉ nếu cậu đã đi theo hướng khác không phải hướng cậu vẫn đi, thì cậu ấy sẽ không qua đây. Erika luôn ở đâu đó, nơi nàng kiên nhẫn chờ đợi. Nàng quan sát từ nơi không ai ngờ đến. Nàng cắt tỉa sạch sẽ những ba via trên diềm quanh các đồ vật nổ tung, gây nổ hoặc chỉ nằm im ngay gần bên nàng rồi mang về nhà. Lúc ấy, – hoặc một mình hoặc cùng mẹ – nàng lật ngang, lật ngửa xem ngoài đường khâu còn mảnh vụn, đầu mẩu, bẩm thỉu, bộ phần rời đứt nào để phân tích. Những đồ bỏ từ cuộc sống, cái chết của người khác – thậm chí có thể còn trước khi họ đưa cuộc sống của chính mình đến tiệm giặt là. Có nhiều thứ để tìm và thấy. Với Erika những vụn vỡ ấy chính là những bản chất đích thực. Những quý bà nhà K. một mình hoặc cùng nhau háo hức cũi người qua chiếc đèn phẫu thuật gia đình và hơ mẩu vật chất vào ngọn nến để thẩm định xem, đây là một sợi thuần thực vật, thuần động vật hay tế bào tổng hợp hay nghệ thuật nguyên. Dựa vào mùi vị tính chất của chúng không nghi ngờ gì người ta sẽ nhận ra tính chất của chúng và sau đó ngỡ ngàng quyết định sử dụng chúng được vào việc gì.
Mẹ và con chụm đầu vào nhau như thể đây chỉ là một người duy nhất. Và kẻ lạ mặt, bị lạc khỏi bãi neo, nằm chắc chắn trước mặt họ không đụng chạm, không đe dọa, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề bởi những việc xấu khác – và do vậy nên mới bị nghiên cứu dưới cây kính lúp. Nó không chạy thoát cũng như những học sinh thường không thể thoát vòng kiểm tỏa của cô giáo dương cầm, người tóm được chúng ở khắp mọi nơi, khi chúng không có mặt trong các buổi luyện tập nước sôi lửa bỏng.
Klemmer rảo bước phía trước Erika. Cậu kiên quyết tiến thẳng vào một hướng, không vòng vèo. Erika lẩn tránh mọi thứ và mọi người, nhưng một ai đó khéo léo lẩn tránh nàng, thì ngay lập tức nàng sẽ theo gót họ như theo chúa cứu thế, như bị hút bởi một cục nam châm khổng lồ.
Erika vội vã theo Walter Klemmer qua phố. Klemmer thiêu đốt cơn giận dữ vì những điều không toại nguyện và sự tức giận vì những điều không mong đợi, không mảy may nghi ngờ, tình yêu đang đuổi theo cậu và thậm chí cùng một nhịp độ như đang bị hút theo. Erika ngờ vực các cô gái trẻ, nàng đánh giá số đo và áo quần của chúng và lôi ra giễu cợt. Giá mẹ ở đây, mẹ và nàng sẽ được trận cười vỡ bụng vì những sinh vật này! Những đứa con gái vô hại đi ngang qua đường của Klemmer, vô hại nhưng lại có thể thấm vào cậu như tiếng ca của những mỹ nhân ngư, cho đến khi cậu lóa mắt và chạy theo chúng. Nàng để ý, Klemmer nấn ná nhìn một người đàn bà bao lâu và sau đó xóa sạch cái nhìn. Một chàng trai trẻ chơi dương cầm có những đòi hỏi rất cao mà không một người nào thỏa mãn. Cậu ta chẳng nên chọn ai dẫu rằng rất nhiều người muốn chọn cậu.
Trên những con đường vòng vèo, lộn xộn ấy đôi trai gái lượn khắp các con phố ở Josefstadt. Một người muốn làm dịu lòng, một người đang thiêu đốt vì ghen tuông.
Erika kéo chặt da thịt quanh mình – chiếc áo măng tô kín cổng cao tường, khiến gió cũng phải khóc thét. Nàng kín mít từ đầu đến chân. Và nàng còn bị kéo theo cậu học sinh. Một cái đuôi sao chổi lết sau ngôi sao chính. Hôm nay, nàng chưa nghĩ tới việc mở rộng tủ quần áo. Nàng đang mải nghĩ đến buổi học sắp tới, nàng phải kiếm trong tủ áo của mình cái gì để diện thật bảnh, bây giờ đã là mùa xuân.
Ở nhà mẹ không muốn đợi lâu nữa, và những khúc dồi mẹ nấu cũng không mặn mà chờ đợi. Món rán lúc này đã không thể nuốt nổi vì đã nguội đơ. Vì lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề – kiểu gì thì Erika cũng phải về – bà mẹ sẽ cố tình dùng một xảo thuật nội trợ khiến xúc xích vỡ nát và nước ngấm vào khiến chúng cũng không thể nuốt được. Như vậy là đủ cảnh cáo. Những điều này Erika không nghi ngờ gì.
Nàng chạy theo Klemmer và Klemmer chạy trước nàng. Họ móc nối vào nhau. Luôn luôn ở đúng vị trí. Bước chân Erika đặt vào đúng nơi chân Klemmer vừa đặt bước. Erika dĩ nhiên cũng không thể hoàn toàn trừng phạt những tủ hàng bày quần áo bằng cách không để mắt đến. Nàng liếc chăm chăm vào những cửa kính các quầy hàng thời trang qua khóe mắt. Đây cũng là khu vực thời trang nàng còn chưa nghiên cứu. Mặc dù nàng luôn trên đường tìm kiếm những đồ mới và lộng lẫy. Nàng cũng có thể mua ngay lập tức một cái váy dạ hội mới, nhưng ở đây nàng không thấy cái nào. Những thứ đó tốt hơn nên mua trong trung tâm. Những vòng xoắn lễ hội hóa trang vui vẻ và hoa giấy phủ khắp những mẫu xuân đầu tiên và những bộ cuối cùng còn ế lại từ mùa đông. Và những thứ lấp lánh – tuyệt nhất khi mặc trong bóng tối hoàn toàn – có thể cho là thanh lịch và dành cho buổi tối. Một chiếc khăn quàng lông tình cờ được lựa chọn phủ trên hai ly vang đầy chất lỏng giả làm rượu được xếp đặt đầy ý đồ. Một đôi săng đan cao gót của Ý xịn còn được rắc thêm kim sa lấp lánh. Phía trước cửa hàng, một quý bà trung niên hết sức say sưa. Đôi chân mụ ngay đến dép lê bệt từ lông lạc đà cỡ số 41 cũng không vừa, do vậy chúng đứng đến sưng tấy trước nhiệm vụ mệt mỏi, chán ngán suốt cuộc đời. Erika liếc mắt nhìn một chiếc váy lụa màu đỏ đậm viền đăng ten ở đường xẻ và cánh tay. Thông tin vượt quá khả năng học hỏi. Nàng thích cái váy ở đây, cái váy đằng kia không thích bằng – dù sao nàng cũng chưa già tới nỗi ấy.
Erika Kohut đi theo Walter Klemmer, người lúc này không nhìn quanh lấy một lần mà bước ngay vào cửa khu nhà trung lưu hạng sang, để về căn nhà của bố mẹ ở tầng một, nơi gia đình đang chờ đón cậu. Erika Kohut không đi theo vào. Nàng sống không xa đây là mấy – cùng thuộc một khu vực. Nàng đọc được trong hồ sơ học sinh rằng Klemmer sống ngay gần chỗ nàng – một dấu hiệu cho duyên số tiền định. Có thể một người trong hai người đã được sinh ra cho người kia, và người ấy chỉ nhận ra sau khi đã trải qua những cuộc đấu tranh và xung đột dữ dội.