Những cảm xúc dồi dào nhấn chìm ông bán thịt. Ông không thể tự vệ ngay cả khi vốn quen với nghề toàn máu me. Ông đờ người vì kinh ngạc. Ông không gieo, ông không gặt, ông nghe không tốt nhưng ông có thể được người ta nhìn thấy khi đến một buổi giao hưởng công cộng. Bên cạnh ông là những thành viên nữ của gia đình đi cùng.
NÀNG đá vào gót chân phải của một bà già. Mỗi nhóm nàng đều có thể sắp xếp cho nó vào đúng chỗ của mình trước đây. Chỉ mình NÀNG có thể đẩy mỗi âm thanh[7] về đúng nơi mà nó thuộc về. Nàng gói sự vô thức của những con cừu be bé này trong sự khinh bỉ của mình và nhờ vậy để trừng phạt chúng. Cơ thể nàng là một cái tủ lạnh lớn có thể bảo quản tốt nghệ thuật.
[7] Tác giải chơi chữ từ “được nghe thấy” tương đương với “âm thanh” và động từ “thuộc về” trong tiếng Đức.
Bản năng sạch sẽ của nàng hết sức nhạy cảm. Những thân xác bẩn thỉu dựng thành những rừng nhựa cây vòng quanh. Không chỉ nhơ bẩn từ thân thể, những dạng thô nhất của của sự không tinh sạch như những gì thoát ra từ nách, háng, mùi khai nước tiểu phảng phất từ bà già, mùi nicotin trào ra từ mạng tĩnh mạch, lỗ chân lông của ông già, vô số những đống thực phẩm rẻ tiền bốc lên từ dạ dày, không chỉ mùi mật ghê tởm từ đám gàu, mùi hôi thối từ lưỡi dao vi phẫu cắt đứt ngay dưới những móng tay vẫn lọt vào mũi những người được luyện tập – những cặn bã thừa khi đốt cháy dinh dưỡng không màu, những đồ thường thức xam xám, từ da – nếu người ta có thể gọi chúng tống vào miệng đó là thưởng thức – hành hạ khứu giác NÀNG, cơ quan vị giác – không, tồi tệ nhất với NÀNG, lại là cách hiện diện của chúng trong từng cá nhân và cách từng cá nhân ấy trơ tráo thuộc về cả bọn. Chúng thậm chí còn chen vào cả trong ý nghĩ của nhau, trong những chăm chút thẳm sâu nhất.
Vì thế chúng bị trừng phạt. Bởi nàng. Ấy nhưng không bao giờ nàng tống khứ chúng đi được. Nàng xé nhỏ, lắc lắc chúng như con chó với mời ăn. Và dẫu cho không được hỏi đến, chúng lùng sục quanh nàng, ngắm ngía những ý nghĩ thẳm sâu nhất của nàng và dám quả quyết rằng chúng chẳng thể bắt đầu bất kỳ cái gì với ý nghĩ ấy và chúng cũng chẳng thích thú gì! Đến Werber hay Schönberg chúng cũng còn dám quả quyết rằng họ không làm chúng hài lòng nữa kia mà.
Bà mẹ vặn vít mở nắp trên đầu nàng, luôn luôn không hề báo trước, tự tin phóng tay vào trong, lục lọi và bới tìm. Bà quăng mọi thứ lung tung và không để bất kỳ vật gì vào đúng chỗ của nó. Bà lấy một vài thứ sau thoáng chọn lựa, soi xét dưới kính lúp rồi sau đó quăng đi. Những thứ khác bà mẹ để lại và lau chùi bằng bàn chải, mút và khăn lau. Chúng sẽ được làm khô thật chóng và lại vặn vít vào. Như lưỡi dao trong máy cắt thịt.
Bà già này là kẻ vừa lên tàu dù không hề báo với người quản lý. Mụ nghĩ mụ có thể bí mật tiến vào đây, trong cái tàu này. Thật ra mụ đã bị tống ra khỏi cuộc sống từ lâu và mụ cũng biết vậy. Trả tiền bây giờ chả bõ công. Vé sang thế giới bên kia mụ cũng đã có sẵn trong túi xách rồi. Nó hẳn cũng có hiệu lực trong xe điện.
Lúc này, một quý bà hỏi đường nàng và nàng không trả lời. Nàng không trả lời dù biết rõ con đường. Bà này không để yên như vậy mà sục khắp toa tàu và lôi mọi người ra khỏi chỗ để lơ láo tìm bến xuống. Mụ là một kẻ lang thang độc ác trong rừng có thói quen dùng cây gậy mỏng chọc phá sự trầm ngâm của đám kiến vô tội. Mụ khiến mọi con thú bị gây rối đến phun axit. Mụ là một trong những kẻ theo nguyên tắc phải lật mọi hòn đá, cho dù phía dưới có thể có rắn. Mọi khoảng trống, dù cho có nhỏ đến đâu, chắc chắn sẽ bị mụ cào bằng để kiếm nấm và quả mọng. Loại người này là như vậy. Chúng phải vắt kiệt từng giọt cuối cùng của mỗi tác phẩm nghệ thuật và giảng giải đến khản cổ cho tất cả mọi người. Trong công viên, các ghế băng phải được lau sạch bằng khăn trước khi ngồi. Trong quán ăn dao đĩa được cọ bóng loáng với khăn ăn. Với cây lược chải bụi chúng lùng sục những sợi tóc, thư từ, vết mỡ khắp chiếc áo vest của người bà con gần.
Và bây giờ quý bà này than phiền rõ to rằng không ai có thể cho bà thông tin. Bà quả quyết rằng không ai muốn chia sẻ thông tin ấy. Quý bà đây thay mặt cho đa số ngu dốt, vì bà đang thừa thãi một thứ duy nhất: Sự hiếu chiến. Bà thách thức bất kỳ ai nếu cần thiết.
Nàng xuống tàu đúng nơi cái ngõ người đàn bà đã hỏi và chế nhạo mụ bằng cách ấy.
Con trâu cái hiểu ra và cái pít tông của mụ đẩy xuống chặt cứng vì tức giận. Ngay sau đây mụ sẽ nhắc lại đoạn đời này cho một người bạn gái bên món thịt bò với đậu như thể mong cuộc đời từ bản tin gay cấn nho nhỏ này mà được kéo dài thêm ra, như thể với mụ không phải thời gian trong suốt câu chuyện vẫn đều đặn trôi, và do vậy bỏ lỡ cơ hội cho những trải nghiệm mới.
NÀNG quay lại ngó quý bà đang hoàn toàn mất phương hướng dăm lần trước khi đi về con đường quen thuộc dẫn về tổ ấm quen thuộc. Nàng mỉm cười với quý bà nọ mà quên rằng chỉ một vài phút nữa nàng cũng sẽ bị thiêu thành tro dưới ngọn lửa ống hàn của bà mẹ vì về nhà quá muộn. Lúc ấy cả nghệ thuật cũng không thể an ủi nổi NÀNG, dẫu rằng nghệ thuật luôn hứa hẹn nhiều điều, đặc biệt là một nguồn an ủi. Có đôi khi hiển nhiên nghệ thuật gây ra nỗi đau đầu tiên.
Erika[8], loài hoa đồng nội. Tên nàng được lấy từ loài hoa này. Trước khi sinh có thứ gì bẽn lẽn và dịu dàng lửng lơ ngay trước mắt bà mẹ. Khi bà sau đó ngắm nghía cục thân xác vừa bắn ra khỏi người mình, thì ngay lập tức bà bắt đầu nhào nặn nó không thương xót để giữ cho trong sạch và tinh tế. Chỗ này bỏ một mẩu, và cả chỗ đó nữa. Một cách bản năng mỗi đứa trẻ đều lần đến bẩn thỉu, cứt đái nếu người ta không giằng chúng lại. Từ sớm bà mẹ đã chọn cho Erika một trong bất kỳ loại hình nghề nghiệp nghệ thuật, để rồi từ đó ta chỉ cần vắt tiền từ sự thanh cao do phải vất vả mới đạt được ấy, trong khi đám đông tầm thường đứng ngưỡng mộ vây quanh nữ nghệ sĩ tán thưởng.
Cuối cùng thì lúc này Erika cũng đã được trau chuốt xong xuôi, bây giờ nàng nên đưa chiếc xe âm nhạc vào đúng làn đường và bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật ở chỗ đó. Một đứa trẻ như thế này cũng không phải để làm những việc thô kệch, chân tay nặng nhọc và việc nhà. Ngay từ khi sinh ra nàng đã được ban cho sự tinh tế của ca, vũ, nhạc cổ điển. Nữ nghệ sĩ dương cầm lừng danh thế giới, – đó là hình mẫu lý tưởng của bà mẹ -, và để đứa trẻ tìm thấy lối thoát qua những khó khăn, bà mẹ phang mỗi góc một biển chỉ dẫn dọc đường đồng thời vào cả Erika khi nàng không chịu tập luyện. Bà cảnh báo Erika trước những kẻ ganh tị ngáng đường luôn cố thử hủy hoại những gì người khác đạt được và hầu hết là giới tính nam. Đừng để bị xao lãng! Erika không được phép ngưng nghỉ ở bất kỳ một nấc bậc nào, nàng không được tựa vào dùi xuyên đá, vì mọi chuyện lại tiếp tục ngay lập tức. Lên những bậc tiếp theo. Thú dữ trong rừng đến gần tới mức nguy hiểm và muốn kéo Erika cùng hóa thú. Những đối thủ muốn lừa nàng vào bẫy dưới cái vỏ chỉ lối dẫn đường. Người ta mới dễ sa ngã làm sao! Bà mẹ miêu tả sinh động cái vực thẳm để nàng con gái canh chừng. Lừng danh thế giới ngự trị trên đỉnh cao mà không bao giờ số đông có thể với tới. Nơi đó gió lạnh thổi, người nghệ sĩ cô đơn và cũng thú nhận điều đó. Chừng nào bà mẹ còn sống và tiếp tục vẽ ra tương lai cho Erika thì chỉ duy nhất một điều được quan tâm: Đỉnh cao tuyệt đối trên thế giới.
[8] Erika: Loài hoa thạch nam, một loại hoa đồng nội.
Bà mẹ đẩy lên từ phía dưới vì bà đứng với đôi chân bám chắc trên nền đất. Và nhanh chóng Erika đã không còn đứng trên mảnh đất vốn được kế thừa mà đứng trên lưng một kẻ khác, kẻ vừa bị nàng dùng mưu đồ tống ra. Một cái nền chao đảo. Erika đứng kiễng chân trên lưng mẹ, bám chặt mười ngón tay được tập luyện vào một chỗ nhô ra từ trong đám đá, tưởng như một đỉnh cao, căng bắp tay kéo và kéo nhích lên. Lúc này mũi nàng đã đặt trên rìa và chỉ để thấy một tảng đá mới, còn dựng đứng hơn chặng đầu. Nhà máy đá Danh vị có tại đây một chi nhánh và dựng sẵn những sản phẩm đã thành tảng, bằng cách ấy cũng không mất quá nhiều tiền lưu kho. Erika lướt qua một trong những tảng đá và ngỡ như buổi biểu diễn ấy đã đủ cho cuộc thi Chopin. Nàng tin chỉ thiếu vài milimet nữa thôi, nàng sẽ ở đỉnh!
Bà mẹ chế nhạo Erika vì quá e lệ. Lúc nào con cũng là đứa cuối cùng! Kiểu ngại ngùng tiểu thư ấy sẽ chẳng mang lại gì hết. Người ta luôn luôn ít ra thì phải trong ba đứa đầu tiên, tất cả những đứa đên sau vứt vào sọt rác hết. Bà mẹ thường nói như vậy, bà muốn điều tốt nhất và không muốn thả đứa bé ra ngoài phố, để cho nó khỏi chỉ tham gia những trận đấu thể thao và rồi xao lãng luyện tập.
Erika không muốn quá nổi bật. Nàng nhẹ nhàng đứng lại và chờ người khác kiếm cho nàng cái gì, con thú mẹ bị thương than vãn như vậy. Bà chua chát than thở rằng, mình bà phải chăm lo tất cả mọi thứ cho đứa con, và hoan hỉ lao mình vào cuộc chiến. Erika hào hiệp tự đặt mình cuối cùng và điều ấy chưa một lần mang lại cho nàng vài xu tiền quà cho tất chân hay quần lót.
Bà mẹ huyên thuyên với bạn bè và họ hàng, nhưng với nhiều người trong số đó thì không, vì người ta đã hoàn toàn loại bỏ chúng từ trước đế tách những ảnh hưởng xấu khỏi đứa trẻ khi chúng nhiệt tình không chịu công nhận rằng bà đã sinh ra một thiên tài. Bà cảm nhận được điều ấy ngày càng rõ rệt hơn, cảm giác đến từ cái mỏ của một con chim mẹ. Erika là một thiên tài biểu diễn dương cầm, chỉ có điều nó còn chưa thực sự được phát hiện. Nếu không hẳn Erika đã vượt cao hơn hẳn đỉnh núi như một sao chổi ấy. Sự ra đời của Jesu hài đồng đem ra so thì cũng chỉ là cứt.
Hàng xóm chấp nhận nghĩa vụ. Họ thích thú lắng nghe khi cô bé tập đàn. Y như trên đài phát thanh nhưng đây lại không mất tiền. Chỉ cần mở cửa sổ và có thể thêm cửa chính, thì âm thanh đã tràn vào và lan rộng như khí độc đến những ngõ ngách cuối cùng. Căm phẫn vì tiếng ồn, những người quanh vùng giữ Erika lại và yêu cầu được yên khi gặp trên đường phố. Bà mẹ kể cho Erika nghe niềm hoan hỉ của láng giềng về buổi tập xuất sắc. Erika được mang trên dòng suối nhỏ bé của lòng nhiệt thành mẫu tử như một bãi nước bọt. Sau đó nàng ngạc nhiên khi nhà bên than phiền. Về những than phiền ấy mẹ không bao giờ báo lại cho nàng!
Thế rồi theo tháng năm Erika còn vượt cả mẹ trong việc hỉ mũi vào kẻ khác. Những kẻ nghiệp dư này cuối cùng cũng chẳng để làm gì mẹ ạ, nhận xét của họ thì thô thiển, ngay cả cảm nhận thôi cũng không đủ, chỉ có những người chuyên nghiệp trong nghề là đáng kể. Bà mẹ đối lại: Đừng có mà chế nhạo lời khen của những người bình dị, họ nghe nhạc bằng trái tim và vì thế mà vui thú hơn những kẻ bị nhồi nhét, bị làm hư hỏng, vĩ cuồng. Chính bản thân bà mẹ không hiểu gì về âm nhạc, nhưng bà lại ép đứa con vào cái ách âm nhạc. Nó nhanh chóng biến thành một cuộc thi đấu công bằng, không khoan nhượng giữa hai mẹ con vì đứa trẻ nhanh chóng nhận ra rằng về mặt âm nhạc nó vượt qua mẹ mình. Đứa trẻ là thần tượng của bà mẹ, mà đòi hỏi duy nhất, một điều nhỏ bé là cuộc sống của chính nó. Bà mẹ muốn tận dụng sống lại được từ cuộc sống của chính đứa trẻ.
Erika không bao giờ được kết giao với những người tầm thường, nhưng nàng luôn được phép nghe những lời khen của họ. Giới chuyên môn tiếc rằng chẳng khi nào khen nàng. Một số phận phi âm nhạc, không chuyên đã tôn vinh Gulda, và Brendel, Argerich và Pollini và những người khác[9]. Nhưng khi ngang qua Erika thì số phận cứ bướng bỉnh mà quay ngoắt mặt đi. Cuối cùng thì số phận vẫn muốn tiếp tục công bằng chứ không xoay chuyển bởi chiếc mặt nạ quyến rũ. Erika không xinh đẹp. Nếu nàng muốn trở nên xinh đẹp, ngay lập tức bà mẹ sẽ cấm đoán. Erika vô vọng vươn tay về phía số phận, nhưng số phận không tìm ra một nghệ sĩ dương cầm nào từ nàng. Erika bị hất xuống đất như một đám mạt cưa. Erika không biết chuyện gì xảy ra với mình vì nàng đã ngang ngửa với những người vĩ đại khác từ rất lâu rồi.
[9] Những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng
Rồi vào một ngày, Erika thất bại hoàn toàn trong một buổi tổng kết hòa nhạc quan trọng của trường nhạc. Nàng thất bại trước những người thân của đối thủ và bà mẹ, người đã tiêu những đồng xu cuối cùng cho váy áo Erika mặc trong buổi hòa nhạc đã đến đó một thân một mình. Sau đó bà mẹ tát vào mặt Erika, vì ngay những người hoàn toàn nghiệp dư trong giới âm nhạc cũng có thể nhận thấy sự thất bại từ khuôn mặt của nàng, ngay cả khi không đọc thấy từ những ngón tay. Erika đã không chọn lấy cho buổi hòa nhạc ấy một bản dành cho đám đông đang ngay một lan rộng mà là một đấng cứu thế, điều mà mẹ nàng trước đó đã hết sức cảnh báo. Đứa con bằng cách này không thể nào lọt vào được trái tim của đám quần chúng mà nó và mẹ vốn vẫn khinh thường. Đầu tiên là vì nó luôn chỉ là một phần nhỏ bé, mờ nhạt giữa quần chúng và tiếp đó nó không bao giờ muốn là một phần nhỏ bé mờ nhạt của đám quần chúng ấy.
Nhục nhã Erika loạng choạng ra khỏi trường đấu, ngượng nghịu khi nhận được sự cổ vũ của thính giả duy nhất – mẹ. Ngay cả cô giáo của nàng, một nữ nghệ sĩ dương cầm có tiếng trước đây cũng mắng mỏ Erika nặng nề vì mất tập trung. Một cơ hội lớn không được tận dụng và không bao giờ quay trở lại. Sẽ nhanh chóng đến một ngày mà lúc ấy chẳng còn ai muốn ghen tị và Erika cũng không còn là ước mơ của bất kỳ ai nữa.
Tất cả những gì còn lại với nàng là chuyển sang ngành giảng dạy. Một bước khó khăn cho một giáo viên dương cầm khi đột nhiên phải đương đầu với những kẻ bắt đầu bập bẹ và những người có thâm niên nhạt nhẽo. Trường đào tạo và học viện âm nhạc cũng thuộc lĩnh vực đào tạo âm nhạc tư nhân kiên nhẫn nhận vào những thành phần thực chất thuộc về bãi rác hoặc khả quan nhất là một sân bóng. Nhiều thanh niên như thời xưa vẫn hướng tới nghệ thuật, phần lớn là bị cha mẹ hướng vào, vì chính những vị phụ huynh này không hiểu gì về nghệ thuật, mà chỉ biết đến sự tồn tại của nó trên đời. Họ vui thích vì vậy! Và hơn nghệ thuật lại tiếp tục gạt bỏ rất nhiều người, vì nó cũng phải có một giới hạn. Giới hạn ngăn cách giữa những người có năng khiếu và không có năng khiếu mà Erika đặc biệt lôi ra trong suốt quá trình giảng dạy, trong quá trình phân loại đã đền bù cho nàng rất nhiều vì chính nàng đã từng bị loại ra như ngựa khỏi bầy cừu. Nam nữ học sinh của Erika có đủ các thành phần thô lậu nhất và trước đó cũng chưa từng được đưa ra kiểm tra, thưởng thức. Chỉ thỉnh thoảng có một đóa hồng nhung phía dưới. Với một số học sinh ngay từ năm đầu tiên Erika đã cho ra thành công được một hay vài bản Sonate Clementi, trong khi một số khác vẫn còn đang càu nhàu cào bới loạn quanh những bản Czerny đầu tiên, và bị đuổi ở kỳ thi giữa kỳ vì chúng hoàn toàn không muốn tìm ra lá hay hạt gì, trong khi bố mẹ chúng tin chắc rằng chẳng mấy chốc những đứa con của họ sẽ được chén patê. Niềm vui lẫn lộn của Erika là những đứa học sinh thông minh tiến bộ, những đứa đã cố gắng. Từ chúng có thể tìm ra những bản nhạc Sonate của Schubert, Keisleriana của Schumann, Sonate của Beethoven, những đỉnh cao trong cuộc đời mỗi người học dương cầm. Dụng cụ lao động hay vẫn bị gọi là gã-nhà-quê-quái-quỷ, bài tiết ra những tạp chất lộn xộn và bên cạnh đó là gã-nhà-quê-quái-quỷ dành cho giáo viên mà chỉ Erika được chơi, trừ khi phải tập một bản nhạc dành cho hai dương cầm.
Sau cứ mỗi ba năm một học sinh dương cầm phải bước vào trình cao hơn để được như vậy phải đỗ kỳ thi vượt trình. Phần lớn công việc của kỳ thi này được giao cho Erika, nàng phải lên máy những động cơ học sinh lừ đừ này bằng cách tiếp ga mạnh mẽ. Đôi khi những cỗ máy này khởi động không đúng cách vì nó muốn những việc hoàn toàn khác liên quan đến âm nhạc thí dụ như theo cách nó tuôn những ngôn từ như suối nhạc vào tai một đứa con gái. Những điều đó Erika không muốn thấy và sẽ chấm dứt nó nếu có thể. Erika thường xuyên diễn thuyết trước các kỳ thi rằng, sai vài nốt nhạc còn ít tệ hại hơn biểu diễn cả bản nhạc mà hoàn toàn sai về tinh thần, một tinh thần không đúng với tác phẩm. Nàng diễn thuyết vào những cái tai điếc đặc bịt chặt vì sợ hãi. Vì với nhiều học sinh thì âm nhạc là một bước tiến từ sâu tít tầng lớp lao động đến tầng lớp nghệ sĩ cổ áo trắng tinh. Chúng sau này nhất định cũng sẽ trở thành những thầy cô giáo dương cầm. Chúng sợ rằng, trong kỳ thi những ngón tay ướt nhẹp đầy sợ hãi do những phách gõ nhanh sẽ bị trượt nhầm phím. Do vậy Erika có thể nói về việc thể hiện nhiều như nàng muốn, chúng chỉ mong chơi được đúng đến cuối bản nhạc.
Ý nghĩ của Erika vui vẻ hướng về Walter Klemmer, cậu trai tóc vàng xinh đẹp thời gian gần đây luôn là người đến đầu tiên mỗi sáng và về cuối cùng hàng tối. Con ong chăm chỉ, Erika phải thừa nhận như vậy. Cậu ta là sinh viên trường kĩ thuật, nơi học về điện, và những tính chất hữu ích của nó. Thời gian gần đây cậu chờ cho đến hết tất cả các học sinh, từ những đứa rụt rè trong lớp tập ngón đầu tiên đến những đứa đã thành thần cả trong Phantasie f-Moll, bản 49 cuối cùng của Chopin. Cậu ta như thể có quá nhiều thời gian thừa thãi, điều gần như không thể đối với một sinh viên giai đoạn cuối. Erika hỏi cậu ta một ngày nọ, liệu cậu có muốn tập Schönberg hơn thay vì cứ ngồi loanh quanh ở đây một cách vô ích như thế này. Cậu không phải học gì ở trường đại học ư? Không lên lớp, không bài tập, không gì cả? Nàng được biết rằng lúc này đang là kỳ nghỉ, điều mà nàng không hề nghĩ tới mặc dù nàng cũng dạy nhiều sinh viên khác. Kỳ nghỉ của học sinh trường nhạc không trùng với trường đại học, nghiêm khắc mà nói thì không bao giờ có kỳ nghỉ trong nghệ thuật, chúng theo đuổi nghệ sĩ khắp mọi nơi và điều ấy hoàn toàn hợp lý.