Hứa Tắc liếc bàn tay của Vương Phu Nam, nói: “Thật sự không rõ tay hạ quan lạnh hay không thì liên quan gì đến việc đại soái muốn nắm tay nhỉ. Xin hỏi đại soái là muốn nắm tay lạnh hay là tay không lạnh?”
* Thường bình thương: là kho thóc dự trữ được nhà nước phong kiến Trung Quốc cổ đại dùng để điều tiết giá cả lương thực. Mỗi phủ và huyện đều có. Khi được mùa, giá gạo rẻ bèn thu mua; lúc gặp tai nạn, sẽ lấy ra phát chẩn hay bán cho dân với giá rẻ hơn thị trường nhằm điều tiết giá cả, nên mới gọi là Thường Bình. (Sưu tầm)
Vương Phu Nam diễn đạt không rõ ràng để nàng bắt được sơ hở.
Thế nên một câu thỉnh cầu đến là buồn nôn, cuối cùng lại trở nên lạnh nhạt xa cách.
Trong lúc hắn đang hết sức rối rắm thì Hứa Tắc lại đưa tay qua: “Nếu muốn nắm tay người ta thì nên nói thẳng, chẳng phải sao? Tại sao phải hỏi tay có lạnh hay không?”
Nàng đột nhiên bắt lấy tay hắn, nắm thật chặt rồi thản nhiên trả lời: “Xem ra ngài đang muốn nắm tay lạnh bởi vì bàn tay của đại soái rất ấm.”
Tay Vương Phu Nam bị nàng nắm chặt bỗng trở nên cứng đờ, một hồi lâu hắn mới lấy lại tinh thần, nhưng vẫn mặc cho nàng nắm. Hắn sợ nếu hắn trở tay cầm ngược lại thì nàng sẽ rút tay về.
Hứa Tắc nắm tay hắn rất chặt, giống như muốn hưởng lây sự ấm áp kia, nhưng dù thế nào cũng không lấp đầy được khoảng trống trong lòng, ngược lại còn khiến nàng cảm thấy lạnh hơn.
Đúng lúc này, cửa đột nhiên bị đẩy ra, lại tá Chúc Ký vừa mới từ bên ngoài trở về đang đỉnh đạc tiến vào, vừa muốn mở miệng lại bị cái nắm tay tình cảm kỳ quái của hai người làm hoảng sợ. “Ơ!” Hắn hoảng hốt muốn chạy ra ngoài, nhưng rốt cuộc vẫn quay lại, nhìn thẳng hỏi: “Có phải hạ quan đến không đúng lúc không?”
Hứa Tắc thu tay lại, bình tĩnh hỏi: “Có chuyện gì vậy?”
Chúc Ký đáp: “À, là cái này!” Hắn nói xong liền bước đến phía trước, đặt một con côn trùng lên bàn.
Hứa Tắc cầm lên nhìn thoáng qua: “Phát hiện thứ này ở đâu? Có nhiều không?”
Vương Phu Nam nhận ra đó là châu chấu.
“Khá nhiều.” Chúc Ký ăn ngay nói thật, “Theo tin báo, chúng xuất hiện khá nhiều ở phía nam. Bây giờ đang là mùa xuân nên phần lớn vẫn còn là ấu trùng. Qua thêm mười, hai mươi ngày nữa, trời nóng hơn sẽ phát triển thành con non, nhiều nữa thì phiền phức lắm!”
Hứa Tắc bất chấp sắc trời sập tối, vội đứng dậy đi thôn Nam. Vương Phu Nam còn có việc khác phải làm, không thể đi cùng, nhưng hắn không quên đến nhà bếp lấy hai cái bánh, bỏ vào túi giấy đưa cho Hứa Tắc, còn dặn dò: “Ta sẽ nhắn với Thiên Anh giùm đệ, nhưng đệ vẫn nên về sớm.”
Hứa Tắc nhận bao giấy nhét vào trong lòng, xoay người lên ngựa cùng với vài lại tá tiến thẳng hướng Nam.
Mùa đông năm ngoái lượng mưa không cao, ruộng đất hạn hán, đây là điều kiện tốt cho châu chấu sinh sôi nảy nở. Đầu xuân năm nay Hứa Tắc đã cho thông báo tới các thôn xóm, chỉ cần phát hiện có ụ đất thì phải lập tức báo quan để kịp thời tiêu diệt hoàn toàn mầm mống châu chấu. Mặt khác, việc khai thông thuỷ lợi cũng không dám buông lỏng, chỉ sợ tới mùa hè khô hạn, thời tiết thay đổi dẫn tới nạn châu chấu bùng nổ.
Hà Nam và Hà Bắc là hai địa phương có tỷ lệ xảy ra nạn châu chấu cao nhất, nhưng bị thiệt hại nhiều lần vẫn không có cách khắc phục. Hậu quả là dân chúng mất mùa, quốc khố cạn kiệt dẫn tới bạo động liên tiếp.
Nhóm người Hứa Tắc đến các thôn phía Nam, lập tức tập họp các lý chính, bàn bạc cách giải quyết nạn châu chấu thâu đêm.
Phương pháp diệt châu châu của Hứa Tắc rất rõ ràng, bắt được liền diệt, cho dù có diệt không hết cũng tốt hơn là ủ thành tai họa.
Nhưng có một lý chính lớn tuổi phản đối: “Châu chấu là ‘Tai tiên’* ! Sao có thể nói diệt là diệt? Chúng ta có Miếu hoàng trùng* để làm gì? Chẳng phải là để cúng bái hay sao! Chỉ cần quan trên cúng bái, chờ gom đủ thành ý thì tai tiên tự nhiên sẽ rời đi! Nếu làm theo lời Minh phủ, tùy tiện tiêu diệt, chọc giận tai tiên thì, đến lúc đó nạn châu chấu mới kéo đến thật đấy! Bao nhiêu năm nay ở Cao Mật làm gì có nạn châu chấu, đây đều là nhờ công lao của Miếu hoàng trùng!”
* Tai tiên: “tai” trong tai họa, tai nạn; “Tiên” trong thần tiên.
* Hoàng trùng: Châu chấu
“Minh phủ còn quá trẻ, vẫn chưa suy nghĩ chính chắn! Hoàn toàn không coi thần tiên ra gì!” Có hương dân ra vẻ người lớn chỉ trích Hứa Tắc, “Vốn làm gì có thứ gọi là nạn châu chấu, Minh phủ cứ muốn diệt, thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra thật mà thôi!”
“Đúng thế!”, “Có thời gian chi bằng đến Miếu hoàng trùng cúng bái đi!”, “Minh phủ cùng các huyện quan đi cúng thì nạn châu chấu sẽ không đến nữa!”, “Có lý có lý!”
Hứa Tắc không nói gì, Chúc Ký liếc sang nàng, lạnh lùng nói: “Minh phủ là lo nghĩ cho Cao Mật! Các người đừng ồn ào!”
“Đây không phải là ồn ào. Là Minh phủ rảnh rỗi kiếm chuyện!”
Hứa Tắc vẫn không nói lời nào.
Lúc này nhiều lý chính trẻ tuổi nhịn không nổi nữa, giúp Hứa Tắc phản bác: “Hàng năm đều cúng bái Miếu hoàng trùng, nhưng bảy năm trước đã xảy ra nạn châu chấu thì phải giải thích sao đây? Chẳng lẽ năm ấy chúng ta không cúng bái à? Miếu hoàng trùng có tác dụng hay không còn chưa biết! Các người đừng nói bừa!”
“Đúng vậy, một đám lão già chỉ biết nói càn.” Những người khác phụ họa theo.
“Thằng nhóc này!” Một lý chính lớn tuổi cầm gậy gõ mạnh xuống đất, “Miệng còn hôi sữa! Biết gì mà nói!”
Trông thấy hai bên muốn đánh nhau, Hứa Tắc bèn vỗ bàn ý bảo mọi người im lặng.
“Hứa mỗ sẽ không đến cúng bái Miếu hoàng trùng, diệt châu chấu là việc bắt buộc phải làm.” Nàng nói tiếp, “Vì để diệt châu chấu, ta sẽ cho mở Thường bình thương và Nghĩa thương*. Những vấn đề khác, lúc mở kho Hứa mỗ sẽ suy nghĩ. Mong mọi người hãy cân nhắc.”
* Cũng là kho lương dự trữ của triều đình nhưng chủ yếu dùng để cứu tế thiên tai.
Dứt lời, nàng đứng lên rời đi, Chúc Ký nói với các lý chính: ”Mời mọi người về đi, bây giờ không còn sớm nữa, hãy nhanh về ngủ một giấc để sáng mai còn cùng hương dân diệt châu chấu nữa.”
Nói xong hắn chạy đuổi theo Hứa Tắc, đi một đoạn nhịn không được hỏi: “Minh phủ, nhiều năm nay Miếu hoàng trùng ở Cao Mật đã được cúng tế rất nhiều, ngài kiên quyết không cúng như vậy khiến hương dân không chấp nhận ngay được đâu. Tại sao không ừ cho qua chuyện?”
“Ừ cho qua ư? Vừa cúng bái, vừa diệt châu chấu à? Thế thì hương dân sẽ nghĩ rằng huyện quan không có lập trường, cuối cùng nên tin hay là không nên tin đây.” Nàng thở dài một hơi, “Dựa vào ruộng đất mà sống thì con người phải nương nhờ thiên địa thần linh là chuyện hợp tình hợp lý. Nhưng không thể nhân nhượng việc cúng báo Miếu hoàng trùng, đó là mượn cớ thuận theo tự nhiên, phong tục này không thể kéo dài được.”
Lập trường của nàng rất kiên định nên Chúc Ký không biết phải phản bác thế nào. Hắn vẫn chưa từ bỏ ý định, lại hỏi: “Nhưng nếu diệt châu chấu vô dụng, lỡ như nạn châu chấu vẫn bùng phát thì….. cuối cùng tội danh này sẽ rơi lên đầu Minh phủ.”
“Nếu như không may…” Nàng trông theo bờ ruộng dọc ngang phía xa trong bóng đêm, thản nhiên nói: “Vậy thì chịu thôi.”
Bởi vì không yên tâm công tác tiêu diệt châu chấu của hương dân thôn Nam nên Hứa Tắc quyết định tự mình giám sát, đồng thời toàn quyền ủy thác việc trưng thu lương thực mùa xuân và công việc ở huyện giải cho Trần Hướng.
Nàng còn thức đêm viết thư, sai lại tá giao cho Vương Phu Nam.
Lúc Vương Phu Nam nhận được thư đã là giữa trưa ngày hôm sau. Lúc đó hắn đang ở Dịch Sở viết tấu chương phản đối tăng trừu quán, chợt nghe có người gõ cửa mang tin tức tới, mở ra thì nhận ra chữ viết của Hứa Tắc.
Trong thư Hứa Tắc thuật lại mấy việc. Một là bốn châu Thái Ninh đều là những nơi có tỷ lệ xảy ra nạn châu chấu cao, nơi nào bùng phát cũng sẽ liên luỵ đến hắn, cho nên khẩn xin hắn cần phải xử lý tốt công tác chống nạn châu chấu ở trấn Thái Ninh; Hai là nếu triều đình muốn nắm quyền kinh tế ở địa phương, chi bằng khẩn cầu bên trên khôi phục Thường bình thương và Nghĩa thương đã bỏ bê nhiều năm. Điều này sẽ giúp địa phương gặp thiên tai có chỗ dựa, đồng thời triều đình cũng nắm quyền nên đương hiên được hưởng được lợi ích.
Cuối cùng là một câu lời ít ý nhiều – mong huynh bảo trọng, người huynh quen biết.
Việc công chỉ nói đến đó, nhu tình lại vừa đủ.
Nàng đúng là cao thủ.
Vương Phu Nam than thở, viết xong tấu chương liền lên đường đến Thái Ninh trị sở của Nghi châu.
Về chuyện thu thêm trừu quán, vì bị đa số các Tiết Độ sứ và Quan sát sứ phản đối mà chấm dứt trong thất bại.
Tổng ngạch trưng thu thuế mùa xuân theo thông lệ chia làm ba phần. Một phần dâng lễ cho triều đình, một phần hiến cho Tiết độ sứ, phần thứ ba lưu lại cho châu huyện.
Ba phần này đều được phân chia theo định mức, bề ngoài ba mức này không ai nhường ai, tuyệt không bên nào chịu cắt bỏ một phần. Nếu triều đình muốn lấy tiền thuế từ phương trấn hoặc châu huyện sẽ phải hao hết tâm tư nghĩ đủ mọi cách.
Hứa Tắc đề xuất khôi phục Thường bình thương và Nghĩa thương, chính là một cách giúp triều đình tranh được lợi ích.
Hơn nữa Nghĩa thương chỉ dùng để cứu tế thiên tai. Theo lý mà nói lương thực dùng để cứu tế phải lấy từ triều đình, nhưng triều đình có thể lấy danh nghĩa của kho Nghĩa thương, yêu cầu khấu trừ từ tổng ngạch trưng thu thuế đất sung vào kho. Làm như vậy, thứ nhất chính là biến tướng để địa phương phải gánh số lương thực này, nhưng quyền sở hữu vẫn quy về triều đình.
Ngay khi vụ trưng thu mùa xuân vừa kết thúc, triều đình đã lập tức hạ lệnh khôi phục Thường bình thương và kho Nghĩa thương.
Mặc dù có tiếng bất mãn từ địa phương, nhưng phía triều đình lại giở chiêu bài “Tích trữ lương thực phòng khi thiên tai cho bách tính”, khiến người ta không có lý do phản bác, đành nghiên chỉnh chấp hành.
Cao Mật chịu ảnh hưởng không lớn. Từ năm ngoái, Hứa Tắc đã bắt đầu dự toán và quay vòng tiền vốn, tiến hành tích trữ lương thực nhằm đề phòng bất cứ tình huống nào xảy ra, lúc này kho lương Cao Mật đã đầy ắp.
Thấm thoắt đã gần tháng sáu, thời tiết ngày càng nóng. Mỗi đêm Thiên Anh đều than nóng nực, nửa đêm phải ăn dưa ướp lạnh mới có thể ngủ tiếp.
“Tam lang, trời không mưa gần một tháng rồi phải không? Có điều dưa ngọt lắm.” Thiên Anh vừa ăn dưa vừa ngoái đầu nhìn Hứa Tắc đang cắm cúi làm việc phía bên kia.
“Ừ.” Hứa Tắc đáp lời, tiếp tục viết công văn.
Thiên Anh ăn xong liền đi rửa tay, nhìn Hứa Tắc còn đang bận bịu công việc, lại thấy nàng nhíu mày, Thiên Anh muốn hỏi lại không biết hỏi thế nào.
Loại áp lực của tầm nhìn và sự từng trải này, khiến Thiên Anh cảm thấy không thoải mái.
Nếu bảo nàng đọc sách chẳng khác gì muốn lấy mạng nàng, còn nếu muốn Hứa Tắc đảm đương việc nhà chỉ sợ cũng là muốn lấy mạng Hứa Tắc.
Mặc dù mỗi người đều có phận sự riêng nhưng sự việc vẫn có giới hạn của nó, nàng không thể để phát sinh quá nhiều tình cảm với Hứa Tắc, huống hồ Hứa Tắc lại thường xuyên chiều theo nàng, khiến nàng cảm thấy tiếc nuối và mất mát một chút.
Suy nghĩ quá nhiều thì không ngủ được. Thiên Anh ngồi cạnh bàn, chống cằm xem Hứa Tắc làm việc. Hứa Tắc chợt ngẩng đầu ngó Thiên Anh: “Cô không đi ngủ à?”
Thiên Anh không trả lời, chỉ nhìn Hứa Tắc.
“Nhìn ta làm gì?”
“Cô đẹp thật đấy!” Thiên Anh không vui, nhíu mày: “Nếu dáng vẻ này không đẹp như thế, nói không chừng Thập thất lang sẽ không thích cô đâu.” Nói xong lại phủ định lời nói của mình: “Cũng không nhất định là hắn nhìn trúng vẻ bề ngoài. Ôi, dù sao cũng thật đáng ghét, hắn thật xấu xa.”
Hứa Tắc không biết nên đáp gì.
Thiên Anh đứng lên: “Nếu ngày nào đó hắn cướp cô đi, ta sẽ đánh hắn một trận. Không, ta sẽ thả mười con rắn để cắn hắn.” Nàng căm giận nắm chặt tay, đúng lúc bên ngoài vang lên tiếng đập cửa.
Hứa Tắc ngẩng đầu, Thiên Anh cũng xoay người.
Người hầu vội vàng đi mở cửa thì thấy Chúc Ký.
Chúc Ký không nói một lời đi thẳng đến nhà chính, Hứa Tắc đứng dậy bước ra bên ngoài, kêu hắn: “Chúc Ký, có chuyện gì gấp sao?”
“Minh phủ! Có chuyện lớn rồi!”