Trong đêm hè nóng bức ẩm ướt, lá cây ngô đồng Pháp bay xào xạc.
Tiết Tuyển nhận ra người vừa bước xuống xe… Tông Khánh Lâm, cha của Tông Anh.
Lửa giận trong lòng đột nhiên bùng cháy, cô buông tay Tông Anh ra, không nói lời nào đứng sang bên cạnh, liếc về phía Tông Anh.
Tông Anh đương nhiên cũng nhận ra Tông Khánh Lâm, cô chỉnh lại đồng phục, chào một tiếng: “Ba.”
Tông Khánh Lâm nhìn lướt qua hai người, một lúc sau mới nói một câu: “Lên nhà đi.”
Tông Anh im lặng, Tiết Tuyển Thanh tức giận quay mặt đi.
Cuối cùng, Tông Anh xoay người, lấy chìa khoá mở thiết bị bảo vệ, mở cửa mời họ vào.
Tông Khánh Lâm vào nhà trước, Tiết Tuyển Thanh trưng bộ mặt nhặt nhẽo, cúi đầu lấy bao thuốc lá, từ chối bằng giọng không lấy gì làm thân thiện: “Tôi không lên đâu, tôi đứng đây hút thuốc.”
Tông Anh tôn trọng quyết định của cô, buông tay để mặc cửa tự động khép lại. Cách lớp cửa thuỷ tinh, điếu thuốc trong tay Tiết Tuyển Thanh loé lên trong bóng tối.
Tông Khánh Lâm đã lâu chưa tới nhà trọ 699, có thể là mười năm, cũng có thể lâu hơn. Hôm nay lại đột nhiên đến thăm thế này, thật hiếm có! Trong thang máy, cả hai cha con đều không nói lời nào, trước khi mở cửa, Tông Khánh Lâm mới lên tiếng: “Họ báo cho ba biết mày mất tích, ba nghĩ mình nên đến đây một chuyến. Rốt cuộc mày đã đi đâu vậy?”
Tông Anh không hề tốn sức thuật lại lời nói dối lần nữa, Tông Khánh Lâm không năm lần bảy lượt chất vấn cô như Tiết Tuyển Thanh. Ông có vẻ rất tin tưởng lời trần thuật của Tông Anh, không thấy khả nghi ở điểm nào.
Trông thấy ổ khoá bị nạy ra, ông chỉ nói một câu: “Sao lại nạy khoá ra thế này? Thật liều lĩnh!”
Tông Anh không để ý đến câu này, bước thẳng vào phòng định tiếp đãi ông. Nhưng cô chẳng có gì để mời, cạnh sô pha để thùng đựng vật chứng và thùng đựng dụng cụ kiểm nghiệm, gạt tàn trên bàn trà chứa đầy tàn thuốc lá do Tiết Tuyển Thanh để lại, căn nhà được bao bọc trong khói thuốc, khiến người ta có cảm giác nôn nóng, bức bối.
Cô đi vào bếp đun một ấm nước, nước dần dần sôi, phát ra tiếng ùng ục, âm thanh càng lúc càng to.
Tông Khánh Lâm vào nhà nhưng không ngồi xuống, nói: “Nơi này vẫn như xưa.” Tông Anh canh ấm nước không lên tiếng, nhìn ông đi đi lại lại quanh nhà.
Trời nóng, nước cũng sôi rất nhanh. Tông Anh cầm một chiếc cốc sạch sẽ, lấy hộp hồng trà trong tủ ra, bốc một ít lá trà, tay để bên miệng cốc, nhưng cuối cùng lại thả xuống. Thôi, có lẽ ông ấy không uống quen.
Tông Anh rót một cốc nước lọc, bưng ra phòng khách, quay đầu trông thấy Tông Khánh Lâm bước vào căn phòng phía Nam. Bên đó xem như thư phòng của Tông Anh, trước khi cô sử dụng, căn phòng ấy thuộc về mẹ cô.
Tông Khánh Lâm dừng chân trước một giá sách, ngọn đèn xưa cũ trên trần nhà chiếu sáng kệ thuỷ tinh. Một khung ảnh lẳng lặng nằm trong góc, trong tấm ảnh đen trắng, vài chục người ăn mặc chỉnh tề, có đứng có ngồi, vài vị giáo sư ngồi ở hàng đầu tiên… Đây là ảnh lưu niệm chụp trong lễ tốt nghiệp của Học viện Dược năm 1982.
Trong ảnh có ông, có Hình Học Nghĩa – chú của Tông Du và Nghiêm Mạn – mẹ Tông Anh. Những khuôn mặt trẻ trung, khoé miệng hướng lên, tất cả đều đang cười. Ảnh có thể lắng đọng khoảnh khắc hân hoan trong nháy mắt, nhưng chẳng thể lưu giữ chúng. Đến tận bây giờ, Nghiêm Mạn mất, Hình Học Nghĩa cũng ra đi, chỉ mình ông còn sống.
Tông Khánh Lâm giơ tay lên trong vô thức, định chạm vào khung ảnh, nhưng lại bị cửa thuỷ tinh ngăn cách.
Tông Anh đứng sau lưng ông, nói: “Chiếc tủ đó chứa toàn đồ của mẹ, bà ngoại khoá lại, con không có chiều khoá.”
Tông Khánh Lâm rụt tay lại, xoay người không nói gì.
Tông Anh hỏi: “Tình trạng của Tông Du sao rồi?”
Vẻ mặt Tông Khánh Lâm hết sức trầm trọng: “Nghe nói không được tốt lắm, ba đang định qua đó xem sao.”
Tình cảm giữa Tông Anh và cậu em trai này cũng không quá sâu sắc, có thể vì hơn kém nhau quá nhiều tuổi, cũng có thể vì ngay từ đầu đã có lòng thù địch, không cách nào nói rõ. Nhưng cô có thể chắc chắn một điều, đó là sau khi mẹ qua đời, cô trưởng thành rất sớm, học lên cao thật nhanh, chỉ để rời xa gia đình. Đúng như mong muốn của cô, hiện tại, cô trở thành “người lạ” trong gia đình ấy, dẫu quan tâm hay hỏi han cũng chỉ có chừng mực.
Lúc này, Tông Khánh Lâm nhận một cuộc điện thoại, hình như là mẹ Tông Du gọi tới, giục ông đến bệnh viện. Tông Khánh Lâm trả lời ngắn gọn: “Anh hiểu rồi”, sau đó quay lại nói với Tông Anh: “Mày cũng sắp ba mươi rồi, làm việc phải có chừng mực. Tốt nhất đừng để chuyện mất tích này xảy ra lần nữa.”
Ông không bao giờ đề xuất ý kiến mang tính thực tế, cũng không thích tâm sự, chỉ thích nói “mày không được, mày có thể”, “được, không được”.
Những bài giáo dục dài dằng dặc của phụ huynh kiểu này, Tông Anh sớm nghe mãi thành quen.
Lúc cô tiễn ông ra cửa, Tiết Tuyển Thanh đã hút hết hai điếu thuốc lá.
Đưa mắt nhìn Tông Khánh Lâm lên xe, Tông Anh định lên nhà, Tiết Tuyển Thanh cũng nhanh chóng đi theo, nhíu mày đi đằng sau hỏi: “Có phải ông ta vẫn muốn nhòm ngó số cổ phần mẹ cậu để lại không, chứ không dưng tại sao lại hạ mình đến đây?”
Tông Anh quay lại liếc Tiết Tuyển Thanh một cái, Tiết Tuyển Thanh vội nói: “Là tôi lắm miệng.”
Tông Anh ra khỏi thang máy, không quay đầu lại nói: “Cậu phá khoá, tự giải quyết đi, tôi không muốn ngủ trọng tình trạng cửa mở toang.”
Trong chuyện này, Tiết Tuyển Thanh là người sai trước, cô thành thật tìm người khắp nơi tới đổi khoá, tiếc rằng đã quá muộn, nhiều người không muốn làm việc, Tiết Tuyển Thanh đành phải ra ngoài tìm.
Lúc đi gần tới cửa, cô đột nhiên vòng lại phòng khách, cướp lấy thùng đựng vật chứng như cướp bảo bối, nhìn thẳng Tông Anh, vẻ mặt cẩn thận, phòng bị: “Tôi phải đem thứ này đi trước, tuyệt không để cậu có cơ hội động tay động chân.”
Tông Anh hiểu Tiết Tuyển Thanh rất rõ, vào lúc này có cản cũng vô dụng, vì vậy cô hào phóng nói: “Mang đi đi.”
Sau khi Tiết Tuyển Thanh đi, Tông Anh dọn dẹp nhà cửa, mở cửa sổ để gió Nam tràn vào phòng. Cô nhớ tới tối qua, cũng ở nơi này, nhưng lại là cảnh tượng hoàn toàn khác, trật tự mà thanh tịnh, thúc đẩy người ta chìm vào giấc mộng đẹp. Tông Anh đứng ở đầu gió, dõi mắt nhìn khung cảnh nhà lầu đèn điện trước mắt, nhắc nhở bản thân không nên suy nghĩ nữa, thời đại kia và cuộc chiến tranh sắp tới không hề liên quan tới cô.
Khoảng hai tiếng sau, Tiết Tuyển Thanh quay về, mang theo một chiếc khóa mới không rõ mua ở đâu, lấy thùng dụng cụ trong nhà Tông Anh, dứt khoát tự mình ra tay đổi khóa. Hai người đều thuộc tuýp người không thích tán gẫu trong lúc làm việc, Tiết Tuyển Thanh tập trung đổi khóa, Tông Anh ngồi trên ghế sô pha nhìn cô làm, hai người không trao đổi với nhau câu nào.
Thay xong khoá đã ba giờ sáng. Tiết Tuyển Thanh đứng lên phủi tay, than phiền một câu “khó thật”, sau đó thu dọn thùng dụng cụ, đóng sầm cửa lại, vào nhà rửa tay.
Trong tiếng nước chảy ào ào, cô nói: “Trời sắp sáng, cậu có muốn tắm rửa rồi đi cùng xe tôi đến cơ quan luôn không?”
“Không.” Tông Anh từ chối.
“Vậy cậu tranh thủ ngủ một lát đi.” Tiết Tuyển Thanh tắt vòi nước, lau khô tay, ném chìa khoá mới lên bàn trà trước mặt Tông Anh: “Nhớ thay chìa mới, tôi đi trước đây, còn cố tính tắt máy lần nữa, tôi nhất định sẽ giết cậu!”
Tông Anh nằm trên ghế sô pha không lên tiếng, Tiết Tuyển Thanh thấy cô giả chết, ra cửa định đóng sầm cửa vào cho hả giận, nhưng cuối cùng chỉ đóng “cạch” một cái, nhẹ nhàng cẩn thận.
Tông Anh đưa tay che mặt, một lúc sau mới đứng dậy sạc điện cho di động, sau đó đi tắm.
Sau bao ngày không được tắm bằng nước lạnh, lúc này nước nóng cọ rửa cơn mệt mỏi bao trùm thân thể, nhịp tim cũng dần dần tăng nhanh. Thay xong quần áo, Tông Anh khom lưng cầm chuỗi chìa khoá trên bàn trà, suy nghĩ một lúc, tháo xuống một chiếc làm chìa khoá dự phòng, bỏ vào tủ cạnh cửa trước, lại lật ra một tờ giấy viết ba chữ “Đã thay khoá”, đặt dưới chiếc chìa khoá.
Cô ngẩng đầu, tình cờ trông thấy ngọn đèn hành lang đã chiếu sáng gần một thế kỷ.
Ngay lúc này, cô đột nhiên nhớ tới một chuyện, vội vã về phòng mở két bảo hiểm, lấy cặp công văn của Thịnh Thanh Nhượng ra, cầm điện thoại di động ra ngoài.
Lúc ra khỏi nhà đã là năm giờ sáng, tàu điện ngầm còn chưa hoạt động, xe taxi đỗ trên con phố nửa sáng nửa tối, đưa Tông Anh đến thẳng khách sạn Phổ Giang.
Trên đường bất ngờ bị tắc đường, tài xế nói: “Đằng trước hình như vừa xảy ra tai nạn.” Tông Anh ngồi trên xe, thấy thời gian gần đến sáu giờ, dứt khoát xuống xe, chạy bộ tới.
Trước mặt cô, những con phố vừa tỉnh giấc không ngừng lùi lại phía sau. Lúc cô hộc tốc chạy tới khách sạn, chiếc đồng hồ treo tường ở quầy lễ tân vừa hay chạy qua sáu giờ, cuối cùng vẫn chậm một bước.
Cô cố gắng ổn định hô hấp, hỏi quầy lễ tân xem Thịnh Thanh Nhượng đã trả phòng chưa, nhân viên lễ tân đáp: “Mười phút trước đã có người trả phòng rồi ạ, là một vị tiên sinh”, cô lại hỏi xem anh có để lại lời nhắn nào không, đối phương “Ừm” một tiếng rồi nở nụ cười tiêu chuẩn, nói: “Không thưa chị.”
Đáp án này hoàn toàn nằm trong dự kiến, nhưng Tông Anh không kìm được cảm thấy mất mát, cặp công văn trong tay dường như nặng hơn đôi chút.
Cô bước ra ngoài, đứa bé giữ cữa gọi taxi giúp cô. Chỉ có thể về đơn vị.
Trên đường, cô lấy quyển sổ tay của Thịnh Thang Nhượng ra, lật đến trang gần đây nhất… “Ngày 24, tạm thời quyết định tham gia cuộc họp của Hội Tư Uỷ vào tám giờ sáng, buổi tối vẫn tham gia buổi mô phỏng phiên toà như cũ. Bớt chút thời gian đi thăm giáo viên cũ.”
Lật lại trang trước… “Ngày 23, buổi tối nói chuyện với Tông tiểu thư (hi vọng có thể gặp cô ấy).
Đêm đó là lần gặp mặt chính thức đầu tiên của hai người.
Tông Anh khép sổ tay lại, ngoài cửa xe, mặt trời đã mọc, ánh ban mai chiếu rọi mặt sông rộng lớn, tất cả đều xưa cũ, tất cả cũng đều mới mẻ.
Cô mở điện thoại tra thông tin liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn trên đường 723, bắt gặp một người tự xưng là Người Biết Rõ Mọi Chuyện đứng ra giải thích…
Trong xe Hình Học Nghĩa quả thật phát hiện được ma tuý, nhưng báo cáo kiểm nghiệm thi thể cho thấy, ông ta không hít ma tuý.
Bên dưới, hàng loạt nghi vấn đang gây tranh cãi.
— Chiếc xe không gặp trục trặc chứ? Không hít thuốc phiện, vậy tại sao chiếc xe lại mất không chế? Pháp y chịu trách nhiệm vụ án này có phải con gái lớn của Tông Khánh Lâm không?
Người Biết Rõ Mọi Chuyện đáp…
Pháp y chịu trách nhiệm vụ án là một người khác, không phải pháp y họ Tông mà báo chí đưa ra, đồng thời đính kèm bản kê khai nội bộ đã được làm mờ.
Nghi vấn không ngừng được đặt ra, giọng điệu chua ngoa trào phúng…
— Chẳng qua bị mọi người vạch trần nên giở mánh khoé treo đầu dê bán thịt chó, thật giả tạo!
Đến đây, Người Biết Rõ Mọi Chuyện không tiếp tục trả lời, có thể vì tức giận, cũng có thể vì… Không cần thiết.
Một số người có lẽ không thật sự để ý đến sự thật, họ lên tiếng, chỉ vì chứng thực “sự thật” mà họ bằng lòng tin tưởng.
Bên cạnh đó là một số thông tin liên quan khác, ngoại trừ lời “lên án công khai” từ người thân của những người gặp nạn về công ty sản xuất thuốc Tân Hi và những ngành tương quan, điểm đáng chú còn lại là tấm ảnh chụp một đứa trẻ.
Cậu bé bị gãy xương vai, người quấn đầy băng vải, phải bó bột, ngồi trên một chiếc xe lăn, ánh mắt bất lực mờ mịt, tựa đề ghi “Cậu bé mất cha mẹ và em trai chưa ra đời trong vụ tai nạn”, bài viết không miêu tả nhiều, nhưng chính sự thật đã khiến người đọc dừng tranh cãi trong thương cảm.
Một sự vô tâm đầy lạnh lùng hờ hững.
Tông Anh tắt trang web, thở dài từ tốn, một lúc sau, cô mở danh bạ, gọi cho một đàn em đang công tác tại bệnh viện gần đây.
Cô đi thẳng vào vấn đề: “Tiểu Đới, có thể giúp chị hẹn một buổi chụp X-quang mạch máu não được không?”
Ban đầu, đối phương tỏ ra sững sờ, sau đó hỏi: “Tình trạng ra sao, chị muốn trực tiếp chụp DSA ạ?”
(*) DSA: được viết tắt bởi cụm từ Digital Subtraction Angiography, đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số xử dụng thuật toán để xóa nền trên 2 ảnh thu nhận được trước và sau khi tiêm chất cản quang vào cơ thể người bệnh, nhằm mục đích nghiên cứu mạch máu trong cơ thể.
Tông Anh nhìn ra ngoài cửa sổ: “Chị đã làm xét nghiệm lâm sàng rồi, chỉ cần một báo cáo chuẩn đoán chính xác nữa thôi.”
Đầu dây bên kia im lặng đại khái nửa phút, cuối cùng nói: “Được ạ, chị bố trí hai ngày nghỉ nhé, thứ sáu và thứ bảy được không?”
Toà nhà cao ốc của đơn vị xuất hiện trong tầm mắt, Tông Anh đáp: “Được, cảm ơn em.”
Ngày cuối cùng của tháng Bảy, Tông Anh xin phép nghỉ, vào viện đúng thời hạn.
Làm xong một loạt xét nghiệm kiểm tra trước khi chụp X-quang, Tiểu Đới hỏi xong tình trạng bệnh, lại hỏi cô: “Chị đã thực hiện chế độ không ăn không uống một cách nghiêm ngặt rồi chứ?”
Tông Anh trả lời bằng câu khẳng định, Tiểu Đới lại hỏi: “Ở phương diện này, bệnh viện chúng em không mạnh bằng bên Thịnh sư huynh, chị tội gì phải bỏ gần cầu xa? Không muốn để sư huynh biết à?”
Tông Anh nói: “Cậu ta biết tương đương với tất cả mọi người đều biết.”
Tiểu Đới cười khổ: “Chị biết em kín miệng mới tìm em đúng không?” Nói xong liền đưa giấy cam kết đồng ý cho cô: “Chị ký đi.”
Kết thúc thí nghiệm kiểm tra độ nhạy, Tông Anh tắt điện thoại di động rồi vào phòng kiểm tra, y tá phòng máy khử độc cho cô, tầng tầng lớp lớp vải lót vô khuẩn được trải bên dưới, Tiểu Đới đeo khẩu trang đứng bên cạnh hỏi: “Sư tỷ, lúc đó chị hoàn toàn có thể chuyển sang khoa khác, vì sao lại trực tiếp bỏ bệnh viện? Công tác trong ngành công an chưa chắc đã thoải mái hơn bệnh viện.”
1% lidocain (*) được tiêm vào, hoàn thành gây tê cục bộ, kim tiêm đẩy mạnh qua làn da, đâm vào động mạch.
(*) Lidocain là thuốc gây tê còn có các tên biệt dược khác là xylocain, lignocain, thường dùng dưới dạng thuốc tiêm gây tê phối hợp với chất co mạch để giảm hấp thu thuốc. Thuốc còn có tác dụng chống loạn nhịp tim.
Tông Anh nằm trên giường chụp X-quang, suy nghĩ mông lung.
——
Lời tác giả:
Thịnh tiên sinh: Sáng ngày 27 tháng 7 đến ngày 31 tháng 7 không thể đến nhà trọ 699 được, vì tôi phải đi Nam Kinh. Chẳng hay Tông tiểu thư có nhớ tôi không? Ngoài ra, trong mấy tối ở Nam
Kinh, tôi gần như đã tiêu hết 2000 đồng. Vì sao ở thời đại của cô, không có chứng minh thư thì không được đặt phòng?
——
1. Pháp y chính là một chức vụ, tương đương với bác sỹ điều trị chính trong bệnh viện.
2. DSA > CTA > MRA, các phương diện về chi phí, độ chính xác, đều theo trình tự này. Đối với kiểm tra mạch máu, CTA và MRA vẫn còn thô sơ, tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác và các bước trị liệu tiếp theo thông thường vẫn phải dựa vào DSA.
3. Dựa theo trình tự bình thường, báo cáo kết quả chính thức về sự cố không thể đưa ra nhanh chóng. Hơn nữa, chuyện này không đơn thuần là một vụ tai nạn giao thông, mà còn liên quan đến nhiều ngành tương quan khác.