GIỜ ĐÂY, khi mà việc tiếp xúc liên tục đã làm ta chai cứng với những thứ dâm ô tục tĩu, thì thật hữu ích khi nhìn ra những thứ có vẻ nguy hại với chúng ta. Điều vẫn còn đánh vào nhận thức dễ bảo của ta liệu có đủ để làm ta chú ý?
Ở Florence có cuộc triển lãm gọi là Công cụ Tra tấn Man rợ và tại đây Rinaldo Pazzi đã đụng độ Tiến sĩ Fell lần nữa.
Cuộc triển lãm trưng bày hơn hai mươi dụng cụ tra tấn cổ với nhiều tư liệu bao quát được đem lên pháo đài Belvedere, một thành lũy thời Medici thế kỷ mười sáu bảo vệ thành Nam của thành phố. Triển lãm mở cửa cho một đám đông lớn không ngờ; niềm háo hức như một con cá hồi nhảy trong chiếc quần chung.
Theo lịch là một tháng; song Công cụ Tra tấn Man rợ diễn ra trong sáu tháng trời, sức hút không thua gì bảo tàng Uffizi và còn hơn cả bảo tàng cung điện Pitti.
Ban tổ chức là hai người thợ nhồi da thú thất bại từng phải ăn đồ thừa từ những mẫu vật họ nhồi để sống, trở thành triệu phú và làm một chuyến du lịch ăn mừng chiến thắng vòng quanh châu Âu trong bộ tuxedo mới đồng thời trưng bày dụng cụ tra tấn của họ.
Khách tham quan hầu hết đều đi theo cặp và đến từ khắp châu Âu, tận dụng thời gian gia hạn bu quanh những cỗ máy hành xác và đọc kỹ một trong bốn ngôn ngữ xuất xứ của những thiết bị và cách sử dụng chúng. Minh họa của Dürer và những người khác cùng với những cuốn nhật ký đương đại đã làm cho mọi người sáng tỏ về những chuyện như cách thức sử dụng bánh xe hành xác.
Bản tiếng Anh từ một áp phích quảng cáo:
Các hoàng tử Ý thích làm cho nạn nhân dập nát dưới đất bằng cách dùng bánh xe sắt tấn công và khóa bên dưới chân tay như trong hình. Trong khi đó, phương pháp phổ biến ở Bắc Âu là trói nạn nhân vào bánh xe và đập bằng thanh sắt, sau đó trói tay chân vòng qua những nan hoa xung quanh bánh xe. Xương gãy sẽ tạo sự linh động cần thiết trong khi ở giữa là thân và đầu vẫn còn la hét. Phương pháp sau làm thỏa mãn khán giả hơn nhưng màn giải trí có thể bị gián đoạn nếu một ống xương đâm vào tim.
Cuộc trưng bày Công cụ Tra tấn Man rợ đã không phụ lòng những kẻ sành sỏi man rợ nhất của loài người. Nhưng bản chất tồi tệ nhất, nhựa độc thật sự của đầu óc con người không phải ở trên công cụ tra tấn Trinh Nữ Sắt hay những lưỡi nhọn sắc bén, bản tính xấu xa hiện ngay trên vẻ mặt của đám đông.
Trong vẻ tranh tối tranh sáng của gian phòng đá rộng lớn, dưới ánh đèn và những cái cũi treo đọa đày là Tiến sĩ Fell, một kẻ sành sỏi làm mặt bịp. Giữ kính mắt bằng bàn tay bị sẹo, mép chiếc tai nghe đụng vào môi, mặt hắn chăm chú theo dõi mọi người đi thành hàng vào.
Rinaldo Pazzi nhìn thấy hắn ở đó.
Pazzi đang phải mua mấy thứ đồ lặt vặt lần thứ hai trong ngày. Thay vì ăn tối với vợ, ông bị xô đẩy trong đám đông để dán cảnh báo mới tới các cặp đôi về tên Quái Vật của Florence mà ông vẫn chưa bắt giữ được. Những bảng cáo thị như thế được những cấp trên mới để đầy trên bàn ông cùng với các cáo thị truy nã từ khắp nơi trên thế giới.
Hai thợ nhồi da thú đang cùng nhau theo dõi quầy bán vé đều hớn hở khi bỏ thêm một chút ly kỳ thời đại vào buổi trưng bày, nhưng họ bảo Pazzi tự dán cáo thị lên vì không ai muốn để người kia một mình với đống tiền. Một vài người trong vùng nhận ra Pazzi và xùy xùy khinh bỉ ông từ giữa đám đông vô danh.
Pazzi ấn ghim vào góc bức cáo thị màu xanh dương có hình một con mắt nhìn chằm chằm để giữ nó trên bảng thông báo gần lối ra, nơi thu hút sự chú ý nhất, rồi bật ngọn đèn bên trên đó lên. Ngắm những cặp đôi đang ra về, Pazzi nhận ra nhiều người đang hứng tình mơn trớn nhau trong đám đông ở lối ra. Ông không muốn thấy thêm một hoạt cảnh nào nữa, không muốn thấy thêm máu me hay hoa hoét gì nữa.
Pazzi không muốn nói chuyện với Tiến sĩ Fell – sẽ rất tiện để ông thu thập những đồ vật của người giám tuyển bị mất tích lúc ở gần Biệt điện Capponi như thế này. Nhưng khi Pazzi vừa quay ra khỏi bản thông báo, tay tiến sĩ đã đi mất. Hắn không có trong đám đông ở lối ra. Chỉ còn lại bức tường đá nơi hắn đã đứng bên dưới mấy cái cũi treo bỏ đói có bộ xương cong cong của bào thai vẫn còn đang van xin được ăn.
Pazzi thấy bực bội. Ông chen qua đám đông cho tới khi ra được bên ngoài nhưng cũng không tìm thấy tay tiến sĩ đâu.
Người gác cổng ở lối ra nhận ra Pazzi và không nói gì khi ông bước qua dây thừng ra khỏi lối đi xuống mặt sân tối của pháo đài Belvedere. Ông đi đến tường chắn mái nhìn về phía Bắc qua con sông Arno. Thành phố Florence cổ kính đang ở dưới chân ông, gò đất lớn của tòa thánh Duomo, pháo đài của Biệt điện Vecchio vươn lên trong ánh sáng.
Pazzi, một tâm hồn già cỗi, quằn quại trong cái tình cảnh lố bịch. Thành phố của ông nhạo báng ông.
Cảnh sát FBI Mỹ đã đâm một nhát sau cùng vào lưng Pazzi khi phát biểu trên báo chí rằng tư liệu của FBI về Il Mostro không hề giống kẻ bị Pazzi bắt giữ. Tờ La Nazione còn thêm rằng Pazzi đã chụp mũ Tocca vô tù.
Lần cuối Pazzi dán cáo thị màu xanh dương về Il Mostro là ở Mỹ. Đó là một chiến tích tự hào ông treo trên tường của ban Khoa học Hành vi và ông đã ký tên vào theo yêu cầu của các đặc vụ FBI Mỹ. Họ biết tất cả về ông, ngưỡng mộ ông vào mời mọc ông. Ông và vợ đã từng là khách trên bờ biển Maryland.
Đứng ở bức tường mái tối tăm, nhìn xuống thành phố cổ, ông ngửi thấy mùi muối biển từ vịnh Chesapeake, thấy vợ ông trên bờ biển trong đôi giày thể thao mới trắng tinh.
Có một bức ảnh Florence ở ban Khoa học Hành vi tại Quantico, người ta đưa cho ông xem vì nó là bức ảnh gây nhiều tò mò. Quang cảnh của nó giống hệt như những gì ông đang thấy bây giờ. Florence cổ xưa nhìn từ pháo đài Belvedere, quang cảnh đẹp nhất từng có. Nhưng không phải tranh màu. Không, một bức vẽ chì được tạo bóng bằng than. Bức vẽ ở trong một tấm hình, ở phông nền của tấm hình. Đó là tấm hình của tên giết người hàng loạt ở Mỹ, bác sĩ Hannibal Lecter. Kẻ Ăn Thịt Người Hannibal. Lecter đã vẽ Florence từ hồi ức và bức vẽ được treo trong phòng giam của hắn ở trại, một nơi cũng đầy sát khí như chính chỗ này.
Từ lúc nào nó đã đến với Pazzi, cái ý tưởng chín muồi này? Hai hình ảnh, Florence thật sự nằm trước mặt ông và bức vẽ ông hồi tưởng lại. Lúc dán cáo thị của Il Mostro vài phút trước. Cáo thị của Mason Verger về Hannibal Lecter trên tường văn phòng của ông với phần thưởng khổng lồ và lời cảnh báo:
BÁC SĨ LECTER SẼ PHẢI GIẤU TAY TRÁI VÀ CÓ THỂ SẼ CỐ PHẪU THUẬT THAY ĐỔi NÓ VÌ KIỂU THỪA NGÓN VỚI MỘT NGÓN TAY DƯ HOÀN HẢO NHƯ HẮN CỰC KỲ HIẾM VÀ CÓ THỂ NHẬN RA NGAY LẬP TỨC.
Tiến sĩ Fell đưa mắt kính lên môi bằng bàn tay sứt sẹo.
Một bức vẽ chi tiết của quang cảnh này trên tường buồng giam của Hannibal Lecter.
Có phải ý tưởng đó đến với Pazzi khi ông đang nhìn xuống thành phố Florence bên dưới hay từ bóng tối tràn về trên những ngọn đèn? Và tại sao dấu hiệu của nó lại là mùi gió biển từ vịnh Chesapeake?
Thật kỳ quặc đối với một kẻ có trí nhớ trực quan tốt khi sự liên kết đến cùng với một âm thanh, âm thanh của một giọt nước rớt xuống một cái hồ đặc quánh.
Hannibal Lecter đã chạy đến Florence. Tõm.
Hannibal Lecter là Tiến sĩ Fell.
Tiếng nói bên trong Rinaldo Pazzi nói với ông rằng ông có thể sẽ nổi điên trong cái lồng của định mệnh. Đầu óc điên loạn của ông có thể sẽ nghiến song sắt đến gãy cả răng như bộ xương trong cái cũi bỏ đói.
Không hề nhớ là mình đang bước đi, ông nhận ra mình đang ở cổng Phục hưng dẫn từ pháo đài tới con dốc Costa di San Giorgio, một con phố hẹp cuộn xuống trung tâm Florence cổ xưa trong tầm gần tám trăm mét. Không hề chủ định, bước chân như đưa ông xuống con đường sỏi dốc. Ông đi nhanh hơn ông tưởng, luôn nhìn thẳng về trước tìm kiếm kẻ được gọi là Tiến sĩ Fell. Vì đường về nhà chỉ còn phân nửa, Pazzi rẽ vào Costa Scarpuccia, đi thẳng xuống cho đến khi ra đến phố Via de’ Bardi gần sông. Gần Biệt điện Capponi, nơi ở của Tiến sĩ Fell.
Pazzi thở hổn hển vì xuống dốc, ông tìm thấy một chỗ khuất ánh đèn đường, một lối vào căn hộ phía bên kia của biệt điện. Nếu có ai đến, ông có thể quay lại và giả vờ bấm chuông.
Biệt điện tối đen. Pazzi nhận thấy bên trên cánh cửa đôi lớn là đèn đỏ của máy quay theo dõi. Ông không biết chắc chiếc máy có hoạt động liên tục không hay chỉ khi có ai đó nhấn chuông. Nó ở ngay lối vào có mái che. Nó có thể nhìn khắp mặt tiền.
Ông chờ nửa tiếng, lắng nghe tiếng thở của chính mình và tay tiến sĩ không xuất hiện. Có lẽ hắn ở bên trong mà không bật đèn.
Con phố vắng tanh. Pazzi băng qua thật nhanh rồi đứng dựa sát vào tường.
Khẽ khàng, khẽ khàng, có tiếng động nhỏ phát ra từ bên trong. Pazzi dựa đầu vào song cửa sổ lạnh ngắt lắng nghe. Tiếng dương cầm cổ, Các biến khúc Goldberg của Bach chơi rất khá.
Pazzi phải chờ đợi, ẩn náu và suy tính. Giờ mà rút dây động rừng thì quá sớm. Ông phải quyết định xem cần làm gì. Ông không muốn làm kẻ ngốc một lần nữa. Khi ông đi lùi về bóng tối phía bên kia đường, cái mũi ông là thứ cuối cùng mất dạng.