TRUYỀN THUYẾT kể rằng thánh tử đạo San Miniato đã nhặt chiếc đầu đứt lìa của mình từ nền cát đấu trường La Mã ở Florence và cắp trên tay đi đến vùng núi phía bên kia sông nơi ngài an nghỉ trong giáo đường lộng lẫy của mình.
Chắc hẳn thân xác San Miniato, dù đứng hay nằm, cũng đã diễu qua con phố cổ Via de’ Bardi nơi ta đang đứng. Trời sập tối, đường phố vắng tanh, những viên sỏi xếp hình rẽ quạt lấp loáng trong màn mưa phùn mùa đông không đủ rét mướt để xua tan mùi của lũ mèo. Ta đang ở giữa dãy cung điện xây từ sáu trăm năm trước bởi các phú thương và những phe phái lũng đoạn hoàng quyền thời Florence Phục hưng. Cách một tầm cung phía bên kia con sông Arno sừng sững đỉnh tháp Signoria nơi tu sĩ Savonarola bị treo cổ và hỏa thiêu cùng bảo tàng Uffizi, mồ chôn thân xác những con chiên Kitô giáo bị treo cổ.
Những biệt điện san sát nhau trên con phố cổ, đóng băng trong chế độ quan liêu Ý đương thời, có bề ngoài như nhà khám nhưng bên trong lại là một không gian to lớn trang nhã, với những đại sảnh cao vợi im lìm chưa từng thấy được bao phủ bởi những lớp lụa mục nát, thấm đẫm nước mưa nơi các tác phẩm của những bậc thầy thời Phục hưng treo trong bóng tối đã nhiều năm. Chúng trở nên lấp lánh trong ánh chớp khi lớp vải phủ rơi ra.
Ngay cạnh bên bạn là Biệt điện của gia tộc Capponi ngàn năm danh tiếng, kẻ đã xé nát tối hậu thư của một vị hoàng đế Pháp ngay trước mặt ngài và lập nên một giáo hoàng.
Các cánh cửa sổ của dãy Biệt điện Capponi giờ đã chìm vào bóng tối phía sau lưới sắt. Những vòng đuốc không có đuốc. Trên mặt kính cửa sổ bể nát còn in dấu lỗ đạn từ thập niên 1940. Hãy tiến gần lại, áp tai vào phần sắt lạnh lẽo như viên cảnh sát và lắng nghe. Loáng thoáng tiếng đàn dương cầm chơi Các biến khúc Goldberg của Bach, tuy không hoàn hảo nhưng cũng tuyệt hay với khả năng thẩm âm tốt. Không hoàn hảo nhưng cũng tuyệt và dường như bàn tay trái có phần cứng nhắc.
Nếu tin mình bất khả xâm phạm, liệu bạn có bước vào không? Liệu bạn có vào tòa lâu đài đẫm máu và huyền thoại này, đi xuyên qua bóng tối đầy mạng nhện hướng về tiếng ngân thanh thoát của chiếc dương cầm cổ? Chuông báo động không phát hiện ra ta. Viên cảnh sát ướt mưa ẩn mình ở lối vào cũng không nhìn thấy ta. Nào hãy tiến lên…
Bên trong phòng chờ tối đen như mực. Một cầu thang đá dài ngoằng với tay vịn lạnh toát và những bậc thang võng xuống bởi vô số những bước chân hàng trăm năm nay, chênh vênh dưới chân khi ta tiến đến gần tiếng nhạc.
Nếu bị mở ra, hai cánh cửa phòng khách sẽ vang lên kẽo kẹt. Nhưng chúng đã mở sẵn. Tiếng nhạc ngân nga tít tận trong góc phòng nơi ánh lên tia sáng duy nhất của những ngọn nến hắt ánh đỏ quạch qua cánh cửa nhỏ của một nhà nguyện khuất ở một góc.
Xuyên qua tiếng nhạc. Ta mơ hồ cảm thấy như vừa đi qua cơ man nào là đồ đạc được trùm kín tạo nên những hình thù mơ hồ lung linh trong ánh nến trông như một bầy gia súc đang say ngủ. Phần trên căn phòng mất hút vào bóng tối.
Ánh sáng đỏ rọi lên chiếc dương cầm cổ chạm trổ hoa văn và lên người nổi danh trong giới học giả Phục hưng, Tiến sĩ Fell. Tay tiến sĩ lịch lãm, lưng thẳng ra nghiêng người theo điệu nhạc. Ánh sáng phản chiếu lên tóc, lên lưng chiếc áo choàng lụa phủ da thú óng ả.
Nắp đàn đang mở được trang trí bằng hoạt cảnh một yến tiệc, các nhân vật bé nhỏ dường như lơ lửng trên những dây đàn trong ánh nến. Đôi mắt nhắm nghiền, hắn đánh đàn mà không cần nhìn vào bản nhạc. Trước mặt hắn, trên chiếc giá nhạc hình đàn lia, là một tờ tạp chí khổ nhỏ của Mỹ, tờ National Tattler. Tờ báo bị gấp lại chỉ đủ để thấy khuôn mặt trên trang nhất, khuôn mặt của Clarice Starling.
Gã nhạc công mỉm cười, kết thúc bản nhạc, lặp lại phần vũ điệu sarabande đầy hứng thú, và khi rung động của sợi dây đàn cuối cùng dần tắt trong gian phòng rộng lớn cũng là lúc hắn mở mắt, đôi đồng tử lóe đỏ. Hắn nghiêng đầu sang nhìn vào tờ báo trước mặt.
Hắn đứng lên không một tiếng động, cầm tờ tạp chí của Mỹ đi vào nhà nguyện chạm khắc nhỏ xíu được xây lên từ trước thời khám phá ra châu Mỹ. Khi hắn mở báo ra dưới ánh nến, những bức tranh thánh trên án thờ dường như cũng ghé qua vai hắn mà đọc, như mọi người vẫn thường làm khi đứng xếp hàng. Dòng chữ kiểu Railroad Gothic cỡ bảy hai hiện lên: THIÊN THẦN CHẾT: CLARICE STARLING, CỖ MÁY GIẾT NGƯỜI CỦA FBI.
Hắn vụt thổi tắt nến. Những khuôn mặt đầy giận dữ và phúc tướng trên án thờ biến mất. Không cần ánh sáng, hắn đi xuyên qua đại sảnh. Một luồng gió thổi qua khi bác sĩ Hannibal Lecter đi ngang. Cánh cửa lớn khẽ rít lên rồi đóng sập lại. Mọi thứ chìm vào im lặng.
Có tiếng chân tiến vào một gian phòng khác. Những bức tường dường như sát vào nhau hơn dưới sự cộng hưởng thanh âm ở nơi này, mái trần vẫn cao vợi – âm thanh vang vọng chậm chạp từ trên cao xuống – không khí cô đặc mùi da thuộc và mùi bấc nến bị dập tắt.
Tiếng giấy sột soạt trong bóng tối, tiếng ghế kêu kèn kẹt. Bác sĩ Lecter ngồi trên một chiếc ghế bành to trong thư viện Capponi huyền thoại. Hai mắt hắn phản chiếu ánh sáng đỏ nhưng không lóe lên trong đêm tối, như những tay quản ngục vẫn thề là có. Bóng đêm tuyệt đối. Và hắn đang suy tính…
Quả đúng là bác sĩ Lecter đã giành lấy vị trí bỏ trống ở Biệt điện Capponi bằng cách loại bỏ giám tuyển bảo tàng trước đây -một phi vụ ngon ơ, chỉ mất vài giây để xử lý một ông lão và một chút tiền mua hai bao tải xi măng – một khi đã rộng đường, hắn nghiễm nhiên giành lấy vị trí một cách công bằng, chứng tỏ với Ủy ban Belle Arti sự am hiểu ngôn ngữ uyên bác, khả năng dịch thuật tiếng Ý và tiếng Latinh Trung cổ từ những bản viết tay dày đặc chữ Gothic.
Tại nơi đây hắn đã tìm được sự bình yên mà hắn cố giữ gìn – trong suốt quãng thời gian ở Florence, hắn gần như chưa giết ai ngoại trừ người tiền nhiệm của mình.
Vị trí biên dịch và giám tuyển trong thư viện Capponi là một niềm tự hào lớn lao đối với hắn bởi những lý do sau: Sự cao lớn, rộng rãi của những gian phòng trong biệt điện có ý nghĩa quan trọng với bác sĩ Lecter sau nhiều năm co quắp ở chốn giam cầm. Hơn thế nữa, hắn như cảm thấy được sự đồng điệu từ tòa biệt điện. Đó là tòa nhà riêng duy nhất mà hắn gặp từ trước đến nay giống cả về kích thước lẫn chi tiết với tòa lâu đài ấp ủ trong ký ức thời niên thiếu của hắn.
Trong thư viện, bộ sưu tập những bản thảo và thư tịch có một không hai từ thế kỷ mười ba đủ để hắn thỏa mãn tính hiếu kỳ về chính bản thân.
Từ những tư liệu rời rạc về thân thế, bác sĩ Lecter tin rằng mình là hậu nhân của Giuliano Bevisangue, một nhân vật đáng sợ của thế kỷ mười hai ở Tuscany, hậu nhân của nhà Machiavelli cũng như Visconti. Đây là nơi lý tưởng để tìm tòi. Hắn có một sự hiếu kỳ khó lý giải về vấn đề này mặc dù nó chẳng liên quan gì đến bản ngã. Bác sĩ Lecter không cần sự khích lệ thông thường. Bản ngã của hắn giống như trí thông minh và mức độ lý tính của hắn, bản ngã của hắn không thể đo đếm được bằng cách thông thường.
Thật sự chẳng ai trong cộng đồng tâm thần học xem bác sĩ Lecter là một con người. Đã từ rất lâu, những đồng nghiệp trong giới tâm thần học, những người khiếp sợ ngòi bút cay độc của Lecter trên những tạp chí chuyên ngành, đã cho hắn là Thứ Khác. Dễ gọi hơn thì chính là Quái Vật.
Con quái vật ngồi giữa thư viện tối tăm, tâm trí hắn đang tô vẽ cho bóng đêm và không khí Trung cổ đang ngập tràn trong đầu hắn. Hắn đang nghĩ về viên cảnh sát.
Công tắc đánh tách và đèn bật sáng.
Giờ đây ta có thể nhận ra bác sĩ Lecter ngồi bên chiếc bàn ăn của thế kỷ mười sáu trong thư viện Capponi. Đằng sau hắn là bức tường đầy những bản thảo xếp xó và những sổ cái kế toán bọc bằng vải bạt từ tám trăm năm trước. Chồng trước mặt hắn là thư từ qua lại vào thế kỷ mười bốn với một bộ trưởng của nước Cộng hòa Venice, được dằn lại bằng một tiêu bản tượng Moses có sừng nho nhỏ mà Michelangelo đã làm để nghiên cứu, và trước giá bút là một chiếc máy tính xách tay có thể nối mạng nghiên cứu qua Đại học Milan.
Giữa chồng giấy và da thuộc vàng oạch là tờ National Tattler xanh đỏ nổi bật. Bên cạnh là tờ La Nazione của Florence.
Bác sĩ Lecter cầm tờ báo và đọc được lời chỉ trích gần nhất về Rinaldo Pazzi, nhắc lại lời phân bua của FBI trong vụ án Il Mostro. “Hồ sơ điều tra của chúng tôi chẳng bao giờ khớp với Tocca,” một phát ngôn viên FBI phát biểu.
Tờ La Nazione trích tiểu sử của Pazzi và quá trình rèn luyện của ông ở Học viện Quantico nổi danh tại Mỹ và cho rằng nhẽ ra ông ta phải hiểu rõ vấn đề hơn.
Bác sĩ Lecter không mấy quan tâm đến vụ Il Mostro nhưng tiểu sử của Pazzi làm hắn chú ý. Thật bất hạnh cho hắn khi chạm trán với một cảnh sát xuất thân từ Quantico nơi Hannibal Lecter là một vụ kinh điển.
Khi đối mặt Rinaldo Pazzi tại Biệt điện Vecchio và đứng gần đủ để ngửi thấy ông, Lecter biết chắc rằng Pazzi không mảy may nghi ngờ dù đã hỏi về vết sẹo trên tay Lecter. Pazzi thậm chí không hề chú ý đến hắn khi xảy ra sự mất tích của người giám tuyển.
Viên cảnh sát đã thấy hắn trong buổi triển lãm dụng cụ tra tấn. Phải chi gặp phải ông ta ở buổi triển lãm hoa lan thì tốt biết mấy.
Bác sĩ Lecter biết rất rõ rằng trong đầu viên cảnh sát có đầy đủ các yếu tố để đột nhiên nhận ra hắn, mặc dù chúng vẫn đang lẫn lộn với hàng triệu thứ khác.
Nên chàng để Rinaldo Pazzi hội ngộ với người giám tuyển trước đây của Biệt điện Vecchio ở dưới cống? Hay để cho thi thể của Pazzi được tìm thấy sau một vụ tự sát? Tờ La Nazione sẽ vui mừng khôn xiết mà săn lùng hắn đến chết mới thôi.
Nhưng không phải lúc này. Gã quái vật sực tỉnh và quay lại với những cuộn bản thảo bằng da.
Bác sĩ Lecter không hề lo lắng. Hắn phấn chấn với giọng văn của Neri Capponi, chủ ngân hàng và đặc phái viên tới Venice vào thế kỷ mười lăm. Và hắn đọc những lá thư của Neri, thỉnh thoảng lại đọc lớn lên cho đến tận đêm khuya, tự lấy làm thích thú.