BÁC Sĩ Lecter đậu chiếc xe bán tải cách Bệnh viện Maryland-Misericordia một dãy nhà. Hắn lau đồng hai lăm xu rồi bỏ lên đồng hồ xe. Mặc bộ áo liền quần lót bông của công nhân để chống lạnh, đội mũ lưỡi chai dài để tránh máy quay an ninh, hắn đi vào cổng chính.
Đã hơn mười lăm năm trời từ khi bác sĩ Lecter ở Bệnh viện Maryland-Misericordia nhưng bố cục cơ bản vẫn không thay đổi. Việc nhìn lại nơi hắn bắt đầu hành nghề y khoa chẳng có ý nghĩa gì với hắn. Cái chỗ an toàn của hắn trên lầu đã được nâng cấp lại bề ngoài nhưng chắc vẫn như lúc hắn còn làm ở đây, theo như bản thiết kế của Sở Công trình.
Thẻ thăm bệnh từ quầy tiếp tân cho phép hắn lên được tầng bệnh nhân. Hắn đi dọc hành lang đọc tên bệnh nhân và bác sĩ trên cửa phòng. Đây là khu hồi sức hậu phẫu nơi bệnh nhân chuyển đến khi ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật sọ hay tim mạch.
Nhìn bác sĩ Lecter đi trong hành lang, hẳn bạn sẽ nghĩ hắn đọc rất chậm vì môi của hắn di chuyển không tiếng động và thi thoảng hắn lại gãi đầu như một thằng đần. Rồi hắn ngồi xuống ở phòng chờ để trông ra được hành lang. Hắn chờ một tiếng rưỡi giữa những người đàn bà đang kể lại bi kịch gia đình mình và chịu đựng chương trình Giá cả Hợp lý trên ti vi. Cuối cùng hắn nhìn thấy điều hắn đang chờ đợi: một bác sĩ vẫn còn mặc đồ phẫu thuật màu xanh đang đi một mình. Đây là… bác sĩ phẫu thuật đến thăm bệnh nhân của… bác sĩ Silverman. Bác sĩ Lecter đứng dậy và gãi đầu. Nhặt một tờ báo cũ mèm từ cái bàn nhỏ, hắn bước ra khỏi phòng chờ. Một căn phòng nữa của bệnh nhân của Silverman cách đó hai phòng. Bác sĩ Lecter lẻn vào trong. Căn phòng tranh tối tranh sáng, bệnh nhân đang ngủ ngon lành, đầu và một bên mặt băng kín. Trên màn hình theo dõi, một đường sáng nhấp nhô đều đặn.
Bác sĩ Lecter nhanh chóng cởi bỏ lớp ngoài lót bông để lộ bộ đồ giải phẫu màu xanh lá. Hắn đeo bao giày, nón, mặt nạ và găng tay vào. Từ trong túi, hắn lấy ra một túi rác màu trắng rồi mở ra.
Bác sĩ Silverman đi vào và ngoái lại nói với ai đó trong hành lang. Một y tá sẽ vào cùng hắn chăng? Không.
Lưng quay ra phía cửa, bác sĩ Lecter nhặt thùng rác lên đổ hết vào túi rác của hắn.
“Xin lỗi bác sĩ. Tôi sẽ tránh đường ngay đây.” Bác sĩ Lecter nói.
“Được rồi mà.” Bác sĩ Silverman nói và cầm bìa kẹp điểm danh ở chân giường lên. “Cứ làm việc anh cần làm đi.”
“Cảm ơn.” Nói dứt lời bác sĩ Lecter liền vụt dùi cui bao da vào gáy vị bác sĩ, phải nói là chỉ với một cái vẩy tay, đoạn hắn ôm quanh ngực ông trong khi ông sụm người xuống. Chứng kiến bác sĩ Lecter nhấc một người bao giờ người ta cũng phải ngạc nhiên; nếu đem hình thể ra làm quy chiếu thì phải nói hắn mạnh như một con kiến. Bác sĩ Lecter khiêng bác sĩ Silverman vào phòng tắm bệnh nhân rồi kéo quần xuống. Hắn đặt bác sĩ Silverman lên bồn cầu.
Vị bác sĩ ngồi đó đầu gục vào đầu gối. Bác sĩ Lecter nhấc ông lên đủ lâu để nhìn thấy đồng tử của ông đoạn lột mấy bảng tên cài trước bộ áo phẫu thuật màu xanh lá.
Hắn thay bảng tên của vị bác sĩ bằng thẻ thăm bệnh nhân của mình, lộn ngược thẻ lại. Hắn đeo ống nghe lên quanh cổ theo mốt quàng khăn đang thịnh hành, đẩy cái kính phẫu thuật phóng to phức tạp lên trên đầu, rồi nhét cây dùi cui da vào ống tay áo.
Giờ đây hắn đã sẵn sàng thâm nhập vào vị trí trung tâm của Maryland-Misericordia.
Bệnh viện tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn của liên bang về việc quản lý dược phẩm gây mê. Trên tầng bệnh nhân, tủ thuốc ở mỗi bàn y tá đều bị khóa. Cần phải có hai chìa khóa do y tá trực và người trợ lý thứ nhất giữ mới mở được. Ai lấy, lấy gì, lấy bao nhiêu, đều được ghi chép lại cẩn thận.
Tại phòng phẫu thuật, nơi an toàn nhất trong bệnh viện, mỗi phòng đều được sắp thuốc cho ca kế tiếp vài phút trước khi đem bệnh nhân vào. Thuốc cho bác sĩ gây mê được đặt gần bàn mổ, trong cái tủ có một ngăn lạnh và một ngăn cùng nhiệt độ phòng.
Thuốc dự trữ được giữ trong phòng phát thuốc phẫu thuật gần phòng rửa tay. Ở đó chứa rất nhiều thuốc không thể tìm thấy ở những phòng phát thuốc tổng hợp dưới lầu, thuốc mê và loại thuốc mê-thôi miên quý hiếm có thể dùng cho phẫu thuật tim mở và phẫu thuật não trên bệnh nhân còn tỉnh và phản ứng.
Lúc nào cũng có người trông coi phòng thuốc vào giờ làm việc ban ngày và khi có dược sĩ trong phòng thì tủ không bao giờ khóa cả. Không có thời gian để lục tìm chìa khóa trong trường hợp phẫu thuật tim khẩn cấp. Đeo mặt nạ phẫu thuật, bác sĩ Lecter đẩy cửa bước vào phòng phẫu thuật.
Để cố tạo không khí vui vẻ, phòng phẫu thuật được sơn bằng nhiều màu chói kết hợp với nhau mà ngay cả một người hấp hối cũng phải thấy bực bội. Vài bác sĩ đến trước bác sĩ Lecter đã ký tên điểm danh ở bàn và đang tiến vào phòng rửa tay. Bác sĩ Lecter cầm bìa kẹp điểm danh lên và di chuyển bút trên giấy mà không hề viết lách gì cả.
Trên lịch ghi một ca mổ u não trong phòng B sẽ bắt đầu trong hai mươi phút nữa, ca đầu tiên của ngày. Trong phòng rửa tay, hắn tháo găng tay, cho vào túi rồi rửa thật kỹ lên tận cùi chỏ, sau đó lau khô, xoa bột và mang găng lại. Giờ thì ra hành lang. Phòng thuốc sẽ là phòng kế tiếp bên tay phải. Không. Một cánh cửa màu mơ đề bảng MÁY PHÁT ĐIỆN KHẨN CẤP và đằng trước là cánh cửa phòng B. Một y tá dừng lại ngay khuỷu tay hắn.
“Xin chào bác sĩ.”
Bác sĩ Lecter ho lên đằng sau lớp mặt nạ rồi lẩm bẩm câu chào. Hắn quay lại phòng rửa tay, miệng lẩm bẩm như thể hắn đã bỏ quên thứ gì. Người y tá nhìn theo hắn một lát rồi đi tiếp vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ Lecter lột găng tay vứt phắt vào thùng rác. Không ai chú ý. Hắn lấy một đôi khác. Thân xác đang ở trong phòng rửa tay nhưng thực ra hắn đang chạy khắp hành lang của cung điện ký ức, vượt qua bộ ngực của bức tượng Pliny lên cầu thang vào phòng kiến trúc. Trong khu vực sáng trưng đầy những mô hình nhà thờ St Paul của Christopher Wren, bản sơ đồ thiết kế bệnh viện đang chờ đợi trên bàn vẽ. Sơ đồ các phòng phẫu thuật của Maryland-Misericordia được Sở Công trình Baltimore thiết kế từng đường kẻ một. Hắn đang ở đây. Phòng thuốc ở đó. Không. Bản vẽ bị sai. Sơ đồ có lẽ đã thay đổi sau khi bản thiết kế được lưu lại. Phòng phát điện nằm đối diện hành lang dẫn tới phòng A. Có lẽ bảng tên phòng đã bị đổi lại. Ắt là thế. Hắn không đủ thời gian tìm lòng vòng.
Ra khỏi phòng rửa tay, bác sĩ Lecter đi xuống hành lang dẫn tới phòng A. Cửa bên tay trái. Đề bảng MRI. Đi tiếp. Kế đó là phòng thuốc. Chỗ trên sơ đồ đã được chia ra thành một phòng chụp cộng hưởng từ và một khu riêng chứa thuốc.
Cánh cửa nặng trịch của phòng thuốc đang mở, được giữ bằng cái chặn cửa. Lẩn nhanh vào trong phòng, bác sĩ Lecter kéo cánh cửa đóng lại sau lưng.
Một anh chàng dược sĩ béo lùn đang ngồi xếp thứ gì đó lên cái kệ thấp. “Tôi có thể giúp gì bác sĩ không?”
“Vâng, phiền anh chút.”
Người thanh niên chuẩn bị đứng dậy nhưng không thể được nữa. Một cú dùi cui đập mạnh và anh dược sĩ đánh rắm một cái lúc đổ ập xuống sàn.
Lột áo phẫu thuật ra, bác sĩ Lecter nhét vào sau tạp dề đang mặc.
Cúi xuống đứng lên thật nhanh qua những cái kệ, đọc nhãn bằng tốc độ ánh sáng: Ambien, amobarbital, Amytal, chloral hydrate, Dalmane, flurazepam, Halcion và vơ một đống ống thuốc vào trong túi. Rồi hắn vào phòng giữ lạnh, vừa đọc vừa gạt vào túi midazolam, Noctec, scopolamine, Pentothal, quazepam, solzidem. Trong vòng không đến bốn mươi giây, bác sĩ Lecter đã trở lại hành lang, đóng sập cánh cửa phòng thuốc phía sau hắn.
Hắn vào lại phòng rửa tay để soi gương xem trên người có bị sưng không. Không vội vã, hắn trở lại cánh cửa đưa qua đưa lại, và với bảng tên cố tình xoay ngược, mặt nạ đeo vào và kính kéo xuống mắt, ống nhòm đưa lên, nhịp tim bảy mươi hai, hắn chào hỏi cộc lốc với những bác sĩ khác. Xuống thang cuốn, xuống và xuống nữa, vẫn đeo mặt nạ và nhìn vào bìa kẹp hồ sơ hắn đã nhặt đại ở đâu đó.
Có lẽ khách vào bệnh viện thấy kỳ quặc vì hắn vẫn đeo mặt nạ phẫu thuật dù đã xuống hết các bậc thang và ra khỏi tầm máy quay an ninh. Hẳn mấy kẻ rỗi hơi trên phố sẽ thắc mắc tại sao một bác sĩ lại lái một chiếc xe tải cũ kỹ ọp ẹp như thế.
Trở lại phòng phẫu thuật, một bác sĩ gây mê sau khi sốt ruột gõ cửa phòng thuốc đã tìm thấy dược sĩ bị bất tỉnh và thêm mười lăm phút nữa mới biết thuốc đã bị mất.
Khi tỉnh lại, bác sĩ Silverman gục xuống cửa bên cạnh bồn cầu, quần bị tụt. Ông hoàn toàn không nhớ mình đã vào đây và không hề biết mình đang ở đâu. Ông nghĩ rằng có lẽ mình đã bị một chứng tai biến, có thể là tiểu đột quỵ xảy ra do rặn khi đi cầu. Ông cử động một cách cẩn trọng vì sợ làm dịch chuyển cục máu nghẽn. Ông nằm yên trên sàn cho đến khi giơ được tay ra ngoài hành lang. Kiểm tra cho thấy ông bị một chấn động nhẹ.
Bác sĩ Lecter dừng lại ở hai nơi rồi mới về nhà. Hắn dừng lại chỗ thùng bỏ thư ở ngoại ô Baltimore đủ lâu để lấy một gói hàng đặt trên mạng của một công ty cung cấp đồ tang lễ. Đó là một bộ lễ phục có áo sơ mi, đeo sẵn cà vạt và xẻ hết sau lưng.
Tất cả những gì hắn cần là rượu, một thứ thật sự, thật sự lễ lạc. Cái đó thì hắn phải đến Annapolis. Nếu được lái chiếc Jaguar tới đó thì khoái chừng nào.