BỌN ẾCH ĐÃ ĐƯỢC BẢO QUẢN trong chất formaldehyde từ hồi trước chiến tranh và màu sắc nguyên bản của các cơ quan nội tạng đã bị tẩy sạch từ lâu. Cứ sáu học sinh thì sẽ được phát cho một con ếch trong phòng thí nghiệm trường hôi hám. Các nhóm nam sinh túm tụm quanh từng cái bàn đặt cái xác chết tí hon, vụn của những cục tẩy nhem nhuốc rơi lả tả trên bàn trong lúc bọn trẻ phác họa. Phòng học lạnh ngắt, than vẫn không được cấp đủ theo nhu cầu và trong đám nhóc, vài đứa đeo găng tay hở ngón.
Hannibal bước tới nhìn con ếch rồi quay trở lại bàn, bắt tay vào việc. Thằng bé đi làm hai chuyến. Giáo sư Bienville có một mối nghi ngờ quen thuộc của nhà giáo dành cho bất kỳ đứa học trò nào chọn chỗ ngồi cuối lớp. Ông tiến lại gần Hannibal từ bên sườn và mối nghi ngờ của ông đã được chứng thực khi ông thấy thằng bé thay vì vẽ ếch thì lại đang phác họa một khuôn mặt.
“Hannibal Lecter, sao trò không vẽ mẫu vật?”
“Trò đã vẽ xong rồi, thưa thầy.” Hannibal lật tờ giấy trên cùng ra và con ếch nằm đó trên tờ giấy, được mô tả lại một cách chính xác, theo tư thế giải phẫu và kết hợp với hình ngoại tiếp đúng kiểu tranh Leonardo vẽ người. Các phần nội tạng được vẽ mặt cắt và đánh bóng.
Ông thầy chăm chú quan sát khuôn mặt Hannibal. Ông đẩy lưỡi chỉnh lại hàm răng giả rồi nói, “Thầy sẽ cầm bản vẽ này. Thầy phải đưa nó cho một người xem mới được. Sẽ ghi rõ là trò vẽ.” Thầy giáo lật tờ giấy trên cùng trong xấp giấy ghim của Hannibal và nhìn vào khuôn mặt vẽ trên đó. “Ai đây?”
“Trò không rõ lắm, thưa thầy. Một khuôn mặt trò từng nhìn thấy đâu đó.” Thật ra, đó chính là khuôn mặt Vladis Grutas, nhưng Hannibal không biết tên y. Đó chính là khuôn mặt thằng bé từng nhìn thấy in trên vầng trăng và trên trần nhà nửa đêm.
* * *
Những ày dài dằng dặc nối tiếp nhau với ánh sáng xám xịt tràn qua các cửa sổ phòng học. Ít nhất ánh sáng cũng khuếch tán đủ độ để có thể nhìn mà vẽ được, và phòng học thay đổi mỗi khi các giáo viên đề nghị chuyển thằng bé lên lớp trên, rồi sau đó lại chuyển thêm lần nữa, rồi lần nữa.
Cuối cùng, trường cũng bước vào kỳ nghỉ.
Trong mùa thu này, mùa thu đầu tiên kể từ khi bá tước qua đời và Chiyoh rời đi, phu nhân Murasaki càng ý thức một cách sâu sắc những mất mát của mình. Hồi chồng cô còn sống, cứ đến mùa thu, cô thường tổ chức ăn tối ngoài trời trên thảm cỏ gần lâu đài, cùng với bá tước Lecter, Hannibal và Chiyoh, để ngắm trăng tròn và lắng nghe tiếng côn trùng mùa thu.
Lúc này, trên sân thượng trong căn nhà ở Paris, cô đọc cho Hannibal nghe một bức thư Chiyoh gửi đến, kể về quá trình chuẩn bị đám cưới của cô gái, và họ ngắm vầng trăng từ khuyết đến tròn, nhưng không có tiếng dế nào quanh đây.
Sáng sớm, Hannibal gập cái giường xếp trong phòng khách lại và đạp xe băng qua sông Seine tới Vườn Bách thảo Paris, rồi tại đây, thằng bé lại tiến hành cuộc hỏi han thường lệ ở khu vườn thú. Hôm nay có kết quả mới, một tờ giấy nguệch ngoạc một địa chỉ…
Đi thêm mười phút về phía Nam, gần Place Monge và đường Ortolan, thằng bé tìm thấy cửa hàng: Cá nhiệt đới, chim nhỏ và động vật nước ngoài.
Hannibal cầm cặp hồ sơ nhỏ để ở cái túi sau yên xe đạp rồi bước vào trong.
Các thể loại bể chứa nước và lồng chuồng xếp thành dãy ở mặt tiền nhỏ của cửa hàng, láo nháo tiếng líu lo, tiếng chiêm chiếp, tiếng bánh xe trong lồng chuột lang kêu vù vù. Không gian ám mùi ngũ cốc, mùi lông vũ ấm nóng và mùi thức ăn cho cá.
Từ trong một chiếc lồng bên cạnh quầy thu ngân, một con vẹt lớn chào Hannibal bằng tiếng Nhật. Một ông già người Nhật vẻ mặt hiền hòa đang nấu ăn ở phía cuối cửa hàng bước lại chỗ thằng bé.
“Cho phép cháu hỏi thăm một chút được không ạ, thưa ông?” Hannibal hỏi bằng tiếng Nhật.
“Kính chào quý khách.” Ông chủ cửa hàng chào bằng tiếng Nhật.
“Kính chào quý khách.” Con vẹt nói bằng tiếng Nhật. “Ông có bán dế chuông không ạ?
“Không, tôi rất tiếc, thưa cậu.” Ông chủ cửa hàng nói bằng tiếng Pháp.
“Không, tôi rất tiếc, thưa cậu.” Con vẹt nhắc lại bằng tiếng Pháp.
Ông chủ cửa hàng cau mày nhìn con chim và chuyển sang nói tiếng Anh để làm khó con chim vô tổ chức. “Tôi có mấy con dế chiến hảo hạng đấy. Những chiến binh hung tợn, trăm trận trăm thắng, nổi tiếng ở tất cả các cuộc đấu dế.”
“Cháu muốn tặng quà cho một phu nhân người Nhật tha thiết mong mỏi được nghe tiếng dế chuông kêu vào thời điểm này trong năm.” Hannibal nói. “Một con dế bình thường không phải món quà phù hợp.”
“Tôi sẽ không đời nào giới thiệu một con dế Pháp, vì tiếng kêu của chúng chỉ dễ chịu khi vào đúng mùa. Nhưng tôi không bán dế chuông. Có lẽ vị phu nhân ấy sẽ vừa lòng với một con vẹt biết nói rất nhiều từ tiếng Nhật chăng, con vẹt này còn biết nói đủ các loại giọng điệu.”
“Có lẽ ông có nuôi riêng cho mình một con dế chuông chăng?”
Ông chủ cửa hàng nhìn vào xa xăm một hồi lâu. Luật nhập khẩu côn trùng và trứng côn trùng trong giai đoạn đầu nền cộng hòa mới này vẫn còn khá mơ hồ. “Cậu có muốn nghe nó kêu không?”
“Cháu rất vinh hạnh.” Hannibal đáp.
Ông chủ cửa hàng biến mất đằng sau một tấm rèm phía cuối cửa hàng và rồi xuất hiện trở lại cùng với một cái chuồng dế nhỏ, một quả dưa chuột và một con dao. Ông đặt cái chuồng lên mặt quầy rồi, dưới ánh mắt chằm chằm thèm thuồng của con vẹt, ông cắt một mẩu dưa chuột nhỏ xíu, nhét vào trong chuồng dế. Một lát sau đó, tiếng dế trong trẻo thánh thót vang lên như tiếng chuông ngân. Ông chủ cửa hàng lắng nghe với vẻ ngất ngây hạnh phúc trong lúc giai điệu ấy lại vang lên lần nữa.
Con vẹt vận hết khả năng bắt chước tiếng dế chuông – ầm ĩ và lặp đi lặp lại. Chẳng thấy ai có phản ứng gì, nó bèn nổi xung và chửi rủa nhặng lên cho tới khi Hannibal không tránh khỏi nghĩ đến ông Elgar. Ông chủ cửa hàng che cái lồng lại.
“Mẹ kiếp.” Con vẹt chửi tục bằng tiếng Pháp từ bên dưới tấm vải che. “Không biết liệu cháu có thể thuê một con dế chuông, có thể nói là thuê chính con dế này, hằng tuần được không?”
“Cậu cảm thấy giá cả thế nào là phù hợp?” Ông chủ cửa hàng hỏi.
“Cháu nghĩ ta có thể trao đổi.” Hannibal nói. Thằng bé lấy từ trong cặp hồ sơ ra một bức tranh nhỏ vẽ bằng mực nước, có hình một con bọ cánh cứng đậu trên một thân cây cong oằn.
Ông chủ cửa hàng, cẩn thận cầm hai bên mép tờ giấy, xoay bức vẽ về phía ánh sáng. Ông đặt nó xuống dựa vào cái máy tính tiền. “Để tôi hỏi ý kiến các đồng sự xem sao. Cậu quay lại sau giờ ăn trưa được không?”
Hannibal thơ thẩn đi loanh quanh, mua một quả mận ở chợ trời để ăn. Ở đây có một cửa hàng bán đồ thể thao, trưng bày hai cái đầu chiến lợi phẩm trong cửa sổ kính, một đầu cừu hoang và một đầu dê núi. Tựa vào góc cửa sổ là một khẩu súng trường nòng kép Holland & Holland tao nhã. Báng súng được lắp một cách hoàn hảo đến bất ngờ; phiến gỗ trông như thể đã mọc lên quanh lớp kim loại, gỗ và kim loại kết hợp với nhau đem lại cho khẩu súng vẻ uyển chuyển của một con rắn tuyệt mỹ.
Khẩu súng trang nhã và đẹp theo một kiểu rất giống phu nhân Murasaki. Dưới ánh nhìn của hai cái đầu chiến lợi phẩm, ý nghĩ này thật không mấy dễ chịu với Hannibal.
Lúc thằng bé quay trở lại cửa hàng, ông chủ đã đợi sẵn cùng con dế. “Hết tháng Mười, cậu đem trả lại cái chuồng nhé?”
“Không có cách nào để nó có thể sống sót qua hết mùa thu à?”
“Nó có thể trụ được tới mùa đông nếu cậu giữ ấm cho nó. Cậu có thể mang trả cái chuồng cho tôi vào… thời điểm phù hợp.” Ông đưa quả dưa chuột cho Hannibal. “Đừng cho con dế chuông ăn hết trong một lần nhé.” Ông nói.
* * *
Phu nhân Murasaki lên sân thượng sau buổi cầu nguyện, những suy tư về mùa thu vẫn lộ rõ trên nét mặt cô.
Bữa tối được bày biện trên bàn thấp giữa sân thượng dưới ánh hoàng hôn sáng rỡ. Đúng lúc họ ăn đến món mì thì, sau khi được chén dưa chuột thỏa thuê, con dế đã khiến phu nhân Murasaki ngạc nhiên bằng một khúc ca trong vắt ngân lên từ chốn ẩn náu của nó trong bóng tối bên dưới khóm hoa. Phu nhân Murasaki những tưởng cô đang mơ nên mới nghe thấy tiếng dế ấy. Con dế cất giọng một lần nữa, khúc nhạc thánh thót đặc trưng của loài dế chuông. Mắt sáng bừng rạng rỡ, phu nhân Murasaki trở về với thực tại. Cô mỉm cười với Hannibal. “Cô đã thấy cháu và con dế đồng ca, hòa nhịp với trái tim cô.”
“Trái tim cháu luôn đập dồn mỗi khi nhìn cô, người đã dạy cho trái tim cháu biết cất lên tiếng hát.”
Tiếng dế chuông trong vắt réo gọi trăng lên. Sân thượng dường như cũng vươn cao lên cùng vầng trăng, được kéo vào trong ánh trăng hữu hình hữu dạng, nâng họ đến một nơi vượt lên trên cái trái đất bị giày vò bởi những bóng ma, một nơi không còn ám ảnh, một nơi chỉ cần họ được ở bên nhau là đã quá đủ rồi.
* * *
Đến lúc thích hợp, thằng bé sẽ thú nhận rằng con dế đó là đồ đi mượn, rằng đến khi trăng tàn, thằng bé sẽ phải đem trả con dế. Tốt hơn hết, không nên giữ nó khi trời đã sang thu quá lâu.