CẢNH SÁT VIÊN RENE ADEN, mặc thường phục, đợi bên ngoài khách sạn của Trebelaux cho tới khi thấy đèn trên tầng ba đã tắt hết. Sau đó, anh ta tới ga tàu ăn uống qua loa và may mắn quay trở về vị trí vừa kịp lúc thấy Trebelaux lại rời khỏi khách sạn, mang theo một cái túi thể thao.
Trebelaux bắt taxi bên ngoài ga Đông rồi băng qua sông Seine tới một nhà tắm mù mịt hơi nước và đi vào bên trong. Aden đỗ chiếc xe không có gì đặc biệt của mình vào chỗ đỗ vốn chỉ dành cho xe cứu hỏa, đếm từ một đến năm mươi rồi vào trong sảnh. Không khí ngột ngạt, nồng nặc mùi dầu xoa bóp. Cánh đàn ông mặc áo choàng tắm đang ngồi đọc báo – các tờ báo in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Aden không muốn cởi quần áo bám theo Trebelaux vào trong màn hơi nước. Anh ta vốn là người khá dứt khoát, nhưng cha anh ta đã chết vì chứng bọt da chân nên anh ta không muốn cởi giày ra trong chỗ này. Anh ta lấy một tờ báo trên giá gỗ rồi ngồi xuống ghế.
* * *
Trebelaux, xỏ đôi guốc mộc quá ngắn so với chân, lọc cọc bước qua một dãy phòng nơi những người đàn ông thõng người ngồi trên các băng ghế ốp gạch men, đầu hàng hơi nóng.
Các phòng xông hơi riêng tư được cho thuê luân phiên mười lăm phút một. Ông ta bước vào căn phòng thứ hai. Đã có người trả trước tiền vé vào cho ông ta. Không gian mù mịt hơi nước và ông ta lấy khăn tắm lau kính.
“Ông làm gì mà lề mề thế.” Leet nói qua màn hơi nước. “Tôi sắp nóng chảy ra rồi đây này.”
“Mãi tới lúc tôi chuẩn bị đi ngủ thì hầu phòng mới chuyển tin nhắn cho tôi.” Trebelaux giải thích.
“Hôm nay cảnh sát đã theo dõi ông ở Jeu de Paume đấy; họ biết bức Guardi ông bán cho tôi là hàng chôm chỉa.”
“Ai đã dẫn đầu mối sang tôi vậy? Anh hả?”
“Làm gì có chuyện đó. Họ nghĩ ông biết ai đang giữ các bức tranh bị đánh cắp khỏi lâu đài Lecter. Ông biết không?”
“Không. Có lẽ khách hàng của tôi biết.”
“Nếu ông kiếm được bức ‘Cầu Than thở’ kia, tôi có cách đẩy cả hai bức tranh đi.” Leet nói.
“Anh định bán chúng đi đâu?”
“Đấy là việc của tôi. Một khách hàng có sừng có mỏ ở Mỹ. Đại khái là một tổ chức lớn. Ông có biết gì không, hay tôi chỉ đang nhọc công vô ích?”
“Tôi sẽ trả lời anh sau nhé.” Trebelaux đáp.
* * *
Chiều hôm sau, Trebelaux mua một tấm vé đi Luxembourg khởi hành từ ga Đông. Cảnh sát Aden dõi nhìn ông ta mang theo va li lên tàu. Tay khuân vác có vẻ không mấy hài lòng với khoản tiền boa của ông ta.
Aden gọi điện về Quai des Orfèvres trao đổi ngắn gọn rồi nhảy lên tàu đúng vào phút chót, khum khum bàn tay che phù hiệu, kín đáo giơ ra cho người soát vé thấy.
Lúc đoàn tàu tiến gần đến trạm dừng ở Meaux, màn đêm đã buông xuống. Trebelaux cầm bộ dao cạo râu đến phòng vệ sinh. Ông ta nhảy ra khỏi tàu đúng lúc đoàn tàu bắt đầu lăn bánh, chẳng thèm ngó ngàng gì đến cái va li.
Một chiếc xe hơi đã chờ sẵn cách ga xe lửa một khối nhà. “Sao lại đợi ở đây?” Trebelaux hỏi lúc chui vào xe ngồi cạnh tài xế. “Tôi có thể đến chỗ anh ở Fontainebleau mà.”
“Chúng tôi có việc ở đây.” Người đàn ông ngồi sau tay lái nói. “Việc ngon.” Trebelaux biết gã với cái tên Christophe Kleber. Kleber lái xe tới một quán cà phê gần nhà ga, ăn một bữa tối thịnh soạn, còn bê cả bát lên húp món xúp vichyssoise. Trebelaux gảy gảy món xa lát Nicoise và xếp đậu cô ve lên mép đĩa thành tên viết tắt của ông ta.
“Cảnh sát tịch thu bức Guardi rồi.” Trebelaux nói khi phục vụ mang món bê áp chảo ra cho Kleber.
“Anh kể với Hercule thế rồi. Lẽ ra anh không nên nói những chuyện như thế này qua điện thoại. Có vấn đề gì?”
“Họ nói với Leet rằng bức tranh là đồ bị khoắng mất ở phía Đông. Có đúng không?”
“Tất nhiên là không. Ai hỏi thế?”
“Một thanh tra cảnh sát có một danh sách từ Ủy ban Nghệ thuật và Tượng đài. Anh ta nói nó là đồ ăn cắp. Có đúng không?”
“Anh có nhìn con dấu không?”
“Con dấu của Ủy ban Giáo dục và Nghệ thuật Nhân dân Xô Viết, thế thì sao?” Trebelaux hỏi.
“Tay cảnh sát có nói nó thuộc quyền sở hữu của ai ở phía Đông không? Nếu của người Do Thái thì không thành vấn đề, quân Đồng Minh không trả lại các tác phẩm nghệ thuật lấy của dân Do Thái đâu. Dân Do Thái chết hết rồi. Quân Xô Viết cứ giữ nó thôi.”
“Anh ta không phải cảnh sát bình thường, anh ta là thanh tra cảnh sát, Trebelaux nói.
“Nói như dân Thụy Sĩ ấy. Anh ta tên gì?”
“Popil, Popil gì đó.”
“À.” Kleber nói, lấy khăn ăn lau miệng. “Tôi cũng đã nghĩ thế. Vậy thì không có gì đáng lo đâu. Anh ta nhận tiền của tôi nhiều năm nay rồi. Đấm tiền vào là xong thôi. Leet kể gì với anh ta?”
“Vẫn chưa nói gì, nhưng Leet có vẻ bất an lắm. Tạm thời ông ta sẽ quy mọi trách nhiệm cho Kopnik, gã đồng sự đã chết của ông ta.” Trebelaux đáp. “Leet không biết gì thật đấy chứ, dù chỉ là phong thanh xem anh đã lấy được bức tranh từ đâu?”
“Leet vẫn tưởng tôi lấy nó ở Lausanne, như chúng ta đã thỏa thuận. Ông ta đang rú rít đòi lấy lại tiền. Tôi nói tôi phải trao đổi với khách hàng đã.”
“Popil nằm trong tay tôi, tôi sẽ xử lý, anh cứ quên hết chuyện này đi. Tôi có chuyện quan trọng hơn nhiều cần bàn với anh đây. Anh có đến Mỹ được không?”
“Tôi không mang được đồ qua hải quan đâu.”
“Anh không cần lo về hải quan, chỉ cần quan tâm đến các cuộc đàm phán trong thời gian anh ở đấy thôi. Anh sẽ phải kiểm tra đồ trước khi nó đi, rồi lại kiểm tra thêm lần nữa ở chỗ đó, từ phía bên kia một cái bàn trong một phòng họp của ngân hàng. Anh có thể đi bằng máy bay, trong vòng một tuần.”
“Món đồ dạng gì vậy?”
“Mấy món đồ cổ nhỏ. Vài bức tượng, một lọ đựng muối để bàn. Chúng ta sẽ ngó qua xem, rồi anh cho tôi biết anh nghĩ gì.”
“Các vấn đề khác thì sao?”
“Anh sẽ an toàn tuyệt đối.” Kleber nói.
Kleber chỉ là tên gã dùng ở Pháp. Tên khai sinh của gã là Petras Kolnas và gã biết tên thanh tra Popil, nhưng không phải vì trả tiền định kỳ cho tay thanh tra.