SÔNG ESSONNE, tối đen và phẳng lặng, lững lờ chảy qua kho hàng, luồn bên dưới cái nhà thuyền sơn đen đang bỏ neo ở một bến cảng gần thành phố Vert le Petit. Các cabin thấp trên nhà thuyền đều che rèm kín mít. Đường dây điện và đường dây điện thoại chạy từ đất liền tới con thuyền. Lá trong khu vườn – được trồng từ các chậu cây – ẩm ướt và sáng bóng.
Các cửa thông gió trên boong tàu đều đang mở. Một tiếng thét inh tai bật ra từ một trong những cửa này. Một bộ mặt phụ nữ hiện ra ở một ô cửa sổ thấp hơn trên mạn tàu, vẻ đau đớn, má ép vào mặt kính, rồi ngay sau đó, một bàn tay dày cui lôi bộ mặt kia ra chỗ khác và giật rèm khép lại. Không ai nhìn thấy cảnh này.
Màn sương mù nhẹ giăng những vầng hào quang quanh các bóng đèn trên bến cảng, nhưng ngay bên trên, vài ngôi sao lác đác tỏa sáng, cố đâm xuyên qua màn sương. Ánh sáng quá yếu và nhòe nhoẹt, chẳng thể nhìn ra được.
Trên đường cái, một bảo vệ gác cổng ra vào soi đèn vào bên trong chiếc xe van đề biển Café de L’Este và rồi, nhận ra Petras Kolnas, vẫy tay ra hiệu cho gã đánh xe vào trong bãi đậu xe chăng hàng rào dây thép gai.
Kolnas hối hả đi xuyên qua kho hàng, qua chỗ một công nhân đang sơn lên các thùng thiết bị theo các khuôn chữ đã được tô sẵn, TRẠM PHÂN PHỐI HÀNG CHO QUÂN ĐỘI MỸ, NEUILLY. Kho hàng chất đầy thùng hộp và Kolnas phải luồn lách một hồi mới len qua được để mà ra tới đầu bên kia, vào trong bến cảng.
Một bảo vệ ngồi bên cái thùng gỗ được cải tạo thành bàn, chắn giữ cạnh cầu tàu dẫn tới chỗ con thuyền. Y vừa hút thuốc vừa dùng con dao bỏ túi để cắt xúc xích ăn. Y lấy khăn lau tay, định khám người vị khách đang tiến lại gần, nhưng rồi nhận ra Kolnas, bèn hất đầu ra hiệu cho gã đi qua.
Vốn đã có cuộc sống riêng, Kolnas không mấy khi gặp những người khác. Gã thường đến nhà hàng của mình, mang bát dạo quanh căn bếp và nếm tất tật các món, thành ra từ sau chiến tranh, gã đã béo lên không ít.
Zigmas Milko, vóc dáng gầy gò vẫn không hề thay đổi so với trước kia, đứng tránh ra nhường đường cho gã tiến vào trong cabin. Vladis Grutas đang ngồi trên cái sofa nhỏ bọc da, giơ chân ra cho một phụ nữ má tím bầm làm móng.
Người phụ nữ có vẻ sợ sệt và quá già chẳng bán đi đâu được. Grutas ngẩng đầu nhìn lên với vẻ thỏa mãn, khuôn mặt bắt đầu toát lên một biểu cảm thông thường báo hiệu cho một cơn giận dữ. Thuyền trưởng đang chơi bài ở bàn hải đồ với một gã du côn bụng phệ tên là Mueller, từng là lính thuộc sư đoàn SS Dirlewanger Brigade, xăm hình hầm hố phủ kín gáy, hai bàn tay và cả cánh tay, tuy nhiên đã bị hai ống tay áo che khuất khỏi tầm nhìn. Ngay khi đôi mắt xanh xám của Grutas quét về phía hai người đang chơi, họ bèn dẹp bộ bài đi rồi rời khỏi cabin.
Kolnas chẳng buồn lãng phí thời gian chào hỏi.
“Thẻ bài quân đội của Dortlich bị nhét vào giữa hai hàm răng. Thép không gỉ chất lượng cao của Đức, không cháy, không chảy. Thằng nhóc đó rồi sẽ lấy được thẻ bài quân đội của chúng mày thôi, của cả tao, cả Milko và Grentz nữa.”
“Mày đã bảo Dortlich lục soát căn nhà nghỉ đó từ bốn năm trước rồi cơ mà.” Milko nói.
“Nó chỉ cầm cái dĩa dã ngoại chọc vớ vẩn loanh quanh thôi, thằng con hoang lười chảy thây.” Grutas nói. Y hẩy chân đẩy người phụ nữ ra, chẳng buồn liếc nhìn cô ta lấy một cái, và người phụ nữ vội vã rời khỏi cabin.
“Nó đang ở đâu, thằng nhóc hiểm độc đã giết Dortlich ấy?” Milko hỏi. Kolnas nhún vai. “Sinh viên Paris. Tao không biết nó kiếm được visa bằng cách nào. Nó đã dùng visa này để nhập cảnh. Không có thông tin xuất cảnh của nó. Họ không biết nó đang ở đâu.”
“Nếu nó tới gặp cảnh sát thì sao?” Kolnas hỏi.
“Vì cái gì mới được chứ?” Grutas vặn lại. “Những ký ức trẻ con, những cơn ác mộng tuổi thơ, mấy cái thẻ bài quân đội cũ à?”
“Có khi Dortlich đã khai với nó là hắn đã gọi điện cho tao bảo liên lạc với bọn mày.” Kolnas nói.
Grutas nhún vai. “Thằng nhóc đó sẽ thử gây phiền toái đấy.”
Milko khịt mũi. “Gây phiền toái? Tao thì thấy thằng đó gặp đủ phiền toái với Dortlich rồi. Chắc chắn chẳng dễ mà giết được Dortlich đâu; có lẽ thằng lỏi đã bắn sau lưng hắn.”
“Ivanov vẫn đang chịu ơn tao.” Grutas nói. “Đám an ninh bên Đại sứ quán Liên Xô sẽ lùng ra thằng nhóc Hannibal cho chúng ta, còn chúng ta sẽ phụ trách phần còn lại. Vậy thì Kolnas sẽ không cần phải lo lắng gì nữa.”
Những tiếng kêu tắc nghẹn và tiếng đấm đá vang lên từ đâu đó trên thuyền. Đám đàn ông chẳng hề bận tâm.
“Để Svenka tiếp nhận các phần việc của Dortlich đi.” Kolnas nói, để chứng tỏ rằng gã chẳng lo lắng gì hết.
“Chúng ta có cần hắn không?” Milko hỏi.
Kolnas nhún vai. “Chúng ta buộc phải cho hắn tham gia thôi. Svenka đã làm việc với Dortlich hai năm nay rồi. Hắn giữ các món hàng của chúng ta. Hắn là đầu mối duy nhất dẫn chúng ta tới chỗ các bức tranh. Hắn có thể gặp bọn bị trục xuất, hắn sẽ lọc ra những đứa dễ nhìn để đẩy vào trại tị nạn Bremerhaven. Chúng ta sẽ lấy những người này từ đó.”
Lo sợ tiềm năng tái vũ trang nước Đức của Kế hoạch Pléven*, Joseph Stalin đã tiến hành các cuộc trục xuất quy mô lớn để thanh lọc Đông Âu. Những chuyến tàu lèn kín người khởi hành hằng tuần, đưa những kẻ bị trục xuất đến với cái chết trong những trại lao động ở Siberia và nếm trải sự khốn cùng trong những trại tị nạn ở phía Tây. Những kẻ bị trục xuất đắm chìm trong cơn tuyệt vọng đã cung cấp cho Grutas một lượng phụ nữ và trai trẻ dồi dào. Y dành mọi hậu thuẫn cần thiết cho món hàng của mình. Morphine y sử dụng đạt chuẩn y tế Đức. Y cung cấp máy đổi điện AC/DC cho các thiết bị ở chợ đen, thực hiện bất kỳ sự điều chỉnh tinh thần nào mà món hàng con người của y cần cho màn thể hiện.
(*) Kế hoạch thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (EDC) do thủ tướng Pháp Pléven đưa ra vào tháng 10/1950, mục đích thành lập một Quân đội châu Âu trong đó các nước thành viên sẽ gửi lực lượng quân đội tham gia dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Phòng thủ châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện.
Grutas trầm ngâm suy nghĩ. “Gã Svenka này có ra mặt trận không?” Chúng không tin rằng bất cứ kẻ nào không biết gì về Mặt trận Phía Đông lại có thể thực sự hữu ích.
Kolnas nhún vai. “Nghe qua điện thoại thì hắn có vẻ còn trẻ. Dortlich đã thu xếp này nọ một ít rồi.”
“Giờ chúng ta sẽ mang hết tất cả ra ngoài. Vẫn còn quá sớm chưa đến lúc bán chác gì, nhưng chúng ta cần bỏ hết ra. Khi nào hắn gọi lại?”
“Thứ Sáu.”
“Bảo hắn làm luôn đi.”
“Thể nào hắn cũng đòi xuất ngoại. Thể nào hắn cũng đòi được lo lót giấy tờ.”
“Chúng ta có thể đưa hắn tới Rome. Tao chẳng biết có nên cho hắn đến đây không. Dù sao thì hắn đòi gì mày cũng cứ hứa hẹn hết đi, mày hiểu chứ?”
“Nghệ thuật là hàng nóng đấy.” Kolnas nói.
“Về nhà hàng đi, Kolnas. Tiếp tục nuôi ăn miễn phí bọn cớm Paris đi, đừng có ngừng, rồi chúng nó sẽ tiếp tục hủy hết vé phạt giao thông của mày. Lần tới xuống đây than vãn, mày nhớ mang theo cả ít bánh phồng nữa nhé.”
“Nó không sao đâu.” Grutas nói với Milko, khi Kolnas đã đi khuất.
“Hy vọng thế.” Milko nói. “Tao chẳng muốn phải điều hành một cái nhà hàng.”
* * *
“Dieter! Dieter đâu?” Grutas đấm ầm ầm lên một cánh cửa cabin ở boong dưới và xô cửa mở toang.
Hai phụ nữ trẻ đang sợ hãi ngồi trên giường, cả hai đều bị xích cổ tay vào khung giường kim loại. Dieter, hai mươi lăm tuổi, đang túm tóc một trong hai người.
“Mày mà làm chúng nó sưng mặt sứt môi là chúng nó xuống giá ngay đấy.” Grutas nói. “Mà con đó từ giờ là của tao rồi.” Dieter thả tóc người phụ nữ kia ra và lục lọi đống đồ hổ lốn trong các túi quần túi áo để tìm chìa khóa. “Eva!”
Người phụ nữ lớn tuổi hơn bước vào trong cabin và đứng áp sát tường. “Soạn sửa tươm tất cho con kia đi để Mueller mang nó về nhà.” Dieter nói.
* * *
Grutas và Milko đi xuyên qua kho hàng để ra xe. Trong một khu vực riêng biệt được quây thừng cách ly, có rất nhiều thùng thưa đánh dấu GIA DỤNG. Grutas phát hiện ra một cái tủ lạnh của Anh nằm giữa đống đồ.
“Mày biết tại sao bọn Anh lại uống bia ấm không, Milko? Vì chúng chỉ có tủ lạnh Lucas. Nhà tao không thèm thứ đó. Tao thích Kelvinator, Frigidaire, Magnavox, Curtis-Mathis. Tao thích tất cả những thứ được sản xuất ở Mỹ.” Grutas nâng nắp một cây đàn piano đứng lên, chơi vài nốt. “Đây là một con piano nhà thổ. Tao không thích nó. Kolnas đã tìm cho tao một cái hiệu Bösendorfer. Hàng đỉnh nhất. Lấy nó ở Paris cho tao nhé, Milko… khi mày làm vụ kia kìa.”