MỘT CHIẾC XE TẢI NĂM TẤN chở đồ phế thải chiến tranh mới được thay bạt, đỗ phía bên kia đường đối diện phòng thí nghiệm giải phẫu, chắn hết một nửa vỉa hè. Thật đáng ngạc nhiên là cho đến lúc này, vẫn chưa có tấm vé phạt nào được kẹp lên kính chắn gió. Hannibal thử tra chùm chìa khóa của Milko vào cửa xe phía tài xế. Cửa mở. Một phong bì hồ sơ kẹp vào kính xe đè lên tấm che nắng phía tài xế. Hắn nhìn lướt qua đống giấy tờ.
Nhờ một cầu dẫn hàng cất trên sàn xe tải, Hannibal chuyển chiếc mô tô hắn dựng ở lề đường lên xe. Hắn lái xe tải đến hẻm Montempoivre gần công viên Bois de Vincennes, đỗ nó vào trong bãi xe tải gần đường tàu. Hắn bỏ hai tấm biển số xe xuống dưới ghế ngồi trong buồng lái rồi khóa cửa lại.
Hannibal Lecter ngồi trên yên mô tô, giữa một vườn cây ăn quả trên sườn đồi, ăn sáng bằng mấy quả vả châu Phi tuyệt hảo mà hắn tìm được trong khu chợ trên đường Buci kèm với một miếng giăm bông Westphala. Từ đây, hắn có thể quan sát con đường chạy dưới chân đồi và phía xa xa cách chừng một phần tư dặm, là lối vào tư dinh của Vladis Grutas.
Trong vườn ồn ã tiếng ong bay, vài con cứ vo ve mãi quanh đám vả của hắn cho tới khi hắn phải lấy khăn tay che lại. García Lorca, thời gian gần đây bắt đầu được công chúng Pháp yêu thích trở lại, từng ví trái tim với một vườn cây ăn quả. Đương lúc Hannibal nghĩ đến hình ảnh tượng trưng đó và rồi, như những gã trai trẻ bình thường khác, nghĩ tới hình dạng những trái đào trái lê, thì một chiếc xe tải thợ mộc xuất hiện trên con đường bên dưới, chạy qua chỗ hắn đang đứng và dừng lại trước cổng nhà Grutas. Hannibal giơ cái ống nhòm của cha hắn lên.
Vladis Grutas ở trong một dinh thự lớn mang phong cách Bauhaus, được xây dựng vào năm 1938 trên khu đất trang trại, với tầm nhìn trông ra sông Essonne. Tòa nhà bị bỏ hoang trong thời kỳ chiến tranh và vì thiếu mái gie nên nước cứ thế chảy xuống làm ố đen cả mấy bức tường trắng. Toàn bộ mặt tiền và một bên hông nhà đã được sơn lại trắng tinh còn mấy bức tường chưa được sơn thì đều đang dựng sẵn giàn giáo. Trong thời kỳ bị chiếm đóng, tòa nhà đã được trưng dụng làm trụ sở bộ tham mưu và quân Đức đã gia tăng các biện pháp bảo vệ cho nơi này. Một hàng rào mắt cáo kết hợp với dây thép gai bao quanh khu đất, bảo vệ khối kiến trúc bằng kính và bê tông này.
Một bốt bảo vệ bằng bê tông chặn chỗ lối vào, nhìn chẳng khác gì cái công sự. Một cửa sổ hẹp vắt ngang mặt trước bốt bảo vệ, tô điểm thêm bồn hoa, giúp nó mềm mại đi đôi chút. Khẩu súng máy lắp đặt ở cửa sổ có thể quét khắp con đường, nòng súng gạt đám hoa sang bên.
Hai người đàn ông bước ra từ bốt bảo vệ, một tóc vàng một tóc đen, cả hai đều xăm trổ đầy người. Hai gã bảo vệ cầm theo một cái gương cán dài để khám xét phía dưới gầm xe tải. Đám thợ mộc buộc phải xuống hẳn khỏi xe xuất trình thẻ căn cước. Đám người vẫy tay rồi nhún vai trao qua đổi lại với nhau một hồi. Hai gã bảo vệ cho xe tiến vào bên trong.
Hannibal lái mô tô vào giữa một bãi cây nhỏ, đỗ xe trong một bụi rậm. Hắn vô hiệu hóa nút đề máy bằng cách kín đáo gài một mẩu dây điện vào phía sau mấy điểm tiếp xúc, sau đó hắn đặt một tờ ghi chú lên trên yên xe, thông báo hắn phải đi tìm đồ sửa xe. Hắn cuốc bộ nửa tiếng đồng hồ ra đường cao tốc rồi bắt xe xin đi nhờ về Paris.
* * *
Bãi bốc hàng của Công ty Nhạc cụ Gabrielle nằm trên đường Paradis, giữa một cửa hàng thiết bị chiếu sáng và một tiệm sửa chữa đồ pha lê. Mấy công nhân kho hàng đang hoàn thành nốt nhiệm vụ cuối cùng trong ngày, chất cây đàn piano Bösendorfer dáng nằm cỡ nhỏ lên chiếc xe tải của Milko, cùng với ghế đàn đóng thùng riêng. Hannibal ký Zigmas Milko vào hóa đơn, vừa ký vừa thầm nhẩm lại cái tên này.
Cuối ngày làm việc, đoàn xe tải của công ty nhạc cụ nối đuôi nhau tiến vào bãi bốc hàng. Hannibal đứng yên tại chỗ, đưa mắt nhìn một nữ tài xế bước xuống từ một chiếc xe. Cô không khó nhìn chút nào dù đang mặc bộ áo liền quần, cử chỉ hoạt bát đậm chất Pháp. Cô vào trong tòa nhà rồi mấy phút sau lại quay trở ra, đã thay sang quần dài áo cánh, kẹp nách bộ áo liền quần gấp gọn. Cô bỏ bộ quần áo vào trong túi đeo gài sau yên một chiếc xe máy nhỏ. Cô cảm thấy ánh mắt Hannibal đang dõi theo mình, bèn quay đầu lại, xoay khuôn mặt xinh xắn tinh nghịch về phía hắn. Cô rút một điếu thuốc lá ra để hắn châm hộ.
“Cảm ơn nhé, ngài… Zippo.” Cô nói nhiều tiếng lóng, tính cách sôi nổi, ánh mắt linh động và cô hút thuốc với điệu bộ rất khoa trương.
Những con người bận rộn đang hối hả qua lại trong bãi bốc hàng căng tai ra cố nghe xem hai người đang nói gì, nhưng họ chỉ nghe được tiếng cô cười. Trong lúc họ nói chuyện, cô luôn nhìn thẳng vào mặt Hannibal và dần dần, cô không còn dáng vẻ làm duyên làm dáng nữa. Cô dường như bị hắn hút hồn, gần như bị thôi miên. Họ sánh bước bên nhau, đi xuôi con phố tiến về phía một quán bar.
* * *
Mueller đang trong ca trực ở bốt bảo vệ cùng với một gã người Đức tên Gassmann, kẻ vừa hoàn thành nhiệm vụ trong binh đoàn lê dương Pháp. Mueller đang tìm cách mồi chài gã kia mua một cái hình xăm thì chiếc xe tải của Milko lừ lừ tiến lại chỗ lối xe vào.
“Gọi bác sĩ hoa liễu đi, Milko ở Paris về rồi kìa.” Mueller nói. Gassmann tinh mắt hơn. “Không phải Milko đâu.”
Chúng bước ra ngoài bốt.
“Milko đâu?” Mueller hỏi người phụ nữ ngồi sau tay lái.
“Sao tôi biết được? Ông ta thuê tôi mang cây đàn piano này tới cho các anh. Ông ta bảo sẽ đến sau vài ngày nữa. Hai anh chàng lực lưỡng bê hộ tôi cái xe máy ở thùng xe xuống với.”
“Ai đã thuê cô?”
“Ông Zippo.”
“Chắc hẳn cô muốn nói là Milko.”
“Đúng rồi, Milko.”
Một chiếc xe giao hàng dừng lại đợi phía sau chiếc xe tải năm tấn, tài xế giao hàng phì phèo điếu thuốc, các ngón tay gõ nhịp trên tay lái.
Gassmann nâng tấm bạt che ở đuôi cái xe tải năm tấn lên. Gã nhìn thấy một cây đàn piano đựng trong thùng thưa và một cái thùng trát thạch cao kín mít dán nhãn bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh: DÙNG CHO HẦM RƯỢU -BẢO QUẢN Ở CHỖ MÁT. Cái xe máy được buộc vào mấy thanh ngang gắn vào thành xe. Trong thùng xe có cầu dẫn, nhưng thà xách cái xe máy nhỏ kia lên cho xuống dưới đất còn đơn giản hơn.
Mueller tới giúp Gassmann bê xe máy xuống. Gã nhìn người phụ nữ. “Cô muốn uống gì không?”
“Ở chỗ này thì không.” Cô nói, vung chân vắt ngang qua chiếc xe máy.
“Cái xe máy của cô kêu như tiếng xì hơi ấy.” Mueller gọi với theo trong lúc người phụ nữ lái xe đi xa dần.
“Mày đang chinh phục cô nàng bằng màn chuyện trò tinh tế đấy.” Gã người Đức còn lại nói.
* * *
Thợ chỉnh dây đàn piano gầy trơ xương, răng lốm đốm vết xỉn màu và đôi môi luôn thường trực một nụ cười toe toét, y như Lawrence Welk*. Khi đã chỉnh dây xong cho cây đàn Bösendorfer màu đen, anh ta bèn đi thay đồ, mặc áo đuôi tôm, thắt cái cà vạt trắng cổ lỗ rồi lại đi ra để chơi đàn chào đón khách khứa của Grutas. Tiếng đàn đập vào sàn nhà lát gạch, va vào những tấm kính lắp trong nhà, nghe chát chúa. Các ngăn kệ trên chiếc giá sách bằng thép và kính kê gần cây đàn piano rầm rì hòa âm theo gam Si giáng, cho tới khi anh ta di chuyển vị trí các cuốn sách thì nó tăng lên thành Si. Lúc nãy, anh ta đã ngồi trên một cái ghế lấy từ phòng bếp để chỉnh dây, nhưng anh ta không muốn ngồi trên đó để chơi đàn.
(*) Lawrence Welk (1903-1992). Nhạc công, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng người Mỹ.
“Tôi ngồi ở đâu được nhỉ? Cái ghế đàn đâu?” Anh ta hỏi cô hầu và cô này bèn hỏi Mueller. Mueller tìm cho anh ta một cái ghế có độ cao phù hợp, nhưng ghế này lại có tay. “Nếu thế này thì lúc đánh đàn tôi sẽ phải bè hai khuỷu tay ra.” Người chỉnh dây đàn nói.
“Câm mẹ nó mồm lại rồi chơi nhạc Mỹ đi.” Mueller nói. “Ông ấy muốn nhạc cocktail Mỹ, có hát đệm.”
Bữa tiệc cocktail được tổ chức cho ba mươi khách mời, những kẻ trôi dạt bước ra từ chiến tranh luôn nhìn thế giới xung quanh bằng con mắt hiếu kỳ. Ivanov của Đại sứ quán Liên Xô cũng có mặt tại đây, ăn mặc bảnh bao quá mức so với vai trò đầy tớ của đất nước. Y đang chuyện trò với một thượng sĩ Mỹ phụ trách giữ sổ sách ở Trạm Phân phối hàng cho Quân đội Mỹ đặt tại Neuilly. Viên thượng sĩ mặc thường phục, một bộ com lê rộng rãi thoải mái kiểu Mỹ, vải ca rô bản to với màu sắc làm nổi bật cái u mạch nhện trên cánh mũi. Ngài giám mục từ Versailles đến được hộ tống bởi thầy dòng đã làm móng cho ông ta.
Lúc hôn lên chiếc nhẫn đeo trên ngón tay ngài giám mục, Grutas quan sát thấy dưới ánh đèn nê ông gay gắt, bộ com lê đen của ông ta lại ánh lên màu thịt bò nướng tái. Họ nói chuyện một lát về những người quen chung ở Argentina. Bầu không khí Vichy đặc sệt bao phủ khắp phòng.
Người chơi đàn piano ban phát cho đám đông nụ cười nhe răng quen thuộc cùng với mấy ca khúc của Cole Porter nhưng câu từ chỗ đúng chỗ sai. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ tư của anh ta nên thỉnh thoảng, anh ta lại buộc phải tự chế lời mà hát.
“Dù ngày hay đêm, em vẫn là vầng thái dương. Chỉ mình em dưới trăng, em là duy nhất.”
* * *
Tầng hầm gần như tối đen. Một bóng đèn độc nhất tỏa sáng cạnh cầu thang. Tiếng nhạc mơ hồ từ trên nhà vẳng xuống.
Một giá rượu phủ kín bức tường hầm. Gần giá rượu là mấy thùng thưa, vài cái đã mở nắp, vỏ bà* tung tóe tràn ra ngoài. Một chậu rửa bát mới tinh bằng thép không gỉ nằm trên sàn, bên cạnh một máy hát tự động Rock-Ola Luxury Light-Up cùng đống đĩa hát vừa mới phát hành và mấy cọc tiền đồng loại năm xu để bỏ vào máy hát. Một cái thùng thưa nằm cạnh bức tường rượu, dán nhãn DÙNG CHO HẦM RƯỢU – BẢO QUẢN Ở CHỖ MÁT. Một tiếng cót két từ bên trong thùng vọng ra.
(*) Vỏ bà một loại vật liệu chống sốc, chống va đập phổ biến, thường được nhét vào thùng hàng khi vận chuyển.
* * *
Nghệ sĩ piano nện phím đàn bổ sung một đoạn nhạc mạnh để át hẳn tiếng anh ta hát mấy câu ngẫu hứng: “Dẫu em hay anh có rời xa, Dẫu anh cách xa thì em yêu ơi nào có xá chi, Anh vẫn mãi nghĩ về em cả ngày lẫn đêmêmêmềm.”
Grutas đi xuyên qua đám khách khứa, vừa đi vừa bắt tay mọi người. Gã khẽ hất đầu, ra hiệu cho Ivanov đi vào thư viện. Thư viện mang hơi hướng hiện đại giản dị, một cái bàn làm việc kiểu bàn kê trên niễng, các giá sách bằng thép và kính, một tác phẩm điêu khắc của Anthony Quinn theo phong cách Picasso mang tên “Logic là mông đàn bà”. Ivanov ngắm nghía bức tượng một hồi.
“Anh thích nghệ thuật điêu khắc à?” Grutas hỏi.
“Cha tôi từng làm giám tuyển ở St. Petersburg, hồi nó còn là St. Petersburg.”
“Nếu thích thì anh cứ sờ hẳn tay vào cũng được.” Grutas nói.
“Cảm ơn. Mấy món đồ cho Moskva thế nào rồi?”
“Ngay lúc này, sáu mươi cái tủ lạnh đang ở trên tàu hỏa chạy qua Helsinki. Tủ Kelvinator. Còn anh có gì cho tôi đấy?” Grutas không kiềm chế được, cứ thế bật ngón tay đánh choách.
Thấy Grutas búng ngón tay, Ivanov không trả lời ngay mà bắt Grutas đợi một hồi trong lúc y nghiên cứu bộ mông bằng đá. “Đại sứ quán không lưu hồ sơ nào liên quan đến thằng nhóc đó hết.” Cuối cùng y nói. “Nó được cấp thị thực Lítva vì đã đề xuất viết một bài báo cho tờ L’Humanité. Nó định viết về chuyện tập thể hóa ruộng đất đã hiệu quả ra sao, trong khi ruộng đất của chính nhà nó đã bị tịch thu và miêu tả niềm hân hoan của nông dân vì được chuyển tới thành phố, tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Một nhà quý tộc bảo chứng cho cuộc cách mạng.”
Grutas khịt mũi.
Ivanov bỏ một bức ảnh lên trên mặt bàn rồi đẩy nó sang đầu bàn bên kia cho Grutas xem. Trong bức ảnh, phu nhân Murasaki và Hannibal đang ở bên ngoài khu căn hộ của cô.
“Ảnh chụp bao giờ?”
“Sáng hôm qua. Lúc người của tôi chụp ảnh này, Milko đang ở cùng anh ta. Thằng nhóc Lecter là sinh viên, làm việc ban đêm, ngủ tại trường y. Người của tôi đã cho Milko xem mọi thứ rồi – tôi không muốn biết gì nữa.”
“Lần cuối cùng anh nhìn thấy Milko là khi nào?”
Ivanov nhìn lên, ánh mắt sắc lẻm. “Hôm qua. Có chuyện gì à?”
Grutas nhún vai bỏ qua câu hỏi. “Có lẽ chẳng có chuyện gì hết. Người phụ nữ đó là ai đấy?”
“Mẹ kế của nó, hoặc gì đó đại loại thế. Cô ta đẹp lắm.” Ivanov nói, vẫn mân mê cái mông bằng đá.
“Cô ta có bộ mông như thế này không?”
“Tôi không nghĩ thế.”
“Cảnh sát Pháp có tới chứ?”
“Một thanh tra tên là Popil.”
Grutas bặm môi, dường như nhất thời quên mất Ivanov đang hiện diện trong phòng.
* * *
Mueller và Gassmann quan sát khắp lượt đám đông khách khứa. Chúng giữ áo khoác cho các vị khách và thường xuyên quan sát để không người khách nào có cơ hội lấy trộm được thứ gì. Trong phòng giữ áo khoác, Mueller túm lấy cái nơ con bướm đeo quanh cổ áo Gassmann, kéo căng sợi dây thun rồi vặn cái nơ xoay một trăm tám mươi độ, sau đó thả tay ra để cái nơ bật ngược lại đập bốp vào cổ áo.
“Mày có thể xoắn nó lại như một cái cánh quạt nhỏ rồi bay như tiên không?” Mueller hỏi.
“Cứ vặn nó lại lần nữa đi, rồi mày sẽ thấy nó chẳng khác gì cái nắm đấm cửa dẫn vào địa ngục.” Gassmann nói. “Nhìn lại mày kìa. Nhét áo vào trong quần đi. Mày chưa làm phục vụ bao giờ à?”
Chúng phải giúp người giao thực phẩm thu dọn. Trên đường mang một cái bàn gấp phục vụ tiệc xuống dưới tầng hầm, chúng không nhìn thấy một chiếc găng tay cao su căng phồng, nằm khuất bên dưới cầu thang, đang treo lửng lơ phía trên một đĩa bột, cùng với một dây cháy dẫn vào một cái thùng thiếc loại ba kilogam trước đây dùng đựng mỡ lợn. Một phản ứng hóa học chậm chạp diễn ra trong lúc nhiệt độ hạ xuống dần.
Tầng hầm nhà Grutas lạnh hơn năm độ so với ở trường y.