“THẦY CÓ BIẾT HÔM NAY LÀ NGÀY GÌ KHÔNG?” Hannibal hỏi bên bữa sáng bằng cháo suông ở ngôi nhà nghỉ giữa rừng. “Hôm nay chính là ngày mặt trời chiếu vào cửa sổ phòng ông Elgar.”
“Mấy giờ thì sự kiện này diễn ra nhỉ?” Thầy Jakov hỏi, như thể không biết thật.
“Mặt trời sẽ ló ra khỏi tháp vào lúc mười giờ rưỡi.” Hannibal nói.
“Đó là chuyện của năm 1941 rồi.” Thầy Jakov nói. “Trò cho rằng năm nay nó cũng xuất hiện vào cùng thời điểm đó à?”
“Vâng!”
“Nhưng thật ra một năm có hơn 365 ngày đấy.”
“Nhưng, thầy Jakov, năm nay là năm ngay sau năm nhuận. Lần gần đây nhất chúng ta xem, năm 1941 cũng là năm ngay sau năm nhuận.”
“Vậy là lịch đã tự điều chỉnh một cách hoàn hảo, hay ta cứ vừa hiệu chỉnh vừa sống thôi?”
Một cành cây gai nổ lốp bốp trong đống lửa.
“Con nghĩ đây là hai câu hỏi không liên quan.” Hannibal nói.
Thầy Jakov lấy làm hài lòng, nhưng thầy lại đáp bằng một câu hỏi khác, “Năm 2000 có phải là năm nhuận không?”
“Không… à có, có, nó đúng là năm nhuận.”
“Nhưng nó chia hết cho một trăm*.” Thầy Jakov nói.
(*) Theo lịch Gregorius hay còn gọi là Công lịch – loại lịch tiêu chuẩn hiện được dùng hầu như trên khắp thế giới – thì năm nhuận (năm có 366 ngày vì tháng Hai sẽ có 29 ngày) là năm chia hết cho 4 và không chia hết cho 100. Tuy nhiên, nếu năm nào chia hết cho 100 và đồng thời chia hết cho 400 thì năm đó cũng là năm nhuận.
“Nó cũng chia hết cho bốn trăm.” Hannibal đáp.
“Chính xác.” Thầy Jakov nói. “Năm đó sẽ là năm đầu tiên áp dụng quy tắc Gregorius. Có lẽ, vào ngày hôm đó, trong trường hợp trò vẫn sống sót qua toàn bộ những hiệu chỉnh, trò sẽ nhớ đến cuộc trò chuyện của chúng ta. Tại chốn lạ lẫm này.” Thầy nâng cốc lên. “Chúc cho năm sau ở lâu đài Lecter.”
* * *
Lothar nghe thấy nó lần đầu tiên trong lúc đang kéo nước, tiếng động cơ xe cài số thấp đang gầm rú và tiếng cành cây gãy răng rắc. Anh ta bỏ cái xô lại trên giếng và vội vàng đi vào trong nhà, chẳng buồn lau chân cho sạch.
Một cỗ xe tăng Xô Viết, một chiếc T-34 phủ lớp ngụy trang mùa đông bằng tuyết và rơm, sầm sầm leo lên con đường mòn, tiến vào khoảng rừng thưa. Một dòng chữ tiếng Nga được sơn trên tháp pháo: TRẢ THÙ CHO NHỮNG CÔ GÁI XÔ VIẾT CỦA CHÚNG TA VÀ QUÉT SẠCH LŨ SÂU MỌT PHÁT XÍT. Hai gã lính mặc trang phục màu trắng ngồi ở đuôi xe bên trên các bộ tản nhiệt. Tháp pháo xoay vòng, chĩa nòng đại bác trên xe tăng về phía ngôi nhà. Cửa nắp tháp pháo đã mở và một pháo thủ mặc áo có mũ trùm màu trắng như tuyết đang đứng đằng sau một khẩu súng máy. Trưởng xe cầm loa, đứng ở nắp tháp pháo còn lại. Gã nhắc lại thông điệp bằng tiếng Nga và tiếng Đức, gào tướng lên để át tiếng động cơ diesel ồn ào của cỗ xe tăng.
“Chúng tôi cần nước, chúng tôi sẽ không làm hại các anh cũng không cướp thức ăn của các anh, trừ khi người từ trong nhà nổ súng. Nếu chúng tôi khai hỏa, tất cả các anh sẽ chết hết. Giờ hãy bước ra ngoài nhà. Pháo thủ, khóa mục tiêu và lên đạn sẵn sàng đi. Nếu đếm đến mười mà anh còn không thấy ai ló mặt ra thì lập tức nã đạn.” Một tiếng cạch rất to vang lên khi chốt khẩu súng máy bị kéo về phía sau.
Bá tước Lecter bước ra ngoài, đứng thẳng dưới ánh mặt trời, hai bàn tay phơi ra trước mắt đối phương. “Các anh cứ lấy nước thoải mái. Chúng tôi hoàn toàn vô hại đối với các anh.”
Trưởng xe đặt loa sang bên. “Mọi người ra hết ngoài nhà đi, để tôi có thể nhìn thấy các anh.”
Bá tước và trưởng xe nhìn nhau một hồi lâu. Trưởng xe giơ hai tay lên chĩa lòng bàn tay về phía trước. Bá tước cũng giơ hai tay, chĩa lòng bàn tay về phía trước.
Bá tước quay về phía ngôi nhà. “Ra đây đi.”
Khi đã nhìn rõ các thành viên trong gia đình Lecter, trưởng xe nói với họ, “Trẻ con có thể ở lại trong nhà cho ấm.” Rồi quay sang nói với pháo thủ và tổ xe, “Giám sát họ. Quan sát các cửa sổ ở tầng trên. Bắt đầu bom đi. Các anh muốn hút thuốc thì hút.”
Tay pháo thủ đẩy kính bảo hộ lên và châm một điếu thuốc lá. Cậu ta vẫn chỉ là một thằng nhóc, làn da quanh vùng mắt nhợt nhạt hơn so với những vùng da khác trên khuôn mặt. Thấy Mischa đang lấp ló chỗ cánh cửa đối diện nhìn trộm ra ngoài, cậu ta mỉm cười với con bé.
Ở giữa thùng nước và thùng nhiên liệu được buộc vào chiếc xe tăng là một cái máy bơm nhỏ chạy bằng dầu khởi động bằng dây kéo.
Tay lái xe thả một ống vòi gắn lưới lọc xuống dưới giếng và sau vài nhát kéo dây, cái máy bơm bắt đầu kêu lạch xạch, rít lên và hút nước vào.
Tiếng ồn đã át mất âm thanh chiếc máy bay ném bom Stuka đang tiến lại, mãi cho tới khi chiếc máy bay gần như đã ở ngay trên đầu họ, tay pháo thủ vội xoay họng súng máy, cật lực quay tay để chĩa nòng súng lên trời và khai hỏa đúng lúc khẩu đại bác sáng nhấp nháy trên chiếc máy bay xả đạn xuống mặt đất. Cỗ xe tăng ầm ầm nhả những tràng súng liên thanh, tay pháo thủ mặc dù bị trúng đạn nhưng vẫn kiên trì bắn trả bằng cánh tay còn lành lặn.
Kính chắn gió chiếc Stuka chi chít vết rạn, kính bảo hộ của gã phi công đẫm máu và chiếc máy bay, vẫn đang mang theo một quả bom, đâm sầm vào ngọn cây, cày đường trượt vào trong vườn và bình nhiên liệu phát nổ, họng đại bác dưới cánh máy bay vẫn không ngừng nhả đạn sau cú va chạm.
Hannibal nằm trên sàn nhà, đè lên Mischa che cho con bé, nhìn thấy mẹ đang nằm giữa sân, máu me bê bết, chiếc váy trên người bà đã bắt lửa.
“Ở yên đây nhé!” thằng bé dặn Mischa rồi chạy về phía mẹ, đạn dự trữ bên trong chiếc máy bay giờ nóng quá đã phát nổ, ban đầu lẹt đẹt rồi sau dồn dập hơn, các mảnh vỡ bắn tung về phía sau, đập vào lớp tuyết, lửa liếm quanh quả bom còn sót lại bên dưới cánh máy bay.
Viên phi công ngồi trong buồng lái, đã chết, mặt bị thiêu đến trơ sọ bọc giữa mũ bảo hiểm và chiếc khăn đang cháy phừng phừng, tay xạ thủ đằng sau gã cũng đã lìa đời.
Ở trong sân, chỉ mình Lothar còn sống sót, giơ cánh tay đỏ máu về phía thằng bé. Đoạn Mischa từ trong nhà lao ra sân về phía mẹ và khi con bé băng qua, Lothar cố gắng rướn mình tóm lấy nó, kéo nó nằm xuống, nhưng loạt đạn từ chiếc máy bay đang bốc cháy đã giội thẳng vào anh ta, máu bắn tóe lên người đứa bé; Mischa giơ cao hai cánh tay ngửa đầu thét vào không trung. Hannibal đang vốc tuyết dập lửa trên quần áo mẹ vội đứng dậy chạy về phía Mischa bất chấp những loạt đạn vung vãi, mang con bé vào trong nhà, đưa nó xuống hầm. Bên ngoài tiếng đạn ngớt dần và tắt lịm khi số đạn còn lại đều đã tan chảy bên trong nòng đại bác. Màn đêm buông xuống và tuyết lại bắt đầu rơi, rít xèo xèo trên lớp kim loại nóng bỏng.
Bóng tối và tuyết lại bao phủ. Hannibal ở giữa đám xác, không ý thức được đã bao nhiêu thời gian trôi qua kể từ sau sự kiện kia, tuyết đang lất phất rơi xuống, lấm tấm bám lên mi mắt và mái tóc mẹ nó. Xác của bà là thi thể duy nhất không bị đen sì và khô giòn. Hannibal ráng sức lôi bà đi, nhưng xác bà đã dính cứng vào mặt đất. Thằng bé áp mặt lên mặt mẹ. Ngực bà đã cứng đờ, lạnh toát, tim bà đã ngưng đập.
Thằng bé phủ một cái khăn ăn che mặt cho bà và đắp tuyết phủ kín người bà. Những hình thù tối đen đang chuyển động nơi bìa rừng. Cây đèn pin của thằng bé rọi vào những đôi mắt sói. Thằng bé hét to với lũ sói, vung vẩy cái xẻng. Mischa đã kiên quyết ra ngoài tìm đến chỗ mẹ – thằng bé buộc phải lựa chọn. Nó đưa Mischa vào trong nhà, để lại người chết cho đêm tối. Cuốn sách của thầy Jakov vẫn nằm nguyên vẹn bên cạnh bàn tay đen sì của anh ta, cho tới khi một con sói ăn mất cái bìa da và rồi, giữa những trang Luận về ánh sáng của Huyghens vương vãi, nó liếm sạch những mảnh óc văng ra trên tuyết của thầy.
Hannibal và Mischa lắng nghe tiếng khụt khịt và tiếng gầm gào bên ngoài ngôi nhà. Hannibal đốt lửa lên. Để át đi âm thanh ngoài trời, thằng bé cố gắng dụ Mischa hát; nó hát cho em gái nghe. Con bé siết hai bàn tay túm chặt cái áo choàng của thằng anh.
“Gã nhỏ bé…”
Những bông tuyết đáp lên khung cửa sổ. Trên một góc ô kính, một vòng tròn tối đen hiện ra, được vẽ nên bởi một đầu ngón tay đeo găng. Giữa vòng tròn tối đó là một con mắt màu xanh nhạt.