Từ ngày đầu tiên khi Yên hầu Ngụy Thiệu trở thành chủ nhân mới của Tịnh Châu, thủ lĩnh Nguyên Vượng của Ti Hòa đã bắt đầu quan tâm đến hắn.
Người này không chỉ chiếm được Tịnh Châu mà Trần thị gia tộc thống trị mấy thập niên, hơn nữa Nguyên Vượng biết, hành động kế tiếp của hắn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những người dân tộc Khương đã sinh sống ở vùng Hòa Trung bấy lâu nay.
Nguyên Vượng từng nghe nói đến một số việc mà người chủ mới của Tịnh Châu đã làm. Mấy năm qua, danh tiếng của đại quân phương Bắc không giống như Trần Tường, nhưng Nguyên Vượng lại không mong đợi lắm đối với người tộc Hán.
Vì lẽ đó, vào năm ngoái, mặc dù ông cũng đoán được ý chiêu an của Ngụy Thiệu đối với người Khương, nhưng ông vẫn không hề tin tưởng mà luôn duy trì một thái độ cẩn thận. Ti Hòa không liên kết với Thiêu Đương Khương, cũng không nhận ý chiêu an của Ngụy Thiệu.
Cho tới hôm Công Tôn Dương trở thành sứ giả, được Ngụy Thiệu phái đến lãnh địa của ông.
Đối với chuyện này, Nguyên Vượng khá là kinh ngạc.
Công Tôn Dương là người có nhân cách tuyệt vời, vừa nho nhã lại có tài hùng biện. Hai người thẳng thắn nói chuyện với nhau suốt một đêm, không hề có ý hùng hổ dọa người gây ép buộc, giống như con suối chảy róc rách, nhẹ nhàng tiến vào lòng, thế rồi không biết từ lúc nào, hắn có thể khiến cho đối phương tiếp nhận quan điểm của mình, cũng vui lòng nghe theo.
Công Tôn Dương tới đây đã nhiều ngày.
Dần dần Nguyên Vượng đã bị ông thuyết phục.
Tuy chưa từng tận mắt nhìn thấy Ngụy Thiệu, nhưng cái danh đại quân phương Bắc như sấm dội bên tai, trước đây vẫn thường nghe người ta truyền miệng.
Có lần Nguyên Vượng còn nghe thấy lời đồn.
Có người nói, trước kia, hắn đã lăng trì kẻ thù từng giết phụ thân mình, ngàn đao đến chết, vậy mà vẫn còn chưa hết hận, hắn tiếp tục băm nhỏ như bùn.
Mặc dù đó chỉ là lời đồn, có lẽ đã được khuếch đại lên nhiều lần, nhưng sự tàn độc của hắn cũng có thể nhìn ra, khiến cho người khác phải hoàn toàn run sợ.
Đây cũng là nguyên nhân khiến ông băn khoăn không chấp nhận lời chiêu an của Ngụy Thiệu năm ngoái.
Một người tàn độc đến như thế thì có khác gì nhóm Trần Tường kia đâu?
Nhưng trong những ngày qua, ông mới cảm nhận được nhân cách tuyệt vời của Công Tôn Dương, giống như nhìn thấy Lý Công mà năm đó người Khương đều vô cùng kính trọng.
Cũng nhờ đó, lòng kiêng kị với Ngụy Thiệu trước kia cũng biến mất đôi phần.
Đặc biệt là đêm qua, lần thứ hai chong đèn trò chuyện với Công Tôn Dương. Sau khi trở về, ông cùng bàn bạc với mấy vị trưởng lão trong tộc.
Mặc dù các trưởng lão vẫn do dự như trước, nhưng Nguyên Vượng lại hạ quyết tâm quy thuận.
Nhưng ông nào ngờ được, trời vừa mới sáng, sứ giả của Điêu Mạc đã tới báo cho ông tin dữ, sau khi nghe xong thì ruột đau như cắt.
Tôn nhi Viên duy nhất của ông mất tích nửa năm trước, đầu tiên nó bị người Hán bắt tới Tấn Dương rao bán làm nô lệ, sau đó rơi vào tay nhi tử của Trần Tường, có lẽ bây giờ đã bị giết hại rồi.
Sứ giả còn gửi cho ông một bức thư của Điêu Mạc. Trong thư Điêu Mạc nói, Phùng Chiêu, Ngụy Thiệu đều là sói ác. Phùng Chiêu kết giao với các gia tộc quyền thế người Khương, thu mua điều động lính tộc Khương bán mạng mình cho hắn. Còn Ngụy Thiệu lòng lang dạ sói, không thể tin hắn được. Điêu Mạc còn khuyên Nguyên Vượng không nên dễ dàng tin người Hán. Hắn nói mặc dù bây giờ mình có qua lại với Phùng Chiêu, nhưng thực ra chỉ là lợi dụng mâu thuẫn giữa Phùng Chiêu và Ngụy Thiệu mà thôi, nhân cơ hội đó hắn sẽ đoạt lại vùng đất Thượng Quận mà người Khương đã từng ở mấy đời. Người Hán hiện giờ chỉ là đang chiếm đất.
Lúc Điêu Mạc còn nhỏ, phụ thân hắn bị ép phải đưa hắn tới Tịnh Châu làm con tin, sau bao năm chịu đựng quản thúc, hắn phải bỏ qua một số tiền và trâu ngựa lớn để trao đổi, được phóng thích về quê. Điêu Mạc là người có chí hớn, lại dũng mãnh kiên cường, Nguyên Vượng vẫn luôn xem hắn là con cháu trong nhà. Trời vừa mới sáng đã nghe được tin tôn nhi mất tích nửa năm nay của mình, hắn còn khẳng định chắc như đinh đóng cột. Sao ông không tin cho được chứ. Buồn giận đan xen, Nguyên Vượng ngất xỉu ngay tại chỗ.
Tôn nhi yêu quý duy nhất của ông lại bị người Hán giết, nó chết trên đất Hán!
Sau khi tỉnh lại, mặc dù Nguyên Vượng không đến nỗi giận chó đánh mèo giết chết Công Tôn Dương để cắt đứt hoàn toàn với người Hán, nhưng dù có thế nào đi nữa, ông cũng khó có thể tiếp tục nói chuyện với người kia. Cho nên mới trở mặt muốn đuổi hắn đi.
Không ngờ tình thế lại xoay chuyển, hóa ra tôn nhi mình tưởng đã mất rồi vẫn còn sống sờ sờ, xuất hiện trước mặt ông như thế. Biết chuyện phu nhân Ngụy Thiệu cứu tôn nhi của mình, còn phái người hộ tống cháu về nhà, từ đau khổ chuyển thành mừng rỡ. Sau khi bình tĩnh lại, ông bỗng nhớ tới một chuyện rồi buột miệng hỏi Viên, phu nhân Ngụy Thiệu có nói với cháu về khuyên ta quy phục không. Không ngờ Viên lại không hề biết, cậu nói, trước khi đi phu nhân có tới tiễn, nhưng mà lại chẳng nói nửa câu, cậu không mảy may biết gì.
Viên nói với tổ phụ, sau khi trải qua phen sinh tử này, mặc dù cậu đã tự mình hiểu được sự tàn ác khinh thường của người Hán đối với người tộc Khương, nhưng cậu cũng biết trong số đó không thiếu những người hiền lạnh trí tuệ. Cũng giống như người Khương vàng thau lẫn lộn, họ cũng phải xuất chiến, cũng có gia đình cần bảo vệ, đất nước cần gìn giữ, không thể vơ đũa cả năm như vậy được.
Sau một hồi kinh ngạc, Nguyên Vượng không do dự gì nữa, ông vội vàng quay người bày tỏ mong muốn được kí hiệp ước với Công Tôn Dương.
Thật ra Công Tôn Dương còn chưa hiểu đầu cua tai nheo gì cả, sao lại liên quan đến Nữ quân thế này. Nhưng chính Nguyên Vượng đã hồi tâm chuyển ý, ông cầu còn không được, nào có lý chối từ? Vội vàng đồng ý ngay lập tức. Nguyên Vượng rời khỏi trướng, gọi các tộc nhân trong tộc tới đây cùng kí hiệp ước liên minh với Yên Hầu, từ bây giờ sẽ ngừng chiến nghi binh.
Công Tôn Dương cũng tuyên bố hiến pháp tạm thời của Quân hầu.
Nguyên Vương giữ chức thủ lĩnh mấy chục năm, uy vọng vô cùng, rất được các tộc nhân tôn kính. Huống hồ, ai mà chẳng muốn được trải qua những tháng ngày yên ổn? Sau khi nghe tin ông tuyên bố, mọi người hoan hô không ngừng. Hai người cùng thực hiện nghi thức uống máu ăn thề, sau đó lại thịt cừu, giết bò, tổ chức yến tiệc, khung cảnh náo nhiệt vừa múa vừa hát không khác gì lễ mừng năm mới của tộc Khương.
Công Tôn Dương thoát thân được thì vội vàng tìm Giả Tư hỏi rõ.
Giả Tư nhân tiện nói: “Xin quân sư nói giúp ta vài câu trước mặt Quân hầu! Nếu không ta không có mặt mũi nào để đối diện với ngài ấy nữa”.
Vốn Công Tôn Dương đã không hiểu chuyện gì, thấy hắn nói thế càng chẳng hiểu ra sao. Ông nói: “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Sao Nữ quân lại có ân cứu mạng với tôn nhi tộc trưởng? Cậu nói vậy là sao?”
Giả Tư kể lại mọi chuyện cho ông nghe: “Ta tình nguyện nhận sự quở trách của Quân hầu, phạt bao nhiêu cũng được. Cũng bởi vì sự sơ sẩy của ta, Trần Thụy mới có cơ hội quay về Tấn Dương, hắn lẻn theo đường ngầm dưới ao nước đã có từ trước đó, đêm hôm khuya khoát, hắn chui vào nha môn để bắt cóc Nữ quân…”
Da đầu của Công Tôn Dương run lên, tóc gáy sau cổ như dựng đứng: “Nữ quân có xảy ra chuyện gì không?”
Giả Tư vội vàng lắc đầu: “May mà không sao. Trần Thụy bị bắn chết tại chỗ”.
Công Tôn Dương vẫn thấy không yên lòng, cứ hỏi lui hỏi tới mãi. Mặc dù không có gì đáng ngại, nhưng vì hoảng sợ quá độ, Nữ quân còn lâm bệnh một thời gian. Cũng may trước khi Giả Tư xuất phát, tinh thần của nàng đã khôi phục như lúc ban đầu, lúc này ông mới từ từ thở phào nhẹ nhõm.
…
Thái độ của Quân hầu đối với nữ nhi Kiều gia chuyển biến quá rõ ràng, hơn một năm nay, Công Tôn Dương hiểu rõ hơn ai hết.
Công Tôn Dương còn nhớ lúc mới đầu, Quân hầu còn không chịu cưới nàng, sau khi mình được Từ phu nhân bày mưu đặt kế, khuyên can đủ đường ở bên tai, cuối cùng ngài ấy mới gật đầu.
Sau đêm tân hôn, Quân hầu đưa Kiều Nữ đi ngay, thậm chí còn không muốn tiễn nàng ra khỏi thành. Công Tôn Dương lại phải miệng lưỡi một phen, ngài ấy mới bất đắc dĩ tiễn Kiều Nữ lên đường về Tín Dương.
Những kí ức ngày ấy vẫn chưa phai. Ai mà ngờ chỉ mới hơn một năm, Quân hầu bây giờ lại khiến Công Tôn Dương giật mình.
Đúng là giật mình thật.
Trước đây không lâu Quân hầu mới bị thương, chỉ vẻn vẹn sau đó có ba ngày, người vừa mới chạm chân xuống đất được đã nóng lòng muốn quay về Tấn Dương.
Với tình trạng sức khỏe của ngài ấy khi đó, đương nhiên không thích hợp để bôn ba đường dài. Công Tôn Dương kiên trì khuyên hắn bỏ ý đó đi.
Lần đầu tiên, Quân hầu nghe theo lời ông bảo, thôi không về nữa. Nhưng Công Tôn Dương dễ dàng nhận ra rằng, ngài ấy đồng ý vô cùng miễn cưỡng.
Hơn nữa, mặc dù ngoài miệng chẳng nói ra, nhưng Công Tôn Dương có thể nghe ra được, ngài ấy gấp gáp muốn trở về Tấn Dương, có lẽ là để gặp Nữ quân hiện đã tới nơi này.
Công Tôn Dương làm bộ như không biết.
Lần thứ hai, Quân hầu muốn về lại bị ông khuyên nhủ.
Sang đến lần thứ ba, lúc ông khuyên ngài ấy, Công Tôn Dương có thể cảm nhận được ánh mắt chằm chằm mà Quân hầu nhìn mình, giống như thể đang nói “sao ông cứ lo việc bao đồng khiến người ta thấy ghét”.
Công Tôn Dương đành phải mời Nữ quân tới quân doanh.
Tới bây giờ ông vẫn còn nhớ rõ, sáng sớm ngày hôm sau khi Nữ quân có mặt ở đại doanh, ông vừa ngáp một cái bước ra khỏi lều mình, đi cùng Lý Sùng, Trương Kiệm đến gặp gỡ Quân hầu ở bên ngoài đại trướng. Mọi người đều ngầm hiểu với nhau nhưng lại giả vờ như chẳng có chuyện gì.
Cuối cùng ba người không hẹn mà cùng cười ha hả, âm thầm che giấu.
Ông cũng tự trách bản thân cân nhắc không chu toàn. Cứ nghĩ để Quân hầu an tâm ở lại dưỡng thương nên mới mời Nữ quân tới gặp. Ai ngờ ông lại quên mất tinh lực dồi dào của Quân hầu, sao có thể chịu nổi “tiểu biệt thắng tân hôn”?
Xuất phát từ mục đích cấm rình mò nghe trộm, lúc đóng trại, xung quanh lều chủ soái ít nhất phải để trống mười trượng vuông đất trống.
Đêm hôm đó, lều cách Quân hầu gần nhất là của mình, Lý Sùng và Trương Kiệm.
Mặc dù đã xa đến mười trượng, nhưng trời tối người yên, Công Tôn Dương vẫn nghe được vô số tạp âm phát ra từ trướng của Quân hầu.
Lúc đầu ông còn tưởng sẽ nhanh chóng qua đi. Cố mắt điếc tai ngơ. Không ngờ cứ gián đoạn một lúc, làm ông tưởng mọi chuyện đã xong rồi, yên tâm chìm mình vào giấc ngủ, đúng lúc đó mấy tạp âm khó nói từ trướng Quân hầu lại rơi vào tai ông, mình đã tuổi cao còn phập phồng thấp thỏm, không sao ngủ được.
Không biết tối hôm đó Lý Sùng Trương Kiệm có ngủ không, còn ông thì phải ngồi dậy chong đèn, đọc mười bốn quyển binh thư Quỷ Cốc Tử.
Tới khi lật sang quyển thứ bảy, bên tai mới hoàn toàn yên tĩnh.
…
Công Tôn Dương phò tá Ngụy Thiệu đã nhiều năm. Vốn cứ nghĩ mình đã hiểu hết tính Quân hầu.
Ngài là một người táo bạo, dễ tức giận, cũng không quá nhân từ nhưng khi biết sai thì sẽ sửa. Ngài ấy càng lớn lên, khả năng kiềm chế càng trở nên kiên định, tính tình cũng thâm trầm hơn hẳn.
Quân doanh là nơi nghiêm chỉnh với vô số quy củ, nếu dám quấy phá ngông cuồng thì sẽ bị trách phạt nặng nề.
Nhưng những quy định này chỉ nhằm vào hạ sĩ và quan quân hạ cấp. Những người có quân hàm càng cao thì sẽ được hưởng nhiều đặc quyền.
Huống chi là Quân hầu trên ngôi vị chủ soái?
Nếu hắn muốn thì hằng đêm sênh ca trong lều lớn cũng chẳng ai nói gì.
Nhưng Quân hầu luôn lấy mình làm gương, đặc biệt là quy định “cấm nữ” trong doanh trại, ngài ấy chưa bao giờ vi phạm.
Công Tôn Dương còn nhớ, ba năm trước trong một lần xuất chinh, Ngụy Thiệu nghe tin có quan quân lén giấu nữ nhi bên trong xe quân nhu, ngài ấy sai người tìm bằng được cô ta, giết chết ngay tại chỗ, quan quân liên quan cũng bị phạt quất roi, sau đó còn giáng cấp.
Từ đó về sau không ai còn dám tái phạm nữa.
Một Quân hầu như vậy lại có thể ầm ĩ trong đại doanh như thế, đương nhiên không phải là cố ý.
Nhưng chính là vì vô ý, thậm chí là khó kiềm chế nổi, điều đó càng bộc lộ rõ điểm đặc biệt của Nữ quân bây giờ với Quân hầu.
Cho nên khi Công Tôn Dương mới nghe chuyện Trần Thụy xông vào nha môn lúc nửa đêm, da đầu của ông tê dại là vì thế.
Nếu nhỡ Nữ quân có xảy ra chuyện gì, Công Tôn Dương khó mà tưởng tượng nổi Quân hầu sẽ phản ứng ra sao.
May mà hữu kinh vô hiểm.
Công Tôn Dương yên lòng. Thấy Giả Tư nói xong thì nhìn mình chằm chặp, ông cười đáp: “Giả tướng quân yên tâm, nếu Nữ quân đã không trách cậu, bên chỗ Quân hầu sẽ yên ổn cả thôi”.
…
Ngày kế tiếp, Công Tôn Dương kết thúc hành trình ở Hoàng Trung lần này, ông được Nguyên Vượng tự mình tiễn đi.
Nửa tháng sau, Ngụy Thiệu và Phùng Chiêu chạm trán ở Cách Âm, Thượng Quận.
Trong quân của Phùng Chiêu có mấy vạn binh lính tộc Khương, họ không muốn bị Phùng Chiêu điều động tác chiến như vậy nữa.
Phùng Chiêu tức giận, giết chết một nhóm người thủ lĩnh.
Binh lính tộc Khương không hề có địa vị trong quân của Phùng Chiêu, hơi một tí là cắt xén quân lương, khi tác chiến thì bị bắt đi đầu. Ngày thường cũng không được nhàn rỗi, lúc sửa đường, khi xây phòng, lúc khai mỏ, khi làm muối, không có chỗ nào không cần họ, gian nan càng chồng chất gian nan, vậy nên trong lòng càng bất mãn. Đêm trước cuộc đại chiến lần này, trong nhóm binh sĩ tộc Khương bắt đầu truyền tai nhau, sau khi Nguyên Vượng quy phục dưới trướng của Ngụy Thiệu, các bộ tộc khác ở Hoàng Thủy cũng lần lượt noi theo. Ngụy Thiệu và người Khương còn đưa ra bản hiến pháp tạm thời. Không chỉ như thế, quân Ngụy chỉ nhận những binh sĩ tộc Khương tự nguyện đi lính, một khi nhập ngũ, đãi ngộ không thua gì người Hán, tin tức càng lan truyền nhanh hơn.
Những binh sĩ tộc Khương này đều là dũng sĩ tài nghệ và hiếu chiến, vốn họ đã bất mãn lung lay, sao có thể hoảng sợ vì chuyện Phùng Chiêu giết mấy người kia được, không những thế đây còn là giọt nước tràn ly. Đến đêm trước chiến tranh, mọi người cùng bàn bạc, lúc khai chiến, những binh sĩ người Khương tiên phong đều cùng nhau nổi loạn, phản chiến giết Phùng Chiêu. Quân Phùng Chiêu đại loạn, mặc dù đã ra sức chống lại nhưng sao có thể cản nổi đòn công kích trên quy mô lớn của quân đội Ngụy Thiệu. Đội quân tan rã.
Phùng Chiêu đại bại, dẫn theo mấy trăm tàn binh xuôi nam chạy trốn tới Hoằng Nông, ổn định trận tuyến. Sau đó hắn đành bất đắc dĩ phái người đi Lạc Dương, nhận tội với Hạnh Tốn, chờ đợi thời cơ sau.
…
Sau đại thắng trong cuộc chiến Cách Âm, Ngụy Thiệu bận rộn suốt hai ngày mới bàn giao được công việc hậu chiến, hắn định sẽ về Tấn Dương trước một chuyến.
Trong ngày Công Tôn Dương trở về từ Hoàng Thủy, ông kể lại chuyện Nữ quân đã cứu tôn nhi của Nguyên Vượng, giúp mình thuận lợi hoàn thành chuyện liên minh cho Ngụy Thiệu.
Còn chuyện xảy ra ở nha môn đêm đó mà ông nghe được từ Giả Tư, Công Tôn Dương lại không đề cập tới.
Cho tới lúc này đây, sau khi quan sát sắc mặt hắn, ông mới chậm rãi nói thêm.
Nhìn sắc mặt Ngụy Thiệu bỗng trở nên cứng ngắc, ánh mắt lóe lên vẻ dữ tợn, ông vội nói: “Quân hầu yên tâm, theo Giả tướng quân nói, Nữ quân bình an…”
“Quân sư! Sao lúc đó ông không nói với ta?”
Ngụy Thiệu ngắt lời ông, giọng nói cũng cứng nhắc giống như sắc mặt của hắn lúc bấy giờ.
Công Tôn Dương hốt hoảng giải thích: “Quân hầu đừng giận. Lúc đó đại chiến sắp tới, ta chỉ lo Quân hầu phân tâm…”
Ngụy Thiệu đang ngồi ở sau bàn, không đợi ông nói hết đã bực mình đứng dậy, không để ý tới Công Tôn Dương đang gọi mình phía sau, hắn nhanh chân đi thẳng.