Huyện Võ An thuộc vùng sông nước Giang Nam.
Mưa thu kéo dài liên tục ba bốn ngày, hôm nay rốt cuộc trời trong, sáng sớm đã thấy sắc trời xanh mênh mang thăm thẳm, nhất định là một ngày nắng gắt.
Mưa thu làm không khí thêm lạnh, đã đến lúc cất chăn mỏng mùa hạ vào rương. Nương tử của tú tài, Kim thị, vừa rời giường liền đem vỏ chăn của bà và trượng phu lột ra, vừa lột vừa càm ràm hôm nay phải đem vỏ chăn và đống quần áo dơ ra bờ sông giặt.
Chu Sưởng đang đứng thắt đai lưng, nghe vậy liếc nhìn thê tử, sắc mặt đầy vẻ nghiêm khắc hỏi bà: “Tối qua nàng cứ nhắc mãi rằng hôm nay muốn đi chợ ở thành nam, nàng đi rồi thì ai giặt vỏ chăn và áo quần?”
Kim thị mím môi, giật mạnh vỏ chăn, trừng mắt Chu Sưởng: “Đương nhiên ta để Song Song và A Kiều giặt, chuyện này chẳng đáng để chàng lo, chẳng lẽ ta bắt cháu gái cưng của chàng giặt một mình?”
Chu Sưởng trừng lại: “Tốt nhất nàng nên làm vậy, nếu ta biết nàng dẫn Song Song đi chung, mọi việc dơ bẩn đều ném cho A Kiều, về sau đừng có mơ tưởng ta đưa tiền dạy học cho nàng.”
Kim thị cắn môi, không dám tiếp tục tranh luận với trượng phu.
Bà ở trong phòng, Chu Sưởng đi ra ngoài trước.
Cuộc sống của Chu gia không được coi là giàu có. Mới đầu nhà chỉ có ba gian phòng ở phía bắc, sau khi Chu Sưởng thi đậu tú tài có công danh, rồi đi phụ dạy học kiếm tiền, kinh tế trong nhà mới đỡ chút, che thêm sương phòng phía đông và phía tây. Sương phòng phía đông để cho nữ nhi Chu Song Song ở, sương phòng phía tây để cho nhi tử Chu Thời Dụ.
Sau khi A Kiều ra khỏi Hoa Nguyệt Lâu thì ở chung với Chu Song Song trong sương phòng phía đông.
Chu Sưởng mở cửa nhà chính, thấy cháu gái A Kiều đang cầm chổi quét sân. Nàng mặc cái váy xanh đã cũ, hơi khom lưng, cúi đầu nhẹ quét lá rụng, tóc dài đen nhánh như mây buông xuống vai, lộ ra nửa gương mặt nhỏ trắng trẻo, mắt đẹp môi đỏ tựa như hoa tường vi nở rộ trên đầu tường vào hè, kiều diễm làm chói mắt người khác.
Nghe tiếng cửa mở, A Kiều ngẩng đầu, thấy Chu Sưởng, nàng cười tươi, cất giọng mềm mại: “Cậu dậy rồi ạ”
Vừa nãy đối với thê tử mặt lạnh, tiên sinh tư thục Chu Sưởng lúc này cười như gió xuân, ánh mắt hiền hòa nhìn cháu gái: “Kiều Kiều sao dậy sớm vậy, việc nặng nhọc cứ để cho Mợ làm, không cần con động tay.”
A Kiều vừa quét vừa nói: “Mợ chăm sóc nhà cửa rất mệt, con cũng rảnh, con làm không sao.”
Chu Sưởng biết cháu gái siêng năng và hiểu chuyện, khuyên cũng vô dụng, ông bước ra ngoài đi nhà xí.
Kim thị ở trong phòng nghe đoạn đối thoại của hai cậu cháu, bà không tin A Kiều muốn giúp đỡ bà, chỉ cố ý khoe mẽ lấy lòng trượng phu.
Nghĩ đến sự áy náy và chăm sóc của trượng phu đối với A Kiều, Kim thị bực dọc trong lòng.
Bà dừng tay, nhớ lại câu chuyện cũ.
Năm năm trước, trượng phu Chu Sưởng đi phủ thành tham gia thi viện không biết đến lần thứ mấy, bà ở nhà một mình, cực khổ chăm sóc hai đứa con và A Kiều, đứa cháu gái khắc chết cha mẹ ở nhờ trong nhà. Không may, nhi tử Chu Thời Dụ đột nhiên bị bệnh nặng, phải cần ít nhất mười lượng bạc mới chữa khỏi.
Chút tiền trong nhà đều đưa hết cho trượng phu đem đi, Kim thị không thể trơ mắt nhìn nhi tử chịu chết, bà đi tìm hàng xóm thân thích vay tiền. Mọi người chê bà nghèo, cho rằng trượng phu không đậu nổi tú tài, sợ mượn tiền không trả nổi nên không giúp. Kim thị cầu xin những người mà bà có thể cầu, năn nỉ gãy lưỡi cũng chỉ được vài chục tiền đồng.
Trong lúc tuyệt vọng, Kim thị đánh ý lên người A Kiều.
Lúc ấy A Kiều mới mười một tuổi. Tiểu nha đầu vừa trắng vừa xinh, tìm khắp vùng lân cận cũng không có khuê nữ nào đẹp hơn A Kiều. Chữa bệnh cho nhi tử là chuyện quan trọng nhất, Kim thị cắn răng, lừa A Kiều đi đến Hoa Nguyệt Lâu. Tú bà Hoa Nguyệt Lâu nhìn thấy A Kiều thì vô cùng vừa lòng, đưa cho bà mười lượng bạc.
Kim thị không quên được ngày ấy, trời mưa tầm tã, A Kiều phát hiện mình bị bán, nàng khóc thảm thương, quỳ gối trước mặt bà, ôm chân cầu xin đừng bán nàng. Kim thị lần đầu làm người xấu, nghe A Kiều khóc rất khó chịu, càng khó chịu càng muốn trốn, vì thế bà kéo tay A Kiều ra, đâm đầu vào màn mưa bỏ lại cây dù nơi đó.
Tiếng mưa rơi ào ạt, át tiếng khóc của A Kiều.
Kim thị dùng mười lượng bạc chữa hết bệnh cho nhi tử. A Kiều cũng trở thành người của Hoa Nguyệt Lâu.
Không lâu sau, trượng phu thi xong trở về, biết A Kiều bị bán đi đã tát bà một bạt tai, túm cổ áo bà đi đến Hoa Nguyệt Lâu đòi người.
Hai vợ chồng không gặp được A Kiều, tú bà Hoa Nguyệt Lâu kêu đám hộ viện ngăn bọn họ phía trước, nở nụ cười giả tạo nói với bọn họ: “A Kiều vào Hoa Nguyệt Lâu thì trở thành cô nương của Hoa Nguyệt Lâu chúng ta, các ngươi không có khả năng cướp người, nhưng muốn chuộc ra thì được, chỉ cần một ngàn lượng tiền chuộc, các ngươi có không?”
Chu gia nào có nhiều tiền như vậy?
Muốn mượn cũng chẳng có chỗ mượn.
Báo quan cũng vô dụng, có chứng từ giấy trắng mực đen, đừng nói Chu Sưởng đã đậu tú tài, cho dù đậu cử nhân cũng không có kế sách gì.
Bởi vì chuyện này, Chu Sưởng lơ là Kim thị nửa năm, mãi đến khi cha của Kim thị qua đời, Kim thị khóc to một chặp, Chu Sưởng mới hòa với Kim thị.
Kim thị cho rằng chuyện này đã qua, trượng phu sẽ không vì chuyện của A Kiều mà xung đột với bà, nhưng sự đời khó đoán, năm ngoái tú bà Hoa Nguyệt Lâu dính vào một vụ kiện lớn nên bị bắt, Hoa Nguyệt Lâu bị quan phủ niêm phong. Trải qua một thời gian, tú bà và đồng bọn đều rơi đầu, những kỹ nữ không liên quan thì được thả ra, quan phủ sắp xếp ai về nhà nấy.
Trong đó có A Kiều.
Nhiều năm không gặp, A Kiều năm xưa nhỏ nhỏ gầy gầy có khuôn mặt nhỏ như quả trứng đã hoàn toàn thay da đổi thịt.
Nghe nói tất cả kỹ nữ ở Hoa Nguyệt Lâu đều được dạy dỗ theo khuôn mẫu của tiểu thư khuê các. Tú bà mời lão ma ma từng hầu hạ trong cung tới dạy các cô nương Hoa Nguyệt Lâu lễ nghi quy củ, đọc sách viết chữ, đánh đàn hát khúc, các cô nương mỗi người đều được chăm sóc kỹ lưỡng, được nuôi dưỡng toàn thân thơm tho mịn màng rồi đi tiếp khách.
Khi Kim thị gặp lại A Kiều lần nữa, nếu không vì trượng phu đang nắm chặt tay A Kiều, hai cậu cháu khóc đến vành mắt đỏ bừng, Kim thị còn tưởng rằng trượng phu đến đón thiên kim nào đó trở về, dáng vẻ và khí chất kia hoàn toàn lấn át nữ nhi ruột của bà, nữ nhi của bà cứ như là nha hoàn bưng trà rót nước.
Kim thị thấy A Kiều xinh đẹp như vậy, khẳng định đã tiếp khách rồi, chẳng sạch sẽ gì.
Bà uyển chuyển thăm dò A Kiều mới biết được A Kiều có số hên. Cô nương Hoa Nguyệt Lâu sẽ bắt đầu tiếp khách vào ngày đến tuổi cập kê. Tú bà biết ngày sinh nhật A Kiều, định sẵn mùng 6 tháng 8 sẽ để A Kiều mở hàng. Kết quả, vào ngày mùng 1 tháng 8, Triệu bộ đầu ở sát vách dẫn theo một nhóm bộ khoái bao vây Hoa Nguyệt Lâu, bắt toàn bộ mọi người bên trong.
Nói cách khác, A Kiều ở Hoa Nguyệt Lâu ăn uống và học nghề miễn phí bao nhiêu năm, lại được khôi phục thân phận lương dân.
Chu Sưởng biết cháu gái vẫn là khuê nữ hoàn bích, ông quỳ gối trước bài vị của tổ tiên Chu gia và cảm ơn tổ tiên phù hộ, chính miệng hứa với A Kiều, ông sẽ tìm nhà chồng tốt cho nàng.
Kim thị nghĩ, A Kiều từng ở nơi kia, muốn gả cho gia đình có thể diện thì không có khả năng, nhưng A Kiều xinh đẹp, gả cho nam nhân nghèo thì không thành vấn đề.
Ngay lúc này, A Kiều cúi đầu, nói ra một chuyện quan trọng.
Khi tú bà sắp xếp cho A Kiều chuẩn bị tiếp khách đã sai người bưng một chén canh tuyệt tử cho nàng, A Kiều đã bị thủ đoạn huấn luyện của thanh lâu dọa sợ nên không dám chống lại, nàng nghe lời uống cạn chén, sau đó đau bụng vài ngày, chắc là khả năng mang thai đã được gột rửa sạch sẽ.
Nam nhân cưới vợ vì muốn có con nối dõi, một nữ nhân không thể sinh con lại xinh đẹp thì ai cần?
Nữ nhân từ lầu xanh đi ra, dù còn trong sạch cũng chưa chắc có người tin, đã vậy còn tuyệt tử, điều kiện này đúng là dậu đổ bìm leo(*).
Kim thị nhờ bà mối hỗ trợ nói tốt một chút, không người đứng đắn nào có ý định cưới A Kiều làm vợ.
Thật ra có vài vị lão gia muốn nạp A Kiều làm thiếp, chẳng qua là mê sắc đẹp của A Kiều, Chu Sưởng đi hỏi thăm một vòng, nghe nói mấy lão gia đó đã có vài phòng tiểu thiếp, cả ngày đấu qua đấu lại, Chu Sưởng tức khắc không chấp nhận, người ta đưa bao nhiêu sính lễ thì ông cũng không đồng ý, nói rằng đã có lỗi với cháu gái một lần, nhất định phải chọn trượng phu đáng tin cho cháu.
Kim thị không muốn nuôi một người ăn không ngồi rồi trong nhà, đặc biệt là bà đã có lỗi với A Kiều. Mỗi lần nhìn thấy A Kiều, Kim thị đều cảm thấy A Kiều nghe lời bề ngoài nhưng chắc bên trong ngấm ngầm muốn trả thù bà.
Xuất phát từ nhiều lý do, Kim thị muốn gả A Kiều nhanh một chút, làm thê thiếp gì cũng được bà chẳng quan tâm.
Trượng phu cố chấp, Kim thị có ý đồ thuyết phục A Kiều chủ động đồng ý làm thiếp cho mấy lão gia có tiền.
Không ngờ, A Kiều ngày thường giả vờ vô cùng thành thật, đến thời điểm quan trọng lại không theo lời bà, nắm chặt tay thưa rằng mọi việc do Cậu quyết định.
Kim thị suýt bị tức chết.
Ngọt ngào khuyên bảo không được, Kim thị muốn hành hạ A Kiều, hành hạ tàn nhẫn sẽ khiến A Kiều không chịu nổi, mau chóng chọn nam nhân nào đó để rời khỏi người Mợ khắc nghiệt này. Nhưng Kim thị mới sai A Kiều nấu một bữa cơm đã bị Chu Sưởng mắng một trận, không cho bà sai A Kiều làm việc nặng, chuyện gì bà không phân công nữ nhi làm thì không được sai A Kiều.
Kim thị đã la đã khóc, đã thì thầm bên gối, nhưng chẳng lung lay nổi Chu Sưởng. Tên khốn Chu Sưởng này, hắn tốt với cháu gái còn hơn mẹ ruột!
Từ năm ngoái đến nay, Kim thị nhịn A Kiều một năm!
Hiện giờ A Kiều đã mười sáu, vẫn không có người hỏi thăm, tuổi càng lớn gả đi càng khó, chẳng lẽ muốn sống ở Chu gia cả đời?
Chu Sưởng nguyện ý chăm sóc cháu gái cả đời nhưng Kim thị không muốn.
Lột vỏ chăn xong, Kim thị bực dọc đi nấu bữa sáng. Tối hôm qua đã gói hoành thánh nhân thịt, bắc nước sôi nấu một chút là chín.
Trong nhà năm miệng ăn, Kim thị múc cho Chu Sưởng và nhi tử Chu Thời Dụ mỗi người một tô đầy, bà và nữ nhi Chu Song Song, với A Kiều là chén nhỏ, mỗi người tám viên hoành thánh, rất công bằng để Chu Sưởng khỏi thắc mắc.
Khi Chu Sưởng ngồi xuống, ông lặng lẽ nhìn lướt qua ba cái chén nhỏ, thấy thê tử không khắc nghiệt với cháu gái, ông mới bắt đầu dùng bữa.
A Kiều ngồi gần biểu muội Chu Song Song, nàng bưng chén lên, yên lặng từ tốn ăn.
Biểu ca Chu Thời Dụ lén nhìn nàng vài lần.
A Kiều cảm nhận được nhưng vờ như không biết.
Kim thị bỗng lên tiếng phân công hai cô nương: “Chút nữa ta đi chợ, nhân lúc thời tiết tốt, cơm nước xong A Kiều và Song Song đi ra bờ sông giặt vỏ chăn và quần áo. Ta đã phân chia đồ trong viện, mỗi người một thùng, vỏ chăn phơi khô phải lấy vào, hai đứa đừng lười biếng, phải giặt cho sạch.”
A Kiều đặt chén xuống và gật đầu.
Chu Song Song bĩu môi, biết phụ thân tú tài không thích nàng lắm miệng nên không dám than vãn.
Ăn sáng xong, Kim thị nói nhỏ với Chu Song Song vài lời, sau đó lớn tiếng kêu hai cô nương đi sớm một chút, đi trễ ra bờ sông sẽ bị người khác chiếm hết vị trí tốt.
Lúc bà đang nói chuyện, Chu Song Song đã đi ra sân.
Khi A Kiều ra tới nơi thì thấy dưới mái hiên có hai thùng gỗ cao đến đầu gối, lượng đồ nhét bên trong cũng tương đối bằng nhau, nhưng Chu Song Song chọn thùng có vỏ chăn sạch sẽ, rõ ràng là đồ của nàng và Chu Song Song dùng, thùng còn lại có vỏ chăn thâm đen, dấu vết dơ bẩn rất đậm, đó là đồ của Cậu Mợ và biểu ca Chu Thời Dụ.
A Kiều nhìn biểu muội.
Chu Song Song tỏ vẻ đắc ý.
A Kiều xách thùng gỗ lên như không có gì lạ.
Chu Song Song đi phía trước, A Kiều theo sau, bước ra khỏi cửa của Chu gia, A Kiều xoay người khóa cửa, vừa ngẩng đầu thì thấy một bóng dáng đi ra khỏi Triệu gia sát vách.
Đó là Triệu quan gia, Triệu Yến Bình.
******
(*) Dậu đổ bìm leo: thấy người khác lâm vào hoàn cảnh khó khăn lại lợi dụng để hại người ta