Sáng sớm ngày 29 tháng 6, Triệu Yến Bình dâng lên hai sổ con xin phong cáo mệnh cho thê tử và mẫu thân do hắn viết.
Loại sổ con thỉnh phong này sẽ đưa đến Thái Thường Tự trước. Sau khi quan viên của Thái Thường Tự kiểm tra, thấy rằng có thể được phê duyệt sẽ đưa cho Hoàng Thượng. Nếu không được Thái Thường Tự xét duyệt, trừ khi có người qua mặt Thái Thường Tự để khiếu nại với hoàng thượng, nếu không loại sổ con này không bao giờ được đưa đến trước mặt hoàng thượng.
Thái Thường Tự sẽ bắt đầu xét duyệt vào đầu mỗi tháng. Khi nào xét duyệt kết thúc, khi nào Hoàng Thượng phê duyệt thì không có ngày chính xác, cần phải chờ đợi.
Triệu Yến Bình tin tưởng A Kiều và sổ con của mình. Nhận bổng lộc của tháng này vào lúc hoàng hôn, cộng thêm các khoản trợ cấp thì được khoảng mười lượng bạc, hắn quay về ngõ Sư Tử với vẻ mặt bình thản.
Đây là lần đầu tiên Triệu Yến Bình nhận bổng lộc sau khi thăng quan. Hắn chưa nói với mẫu thân, nhưng Liễu thị đã chuẩn bị trước, ngay lúc nhi tử đưa bổng lộc, Liễu thị lấy túi bạc ra, bảo nhi tử giao cho A Kiều quản lý.
Thật ra Liễu thị hiểu rõ, tiệm thêu của con dâu kinh doanh rất tốt, chưa chắc cần chút bổng lộc của nhi tử, mười lượng bạc nghe có vẻ rất nhiều, nhưng mỗi tháng khấu trừ đủ loại tiêu dùng và tiền thuê nhà thì còn dư không nhiều lắm. Nhưng ý nghĩa để con dâu quản gia thì khác, ai quản lý thì người đó mới là nữ chủ nhân chính thức của tòa nhà này.
Liễu thị tái hôn lúc trẻ, không chăm sóc được gì cho nhi tử. Bây giờ nhi tử làm quan, ngoài việc lo cơm ăn áo mặc cho nhi tử, bà không biết gì về quan trường, ngay cả cách ăn mặc thì bà cũng không tỉ mỉ được như A Kiều. A Kiều còn biết dạy dỗ hạ nhân về gia quy, suy xét chu đáo mọi mặt cho nhi tử, một người con dâu tốt như vậy, Liễu thị không muốn A Kiều bị uất ức vì chuyện quản lý gia đình.
Có lẽ A Kiều không quan tâm, nhưng nếu truyền ra ngoài thì sẽ bị người ta bàn luận về nó.
Nếu không phải do bổng lộc của nhi tử trước đây ít ỏi, Liễu thị đã để A Kiều quản gia từ lâu.
Triệu Yến Bình không nhận túi tiền của mẫu thân, hắn hỏi mẫu thân chi phí ước tính trong nhà trước, biết được bổng lộc mười lượng bạc mỗi tháng có thể còn dư lại năm lượng, Triệu Yến Bình mới nói: “Nương, số bạc này là bạc dưỡng lão của người. Trước đây, bổng lộc của nhi tử thấp nên cần người trợ cấp, hiện giờ nhi tử kiếm đủ, không lý nào lại tiếp tục lấy của người. Nương cất đi, sau này ta, A Kiều và nương mỗi tháng lấy một lượng từ quỹ chung để tiêu vặt, còn lại thì để dành. Chiêu nhi còn nhỏ, bây giờ cho tiền tiêu vặt thì nó cũng không biết xài, đợi lúc nó chính thức đi học thì bắt đầu cho nó tiền tiêu vặt.”
Liễu thị nghĩ thầm, nhi tử có hiếu, nếu bà không nhận thì nhi tử sẽ băn khoăn nên bà gật đầu.
Hai mẹ con không nhắc lại chuyện này trong bữa cơm chiều. Đến tối, Triệu Yến Bình đề cập đến chuyện này với A Kiều một mình.
“Bổng lộc của ta thấp, nàng đừng chê ít.”
Đối mặt với tiểu thê tử phú bà, Triệu Yến Bình vẫn có hơi xấu hổ.
A Kiều vốn định khuyên hắn tiếp tục để bà mẫu quản lý, nghe Triệu Yến Bình nói vậy, A Kiều đâu dám lấn tới, lỡ như nam nhân cho rằng nàng chê hắn kiếm ít tiền thì sao?
Về việc Triệu Yến Bình đưa nàng bổng lộc mười lượng mỗi tháng, không lấy tiền dưỡng lão của bà mẫu, A Kiều càng ủng hộ. Nàng rất rõ tình huống của Triệu gia, số bạc của bà mẫu là do Thẩm viên ngoại để lại cho bà trước khi qua đời, bọn họ làm con nên không cần.
“Đám Xuân Trúc do ta đưa đến đây, không cần lấy quỹ chung để trả tiền hàng tháng cho họ.” A Kiều muốn nói đến chuyện này từ lâu, đặc biệt là Mạnh Chiêu, cậu bé chưa thay đổi họ, A Kiều muốn để cậu thừa kế hương khói cho Mạnh gia của nàng nên rất ngại khi Triệu Yến Bình giúp nàng nuôi dưỡng.
“Ý của nàng là, Chiêu nhi không nên kêu ta là cha à?” Triệu Yến Bình nghiêm mặt nhìn nàng.
A Kiều đỏ mặt, cúi đầu nói: “Chàng biết ta không có ý vậy.”
Triệu Yến Bình biết nhưng hắn không thích nghe. Hắn ôm tiểu thê tử đến giường đất để trừng phạt.
Khi hai người hòa vào nhau, Triệu Yến Bình đảm bảo với A Kiều: “Ta còn trẻ, sau này còn thăng quan nữa, trong nhà sẽ không chật vật như vậy mãi, nàng chỉ lo quản gia giúp ta, đừng nghĩ đến gì khác.”
A Kiều chìm đắm trong niềm hạnh phúc vô bờ mà hắn mang lại, đâu có rảnh rỗi để suy nghĩ chuyện gì khác.
Ngày hôm sau là cuối tháng, Triệu Yến Bình được nghỉ.
Trong ba năm qua ở kinh thành, hắn đều bận rộn hoặc gặp phải đủ chuyện, chưa có thể ở bên người nhà. Sáng nay, Triệu Yến Bình bảo Quách Hưng tròng xe ngựa, hắn muốn đưa cả gia đình đến chùa Phổ Hoa ở ngoại thành để dâng hương.
Trong xe ngựa, A Kiều và Liễu thị ngồi trên ghế chính, Triệu Yến Bình ôm tiểu Mạnh Chiêu ngồi bên trái, Thúy Nương ngồi bên phải, xe ngựa nho nhỏ kín chỗ nhưng vô cùng náo nhiệt.
Thời tiết cũng nóng, rèm cửa hai bên được kéo lên, ngoại trừ Triệu Yến Bình còn ổn định, A Kiều, Liễu thị, Thúy Nương và tiểu Mạnh Chiêu đều hào hứng nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ vì hiếm khi được ra ngoài. Giang Nam nhiều sông nhiều núi, vùng đồng bằng xung quanh kinh thành rộng lớn, hai bên đường là đồng ruộng ngay ngắn từng hàng, lúc này các loại bắp, đậu phộng và khoai lang đỏ đã được trồng.
Tới gần chân núi của chùa Phổ Hoa còn có nông dân bán trái cây.
Nhìn thấy dưa hấu tròn xoe, ánh mắt Mạnh Chiêu sáng rực.
Triệu Yến Bình nói: “Đi dâng hương trước, trở về mới mua một trái.”
Mạnh Chiêu nở nụ cười.
A Kiều đã đến chùa Phổ Hoa hai lần với cô mẫu, nàng gặp Mạnh Chiêu trong tình huống như vậy. Nhìn những gã sai vặt của nhà giàu đang giả dạng làm người mua phía trước quầy bán dưa hấu của nông dân, A Kiều giải thích với Triệu Yến Bình: “Những quầy bán dưa này của nông dân là công việc kinh doanh của gia đình giàu có, giá gấp đôi ngoài chợ, nhà chúng ta muốn ăn dưa thì để Quách Hưng ra chợ mua.”
A Kiều đã phát hiện từ lâu, Triệu Yến Bình phá án rất khôn khéo nhưng ít động não trong việc tiêu tiền, mua phấn mặt cho nàng cũng thế, mua dưa cho Mạnh Chiêu cũng thế, còn có hai bao Bích Loa Xuân hắn mua lúc vào kinh năm ấy! Không biết người này đã hoang phí bao nhiêu tiền, may mắn thay hắn giao bổng lộc cho gia đình, không tự mình giữ.
Nàng nhìn Triệu Yến Bình tựa như đang nhìn một người “tiêu tiền như rác”.
Triệu Yến Bình đành phải nói với Mạnh Chiêu: “Vậy đi chợ mua.”
Mạnh Chiêu rất hiểu chuyện, nếu dưa đều như nhau, đương nhiên muốn mua loại rẻ hơn.
Thúy Nương nhìn phu nhân ngày càng to gan, nhìn quan gia sẵn lòng tiêu tiền cho phu nhân, nàng quay đầu lén cười.
Tới chùa Phổ Hoa, bởi vì trời nóng, hôm nay không có nhiều bá tánh tới dâng hương.
Có hai tấm nệm bằng chiếu đặt trước mặt Phật Tổ, A Kiều và Liễu thị cùng bước tới, quỳ xuống bên trái và bên phải.
Liễu thị cầu nguyện con cái bình an, mọi việc suôn sẻ.
Trước đây, A Kiều cầu nguyện cả nhà cô mẫu và bản thân mình bình an, Mạnh Chiêu lớn lên khỏe mạnh. Lần này, nàng chỉ cầu xin một việc.
Sau ba lạy, mẹ chồng và nàng dâu cùng thắp hương.
“Thúy Nương cũng cúng nha?” A Kiều mỉm cười động viên Thúy Nương, Triệu Yến Bình đã nói không cúng nên nàng không đề cập.
Thắp hương phải cúng tiền nhan đèn, Thúy Nương cầm tiền, kiên quyết không để A Kiều trả, nàng tự mình mua hương, sau đó quỳ trước Phật Tổ, thành tâm cầu nguyện. Cầu xin Phật Tổ phù hộ con đường làm quan của quan gia được thông suốt, phù hộ tiệm thêu của phu nhân buôn may bán đắt và có được hài tử, phù hộ mẹ con của Hương Vân cô nương ở vương phủ bình an, phù hộ Thẩm Anh cô nương thuận lợi sinh được tiểu tử mũm mĩm, phù hộ thiếu gia ngày càng khỏe mạnh và thông minh, phù hộ ca ca cưới Thu Nguyệt tỷ tỷ sớm một chút, phù hộ tay nghề nấu nướng của nàng ngày càng giỏi để cả nhà quan gia không bao giờ ngán.
Thúy Nương cầu nguyện rất lâu, khách hành hương xếp hàng phía sau đều không vui.
Khi cả nhà xuống núi, A Kiều không nhịn được nên hỏi Thúy Nương: “Em cầu nguyện điều gì?”
Thúy Nương lắc đầu, trả lời đầy lý lẽ: “Nói ra sẽ không linh.”
Liễu thị trêu nàng: “Cầu xin Phật Tổ cho ngươi một lang quân như ý phải không?”
Thúy Nương lập tức phủ nhận: “Không có! Ta không cần gả chồng, ta muốn nấu ăn cho quan gia và phu nhân suốt đời.”
Năm đó trước khi phu nhân vào kinh đã tặng nàng năm lượng bạc làm của hồi môn, cha mẹ ruột của người bình thường chỉ muốn đổi nữ nhi để lấy sính lễ, phu nhân tốt với nàng như vậy, Thúy Nương lưu luyến không muốn rời phu nhân. Gả cho người ta, chẳng may nam nhân đó ham ăn và làm biếng, cha mẹ chồng còn khắt khe, chẳng khác nào nàng tự tìm phiền phức?
“Ta không gả, không gả cho ai hết!” Thúy Nương nhấn mạnh.
A Kiều nhắc nàng nói nhỏ chút, truyền ra ngoài sẽ bị người ta chọc.
Trở về ngõ Sư Tử đã gần trưa, Thúy Nương nấu cơm, A Kiều bảo Quách Hưng ra chợ mua dưa.
Quách Hưng hỏi: “Phu nhân, chúng ta mua dưa lớn cỡ nào?”
A Kiều đang có tâm trạng vui vẻ, nàng bảo hắn mua trái to, chủ tớ cả nhà đều ăn.
Mua dưa về, ngâm vào nước lạnh cả buổi trưa, đến chạng vạng khi cơm nước xong mới cắt dưa hấu, vừa ngọt vừa giòn, cả nhà ăn vui vẻ.
Trời tối, A Kiều muốn đến tây phòng tắm rửa, Triệu Yến Bình đi theo.
Đông Trúc vừa thấy tình hình này, lập tức đứng ngoài cổng viện, tuy vậy vẫn nghe thấy tiếng nước đứt quãng. Khi quan gia ôm phu nhân vào đông phòng, Đông Trúc đỏ mặt đi đến tây phòng dọn dẹp, chỉ thấy dưới đất vô cùng lộn xộn, quần áo của phu nhân vứt khắp nơi, trong thùng chỉ còn một lớp nước rất nông, một cái túi nhỏ thêu hình uyên ương màu lục chìm dưới đáy thùng, đủ để thấy tình hình thế nào.
Trong đông phòng, A Kiều và Triệu Yến Bình đã nằm trên chiếu.
Ban đêm thật yên tĩnh, nghe rõ tiếng bước chân của Đông Trúc ra vào để dọn dẹp.
A Kiều nhéo Triệu Yến Bình: “Sau này đừng làm vậy, chàng cho rằng Đông Trúc không biết chúng ta đã làm gì sao?”
Triệu Yến Bình đè tay nàng, liếc nhìn nàng: “Chúng ta ngủ chung phòng, ai cũng biết chúng ta sẽ làm gì.”
A Kiều trừng hắn: “Ở trên giường rất bình thường, sao lúc tắm rửa thì làm bậy?”
Triệu Yến Bình đột nhiên nghĩ tới lúc hai người mới ở bên nhau, lão thái thái cũng mua một thùng tắm thật to cho bọn họ, đáng tiếc khi đó hắn muốn kiềm chế nên chưa dùng.
A Kiều không biết hắn nhìn nóc nhà suy nghĩ điều gì, nàng ngẫm nghĩ, A Kiều chống tay ngồi dậy, vừa phe phẩy quạt vừa nói nhỏ: “À, hôm nay chúng ta ra ngoài, ta thấy những hoa màu được trồng dày đặc, đột nhiên cũng muốn mua chút ruộng, không nói những chuyện khác, chúng ta có thể tiết kiệm rất nhiều bạc mua thức ăn cho cả gia đình, phần còn thừa có thể bán kiếm tiền, có lời nhiều so với việc chúng ta tự đi mua gạo thóc.”
Suy nghĩ của Triệu Yến Bình bị kéo khỏi thùng tắm lớn, hai tay đặt sau đầu: “Kinh thành rất đắt đỏ, ruộng tốt màu mỡ có giá bảy lượng một mẫu.”
Năm ngoái mẫu thân cũng có ý định mua đất, nhưng với đủ loại chi tiêu trong nhà nên không dám đem số bạc dành dụm được đổ vào đồng ruộng.
A Kiều tính toán rồi nói vào tai hắn đầy đắc ý: “Không tính số bạc mà cô mẫu cho ta làm của hồi môn, số tiền ta kiếm được sau ba năm mở cửa hàng cũng đủ mua hai mươi mẫu ruộng tốt.”
Triệu Yến Bình biết nàng có tiền, hôm nay mới biết được nàng có nhiều đến vậy, hai mươi mẫu ruộng tốt là 140 lượng bạc…
“Mua cũng được, nhưng phải viết tên nàng là chủ.” Triệu Yến Bình nhìn nàng nói.
A Kiều đoán rằng hắn sẽ nói vậy.
A Kiều cũng không định viết tên Triệu Yến Bình. Hai người không có hài tử ruột, Triệu Yến Bình lại có hai đường huynh đệ và cháu trai, nếu nàng viết tên Triệu gia, đến khi hai người già cả, lỡ như Triệu Yến Bình qua đời trước, nhị phòng tới lợi dụng thì phải làm sao? Triệu nhị thúc và Triệu nhị thẩm còn dám bán chất nữ, A Kiều không dám có suy nghĩ tốt về con cháu mà hai vợ chồng họ nuôi dưỡng.
Nếu Triệu Yến Bình không giành, A Kiều cũng không cần giả vờ thuyết phục, tiếp tục phe phẩy quạt và nói: “Trước tiên hãy mua hai mươi mẫu đất, chọn một trang đầu đáng tin, tốt nhất là người còn trẻ, trung thực, cần cù và trầm ổn. Chúng ta quan sát hai năm, nếu con người đáng tin thì chúng ta tác hợp hắn cho Thúy Nương, đẹp cả đôi đàng.”
Triệu Yến Bình bật cười: “Nàng tính chuyện lâu dài.”
A Kiều nói: “Đương nhiên, Thúy Nương coi như là đại cô nương mà ta chứng kiến sự trưởng thành, ta không tính toán cho nàng thì tính cho ai.”
Triệu Yến Bình ừ một tiếng: “Quách Hưng cũng không nhỏ.”
A Kiều phe phẩy quạt chậm lại, lo lắng: “Ta nhớ rõ, hình như Quách Hưng để ý Thu Nguyệt, nhưng không biết Thu Nguyệt nghĩ thế nào. Cũng có thể là ta hiểu nhầm.”
Nữ tử vào lầu xanh nếu không có cơ hội đặc biệt nào thì sẽ bị bắt uống canh tuyệt tử. Trước đây Thu Nguyệt từng làm ngựa gầy, không biết có giống nhau không. Thu Nguyệt xinh đẹp, nhưng Quách Hưng có chấp nhận rằng Thu Nguyệt không thể sinh hài tử? Hơn nữa, Thu Nguyệt lớn hơn Quách Hưng 4 tuổi.
Triệu Yến Bình bảo nàng thăm dò Quách Hưng và Thu Nguyệt.
Tìm việc cho nàng làm, nàng sẽ không nôn nóng cáo mệnh có được phê duyệt hay không.
Trang đầu: người quản lý các trang trại do giai cấp địa chủ lập ra trong xã hội phong kiến Trung Quốc (theo Baidu)