Phu thê Thẩm Văn Bưu khiến cha ruột tức chết, theo luật nên phạt, không vượt qua được âu cũng là số mạng, không thể trách người khác.
Ba nhi tử của Thẩm Văn Bưu đều cho rằng tri huyện đại nhân thiên vị Triệu Yến Bình và Thẩm Anh, cố tình để nha dịch đánh chết cha mẹ họ. Bọn họ nghĩ vậy nhưng không muốn tìm Triệu Yến Bình và Thẩm Anh trả thù, nếu bọn họ có bản lĩnh đã không khai ra hành động của cha mẹ khi Tạ Dĩnh thẩm án.
Ba cặp phu thê lo lắng tiểu cô Thẩm Anh chưa nguôi cơn giận, tiếp tục cấu kết với quan phủ để gây phiền phức cho bọn họ. Dân không đấu với quan, đợt này bị răn đe, ba cặp phu thê trẻ chỉ muốn cuộc sống yên lành hưởng thụ tài sản, không dám học cha mẹ đóng kịch, tham lam quá độ, cuối cùng hại tổ phụ và bản thân.
Sáu người đều nhớ rõ mùi vị bị cây gỗ đánh vào người, không dám bước vào nha môn nữa.
Sau vài lần bàn bạc, đại nhi tử của Thẩm Văn Bưu, tức là cháu trai lớn nhất của Thẩm Anh, đại diện cả gia đình đến trước mặt Thẩm Anh tỏ lòng hối hận, đương nhiên cha mẹ làm sai, nhưng Thẩm đại chủ yếu mắng nhiếc Đổng gia ở huyện thành, đặc biệt là vị Đổng đại công tử.
Nếu không phải do Đổng đại công tử bị Thẩm Anh từ chối còn chạy đến Thẩm gia xúi giục thì sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Hôm ấy Đổng đại công tử cố hết sức châm ngòi, không có hắn, Thẩm gia hiện giờ vẫn ổn.
“Tiểu cô, huynh đệ chúng ta không cần cửa hàng son phấn trên trấn, đây là khế nhà, ngài cất đi, ngài nhất định phải làm cửa hàng son phấn phát triển mạnh, đừng để Đổng gia toại nguyện!”
Thẩm đại nói một cách buồn đau và căm phẫn.
Thẩm Anh không cần khế nhà, phụ thân đã qua đời, ngoại trừ họ Thẩm, nàng không còn quan hệ gì với Thẩm gia ở Thẩm Gia Câu.
Sau khi tận mắt chứng kiến phụ thân được an táng, Thẩm Anh cùng huynh trưởng đi một chuyến đến cửa hàng son phấn.
Nàng muốn giữ đạo hiếu, sẽ không kinh doanh bất cứ thứ gì, Thẩm Anh giải tán tất cả mọi người trong cửa hàng. Thẩm Anh luôn tự tay làm bước quan trọng nhất trong việc làm phấn mặt, nàng không sợ tiểu nhị tiết lộ công thức. Trong nhà kho và trên tủ còn có hơn 3000 hộp phấn, Thẩm Anh nhờ người chuyển toàn bộ lên xe ngựa.
Ngay khi Thẩm viên ngoại vừa xảy ra chuyện, A Kiều bảo Quách Hưng và Thu Nguyệt đóng quầy hàng, tạm thời không buôn bán.
Triệu Yến Bình cùng với Liễu thị và Thẩm Anh ở nông thôn tổ chức tang lễ, Triệu lão thái thái thấy trong hầm còn ba bốn trăm hộp phấn, đang buôn bán đắt mà A Kiều lại không làm nên dạy dỗ A Kiều một trận: “Lão gia viên ngoại đã chết, Tiểu Anh và nương của nàng phải giữ đạo hiếu, quan gia thì không cần, ngươi càng không cần, cho dù giữ cũng không trở ngại Quách Hưng ra ngoài chạy vặt, ngươi dẹp quán làm gì?”
A Kiều kiếm được tiền, Triệu lão thái thái cũng được chia lời, đương nhiên bà hy vọng tiếp tục mở cửa buôn bán.
A Kiều không muốn chống đối lão thái thái, cúi đầu nói: “Trước khi quan gia đi có bảo ta ngừng, ta không dám không nghe.”
Thật ra quan gia vội vã rời đi, nào có tâm trạng quan tâm đến chuyện buôn bán của nàng, đó là tính toán riêng của A Kiều.
Bất hạnh của Thẩm gia bắt đầu từ sự xúi giục của Đổng gia. Vì sao Đổng gia phải mua công thức của Thẩm Anh, là vì A Kiều buôn bán ngày càng đắt, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Ngọc Lâu. Nếu A Kiều không buôn bán gì, mọi chuyện sẽ không xảy ra.
A Kiều không biết Thẩm Anh cô nương có giận chó đánh mèo nàng hay không, lương tâm nàng bất an, càng không muốn vào thời điểm Thẩm Anh cô nương chịu tang cha, nàng tiếp tục bán phấn mặt của Thẩm Anh cô nương như thể không có gì xảy ra.
Cho dù Triệu lão thái thái nói thế nào, A Kiều cũng không chịu mở quán.
Cuối cùng cũng đến ngày Thẩm viên ngoại an táng. Buổi tối ấy, Triệu Yến Bình đánh xe chở Liễu thị, Thẩm Anh, Lý quản sự, Bảo Bình và Như Ý trở về.
A Kiều cùng Triệu lão thái thái ra cửa đón tiếp.
Thẩm Anh đội mũ có rèm, không để ý đến Triệu lão thái thái, trước tiên dặn dò Lý quản sự và hai nha hoàn: “Các ngươi đến tòa nhà ở ngõ Hòe Hoa trước, sáng mai ta và thái thái qua đó.”
Lý quản sự gật đầu, gọi Như Ý và Bảo Bình rồi đánh xe đi.
Ông đã hơn 50 tuổi, lớn tuổi, không có con cái, lão gia coi ông như người nhà nhưng gia đình Thẩm Văn Bưu không nghĩ vậy. Hiện tại tiểu thư nguyện ý tiếp tục dùng ông, Lý quản sự tận tâm làm việc cho tiểu thư. Lúc tiểu thư khóc tang cha đã nhờ ông đến huyện thành mua tòa nhà và cửa hàng ở mặt tiền, Lý quản sự đã sắp xếp ổn thỏa.
“Tiểu Anh mua tòa nhà ở huyện thành rồi à?” Triệu lão thái thái vừa ngạc nhiên hỏi vừa nhìn tôn tử.
Triệu Yến Bình không có biểu tình gì, kêu cả nhà đi vào phòng trước hẵng nói.
A Kiều đi sau cùng, ánh mắt sầu lo dán chặt vào người Thẩm Anh.
Vào nhà chính, Triệu Yến Bình đóng cửa trước sau, Thẩm Anh và Liễu thị mới cởi mũ xuống.
Vành mắt của hai mẹ con đều đỏ nhưng bình tĩnh hơn A Kiều tưởng tượng.
Liễu thị biết Thẩm viên ngoại sớm muộn gì sẽ đi trước bà, nhưng lần này quá bất ngờ, bà chưa kịp chuẩn bị nên chịu đả kích trầm trọng.
Nhiều ngày nay ở Thẩm gia, những gì nên khóc thì Liễu thị đã khóc xong, trượng phu không còn, bà còn có nhi tử và nữ nhi, còn có một nữ nhi chưa tìm được, Liễu thị biết bản thân mình vô dụng, không thể giúp bọn nhỏ việc gì, chuyện duy nhất có thể làm là tiếp tục đồng hành với bọn nhỏ, không đem lại phiền phức cho chúng.
Cho nên bà sẽ không tiếp tục rơi lệ trước mặt bọn nhỏ.
Thẩm Anh không khóc, nàng biết có khóc thì cha cũng không quay về, hơn nữa, nàng còn có chuyện càng quan trọng hơn phải làm.
Trước tiên, Thẩm Anh giải thích chuyện nhà cửa với Triệu lão thái thái.
Nhà Triệu gia nhỏ, mẹ con nàng phải giữ đạo hiếu ba năm, ở trong nhà huynh trưởng rất bất tiện, Thẩm Anh không muốn làm phiền huynh trưởng, cũng không muốn gò bó bản thân ở chung phòng với Triệu lão thái thái, dù sao nàng có bạc trong tay, mua tòa nhà là biện pháp tốt nhất.
Triệu lão thái thái nghe xong, thầm thở phào nhẹ nhõm.
Nếu không có con dâu, bà là trưởng bối duy nhất trong nhà này. Con dâu về đây, đại tôn tử phải chia lòng hiếu thảo cho con dâu, Triệu lão thái thái sợ mình không quen, như bây giờ là tốt nhất.
Tuy nhiên Triệu lão thái thái vẫn phàn nàn Thẩm Anh phí bạc, nên ở nhà ca ca.
Liễu thị rũ mắt, Thẩm Anh cúi đầu uống trà, Triệu Yến Bình mím đôi môi mỏng, chỉ nghe những lời nói dài dòng của Triệu lão thái thái.
Triệu lão thái thái nói xong một chuyện, lại nghĩ đến chuyện khác, hỏi Thẩm Anh: “Tiểu Anh đem nhiều phấn mặt vào huyện thành vì muốn tự mình mở cửa hàng à?”
A Kiều chưa tìm được cơ hội mở miệng, lúc này vội nói: “Anh cô nương, do ta mua hàng của ngài mới xảy ra chuyện này, sau này ta sẽ không bán nữa, trong hầm còn hơn 300 hộp phấn, ngài lấy luôn nhé?”
Thẩm Anh nghe vậy, đi tới nắm tay A Kiều, miễn cưỡng nở nụ cười: “Tiểu tẩu đừng nghĩ nhiều, việc này không liên quan đến tẩu. Lúc trước ta cung cấp hàng hóa cho tẩu vì muốn mượn việc kinh doanh của tẩu để tạo dựng danh tiếng cho phấn của Thẩm gia, không ai trong chúng ta có thể đoán trước điều gì xảy ra tiếp theo, ta không trách tiểu tẩu, tiểu tẩu cũng đừng tự trách mình, nếu không chính là không coi ta là người một nhà.”
A Kiều nghe muốn khóc, cô nương tốt như vậy, tại sao không được đền đáp?
Triệu lão thái thái lại xen miệng vào: “Thấy chưa, ta đã nói Tiểu Anh sẽ không trách ngươi, vừa xảy ra chuyện thì ngươi lập tức ngừng bán.”
“Tổ mẫu người uống trà đi, Tiểu Anh còn có chuyện muốn nói.” Triệu Yến Bình rốt cuộc phải gọi lão thái thái, chân mày nhíu chặt.
Nói một cách dễ nghe, Triệu lão thái thái hiểu rõ tôn tử muốn bà ngậm miệng, liếc mắt trừng tôn tử một cái, nhưng vẫn ngồi xuống, tò mò nhìn Thẩm Anh.
Thẩm Anh vẫn kéo tay A Kiều, vẻ mặt khó xử: “Tiểu tẩu, cha ta bị Thẩm Văn Bưu chọc tức mà chết, nhưng việc này cũng liên quan đến chuyện Đổng gia châm ngòi. Tiếp theo, ta nghĩ cách khiến Đổng gia bị quả báo, ta không tự mình bán phấn mặt được, tiểu tẩu cũng không tiện bán, hay là vầy, ta mua tất cả những hộp còn lại trong hầm với giá 50 văn một hộp được không?”
A Kiều vội la lên: “Sao cô nương nói vậy, ta vốn cũng không muốn buôn bán nữa, ngài cứ lấy hết đi, không cần trả tiền cho ta.”
Thẩm Anh biết A Kiều tốt bụng, chỉ nói đơn giản: “Như vậy, ta trả lại số tiền đặt cọc cho tiểu tẩu, chúng ta không ai lợi dụng ai.”
A Kiều vẫn muốn từ chối, Triệu Yến Bình làm chủ nói: “Quyết định vậy đi.”
A Kiều liền ngậm miệng.
Triệu lão thái thái không hiểu, hỏi Thẩm Anh: “Ngươi không bán còn đem nhiều đến đây làm gì?”
Thẩm Anh rũ mắt trả lời: “Trước tết Trùng Dương, ngài sẽ biết.”
Ngày Thẩm Anh mặc áo tang đến huyện nha tố cáo, phu thê Thẩm Văn Bưu bị đánh chết, việc này chỉ truyền trong huyện thành một hai ngày, nhưng Thẩm gia chỉ là nhà giàu trong thôn, không có gốc rễ ở huyện thành, chuyện này truyền trong chốc lát thì không ai nhắc tới nữa.
Về phía Đổng gia, Đổng lão gia và Đổng đại công tử không ngờ Thẩm viên ngoại lại tức giận đến vậy. Hôm ấy Đổng đại công tử khiêu khích Thẩm Văn Bưu với hy vọng Thẩm Văn Bưu có thể giành quyền làm chủ, buộc Thẩm Anh phải đồng ý với người bán. Nào ngờ sau một đêm nỗ lực, Thẩm viên ngoại đã chết, không bao lâu sau, phu thê Thẩm Văn Bưu cũng không còn?
Đổng lão gia là người niệm Phật, bảo đại nhi tử lên chùa cúng dường một khoản tiền dầu mè.
Đổng đại công tử đi cúng tiền dầu mè, lúc trở về phát hiện tiểu thiếp của Triệu gia không mở quán thì vui vẻ trong lòng, quả nhiên, bên kia đóng cửa, công việc kinh doanh phấn mặt của Ngọc Lâu dần dần khôi phục.
Nhưng cả nhà Đổng gia không vui được bao lâu. Một cửa hàng đối diện Ngọc Lâu sau khi đóng cửa lại khai trương, một lần nữa tu sửa thành quán trà, bên ngoài quán trà có hai tiểu đồng mồm miệng lanh lợi và thông minh vừa gõ chiêng vừa mời chào, nói chủ nhân mời mọi người uống trà và nghe sách miễn phí, mỗi khách nữ uống trà còn được tặng một hộp phấn mặt tốt nhất cho đến khi hết hàng.
Ai sẽ bỏ qua chuyện tốt như vậy?
Bá tánh rảnh rỗi trên phố đều chen vào quán uống trà, vừa uống vừa nghe sách. Tiên sinh kể chuyện hớn hở mặt mày, kể câu chuyện gọi là “Son phấn trách hận”, kể về một vị Thẩm viên ngoại yêu thương con gái như sinh mạng, cho phép nàng tự mình làm phấn mặt, Thẩm tiểu thư kinh doanh ngày càng tốt, làm mất lòng Đổng lão gia, chủ cửa hàng son phấn ở huyện thành…
Ngoài việc không nêu tên họ, cử chỉ hành động của nhân vật hoàn toàn trùng khớp với ân oán giữa Thẩm gia và Đổng gia, nhưng người kể chuyện tập trung miêu tả người Đổng gia đã thương lượng cách cướp đoạt chuyện làm ăn và khiêu khích người Thẩm gia ra sao, cuối cùng trưng vẻ mặt đắc thắng nói về chuyện tiếp tục bán phấn mặt có giá vốn thấp cho người mua với một giá cao.
Vừa bắt đầu câu chuyện, khách uống trà đã biết chuyện như thế nào, bọn họ đều căm thù gian thương Đổng gia đến tận xương tuỷ vì tự mình bán phấn mặt cao giá không đắt hàng nên không cho người khác bán giá thấp hơn, vì thế đến Thẩm gia châm ngòi khiến nhà người ta mất ba mạng người, đặc biệt những phụ nhân và cô nương nhà nghèo thích mua phấn tốt nhưng giá thấp mắng Đổng gia nhiều nhất.
Quán trà mới khai trương được ba ngày, Ngọc Lâu của Đổng gia đã bị người ta tạt một thùng phân trước lúc trời sáng.
Quán trà này là do Thẩm Anh bảo Lý quản sự mở, nàng cũng không muốn che dấu việc mình là người đứng phía sau.
Đổng lão gia yêu tiền, cũng coi trọng thanh danh, bị Thẩm Anh ầm ĩ như vậy, danh tiếng Đổng gia bị giảm, buôn bán cũng ế, những khách hàng nữ giàu có quen thuộc không muốn dính vào chuyện thị phi nên không đến Ngọc Lâu nữa, càng tệ hơn nữa là, những cửa hàng phấn mặt và trang sức ở huyện thành lâu nay bị Ngọc Lâu chèn ép nhân cơ hội này phát huy sức mạnh, bày đủ loại thủ đoạn, giật rất nhiều mối làm ăn của Đổng gia.
Đổng lão gia có ý định tìm Thẩm Anh giảng hòa, bỏ tiền để xóa tan oán giận của Thẩm Anh nhưng Thẩm Anh không đồng ý, trong nhà có thuê hộ viện rất lợi hại, không sợ Đổng gia đâm lén.
Giải quyết riêng không được, Đổng lão gia sai nhi tử đến huyện nha báo quan, kiện quán trà của Thẩm Anh bôi nhọ Đổng gia.
Tạ Dĩnh gọi Lý quản sự và tiên sinh kể chuyện đến, nghe tiên sinh kể chuyện nói từ đầu tới đuôi. Trước tiên câu chuyện không nhắc tên của người nhà Đổng lão gia hay Ngọc Lâu, thứ hai lời nói và hành động của Đổng đại công tử trong câu chuyện được Lý quản sự làm chứng là sự thật, dù nói thẳng là Đổng gia, Đổng gia cũng không thắng vụ kiện này.
Đổng đại công tử bất lực trở về, nhìn quán trà đối diện, Đổng đại công tử hằn học nói: “Cứ để nàng ta mở, không thu tiền trà còn tặng phấn mặt, xem thử nàng ta làm ăn thua lỗ kiểu này được bao lâu!”
Có quá nhiều khách đến uống trà, hơn 3000 hộp phấn của Thẩm Anh chẳng mấy chốc đã phát xong, chỉ mất sáu bảy chục lượng tiền vốn, Thẩm Anh không đau lòng.
Hết phấn mặt, Thẩm Anh tiếp tục mời khách uống trà miễn phí, lá trà cũng không phải loại ngon, tiền công của tiên sinh kể chuyện cũng không cao, nàng trả được.
Đổng gia không kham nổi, không dám đối phó Thẩm Anh nên muốn giết gà dọa khỉ, chỉ cần đập tiên sinh kể chuyện một trận, xem kẻ dài lưỡi nào còn dám làm việc cho Thẩm Anh.
Đổng đại công tử bí mật thuê một kẻ đánh mướn không dám phản bội Đổng gia, chuẩn bị ra tay khi tiên sinh kể chuyện đang trên đường về nhà.
Kết quả kẻ kia mới tròng bao tải lên người tiên sinh kể chuyện và đánh được hai quyền đã bị một bộ khoái mặc thường phục đột nhiên lao tới bắt được. Y bị Đổng gia nắm thóp, hơn nữa đánh người chỉ là tội nhỏ, đến huyện nha y một mực khai rằng mình ngứa mắt tiên sinh kể chuyện, Tạ Dĩnh không làm gì được, chỉ đánh người này một bản tử và tống vào đại lao.
Tiên sinh kể chuyện không thể bị đánh một cách uổng phí như vậy, ngày hôm sau đến quán trà, ông lại kể thêm một đoạn Đổng gia có ý mua sát nhân giết người, dựng lên câu chuyện sinh động như thật và cực kỳ nguy hiểm, ông còn vén tay áo để lộ vết thương trên người cho khách nhìn xem. Tin tức lan truyền khắp nơi, thanh danh của Đổng gia càng rách nát, chẳng những không thể hù doạ được người kể chuyện, ngược lại còn làm một đống kẻ lưu manh và đánh thuê làm việc cho Đổng gia khiếp sợ.
Không cứu vãn được thanh danh, hai anh em Triệu Yến Bình đã đề phòng từ lâu, Đổng lão gia rốt cuộc chấp nhận, ra lệnh mấy đứa con trai đóng Ngọc Lâu, chờ khi nào Thẩm Anh gả chồng rời huyện Võ An, hoặc là Triệu Yến Bình không còn bản lĩnh hỗ trợ Thẩm Anh, Ngọc Lâu lại khai trương và lấy lại danh tiếng.
Ngọc Lâu đóng cửa, Thẩm Anh cũng bảo Lý quản sự đóng quán trà, cùng mẫu thân tưởng nhớ người cha đã khuất.
Tết Trùng Dương: còn gọi là tết Trùng Cửu, theo phong tục của người Trung Quốc là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm (Wikipedia)