Mãi Đừng Xa Tôi

Phần 1 – Chương 11
Trước
image
Chương 11
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

Khi lại lên tiếng, cô Lucy dường như cẩn thận cân nhắc từng từ một. “Chuyện cô từng hút thuốc thật không hay. Không hay thành thử cô mới thôi không hút nữa Nhưng các em cần phải hiểu rằng đối với các em, tất cả các em, hút thuốc sẽ có hại hơn rất nhiều so với cô.”

Rồi cô ngừng lời và đâm lặng thinh. Về sau có người nói cô lại mơ màng nghĩ đến chuyện gì đó, nhưng tôi tin khá chắc, cũng như Ruth, rằng cô đang nghĩ rất lung xem sau đó phải nói gì. Cuối cùng cô nói:

“Các em đã được cho biết điều đó rồi. Các em là học sinh. Các em… đặc biệt. Cho nên giữ mình thật tốt, giữ cho bản thân mình thật khỏe mạnh ở bên trong, việc đó đối với mỗi đứa các em là quan trọng hơn nhiều so với cô.”

Cô lại ngừng lời, nhìn chúng tôi một cách kỳ lạ. Về sau, khi bàn lại về chuyện đó, vài người trong bọn tôi tin chắc cô đang ngong ngóng đợi ai đó trong chúng tôi hỏi: “Tại sao? Tại sao lại có hại hơn nhiều đối với chúng em?” Nhưng không ai hỏi. Tôi thường nghĩ về cái ngày ấy, và giờ đây, dưới ánh sáng những gì xảy ra sau đó, tôi tin chắc rằng chỉ cần chúng tôi hỏi vậy là cô Lucy sẽ kể với chúng tôi tất cả mọi điều. Chỉ cần hỏi thêm một câu về chuyện hút thuốc mà thôi.

Vậy thì tại sao chúng tôi đã im lặng ngày hôm ấy? Có lẽ là vì ở tuổi đó – khi đó chúng tôi lên chín hay mười tuổi – chúng tôi chỉ biết vừa đủ để cảnh giác về toàn bộ đề tài này. Nay thì thật khó mà nhớ được hồi đó chúng tôi biết đến ngần nào. Nhất định là chúng tôi biết – mặc dù chẳng lấy gì làm sâu sắc cho cam – rằng chúng tôi khác với các giám thị của chúng tôi, và cũng khác những người thường ở bên ngoài nữa; có lẽ chúng tôi đã biết rằng về lâu dài chúng tôi sẽ đi đến chỗ hiến tạng mà thôi. Nhưng chúng tôi vẫn không thực sự biết điều đó có nghĩa là gì. Chúng tôi ghét cái kiểu các giám thị, hơn bất kỳ chuyện nào khác, luôn trở nên lúng túng bất cứ khi nào chúng tôi mon men đến gần lĩnh vực này. Thực sự là chúng tôi mất tự tin khi thấy họ thay đổi như thế. Tôi nghĩ chính vì vậy chúng tôi chẳng bao giờ hỏi thêm câu kia, và bởi vậy chúng tôi mới trừng phạt Marge K. tàn nhẫn đến thế, vì tội đã khơi chuyện ấy ra vào hôm đó sau trận bóng.

Dù sao đi nữa, chính vì vậy tôi mới đâm kín tiếng đến thế về cuốn băng. Thậm chí tôi còn quay mặt trong bìa cuốn băng ra ngoài để chi khi nào mở cái hộp nhựa ra người ta mới thấy Judy và điếu thuốc của bà ta. Nhưng lý do khiến cuốn băng có ý nghĩa nhiều với tôi đến thế chẳng có liên quan gì đến điếu thuốc, thậm chí cũng chẳng liên quan gì đến lối hát của Judy Bridgewater – bà là một ca sĩ ở thời của bà, kiểu ca sĩ quán rượu, không phải loại mà bọn chúng tôi ở Hailsham ưa thích. Điều khiến cuốn băng trở nên đặc biệt đến thế với tôi là một bài cụ thể trong đó, bài số ba, “Mãi đừng xa mẹ”.

Bài đó chậm, về đêm và là bài của Mỹ, và có một đoạn cứ trở đi trở lại khi Judy hát: “Mãi mãi đừng xa mẹ nhé… Ôi con yêu, mãi mãi đừng xa mẹ nhé…” Hồi đó tôi mười một tuổi và chưa nghe nhiều nhạc lắm, nhưng riêng bài này, nó thực sự đi vào lòng tôi. Tôi luôn luôn cố giữ sao cho cuốn băng quay đến đúng chỗ đó, để bất cứ khi nào có dịp là có thể nghe bài đó ngay.

Những cơ hội tôi không có nhiều, bạn nhớ cho, hồi ấy là vài năm trước khi những chiếc máy Walkman bắt đầu xuất hiện ở các cuộc Bán hàng. Có một chiếc máy nghe nhạc to trong phòng bi-a, nhưng tôi hiếm khi nghe cuốn băng ở đó bởi phòng bi-a luôn luôn đông nghẹt người. Phòng vẽ cũng có một chiếc máy nghe băng, nhưng chỗ đó cũng thường ồn ào chẳng kém. Chỗ duy nhất tôi có thể nghe cho ra nghe là trong phòng ngủ.

Hồi đó chúng tôi đã được phân thành từng phòng ngủ gồm sáu giường trong những căn riêng, và ở phòng chúng tôi có một chiếc máy cát-xét xách tay đặt ở giá phía trên lò sưởi. Vì vậy đó là nơi tôi thường tới, những hôm không có ai khác ở xung quanh, để nghe bài hát của tôi, nghe đi nghe lại.

Bài hát đó có gì đặc biệt đến vậy? Thật ra thì tôi thường không chú ý nghe lời bài hát lắm; tôi chỉ đợi đến chỗ có cái câu kia: “Con ơi, con, mãi mãi đừng xa mẹ nhé…” Khi đó tôi thường hình dung một người phụ nữ vừa được người ta cho hay cô không thể có con, mà cô thì suốt đời tha thiết muốn có con. Thế rồi có một thứ phép màu xảy ra và cô có một đứa con, và cô ôm chặt đứa bé vào lòng, vừa đi tới đi lui vừa hát: “Con ơi, mãi mãi đừng xa mẹ nhé…” một phần bởi cô quá đỗi hạnh phúc, nhưng cũng vì cô quá sợ rằng một chuyện gì đó sẽ xảy ra, khiến đứa bé sẽ đau ốm hoặc bị mang đi khỏi cô. Thậm chí ngay hồi đó tôi cũng đã nhận ra rằng điều đó chẳng thể đúng được, rằng cách diễn giải này không khớp với phần còn lại của lời hát. Nhưng điều đó không thành vấn đề đối với tôi. Bài hát chính là nói về những gì tôi đã nói, và tôi thường nghe nó, nghe đi nghe lại mãi, chỉ một mình, bất cứ khi nào có dịp.

Có một sự kiện kỳ lạ xảy ra trong khoảng thời gian này, tôi sẽ kể cho các bạn ở đây. Nó làm tôi thực sự hoang mang, và mặc dù mãi nhiều năm sau tôi vẫn không sao tìm ra được ý nghĩa đích thực của nó, song có lẽ ngay từ hồi đó tôi đã cảm nhận được nó có một tầm quan trọng sâu xa hơn.

Đó là một buổi chiều rợp nắng, tôi đang đi về phòng ngủ để lấy cái gì đó. Tôi nhớ lúc đó trời sáng rõ đến thế nào bởi các bức rèm trong phòng chúng tôi không được kéo lại cho đúng cách nên ta vẫn thấy mặt trời rọi từng tia lớn vào phòng, thấy được cả những hạt bụi trong không khí. Tôi không định nghe cuốn băng đó, nhưng vì tôi đang chỉ một mình nên có một thôi thúc khiến tôi lấy cuốn băng ra khỏi bộ sưu tập băng rồi đặt vào máy.

Có lẽ ai đó dùng máy lần cuối đã vặn âm lượng lên, tôi không biết. Nhưng bài hát nghe to hơn nhiều so với tôi thường nghe và có lẽ vì vậy mà tôi mãi không nghe thấy tiếng bà ta. Hoặc cũng có thể khi đó tôi quá mê mải với chính mình. Dù sao đi nữa, lúc ấy tôi đang đung đưa chầm chậm theo nhịp bài hát, tay ôm chặt một đứa bé tưởng tượng vào ngực. Thật ra, chuyện chỉ càng thêm khó xử vì lúc đó, cũng như vài lần khác, tôi lấy một cái gối để thay cho đứa bé, cứ thế mà chầm chậm múa, mắt nhắm lại, hát khẽ theo mỗi khi lại đến cái câu kia:

“Ôi, con ơi, mãi mãi đừng xa mẹ nhé…”

Bài hát đã gần như kết thúc thì mới có cái gì đó khiến tôi nhận ra rằng mình không chỉ có một mình. Mở mắt ra, tôi thấy mình đang nhìn thẳng vào Madame lúc đó đang đứng ngay ở khung cửa.

Tôi đờ người ra vì sốc. Thế rồi trong khoảng một hay hai giây gì đó tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi lo sợ mới, bởi tôi nhận thấy có cái gì đó kỳ lạ trong tình huống này. Cửa hầu như mở một nửa – có một thứ gần như thành quy tắc là chúng tôi không được đóng kín cửa phòng ngủ ngoại trừ khi đã ngủ – nhưng Madame hầu như vẫn chưa bước hẳn vào ngưỡng cửa. Bà ta vẫn còn ở ngoài hành lang, đứng rất im, đầu nghiêng sang một bên để xem tôi đang làm gì trong phòng. Và điều lạ là bà ta khóc. Thậm chí có lẽ chính một trong những tiếng nấc của bà ta đã xuyên qua bài hát mà giật tôi ra khỏi giấc mơ.

Khi nghĩ lại chuyện đó lúc này, tôi cảm thấy hình như, dẫu không phải là giám thị nhưng bà ta là người lớn, đáng lẽ bà ta nên nói hoặc làm gì đó, dù là bảo tôi thôi đi. Được vậy thì tôi đã biết phải ứng xử thế nào. Nhưng bà ta vẫn cứ đứng đó, vừa nức nở không thôi vừa nhìn tôi đăm đăm qua khung cửa bằng chính cái nhìn mà bà ta vẫn luôn nhìn chúng tôi, như thể bà ta đang thấy một cái gì đó khiến bà sởn gai ốc. Chỉ có điều lần này còn có một cái gì khác, một cái gì khác nữa trong cái nhìn ấy mà tôi không thể hiểu.

Tôi không biết phải làm gì hoặc nói gì, cũng chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Có lẽ bà ta sẽ bước hẳn vào phòng, nạt nộ tôi, có khi còn đánh tôi nữa, chịu không biết được. Thế nhưng bà ta chỉ quay đi, và khoảnh khắc sau tôi đã nghe tiếng bước chân bà ta ra khỏi căn nhà. Tôi nhận ra rằng cuốn băng đã chuyển sang bài kế tiếp, tôi liền tắt máy rồi ngồi xuống chiếc giường gần nhất. Khi ngồi xuống, tôi nhìn thấy qua khung cửa sổ trước mặt bóng dáng bà ta tất tả đi về phía nhà chính. Bà ta không ngoái lại, nhưng nhìn tấm lưng bà khom xuống thì tôi biết bà vẫn khóc.

Khi quay lại chỗ đám bạn sau đó ít phút, tôi chẳng nói gì với chúng về chuyện đã xảy ra. Có người nhận thấy tôi không được ổn và nói gì đó, nhưng tôi chỉ nhún vai rồi vẫn im lặng. Không hẳn là xấu hổ, nhưng cảm giác của tôi hơi giống với cảm giác lần trước, khi cả bọn chúng tôi rình sẵn Madame trong sân khi bà ta ra khỏi xe. Điều tôi mong mỏi hơn hết là sao cho chuyện đã đã chẳng bao giờ xảy ra, và tôi nghĩ rằng bằng cách không nhắc tới nó, tôi đang làm cho chính mình và cho mọi người khác một ân huệ.

Tuy nhiên, khoảng hai năm sau tôi có kể cho Tommy về chuyện đó. Đó là khoảng mấy hôm sau lần chúng tôi nói chuyện bên bờ ao khi cậu ấy lần đầu tiên thú nhận với tôi về cô Lucy; đó là những ngày mà – theo tôi hiểu – chúng tôi bắt đầu thổ lộ với nhau về tất cả những băn khoăn và câu hỏi tự đặt ra về bản thân mình, việc mà hai chúng tôi vẫn duy trì trong suốt những năm qua. Khi tôi kể với Tommy về chuyện xảy ra với Madame trong phòng ngủ, cậu đưa ra một cách giải thích khá đơn giản. Cho tới khi đó, dĩ nhiên tất cả chúng tôi đã biết đôi điều mà hồi ấy tôi không biết, đó là không ai trong chúng tôi có thể có con. Cũng có thể bằng cách nào đó mà ngay từ nhỏ tôi đã manh nha biết điều này nhưng không hoàn toàn ý thức được, chính vì vậy mà khi nghe bài hát ấy tôi mới cảm nhận như thế. Nhưng hồi ấy thì tôi không thể biết rạch ròi như vậy. Như tôi đã nói, cho đến khi Tommy và tôi bàn chuyện đó thì tất cả chúng tôi đã được người ta cho biết khá tỏ tường. Nhân thể nói thêm, không ai trong chúng tôi đặc biệt băn khoăn về điều đó; sự thực là, theo tôi nhớ có vài người tỏ ra hài lòng rằng chúng tôi vẫn có thể sinh hoạt tình dục mà không bận tâm gì đến chuyện con cái nọ kia – mặc dù tình dục cho đúng nghĩa vẫn còn là một cái gì xa xôi đối với hầu hết chúng tôi ở giai đoạn đó. Dù sao đi nữa, khi tôi kể với Tommy về chuyện đã xảy ra, cậu ấy nói:

“Có lẽ Madame không phải là người xấu, cho dù bà ta rất tởm. Cho nên khi bà ta thấy cậu ôm đứa bé mà múa như vậy, bà ta nghĩ cảnh này thật bi thảm, bởi cậu không thể có con được. Chính vì vậy mà bà ta khóc.”

“Nhưng Tommy à, làm sao bà ta biết bài hát đó liên quan đến chuyện người ta có con kia chứ?” tôi chỉ ra. “Làm sao bà ta biết cái gối mà mình đang ôm là để thay cho một đứa bé? Cái đó chỉ nằm trong đầu mình thôi mà.”

Tommy nghĩ một chút, rồi nói với vẻ nửa đùa nửa thật: “Có thể Madame đọc được tâm tư người khác. Bà ta lạ lắm. Có thể bà ta nhìn thấu tâm can cậu. Nếu có chuyện ấy mình chẳng lấy làm lạ đâu.”

Nghĩ vậy cả hai chúng tôi rùng mình một chút, và mặc dù cười khúc khích nhưng chúng tôi chẳng nói gì thêm về chuyện đó.

Cuốn băng biến mất chừng hai tháng sau vụ với Madame. Hồi đó tôi không hề nghĩ rằng hai chuyện đó có liên hệ với nhau, nhưng nay thì tôi có lý do để nghĩ vậy. Có một đêm tôi ở trong phòng ngủ, ngay trước giờ tắt đèn, đang lục lọi rương đồ sưu tập của mình để giết thì giờ cho đến khi những người khác đi tắm về. Cũng lạ, nhưng khi vừa mới nhận ra cuốn băng không còn đó nữa, ý nghĩ đầu tiên của tôi là không được để lộ ra mình hoảng hốt đến thế nào. Tôi nhớ thậm chí mình còn cố tình ngâm nga nho nhỏ một cách lơ đãng trong khi tìm kiếm cuốn băng. Tôi đã nghĩ về chuyện này khá nhiều nhưng cho mãi đến giờ vẫn không biết giải thích ra sao cả: trong phòng đó có những người bạn thân nhất của tôi, thế nhưng tôi không muốn họ biết tôi hoang mang đến nhường nào vì chuyện cuốn băng thất lạc.

Tôi cho rằng điều đó hẳn liên quan đến chuyện nó là một bí mật, vì nó có quá nhiều ý nghĩa với tôi. Có lẽ tất cả bọn chúng tôi ở Hailsham đều có những bí mật nho nhỏ như vậy – những góc riêng nho nhỏ được tạo ra từ không khí, nơi chúng tôi có thể rút về một mình với những nỗi sợ và niềm khao khát. Nhưng bản thân việc có những nhu cầu như vậy thì hồi đó chúng tôi lại thấy là sai trái – như thể mình đang bỏ rơi bè bạn.

Dù sao thì, khi đã tin chắc cuốn băng không còn nữa, tôi hỏi từng người khác ở chung phòng, với vẻ rất ngẫu nhiên thôi, xem họ có thấy nó đâu không. Tôi vẫn chưa hoàn toàn quẫn trí vì vẫn có khả năng tôi đã bỏ quên nó trong phòng bi-a; không thì tôi hy vọng có ai đó mượn cuốn băng, đến sáng là sẽ trả.

Thế nhưng sang ngày hôm sau cuốn băng không xuất hiện và tôi vẫn chưa hiểu điều gì đã xảy ra cho nó. Thực ra thì tôi cho rằng ở Hailsham tình trạng ăn cắp vặt khá là nghiêm trọng nhưng chúng tôi – hay các giám thị – không muốn thừa nhận là nghiêm trọng. Nhưng lý do để tôi nhắc tới chuyện này là để giải thích về Ruth và cách phản ứng của cô. Bạn cần nhớ rằng tôi bị mất cuốn băng chưa đầy một tháng sau cái lần Midge gặng hỏi Ruth ở Phòng Vẽ về cái bao đựng bút chì và tôi đã xuất hiện để cứu nguy. Từ đó trở đi, như tôi đã kể, Ruth luôn ngong ngóng làm một cửa chỉ đẹp gì đó đáp lại tôi, và việc cuốn băng biến mất là cả một cơ hội tốt cho cô. Thậm chí bạn có thể nói rằng cho mãi đến khi cuốn băng của tôi thất lạc, mọi chuyện mới trở lại bình thường giữa chúng tôi – có lẽ lần đầu tiên kể từ buổi sáng trời ưa khi tôi nhắc đến cuốn Sổ mua bán hàng với cô dưới mái hiên ngôi nhà chính.

Vào cái đêm đầu phát hiện cuốn băng đã thất lạc, tôi đã hỏi tất cả mọi người về nó, và trong số đó dĩ nhiên có Ruth. Giờ nhớ lại, tôi có thấy rằng ngay lúc đó, ngay ở đó, cô đã hiểu được đích xác việc mất cuốn băng có ý nghĩa thế nào đối với cô, đồng thời cũng hiểu điều quan trọng với tôi là làm sao chuyện này đừng trở thành một vụ om sòm. Thế nên đêm đó cô chỉ trả lời bằng một cái nhún vai lơ đãng rồi lại làm tiếp việc đang làm. Thế sáng hôm sau, khi đi tắm về, tôi nghe tiếng cô – bằng một giọng bình thường, như thể điều đó chẳng có gì ghê gớm lắm – đang hỏi Hannah xem có chắc là nó không nhìn thấy cuốn băng của tôi không.

Thế rồi có lẽ sau đó hai tuần, khi từ lâu tôi đã cố quen với chuyện đã thực sự mất cuốn băng, Ruth lại đến gặp tôi trong giờ nghỉ ăn trưa. Hôm ấy là một trong những ngày đầu tiên thực sự đẹp trời mùa xuân năm đó, và tôi đang ngồi trên bãi cỏ trò chuyện với đôi ba bạn gái lớn tuổi hơn. Khi Ruth lại gần hỏi tôi có muốn đi dạo một chút không, rõ ràng cô đang có một ý gì đó cụ thể trong đầu. Thế là tôi để mấy bạn lớn kia lại mà theo Ruth đi ra rìa Sân chơi phía Bắc, sau đó đi lên ngọn đồi phía Bắc, cho tới khi đứng bên hàng rào gỗ mà nhìn xuống dải cây cối màu xanh điểm lỗ đỗ những nhóm học sinh ở dưới kia. Trên đỉnh đồi đang có gió mạnh, và tôi nhớ lúc đó mình lấy làm lạ lắm bởi khi ngồi trên bãi cỏ thì tôi không cảm thấy gió. Chúng tôi đứng đó nhìn xuống mặt đất một hồi lâu, rồi cô đưa cho tôi một cái túi con. Khi cầm lấy, tôi có thể nói ngay rằng bên trong có một cuộn băng cát-xét và tim tôi đập rộn lên. Nhưng Ruth đã nói ngay:

“Kathy à, đây không phải cuốn băng của cậu đâu. Cuốn mà cậu làm mất ấy. Mình đã cố tìm cho cậu, nhưng thực sự là nó đi rồi.”

“Ừ. Nó đi về Norfolk,” tôi nói.

Cả hai chúng tôi phá lên cười. Đoạn tôi lấy cuốn băng từ trong cái túi ra với vẻ thất vọng, và tôi không chắc trong khi xem xét cuốn băng thì liệu sự thất vọng ấy có không còn trên mặt tôi không.

Tôi đang cầm trên tay một cái gọi là Hai mươi điệu nhảy cổ điển. Khi nghe nó về sau, tôi phát hiện rằng nó toàn các bản hòa tấu nhạc khiêu vũ. Dĩ nhiên, vào thời điểm Ruth đưa nó cho tôi, tôi không biết nó là loại nhạc nào, nhưng tôi đã biết nó hoàn toàn chẳng có gì giống Judy Bridgewater. Thế rồi, một lần nữa, hầu như ngay lập tức, tôi nhận ra rằng Ruth không thể biết điều ấy được – rằng với Ruth, kẻ hoàn toàn chẳng biết mô tê gì về nhạc, cuốn băng này ắt sẽ dễ dàng bù đắp cho cuốn băng tôi đã mất. Và đột nhiên tôi cảm thấy nỗi thất vọng vơi đi, được thay bằng một niềm hạnh phúc thực sự. Chúng tôi không hay làm những chuyện như ôm nhau ở Hailsham. Nhưng tôi đã siết chặt một bàn tay của Ruth trong cả hai tay mình mà nói cám ơn cổ. Ruth nói: “Mình tìm được nó ở cuộc Bán hàng vừa rồi. Mình chỉ nghĩ loại này chắc cậu sẽ thích.” Và tôi nói, phải, đây chính là loại mà tôi thích.

Đến giờ tôi vẫn giữ cuốn băng đó. Tôi không hay nghe nó bởi thứ nhạc đó chẳng liên quan đến bất cứ cái gì. Nó là một món đồ, cũng như cái trâm hay cái nhẫn, và nhất là giờ đây khi Ruth đã ra đi, nó trở thành một trong những vật sở hữu quý giá nhất của tôi.

 

Trước
image
Chương 11
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!