Mãi Đừng Xa Tôi

Phần 1 – Chương 2
Trước
image
Chương 2
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

Chuyện này xảy ra đã lâu nên tôi có thể nhớ sai đôi chút; nhưng theo trí nhớ của tôi thì việc tôi lại gần Tommy chiều hôm đó nằm trong một giai đoạn tôi đang trải qua vào thời kỳ ấy, hồi tôi hay tự đặt ra cho chính mình những thử thách, và khi Tommy ngăn bước tôi lại vài hôm sau thì tôi đã ít nhiều quên chuyện đó rồi.

Tôi không biết hồi xưa ở chỗ các bạn thì sao, nhưng ở Hailsham mỗi tuần chúng tôi lại phải khám sức khỏe một lần, thường là ở Phòng 18 ngay trên cùng ngôi nhà, với cô y tá nghiêm khắc tên là Trisha hay Mặt Quạ theo cách gọi của chúng tôi. Buổi sáng rợp nắng hôm đó, một đám chúng tôi đang đi lên cầu thang trung tâm để cô ấy khám trong khi một đám khác vừa được khám xong đang đi xuống. Vậy nên cầu thang đầy những tiếng ồn vang vọng, và trong khi tôi đang bước trên bậc thang, đầu cúi, bám theo sát gót người đi trước, thì một giọng nói gần tôi vang lên: “Kath!”

Tommy đang theo dòng người đi xuống thì đứng lại ngay giữa cầu thang với một nụ cười toe toét khiến tôi lập tức nổi cáu. Nếu là trước đó vài năm, khi tình cờ gặp một người mà ta thích gặp thì có thể chúng tôi đã có kiểu nhìn đó. Nhưng lúc này chúng tôi đã mười ba tuổi, và đây là một cậu trai tình cờ gặp một cô gái ngay giữa chốn đông người. Tôi những muốn nói: “Tommy, tại sao cậu không thành người lớn nổi vậy?” Nhưng tôi tự ngăn mình lại mà chỉ đáp: “Tommy, cậu đang cản đường mọi người kìa. Cả mình nữa.”

Cậu nhìn lên, quả thật là dòng người đi lên bị ngáng đường nên đã dồn cục cả lại. Cậu tỏ vẻ hoảng hốt trong một giây, sau đó cậu nép sát vào tường bên cạnh tôi, vừa đủ để mọi người len qua. Rồi cậu nói:

“Kath, mình cứ tìm cậu mãi. Mình chỉ muốn xin lỗi, mình rất ân hận, ân hận lắm. Hôm đó mình thực sự không có ý đánh cậu đâu. Mình chẳng bao giờ mơ đến chuyện đánh con gái, mà dù có đánh mình cũng không bao giờ muốn đánh cậu. Mình ân hận lắm.”

“Thôi được. Tai nạn, vậy thôi.” Tôi gật đầu với cậu rồi dợm bước đi. Nhưng Tommy nói với vẻ rạng rỡ:

“Cái áo giờ ổn rồi. Giặt sạch hết rồi.”

“Thế thì tốt.”

“Không đau phải không? Khi mình đánh cậu ấy mà?”

“Đau chứ còn sao nữa. Nứt sọ. Chấn thương não, còn nữa ấy chứ. Ngay cả Mặt Quạ chắc cũng nhận thấy. Ấy là nếu mình lên trên kia được.”

“Nói nghiêm chỉnh nào, Kath. Không đau lắm chứ? Mình ân hận vô cùng, thật đấy.”

Cuối cùng tôi mỉm cười với cậu và nói không chút mỉa mai: “Kìa, Tommy, chỉ là tai nạn mà, giờ thì mình quên một trăm phần trăm rồi. Mình không hề oán cậu chút nào hết.”

Cậu vẫn có vẻ chưa yên tâm, nhưng giờ thì một số học sinh lớp lớn đang thúc sau lưng cậu, bảo cậu đi. Cậu mỉm cười nhanh với tôi và vỗ vai tôi như vỗ vai một thằng nhóc bé hơn rồi len mình hòa vào dòng người. Thế rồi, trong khi bắt đầu lên cầu thang, tôi nghe tiếng cậu la lên từ phía dưới: “Hẹn gặp sau nhé, Kath!”

Toàn bộ chuyện này làm tôi thấy lúng túng, nhưng rồi không thấy mọi người lấy đó để đùa cợt hay bàn ra tán vào gì; và tôi phải thừa nhận rằng giá như không có cuộc gặp bất ngờ trên cầu thang kia thì có lẽ tôi đã không quan tâm đến những vấn đề của Tommy trong suốt mấy tuần kế đó.

Một vài sự cố tôi tự mình nhìn thấy. Song hầu hết là tôi chỉ nghe kể, và mỗi khi nghe ai đó kể lại, tôi đều hỏi gặng kỳ đến khi người ta chịu thuật lại đầy đủ dù ít dù nhiều. Lại có thêm nhiều cơn thịnh nộ nữa, như cái lần mà theo người ta kể Tommy đã lật tung hai chiếc bàn ở Phòng 14 làm mọi thứ rơi tung tóe xuống sàn nhà, trong khi mọi người khác trong lớp chạy túa ra chỗ đầu cầu thang, chèn cửa lại không cho Tommy ra khỏi phòng. Có lần thầy Christopher phải bảo mọi người ghì chặt hai tay Tommy ra sau lưng để ngăn cậu ấy tấn công Reggie D. trong giờ tập đá bóng. Ai cũng thấy rằng khi đám con trai lớp Cao 2 chia cặp để chạy quanh sân, Tommy là người duy nhất không có bạn chạy cùng. Cậu vốn chạy rất cừ, chỉ một nhoáng là đã bỏ xa những người còn lại đến mười, mười lăm mét, có lẽ cậu nghĩ điều đó sẽ che giấu cái sự thật là chẳng ai muốn chạy với cậu cả. Rồi lời đồn về những trò mà hầu như ngày nào mọi người cũng bày ra để chơi khăm cậu. Phần lớn là các trò đùa thường gặp như bỏ những thứ kỳ quái vào giường cậu, thả sâu vào bát ngũ cốc của cậu, nhưng một vài trò trong số đó lại tai ác một cách vô lối: tỉ như khi có ai đó lấy bàn chải đánh răng của Tommy mà cọ toa-lét để đến khi cậu cằm lấy thì răng bàn chải đã bê bết cứt. Vóc người và sức khỏe của Tommy – và tôi đồ là cả tính khí cậu nữa – khiến cho không ai dám thực sự dùng sức mà bắt nạt cậu, song theo tôi nhớ, trong khoảng ít nhất là hai tháng những chuyện như vậy cứ xảy ra mãi. Tôi cứ nghĩ sớm muộn gì cũng phải có ai đó lên tiếng, rằng như thế này là quá đà rồi, nhưng chuyện vẫn cứ tiếp diễn mà chẳng ai nói gì.

Đã có lần, tôi thử tự mình nêu chuyện đó ra trong phòng ngủ khi đèn đã tắt hết. Ở lớp Cao, chúng tôi được chia làm sáu đứa một phòng, vừa vặn thành cái nhóm nhỏ bọn tôi, và chúng tôi thường nói những chuyện tâm tình sâu kín nhất vào lúc nằm trong bóng tối trước khi thiếp ngủ. Ta có thể nói về những chuyện mà ta thậm chí không dám nghĩ là sẽ nói được ở bất cứ nơi nào khác, kể cả trong căn đình tạ. Thế là một đêm nọ tôi nêu chuyện Tommy. Tôi không nói nhiều; chỉ tóm lược những gì đang xảy ra với cậu ấy và nói rằng điều đó không thực sự công bằng. Khi tôi nói xong, mọi người đợi phản ứng của Ruth – bọn tôi vẫn thường như vậy mỗi khi xảy ra chuyện gì đó hơi khó xử. Tôi đợi, thế rồi tôi nghe một tiếng thở dài từ phía giường Ruth, và cô nói:

“Cậu nói đúng, Kathy ạ. Thế là không đẹp. Nhưng nếu muốn chuyện ấy thôi đi thì chính cậu ấy cần phải thay đổi cách cư xử. Cậu ấy chẳng bao giờ có gì cho cuộc Trao đổi Mùa xuân cả. Và liệu cậu ấy sẽ có cái gì cho tháng sau không? Mình cá là không.”

Tôi cần phải giải thích đôi chút ở đây về những cuộc Trao đổi của chúng tôi tại Hailsham. Mỗi năm bốn lần – xuân, hạ, thu, đông – chúng tôi lại có một cuộc kiểu như là triển lãm đồng thời bán tất cả những gì chúng tôi đã làm được trong ba tháng kể từ lần Trao đổi trước. Tranh vẽ, đồ gốm; đủ thứ “tượng điêu khắc” mà chúng tôi làm tù bất cứ thứ gì đang là mốt – có thể là những vỏ hộp đập bẹp, hay những nắp chai nhồi vào hộp các-tông. Cứ mỗi thứ góp vào, ta lại được trả những đồng Tiền Trao đổi – các giám thị là người quyết định cái kiệt tác của ta trị giá bao nhiêu –, thế rồi vào ngày Trao đổi ta mang các đồng tiền đó đi xem các thứ trưng bày và “mua” những gì ta thích. Quy tắc là ta chỉ có thể mua những gì do các học sinh cùng niên khóa với mình làm ra, nhưng dù thế chúng tôi cũng đã có đủ thứ để chọn, bởi hầu hết chúng tôi có thể làm ra nhiều thứ trong thời gian ba tháng kia.

Giờ đây nhìn lại, tôi có thể hiểu vì sao các cuộc Trao đổi trở nên quan trọng với chúng tôi đến thế. Trước hết, ngoài các buổi Bán hàng ra – Bán hàng là một chuyện khác tôi sẽ nhắc đến sau – thì đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể xây dựng một bộ sưu tập những món sở hữu cá nhân của riêng mình. Nếu như ta muốn trang trí các bức tường quanh giường mình chẳng hạn, hoặc muốn có một cái gì để mang trong túi xách và đặt lên bàn học từ phòng này sang phòng khác, thì ta có thể tìm thấy ở cuộc Trao đổi. Bây giờ tôi cũng hiểu được các cuộc Trao đổi còn có một tác động tinh tế hơn thế đối với tất cả chúng tôi. Cứ nghĩ mà xem, nhờ nhau mà ta mới có được những thứ có thể trở thành báu vật của riêng mình – điều đó còn có tác động đến những mối quan hệ của ta nữa. Trường hợp Tommy là tiêu biểu. Rất thường khi, thái độ của người khác ở Hailsham đối với ta thế nào, ta được yêu mến và tôn trọng đến đâu, thảy đều có liên quan đến chuyện chúng ta “sáng tạo” cừ đến mức nào.

Vài năm trước Ruth và tôi thường bắt gặp mình nhớ lại những điều đó, khi tôi còn đang chăm sóc cho cô ở trung tâm phục hồi tại Dover.

“Chính một phần nhờ vậy mà Hailsham mới trở nên đặc biệt đến thế,” có lần Ruth nói. “Người ta vẫn khuyến khích chúng mình biết đánh giá đúng công trình của người khác.”

“Đúng vậy,” tôi nói. “Nhưng đôi lúc, mỗi khi nhớ lại các cuộc Trao đổi, mình lại thấy ở đó nhiều điều dường như hơi kỳ cục. Thơ chẳng hạn. Mình nhớ bọn mình được phép nộp các bài thơ thay vì tranh vẽ. Lạ là chúng mình đều thấy thế là hay, chúng mình nghĩ thế là hợp lý.”

“Sao lại không? Thơ quan trọng chứ.”

“Nhưng cái thơ mình đang nói đây là thơ hồi chúng mình mới chín tuổi cơ mà, những dòng thơ nho nhỏ buồn cười, sai chính tả be bét viết trong vở bài tập ấy. Chúng mình tiêu phí những đồng tiền quý giá để mua những cuốn vở bài tập chép đầy thứ ấy, chứ không mua một cái gì hay hay để trang trí quanh giường. Nếu đã thích thơ của ai đó đến vậy thì sao chúng mình không mượn rồi chiều chiều tự tay chép lại? Nhưng cậu nhớ hồi đó ra sao mà. Cuộc Trao đổi diễn ra, thế là chúng mình lại đứng đực ra tần ngần chẳng biết nên mua mấy bài thơ của Susie K. hay mấy con hươu cao cổ mà Jackie hay làm.”

“Mấy con hươu cao cổ của Jackie,” Ruth cười phá lên, nói. “Đẹp quá chừng. Mình cũng từng có một con.”

Chúng tôi đang ngồi trò chuyện trên cái ban công nhỏ trước phòng hồi sức của Ruth vào một tối mùa hè đẹp trời. Đó là vài tháng sau khi cô hiến tạng lần đầu, lúc này cô đã vượt qua thời khắc nguy nan nhất, và tôi luôn bố trí các buổi thăm bệnh vào buổi chiều sao cho hai chúng tôi có thể dành khoảng nửa tiếng đồng hồ ngồi ngoài ban công ngắm mặt trời lặn xuống những mái nhà. Ta có thể thấy nhiều ăng ten và đĩa vệ tinh, đôi khi thấy cả một đường thẳng lấp lánh đằng xa, đó là biển. Tôi thường mang theo nước và bánh quy, rồi hai chúng tôi ngồi đó trò chuyện về bất cứ chuyện gì chợt đến trong đầu. Trung tâm phục hồi nơi Ruth đang an dưỡng là một trong những trung tâm ưa thích nhất của tôi, và tôi sẽ hoàn toàn không than phiền gì nếu cuối cùng chính tôi cũng đã ở đây. Các phòng hồi sức khá nhỏ, nhưng thiết kế tốt và tiện nghi. Mọi thứ – những bức tường, sàn nhà – đều được lát gạch trắng loang loáng, được trung tâm giữ sạch đến nỗi lần đầu bước vào ta ngỡ đâu mình bước vào một đại sảnh toàn là kính. Dĩ nhiên không hẳn lúc nào ta cũng thấy hình mình phản chiếu trên đó, nhưng hầu như ta cứ nghĩ mình thấy thế. Mỗi khi ta nhấc tay lên, hay khi ai đó đang nằm trên giường ngồi dậy, ta có thể nhận thấy lờ mờ cái cử động đó trên những viên gạch lát khắp quanh ta. Dù thế nào đi nữa, phòng của Ruth ở trung tâm này cũng có những khung cửa trượt lớn bằng kính nên dù đang nằm trên giường Ruth vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy được phần lớn bầu trời, và nếu trời đủ ấm, cô chỉ cần bước ra ban công là đã có thể tha hồ hít thở không khí trong lành. Tôi thích đến thăm Ruth ở căn phòng này, thích những cuộc trò chuyện trên trời dưới biển với cô, từ hè cho đến đầu thu, ngồi trên ban công đó mà nói về Hailsham, về Nhà Tranh, về bất cứ điều gì chợt đến trong ý nghĩ của chúng tôi.

“Điều mình muốn nói là hồi tuổi đó, khi mới mười một chẳng hạn, chúng mình thực ra đâu có quan tâm tí gì đến những bài thơ của người khác,” tôi nói tiếp. “Nhưng cậu có nhớ ai như Christy không? Christy được tiếng hay thơ, thành thử tất cả bọn mình ngưỡng một nó. Ngay cả cậu, Ruth ạ, cậu cũng chẳng hề dám sai phái Christy một tiếng nữa là. Tất cả là vì chúng mình cứ nghĩ nó giỏi thơ lắm. Nhưng chúng mình thì biết quái gì về thơ với thẩn. Chúng mình chả quan tâm đến thơ. Thế mới lạ.”

Nhưng Ruth không hiểu ý tôi – hoặc có thể cô cố tình lảng tránh. Có lẽ cô quyết giữ nguyên hình ảnh chúng tôi ngày đó như những kẻ phức tạp tinh tế hơn là thực tế. Mà cũng có thể cô cảm nhận những gì tôi nói đang dẫn đến đâu, và không muốn chúng tôi tiếp tục câu chuyện theo hướng đó. Dù thế nào đi nữa, cô thở một hơi dài mà nói:

“Bọn mình ai cũng nghĩ mấy bài thơ của Christy thật hay. Nhưng mình không biết bây giờ mấy bài thơ đó sẽ như thế nào trong mắt bọn mình. Mình ước gì có vài bài ở đây, mình muốn xem chúng mình sẽ nghĩ gì.” Rồi cô bật cười to mà nói: “Mình vẫn còn giữ mấy bài thơ của Peter B. Nhưng đó là mãi về sau kia, khi bọn mình lên lớp Cao 4. Hồi đó chắc mình thích cậu ta lắm. Không thì mình chẳng thấy có lý do nào khác để mua những bài thơ của cậu ấy. Mấy bài thơ ngớ ngẩn không chịu được. Tự cho mình quan trọng lắm. Nhưng Christy thì hay, mình vẫn nhớ vậy mà. Cũng buồn cười, cô nàng bỏ hẳn làm thơ khi bắt đầu chuyển sang vẽ. Mà cô nàng vẽ thì có giỏi gì cho cam.”

Trước
image
Chương 2
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!