Mãi Đừng Xa Tôi

Phần 2 – Chương 24
Trước
image
Chương 24
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

Điều kỳ lạ ở chuyến đi Norfolk, đó là từ khi về đến Nhà Tranh, chẳng mấy khi chúng tôi trò chuyện về nó. Đến nỗi trong một thời gian người ta kháo nhau đủ thứ lời đồn về việc chúng tôi tới đó để làm gì. Dù vậy chúng tôi vẫn khá im lặng, cho đến khi rốt cuộc mọi người chán không quan tâm nữa.

Tôi vẫn không biết chắc tại sao như vậy. Có lẽ vì chúng tôi cảm thấy chuyện đó tùy Ruth, tùy cô quyết định kể đến chừng nào thì được, nên chúng tôi chờ cô mớm lời trước. Mà Ruth thì, vì lý do nào khác – có lẽ vì bối rối trước phần kết câu chuyện về nguyên mẫu của mình, có thể vì cô thích câu chuyện có mùi bí ẩn – mà cô hoàn toàn ngậm tăm về chủ đề đó. Ngay cả giữa chúng tôi với nhau, chúng tôi cũng tránh nói về chuyến đi ấy.

Bầu không khí bí mật đó càng dễ cho tôi không cho Ruth biết chuyện Tommy mua cho tôi cuốn băng Judy Bridgewater. Tôi không đi xa đến mức giấu hẳn chuyện đó. Cuốn băng luôn nằm đó trong bộ suy tập của tôi, trong một trong các chồng băng nhỏ của tôi bên cạnh tấm ván gỗ ghép chân tường. Nhưng tôi luôn luôn chú ý không để nó nằm một mình ở ngoài hay ở trên cùng một chồng băng. Có những lúc tôi muốn kể với Ruth lắm, những lúc tôi muốn chúng tôi vừa nghe cuốn băng vừa cùng nhớ lại Hailsham. Nhưng chuyến đi Norfolk ngày một lùi xa mà tôi vẫn chưa kể với cô, tôi lại càng cảm thấy cái bí mật kia như là một bí mật tội lỗi. Dĩ nhiên rốt cuộc thì cô cũng phát hiện ra cuốn băng, rất lâu về sau, và giá như cô tìm ra nó sớm hơn thì có lẽ tốt hơn nhiều, nhưng vận may của ta cũng có lúc xoay vần như vậy đó.

Sang xuân dường như ngày càng có nhiều cựu binh rời khỏi Nhà Tranh để bắt đầu khóa đào tạo, và mặc dù họ ra đi không ồn ào như thường lệ, nhưng con số ngày càng lớn khiến không thể nào bỏ qua họ được. Tôi không biết chắc cảm xúc của chúng tôi thế nào khi chứng kiến những sự ra đi ấy. Có lẽ trong chừng mực nào đó chúng tôi ghen tị với những người ra đi. Quả thực là có cảm tưởng như họ đang tiến về một thế giới rộng lớn hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng dĩ nhiên, không nghi ngờ gì nữa, việc họ ra đi khiến chúng tôi ngày một bứt rứt.

Thế rồi, tôi nghĩ là vào khoảng tháng Tư, Alice F. là người đầu tiên trong đám Hailsham chúng tôi ra đi, chẳng bao lâu sau Gordon C. cũng đi nốt. Cả hai đều được yêu cầu bắt đầu dự khóa đào tạo, đều ra đi với nụ cười hơn hớn, nhưng sau đó, dù sao chăng nữa, đối với bọn Hailsham chúng tôi, bầu không khí HHIIHHHHHhfdjfdsfdở Nhà Tranh đã vĩnh viễn thay đổi.

Nhiều cựu binh cũng có vẻ bị tác động bởi sự xôn xao của những cuộc ra đi, và có vẻ như hệ quả trực tiếp là lại bùng lên một đợt mới những lời đồn đại loại những gì Chrissie và Rodney đã nói. Người ta kháo nhau rằng đâu đó ở đất nước này có những học sinh đang được hoãn việc hiến tạng vì họ đã chứng minh được rằng họ yêu nhau – tuy rằng, dù chỉ đôi khi. Ấy là người ta nói đến những học sinh chẳng có mối liên hệ nào với Hailsham cả. Và ở đây nữa, năm người chúng tôi, những ai đã đến Norfolk đều rút lui khi gặp những chủ đề này: ngay cả Chrissie và Rodney, vốn từng là nhân vật trung tâm trong những cuộc trò chuyện thuộc loại đó, giờ cũng lúng túng ngoảnh đi mỗi khi nghe ai đó nhỏ to về những lời đồn kia.

“Hiệu ứng Norfolk” thậm chí còn lây cả sang tôi và Tommy. Khi mới từ Norofolk về, tôi cứ đinh ninh rằng chúng tôi sẽ tận dụng từng cơ hội nhỏ, những khi chỉ có chúng tôi với nhau, để trao đổi thêm những suy nghĩ xung quanh giả thuyết của cậu ấy về Phòng Tranh. Nhưng vì lý do nào đó – mà do tôi nhiều hơn do cậu ấy – điều đó chẳng bao giờ thực sự diễn ra. Có lẽ ngoại lệ duy nhất là cái lần trong chuồng ngỗng, buổi sáng khi Tommy cho tôi xem những con vật tưởng tượng của cậu.

Cái kho thóc mà chúng tôi gọi là chuồng ngỗng ấy nằm ở rìa ngoài của Nhà Tranh, và bởi mái nhà dột nát tả tơi, còn cửa thì thường xuyên trật bản lề nên người ta chẳng dùng nó để làm gì khác ngoài một nơi cho cái đôi vào hú hí trong những tháng ấm trời. Dạo đó tôi đâm có thói quen đi dạo lâu một mình, và có lẽ hôm đó tôi cũng vừa khởi hành một cuộc đi dạo như thế, mới đi ngang qua nhà ngỗng thì tôi nghe tiếng Tommy gọi. Tôi quay lại thấy cậu đi chân trần, đứng chống chếnh trên một mẩu đất khô xung quanh toàn những vũng nước bẩn to đùng, một tay tì lên vách nhà kho để giữ thăng bằng.

“Đôi ủng của cậu làm sao vậy hở Tommy?” tôi hỏi. Ngoài hai bàn chân trần ra, cậu mặc áo len chui đầu và quần jeans như thường lệ.

“Mình đang vẽ, cậu hiểu không…” cậu bật cười, rồi chìa ra một cuốn sổ nhỏ màu đen giống những cuốn sổ mà Keffers đi đâu cũng mang theo. Lúc đó đã là hai tháng sau chuyến đến Norfolk, nhưng vừa thấy cuốn sổ là tôi lập tức hiểu ra cậu ấy nói chuyện gì. Nhưng tôi đợi cậu nói:

“Nếu cậu thích, mình sẽ cho cậu xem, Kath ạ.”

Cậu dẫn tôi vào trong chuồng ngỗng, vừa đi vừa nhảy lò cò trên mặt sàn lởm chởm. Tôi cứ nghĩ bên trong phải tối, thế nhưng qua các cửa sổ trên mái nắng tuôn vào. Bị đẩy sát vào một bức tường là đủ thứ đồ nghề bị vứt bỏ trong suốt năm qua hay gần như vậy – bàn gãy, tủ lạnh cũ, đại loại thế. Tommy dường như đã lôi vào chính giữa phòng một chiếc sofa hai chỗ ngồi mà bông nhồi phía trong lòi cả ra ngoài lớp nhựa đen, và tôi đoán khi tôi đi ngang qua thì cậu đang ngồi đó vẽ. Ngay gần đó đôi ủng của cậu ngả chỏng chơ, trên đầu thòi ra đôi tất đá bóng của cậu.

Tommy ôm ngón chân cái, lại nhảy phóc lên chiếc sofa. “Xin lỗi, chân mình hơi thối một tí. Mình cởi hết ra mà chẳng biết. E là mình vừa tự cắt đứt tay rồi. Kath này, cậu muốn xem mấy cái này không? Ruth đã xem hồi tuần trước nên từ lúc đó mình cũng định cho cậu xem luôn. Ngoài Ruth ra thì chưa ai thấy cả. Xem tí đi Kath.”

Đó là lần đầu tiên tôi thấy những con vật của cậu ấy. Lúc cậu kể cho tôi về chúng ở Norfolk, tôi cứ hình dung chúng như là những phiên bản thu nhỏ của loại tranh chúng tôi từng vẽ khi còn bé. Cho nên tôi thực sự bất ngờ khi thấy chúng được vẽ tỉ mẩn từng chi tiết thế kia. Thật ra phải mất một hồi tôi mới nhận ra chúng là những con vật. Ấn tượng đầu tiên chẳng khác nào khi ta tháo mặt sau của chiếc radio: nào những cái ống nhỏ xíu, những đường gân xoắn bện vào nhau, những con ốc và bánh xe bé tí, tất cả đều được vẽ với sự chính xác đến độ ám ảnh, và chỉ khi đưa tờ giấy ra xa một quãng ta mới nhìn ra được đó là một con tatu chẳng hạn, hoặc một con chim.

“Cuốn thứ hai của mình đó,” Tommy nói. “Không làm gì có chuyện ai đó đã nhìn thấy cuốn đầu tiên! Phải lâu lắm mình mới vẽ tiếp được đấy.”

Giờ cậu nằm hẳn lên chiếc sofa, đang xỏ một chiếc tất vào chân và cố nói năng ra vẻ tự nhiên, nhưng tôi biết cậu đang khao khát muốn biết tôi phản ứng ra sao. Dù vậy đi nữa, mãi một hồi tôi không thốt ra được lời khen ngợi nồng nhiệt nào cả. Có lẽ một phần bởi tôi lo không biết liệu có bức vẽ nào sẽ khiến cậu lại phải chịu rắc rối nữa không. Nhưng cũng bởi những gì tôi đang xem khác quá xa bất cứ thứ gì các giám thị từng dạy chúng tôi làm ở Hailsham, nên tôi không biết phải đánh giá ra sao nữa. Tôi có nói gì đó đại loại như:

“Trời, vẽ mấy cái này chắc là phải tập trung lắm lắm Tommy nhỉ. Mình ngạc nhiên là ở chỗ thế này mà cậu vẫn nhìn rõ để vẽ mấy thứ nhỏ xíu này cơ đấy.” Thế rồi, trong khi tôi lật lật các trang, có lẽ vì tôi vẫn đang tìm một câu gì thích hợp để nói, tôi thốt ra thế này: “Mình tự nhủ không biết nếu Madame thấy những cái này thì bà ấy sẽ nói gì.”

Tôi nói thế với giọng bông đùa, và Tommy đáp lại bằng một tiếng cười khúc khích nho nhỏ, nhưng rồi có một cái gì đó lúc nãy còn chưa có giờ treo lơ lửng trong không khí. Tôi vẫn tiếp tục giở các trang trong cuốn sổ – chừng một phần tư cuốn đã được vẽ kín – mà không nhìn cậu ấy, bụng thầm mong giá như mình đừng bao giờ nhắc tới Madame. Cuối cùng tôi nghe cậu nói:

“Mình nghĩ mình còn phải vẽ tốt hơn nhiều thì mới để bà ấy xem được.”

Tôi không biết liệu đó có phải là một gợi ý để tôi có thể nói tranh của cậu đẹp đến nhường nào, nhưng cho đến lúc này tôi đâm thực sự bị cuốn hút bởi những sinh vật lạ lùng trước mắt tôi. Mặc cho cái vẻ lăng xăng rối rít và máy móc kia, mỗi con đều có một cái gì đó dịu dàng, thậm chí dễ tổn thương. Tôi nhớ lại, khi ở Norfolk cậu ấy bảo tôi rằng ngay trong khi đang tạo ra chúng, cậu đã lo không biết chúng tự vệ ra sao, chúng cầm nắm món này món nọ như thế nào, và giờ đây nhìn chúng, tôi cảm thấy được cũng một mối quan tâm đó. Dù vậy chăng nữa, vì lý do nào đó tôi không hiểu, một cái gì vẫn tiếp tục ngăn tôi thốt ra những lời khen. Rồi Tommy nói:

“Dù sao thì mình vẽ mấy con này không phải chỉ vì chuyện đó. Đơn giản mình thích vẽ chúng thôi. Mình tự hỏi liệu mình có nên vẫn giữ bí mật về chúng không, Kath ạ. Mình nghĩ nếu người ta biết mình vẽ mấy con này thì có lẽ cũng chẳng hại gì. Hannah vẫn vẽ bằng màu nước đấy thôi, nhiều cựu binh cũng vẽ vời này nọ. Ý mình không phải là mình sẽ đi khắp nơi chìa cho từng người một xem. Nhưng mình đang nghĩ, chẳng có lý do để mình cứ giữ bí mật chuyện này mãi.”

Cuối cùng tôi cũng có thể nhìn lên cậu mà nói với ít nhiều tự tin: “Tommy, chẳng có lý do nào, chẳng có một lý do nào hết. Tranh đẹp thật. Đẹp, đẹp lắm. Thực ra, nếu chỉ vì vậy mà cậu cứ giấu giấu giếm giếm ở đây thì quả là ngốc.”

Cậu chẳng đáp gì, nhưng có một cái gì như nụ cười mãn nguyện hiện ra trên mặt cậu, như thể cậu đang thưởng thức một câu đùa với chính mình, và tôi biết tôi đã làm cậu hạnh phúc đến nhường nào. Có lẽ sau đó chúng tôi không nói chuyện gì nhiều với nhau nữa. Có lẽ chẳng mấy chốc sau đó cậu đi ủng và chúng tôi ra khỏi căn chuồng ngỗng. Như tôi nói, đó hầu như là lần duy nhất trong suốt mùa xuân ấy Tommy và tôi đề cập thẳng đến giả thuyết của cậu.

Thế rồi hè sang, rồi thời điểm tròn một năm từ khi chúng tôi mới đến Nhà Tranh. Một đợt học sinh mới lại đi, xe buýt đến, hệt chúng tôi hồi năm ngoái, nhưng không ai trong số đó từ Hailsham tới cả. Vì lý do nào đó điều này làm chúng tôi nhẹ nhõm: chắc hẳn là tất cả chúng tôi đang lo rằng một đợt học sinh mới từ Hailsham đến có thể sẽ làm mọi chuyện rối tung lên. Nhưng ít nhất là với tôi, việc học sinh Hailsham không xuất hiện chỉ góp thêm vào cái cảm giác rằng Hailsham lúc này đã lùi xa vào quá khứ, rằng những mối dây gắn bó chúng tôi với hội bạn ngày xưa đang ngày một lơi dần. Không phải chỉ vì những người như Hannah cứ nói lui nói tới về chuyện noi gương Alice mà bắt đầu quá trình đào tạ: những người khác, như Laura, đã tìm thấy các bạn trai vốn không phải là dân Hailsham và bạn hầu như có thể quên mất trước kia họ từng có bao điều chung với chúng tôi.

Lại còn cái kiểu Ruth cứ giả vờ quên chuyện này chuyện nọ về Hailsham. Ừ thì hầu hết đó đều là những chuyện vặt vãnh, nhưng càng lúc tôi càng khó chịu với cô. Chẳng hạn cái lần chúng tôi đang ngồi quanh bàn bếp sau một bữa điểm tâm dài, có Ruth, tôi và vài cựu binh. Một trong các cựu binh đang nói về chuyện ăn phó mát vào ban đêm sẽ gây khó ngủ, tôi liền quay sang Ruth nói đại loại như: “Cậu có nhớ cô Geraldine vẫn luôn luôn bảo chúng mình như thế không?” Đó chỉ là một câu nói riêng vô tình, và Ruth chỉ việc mỉm cười hoặc gật đầu là đủ. Nhưng cô ấy lại cố tình ngây ra nhìn tôi, như thể chẳng hiểu đầu cua tai nheo tôi đang nói chuyện gì. Chỉ khi tôi nói với các cựu binh như để giải thích: “Đó là một trong các giám thị của chúng mình” thì Ruth mới cau mày gật đầu, như thể mãi đến đó cô mới nhớ ra.

Lần đó tôi cho qua. Nhưng lại còn một lần khác mà tôi không cho qua được, đó là buổi chiều khi chúng tôi ngồi trong cái nhà chờ xe buýt đầy gỉ sét. Tôi nổi giận vì chơi trò đó trước mặt các cựu binh là một chuyện, nhưng giở nó ra khi chỉ có hai chúng tôi với nhau, giữa một cuộc chuyện trò nghiêm chỉnh lại là chuyện khác hẳn. Tôi đã nhắc, chỉ là nhân thể, về việc ở Hailsham lối đi tắt ra chỗ ao ngang qua khoảnh đất mọc đầy cây đại hoàng là một khu vực chúng tôi không được phép đến. Khi Ruth làm bộ lúng túng ra điều chẳng hiểu gì, tôi bè bỏ phắt điều đang định nói – dù điều gì đi nữa – mà bảo thẳng: “Ruth, không thể có chuyện cậu quên được. Thành thử đừng làm bộ làm tịch như thế với mình.”

Có lẽ nếu tôi không bắt nọn cô ấy một cách gay gắt như vậy – có lẽ nếu tôi chỉ lấy đó làm trò đùa rồi vẫn nói tiếp thì cô ấy cũng sẽ nhận ra làm thế lố bịch đến nhường nào mà bật cười thôi. Nhưng vì tôi đã nổi đóa với Ruth nên cô trừng mắt lại tôi mà nói:

“Có quan trọng gì kia chứ? Cái lối đi mọc cây đại hoàng có liên quan gì đến chuyện này? Cậu đang nói gì thì cứ nói tiếp đi.”

Khi đó trời đã xế, chiều hè đang tàn dần, căn nhà đợi xe buýt cũ có vẻ mốc meo ẩm ướt sau trận bão đầy sấm chớp vừa qua. Cho nên tôi chẳng có đầu óc đâu để suy xét tại sao điều đó lại quan trọng đến vậy. Và mặc dù quả thực toi đã bỏ chuyện đó mà tiếp tục điều đang nói dở, nhưng bầu không khí đã trở nên lạnh nhạt và hầu như không giúp chúng tôi vượt qua vấn đề khó khăn đang xảy ra khi đó.

Nhưng để giải thích chúng tôi đang bàn chuyện gì chiều hôm ấy, tôi phải quay lại một chút. Thực ra, tôi phải quay trở lại tuần trước đó, về khoảng đầu hè. Lúc đó tôi đang có quan hệ với một trong các cựu binh, một cậu trai tên là Lenny, tuy thành thật mà nói mối quan hệ đó chủ yếu chỉ là tình dục. Nhưgn rồi cậu ta đột nhiên quyết định bắt đầu quá trình đào tạo và rời Nhà Tranh ra đi. Điều đó làm tôi đau khổ chút ít, và trong giai đoạn đó, Ruth rất tử tế, luôn trông nom tôi mà không lộ vẻ lăng xăng cuống quýt gì, luôn sẵn sàng làm tôi vui nếu tôi tỏ ra buồn bã. Cô ấy luôn làm những cử chỉ đẹp nho nhỏ cho tôi, chẳng hạn làm bánh xăng-uých cho tôi ăn hoặc làm thay tôi khi đến phiên tôi quét dọn.

Thế rồi khoảng nửa tháng sau khi Lenny đi khỏi, hai chúng tôi ngồi trong căn phòng áp mái của tôi, vào sau nửa đêm một chút, vừa uống trà vừa nói chuyện vãn, và Ruth làm tôi cười ngặt nghẽo về chuyện Lenny. Cậu ta không đến nỗi là một cậu trai tệ thế, nhưng khi tôi bắt đầu kể cho Ruth nghe một số điều thầm kín hơn của cậu ta thì quả thực dường như bất cứ cái gì liên quan đến cậu ta đều quá buồn cười, cho nên chúng tôi cười, cười mãi không thôi. Rồi đến một lúc Ruth lướt lướt một ngón tay lên xuống những cuốn băng cát-xét xếp thành từng chồng nhỏ dọc theo tấm ván ốp chân tường phòng tôi. Cô ấy làm vậy chỉ một cách lơ đãng trong khi vẫn tiếp tục cười, nhưng sau đó, trong một thoáng tôi nghi hoặc không biết liệu có phải đấy chỉ là tình cờ không; rằng biết đâu cô ấy đã nhận thấy nó ở đó từ nhiều hôm trước, có lẽ cô ấy thậm chí đã kiểm tra cho chắc, rồi đợi đến lúc thích hợp nhất để “phát hiện” ra nó. Nhiều năm sau, tôi nhẹ nhàng nhắc chuyện này với Ruth, cô ấy dường như không hiểu tôi đang nói gì, nên có thể tôi đã lầm. Tuy nhiên, khi chúng tôi đang cười ngặt nghẽo mỗi khi tôi lộ ra một chi tiết khác về anh chàng Lenny tội nghiệp thì đột ngột tất cả như cái phích cắm bị rút ra vậy. Ruth ở đó, nằm nghiêng trên tấm chăn của tôi mà săm soi mặt lưng các cuốn băng trong ánh sáng mờ mờ, thế rồi cuốn Judy Bridgewater đã nằm đó trong tay cô. Sau một lúc tưởng chừng dài vô tận, cô ấy nói:

“Cậu có lại cuốn băng này bao lâu rồi?”

Tôi bảo cô ấy, bằng giọng càng trung tính càng tốt, rằng Tommy và tôi đã tình cờ thấy nó hôm cô ấy đi cùng những người khác ở Norfolk. Cô ấy tiếp tục săm soi cuốn băng, rồi nói:

“Vậy là Tommy tìm ra nó cho cậu?”

“Không. Mình tìm ra. Mình thấy nó đầu tiên.”

“Các cậu chả ai kể với mình cả,” cô nhún vai. “Ít nhất, dù cậu có kể, mình cũng chưa hề nghe.”

“Chuyện Norfolk là đúng đấy,” tôi nói. “Cậu biết đấy, rằng ở Anh hễ mất gì cứ đến đó tìm là thấy ấy mà.”

Tôi chợt thoáng có ý nghĩ Ruth sẽ vờ không nhớ khi tôi nhắc đến chuyện này, nhưng cô gật đầu với vẻ tư lự.

“Lẽ ra lần đó mình phải nhớ,” cô ấy nói. “Có khi mình cũng tìm được cái khăn choàng đỏ không chừng.”

Cả hai chúng tôi bật cười và cảm giác ngượng nghịu dường như qua. Nhưng trong cung cách Ruth cất cuốn băng vào chỗ cũ mà không nói gì thêm về nó có cái gì đó khiến tôi nghĩ chuyện này chưa phải đã kết thúc.

Tôi không biết có phải chiều hướng cuộc trò chuyện sau đó là do Ruth dẫn dắt dưới ánh sáng của điều cô ấy vừa khám phá hay không, hay dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ trò chuyện theo hướng đó và chỉ về sau Ruth mới nhận ra mình có thể dẫn dắt nó như cô ấy đã làm. Chúng tôi quay lại nói về Lenny, nhất là nói rất nhiều về chuyện anh ta làm tình thế nào, và chúng tôi lại phá lên cười ngặt nghẽo. Đến lúc đó hẳn là tôi đã thấy nhẹ nhõm rằng rốt cuộc cô ấy đã tìm ra cuốn băng mà không làm toáng lên, có lẽ vì vậy mà tôi không được thận trọng trong khi lẽ ra đã có thể thận trọng hơn. Bởi vì chẳng mấy chốc chúng tôi đã chuyển từ cười chuyện Lenny sang cười chuyện Tommy. Đầu tiên có vẻ như đó chỉ là cười đùa với ý tốt thôi, như thể chúng tôi chỉ đang tỏ ra yêu mến cậu ấy. Nhưng rồi chúng tôi quay sang cười những con vật của cậu.

Như tôi nói, tôi chưa bao giờ biết chắc liệu có phải Ruth cố tình dẫn dắt câu chuyện đến chỗ đó không. Công bằng mà nói, thậm chí tôi còn không chắc có phải cô ấy là người đầu tiên nhắc tới những con vật hay không nữa. Và khi đã bắt đầu cười chúng, tôi cười cũng ngặt nghẽo như cô ấy – về chuyện một con trông như đang mặc quần lót, một con khác thì trông như lấy cảm hứng từ một con nhím bị bóp cho bẹp dúm. Hẳn là, vào một lúc nào đó giữa câu chuyện, đúng ra tôi đã phải nói rằng những con vật ấy đẹp, rằng cậu ấy vẽ được đến thế thì thực sự là giỏi. Nhưng tôi không nói. Một phần là bởi cuốn băng; và có thể, nếu phải nói thành thực, là bởi tôi lấy làm vui khi thấy Ruth không coi trọng những con vật ấy, và những gì chúng hàm chứa bên trong. Tôi nghĩ rằng khi rốt cuộc cũng chia tay để đi ngủ, chúng tôi cảm thấy thân thiết với nhau như tự hồi nào. Khi đi ra, cô ấy vuốt má tôi, nói: “Cậu lúc nào cũng vui vẻ phấn chấn thế này là tốt lắm Kathy ạ.”

Thành thử tôi đã hoàn toàn không chuẩn bị để đón nhận những gì xảy ra tại sân nhà thờ sau đó mấy hôm. Mùa hè đó Ruth đã phát hiện ra một nhà thờ nhỏ đáng yêu cách Nhà Tranh khoảng nửa dặm, đằng sau có những khoảnh đất để đi dạo với những bia mộ rất xưa ngả nghiêng trong cỏ. Chỗ đó cái gì cũng mọc um tùm, nhưng thật là yên tĩnh nên Ruth rất hay đọc sách ở đó, gần hàng tay vịn phía sau, trên băng ghế dưới một cây liễu lớn. Ban đầu tôi không tha thiết gì lắm với cái vụ mới này, bởi tôi nhớ mùa hè trước cả bọn chúng tôi vẫn thường ngồi trên cỏ ngay bên ngoài Nhà Tranh. Mặc dù vậy, mỗi khi tôi đi dạo về hướng đó mà lại biết rằng Ruth chắc đang ở đó, thể nào tôi cũng sẽ lại băng qua cánh cổng thấp bằng gỗ, dọc theo đường mòn cây cối um tùm, ngang qua các bia mộ. Chiều hôm ấy trời ấm và lặng gió, tôi đang đi dọc theo lối mòn trong tâm trạng mơ màng, vừa đi vừa đọc những cái tên trên bia mộ, thì chợt thấy không chỉ Ruth mà cả Tommy đang ngồi trên băng ghế dưới cây liễu.

Trước
image
Chương 24
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!