Mãi Đừng Xa Tôi

Phần 3 – Chương 27
Trước
image
Chương 27
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

Nói chung, việc làm người chăm sóc rất hợp với tôi. Thậm chí có thể nói, công việc đó làm tôi phát huy được những gì tốt đẹp nhất của mình. Nhưng có một số người đơn giản không sinh ra để làm việc đó, đối với họ làm người chăm sóc là cả một trận chiến đấu thật cam go. Ban đầu họ khởi sự cũng khá khả quan, nhưng sau đó thì với cái thời kỳ hầu như lúc nào cũng chỉ khổ sở và lo lắng. Và sớm muộn gì một người hiến cũng sẽ không qua được, thậm chí dù đó chỉ mới là lần hiến tạng thứ hai nên không ai tiên liệu được các biến chứng. Khi một người hiến đi đến kết cục như vậy, hoàn toàn đột ngột, thì dù sau đó các y tá có nói gì với ta, dù người ta viết thư bảo họ tin chắc rằng ta đã làm hết sức mình và động viên ta tiếp tục làm việc tốt thì cũng chẳng còn gì quan trọng lắm nữa. Ít nhất là trong một thời gian ta sẽ bị mất tinh thần. Một vài người trong chúng tôi học được khá nhanh cách làm sao để qua được cái đận đó. Song những người khác – Laura chẳng hạn – thì chẳng bao giờ học được.

Rồi lại còn nỗi cô đơn nữa. Từ nhỏ đến lớn ta đã quen xung quanh lúc nào cũng đông người, ta chỉ quen có mỗi thế thôi, thế rồi đột nhiên ta thành người chăm sóc. Suốt giờ này sang giờ khác ta một thân một mình lái xe qua khắp nước, từ trung tâm này đến trung tâm nọ, bệnh viện này đến bệnh viện kia, ngủ trong nhà trọ qua đêm, chẳng có ai để thổ lộ những nỗi niềm lo lắng của ta, chẳng có ai để ta cười đùa với cả. Chỉ đôi khi ta mới tình cờ gặp một học sinh mà ta biết – một người chăm sóc hay một người hiến mà ta nhận ra là người quen từ xưa – nhưng rồi cũng chẳng bao giờ có nhiều thì giờ. Ta luôn luôn vội vàng, không thì cũng kiệt quệ chẳng còn hơi sức đâu để trò chuyện cho ra hồn nữa. Chẳng mấy chốc, những giờ dài đằng đẵng, tất cả len lỏi vào trong bản thể ta, trở thành một phần của ta, khiến cho ai cũng thấy, trong dáng điệu ra, cái nhìn của ta, cách đi kiểu nói của ta.

Tôi không nói rằng tôi đã trở nên miễn dịch với tất cả những điều đó, nhưng tôi đã học được cách sống chung với nó. Tuy nhiên, với một số người chăm sóc, toàn bộ cái trạng thái đó khiến họ ngã lòng. Ta có thể thấy nhiều người trong số họ đơn giản chỉ làm cho ra vẻ có làm, vừa làm vừa đợi cái ngày người ta bảo họ thôi làm người chăm sóc mà trở thành người hiến. Bản thân tôi cũng bị tác động theo khi quá nhiều người trong số họ “giật mình chùn lại” ngay khi họ bước chân vào bệnh viện. Họ không biết nói gì với những người mặc áo choàng trắng, họ không sao mở mồm nói năng thay cho người hiến của mình. Chẳng lạ rằng rốt cuộc họ đâm thất vọng và tự trách mình khi mọi chuyện không suôn sẻ. Tôi cố gắng không quấy rầy, nhũng nhiễu ai, nhưng tôi hình dung làm cách nào để người ta nghe được tiếng nói của mình khi tôi cần phải làm vậy. Và những khi mọi chuyện không suôn sẻ, dĩ nhiên là tôi đau khổ, nhưng ít nhất tôi có thể cảm thấy mình đã làm hết sức để duy trì mọi sự đúng theo triển vọng của nó.

Ngay cả nỗi cô đơn, tôi cũng thực sự đâm ra gần như thích nó. Nói vậy không có nghĩa là tôi không mong tìm được thêm chút bạn đồng hành khi sắp đến cuối năm và tôi sẽ thôi không làm những việc này nữa. Nhưng tôi thực sự thích cái cảm giác chui vào trong chiếc xe nho nhỏ của mình, biết rằng trong khoảng hai, ba tiếng đồng hồ tới tôi sẽ chỉ có những con đường, bầu trời cao rộng màu xám và những mộng mơ của tôi làm bầu bạn. Và nếu tôi đến một thị trấn đâu đó nơi tôi có vài phút rảnh rang, tôi lại lang thang khắp nơi, nhìn vào cửa sổ các cửa hàng. Nơi đây trong phòng khách kiêm phòng ngủ của mình tôi có bốn chiếc đèn bàn, mỗi chiếc một màu, nhưng tất cả đều cùng kiểu dáng – đều có cái cổ bằng chất dẻo để ta có thể uốn chiều nào cũng được. Cho nên có thể tôi lại sẽ tìm một cửa hàng có trưng bày một cây đèn nữa giống như vậy – không phải để mua, mà chỉ là để so sánh với những cây tôi đã có ở nhà.

Đôi khi tôi đắm mình làm bầu bạn của chính mình đến nỗi nếu tình cờ gặp ai đó mà tôi biết, đó thực sự là một cú sốc và tôi phải mất một lát để thích nghi. Tâm trạng tôi cũng y như vậy vào cái buổi sáng khi tôi đang đi bộ ngang qua bãi đỗ xe lộng gió của trạm xăng thì chợt thấy Laura ngồi sau tay lái một trong những chiếc xe đỗ ở đó, nhìn mông lung ra đường cái. Tôi vẫn còn cách một quãng, và thậm chí dù từ hồi ở Nhà Tranh cách đó bảy năm hai chúng tôi không gặp lại nhau, trong khoảng một giây tôi chỉ muốn cứ lờ cô ấy mà đi thảng. Một phản ứng thật kỳ quặc, tôi biết, nếu xét rằng cô ấy từng là một trong những bạn thân nhất của tôi. Như tôi nói, có lẽ một phần là bởi tôi không muốn bị lôi ra khỏi những cơn mơ mộng của mình. Nhưng tôi nghĩ chắc cũng còn bởi khi thấy Laura ngồi thu lu trong xe như vậy; tôi lập tức nhận ra rằng cô ấy đã trở thành một trong những người chăm sóc mà tôi vừa ô tả ở trên, và một phần trong tôi không muốn tìm hiểu thêm nhiều về điều đó.

Nhưng dĩ nhiên tôi đã lại gần cô ấy. Có một làn gió lạnh quất vào tôi trong khi tôi lại gần chiếc xe có cửa đằng đuôi của cô ấy, đỗ cách xa hẳn những chiếc xe khác. Laura mặc một chiếc áo có mũ trùm đầu màu xanh dương thật quái gở, còn tóc cô ấy – cắt ngắn hơn trước nhiều – thì dính bết vào trán. Khi tôi gõ tay lên cửa sổ xe, cô ấy không giật mình, thậm chí không tỏ vẻ ngạc nhiên dù đã lâu lắm rồi chúng tôi không gặp lại nhau. Gần như thể cô ấy đang ngồi đó đợi, nếu không phải đích xác là đợi tôi thì cũng đợi một ai đó ít nhiều giống tôi từ những ngày xưa. Và giờ khi tôi xuất hiện, ý nghĩ đầu tiên của cô ấy dường như là “Rốt cuộc cũng đến!” Bởi tôi thấy vai cô ấy chuyển động như thể cô ấy đang thở dài, chẳng ồn ào gì thêm, cô ấy với tay mở cửa cho tôi.

Chúng tôi trò chuyện trong khoảng hai mươi phút: tôi chỉ chia tay cô ấy khi không thể nán lại thêm giây nào nữa. Phần lớn là nói về cô ấy, về chuyện cô ấy kiệt sức thế nào, một trong những người hiến của cô ấy tình trạng đang gay go ra sao, cô ấy căm ghét đến đâu cô y tá này hay ông bác sĩ nọ. Tôi đợi thấy một thoáng nào đó của bạn Laura ngày xưa, với nụ cười tinh quái và những lời lém lỉnh không thể thiếu, song những cái đó không xuất hiện. Cô ấy nói nhanh hơn hồi trước, và mặc dù cô ấy vui khi gặp tôi, đôi khi tôi có ấn tượng rằng nếu không phải tôi mà là ai đó khác thì cũng chẳng quan trọng lắm chừng nào cô ấy còn muốn trò chuyện.

Có lẽ cả hai chúng tôi đều cảm thấy có gì đó nguy hiểm khi khơi lại những ngày xưa, bởi đã lâu lắm rồi chúng tôi tuyệt đối tránh nhắc tới chúng. Tuy nhiên, rốt cuộc thì chúng tôi tự dưng đều nói về Ruth, Laura đã tình cờ gặp Ruth ở một bệnh viện trước đây vài năm, khi Ruth còn làm người chăm sóc. Tôi bắt đầu gặng hỏi Laura xem lúc đó Ruth thế nào, nhưng xem ra Laura cứ mãi không sẵn sàng nói, đến nỗi cuối cùng tôi bảo:

“Kìa, nhất định là các cậu phải trò chuyện về một cái gì đó chứ.”

Laura thở một hơi dài. “Cậu biết sao rồi đấy,” cô ấy nói. “Chúng mình đứa nào cũng vội.” Rồi cô nói thêm: “Dù sao thì chúng mình đã không chia tay nhau như những bạn thân, như hồi còn ở Nhà Tranh. Thành thử gặp lại nhau có lẽ chúng mình không lấy gì làm vui vẻ.”

“Mình không biết là cậu cũng có cãi nhau với cậu ấy đấy,” tôi nói.

Cô ấy nhún vai. “Chẳng có gì to tát cả. Cậu nhớ hồi đó cậu ấy ra sao rồi. Có chăng là sau khi cậu đi rồi, cậu ấy còn đâm ra tệ hơn. Cậu biết đó, bao giờ cũng chỉ bảo người ta làm cái này làm cái nọ. Thành thử mình cạch mặt cậu ấy luôn, thế thôi. Chúng mình chẳng hề đánh nhau to hay gì gì cả. Vậy từ đó cậu cũng chưa gặp lại cậu ấy à?”

“Không. Cũng lạ, thậm chí thoáng gặp cậu ấy cũng không nốt.”

“Ừ, lạ thật. Chắc cậu đã nghĩ thế nào cả lũ chúng mình cũng sẽ tình cờ gặp nhau thường hơn thế nhiều. Mình có gặp Hannah vài lần. Michael H. cũng vậy.” Rồi cô ấy nói: “Mình nghe đồn là lần hiến tạng đầu của Ruth tệ lắm. Chỉ là tin đồn thôi, nhưng mình nghe không chỉ một lần.”

“Mình cũng có nghe,” tôi nói.

“Tội nghiệp Ruth.”

Chúng tôi im lặng một thoáng. Rồi Laura hỏi: “Có đúng vậy không hở Kathy? Có đúng là bây giờ người ta cho cậu tự chọn người hiến tạng không?”

Cô ấy không hỏi bằng giọng buộc tội như đôi khi người ta hỏi, nên tôi gật đầu nói: “Không phải lần nào cũng vậy. Nhưng mình đã làm tốt với một vài người hiến, cho nên thỉnh thoảng mình cũng được tự chọn lấy.”

“Nếu có thể tự chọn thì tại sao cậu không làm người chăm sóc cho Ruth?” Laura hỏi.

Tôi nhún vai. “Mình có nghĩ tới chuyện đó. Nhưng mình không chắc liệu đó có phải là một ý hay không.”

Laura có vẻ bối rối. “Nhưng cậu với Ruth thân nhau lắm mà.”

“Ừ, mình nghĩ vậy. Nhưng cũng như thân với cậu thôi, Laura. Nói gì thì nói, cậu ấy với mình cũng không phải bạn chí thân đến thế.”

“Ồ, nhưng đó là hồi trước. Giờ thì cậu ấy đang lúc gay go. Mình còn nghe nói cậu ấy còn gặp rắc rối với những người chăm sóc nữa. Người ta cứ phải thay người chăm sóc cho cậu ấy suốt.”

“Thật ra cũng chẳng lạ,” tôi nói. “Cậu có tưởng tượng được không? Làm người chăm sóc Ruth ấy à?”

Laura bật cười, và trong khoảng một giây có một ánh nhìn hiện lên trong mắt cô khiến tôi nghĩ rốt cuộc thì cô cũng sắp sửa nói đùa đây. Nhưng rồi ánh sáng đó lại tắt, và cô lại tiếp tục ngồi đó, dáng vẻ mệt mỏi.

Chúng tôi trò chuyện thêm một chút về những khó khăn của Laura, đặc biệt là về một nữ y tá dường như có ý đồ chơi xấu cô. Thế rồi đến lúc tôi phải đi, và tôi vừa với tay mở cửa vừa nói với Laura rằng lần sau gặp nhau chúng tôi sẽ trò chuyện nhiều hơn. Nhưng cả hai chúng tôi khi đó đều nhận thức sâu sắc về một điều gì đó mà chúng tôi chưa nhắc tới, và tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều cảm thấy có gì đó không ổn khi chúng tôi chia tay như vậy. Thực sự là, giờ thì tôi khá tin chắc vào khoảnh khắc đó, tâm trí chúng tôi đang đi chính xác theo chiều hướng như vậy. Rồi cô ấy nói:

“Lạ thật. Cứ nghĩ là giờ tất cả đã qua rồi.”

Tôi xoay người trên ghế để lại đối diện với cô ấy. “Ừ, lạ thật,” tôi nói. “Mình không thể thực sự tin là nó không còn nữa.”

“Lạ quá,” Laura nói. “Mình cứ nghĩ bây giờ nó chẳng còn ý nghĩa gì với mình nữa. Nhưng vì sao đó nó vẫn còn.”

“Mình hiểu ý cậu.”

Chính những lời trao đổi đó, khi rốt cuộc chúng tôi cũng nhắc đến việc đóng cửa Hailsham, đã đột nhiên khiến chúng tôi lại cảm thấy thân thiết với nhau, và chúng tôi ôm nhau, hoàn toàn tự phát, không hẳn để an ủi nhau mà là một cách để khẳng định Hailsham, khẳng định rằng nó vẫn còn ở đó trong ký ức cả hai. Thế rồi tôi buộc phải vội vã trở lại xe mình.

Tôi bắt đầu nghe những lời đồn về việc đóng cửa Hailsham trước cuộc gặp đó với Laura tại bãi đỗ xe chừng một năm. Tôi đang nói chuyện với một người hiến hay một người chăm sóc và họ nhắc đến chuyện đó chỉ ngẫu nhiên thôi, như thể họ cho rằng tôi đã biết chuyện. “Hồi xưa chị cũng ở Hailsham phải không? Chuyện đó có thật không?” Đại loại vậy. Rồi một hôm khi tôi đang từ một bệnh viện ở Suffolk đi ra thì tình cờ gặp Roger C. học sau chúng tôi một khóa, cậu ấy nói với tôi rằng chuyện đó hoàn toàn chắc chắn sẽ xảy ra. Hailsham sắp bị đóng cửa bất cứ lúc nào, người ta có kế hoạch bán ngôi nhà và sân vườn cho một tập đoàn khách sạn. Tôi nhớ phản ứng đầu tiên của mình khi được cậu ta cho biết chuyện đó. Tôi đã nói: “Nhưng còn các học sinh sẽ ra sao?” Roger rõ là cho rằng ý tôi muốn nói những học sinh vẫn đang ở đó, các học sinh nhỏ vốn vẫn lệ thuộc vào giám thị, nên cậu ta mới lấy vẻ mặt lo âu và bắt đầu đoán già đoán non rằng các em sẽ phải chuyển đến những ngôi nhà khác trong vùng, thậm chí dù một số trong đó rất xa Hailsham đi nữa. Nhưng dĩ nhiên ý tôi không phải vậy. Tôi muốn nói về tất cả các học sinh đã lớn lên cùng tôi và giờ đây đang tản mác ra khắp nước, làm người chăm sóc hoặc người hiến, tất cả giờ đây cách xa nhau song bằng cách nào đó vẫn còn gắn bó với nhau bởi nơi xuất xứ của chúng tôi.

Ngay đêm đó, trong khi cố dỗ giấc ngủ trong một nhà trọ qua đêm, tôi cứ miên man nghĩ về một chuyện đã xảy ra với tôi trước đó mấy ngày. Lúc đó tôi đang ở một thị trấn ven biển tại North Wales. Trời mưa to suốt ngày, nhưng sau bữa trưa thì mưa tạnh và mặt trời ló ra một chút. Tôi đang đi bộ quay về nơi đỗ xe, dọc theo một trong những con đường dài thẳng tắp quay ra biển. Xung quanh gần như chẳng có ai, nên tôi có thể thấy một hàng tảng đá lát đường ướt át trải ra liên tục trước mắt. Thế rồi lát sau một chiếc xe tải nhỏ đỗ lại, trước mặt tôi có lẽ gần ba mươi mét, và một người ăn mặt như chú hề bước ra. Ông ta mở cửa sau lấy ra một chùm bóng bay bơm khí heli, chừng một tá, rồi, một tay cầm chùm bóng, ông ta lại khom người xuống dùng tay kia khua khoắng trong xe một hồi. Khi lại gần, tôi thấy các quả bóng đều có vẽ mặt và tai, trông chúng như một bộ lạc nho nhỏ bồng bềnh trong không khí trên đầu ông chủ, đợi ông ta.

Thế rồi chú hề thẳng người dậy, đóng cửa xe rồi bắt đầu đi, cùng hướng với tôi, trước tôi chừng vài bước, một tay xách một cái va li nhỏ, tay kia cầm chùm bóng. Con đường ven bờ biển vẫn tiếp tục dài, thẳng tắp, và tôi đi sau ông ta dường như lâu tới hàng thế kỷ. Đôi khi tôi thấy lúng túng vì điều ấy, thậm chí tôi cứ nghĩ chú hề có thể quay lại nói gì đó với tôi. Nhưng vì đó là lối tôi phải đi nên tôi không thể làm gì khác cả. Thế là chúng tôi cứ tiếp tục đi, chú hề và tôi, đi mãi dọc vỉa hè vắng tanh vắng ngắt vẫn còn ướt át từ buổi sáng, suốt thời gian đó những quả bóng cứ bập bồng và từ trên cao cười toe toét với tôi. Tôi cứ thấy nắm tay của người đàn ông luôn, nơi các dây buộc bóng túm tụm vào nhau, tôi có thể thấy ông ta đã cẩn thận xoắn những sợi dây vào nhau cho chắc ăn, lại còn nắm rất chặt nữa. Song dù vậy tôi vẫn cứ lo ngộ nhỡ một trong các sợi dây sẽ tuột ra và một quả bóng sẽ bay bổng lên bầu trời đầy mây kia.

Đêm đó, nằm thức trắng sau khi nghe điều Roger kể với tôi, tôi cứ nhìn thấy những quả bóng đó mãi. Tôi nghĩ đến việc Hailsham đóng cửa, điều đó như thể có người lại gần cầm trong tay một chiếc kéo xén lông cừu mà cắt đứt các sợi dây giữ những quả bóng ngay ở chỗ chúng xoắn vào nhau phía trên nắm tay người đàn ông. Khi điều đó xảy ra, thì việc các quả bóng kia thuộc về nhau sẽ chẳng còn ý nghĩa thực sự nào nữa cả. Khi kể cho tôi nghe tin tức về Hailsham, Roger có nhận xét rằng theo cậu ta, chuyện đó không có ý nghĩa gì lắm với những người như chúng tôi nữa. Theo cách nào đó, có lẽ cậu ta nói đúng. Nhưng thật nản lòng khi nghĩ rằng ở đó mọi chuyện không còn đang diễn ra như trước giờ vẫn vậy; rằng những người như cô Geraldine chẳng hạn, lúc này không phải đang dẫn các lớp Cao đi quanh Sân chơi phía Bắc nữa.

Trong những tháng sau cuộc trò chuyện đó với Roger, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện đó, về chuyện Hailsham đóng cửa và những gì bao hàm trong chuyện ấy. Và tôi bắt đầu hiển ra, trước nay có nhiều chuyện tôi vẫn cho rằng mình còn khối thì giờ để khi nào thu xếp được sẽ làm, nhưng có lẽ giờ tôi phải làm nhanh lên, không thì sẽ để chúng qua đi mãi mãi. Không hẳn là tôi đâm hoảng loạn. Nhưng chắc chắn là việc Hailsham không còn nữa đã làm dịch chuyển tất cả mọi thứ quanh chúng tôi. Chính vì vậy mà khi Laura nói với tôi hôm nọ về chuyện tôi nên làm người chăm sóc cho Ruth, điều đó có tác động đến tôi như vậy, mặc dù ngay khi đó tôi lảng tránh trả lời. Hầu như một phần trong tôi đã có quyết định đó rồi, và lời của Laura đơn giản chỉ kéo bỏ một bức màn trước đó vẫn đang che phủ nó.

Lần đầu tiên tôi đến trung tâm phục hồi của Ruth tại Dover – một trung tâm hiện đại, tường toàn lát gạch men trắng – là chỉ vài tuần sau cuộc trò chuyện với Laura. Dạo đó là khoảng hai tháng sau khi Ruth hiến tạng lần đầu – cuộc hiến tạng mà, như Laura nói, đã diễn ra hoàn toàn không suôn sẻ. Khi tôi đi vào phòng Ruth, cô ấy đang mặc quần áo ngủ ngồi trên mép giường và cười rạng rỡ với tôi. Cô ấy đứng dậy ôm tôi, nhưng hầu như lại ngồi xuống. Cô ấy bảo trông tôi khỏe mạnh hơn bao giờ hết, rằng kiểu tóc của tôi hợp với tôi lắm. Tôi cũng nói những điều tốt đẹp về cô ấy, và trong khoảng nửa tiếng đồng hồ sau tôi nghĩ chúng tôi đã thực sự vui khi gặp lại nhau. Chúng tôi nói về đủ thứ chuyện – về Hailsham, về Nhà Tranh, về những gì chúng tôi làm hồi còn ở đó – và có cảm giác chúng tôi có thể trò chuyện như thế mãi. Nói cách khác, đó quả thật là một khởi đầu đầy khích lệ – tôi không dám chờ đợi là sẽ tốt đẹp đến thế.

Dù có vậy đi nữa, lần đầu tiên đó chúng tôi không nói gì về việc chúng tôi đã chia tay ra sao. Có lẽ nếu chúng tôi nhắc đến chuyện đó từ đầu thì mọi việc đã diễn ra một cách khác rồi, ai biết được? Có thể nói chúng tôi đơn giản là bỏ qua chuyện đó, và khi đã trò chuyện được một hồi, dường như chúng tôi đã cùng thỏa thuận sẽ vờ như chưa từng có chuyện gì như thế xảy ra.

Nếu chỉ về cuộc gặp đầu tiên thì như vậy có lẽ cũng tốt. Nhưng một khi tôi đã chính thức trở thành người chăm sóc của Ruth và tôi bắt đầu gặp cô ấy thường xuyên, cái cảm giác có gì không ổn cứ ngày một mạnh mẽ hơn. Tôi dần dần có thói quen đến thăm Ruth mỗi tuần ba, bốn lần vào cuối buổi chiều, và lẽ ra điều đó phải thật tuyệt, nhưng ban đầu hoàn toàn chẳng có chút gì như vậy. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện về cái gì đó, cái gì đó hoàn toàn vô hại, thế rồi chẳng vì lý do gì rõ rệt cuộc trò chuyện khựng lại. Hoặc nếu chúng tôi làm thế nào đó mà vẫn duy trì cuộc chuyện trò, thì càng nói lâu nó lại càng trở nên giả tạo và giữ kẽ.

Thế rồi một chiều nọ, tôi đang đi dọc hành lang để đến thăm Ruth thì nghe có tiếng người trong buồng tắm đối diện phòng cô ấy. Tôi đoán hẳn là Ruth đang ở trong đó, nên tôi liền vào phòng cô, vừa đứng đợi cô vừa ngắm quang cảnh từ cửa sổ trông ra những mái nhà. Chừng năm phút trôi qua, cô bước vào, mình quấn khăn tắm. Nói thật ra thì cô cứ nghĩ phải một tiếng đồng hồ nữa tôi mới tới, thêm nữa tôi cho rằng ai trong chúng ta cũng cảm thấy có phần bị tổn thương khi phải phơi mình ra trước kẻ khác khi trên người độc một chiếc khăn tắm. Nhưng dù vậy, cái nhìn hoảng hốt thoáng qua mặt cô khiến tôi giật thót người. Tôi cứ nghĩ cô sẽ chỉ hơi ngạc nhiên thôi. Nhưng thực tế là sau khi đã định thần lại và nhận ra đó là tôi, thì trong vòng hẳn một giây, có khi hơn, cô ấy cứ nhìn tôi chăm chăm, nếu không phải một cách sợ hãi thì cũng một cách đề phòng thực sự. Như thể từ lâu nay cô vẫn đợi mãi, đợi tôi làm một chuyện gì đó với cô, và cô nghĩ giờ đã đến lúc rồi.

Chỉ một khoảnh khắc sau cái nhìn đó biến mất và chúng tôi lại xử sự như bình thường, nhưng sự cố đó khiến cả hai chúng tôi choáng váng. Nó khiến tôi nhận ra rằng Ruth không tin tôi, và theo như tôi hiểu thì bản thân Ruth mãi đến khoảnh khắc đó mới nhận ra điều ấy. Dù thế nào đi nữa, sau ngày hôm đó, bầu không khí càng trở nên tồi tệ. Như thể chúng tôi vừa để một cái gì đó lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, và chẳng những không hề làm trong sạch bầu không khí, nó lại càng khiến chúng tôi nhận thức được hơn bao giờ hết về tất cả những gì đã xảy ra giữa chúng tôi. Tới mức mà mỗi lần đi thăm cô ấy, trước đó tôi phải ngồi trong xe vài phút, chuẩn bị tinh thần cho thử thách cam go. Sau một trong những buổi thăm thường lệ, sau khi chúng tôi tiến hành hết các thử nghiệm trong sự im lặng nặng trịch của Ruth, sau đó thì hai chúng tôi ngồi và lại càng lặng thinh hơn nữa, tôi đã muốn báo cáo ngay cho người ta rằng việc này không ổn, rằng tôi nên thôi không làm người chăm sóc cho Ruth nữa. Nhưng rồi mọi chuyện lại thay đổi một lần nữa, ấy là bởi chiếc thuyền.

Có Trời biết làm thế nào những chuyện như vậy lại có tác dụng. Đôi khi nó chỉ là một câu đùa nào đó, đôi khi là một tin đồn. Nó chu du từ trung tâm này đến trung tâm khác, chỉ trong một ngày đã lan ra khắp nước, và rồi đột nhiên người hiến nào cũng nhắc. Lần này thì nó liên quan tới con thuyền. Lần đầu tiên tôi nghe chuyện đó là từ một cặp vợ chồng người hiến mà tôi chăm sóc ở North Wales. Thế rồi mấy hôm sau, Ruth cũng bắt đầu kể chuyện đó cho tôi nghe. Tôi đến nhẹ cả người khi rốt cuộc chúng tôi cũng tìm được một chuyện gì đó để nói, và khuyến khích cô ấy kể.

“Cái cậu trai ở tầng kế ấy,” cô nói. “Người chăm sóc của cậu ta có nhìn thấy nó thật. Anh ta nói nó ở không xa đường cái, nên ai cũng có thể đến tìm dễ dàng. Cái thuyền ấy, nó nằm ngay đó, bị mắc cạn giữa đầm lầy.”

“Làm sao nó lại lạc vào đó được?” tôi hỏi.

“Làm sao mình biết được? Có lẽ người ta muốn vứt nó đi, chủ của nó ấy. Hoặc có thể từng có thời chỗ đó ngập nước cả, nó chỉ dạt vào rồi bị mắc cạn. Ai mà biết? Người ta cho rằng nó là một thuyền đánh cá cũ. Có một buồng nhỏ đủ cho hai ngư dân rúc vào nếu trời bão.”

Những lần sau tôi đến thăm cô ấy, cô ấy luôn tìm cách gợi lại chuyện cái thuyền. Thế rồi một chiều nọ, khi cô bắt đầu kể cho tôi nghe rằng một trong số những người hiến khác tại trung tâm đã được người chăm sóc của cô ta chở đi xem, tôi liền bảo:

“Này, có phải gần lắm đâu. Phải lái xe mất một giờ, có khi một giờ rưỡi cơ đấy.”

“Mình có gợi ý gì đâu. Mình biết cậu còn phải lo cho những người hiến khác nữa mà.”

“Nhưng mình biết cậu rất muốn đi xem. Cậu muốn đi xem cái thuyền ấy, phải không hở Ruth?”

“Chắc vậy. Chắc là mình thích. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ phải ở đây mãi. Ừ, nếu được đi xem cái gì đó như vậy thì cũng hay.”

“Thế cậu có cho là,” tôi nói một cách nhẹ nhàng, hoàn toàn không có ý mỉa mai, “nếu chúng mình đã lái xe đi xa như vậy thì có nên nghĩ đến việc ghé thăm Tommy không? Thăm trung tâm của cậu ấy, ở ngay dưới con đường chỗ người ta nói là có cái thuyền ấy?”

Ban đầu khuôn mặt Ruth không tỏ vẻ gì. “Chắc là chúng mình có thể nghĩ đến chuyện đó”, cô nói. Đoạn cô bật cười mà nói thêm: “Thật tình mà nói, Kath à, đó không phải là lý do duy nhất để mình nhắc đi nhắc lại chuyện cái thuyền đâu. Mình muốn đi xem cái thuyền, đơn giản là đi xem nó, thế thôi. Chứ cứ vào vào ra ra bệnh viện thế này. Rồi chết dí ở đây. Những chuyện như vậy bây giờ có ý nghĩa hơn nhiều so với trước kia. Nhưng được rồi, đúng là mình biết. Mình có biết rằng Tommy đang ở tại trung tâm Kingsfield.”

“Có chắc là cậu muốn gặp cậu ấy không?”

“Có,” cô ấy nói, không hề do dự, mắt nhìn thẳng vào tôi. “Có, mình muốn.” Rồi cô ấy nói khẽ: “Đã lâu lắm mình không gặp anh chàng ấy. Từ hồi Nhà Tranh đến giờ.”

Thế rồi chúng tôi cũng trò chuyện về Tommy. Chúng tôi không đề cập đến mọi chuyện trên bình diện rộng, nên tôi cũng không biết thêm được nhiều điều chưa biết. Nhưng tôi cho rằng hai chúng tôi đều thoải mái hơn vì cuối cùng cũng đề cập đến cậu ấy. Ruth bảo tôi rằng đến khi cô ấy rời Nhà Tranh vào mùa thu sau khi tôi đã ra đi, cô và Tommy đã ít nhiều xa cách nhau rồi.

“Bởi dù thế nào chúng mình cũng mỗi người đi một nơi để được đào tạo nên hình như chia tay cho hợp thức cũng chẳng để làm gì,” cô nói. “Cho nên chúng mình cứ vậy mà ở bên nhau cho đến khi mình đi.”

Đến đó thì chúng tôi không nói thêm nhiều về chuyện ấy nữa.

Còn về chuyến đi xem cái thuyền, lúc bàn tới nó lần đầu tiên tôi không đồng ý cũng không phải đối. Nhưng trong khoảng vài tuần sau đó Ruth cứ nhắc chuyện ấy mãi, nên kế hoạch của chúng tôi ngày càng vững chắc hơn, cho đến khi rốt cuộc tôi gửi một thư nhắn cho người chăm sóc của Tommy qua một chỗ quen biết rằng trừ phi Tommy bảo chúng tôi đừng tới, chúng tôi sẽ tới Kingsfield vào một buổi chiều nào đó trong tuần sau.

Trước
image
Chương 27
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!