Dạo đó tôi rất ít khi tới Kingsfield, thành ra dọc đường Ruth và tôi cứ phải xem đi xem lại bản đồ, và vẫn đến muộn mất vài phút. Về trung tâm phục hồi mà nói thì nơi này chẳng được đầy đủ thiết bị và tiện nghi cho lắm, và nếu không phải vì những mối liên hệ nó có đối với tôi thì tôi đã không muốn đến thăm một nơi như vậy chút nào. Khuất nẻo, phải khó khăn lắm mới tới được, mà đến nơi rồi thì cũng không hề có cảm giác tĩnh lặng bình an thật sự. Bao giờ ta cũng nghe thấy tiếng xe cộ ngoài đường cái phía sau hàng rào, rồi lại có cảm giác chung rằng người ta chưa hề thực sự chuyển đổi công năng nơi này đến nơi đến chốn. Phòng ở của những người hiến nhiều căn quá chật không vào bằng xe lăn được, hoặc quá ngột ngạt hoặc gió lùa nhiều. Không có đủ buồng tắm, được dăm ba phòng thì cũng khó giữ cho sạch, cứ đến mùa đông nước lại đóng băng và nói chung là ở quá xa phòng những người hiến. Nói cách khác, Kingsfield kém xa một nơi như trung tâm của Ruth ở Dover với những bức tường lát gạch men sáng choang, của sổ lắp kính đôi chỉ cần xoay tay nắm là đóng kín.
Về sau, khi Kingsfield đã trở nên thân thuộc và quý báu, tôi đang ở trong một trong các ngôi nhà hành chính thì tình cờ bắt gặp một bức ảnh đen trắng chụp nơi này từ trước khi được chuyển đổi công năng, hồi đó nó vẫn còn là một trại nghỉ mát cho những gia đình bình thường. Bức ảnh có lẽ được chụp vào cuối thập niên 1950 hoặc đầu những năm 1960, cho thấy một hồ bơi to hình vuông trong đó là những con người hạnh phúc – trẻ con, người lớn – đang bì bõm thật phởn phơ thỏa thích. Xung quanh hồ bơi toàn là bê tông, nhưng người ta đã xếp những chiếc ghế gập và chòi tránh sáng, lại dựng những chiếc ô to để che mắt cho họ. Khi lần đầu tiên thấy bức ảnh này, phải mất một lúc tôi mới nhận ra mình đang nhìn cái mà hiện nay những người hiến gọi là “Quảng trường”, nơi mà đầu tiên đưa xe vào mỗi khi đến trung tâm. Dĩ nhiên cái hồ bơi nay đã bị lấp, nhưng đường viền vẫn còn đó, và ở một đầu người ta vẫn còn để lại – một ví dụ cho cái bầu không khí dở dang nơi đây – bộ khung bằng kim loại của cái cầu nhảy cao ngất ngưởng. Chỉ khi thấy bức ảnh tôi mới chợt hiểu cái khung nọ là gì và tại sao nó lại nằm kia, và đến nay, mỗi khi nhìn thấy nó, tôi không khỏi hình dung một tay bơi đang leo lên cầu nhảy kia mà chúi xuống chỉ để rồi tan xác trên nền xi măng.
Có lẽ tôi đã không dễ dàng nhận ra Quảng trường trong bức ảnh, ngoại trừ những căn nhà hai tầng màu trắng nom giống như boong-ke ở hậu cảnh, quây quanh toàn bộ ba mặt nhìn thấy được của khu vực hồ bơi. Đó hẳn là nơi các gia đình thuê phòng nghỉ mát, và mặc dù nội thất có lẽ đã thay đổi nhiều song nhìn bên ngoài hầu như vẫn không có gì thay đổi. Tôi cho rằng, bằng một cách nào đó, Quảng trường hiện nay không khác lắm cái hồ bơi ngày xưa. Đó là cái trung tâm xã hội của nơi này, nơi những người hiến thường ra khỏi phòng đến hít thở khí trời và tán gẫu. Có vài băng ghế gỗ đặt xung quanh Quảng trường, nhưng – đặc biệt là khi mặt trời quá nóng, hoặc khi mái phẳng chìa ra của hội trường nằm ở mãi phía cuối, đằng sau bộ khung cây cầu nhảy trước kia.
Buổi chiều hôm Ruth và tôi đến Kingsfield, trời u ám và hơi lạnh, và khi chúng tôi lái xe vào Quảng trường thì ở đó vắng tanh ngoại trừ một nhóm sáu, bảy dáng người lờ mờ dưới cái mái ấy. Trong khi tôi đỗ xe lại ở một chỗ nào đó trên cái hồ bơi cũ – điều mà dĩ nhiên lúc đó tôi không biết – một người tách ra khỏi nhóm đi lại gần chúng tôi, và tôi nhận ra đó là Tommy. Anh ấy mặc một bộ đồ ấm màu xanh lá mạ bạc phếch và trông nặng nhọc hơn so với lần cuối cùng tôi gặp anh.
Bên cạnh tôi, trong khoảng một giây, Ruth có vẻ hoảng hốt. “Làm gì bây giờ?” cô ấy nhắc đi nhắc lại. “Mình có ra không? Đừng, đừng ra. Đừng nhúc nhích, đừng nhúc nhích.”
Tôi không biết lúc ấy tôi đang định làm gì nữa, nhưng khi Ruth nói vậy thì vì lý do nào đó tôi cứ thế ra khỏi xe mà thật ra chẳng nghĩ ngợi gì. Ruth vẫn ngồi đó, chính vì vậy mà khi Tommy lại gần chúng tôi, cái nhìn của anh hướng vào tôi và chính tôi là người mà anh ôm lấy trước. Tôi ngửi thấy trên người anh thoang thoảng mùi thứ thuốc nào đó mà tôi không xác định được. Thế rồi, mặc dù chưa nói gì với nhau, cả hai chúng tôi cùng cảm thấy Ruth ngồi trong xe đang quan sát mình nên rời nhau ra.
Có một mảng trời rộng phản chiếu trong kính chắn gió nên tôi không thấy rõ cô lắm. Nhưng tôi có ấn tượng như Ruth đang có một cái nhìn nghiêm nghị, hầu như giá băng. Có một cái gì đó kỳ lạ trong cái nhìn đó khiến tôi khó chịu. Rồi Tommy đi ngang qua trước mặt tôi về phía chiếc xe. Anh mở cửa hậu, ngồi vào băng ghế sau, thế là đến lượt tôi quan sát họ ngồi trong xe, trao đổi mấy lời rồi lịch sự khẽ hôn lên má nhau.
Phía đầu kia Quảng trường, những người hiến đứng ngồi dưới mái hiên cũng đang quan sát, và mặc dù tôi không cảm thấy thù địch gì với họ, tự dưng tôi chỉ muốn đi khỏi đó cho nhanh. Nhưng tôi cố tình đợi một lúc lâu mới quay trở lại xe, để Tommy và Ruth có thêm chút thì giờ một mình bên nhau.
Đầu tiên chúng tôi lái xe qua những lối đi hẹp ngoằn ngoèo. Rồi chúng tôi dong xe ra đến vùng quê trống trải, không có nét gì đặc biệt, đi trên một con đường gần như vắng tanh vắng ngắt. Điều tôi còn nhớ đến giờ về chặng ấy trong chuyến đi xem chiếc thuyền của chúng tôi là đã lâu lắm lần đầu tiên ánh mặt trời mới lại yếu ớt ló ra xuyên qua màu xám xịt; và mỗi khi tôi liếc qua Ruth đang ngồi cạnh, cô ấy đều khẽ nở nụ cười thầm lặng. Còn chúng tôi nói với nhau những gì thì, ờ, theo chỗ tôi nhớ chúng tôi đã cư xử như thể chúng tôi vẫn đều đặn gặp nhau, nên không cần phải nói về gì khác ngoài những gì chúng tôi đang có ngay trước mắt. Tôi hỏi Tommy đã xem chiếc thuyền chưa, anh bảo chưa, nhưng nhiều người hiến khác ở trung tâm này thì xem rồi. Anh cũng đã có vài cơ hội để đi, nhưng chưa lần nào đi thật cả.
“Không phải là mình không muốn đi,” anh nói, từ băng sau chồm lên trước. “Đi thì cũng được, có sao đâu. Có lần mình cũng đã sắp đi rồi, với vài người khác và người chăm sóc họ, nhưng rồi mình lại hơi chảy máu nên không đi được nữa. Lần đó lâu lắm rồi. Từ đó đến giờ mình không bị như vậy nữa.”
Thế rồi một chút sau, trong khi chúng tôi tiếp tục lái xe băng qua vùng quê vắng vẻ, Ruth xoay người sang bên phải ghế cho đến khi đối diện Tommy và cứ nhìn anh mãi. Cô ấy vẫn giữ nụ cười hơi mỉm ấy nhưng chẳng nói gì, và qua kính chiếu hậu tôi thấy Tommy rõ ràng có vẻ không thoải mái. Anh cứ nhìn qua cửa sổ bên cạnh, quay sang nhìn cô ấy, rồi lại quay ra nhìn cửa sổ. Một lát sau, vẫn không rời mắt khỏi anh, Ruth bắt đầu kể huyên thuyên một câu chuyện tiếu lâm về một người nào đó, một người hiến ở trung tâm cô ấy, ai đó mà chúng tôi chưa hề nghe nói tới, và suốt thời gian kể cô vẫn đăm đăm nhìn Tommy, nụ cười nhẹ vẫn không hề rời khỏi khuôn mặt. Có lẽ vì tôi đâm chán vì câu chuyện tiếu lâm của cô, cũng có thể vì tôi muốn giúp Tommy thoát khỏi cái trò này, nên sau chừng một phút gì đó tôi cắt ngang:
“Được rồi, được rồi, chúng mình đâu cần nghe tất tật mọi chuyện về bà ta đâu.”
Tôi nói thế không hề có ác ý, mà thực sự cũng không có chủ định gì khi nói vậy. Nhưng trước cả khi Ruth ngừng kể, hầu như ngay giữa lúc tôi đang nói, Tommy đột nhiên bật cười to, một cú nổ bùng, một thứ âm thanh ầm ĩ mà tôi chưa hề nghe anh phát ra bao giờ. Rồi anh nói:
“Mình cũng sắp sửa nói đúng vậy đó. Mình đã thôi không theo dõi tự hồi nào rồi.”
Mắt tôi đang dán lên đường đi nên tôi không biết là anh đã nói với tôi hay với Ruth. Dù thế nào thì Ruth cũng thôi nói và từ từ xoay người lại trên ghế cho đến khi lại nhìn ra đằng trước. Cô ấy không tỏ vẻ bực tức gì lắm, nhưng nụ cười đã biến mất, và mắt cô nhìn xa xăm, dán vào cái gì đó trên bầu trời trên đầu chúng tôi. Nhưng tôi phải nói thật: trong khoảnh khắc đó tôi không thực sự nghĩ đến Ruth. Trái tim tôi khẽ rộn lên vui sướng bởi, chỉ bằng một chút ấy thôi, với tiếng cười tỏ ý tán thành kia, có cảm tưởng như Tommy và tôi đã lại trở nên gần gũi với nhau sau ngần ấy năm trời.
Sau khi khởi hành từ Kingsfield được chừng hai mươi phút thì tôi tìm ra chỗ rẽ chúng tôi cần. Chúng tôi đi vào một con đường hẹp uốn cong khuất giữa hai hàng giậu rồi đỗ lại bên một lùm cây sung dâu. Tôi dẫn đường đến chỗ bắt đầu khu rừng; nhưng rồi, khi nhìn thấy trước mặt ba con đường khác nhau giữa vùng cây cối, tôi phải đứng lại xem tờ chỉ dẫn mang theo. Trong khi tôi đứng đó cố đọc cho ra thứ chữ viết tay của người kia, tôi đột nhiên ý thức được rằng Ruth và Tommy đang đứng sau lưng tôi, không nói chuyện mà chỉ đợi, như những đứa trẻ đợi người ta bảo phải đi đâu.
Chúng tôi vào rừng, và mặc dù đi cũng khá dễ, nhưng tôi nhận thấy Ruth thở mỗi lúc một khó nhọc. Tommy thì ngược lại, dường như chẳng hề gặp khó khăn gì, mặc dù dáng đi của anh có hơi khập khiễng. Rồi chúng tôi đến một chỗ hàng rào kẽm gai xiêu vẹo gỉ sét, những sợi kẽm gai bị đứt, bung ra khắp cả. Khi nhìn thấy cái hàng rào, Ruth đứng khựng lại:
“Ôi không,” cô nói vẻ băn khoăn. Rồi cô quay sang tôi: “Cậu chẳng nói gì với mình về chuyện này hết. Cậu không nói là chúng mình phải chui qua hàng rào kẽm gai!”
“Không khó đâu,” tôi nói. “Mình chui qua được mà. Mình chỉ cần giữ nó cho người này rồi người kia qua là đủ.”
Nhưng Ruth trông thật sự lo lắng và không nhúc nhích. Và chính lúc đó, khi cô ấy đứng đó, vai nhô lên hạ xuống theo nhịp thở, dường như lần đầu tiên Tommy mới nhận ra cô yếu ớt đến nhường nào. Có lẽ anh ấy đã để ý từ trước, nhưng không muốn thừa nhận nó. Song lúc này anh nhìn cô ấy chằm chặp suốt mấy giây. Thế rồi, tôi nghĩ điều xảy ra kế đó – mặc dù tôi không biết chắc được – là cả hai chúng tôi, Tommy và tôi, đang cùng nhớ lại chuyện xảy ra trong xe, khi chúng tôi ít nhiều đã hùa nhau đàn áp cô. Và hầu như theo bản năng, cả hai chúng tôi lại gần Ruth. Tommy đỡ cùi chỏ cô phía bên kia, và chúng tôi bắt đầu nhẹ nhàng đưa cô ấy về phía hàng rào.
Tôi buông Ruth ra, tự mình chui qua. Rồi tôi giữ đoạn hàng rào, cố nâng lên càng cao càng tốt, và cả Tommy lẫn tôi giúp cô ấy chui qua. Rốt cuộc thì cũng không đến nỗi gian nan đến vậy đối với cô: vấn đề chủ yếu là phải tự tin, và có chúng tôi hai bên hỗ trợ, Ruth dường như không còn sợ cái hàng rào nữa. Sang đến bên kia rồi, cô thậm chí còn giúp tôi giữ hàng rào cho Tommy qua. Anh chui qua chẳng khó khăn gì, và Ruth bảo anh:
“Chỉ cần cúi thấp xuống thế thôi. Đôi khi mình chả thông minh lắm về mấy chuyện đó.”
Tommy trông có vẻ ngượng nghịu, và tôi tự hỏi có phải anh ấy bối rối bởi điều vừa mới xảy ra hay anh ấy lại đang nhớ tới lúc anh ấy và tôi về hùa với nhau bắt nạt Ruth trên xe. Anh gật đầu về phía những gốc cây trước mặt chúng tôi mà nói:
“Mình nghĩ chắc là cứ đi lối đó. Phải không Kath?”
Tôi liếc nhìn tờ chỉ dẫn rồi lại bắt đầu dẫn đường. Đi sâu vào vùng cây cối, xung quanh trở nên tối hẳn và mặt đất càng lúc càng lầy lội.
“Hy vọng chúng mình không bị lạc,” tôi nghe Ruth vừa cười vừa nói với Tommy, nhưng tôi đã thấy một vùng đất trống cách không xa. Lúc này có thì giờ ngẫm lại, tôi hiểu ra tại sao chuyện xảy ra trong xe lại làm tôi áy náy đến thế. Không đơn giản chỉ do chúng tôi đã hùa nhau đàn áp Ruth: cái chính là cách cô ấy tiếp nhận điều đó. Giá như hồi xưa thì thật không thể hình dung một chuyện như vậy cô ấy lại cho qua mà không trả đũa. Khi đã thấm thía điều này, tôi đứng lại giữa lối đi, chờ Ruth và Tommy bắt kịp, rồi choàng tay qua vai Ruth.
Việc ấy không có vẻ ủy mị lắm; chỉ giống như một người chăm sóc vẫn làm thôi, bởi đến lúc này quả thực có một cái gì đó chập chững trong dáng đi của cô ấy, và tôi tự hỏi phải chăng tôi đã không hề đánh giá được đúng cô ấy vẫn còn yếu đến mức nào. Hơi thở cô càng lúc càng hổn hển, và trong khi chúng tôi đi cạnh nhau, chốc chốc cô lại loạng choạng ngã vào tôi. Nhưng rồi chúng tôi đã đi qua hết vùng cây cối mà ra khoảnh đất trống và nhìn thấy cái thuyền.
Thật ra chúng tôi chưa hẳn đã bước vào khoảnh đất trống: đúng hơn là vùng rừng thưa chúng tôi băng qua nãy giờ đến đây là hết, và lúc này trước mắt chúng tôi là một vùng đất sũng lầy mênh mông ngút mắt. Bầu trời xám xịt trông thật bao la, và có thể thấy bầu trời phản chiếu khắp trên những vũng nước lỗ chỗ trên mặt đất. Cách đây chưa lâu rừng ắt hẳn còn kéo dài xa hơn, bởi đây đó vẫn còn những gốc cây chết trông ma quái thòi ra khỏi đất, hầu hết chỉ nhô lên được chừng hơn một mét thì bị tiện ngang. Và phía xa sau những gốc cây chết, cách khoảng gần sáu mươi mét là con thuyền, vẫn bị mắc cạn trên đầm lấy dưới ánh mặt trời nhợt nhạt.
“Ồ, đúng như bạn mình bảo,” Ruth nói. “Đẹp thật.”
Xung quanh chúng tôi lặng như tờ và khi chúng tôi bắt đầu tiến về phía con thuyền, có thể nghe rõ tiếng ì ọp dưới đế giày. Chẳng mấy chốc tôi cảm thấy chân mình lún dưới lớp đất có trên mặt, liền kêu to: “Thôi, chúng mình chỉ đi xa đến thế này được thôi.”
Hai người kia đang đi sau tôi không phản đối gì, và khi liếc nhìn qua vai, tôi thấy Tommy lại đang dìu tay Ruth. Tuy nhiên, rõ ràng làm vậy là để giữ cho cô ấy đứng vững mà thôi. Tôi sải mấy bước dài đến gốc cây chết gần nhất nơi mặt đất rắn hơn rồi tì lên gốc cây để giữ thăng bằng. Theo gương tôi, Tommy và Ruth cũng tiến đến một gốc cây khác, rỗng hơn và mỏng mảnh hơn, phía sau tôi một chút về bên trái. Họ trèo mỗi người lên một bên gốc cây và có vẻ yên vị. Rồi chúng tôi ngắm con thuyền mắc cạn. Bây giờ tôi thấy rõ lớp sơn của nó đã nứt nẻ cả, bộ khung gỗ của buồng lái nhỏ sắp sụp đến nơi. Đã có thời nó được sơn màu thanh thiên, nhưng bây giờ trông nó hầu như trắng phớ dưới bầu trời.
“Không biết làm cách nào mà nó đến đây được nhỉ,” tôi nói. Tôi cố ý nói to hơn để những người kia nghe được nên cứ ngỡ sẽ có âm vang. Nhưng tiếng tôi lại vang lên cụt lủn đến kỳ lạ, như thể đang ở trong một căn phòng có trải thảm vậy.
Rồi tôi nghe Tommy nói sau lưng: “Có lẽ Hailsham bây giờ trông cũng giống thế. Các cậu nghĩ sao?”
“Tại sao nó phải giống thế này cơ chứ?” Ruth nói, giọng nghe thực sự bối rối. “Có phải vì nó đóng cửa mà nó biến thành đầm lầy đâu.”
“Thì không. Mình có nghĩ vậy đâu. Chỉ là mình luôn luôn thấy Hailsham bây giờ cũng giống như thế này. Chẳng có lôgic gì cả. Thực sự là cảnh này khá gần với hình dung trong đầu mình. Trừ mỗi cái là không có con thuyền, dĩ nhiên. Nếu nó cũng như thế này thì cũng đâu đến nỗi tệ quá.”
“Ngộ thật đấy, vì mới sáng hôm trước mình cũng mơ như vậy,” Ruth nói. “Mình mơ thấy mình ở trên Phòng 14. Chỗ đó giờ đóng cửa rồi, mình biết chứ, vậy mà mình lại vẫn ở đó, Phòng 14, nhìn qua cửa sổ thấy bên ngoài ngập cả trong nước. Như một cái hồ khổng lồ. Mình thấy rác rưởi trôi lều bều ngang qua dưới cửa sổ phòng mình, vỏ đồ hộp, thùng các-tông rỗng, thôi thì đủ thứ. Nhưng chẳng hề có cảm giác hoảng hốt hay gì gì như vậy. Chỉ thấy dễ chịu và yên tĩnh, như ở đây. Mình biết không phải mình đang gặp nguy hiểm gì, rằng nó như thế chỉ vì nó bị đóng cửa rồi.”
“Các cậu biết không, Meg B. vừa ở trung tâm của mình một thời gian,” Tommy nói. “Cô ấy giờ rời khỏi đó rồi, đi lên đâu đó trên miền Bắc để hiến lần thứ ba. Mình không hề nghe nói cô ấy bây giờ ra sao cả. Có ai trong các cậu nghe nói gì không?”
Tôi lắc đầu, và khi không nghe Ruth nói gì, tôi quay lại nhìn cô. Đầu tiên tôi nghĩ cô vẫn đang nhìn con thuyền, nhưng rồi tôi thấy cô đang ngắm vệt hơi nước kéo theo một chiếc máy bay đang từ từ cất cánh lên bầu trời ở phía xa. Rồi cô nói:
“Mình có nghe nói điều này, để mình nói các cậu nghe. Mình có nghe nói về Chrissie. Nghe nói cô ấy đã xong hẳn khi hiến lần thứ hai.”
“Mình cũng nghe nói vậy,” Tommy nói. “Chắc là đúng. Mình cũng nghe nói y như vậy. Thật tệ hại. Chỉ mới lần thứ hai thôi mà. Cũng mừng là chuyện ấy không xảy ra với mình.”
“Mình nghĩ chuyện đó xảy ra nhiều lắm, chứ không như người ta bảo chúng mình,” Ruth nói. “Người chăm sóc mình ở ngay kia chứ đâu. Chắc cô ấy biết chuyện đó đúng. Nhưng cô ấy không nói đâu.”
“Chuyện đó chẳng có bí mật gì ghê gớm cả,” tôi vừa nói vừa lại quay sang chiếc thuyền. “Thỉnh thoảng nó cũng xảy ra. Về Chrissie thì quả là buồn thật. Nhưng chuyện đó không hay xảy ra đâu. Bây giờ người ta cẩn thận lắm mà.”
“Mình cá rằng chuyện đó xảy ra rất nhiều chứ không như người ta bảo,” Ruth lại nói. “Đó là một lý do vì sao họ cứ chuyển chúng mình hết chỗ này sang chỗ nọ giữa những lần hiến.”
“Mình có lần tình cờ gặp Rodney,” tôi nói. “Không lâu sau khi Chrissie xong hẳn. Mình gặp cậu ấy ở bệnh viện đằng North Wales. Cậu ấy ổn lắm.”
“Dù sao, mình cá là cậu ấy đã rất đau lòng về chuyện Chrissie,” Ruth nói. Rồi bảo Tommy: “Người ta đâu có kể cho mình dù chỉ một nửa chuyện đó, cậu thấy không?”
“Thật ra cậu ấy không quá đau khổ vì chuyện đó,” tôi nói. “Hiển nhiên là cậu ấy buồn. Nhưng cậu ấy vẫn ổn. Dù sao thì họ không gặp nhau cũng đã mấy năm rồi. Cậu ấy bảo cậu ấy cho rằng Chrissie hẳn không lấy đó làm điều. Và mình cho rằng chắc cậu ấy biết.”
“Làm sao cậu ấy biết kia chứ?” Ruth nói. “Làm sao cậu ấy có thể biết được Chrissie cảm thấy ra sao? Cô ấy hẳn đã muốn cái gì? Kẻ nằm trên bàn cố sức bám lấy sự sống có phải là cậu ấy đâu. Làm sao cậu ấy biết được?”
Cơn tức giận bất ngờ này có phần giống Ruth ngày trước hơn, khiến tôi lại quay sang cô lần nữa. Có lẽ đó chỉ do ánh nhìn trong mắt cô ấy, nhưng dường như cô ấy nhìn lại tôi với vẻ khắc nghiệt, lạnh lùng.
“Không thể hay ho gì,” Tommy nói. “Xong hẳn ngay lần hiến thứ hai. Không thể hay ho gì cả.”
“Về chuyện này, mình không thể tin nổi Rodney vẫn không sao,” Ruth nói. “Cậu chỉ trò chuyện với cậu ấy có mấy phút thôi. Như thế làm sao cậu có thể biết mọi thứ kia chứ?”
“Ừ, nhưng nếu quả như Kathy nói, họ đã chia tay nhau thì…” Tommy nói.
“Chẳng có gì khác nhau hết,” Ruth cắt ngang. “Theo cách nào đó thì như thể có khi chỉ làm chuyện này tồi tệ hơn thôi.”
“Mình đã gặp khối người ở địa vị của Rodney,” tôi nói. “Họ biết chấp nhận chuyện này rồi.”
“Làm sao cậu biết?” Ruth nói. “Làm sao cậu có thể biết được? Cậu vẫn là người chăm sóc cơ mà.”
“Với tư cách người chăm sóc mình đã gặp nhiều người rồi. Quá nhiều là khác.”
“Cậu ấy không biết đâu, phải không Tommy? Thật ra có phải như vậy đâu.”
Trong một khoảnh khắc cả hai chúng tôi đều nhìn Tommy, nhưng anh ấy vẫn đăm đăm nhìn chiếc thuyền. Rồi anh nói:
“Có một tay kia ở chỗ trung tâm mình. Lúc nào cũng lo mình sẽ không qua khỏi lần thứ hai. Nhưng hóa ra mọi chuyện đều êm đẹp. Anh ta qua lần thứ ba chỉ mới đây thôi, và vẫn khỏe phây phây.” Anh khum khum một tay lên để che nắng. “Hồi làm người chăm sóc mình chẳng giỏi gì cho lắm. Thậm chí chưa bao giờ học lái xe được nữa là. Chắc vì vậy mà mình nhận được thông báo hiến lần thứ nhất sớm đến thế. Mình cũng biết không hẳn cách làm của người ta là vậy, nhưng mình vẫn cho rằng đúng như thế. Thật ra mình chả phiền gì lắm đâu. Làm người hiến thì mình cũng khá, nhưng làm người chăm sóc thì mình chẳng ra gì.”
Trong một lát không ai nói gì. Rồi Ruth nói, lần này giọng khẽ hơn:
“Mình nghĩ mình đã làm một người chăm sóc không đến nỗi tồi. Nhưng có cảm giác năm năm là đủ với mình. Mình cũng như cậu Tommy ạ. Khi trở thành người hiến mình cũng đã rất sẵn sàng rồi. Thấy ổn lắm. Nói gì thì nói, đó là việc chúng mình cần phải làm, đúng không?”
Tôi không chắc có phải cô ấy đợi tôi đáp lại không. Cô ấy không nói điều đó theo kiểu rõ là gợi ý trả lời, và hoàn toàn có thể đó chỉ là một câu cô ấy thốt ra do thói quen – ta vẫn nghe những người hiến luôn nói với nhau như vậy thôi. Khi tôi lại quay sang họ, Tommy vẫn giơ bàn tay che nắng cho mắt.
“Tiếc là chúng mình không lại gần cái thuyền hơn được,” anh nói. “Lúc nào đó chỗ này khô hơn có thể mình sẽ quay lại.”
“Mình vui là đã thấy nó,” Ruth nhẹ nhàng nói. “Đẹp thật. Nhưng chắc mình phải quay về thôi. Gió này lạnh thật.”
“Ít nhất giờ đây chúng mình đã thấy nó rồi,” Tommy nói.
Trên đường quay lại chỗ đỗ xe chúng tôi tán gẫu thoải mái hơn nhiều so với lúc đi. Ruth và Tommy so sánh những nhận xét về trung tâm chỗ họ – về đồ ăn thức uống, khăn tắm, đại loại thế – còn tôi thì luôn luôn là một phần của cuộc trò chuyện bởi hai người cứ hỏi tôi mãi về các trung tâm khác, rằng ở đấy cái này cái nọ có bình thường không. Dáng đi của Ruth bây giờ vững hơn nhiều, và khi chúng tôi đi tới chỗ hàng rào và tôi kéo dây kẽm gai lên, cô hầu như không do dự chui qua.
Chúng tôi chui vào xe, vẫn lại Tommy ngồi ở băng sau, và trong một lát có một cảm giác hoàn toàn thoải mái giữa chúng tôi. Nay nhìn lại mới thấy, có lẽ bầu không khí khi ấy như thể có gì đó bị kìm nén lại, nhưng cũng có thể bây giờ tôi mới nghĩ vậy bởi cái chuyện xảy ra sau đó.
Thoạt tiên nó có phần như thể lặp lại ban nãy. Chúng tôi lại dong xe ra con đường dằng dặc gần như vắng tanh, và Ruth lên tiếng nhận xét về một tấm panô mà chúng tôi đi ngang qua. Nay thì thậm chí tôi không còn nhớ cái panô ấy nữa, chỉ là một trong những hình ảnh quảng cáo to đùng bên vệ đường thôi. Cô ấy nhận xét hầu như chỉ với chính mình, rõ ràng là không định hàm ý gì nhiều bằng cách đó. Cô nói đại khái như “Trời đất ơi, xem cái kia kìa. Mình thì cứ nghĩ ít nhất người ta cũng phải cố tìm ra cái gì đó mới mẻ kia chứ.”
Nhưng Tommy ngồi ở băng sau nói: “Thật ra mình thích cái đó. Nó được đăng cả trên báo mà. Mình nghĩ nó cũng có gì đó được chứ.”