Khoảng gần một năm sau hôm chúng tôi đi xem chiếc thuyền thì tôi trở thành người chăm sóc Tommy. Dạo ấy là chưa được bao lâu sau lần hiến thứ ba của Tommy, và tuy hồi phục tốt, nhưng anh vẫn cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi, và đó hóa ra hoàn toàn không phải một cách tồi để chúng tôi có thể cùng nhau khởi đầu giai đoạn mới này. Chẳng mấy chốc tôi đã quen với Kingsfield, thậm chí còn đâm ra thích nữa.
Hầu hết người hiến ở Kingsfield sau khi hiến lần thứ ba đều có được phòng riêng, và Tommy được phân một trong những căn phòng đơn rộng nhất ở trung tâm. Về sau một số người cho rằng đấy là tôi đã thu xếp cho anh, nhưng đâu phải; chỉ là may mắn thôi, với lại căn phòng đó cũng chẳng phải tuyệt với gì lắm. Tôi nghĩ ngày xưa, hồi nơi này còn là trại nghỉ mát thì căn phòng này là buồng tắm, bởi cánh cửa sổ duy nhất được lắp kính mờ và lại quá cao, gần đến trần nhà. Muốn nhìn ra ngoài thì phải đứng lên ghế, tay giữ ô cửa kính không cho nó sập xuống, nhưng rồi cũng chẳng thấy gì ngoài những bụi cây um tùm rậm rạp. Căn phòng hình chữ L, cho nên ngoài giường, ghế và tủ quần áo mà phòng nào cũng có, người ta còn có thể đưa vào một cái bàn học trò có cánh lật – một vật quả thật là có ích, tôi sẽ giải thích sau.
Tôi không muốn các bạn có một ý niệm sai lầm về thời kỳ đó ở Kingsfield. Phần lớn giai đoạn đó thực sự dễ chịu, phải nói là gần như êm đềm. Tôi thường đến thăm anh ấy sau bữa ăn trưa, mỗi khi đến tôi thường gặp anh đang duỗi dài trên chiếc giường hẹp – luôn luôn mặc đủ thứ quần áo bởi anh không muốn mình “trông như bệnh nhân.” Tôi thường ngồi ở ghế đọc cho anh nghe một số cuốn sách bìa mềm tôi mang theo, đại loại như Odyssey hay Nghìn lẻ một đêm. Không thì chúng tôi trò chuyện, đôi khi về chuyện ngày xưa, đôi khi về chuyện khác. Xế chiều thì anh thường lim dim ngủ, chừng đó tôi ngồi bên bàn học tranh thủ thời gian viết báo cáo. Lạ thay, bao năm tháng dường như biến mất, và chúng tôi lại trở nên thoải mái đến vậy bên nhau.
Tuy nhiên, rõ ràng là không phải mọi cái đều như xưa. Trước hết, Tommy và tôi rốt cuộc cũng làm tình với nhau. Tôi không biết Tommy hay nghĩ tới mức nào về chuyện chúng tôi làm tình với nhau trước khi chúng tôi bắt đầu làm việc đó. Nói gì thì nói, anh ấy cũng đang hồi phục, nên có thể đó không phải là điều quan trọng nhất trong tâm trí anh. Tôi cũng không muốn thúc ép anh ấy, nhưng mặt khác tôi cũng chợt nghĩ, nếu để quá lâu không chịu làm việc đó khi chúng tôi khởi sự làm, sẽ ngày càng khó biến việc đó thành một phần tự nhiên giữa chúng tôi. Và chắc hẳn còn một suy nghĩ nữa, là nếu kế hoạch của chúng tôi diễn tiến theo cách mà Ruth muốn, nếu quả thực chúng tôi sẽ đi xin hoãn, thì việc chúng tôi không làm tình với nhau sẽ thực sự là một khuyết điểm. Ý tôi không phải dạo ấy tôi nghĩ người ta đòi chúng tôi nhất thiết phải làm việc đó. Chỉ là tôi lo rằng vì lý do nào đó điều này sẽ chứng tỏ chúng tôi thiếu gắn bó với nhau.
Thế nên một buổi chiều nọ trong căn phòng ấy tôi bắt đầu quyết định làm việc đó, theo một cách tùy anh ấy hưởng ứng hay phản đối. Anh ấy đang nằm trên giường như thường lệ, mắt nhìn lên trần nhà trong khi tôi đọc cho anh nghe. Khi đọc xong, tôi lại gần, ngồi lên mép giường, luồn một tay vào dưới chiếc áo pull anh mặc. Chẳng mấy chốc, tôi đã luồn xuống vùng xung quanh cái của anh, và mặc dù phải mất một hồi anh mới cứng lên được, nhưng tôi vẫn biết ngay rằng anh rất sung sướng. Lần đầu tiên đó, chúng tôi vẫn còn những cơn đau cần phải lưu tâm tới, nhưng dù sao đi nữa, sau ngần ấy năm biết nhau mà không quan hệ ái ân, dường như chúng tôi cần có một giai đoạn trung gian trước khi có thể dấn vào chuyện đó một cách trọn vẹn. Thành thử sau một lát thì tôi chỉ làm chuyện đó cho anh bằng tay, còn anh chỉ nằm mà không hề thử mơn trớn lại tôi, thậm chí không phát ra một tiếng động nào, nhưng có vẻ bình an.
Nhưng thậm chí trong lần đầu tiên đó vẫn có một cái gì đó, một cảm giác gì đó, ngay bên cạnh cái cảm nhận rằng đây là một sự khởi đầu, một cái cổng mà chúng tôi đang băng qua. Suốt một thời gian dài tôi không muốn thừa nhận nó, và thậm chí khi đã thừa nhận nó, tôi vẫn cố tự thuyết phục mình rằng cái đó sẽ qua đi cùng với những bệnh tật và đau đớn này nọ của anh ấy thôi. Ý tôi là, ngay từ lần đầu tiên đó, trong cung cách của Tommy đã có một cái gì đó nhuốm nỗi buồn, nó dường như muốn nói: “Phải, lúc này chúng mình đang làm chuyện đó và anh vui vì mình đang làm chuyện đó. Nhưng tiếc thay, chúng mình đã để quá muộn.”
Và trong những ngày sau đó, khi chúng tôi đã làm tình với nhau theo đúng nghĩa và thực sự thấy hạnh phúc, ngay cả khi đó, cái cảm giác dai dẳng kia vẫn luôn còn đó. Tôi làm tất cả những gì có thể làm để đẩy nó ra xa. Tôi cố sao cho chúng tôi làm việc đó thật hết mình, sao cho mọi thứ trở nên lờ mờ như trong cơn mê, không còn chỗ cho bất cứ cái gì khác nữa. Nếu anh ở trên, tôi dựng hai đầu gối lên cho anh, dù sử dụng tư thế nào đi nữa, tôi sẽ nói bất cứ điều gì, làm bất cứ điều gì mà tôi nghĩ sẽ làm nó càng tuyệt hơn, càng đắm đuối hơn, nhưng rồi cái cảm giác kia vẫn không bao giờ mất hẳn.
Có lẽ cảm giác đó liên quan đến căn phòng ấy, nơi mặt trời rọi qua lớp kính mờ nên ngay cả đầu hè trông vẫn như ánh sáng mùa thu. Hoặc có thể vì những âm thanh rời rạc thỉnh thoảng lại vẳng đến chỗ chúng tôi trong khi chúng tôi nằm kia là tiếng những người hiến cứ đi loanh quanh làm việc này việc nọ trên sân, chứ không phải tiếng những học sinh ngồi trên đồng cỏ mà tranh luận về tiểu thuyết với thơ ca. Cũng có thể là vì thỉnh thoảng, ngay cả sau những lần chúng tôi làm chuyện đó thật tốt và đang nằm trong vòng tay nhau, từng mẩu một những gì chúng tôi vừa làm vẫn còn trong tâm trí chúng tôi, Tommy lại nói gì đấy, đại loại như: “Hồi xưa anh có thể làm hai lần liên tục, dễ không. Nhưng giờ thì không được nữa.” Khi đó cái cảm giác kia lại trồi hẳn lên phía trước và tôi phải lấy tay che miệng anh bất cứ khi nào anh nói những điều như vậy, để chúng tôi có thể tiếp tục nằm đó bình an. Tôi tin chắc Tommy cũng cảm thấy điều đó, bởi chúng tôi luôn ôm nhau rất chặt sau những lần như vậy, như thể bằng cách đó chúng tôi cố đẩy xa cái cảm giác kia ra.
Trong mấy tuần đầu sau khi tôi đến, chúng tôi chẳng mấy khi nhắc đến Madame hay cuộc nói chuyện với Ruth trong xe hôm đó. Nhưng bản thân việc tôi trở thành người chăm sóc Tommy đã là lời nhắc nhở rằng chúng tôi không ở đó để giậm chân tại chỗ. Và dĩ nhiên, những bức tranh loài vật của Tommy cũng vậy.
Tôi thường tự hỏi về những con vật của Tommy suốt những năm qua, và ngay cả cái hôm chúng tôi đi xem thuyền, tôi cứ muốn hỏi anh về chúng. Anh có còn vẽ chúng không? Anh còn giữ những con từ hồi ở Nhà Tranh không? Nhưng tất cả những gì đã xảy ra xung quanh chúng khiến cho tôi khó mà hỏi được.
Rồi một chiều nọ, có lẽ khoảng một tháng sau khi tôi bắt đầu, tôi đến phòng anh thì bắt gặp anh đang ngồi ở bàn học tỉ mẩn tỉa tót một bức tranh, mặt gần như chạm vào tờ giấy. Anh lên tiếng bảo tôi vào khi tôi gõ cửa, nhưng rồi anh không ngẩng đầu lên hoặc ngừng việc đang làm, và chỉ liếc một cái là tôi biết anh đang vẽ một trong những sinh vật tưởng tượng của mình. Tôi dừng lại trên ngưỡng cửa, phân vân không biết có nên vào không, nhưng cuối cùng anh nhìn lên và gấp sổ lại – tôi nhận ra nó giống hệt những cuốn sổ bìa đen mà anh từng xin của Keffers từ bao nhiêu năm trước. Chừng đó tôi bước vào và chúng tôi bắt đầu trò chuyện về cái gì đó hoàn toàn khác, và một lát sau anh cất cuốn sổ đi, chúng tôi cũng chẳng nhắc tới nó. Nhưng sau đó, mỗi khi vào phòng tôi thường thấy nó ở trên bàn hoặc nằm lăn lóc cạnh gối của anh.
Rồi một hôm nọ chúng tôi đang ngồi trong phòng anh – chúng tôi có vài phút trống trước khi bắt đầu làm vài xét nghiệm – thì tôi nhận thấy có gì đó là lạ trong dáng điệu của anh: một cái gì đó rụt rè và thận trọng khiến tôi nghĩ anh đang muốn làm tình. Nhưng rồi anh nói:
“Kath này, anh muốn em nói cho anh nghe. Nói thật tình ấy.”
Thế rồi cuốn sổ đen được rút ra khỏi hộc bàn, và anh cho tôi xem ba phác họa riêng rẽ của một giống ếch – trừ một điểm là có cái đuôi dài, như thể một phần của nó vẫn còn là nòng nọc. Ít nhất là nó trông giống vậy nếu ta đưa bức tranh ra xa. Nhìn gần, mỗi phác họa là một mớ những chi tiết chi li, rất giống những sinh vạt mà tôi đã thấy nhiều năm trước.
“Hai con này, anh nghĩ chúng bằng kim loại,” anh nói. “Thấy không, cái gì cũng có bề mặt sáng bóng cả. Nhưng còn con này, chắc anh sẽ thử cho nó làm bằng cao su. Em thấy không? Dẻo gần như quả bóng ấy. Giờ anh muốn làm một phiên bản đâu ra đó, thực sự đẹp, nhưng anh không quyết được. Kath này, nói thật tình nhé, em nghĩ sao?”
Tôi không nhớ được mình đã trả lời sao. Cái mà tôi rất nhớ là cảm xúc lẫn lộn thật mãnh liệt tràn ngập tôi lúc đó. Tôi nhận ra lập tức rằng đó là cách để Tommy cho vào quá khứ tất cả những gì đã xảy ra quanh những bức vẽ của anh ấy từ hồi ở Nhà Tranh, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm, biết ơn, vui sướng tràn trề. Nhưng tôi cũng biết tại sao những con vật đó xuất hiện trở lại, biết tất cả những tầng sâu nào có thể ẩn sau câu hỏi có vẻ bình thường của Tommy. Ít nhất, tôi có thể hiểu rằng anh ấy đang cho tôi thấy anh không quên, mặc dù chúng tôi hầu như không đề cập công khai đến một chuyện gì; anh ấy đang bảo tôi rằng anh không tự mãn, rằng anh đang bận tiếp tục phần chuẩn bị của mình.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì tôi cảm nhận hôm đó khi nhìn những con ếch kỳ quặc kia. Bởi lại một lần nữa nó nằm kia, đầu tiên chỉ yếu ớt và trong hậu cảnh, nhưng càng lúc nó càng lớn hơn lên, đến nỗi sau đó tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại mãi về nó. Tôi không thể không nghĩ vậy trong khi nhìn những trang giấy kia, cái ý nghĩ đó cứ chạy qua tâm trí tôi, mặc dù tôi đã cố túm lấy nó mà dẹp bỏ đi. Tôi nhận ra rằng những bức tranh của Tommy không còn tươi mới nữa. Phải, theo nhiều cách, những con ếch đó rất giống những gì tôi đã thấy hồi ở Nhà Tranh. Nhưng một cái gì đó chắc chắn đã mất, và những con ếch này trông có vẻ dụng công nhiều quá, gần như được sao chép lại. Cho nên cái cảm giác đó trở lại, dù tôi cố đẩy nó ra xa: cảm giác rằng chúng tôi đang làm tất cả những điều này quá muộn; rằng đã từng có một thời để chúng tôi làm điều đó, nhưng chúng tôi đã để nó qua đi, và có một cái gì đó lố bịch, thậm chí đáng trách, trong cái cách chúng tôi suy nghĩ và dự định bây giờ.
Giờ đây ôn lại, tôi nhận ra rằng đó có thể là thêm một lý do để chúng tôi lần lữa rất lâu mới nói chuyện thẳng thắn với nhau về dự định của mình. Chắc chắn không ai trong số những người hiến khác ở Kingsfield từng nghe nói đến chuyện tạm hoãn hay gì gì tương tự, và chúng tôi có lẽ cảm thấy bối rối một cách mơ hồ, gần như thể chúng tôi đang có chung một bí mật đáng hổ thẹn. Thậm chí có khi chúng tôi còn sợ những điều có thể xảy ra nếu chuyện này đến tai người khác.
Song như tôi nói, tôi không muốn vẽ nên một quang cảnh quá ảm đạm về thời gian đó tại Kingsfield. Trong hầu hết thời kỳ ấy, nhất là sau cái hôm anh hỏi tôi về mấy con vật, dường như không một bóng đen từ quá khứ nào còn lại nữa, và chúng tôi thực sự an tâm khi ở bên nhau. Và mặc dù anh không bao giờ xin tôi lời khuyên về những bức vẽ của anh thêm lần nữa, nhưng anh vui vẻ ngồi hí hoáy vẽ trước mặt tôi, và chúng tôi thường qua những buổi chiều của chúng tôi như thế: tôi nằm trên giường, có thể đọc to cuốn gì đó; Tommy thì ngồi vẽ bên bàn.
Có lẽ chúng tôi sẽ hạnh phúc nếu mọi chuyện cứ như vậy lâu hơn nữa: giá chúng tôi có thể qua nhiều buổi chiều như vậy nữa bên nhau, tán gẫu, làm tình, đọc sách và vẽ. Nhưng càng đến cuối mùa hè Tommy càng khóc, khả năng sẽ có thông báo về việc anh hiến tạng lần thứ tư ngày càng rõ, thì chúng tôi biết mình không thể lần lữa vô thời hạn được.
Đó là một giai đoạn đặc biệt với tôi, đến nỗi hầu như suốt một tuần tôi không đến Kingsfield được. Hôm đó tôi vào buổi sáng, và tôi nhớ trời mưa như trút. Phòng Tommy hầu như tối om, có thể nghe tiếng máng xối chảy òng ọc gần cửa sổ. Anh đã xuống sảnh chính để ăn sáng cùng những người hiến khác, nhưng giờ thì đã quay về và đang ngồi bất động trên giường, mắt nhìn trống rỗng. Tôi bước vào mệt bã người – đã lâu lắm tôi không có đêm nào ngủ đủ giấc – nên cứ thế đổ vật lên chiếc giường hẹp, đẩy anh vào sát tường. Tôi nằm vậy một lát và lẽ ra đã ngủ mất nếu Tommy không dùng một ngón chân chọc liên tục vào đầu gối tôi. Rồi rốt cuộc tôi ngồi dậy cạnh anh mà nói:
“Tommy à, hôm qua em gặp Madame. Em không nói chuyện với bà ấy hay làm gì cả. Nhưng em gặp bà ấy.”
Anh ấy nhìn tôi, nhưng vẫn im lặng.
“Em thấy bà ấy đi trên phố rồi vào nhà mình. Ruth nói đúng. Địa chỉ đúng, cửa nẻo đúng, đúng tất.”
Rồi tôi miêu tả với anh rằng hôm trước, bởi đằng nào tôi cũng đang trên đường tới bờ biển phía Nam nên tôi đến Littlehampton vào lúc xế chiều, và cũng như hai lần trước, tôi lại đi bộ dọc con phố dài gần bãi biển, ngang qua những dãy nhà liên kế có những cái tên như “Wavecrest” (Đỉnh sóng) và “Sea View” (Cảnh biển), cho tới khi tới bên một băng ghế công cộng cạnh buồng điện thoại. Và tôi ngồi đó – lại ngồi đợi như mấy lần trước –, mắt dán vào căn nhà bên kia đường.
“Cứ như trinh thám ấy. Mấy lần trước em ngồi đó mỗi lần tới hơn nửa tiếng đồng hồ, thế mà chẳng có gì, tuyệt chẳng có gì xảy ra. Nhưng có điều gì mách em rằng lần này em sẽ gặp may.”
Tôi mệt quá nên gần như ngủ gục ngay trên băng ghế. Nhưng rồi tôi ngẩng lên và kìa bà ta đó, đang đi dọc con phố về phía tôi.
“Trông đến là sợ,” tôi nói, “bởi bà ấy trông giống hệt thế. Có lẽ khuôn mặt hơi già hơn, nhưng ngoài cái đó ra thì chẳng có gì khác hồi xưa hết. Thậm chí cũng vẫn quần áo đó. Cái bộ váy áo xám lịch sự ấy.”
“Không thể vẫn là bộ đó theo nghĩa đen được.”
“Em không biết. Trông cứ như là vậy.”
“Thế em không thử nói chuyện với bà ấy à?”
“Dĩ nhiên là không, ngốc ạ. Mỗi lần chỉ một bước thôi. Anh hãy nhớ, bà ấy chưa bao giờ hẳn ra tử tế với chúng mình.”
Tôi kể với anh rằng bà ta đi ngang qua trước mặt tôi phía bên kia đường, không hề liếc sang tôi; rằng trong khoảng một giây tôi cứ nghĩ bà ấy sẽ đi ngang qua cánh cửa mà tôi đang quan sát – rằng Ruth đã cho địa chỉ sai. Nhưng Madame rẽ ngay vào cổng, bằng hai ba bước đã băng qua lối đi phía trước nhỏ xíu rồi biến mất vào trong.
Sau khi tôi nói xong, Tommy lặng thinh một hồi. Đoạn anh nói:
“Em tin chắc là em sẽ không bị rắc rối chứ? Cứ lúc nào cũng lái xe đến những nơi đáng lẽ em không có việc gì phải tới?”
“Thế anh nghĩ vì sao em lại mệt đến thế? Em đã làm việc không quản giờ giấc sao cho mọi việc đâu vào đó. Nhưng ít nhất giờ chúng ta đã tìm ra bà ấy rồi.”
Mưa vẫn rơi lộp bộp ngoài kia. Tommy xoay nghiêng người, áp đầu lên vai tôi.
“Ruth đã giúp chúng mình nhiều,” anh ấy nhẹ nhàng nói. “Cô ấy làm đúng.”
“Ừ, cô ấy làm tốt. Nhưng giờ là tùy ở chúng mình.”
“Vậy kế hoạch thế nào hở Kath? Mình đã có kế hoạch chưa?”
“Mình chỉ việc đến đó thôi. Đến đó hỏi bà ấy. Tuần sau, khi em đưa anh đi làm xét nghiệm, em sẽ xin cho anh ra ngoài cả ngày. Vậy mình sẽ có thể đến Littlehampton trên đường về.”
Tommy thở dài rồi lại dúi đầu sâu hơn vào vai tôi. Ai đó nếu quan sát hẳn sẽ cho rằng anh thiếu nhiệt tình, nhưng tôi biết cảm xúc của anh. Chúng tôi đã nghĩ mãi về chuyện hoãn, giả thuyết về Phòng Tranh, về tất cả chuyện ấy quá lâu rồi – thế mà bây giờ, đùng một cái, chúng tôi lại đến chỗ này đây. Điều đó chắc hẳn có chút gì đáng sợ.
“Nếu chúng mình xin được, cứ cho là xin được,” cuối cùng anh nói. “Cứ cho là bà ấy cho chúng mình được ba năm, chỉ hai chúng mình thôi. Chúng mình sẽ làm gì đây? Em hiểu ý anh không Kath? Chúng mình sẽ đi đâu? Chúng mình không thể ở đây được, đây là trung tâm mà.”
“Em không biết Tommy ạ ó thể bà ấy sẽ bảo chúng mình quay về Nhà Tranh. Nhưng nếu chỗ nào khác thì tốt hơn. Lâu đài Trắng, có thể. Mà có khi họ lại có chỗ khác nữa không chừng. Một chỗ nào đó tách biệt hẳn, cho những người như chúng mình. Chúng mình phải xem bà ấy nói gì đã.”
Chúng tôi nằm im lặng trên giường thêm vài phút nữa, lắng nghe tiếng mưa. Đến một lúc, tôi bắt đầu dùng một bàn chân chọc vào anh, như anh làm với tôi ban đầu. Cuối cùng anh trả đũa và đẩy bàn chân tôi bật hẳn ra khỏi giường.
“Nếu chúng mình đi thật,” anh nói, “thì sẽ phải quyết định về chuyện mấy con vật. Chọn những con đẹp nhất mang theo, em biết đấy. Sáu bảy con gì đó. Chúng mình sẽ phải làm thật cẩn thận.”
“Được rồi,” tôi nói. Đoạn tôi đứng dậy duỗi hai tay. “Có thể chúng mình sẽ mang nhiều hơn. Mười lăm, thậm chí hai mươi. Ừ, chúng mình sẽ đi gặp bà ấy. Bà ấy có thể làm gì cho chúng mình? Chúng mình sẽ đi nói chuyện với bà ấy.”