“Marie-Claude nói đúng,” cô Emily nói. “Tôi mới là người mà các em cần nói chuyện. Marie-Claude làm việc rất nhiều cho dự án của chúng tôi. Và mọi chuyện chấm dứt kiểu này khiến cô ấy có phần vỡ mộng. Còn về phần tôi, dù thất vọng đến mấy đi nữa, tôi cũng không đến nỗi quá khổ sở về chuyện đó. Tôi nghĩ những gì chúng tôi đã đạt được xứng đáng được người ta tôn trọng. Nhìn hai em mà xem. Các em đã chứng tỏ được mình rất khá. Tôi tin chắc các em có rất nhiều điều kể cho tôi nghe khiến tôi cảm thấy tự hào. Các em bảo các em tên là gì nhỉ? Không, không, đợi đã. Chắc tôi sẽ nhớ thôi. Em là cậu trai tính khí nóng nảy. Tính khí nóng nảy, nhưng trái tim nhân hậu. Tommy? Tôi nói đúng không? Còn em, dĩ nhiên là Kathy H. Em đã làm người chăm sóc rất tốt. Chúng tôi nghe nói nhiều về em. Tôi nhớ cả, các em thấy chưa. Tôi dám nói là tôi nhớ tất cả các em mà.”
“Chuyện đó ích gì cho chị hay cho chúng nào?” Madame hỏi, rồi sải bước từ chỗ chiếc xe lăn ngang qua chúng tôi mà bước vào bóng tối, theo tôi hiểu là để chiếm chỗ của cô Emily lúc nãy.
“Cô Emily,” tôi nói. “Chúng em rất vui gặp lại cô.”
“Các em nói thế nghe thật mát lòng mát dạ. Tôi đã nhận ra các em, nhưng các em có thể không nhận ra tôi lắm chứ. Thật ra, Kathy H ạ, có lần cách đây chưa lâu, tôi đi ngang qua lúc em đang ngồi trên băng ghế ngoài kia, lần đó nhất định là em không nhận ra tôi. Em liếc nhìn George, cái anh chàng to xác người Nigeria đang đẩy xe cho tôi. Ồ vâng, em nhìn rất kỹ anh chàng, và anh chàng cũng nhìn em rất kỹ. Tôi chẳng nói gì, nên em không biết tôi không được khỏe, nhưng tôi hy vọng cái món dụng cụ này không phải thứ gì sẽ vĩnh viễn dính chặt với tôi. Thật không may, các em thân mến ạ, vì lát nữa thôi có vài người sẽ đến để dọn cái tủ cạnh giường của tôi đi. Nó là một món đồ rất tuyệt. George đã gắn quanh nó một lớp đệm lót để bảo vệ rồi, nhưng tôi vẫn nhất định phải đích thân đi cùng nó. Với mấy người đó thì chẳng ai biết được chuyện gì. Họ phũ lắm, cứ quăng nó vạ vật trong xe, thế rồi chủ của họ lại bảo ngay từ đầu nó đã thế rồi. Đã một lần như vậy rồi, nên lần này tôi nhất quyết phải đi cùng. Cái tủ đẹp lắm, tôi có nó từ hồi ở Hailsham, nên tôi quyết tâm phải được giá một chút. Thành thử khi họ tới, tôi e rằng tôi sẽ phải để các em lại mà đi. Nhưng tôi có thể thấy, các em thân mến ạ, các em đến đây vì một việc mà các em quan tâm sâu sắc. Tôi phải nói, gặp các em tôi vui lắm. Cả Marie-Claude cũng vui, tuy nếu nhìn cô ấy thì các em chẳng bao giờ biết vậy cả. Có phải không, cưng? Ồ, cô ấy vờ không phải vậy, nhưng đúng là vậy đấy. Cô ấy cảm động vì các em đã đến tìm chúng tôi. Ồ, cô ấy dỗi đó mà, kệ cô ấy, các em ạ, kệ cô ấy. Giờ tôi sẽ cố trả lời những câu hỏi của các em càng thấu đáo càng hay. Tôi đã nghe tin đồn này không biết bao nhiêu lần rồi. Hồi chúng ta còn ở Hailsham, mỗi năm chúng tôi lại có hai, ba đôi cứ một mực tìm cách nói chuyện với chúng tôi. Một đôi thậm chí còn viết thư cho chúng tôi nữa. Tôi cho rằng một cơ ngơi rộng thế này chẳng phải quá khó tìm nếu các em đã có ý muốn phá vỡ các quy tắc. Thành thử các em thấy đó, cái tin đồ này, từ lâu trước thời các em, nó đã có rồi.”
Cô ngừng nói, nên tôi lên tiếng. “Cô Emily ạ, điều chúng em muốn biết bây giờ là liệu tin đồn đó có thật không?”
Cô Emily vẫn nhìn chúng tôi đăm đăm thêm một lát, rồi thở một hơi dài. “Hồi còn ở chính Hailsham, mỗi khi có ai khơi chuyện này lên, tôi đều dập tắt nó ngay lập tức. Nhưng còn những gì các học sinh đã nói sau khi họ rời chúng tôi mà đi, tôi có thể làm gì được? Rốt cuộc, tôi đâm ra tin – mà Marie-Claude cũng tin vậy nốt, phải không cưng? – tôi đâm ra tin rằng cái tin đồn này không phải chỉ là một tin đồn duy nhất. Ý tôi muốn nói, chắc hẳn nó là một tin đồn mà người ta cứ tạo đi tạo lại từ đầu. Ta tìm đến tận nguồn của nó, dập nó đi, nhưng rồi vẫn không ngăn được nó lại nảy sinh chỗ khác. Khi đã đi đến kết luận đó rồi thì tôi cũng thôi không lo lắng về nó nữa. Marie-Claude chẳng bao giờ bận tâm về nó cả. Quan điểm của cô ấy là: “Nếu chúng nó đã ngốc đến vậy thì cứ để chúng tin.” Ồ phải, đừng phô cho tôi thấy bộ mặt chua chát kia của cô đi. Ngay từ đầu quan điểm của cô đã là thế rồi. Sau nhiều năm, tôi không hẳn là đi đến một kết luận giống y như vậy. Nhưng tôi bắt đầu nghĩ rằng, ừ, có lẽ mình chẳng việc gì phải lo lắng. Nói gì thì nói, đó không phải việc của tôi. Một khi một vài đôi đã bị thất vọng rồi, những đôi còn lại dù thế nào thì cũng chẳng bao giờ thử nữa. Đó là một cái gì để họ mơ tới, chỉ là chút huyễn hoặc nho nhỏ. Có hại gì đâu? Nhưng với hai em, tôi thấy không phải vậy. Các em nghiêm túc. Các em đã suy nghĩ cẩn trọng. Các em đã hy vọng một cách thận trọng. Với những học sinh như các em, tôi thật sự thấy hối tiếc. Tôi hoàn toàn chẳng vui vẻ chút nào khi làm các em thất vọng. Nhưng chuyện là vậy đó.”
Tôi không muốn nhìn Tommy. Tôi cảm thấy bình thản đến kỳ lạ, và mặc dù lời cô Emily nói lẽ ra phải làm chúng tôi thất vọng não nề, song ở chúng vẫn có một khía cạnh nào đó hàm ẩn một điều gì xa hơn thế, một điều gì bị kìm lại không nói, nó gợi ý rằng chúng tôi vẫn chưa được biết đến ngọn nguồn mọi chuyện. Thậm chí vẫn có khả năng là cô Emily không nói thật. Nên tôi hỏi:
“Vậy thì có phải không hề có chuyện tạm hoãn? Các cô không thể làm gì được sao?”
Cô Emily chầm chậm lắc đầu từ bên này sang bên nọ. “Tin đồn ấy không hề đúng sự thật. Cô rất tiếc. Cô tiếc lắm.”
Đột ngột Tommy hỏi: “Tuy nhiên đã có khi nào nó đúng sự thật không, dù chỉ một lần thôi? Trước khi Hailsham đóng cửa?”
Cô Emily vẫn tiếp tục lắc đầu. “Tin đồn chưa bao giờ đúng cả. Ngay từ trước vụ bê bối Morningdale, ngay từ hồi Hailsham vẫn còn được coi là một ngọn hải đăng sáng chói, một ví dụ tiêu biểu cho thấy chúng ta có thể chuyển sang làm việc một cách nhân đạo hơn và tốt đẹp hơn, thậm chí ngay cả hồi ấy nữa, chuyện đó đã không đúng rồi. Tốt nhất là hãy nói cho rõ chuyện này. Người ta đồn thế là vì người ta mong muốn thế. Có vậy thôi. Này em, có phải mấy người kia đến chuyển cái tủ đi không?”
Chuông cửa reo, và có tiếng bước chân xuống cầu thang ra mở cửa. Có giọng đàn ông trong gian tiền sảnh hẹp, và Madame từ chỗ tối sau lưng chúng tôi bước ra, đi ngang qua phòng để ra ngoài. Cô Emily cúi người về phía trước trên ghế lăn, chăm chú lắng nghe. Rồi cô nói:
“Không phải họ. Lại là cái gã đáng sợ ở chỗ công ty trang trí. Marie-Claude sẽ lo vụ đó. Vậy là, các em thân mến ạ, chúng ta vẫn còn thêm ít phút nữa. Các em còn muốn nói điều gì với tôi nữa không? Dĩ nhiên chuyện này dứt khoát là trái quy tắc, và Marie-Claude lẽ ra đã không bao giờ được mời các em vào. Và tất nhiên là đáng lẽ tôi phải đuổi các em ra khỏi cửa ngay khi biết các em đang ở đây. Nhưng Marie-Claude dạo này không mấy bận tâm tới những quy tắc đó của họ nữa, và tôi phải nói rằng cả tôi cũng vậy. Thành thử nếu các em muốn ở lại thêm một chút thì xin mời.”
“Nếu tin đồn đó chưa bao giờ đúng thì tại sao các cô lấy hết những tranh với thơ của chúng em đi?” Tommy nói. “Phòng Tranh cũng không hề hiện hữu hay sao?”
“Phòng Tranh? Ừ, tin đồn ấy quả là có phần nào sự thật. Đúng là có một Phòng Tranh. Và trong chừng mực nào đó Phòng Tranh vẫn còn. Dạo này nó ở ngay đây, trong căn nhà này. Tôi đã buộc phải lược bớt một số thứ. Tôi rất tiếc, nhưng không có đủ chỗ cho mọi thứ ở đây. Nhưng tại sao chúng tôi lấy tác phẩm của các em đi ư? Các em muốn hỏi là hỏi chuyện ấy phải không?”
“Không chỉ vậy,” tôi nhẹ nhàng nói. “Trước hết, tại sao các cô làm toàn bộ việc này? Sao lại rèn luyện chúng em, khuyến khích chúng em, bảo chúng em làm ra tất cả những thứ kia? Nếu đằng nào chúng em cũng sẽ hiến tạng rồi chết thì tất cả những bài học kia để làm gì? Những cuốn sách và những cuộc tranh luận kia là để làm gì chứ?”
“Tóm lại là có Hailsham để làm gì chứ?” Madame lên tiếng từ phía lối vào. Bà lại đi ngang qua mặt chúng tôi về phía nửa tối của căn phòng. “Đó là một câu hỏi hay mà các em nên hỏi.”
Cái nhìn của cô Emily dõi theo bà, và trong một lát cứ dán vào sau lưng chúng tôi. Tôi cảm thấy muốn quay lại để xem hai người đang trao đổi với nhau những cái nhìn nào, song có cảm giác gần như hồi chúng tôi còn ở Hailsham, chúng tôi cứ phải nhìn thẳng về phía trước hoàn toàn chăm chú. Rồi cô Emily nói:
“Phải, có Hailsham để làm gì chứ? Marie-Claude dạo này cứ muốn hỏi câu ấy mãi. Nhưng chỉ mới gần đây thôi, trước vụ bê bối Morningdale, cô ấy thậm chí không dám mơ đến chuyện đặt một câu hỏi như thế. Điều đó chẳng bao giờ nảy ra trong đầu cô ấy được. Cô biết là đúng vậy, đừng nhìn tôi như thế đi! Hồi đó chỉ có một người duy nhất muốn đặt một câu hỏi như thế, đó là tôi. Từ lâu trước vụ Morningdale, ngay từ đầu, tôi đã hỏi vậy rồi. Bởi vậy mà lại dễ cho tất cả những người còn lại, Marie-Claude, tất cả những người kia, họ cứ thế làm mà chẳng phải lo nghĩ gì. Học sinh các em cũng vậy. Tôi đã làm cái chuyện băn khoăn lo lắng hỏi thế này hỏi thế kia cho tất cả các em. Và chừng nào tôi còn kiên định thì không một nỗi hoài nghi nào xuất hiện trong đầu các em, bất cứ ai trong các em. Nhưng em, em thì đặt những câu hỏi, cậu trai thân mến ạ. Ta hãy trả lời câu hỏi đơn giản nhất, và có lẽ qua đó cũng sẽ trả lời luôn mọi câu hỏi còn lại. Tại sao chúng tôi lấy tác phẩm của các em đi? Tại sao chúng tôi làm vậy? Vừa rồi em có nói một điều thú vị, Tommy ạ. Lúc ban nãy em bàn chuyện này với Marie-Claude đấy. Em bảo đó là vì nghệ thuật em làm ra sẽ phát lộ bản chất các em. Bản chất bên trong của các em. Em đã nói vậy phải không? Ừ, về chuyện đó em không sai lắm đâu. Chúng tôi lấy tác phẩm của chúng em đi vì chúng tôi nghĩ chúng sẽ phát lộ tâm hồn của các em. Hoặc nói chính xác hơn, chúng tôi làm vậy để chứng minh rằng các em cũng có tâm hồn.”
Bà ngừng nói, và một hồi lâu rồi Tommy với tôi mới nhìn nhau lần đầu tiên. Rồi tôi hỏi:
“Tại sao cô phải chứng minh một điều như vậy, hở cô Emily? Có ai đó cho rằng chúng em không có tâm hồn sao?”
Một nụ cười yếu ớt xuất hiện trên mặt bà. “Thật cảm động khi thấy em sửng sốt đến thế, Kathy ạ. Điều đó chứng tỏ rằng chúng tôi đã làm tốt việc của mình. Như em nói, tại sao ai đó lại nghi ngờ chuyện các em có tâm hồn? Nhưng em thân mến ạ, tôi phải nói với em rằng hồi chúng tôi mới bắt đầu mọi việc nhiều năm trước, không phải ai cũng nghĩ vậy đâu. Và mặc dù từ đó đến nay chúng tôi đã tiến được một quãng đường dài, đó vẫn không phải là cách nghĩ chung của mọi người, ngay cả bây giờ. Học sinh Hailsham các em, ngay cả khi đã ra ngoài đời như thế này, các em vẫn chưa biết được một nửa chuyện đó. Khắp đất nước này, ngay trong lúc này đây, đang có những học sinh được nuôi trong những điều kiện thật đáng lên án, những điều kiện mà học sinh Hailsham các em khó lòng hình dung nổi. Và giờ khi chúng tôi không còn làm nữa, mọi chuyện sẽ chỉ càng tồi tệ hơn thôi.”
Bà lại ngừng nói, và trong một khoảnh khắc dường như bà đang dò xét kỹ càng chúng tôi qua cặp mắt nheo nheo lại. Cuối cùng bà nói tiếp:
“Dù sao thì ít nhất chúng tôi cũng đã lo được sao cho, những em nào mà chúng tôi chăm sóc, tất cả các em đều được lớn lên trong môi trường thật tốt. Và chúng tôi cũng lo liệu sao cho, sau khi đã rời chúng tôi, các em không phải gặp những điều khủng khiếp nhất trong những điều khủng khiếp kia. Chúng tôi chỉ làm được ngần ấy, ít nhất là cho các em. Nhưng còn cái ước mơ của các em, ước mơ rằng mình có thể được tạm hoãn. Một chuyện như vậy thì luôn luôn ngoài sức chúng tôi, ngay cả khi ảnh hưởng của chúng tôi lên cao nhất đi nữa. Tôi xin lỗi, tôi biết những gì tôi đang nói chẳng làm các em vui vẻ gì cho cam. Nhưng các em không được chán nản. Tôi hy vọng các em hiểu được chúng tôi đã có thể làm đến thế nào để chăm nom bảo vệ các em. Nhìn cả hai em bây giờ xem! Các em đang sống tốt, các em có giáo dục, có văn hóa. Tôi tiếc rằng chúng tôi đã không thể chăm nom cho các em nhiều hơn thế, nhưng các em phải biết rằng đã có thời mọi việc từng tồi tệ hơn đến mức thế nào. Khi Marie-Claude và tôi mới khởi sự làm, một nơi như Hailsham chưa hề có. Chúng tôi là nơi đầu tiên, cùng với Glennmorgan House. Vài năm sau thì có thêm Sauders Trust. Cùng nhau, chúng tôi trở nên mạnh mẽ, chúng tôi phản đối toàn bộ cung cách tiến hành chương trình hiến tạng vào lúc đó. Quan trọng nhất, chúng tôi chứng tỏ cho thế giới thấy, nếu các học sinh được nuôi dạy trong môi trường nhân đạo, có văn hóa thì lớn lên chúng sẽ có thể trở nên nhạy cảm và thông minh như bất cứ người thường nào. Trước đó thì, tất cả những người nhân bản – hay học sinh, chúng tôi thì thích gọi các em như vậy hơn – tồn tại chỉ để phục vụ nghiên cứu y khoa. Hồi đầu, sau chiến tranh, các em chủ yếu là vậy với hầu hết mọi người. Chỉ là những vật thể lờ mờ trong ống nghiệm mà thôi. Cô có đồng ý không, Marie-Claude? Cô ấy trầm lặng thế. Thường thì ta không thể buộc cô ấy ngậm tăm khi nói đến chủ đề này đâu. Sự có mặt của các em, các em thân mến ạ, hình như đã trói lưỡi cô ấy thì phải. Nào, bây giờ để trả lời câu hỏi của em, Tommy. Chính vì vậy chúng tôi mới thu thập tác phẩm của các em. Chúng tôi chọn những tác phẩm hay nhất rồi đem trưng bày ở những cuộc triển lãm đặc biệt. Hồi cuối thập niên bảy mươi, khi ảnh hưởng của chúng tôi đang ở đỉnh cao, chúng tôi tổ chức những sự kiện lớn trên cả nước. Bộ trưởng nội các này, giám mục này, đủ thứ nhân vật nổi tiếng đến dự. Đọc diễn văn, hứa hẹn tài trợ hậu hĩ. ‘Nhìn xem!’ chúng tôi nói. ‘Nhìn thứ nghệ thuật này xem! Sao các vị dám tuyên bố những đứa trẻ này là giống gì khác chứ không hẳn là người?’ Ồ phải, hồi đó phong trào của chúng tôi được người ta ủng hộ nhiều, xu thế đang nghiêng về phía chúng tôi.”
Trong khoảng vài phút sau đó, cô Emily tiếp tục hồi tưởng lại những sự kiện khác nhau từ thời ấy, nhắc tới nhiều người mà tên họ hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Thực vậy, trong một khoảnh khắc, có cảm giác gần như chúng tôi lại đang lắng nghe bà ở một trong những buổi họp sáng hồi xưa và tự dưng bà nhảy sang những chủ đề khác mà không ai trong chúng tôi theo kịp. Tuy nhiên dường như bà có vẻ hạnh phúc, một nụ cười nhẹ nhàng đọng quanh mắt bà. Thế rồi đột nhiên bà dứt khỏi nó mà nói bằng một giọng mới:
“Nhưng chúng ta chưa bao giờ mất hẳn liên hệ với thực tại, phải không Marie-Claude? Không như các đồng nghiệp chúng ta ở Saunders Trust. Ngay cả trong những thời tốt đẹp nhất, chúng ta vẫn luôn luôn biết mình đang dấn vào một cuộc đấu tranh gian khổ đến thế nào. Và quả nhiên, vụ bê bối Morningdale xảy ra, rồi một, hai vụ nữa, ấy thế là chúng ta chưa kịp hiểu chuyện gì thì toàn bộ công lao khó nhọc của chúng ta bị người ta xóa sổ.”
“Nhưng điều em không hiểu là trước hết tại sao người ta cứ muốn học sinh chúng em bị đối xử một cách tàn tệ như thế,” tôi nói.
“Từ quan điểm của em ngày nay thì em sửng sốt như thế là hoàn toàn hợp lý, Kathy ạ. Nhưng các em phải cố hiểu vấn đề bằng cách đặt nó đúng thời điểm lịch sử. Sau chiến tranh, hồi đầu thập niên năm mươi, khi những đột phá lớn trong khoa học cứ theo nhau diễn ra nhanh đến thế, người ta chẳng có thì giờ đâu để xem xét kỹ, để đặt những câu hỏi tế nhị. Đột nhiên tất cả những khả năng mới mẻ kia bày ra trước mắt chúng ta, bao nhiêu là cách mới để chữa trị bao nhiêu căn bệnh trước kia không chữa được. Đó là điều mà thế giới chú ý hơn hết, mong muốn hơn hết. Nên suốt một thời gian dài người ta chỉ muốn tin rằng các cơ quan nội tạng kia xuất hiện chẳng từ đâu cả, nhiều lắm chúng cũng chỉ hình thành trong một thứ chân không nào đó. Phải, quả là có những tranh cãi. Nhưng cho đến khi người ta bắt đầu quan tâm đến… đến các học sinh, cho đến khi người ta bắt đầu quan tâm đến chuyện các em được nuôi nấng ra sao, trước hết là liệu các em có nên được sinh ra trên đời này không, đến khi đó thì đã quá muộn. Không còn cách nào đảo ngược quá trình được nữa. Làm sao các em có thể yêu cầu một thế giới vốn đã đâm ra coi bệnh ung thư là có thể chữa, làm sao các em yêu cầu được một thế giới như thế dẹp bỏ cái liệu pháp kia mà trở lại thời đen tối được? Không thể nào quay lại nữa. Dù người ta áy náy đến thế nào về sự hiện hữu của các em, mối quan tâm lớn nhất của người ta vẫn là con cái họ, vợ chồng họ, cha mẹ họ, bạn bè họ đừng chết vì ung thư, vì bệnh ở thần kinh vận động, vì bệnh tim. Thành thử suốt một thời gian dài các em cứ bị giữ trong bóng tối, và người ta cố hết sức để đừng nghĩ tới các em. Mà dù có nghĩ đi nữa, người ta cũng cố tự thuyết phục mình rằng các em không thực sự giống chúng tôi. Rằng các em thấp kém hơn con người, nên điều đó chẳng hệ trọng gì. Tình hình vốn dĩ như thế, cho đến khi cái phong trào nhỏ của chúng tôi xuất hiện. Nhưng các em có hiểu chúng tôi đứng lên chống cái gì không? Gần như là chúng tôi cố vẽ vòng tròn thành hình vuông vậy. Cả một thế giới kia, họ cứ yêu cầu các học sinh hiến tạng. Chừng nào còn như vậy thì vẫn luôn luôn còn một rào cản không cho người ta xem các em thực sự là người. Ừ thì chúng tôi đã chiến đấu chống lại nó suốt nhiều năm, và ít nhất, những gì chúng tôi giành được cho các em là nhiều sự cải thiện, mặc dù dĩ nhiên các em chỉ là một thiểu số chọn lọc. Nhưng rồi xảy ra vụ bê bối Morningdale, rồi lại những chuyện khác nữa, và chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Không ai còn muốn thiên hạ thấy họ ủng hộ chúng tôi nữa, và cái phong trào nhỏ của chúng tôi, Hailsham, Glennmorgan, Saunders Trust, tất cả chúng tôi bị quét sạch.”
“Cái vụ bê bối Morningdale mà cô cứ nhắc tới mãi là vụ gì thế, cô Emily?” tôi hỏi. “Cô phải kể cho chúng em, vì chúng em không biết vụ đó.”
“Ừ, chắc cũng chẳng có lý do nào để các em không nên biết. Vụ đó chưa bao giờ là một chuyện gì to tát đối với thế giới ngoài kia. Nó liên quan tới một nhà khoa học tên là James Morningdale, khá có tài theo cách của ông ta. Ông ta làm việc ở một vùng xa xôi tại Scotland, chắc ông ta nghĩ rằng ở đó ông ta ít bị thiên hạ chú ý hơn. Cái mà ông ta muốn mang lại cho thiên hạ là sinh ra những đứa con có những tính chất được hoàn thiện. Trí thông minh ưu việt, khả năng thể thao ưu việt, đại loại thế. Dĩ nhiên còn có những người khác cũng nuôi tham vọng tương tự, nhưng cái tay Morningdale này, ông ta đã đẩy những nghiên cứu của mình xa hơn bất cứ ai trước đó, vượt xa ngoài ranh giới hợp pháp. Rồi thì người ta phát hiện được ông ta, chấm dứt việc làm của ông ta, và dường như đến thế là hết chuyện. Chỉ có điều, dĩ nhiên với chúng tôi thì không phải đã hết. Như tôi nói, nó chưa bao giờ trở thành một chuyện gì ghê gớm cả. Nhưng nó quả là đã tạo ra một bầu không khí nào đó, các em hiểu chứ. Nó nhắc nhở người ta, nhắc họ nhớ lại một nỗi sợ mà họ từng luôn luôn có. Tạo ra các học sinh, như các em chẳng hạn, cho chương trình hiến tạng là một chuyện. Nhưng cả một thế hệ trẻ em nhân tạo sau này sẽ có chỗ đứng trong xã hội ư? Những đứa trẻ rành rành là ưu việt hơn chúng ta ư? Ồ không. Điều đó khiến người ta sợ hãi. Họ chùn lại trước điều đó.”
“Nhưng cô Emily ơi, những chuyện đó có liên quan gì đến chúng em?” tôi nói. “Tại sao Hailsham lại phải đóng cửa vì một chuyện như vậy chứ?”
“Chúng tôi cũng đã không thấy có mối liên hệ hiển nhiên nào cả, Kathy ạ. Ban đầu chúng tôi không thấy được. Còn bây giờ tôi hay nghĩ, chúng tôi thật đáng trách vì đã không thấy vậy. Giá như chúng tôi cảnh giác hơn, bớt mải mê với chính mình hơn, giá như chúng tôi cố hết sức vào giai đoạn khi tin về vụ Morningdale lần đầu tiên bị lộ ra, thì chúng tôi đã có thể tránh được điều đó. Ồ, Marie-Claude không đồng ý. Cô ấy thì cho rằng chuyện đó trước sau rồi cũng xảy ra dù chúng tôi có làm gì đi nữa, và cô ấy hẳn cũng có phần đúng. Nói gì thì nói, không phải chỉ có vụ Morningdale. Lúc đó còn có những chuyện khác nữa. Cái loạt phim truyền hình kinh khủng kia chẳng hạn. Tất cả đều góp phần vào, góp phần làm thay đổi xu thế. Nhưng tôi cho rằng chung quy lại, cái yếu điểm cốt yếu là thế này. Cái phong trào nhỏ bé của chúng tôi, nó luôn luôn quá mỏng manh, luôn luôn phụ thuộc quá nhiều vào ý thích thất thường của những người ủng hộ. Chừng nào tình hình còn thuận lợi cho chúng tôi, chừng nào còn có một tập đoàn hay một chính trị gia thấy mình có lợi khi ủng hộ chúng tôi, chừng đó chúng tôi còn trụ được. Nhưng luôn luôn phải đấu tranh mới được như thế, và sau vụ Morningdale, sau khi gió đã xoay chiều, chúng tôi không còn cơ hội nữa. Người ta không muốn ai nhắc cho họ nhớ thật ra chương trình hiến tạng được tiến hành như thế nào. Người ta không muốn nghĩ về những học sinh như các em, hay về chuyện các em được nuôi trong hoàn cảnh nào. Nói cách khác, các em thân mến ạ, người ta muốn các em phải quay trở lại bóng tối. Về lại cái bóng tối nơi các em từng ở trước khi những người như Marie-Claude và tôi xuất hiện. Và tất cả những nhân vật đầy thế lực từng có thời sốt sắng giúp chúng tôi đến thế thì bây giờ, dĩ nhiên, thảy biến đi đâu cả. Chúng tôi mất các nhà tài trợ, hết người này đến người khác, trong vòng có một năm. Chúng tôi đã cố hết sức để tiếp tục hoạt động, chúng tôi trụ thêm được lâu hơn hai năm so với Glennmorgan. Nhưng rốt cuộc thì, các em biết đó, chúng tôi bị buộc phải đóng cửa, và giờ đây hầu như chẳng còn dấu vết gì từ công việc chúng tôi đã làm. Nay thì các em sẽ chẳng bao giờ tìm thấy cái gì giống như Hailsham ở bất cứ đâu trên đất nước này nữa. Các em sẽ chỉ thấy, như từ hồi nào đến giờ, những căn “nhà” rộng thênh của chính phủ mà thôi, và thậm chí dù những cái “nhà” ấy nay đã tốt hơn phần nào so với trước kia, hãy cho tôi nói điều này, các em ạ, các em sẽ mất ngủ nhiều ngày liền một khi đã thấy những gì vẫn đang diễn ra ở một số nơi như thế. Còn về phần Marie-Claude và tôi, nay chúng tôi ở đây, chúng tôi rút lui về cái nhà này, và trên lầu chúng tôi có cả một núi những tác phẩm của các em. Chúng tôi chỉ có ngần ấy để nhắc chúng tôi nhớ lại những gì mình đã làm. Và cả một núi nợ nữa, mặc dù cái này thì còn lâu mới làm ta vui vẻ. Rồi những ký ức, có lẽ vậy, về tất cả các em. Và biết rằng chúng tôi đã cho các em được sống tốt đẹp hơn so với cái cuộc sống mà lẽ ra các em phải chịu.”
“Đừng có cố yêu cầu chúng cám ơn chị,” giọng của Madame cất lên sau lưng chúng tôi. “Sao chúng lại phải biết ơn chứ? Chúng đến đây là bởi muốn một điều hơn thế nhiều kia. Những gì chúng ta đã cho chúng, suốt ngần ấy năm trời, chúng ta đã chiến đấu thế nào cho chúng, chúng biết gì về những điều đó chứ? Chúng nghĩ tất thảy là Trời cho cả. Cho tới khi chúng tới đây, chúng chẳng biết gì về những điều đó. Tất cả những gì chúng cảm thấy bây giờ là thất vọng, vì chúng ta đã không cho chúng tất cả những gì có thể.”
Không ai nói gì trong một lát. Thế rồi có một tiếng ồn vang lên ở bên ngoài và chuông cửa lại reo. Madame từ trong bóng tối tiến ra, đi ra ngoài tiền sảnh.
“Lần này thì ắt phải là mấy người đó,” cô Emily nói. “Tôi sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng các em có thể nán lại thêm một chút. Mấy người đó sẽ phải mang cái tủ xuống hai lần thang. Marie-Claude sẽ trông chừng để họ không làm hỏng.”