Mãi Đừng Xa Tôi

Phần 3 – Chương 34
Trước
image
Chương 34
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

Có vẻ như chẳng có gì thay đổi trong khoảng một tuần sau chuyến đi đó. Tuy nhiên tôi trông không chờ nó vẫn như vậy mãi, và quả nhiên, cho đến cuối tháng Mười tôi bắt đầu nhận thấy những sự đổi khác nhỏ. Một mặt, tuy Tommy vẫn tiếp tục vẽ các con thú, nhưng anh chẳng thích thú gì làm việc đó khi có mặt tôi. Không hẳn là chúng tôi trở lại như hồi đầu khi tôi mới trở thành người chăm sóc cho anh và tất cả những chuyện ở Nhà Tranh vẫn còn ám ảnh chúng tôi. Nhưng có vẻ như anh đã suy nghĩ rồi quyết định: rằng anh vẫn sẽ tiếp tục vẽ các con thú nếu thấy hứng, nhưng nếu tôi vào, anh sẽ thôi vẽ mà cất chúng đi. Tôi không đến nỗi quá đau lòng vì chuyện đó. Thực ra thì, theo nhiều cách, chuyện đó còn làm tôi nhẹ nhõm: nếu những khi chúng tôi ở bên nhau mà những con thú ấy cứ chăm chăm nhìn vào mặt chúng tôi thì mọi chuyện chỉ càng thêm khó xử.

Nhưng còn có những thay đổi khác mà tôi thấy khó chịu hơn. Tôi không định nói là chúng tôi không còn có những lúc vui vẻ trong phòng anh nữa. Thậm chí thỉnh thoảng chúng tôi vẫn làm tình với nhau. Nhưng cái mà tôi không thể không nhận thấy là, Tommy ngày càng có xu hướng đồng hóa mình với những người hiến khác tại trung tâm. Chẳng hạn, nếu hai chúng tôi đang nhắc lại những người cũ hồi ở Hailsham, sớm muộn gì anh ấy cũng sẽ lái cuộc nói chuyện sang một trong những người bạn cũng là người hiến tạng ở trung tâm này nếu người đó cũng nói hay làm gì đó tương tự như chuyện chúng tôi đang nói. Đặc biệt có một lần, khi tôi lái xe vào Kingsfield sau một chuyến đi dài rồi bước ra khỏi xe. Quảng trường trông hơi giống lần tôi cùng Ruth đến trung tâm hôm chúng tôi đi xem chiếc thuyền. Đó là một chiều thu u ám, quảng trường vắng tanh ngoại trừ một nhóm người hiến tụ tập dưới cái mái chìa của ngôi nhà dùng làm hội trường. Tôi thấy Tommy đang ở trong nhóm đó – anh đứng tựa lưng vào một cây cột, lắng nghe một người hiến khác đang ngồi co ro trên những bậc tam cấp lối vào. Tôi tiến về phía họ một quãng rồi đứng lại đợi, ngay giữa quảng trường dưới bầu trời xám xịt. Nhưng Tommy, mặc dù có thấy tôi, vẫn tiếp tục nghe bạn nói, cuối cùng thì anh cùng tất cả những người khác phá lên cười. Ngay cả khi đó anh vẫn tiếp tục vừa lắng nghe vừa mỉm cười. Về sau anh bảo rằng anh đã ra hiệu bảo tôi đến, nhưng nếu anh có làm vậy thì cũng không hề rõ rệt chút nào. Tôi chỉ nhận thấy mỗi một điều rằng anh mỉm cười một cách mơ hồ về phía tôi, rồi lại quay sang nghe bạn mình đang nói. Phải, anh ấy đang nghe nửa chừng cái gì đó, và sau chừng một phút hay sao đó anh cũng lại chỗ tôi và hai chúng tôi lên phòng anh. Nhưng như vậy khác hồi trước quá. Mà cũng không chỉ chuyện anh ấy để tôi đợi ngoài trời giữa Quảng trường. Chuyện ấy tôi cũng chẳng bận tâm lắm. Nhưng điều đáng nói hơn là hôm ấy lần đầu tiên tôi nhận ra, là có cái gì đó gần như giận dỗi về phía anh ấy khi phải rời đám bạn mà đến với tôi, và khi chúng tôi đã lên phòng anh rồi, bầu không khí giữa hai chúng tôi chẳng lấy gì làm vui vẻ.

Nói cho công bằng, chuyện đó cũng bởi tại tôi chẳng kém bởi tại anh ấy. Bởi trong khi tôi đứng đó nhìn họ chuyện trò cười cợt, tôi bất ngờ cảm thấy hơi bực bội; bởi có cái gì đó trong cung cách những người hiến kia tự bố trí thành một hình gần như nửa vòng tròn, có cái gì đó trong tư thế của họ, thoải mái một cách hầu như đầy chủ ý, dù đứng hay ngồi, như để công bố với toàn thế giới rằng mỗi người trong số họ thích thú đến nhường nào cái hội bạn bè này, khiến tôi nhớ lại kiểu cái nhóm nho nhỏ của chúng tôi hay ngồi với nhau trong căn đình tạ. Sự so sánh đó, như tôi nói, đã khích động cái gì trong tôi, vậy nên khi chúng tôi đã lên phòng anh, tôi cũng cảm thấy bực tức chẳng kém gì anh bực tức tôi.

Tôi cũng cảm thấy một chút giận dỗi tương tự mỗi khi anh bảo sở dĩ tôi không hiểu điều này hay điều nọ là do tôi chưa phải là người hiến. Nhưng ngoài một lần cụ thể mà tôi sẽ kể ngay sau đây thì tất cả chỉ là bực một chút, thế thôi. Thường thì anh ấy nói những điều đó với tôi với vẻ nửa đùa cợt, hầu như âu yếm. Và thậm chí nếu có gì đó nhiều hơn thế, như cái lần anh ấy bảo tôi đừng mang quần áo bẩn của anh ấy đến phòng giặt nữa vì việc đó anh tự làm được, thì cũng chẳng mấy khi chuyện nhỏ thành ra cãi cọ nhau. Lần đó tôi đã hỏi anh:

“Ai trong chúng mình mang khăn bẩn đi thì có khác gì nhau? Đằng nào em cũng đi lối đó mà.”

Để trả lời anh lắc đầu rồi nói: “Này, Kath, đồ của anh thì tự anh thu xếp lấy. Nếu em là người hiến thì em sẽ hiểu.”

Nghe cũng hơi bực thật, nhưng chuyện đó tôi có thể quên khá nhanh. Song như tôi nói, có một lần, khi anh nhắc đến việc tôi không phải là người hiến, tôi đã thực sự nổi cáu.

Chuyện xảy ra khoảng một tuần sau khi anh nhận được thông báo hiến lần thứ tư. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi việc đó và đã bàn cặn kẽ với nhau về nó khá nhiều. Trên thực tế, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện chân tình nhất từ dạo đi Littlehampton đến giờ, chỉ bàn quanh chuyện lần hiến thứ tư. Tôi đã biết rằng những người hiến thường phản ứng trước lần hiến thứ tư của mình theo đủ cách khác nhau. Một số người cứ muốn nói mãi về chuyện đó, nói hoài không dứt và vô nghĩa. Người khác thì chỉ lấy đó làm đùa bỡn, nhũng người khác nữa thì hoàn toàn cự tuyệt không nói năng gì đến nữa. Lại còn có một khuynh hướng kỳ quặc ở những người hiến là coi lần hiến thứ tư như một cái gì đáng được chúc mừng. Một người hiến “ở bậc tư”, cho dẫu là người mà ngay trước đó chẳng mấy ai ưa, được tất cả mọi người đặc biệt tôn trọng. Ngay các bác sĩ và y tá cũng làm ra vẻ vậy: khi một người hiến “ở bậc tư” đi kiểm tra sức khỏe, anh hay chị ta sẽ được những người mặc áo choàng trắng đón chào, tay bắt mặt mừng. Tommy với tôi thì chúng tôi đã bàn tất cả chuyện này, lúc thì đùa, khi thì nghiêm túc và cẩn trọng. Chúng tôi bàn tất cả những cách khác nhau mà người ta đã thử để đối mặt với nó, và cách nào là cách khôn ngoan nhất. Có lần, khi chúng tôi nằm bên nhau trên giường lúc trời đang tối dần, anh nói:

“Kath à, em có biết tại sao ai cũng lo lắng đến thế về lần thứ tư không? Đó là vì họ không chắc liệu họ có thực sự xong hẳn không. Nếu mình biết chắc mình sẽ xong hẳn thì sẽ dễ hơn. Nhưng người ta chẳng bao giờ cho mình biết chắc cả.”

Lúc ấy tôi thoáng tự hỏi liệu đây có trở thành chuyện phải bàn không, và cũng nghĩ xem mình đáp lại thế nào. Nhưng khi thấy đúng là chuyện cần bàn thật thì tôi lại không tìm được gì nhiều để nói. Nên tôi chỉ nói: “Toàn chuyện vớ vẩn thôi mà, Tommy. Toàn nói nhăng thôi. Thậm chí không đáng nghĩ tới nữa kìa.”

Nhưng Tommy biết tôi chẳng có gì làm cơ sở cho lời tôi nói. Anh ấy hẳn cũng biết rằng anh đang nêu những câu hỏi mà ngay các bác sĩ cũng không có câu trả lời chắc chắn. Hẳn các bạn cũng đã nghe những chuyện như vậy. Rằng có thể, sau lần hiến thứ tư, thậm chí dù về mặt kỹ thuật thì ta đã xong hẳn, nhưng bằng cách nào đó ta vẫn còn ý thức; rằng khi đó ta sẽ nhận ra rằng vẫn còn những lần hiến nữa, nhiều lần hiến nữa, ở bên kia cái lằn ranh đó; rằng sẽ không còn trung tâm phục hồi nào nữa, không còn người chăm sóc, không còn bạn bè gì nữa; rằng sẽ chẳng còn việc gì làm ngoại trừ quan sát những lần hiến còn lại của mình cho đến khi người ta cho mình tắt hẳn. Đó chẳng khác gì phim rùng rợn, và hầu hết thời gian người ta không muốn nghĩ về chuyện đó. Những người mặc áo trắng, không, những người chăm sóc, không, và thường là các người hiến tạng, không. Nhưng thỉnh thoảng, một người hiến lại khơi ra chuyện đó, như Tommy đã làm chiều hôm ấy, và giờ đây tôi ước gì chúng tôi đã bàn về chuyện đó. Dù sao thì, sau khi tôi gạt chuyện đó đi coi nó là vớ vẩn, cả hai chúng tôi thôi hẳn không nói năng gì về đề tài đó nữa. Tuy vậy, tôi vẫn biết nó vẫn cứ nằm trong trí Tommy sau lần đó, và tôi vui rằng ít nhất anh ấy cũng đã tin cậy mà thổ lộ với tôi đến thế. Tôi chỉ muốn nói rằng, nói chung, tôi luôn có ấn tượng là chúng tôi đã cùng nhau đối mặt khá tốt với lần hiến tạng thứ tư, chính vì vậy tôi mới choáng váng đến thế bởi những gì anh ấy nói ra vào hôm chúng tôi tản bộ quanh cánh đồng.

Trung tâm Kingsfield không có nhiều sân vườn lắm. Quảng trường hiển nhiên là nơi người ta hay tụ họp, còn mấy khoảnh đằng sau các tòa nhà trông chỉ giống như đất hoang. Khoảnh đất rộng nhất, mà những người hiến gọi là “cánh đồng”, là một khoảnh hình chữ nhật mọc đầy cỏ dại và cây kế hoang, bốn phía có chăng hàng rào lưới. Người ta cứ luôn mồm nói sẽ biến nó thành một bãi cỏ đàng hoàng đúng nghĩa cho những người hiến tạng, nhưng mãi đến giờ vẫn chưa làm. Thậm chí dù người ta có làm vậy đi nữa thì nó cũng chẳng lấy gì làm yên tĩnh, bởi ngay bên cạnh là xa lộ lớn. Dẫu vậy, mỗi khi những người hiến thấy bứt rứt và cần đi bộ cho quên thì họ thường ra đấy, đi tới đâu là cọ mình vào những đầu lá nhọn và bụi mâm xôi đến đó. Vào buổi sáng tôi đang nói ở đây, trời sương rất dày nên tôi biết cánh đồng đang sũng nước, nhưng Tommy cứ nằng nặc bảo chúng tôi ra đó đi dạo. Chẳng lạ rằng ngoài chúng tôi ra đó chẳng có ai – điều đó hẳn rất hợp với tâm trạng của Tommy. Sau khi chật vật len qua những bụi cây rậm rạp trong vài phút, anh dừng lại cạnh hàng rào nhìn đăm đăm vào màn sương phía bên kia. Rồi anh nói:

“Kath này, anh không muốn em hiểu lầm chuyện này. Nhưng anh nghĩ kỹ lắm rồi. Kath ạ, có lẽ anh nên tìm một người chăm sóc khác thì hơn.”

Trong khoảng mấy giây sau khi anh nói thế, tôi nhận ra rằng tôi chẳng ngạc nhiên vì điều đó chút nào; rằng theo một cách kỳ quặc nào đấy tôi vẫn đang chờ đợi nó. Nhưng dẫu vậy tôi vẫn tức giận và không nói năng gì.

“Không phải chỉ vì lần hiến thứ tư sắp tới,” anh nói tiếp. “Không phải chỉ vì vậy. Mà còn vì những chuyện như đã xảy ra tuần trước. Lúc anh bị bệnh thận ấy. Sắp tới sẽ còn xảy ra nhiều chuyện như vậy nữa.”

“Chính vì vậy em mới đến tìm anh,” tôi nói. “Chính vì vậy em mới đến để giúp anh. Vì những gì mãi bây giờ mới bắt đầu. Và đó cũng là điều Ruth muốn.”

“Ruth muốn là muốn điều khác cho chúng ta,” Tommy nói. “Không nhất thiết cô ấy muốn em phải làm người chăm sóc anh cho tới hết cái đận cuối này.”

“Tommy ơi,” tôi nói, và chắc là đến lúc này tôi đã phẫn nộ lắm, nhưng tôi vẫn giữ giọng bình thản và kiềm chế. “Em là người duy nhất giúp anh. Chính vì vậy em mới đến đây tìm lại anh.”

“Ruth muốn là muốn điều khác cho chúng ta,” Tommy lặp lại. “Còn chuyện này hoàn toàn khác. Kath ạ, anh không muốn cứ thế này trước mặt em.”

Khi nói vậy anh nhìn xuống đất, một bàn tay áp lên hàng rào lưới, và trong một lát trông anh có vẻ như đang ráo riết lắng nghe tiếng xe cộ đâu đó đằng sau màn sương. Và đó chính là lúc anh thốt ra điều ấy, vừa nói vừa khẽ lắc đầu:

“Ruth thì chắc sẽ hiểu. Cô ấy đã là người hiến, nên cô ấy chắc sẽ hiểu. Anh không nói rằng nhất định cô ấy cũng đã muốn điều như vậy cho mình. Nếu được thì cô ấy hẳn đã muốn em làm người chăm sóc cho cô ấy cho tới cuối. Nhưng cô ấy chắc đã hiểu, rằng anh thì anh muốn khác thế. Kath ạ, đôi khi em không hiểu được. Em không hiểu vì em không phải là người hiến tạng.”

Chính lúc anh nói ra điều đó thì tôi quay lưng bỏ đi. Như tôi đã nói, tôi hầu như đã sẵn sàng lắng nghe anh nói không muốn tôi làm người chăm sóc anh nữa. Nhưng điều thực sự làm tôi bị xúc phạm, sau tất cả những chuyện nhỏ nhặt khác kia, như khi anh nói lúc đó, cái kiểu anh lại tách tôi ra một lần nữa, lần này không phải tách khỏi tất cả những người hiến tạng mà còn tách tôi ra khỏi anh và Ruth.

Trước
image
Chương 34
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!