Tôi lắc đầu. “Không thể thế được. Hẳn là phải liên quan thế nào đó đến điều cô Lucy nói với cậu. Về chúng mình, về việc chúng mình một ngày nào đó sẽ bắt đầu hiến tạng. Mình chẳng biết tại sao, nhưng mình có cái cảm giác đó ít lâu nay, rằng mọi chuyện đều có liên quan với nhau, mặc dù mình chưa hình dung được liên quan thế nào. Mình phải đi bây giờ Tommy ạ. Đừng kể với ai về những chuyện chúng mình vừa nói nhé.”
“Ừ. Mà cậu cũng đừng nói với ai về cô Lucy đấy.”
“Nhưng nếu cô ấy lại nói chuyện gì đó khác với cậu kiểu như vậy thì cậu cho mình biết chứ?”
Tommy gật, rồi lại nhìn quanh. “Đúng như cậu nói, cậu đi đi thì hơn Kath à. Kẻo chẳng mấy chốc có người nghe lỏm chúng mình đấy.”
Phòng Tranh mà Tommy và tôi vừa bàn tới là một thứ luôn có mặt cùng chúng tôi suốt những năm chúng tôi khôn lớn. Ai cũng nói về nó cứ như là nó tồn tại, mặc dù trên thực tế chẳng ai trong chúng tôi biết chắc nó có tồn tại thật không. Tôi tin chắc mình khá tiêu biểu cho bọn chúng tôi ở chỗ tôi không thể nhớ mình nghe nói đến Phòng Tranh lần đầu tiên khi nào hay bằng cách nào. Hẳn là không phải từ các giám thị: họ chẳng bao giờ nhắc tới Phòng Tranh, và có một luật bất thành văn là chúng tôi không bao giờ nêu chủ đề ấy khi có mặt giám thị.
Tôi đồ rằng chuyện đó đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ học sinh ở Hailsham. Tôi nhớ có lần hồi mới năm sáu tuổi, tôi ngồi bên một chiếc bàn thấp cạnh Amanda C., tay chúng tôi bết đất sét nặn. Tôi không nhớ lúc đó có đứa trẻ nào khác ngoài chúng tôi không, hoặc giám thị nào coi lớp hôm đó. Tôi chỉ nhớ rằng Amanda C., vốn lớn hơn tôi một tuổi, nhìn cái tôi đang làm mà reo lên: “Đẹp, đẹp thật đó Kathy! Đẹp quá chừng! Mình cá là sẽ được đưa vào Phòng Tranh đấy!”
Lúc đó chắc hẳn tôi đã có biết về Phòng Tranh, bởi tôi vẫn nhớ mình đã thấy phấn khích và tự hào khi nghe cô ấy nói vậy, nhưng liền sau đó lại tự nhủ: “Khôi hài quá. Chưa ai trong bọn mình đủ giỏi để được đưa vào Phòng Tranh đâu.”
Khi lớn lên, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau về Phòng Tranh. Nếu muốn khen tác phẩm của ai đó, chúng tôi nói: “Đẹp thế thì đưa vào Phòng Tranh được.” Và sau khi chúng tôi phát hiện ra thế nào là mỉa mai thì mỗi khi gặp một tác phẩm tồi đến mức buồn cười của ai đó, chúng tôi lại bảo: “Ừ phải rồi! Đưa thẳng tới Phòng Tranh được đấy!”
Nhưng chúng tôi có thực sự tin ở Phòng Tranh không? Giờ thì tôi không chắc. Như tôi đã nói, chúng tôi chẳng bao giờ nhắc đến nó với các giám thị, và giờ đây nhìn lại, tôi thấy dường như đó là một thứ luật chúng tôi tự áp đặt cho mình, cũng như bất cứ điều gì mà các giám thị đã quyết. Có một chuyện tôi vẫn nhớ, là hồi chúng tôi khoảng mười một tuổi. Một buổi sáng mùa đông ngày nắng, chúng tôi đang ở trong Phòng 7. Vừa hết tiết học của thầy Roger, vài đứa vẫn nán lại để tán chuyện với thầy. Chúng tôi ngồi ở bàn, tôi không thể nhớ chính xác chúng tôi đã nói chuyện gì, nhưng thầy Roger, cũng như mọi khi, làm chúng tôi cười phá lên mãi. Carole H. vừa cười rúc rích vừa nói: “Thậm chí thầy có thể chọn nó cho Phòng Tranh cũng được!” Rồi nó lập tức đưa tay lên che mồm mà thốt lên “Ôi cha!”, và bầu không khí vẫn tiếp tục nhẹ nhõm như bình thường, nhưng tất cả chúng tôi, kể cả thầy Roger đều hiểu rằng nó đã phạm sai lầm. Thật ra thì không phải chuyện gì ghê gớm cả: cũng chẳng có gì khác so với nếu một đứa trong bọn tôi thốt ra một từ thô tục hoặc dùng tên lóng của một giám thị ngay trước mặt ông ta hay bà ta thôi. Thầy Roger cười với vẻ nuông chiều, như thể muốn nói: “Cho qua đi, chúng ta sẽ vờ như em chưa nói thế bao giờ cả,” và chúng tôi tiếp tục chuyện trò như trước.
Nếu như đối với chúng tôi Phòng Tranh nằm ở một cảnh giới mơ hồ thì có một thực tế khá rõ ràng, là cứ mỗi năm hai lần – đôi khi ba hoặc bốn lần – Madame lại đến Hailsham để chọn những tác phẩm tốt nhất của chúng tôi. Chúng tôi gọi bà là “Madame” bởi bà là người Pháp hoặc người Bỉ – chúng tôi có lần cãi nhau xem bà là dân nước nào – và bởi bản thân các giám thị cũng luôn luôn gọi bà như vậy. Bà là một phụ nữ cao, gầy nhẳng, tóc ngắn, có lẽ vẫn còn khá trẻ mặc dù hồi đó chúng tôi không nghĩ về bà như vậy. Bà luôn luôn mặc bộ đồ màu xám chải chuốt, và không như những người làm vườn, không như các lái xe thường chở các thứ nhu yếu đến cho chúng tôi – hầu như không giống bất cứ ai từ bên ngoài vào – bà chẳng bao giờ trò chuyện với chúng tôi mà giữ một khoảng cách bằng cái nhìn lạnh nhạt. Suốt nhiều năm chúng tôi cho rằng bà “kiêu kỳ”, nhưng rồi một tối nọ, hồi chúng tôi khoảng tám tuổi, Ruth lại nảy ra một các giải thích khác.
“Bà ấy sợ tụi mình,” cô tuyên bố.
Chúng tôi đang nằm trong bóng tối phòng ngủ. Hồi còn ở lớp Sơ chúng tôi được phân mười lăm đứa một phòng nên thường không có cái kiểu thủ thỉ tâm tình như khi chuyển qua phòng ngủ của lớp Cao. Nhưng hầu hết các thành viên “nhóm” của chúng tôi sau này thì ngay từ hồi đó cũng đã có giường kê gần nhau, nên chúng tôi có thói quen chuyện trò mãi đến đêm khuya.
“Sợ tụi mình, ý cậu là sao” ai đó hỏi. “Làm sao mà bà ấy lại sợ tụi mình được? Tụi mình có làm gì bà ấy đâu?”
“Mình không biết,” Ruth nói. “Mình không biết, nhưng mình tin chắc là bà ấy sợ. Trước đây mình vẫn nghĩ bà ấy chỉ kênh kiệu thôi, nhưng giờ mình tin chắc thật ra thì khác. Madame sợ tụi mình.”
Suốt mấy ngày kế tiếp, thỉnh thoảng chúng tôi lại bàn về chuyện đó. Hầu hết chúng tôi không đồng ý với Ruth, nhưng điều đó chỉ khiến cho cô càng thêm quyết tâm chứng minh mình đúng. Thế là rốt cuộc chúng tôi thống nhất một kế hoạch để thử nghiệm giả thuyết của Ruth khi Madame đến Hailsham lần sau.
Mặc dù những lần Madame đến không bao giờ được báo trước, song hầu như luôn có thể thấy rõ khi nào bà ta sắp đến. Mấy tuần trước khi bà ta đến mọi thứ đã rục rịch rồi, các giám thị sàng qua lọc lại toàn bộ các tác phẩm của chúng tôi – nào tranh, nào phác thảo, nào đồ gốm, nào luận, nào thơ. Việc này thường kéo dài ít nhất mười lăm ngày, kết cục là cứ mỗi lớp Sơ và mỗi lớp Cao lại có bốn, năm món được chọn đưa vào phòng bi-a. Phòng bi-a đóng cửa trong suốt thời gian này, nhưng nếu đứng trên bức tường thấp của sân thượng bên ngoài ta vẫn có thể nhìn thấy qua cửa sổ những thứ được chọn càng ngày càng nhiều. Khi các giám thị bắt đầu bày biện các thứ đó cho ngăn nắp lớp lang trên những cái bàn và khung vẽ, như mẫu thu nhỏ của một trong các cuộc Trao đổi của chúng tôi, ấy là lúc ta biết rằng Madame sắp đến trong ngày một ngày hai.
Vào mùa thu tôi đang nói tới ở đây, chúng tôi cần biết không phải bà ta đến vào ngày nào mà chính xác thời điểm nào bà ta sẽ xuất hiện. Thế nên ngay khi nhìn thấy các món đồ được trưng bày trong phòng bi-a, chúng tôi quyết định phân công nhau canh chừng.
Được cái nhờ địa thế của trường mà việc canh chừng rất dễ. Hailsham nằm trên một chỗ hơi trũng, bốn bề là những cánh đồng. Thế nghĩa là hầu như từ bất cứ cửa sổ phòng học nào ở ngôi nhà chính – và thậm chí từ chỗ đình tạ – ta đều có thể nhìn rõ con đường dài hẹp băng qua những cánh đồng dần đến cổng chính. Bản thân cổng thì cách khá xa, nên bất cứ xe nào vào cũng phải chạy trên lối rải sỏi dành cho xe, ngang qua nhiều bụi cây và bồn hoa rồi mới đến được sân trước ngôi nhà chính. Đôi khi suốt cả ngày chúng tôi chẳng thấy một chiếc xe nào đi dọc theo con đường hẹp đó, nhưng hôm nào thấy thì đó thường là những chiếc xe tải chở đồ nhu yếu phẩm, người làm vườn hoặc công nhân. Hiếm khi có chiếc xe hơi nào, nên đôi khi chỉ cần nhìn thấy một chiếc ở đằng xa là đủ để làm náo loạn giờ học.
Chiều hôm đó xe chở Madame bị phát hiện đang băng qua cánh đồng, trời lộng gió và chan hòa nắng, có vài đám mây mang bão bắt đầu tụ lại. Chúng tôi đang ở trong Phòng 9 – trên tầng một ngay phía trước ngôi nhà – nên khi tiếng rì rầm vang lên tú phía, thầy Frank tội nghiệp, đang cố dạy chúng tôi đánh vần, chịu không hiểu vì sao tự dưng chúng tôi lại nhấp nhổm thế kia.
Kế hoạch mà chúng tôi bày ra để thử nghiệm giả thuyết của Ruth rất đơn giản: chúng tôi – sáu đứa tất cả – sẽ phục sẵn chờ Madame ở đâu đó, rồi “bâu quanh” bà ta cùng một lúc. Chúng tôi vẫn sẽ tỏ ra đàng hoàng đúng mực, đường ai nấy đi, nhưng nếu chúng tôi chọn đúng thời điểm và bà ta giật mình thon thót thì chúng tôi sẽ thấy rõ rằng bà ta sợ chúng tôi, Ruth đoán chắc như vậy.
Mối lo chính của chúng tôi là biết đâu chúng tôi không có được cơ hội nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi bà ta nán lại Hailsham. Nhưng vì giờ học của thầy Frank sắp kết thúc nên chúng tôi có thể gặp Madame ngay dưới sân trong khi bà ta đang đỗ xe. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng ở chiếu nghỉ cầu thang, rồi theo các bạn còn lại trong lớp xuống thang, đứng la cà ngay nơi ô cửa chính. Madame vẫn đang ngồi sau tay lái, lục lọi gì đó trong cặp xách. Cuối cùng bà ta cũng chui ra khỏi xe tiến về phía chúng tôi, vẫn mặc bộ đồ màu xám thường lệ, ôm kè kè cặp xách bằng cả hai tay. Nhận được tín hiệu của Ruth cả bọn chúng tôi xổ ra, đi thẳng về phía bà ta, song như thể tất cả bọn tôi đang ở một giấc mơ. Chỉ khi bà ta đứng sững lại mỗi đứa chúng tôi mới lẩm bẩm “Xin lỗi cô” rồi tách nhau ra.
Tôi sẽ không bao giờ quên sự thay đổi kỳ lạ đã chiếm lĩnh chúng tôi khoảnh khắc ngay sau đó. Cho mãi tới khi ấy, toàn bộ cái vụ về Madame nếu không hẳn là một trò đùa thì cũng là một chuyện hết sức riêng tư mà chúng tôi chỉ muốn trong nhóm biết với nhau mà thôi. Chúng tôi chẳng mấy nghĩ xem bản thân Madame hay bất cứ ai khác sẽ bị tác động thế nào bởi nó. Ý tôi là cho tới lúc đó, đây vẫn là một chuyện khá vui vẻ vô tư, chỉ có một chút liều lĩnh. Mà thậm chí chẳng phải Madame đã làm một cái gì đó không như chúng tôi đoán trước bà ta sẽ làm: bà ta chỉ đứng sững lại, chờ chúng tôi đi ngang qua. Bà ta không thét lên, thậm chí cũng chẳng há mồm thở dốc. Nhưng tất cả chúng tôi đang quá chú tâm theo dõi phản ứng của bà ta, có lẽ thế nên điều đó mới có tác dụng đến chúng tôi đến vậy. Khi bà ta đứng khựng lại, tôi liếc nhanh lên mặt bà ta – có lẽ tất cả các bạn khác cũng vậy. Và ngay cả giờ đây tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ: cái run bắn mà bà ta đang cố nén, nỗi sợ chết khiếp của bà ta rằng một đứa trong bọn tôi có thể tình cờ chạm phải bà ta. Và mặc dù cứ tiếp tục đi, tất cả chúng tôi vẫn cảm thấy điều đó; như thể chúng tôi đang đi từ chỗ nắng sang thẳng bóng râm mát lạnh vậy. Nhưng bà ta sợ chúng tôi cũng như ai đó sợ nhện mà thôi. Chúng tôi không sẵn sàng đón nhận điều này. Chúng tôi chưa bao giờ tự hỏi bản thân chúng tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu bị ai đó xem như vậy, xem như lũ nhện.
Đến khi bằng qua sân ra tới bãi cỏ, chúng tôi đã là một nhóm khác hẳn so với cái nhóm háo hức đứng chờ Madame chui ra khỏi xe. Hannah trông như sắp òa lên khóc. Ngay cả Ruth cũng có vẻ bàng hoàng. Thế rồi một đứa trong bọn tôi – hình như là Laura – nói:
“Nếu đã không ưa chúng mình thì sao bà ta lại còn muốn có tác phẩm của chúng mình chứ? Sao bà ta không để chúng mình được yên? Ai mời bà ta đến đây kia chứ?”
Không ai trả lời, và chúng tôi tiếp tục đi về phía đình tạ, không nói gì thêm về chuyện vừa xảy ra.
Nay nghĩ lại, tôi có thể thấy rằng hồi ấy chúng tôi mới ở vào cái tuổi biết được đôi điều về chính mình – chúng tôi là ai, chúng tôi khác thế nào với các giám thị, với những người ở bên ngoài – nhưng vẫn chưa hiểu được những điều ấy có ý nghĩa gì. Tôi tin chắc rằng bạn cũng vậy, một lúc nào đó trong thời thơ ấu bạn cũng trải qua những điều như chúng tôi hôm đó; nếu không giống về chi tiết thì cũng giống ở bên trong, trong cảm xúc. Bởi thật chẳng ăn thua gì dù các giám thị đã gắng công chuẩn bị cho ta: những cuộc trò chuyện, những cuốn băng video, những buổi thảo luận, những lời cảnh báo, thảy đều không thực sự giúp ta hiểu rõ. Chẳng có gì giúp ta hiểu rõ về chính mình khi ta mới tám tuổi đầu và cả lũ cùng ở một nơi như Hailsham; khi ta có những giám thị như chúng tôi từng có; khi những người làm vườn và những người giao hàng luôn đùa bỡn, cười vui với ta và gọi ta là “cưng”.
Nhưng đồng thời, một chút của điều đó cũng len lỏi vào ta. Nó không thể không len vào, bởi tới khi có một khoảnh khắc như vậy xuất hiện, có một phần nào đó trong ta đang chờ đợi. Có thể ngay từ khi ta chỉ mới năm, sáu tuổi, đã có một tiếng thì thầm ở phía sau đầu chúng ta, nói rằng: “Một ngày nào đó, có thể không bao lâu nữa kể từ bây giờ, mi sẽ biết điều đó là thế nào.” Thế là ta đợi, cho dù ta không biết rõ lắm về điều đó, đợi cái khoảnh khắc khi ta nhận ra rằng thật ra ta khác tất cả bọn họ; rằng ngoài kia có những người như Madame, họ chẳng ghét ta hay muốn làm hại ta, nhưng dẫu vậy chỉ cần nghĩ đến ta – nghĩ đến chuyện ta đã đến thế giới này bằng cách nào và tại sao lại đến – là họ đã rùng mình, họ khiếp đảm khi nghĩ đến cái nỗi bàn tay ta chạm vào tay họ. Lần đầu tiên ta nhìn chính mình qua mắt kẻ khác như vậy, đó là một khoảnh khắc lạnh giá. Cũng giống như ta đi ngang qua một tấm gương mà ngày nào trong đời mình ta cũng đi qua, thế rồi đột nhiên tấm gương cho ta thấy một cái gì khác, một cái gì khó chịu và xa lạ.