Tôi không chắc cái vụ “cận vệ mật” ấy kéo dài trong bao lâu. Khi chúng tôi nói lại chuyện đó trong thời gian tôi chăm sóc Ruth tại trung tâm Dover, cô ấy bảo vụ đó chỉ kéo dài khoảng hai ba tuần thôi, nhưng hầu như chắc chắn không phải vậy. Có lẽ cô hơi bối rối về chuyện ấy nên toàn bộ câu chuyện đã rút ngắn lại trong ký ức của cô. Tôi thì đoán rằng vụ đó kéo dài trong khoảng chín tháng, có khi một năm không chừng – khoảng thời gian chúng tôi bảy tuổi và sắp lên tám.
Tôi chẳng bao giờ biết chắc có thật Ruth là người phát minh ra vụ cận vệ mật, nhưng nhất định cô là thủ lĩnh. Bọn chúng tôi gồm từ sáu đến mười đứa, mỗi khi Ruth cho phép một thành viên mới nhập hội hoặc khai trừ ai đó thì con số này lại thay đổi. Chúng tôi tin rằng cô Geraldine là giám thị tốt nhất ở Hailsham, nên chúng tôi làm những món quà để tặng cô – tôi nhớ ngay đến một tờ giấy to trên đó dán đầy hoa ép. Nhưng lý do chính để hội chúng tôi tồn tại là để bảo vệ cô.
Vào thời điểm tôi nhập hội, từ rất lâu Ruth và những người khác đã biết về âm mưu bắt cóc cô Geraldine. Chúng tôi chẳng bao giờ biết đích xác ai đứng đằng sau vụ đó. Đôi khi chúng tôi nghi ngờ một số đứa con trai các lớp Cao, có lúc thì lại nghi bọn con trai ở chính khóa của chúng tôi. Có một giám thị chúng tôi không ưa lắm – một cô Eileen nào đó – mà có một dạo chúng tôi cho là đầu não của toàn bộ vụ này. Chúng tôi không biết vụ bắt cóc khi nào sẽ xảy ra, nhưng có một điều chúng tôi tin chắc, đó là khu rừng sẽ có vai trò trong cái mưu đồ ấy.
Rừng ở đây là khu rừng trên đỉnh ngọn đồi ngay sau ngôi nhà chính của Hailsham. Thật ra chúng tôi chỉ nhìn thấy một dải cay tối sẫm, nhưng nhất định hồi ở tuổi đó tôi không phải là người duy nhất cảm thấy sự hiện diện của nó dù ngày hay đêm. Mỗi khi xấu trời, khu rừng như hắt bóng trùm lên toàn bộ Hailsham; chỉ cần quay đầu hoặc đi lại phía cửa sổ là ta lại thấy nó lù lù đằng xa. An toàn nhất là ở phần trước ngôi nhà chính, bởi nhìn từ cửa sổ nào ra cũng không thấy khu rừng. Nhưng dù có vậy đi nữa, ta cũng chẳng bao giờ rũ bỏ được nó.
Có đủ thứ chuyện kinh khủng về khu rừng đó. Có lần, không lâu trước khi bọn chúng tôi đến Hailsham, một đứa con trai cãi nhau om sòm với bạn rồi bỏ chạy ra ngoài ranh giới của Hailsham. Hai ngày sau người ta phát hiện ra xác nó trên khu rừng nọ, bị trói chặt vào một thân cây, bàn tay và bàn chân bị chặt hết cả. Một lời đồn khác thì bảo có một bóng ma con gái lang thang qua những ngọn cây kia. Hồn ma đó vốn là học sinh ở Hailsham, một ngày nọ cô ta trèo qua hàng rào chỉ vì muốn xem ngoài kia thế nào. Chuyện đó xảy ra rất lâu trước khóa chúng tôi, hồi các giám thị còn nghiêm khắc hơn nhiều, thậm chí là tàn ác, thành thử khi cô ta muốn quay trở vào thì người ta không cho. Cô ta cứ lẵng nhẵng bên ngoài hàng rào, vật nài người ta cho vào lại, nhưng chẳng ai cho. Cuối cùng cô ta bỏ đi đâu đó, chuyện gì đó xảy ra và cô ta chết. Nhưng bóng ma cô ta vẫn luôn luôn lẩn quất trong rừng, nhìn đau đáu về Hailsham, mỏi mòn khao khát được vào trở lại.
Các giám thị luôn mồm nhắc đi nhắc lại rằng mấy câu chuyện đó thảy đều tầm phào. Nhưng các học sinh lớp lớn thị lại bảo rằng hồi nhỏ chính họ đã được nghe các giám thị kể như thế, và chúng tôi nên được biết sớm về cái sự thật khủng khiếp, như họ vậy.
Khu rừng kích thích trí tưởng tượng của chúng tôi nhiều hơn cả về ban đêm, khi ở trong phòng cả bọn đang cố ngủ thiếp đi. Ta hầu như có thể nghĩ mình nghe thấy tiếng gió rung xào xạc những cành cây, và nói ra điều đó thì chỉ tổ khiến mọi chuyện thêm tồi tệ. Tôi nhớ có một đêm, khi chúng tôi nổi đóa với Marge K. – con bé đã làm một việc gì đó khiến cả bọn bực mình suốt cả ngày – nên quyết định phạt nó bằng cách lôi nó ra khỏi giường, bắt nó phải quay mặt về phía cửa sộ và lệnh cho nó phải nhìn lên khu rừng. Đầu tiên con bé nhắm tịt mắt lại, nhưng chúng tôi vặn tay nó và cậy mi mắt nó ra cho tới khi nó nhìn thấy đường viền khu rừng xa xa, nổi bật trên nền trời sáng ánh trăng, chừng đó là đủ để nó khóc thút thít suốt đêm và khiếp đảm.
Tôi không nói rằng hồi tuổi đó chúng tôi cứ suốt ngày lo ngay ngáy về chuyện khu rừng. Chẳng hạn như tôi có khi hàng mấy tuần liền hầu như chẳng có lúc nào nghĩ tới nó, thậm chí có những hôm, một cơn can đảm đầy táo tợn còn khiến tôi nghĩ: “Làm sao chúng mình lại đi tin những điều vớ vẩn như thế được?” Nhưng rồi chỉ cần một chuyện nhỏ thôi – ai đó kể lại một trong những câu chuyện kia, một đoạn văn sởn da gà trong sách, thậm chí ai đó tình cờ nhắc ta nhớ lại khu rừng – là lại bắt đầu một thời kỳ mới chúng tôi bị cái bóng ma đó ám ảnh. Chẳng có gì lạ khi chúng tôi cho rằng khu rừng sẽ đóng vai trò trọng yếu trong âm mưu bắt cóc cô Geraldine.
Tuy nhiên, cụ thể thì tôi lại không nhớ chúng tôi đã có những bước thực tế nào để bảo vệ cô Geraldine hay không; hoạt động của chúng tôi luôn chỉ xoay quanh việc thu thập ngày càng nhiều bằng chứng về chính cái âm mưu nọ. Vì lý do gì đó, chúng tôi lấy làm hài lòng rằng việc đó sẽ ngăn không cho mối nguy nào sớm xảy ra.
Hầu hết “bằng chứng” của chúng tôi xuất phát từ việc chứng kiến những kẻ chủ mưu đang bày mưu tính kế. Chẳng hạn, một buổi sáng nọ chúng tôi ngồi ở một phòng học trên lầu hai quan sát cô Eileen và thầy Roger trò chuyện với cô Geraldine ở dưới sân. Một lát sau cô Geraldine chào hai người kia rồi đi về phía Vườn Cam, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục quan sát, thì thấy cô Eileen và thầy Roger chụm đầu vào nhau và trao đổi một cách lén lén lút lút, mắt nhìn chăm chăm vào dáng người cô Geraldine đang đi xa dần.
“Thầy Roger,” thấy vậy Ruth thở dài, lắc đầu. “Ai mà đoán được rằng thầy cũng dính vào?”
Bằng cách đó chúng tôi lập danh sách những người chúng tôi biết có can dự vào âm mưu đó – các giám thị và học sinh nào mà chúng tôi tuyên bố là kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi. Thế nhưng, hẳn bao giờ chúng tôi cũng biết những chuyện hư cấu của mình dựa trên cơ sở chông chênh đến thế nào, bởi chúng tôi luôn tránh đối đầu trực diện. Sau nhiều hồi thảo luận rất ghê, chúng tôi có thể xác định rằng một học sinh nào đó là kẻ chủ mưu, nhưng rồi chúng tôi luôn tìm ra một lý do để không cật vấn nó ngay, mà phải “đợi đến khi chúng ta có toàn bộ bằng chứng” đã. Tương tự, chúng tôi luôn nhất trí rằng không nên để cô Geraldine nghe thấy một chữ nào về những gì chúng tôi phát hiện được, kẻo cô lại lo lắng không đâu.
Sẽ quá dễ nếu cho rằng chính Ruth là người đã duy trì cái trò cận vệ mật này mãi một thời gian dài sau khi chúng tôi đã đủ lớn để thôi không chơi trò đó nữa. Quả vậy, cái vụ bảo vệ này rất quan trọng với cô. Cô biết về âm mưu đó trước tất cả chúng tôi rất lâu, bởi vậy mà cô có quyền lực to lớn; bằng cách nói bóng gió rằng chứng cứ thực sự đã có được từ lâu trước khi những người như tôi nhập hội – rằng có những điều mà cô chưa tiết lộ ngay cả với chúng tôi – cô có thể biện minh rằng mình có quyền quyết định thay cho cả nhóm. Nếu cô đã quyết định phải khai trừ ai đó mà cảm thấy có người phản đối, cô lại nói xa xôi một cách độc địa về những chuyện mà cô “đã biết trước.” Không thể nghi ngờ gì, rằng Ruth rất muốn chuyện này tiếp diễn mãi. Nhưng sự thực là, những ai trong chúng tôi đã chơi thân với cô từ nhỏ, mỗi chúng tôi đều góp phần duy trì câu chuyện hoang đường đó, sao cho nó kéo dài càng lâu càng tốt. Những gì xảy ra sau cuộc tranh cãi om sòm về ván cờ chứng minh khá rõ điều tôi vừa nói.
Tôi vẫn cho rằng Ruth là một chuyên gia có hạng về cờ vua và chắc cô có thể dạy tôi chơi môn đó. Điều ấy chẳng phải điên rồ lắm đâu: mỗi khi chúng tôi đi ngang qua những học sinh lớp trên đang ngồi bên cửa sổ hoặc trên triền cỏ mà cúi mình xuống bàn cờ, Ruth thường dừng lại để quan sát một ván cờ. Và khi chúng tôi lại đi tiếp, cô thường bảo tôi về một vài nước mà cô nhìn ra nhưng cả hai người chơi không thấy. “Ếch ơi là ếch,” cô vừa lẩm bẩm vừa lắc đầu. Điều đó càng khiến tôi thêm thích thú, và chẳng bao lâu tôi đâm muốn chính mình cũng được đắm vào những quân cờ sặc sỡ kia. Thế nên khi tôi tìm thấy một bộ cờ ở một buổi Bán hàng và quyết định mua – mặc dù phải mất rất nhiều thẻ đổi hàng –, tôi những mong Ruth sẽ giúp.
Thế nhưng mấy ngày sau, hễ tôi nhắc đến chuyện cờ quạt là cô thở dài, vờ như có việc gì đó rất gấp phải làm. Khi rốt cuộc tôi cản được đường cô vào một buổi chiều mưa và chúng tôi bày bàn cờ ra trong phòng bi-a, cô bắt đầu trình bày cho tôi một trò chơi hao hao giống cờ đam. Theo cô, nét đặc trưng của cờ vua là mọi quân cờ đều di chuyển theo hình chữ L – chắc cô suy ra vậy khi quan sát quân mã – chứ không theo kiểu nhảy ếch như cờ đam. Tôi không tin, và thất vọng lắm, nhưng tôi quyết định không nói gì mà cứ để vậy. Trong khoảng vài phút chúng tôi cứ kiểu ấy mà hạ quân của nhau trên bàn cờ, quân cờ nào khi tấn công cũng đều di chuyển theo hình chữ “L”. Trò ấy tiếp diễn cho đến khi tôi cố hạ quân của cô và cô kêu lên rằng nước ấy không tính vì tôi đã chuyển quân của mình đến quân của cô theo một đường quá thẳng.
Đến nước ấy thì tôi đứng dậy, gói ghém bộ cờ lại rồi bỏ đi. Tôi không nói thẳng thừng ra là cô không biết chơi – dù thất vọng nhường nào đi nữa, tôi vẫn biết không nên đi xa đến thế – nhưng việc tôi đùng đùng bỏ đi chắc hẳn đã đủ hùng hồn đối với cô.
Có lẽ một ngày sau đó, tôi bước vào Phòng 20 ở tầng trên cùng của ngôi nhà, ở đó thầy George đang dạy lớp thơ. Tôi không nhớ lúc ấy mình đang cầm sách trong tay, và trong khi tôi tiến về chỗ Ruth và các bạn khác đang trò chuyện, có một mảng nắng chói đổ ngang qua những nắp bàn mà trên đó hội nọ đang ngồi.
Xét theo cái cách hội kia chụm đầu vào nhau, tôi biết rằng chúng đang bàn về chuyện cận vệ mật, và mặc dù, như tôi đã nói, vụ xích mích với Ruth chỉ mới xảy ra hôm trước, nhưng vì lý do nào đó tôi cứ đi thẳng về phía hội kia mà không nghĩ ngợi gì. Chỉ khi đã đứng ngay trước mặt chúng – có lẽ hội nọ đã trao đổi cái nhìn với nhau – thì tôi mới đột nhiên hiểu điều gì sắp sửa xảy ra. Nó cũng giống như cái khoảnh khắc nhỏ hơn một giây trước khi giẫm vào một vũng nước, ta biết rằng nó có đó, nhưng ta chẳng thể làm gì được cả. Tôi cảm thấy bị tổn thương ngay cả trước khi cả bọn im bặt nhìn chằm chằm vào tôi, ngay cả trước khi Ruth nói: “Ồ Kathy, cậu khỏe chứ? Nếu cậu không phiền, chúng mình đang có ít việc cần bàn. Chỉ một phút nữa là xong thôi. Xin lỗi nhá.”
Cô chưa nói hết câu thì tôi đã quay lưng lại đi khỏi, tự giận mình sao lại tự dẫn xác vào chuyện này hơn là giận Ruth hay những người khác. Tôi rất đau khổ, chắc chắn vậy, mặc dù tôi không biết mình có thực sự khóc không. Và suốt mấy ngày sau, mỗi khi thấy nhóm cận vệ mật chụm đầu bàn bạc trong một góc hay đi ngang qua cánh đồng, tôi lại cảm thấy máu dồn lên má.
Thế rồi khoảng hai hôm sau cái lần bị hắt hủi ở Phòng 20, tôi đang bước xuống cầu thang ngôi nhà chính thì bắt gặp Moira B. ở ngay sau lưng. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện – chẳng về chuyện gì đặc biệt – và cùng nhau ra khỏi ngôi nhà. Chắc hẳn lúc đó là giờ nghỉ ăn trưa bởi trong khi chúng tôi bước vào sân trước, có khoảng hai mươi học sinh đang tha thẩn loanh quanh, tụm năm tụm ba tán gẫu. Mắt tôi lập tức chuyển sang mé cuối sân trước, nơi Ruth và ba đứa khác trong nhóm cận vệ mật đang đứng với nhau, quay lưng về phía tôi, dán mắt về phía Sân chơi phía Nam một cách đầy chủ ý. Tôi đang cố nhìn xem có cái gì mà nhóm kia quan tâm đến vậy, nhưng rồi nhận rằng Moira ở bên cạnh tôi cũng đang quan sát chúng. Thế rồi tôi chợt nhớ ra chỉ mới một tháng trước Moira cũng là một thành viên của nhóm cận vệ mật và đã bị khai trừ. Trong khoảng vài giây sau đó tôi cảm thấy lúng túng ghê gớm vì hai chúng tôi đây giờ lại đứng cạnh nhau, cùng chung nỗi niềm vừa bị hạ nhục, thực sự là nhìn trực diện vào cái thân phận bị chối bỏ của mìn, có thể nói vậy. Có lẽ Moira cũng cảm thấy tương tự như tôi; dù thế nào đi nữa, chính cô là người lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
“Cái vụ cận vệ mật này, thật xuẩn quá. Làm sao chuyện như thế mà chúng vẫn cứ tin cơ chứ? Cứ như chúng nó đang còn ở lớp Ấu không bằng.”
Ngay cả giờ đây tôi vẫn thấy bối rối bởi sức mạnh dữ dội của cái cảm xúc trào lên trong tôi khi nghe Moira nói thế. Tôi quay lại phía cô, cực kỳ phẫn nộ:
“Cậu thì biết gì về chuyện đó chứ? Cậu chẳng biết quái gì hết, bởi cậu đã đứng ngoài từ lẩu từ lâu rồi. Nếu cậu biết chúng mình đã phát hiện được những gì thì cậu đã chẳng dám ăn nói ngớ ngẩn thế.”
“Đừng nói vớ vẩn,” Moira chưa bao giờ là kẻ dễ chịu lép về. “Chỉ lại một trò do Ruth bịa ra, thế thôi.”
“Thế chính mình đã nghe người ta bàn về chuyện đó thì sao nào? Bàn chuyện bắt cô Geraldine đưa vào rừng bằng chiếc xe tải chở sữa ấy? Làm thế nào chính mình đã nghe được chúng bày mưu tính kế, chẳng liên quan gì đến Ruth hay ai hết cả?”
Moira nhìn tôi, giờ tỏ vẻ phân vân. “Chính cậu nghe được à? Làm thế nào? Khi nào?”
“Mình nghe chúng bàn bạc, rõ như ban ngày ấy, nghe từng chữ một, chúng không biết mình đang ở đó. Dưới chỗ cái ao thì chúng không biết mình có thể nghe được. Giờ thì cậu hiểu cậu biết cái gì rồi chứ?”
Tôi bước chéo qua trước mặt cô, bỏ đi, và khi đang đi ra sân chơi đông người, tôi ngoái lại nhìn hình dáng Ruth và những người khác, họ vẫn đang dán mắt về phía Sân chơi phía Nam. Và tôi nhận ra mình hoàn toàn không giận họ chút nào nữa; chỉ là hết sức bực mình với Moira thôi.
Ngay cả bây giờ, mỗi khi dong xe trên một con đường dài xám xịt và ý nghĩ tôi không hướng vào cái gì đặc biệt, tôi vẫn thường trở đi trở lại với những ký ức đó. Tại sao tôi lại thù địch đến thế với Moira B. hôm đó, trong khi Moira thực ra là một đồng minh hiển nhiên? Có lẽ là vì lúc đó Moira gợi ý rằng cô và tôi hãy cùng nhau vượt qua một ranh giới nào đó, còn tôi thì còn chưa sẵn sàng cho việc ấy. Có lẽ vì tôi cảm thấy rằng bên ngoài cái lằn ranh này có một cái gì đó rắn hơn, tối hơn, mà tôi không mong muốn. Không muốn cho tôi, không muốn cho bất cứ ai trong số chúng tôi.
Nhưng rồi những lúc khác thì tôi lại nghĩ rằng không phải vậy – chuyện ấy liên quan là liên quan đến tôi và Ruth, đến cái kiểu trung thành mà cô đã khơi lên trong tôi ngày đó. Và có lẽ chính vì vậy, dẫu có những lần tôi thực sự muốn, nhưng tôi đã chẳng bao giờ nhắc đến chuyện đó – chuyện xảy ra ngày hôm đó giữa tôi với Moira – trong suốt khoảng thời gian tôi chăm sóc Ruth ở trung tâm điều dưỡng Dover.